Monday 7 March 2016

Trần Trung Đạo: Hạnh Ngộ Đầu Năm

Kỷ niệm. Một đời không hẳn là dài, một ngày không hẳn là ngắn, nhưng là những gì được đóng khung trong ký ức sau khi hầu hết đã phôi phai.

Chúng ta, những giọt nước chảy trong cùng một giòng sông, cùng trôi qua những bến bờ, có lúc êm đềm, lắm khi ghềnh thác, rất riêng tư, xa cách nhưng cũng vô cùng gần gũi. Có thể lúc nào đó không nhận ra nhau, không tìm thấy nhau, hay quên nhau đi, nhưng nếu còn duyên, rồi một ngày sẽ gặp lại nhau như tôi đã gặp lại bà Vú, chủ quán Cà Phê Bà Vú ở đầu hẻm 220 Trương Minh Giảng, Sài Gòn trong ngày đầu năm dương lịch ở Atlanta.

Nhớ lại hơn hai năm trước, tôi đến Atlanta tham dự một chiều thơ nhạc. Chương trình khá dài. Đến cuối chương trình, đa số khán giả đã lần lượt ra về, tôi nhìn xuống, ngoài thân hữu văn nghệ, vẫn còn một gia đình đồng hương, có vẻ xa lạ với các sinh hoạt thơ văn, ngồi im lặng như đang chờ ai ở phía cuối hội trường. Thì ra họ chờ tôi.

Người đàn ông dắt theo hai con còn nhỏ. Anh đưa một bài thơ được in ra từ internet và hỏi tôi về sự tích bài thơ. Dĩ nhiên tôi biết vì là tác giả của bài thơ đó. Bài thơ tôi viết để tưởng nhớ bà Vú, chủ quán cà phê ở đầu hẻm 220 Trương Minh Giảng, bên hông đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn.

Anh tự giới thiệu là con trai của Vú. Cô bé đứng cạnh anh với cặp mắt đỏ hoe báo tôi biết “Bà nội qua đời rồi chú ạ”.

Anh trao cho tôi vài tấm hình của Vú chụp vào tháng 6, 2003. Tôi bồi hồi nhìn ảnh Vú. Tôi không nhớ chính xác mình viết bài thơ ngày nào nhưng chắc cũng vào thời điểm đó. Khi viết bài thơ, tôi đoán chừng tuổi Vú và có linh cảm Vú đã qua đời nên mới có hai câu cuối cùng “Nơi Vú ở không bạc tiền vẫn sống / Nén hương lòng con trả Vú bằng thơ”. Vì thấy một số khá đông người cũng đang chờ gặp tôi nên anh và các cháu vội chào từ giã. Khi anh và các cháu đi rồi tôi mới chợt nhớ ra mình sơ sót, chưa kịp hỏi Vú mất ngày nào và chôn cất ở đâu.

Tôi mang tấm ảnh về lại Boston và trưng bày trang trọng trong website của tôi với hàng chữ: “Vừa chính thức biết tin Vú đã qua đời, chúng con, cựu sinh viên đại học Vạn Hạnh thắp nén hương lòng tưởng niệm Vú. Dù không dạy môn nào và chưa hề đi học ở Vạn Hạnh, Vú đã là một phần của huyền thoại Vạn Hạnh”.

Tết Dương Lịch năm nay, tôi trở lại Atlanta lần nữa để tham dự một sinh hoạt của bà con Quảng Nam Đà Nẵng. Hội Đồng Hương Quảng Nam Đà Nẵng ở Georgia tròn 15 tuổi. Khi tôi vừa bước xuống khỏi sân khấu sau khi phát biểu vài lời, một chị khoảng ngoài 60 tuổi đến gặp tôi và tự giới thiệu là con gái đầu của Vú, chủ quán cà phê đầu hẻm 220 Trương Minh Giảng. Tôi thật mừng. Lần trước gặp con trai của Vú và nay thì được gặp con gái Vú. Chị đến tìm tôi không phải chỉ vì tôi là tác giả bài thơ, điều đó chị và gia đình đã biết, nhưng quan trọng hơn, ngày Tết Dương Lịch cũng là ngày giỗ của Vú. Chị gặp để mời tôi đi đám giỗ Vú. Tôi rất vui đón nhận một nhân duyên thật tốt lành vừa đến.

Khi tôi đến cả gia đình rất mừng như đón một người thân vừa từ xa trở về trong ngày giỗ Vú. Tấm hình trên bàn thờ chụp khá lâu nên rất giống Vú thời còn vất vả ngoài hẻm 220. Vú mất vào ngày cuối năm của 2003 và được an táng ở Atlanta. Gia đình cho biết, Vú ngã bịnh sau lễ Giáng Sinh, được đưa vào bịnh viện, chỉ 5 ngày thì Vú ra đi trong nhẹ nhàng thanh thản. Sau hơn 35 năm, sợi nhân duyên kỳ diệu đã nối kết chúng tôi lại với nhau dù ở một nơi cách con hẻm 220 Trương Minh Giảng nhiều ngàn dặm và trong hoàn cảnh kẻ còn người mất.

Tôi cũng gặp lại cô bé bưng cà phê cho chúng tôi mỗi sáng, bây giờ, đương nhiên không còn là cô bé nữa. Chúng tôi không nhận ra nhau vì ngày đó cô mới khoảng 13,14 tuổi. Thời gian đã phủ nhiều bụi trắng lên mái tóc của mỗi chúng tôi nhưng kỷ niệm thì không. Chúng tôi và các anh chị trong gia đình đều nhớ rõ từng chi tiết của một thời thân thương nhưng cũng đầy sóng gió đã qua.

“Cô bé” kể lại những ngày còn khỏe Vú thường nhắc đến chúng tôi, không phải do chuyện nợ nần đã trở thành sương khói mà bởi vì chúng tôi là một phần trong đời sống vui buồn của Vú. Sau Mậu Thân, tại đầu con hẻm 220 Trương Minh Giảng, bên hông đại học Vạn Hạnh, là nơi Vú đã cất lên chiếc quán cà phê bằng hai tấm vải ny-lông nối hai đầu một chiếc xe đẩy. Quán không có tên. Chúng tôi cũng không biết tên thật của Vú nên chỉ gọi là Cà Phê Bà Vú. Mà dù có biết tên thật, theo truyền thống Vạn Hạnh, có lẽ chúng tôi cũng đã gọi bà là bà Vú như chúng tôi gọi Hòa Thượng Viện Trưởng là ông ngoại. Cả hai cách gọi đều có tính gia đình, rất gần gũi, rất thương yêu nhưng không thiếu phần tôn kính.

“Cô bé” cũng kể, trước ngày đi khỏi Việt Nam Vú đã xé bỏ cuốn sổ “Đoạn Trường” ghi ngang dọc mấy trăm tên con nợ, dĩ nhiên trong đó có tên tôi. Thật ra, nợ tiền nhà và cơm tháng thì nhiều nhưng nợ cà phê cà pháo thường không là bao nhiêu. Con nợ của Vú đa số là sinh viên đến từ các tỉnh. Dân có gia đình ở Sài Gòn như tôi chỉ thiếu một vài ngày là trả hết. Tôi còn nhớ rất rõ, sổ nợ là cuốn vở xích-lô 100 trang, trên gáy vở Vú xoi một lỗ nhỏ và móc vào đó một sợi dây. Vú treo “cuốn sổ đoạn trường” trên đầu xe đẩy để vừa khỏi bị ướt và vừa dễ lấy xuống khi cần.

Nhìn cuốn sổ đong đưa những tên thiếu nợ nhiều chỉ thầm mong nước sôi văng trúng tên mình. Mỗi khi ký sổ bọn tôi còn phải giúp Vú dò tên con nợ. Nhiều đứa biết chính xác tên mình được Vú đánh vần sai ra sao, viết màu gì và nằm trong trang thứ mấy. Bên kia đường cũng như chung quanh chợ Trương Minh Giảng có nhiều quán cà phê khang trang hơn và ngay cả phòng ăn của trường trên lầu hai cũng sạch sẽ hơn, nhưng như một thói quen chúng tôi chỉ thích chen chúc nhau ở quán cà phê của Vú.

Ngày đó Trung Tâm Ngôn Ngữ đã xây xong nhưng hàng rào thì chưa. Chúng tôi ngồi dọc theo những cột xi-măng chạy từ đường Trương Minh Giảng cho đến tận bên trong hẻm. Những chiếc bàn sắp dọc theo bờ tường xiêu vẹo. Buổi tối Vú không đẩy xe về mà chỉ hạ hai tấm ny-lông xuống che chiếc xe chất đầy bàn ghế. Tôi hay chọc Vú cười và thường phàn nàn khi Vú quên chấm một chút bơ vào ly cà phê sữa nóng của mình nên nếu còn sống có thể Vú nhận ra thằng sinh viên ốm yếu có giọng Quảng ồn ào ngày xưa.

“Cô bé” kể có lần Vú về Việt Nam và ghé thăm góc hẻm 220 đầy kỷ niệm. Cả gia đình Vú ngồi ngay tại nơi chúng tôi đã ngồi ngày trước. Vú không nói ra nhưng hẳn đã thầm tự hỏi “không biết đám sinh viên nghèo đó bây giờ ra sao”.

Tôi chưa về nhưng cũng đã nhiều lần ngồi như Vú để lắng nghe từng giọt cà phên đen nhỏ xuống đời mình và cũng bâng khuâng tự hỏi “không biết Vú già xưa bây giờ ra sao”.

Quán cà phê của Vú tuy không nằm trong khuôn viên trường và hẳn nhiên không thuộc quyền quản trị của Hội Đồng Viện nhưng mỗi khi nhắc đến trường cũ, chúng tôi không quên nhắc đến quán cà phê trong cùng một cảm tình như khi nhắc đến thư viện, thiền viện, phòng văn mỹ nghệ, trung tâm sinh hoạt sinh viên, trung tâm ngôn ngữ, giảng đường 18, giảng đường 19. Trên những chiếc ghế vuông nhỏ nhoi đó, những sinh viên Vạn Hạnh, từ những nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn, những cây vợt bóng bàn nỗi tiếng cho đến những người ngày đó không ai biết như tôi, đã ngồi, đã đứng dậy và ra đi theo chọn lựa riêng của mình. Dù góc biển chân trời, và ngay cả dù không cùng một chí hướng, trong lòng vẫn còn một chút tình giữ lại cho nhau, tình Vạn Hạnh.

Ngày Tết Dương Lịch ở Atlanta, tôi thay mặt bạn bè, thắp nén hương trước bàn thờ hương linh Vú và thưa nhỏ “Con đến thăm Vú”.

Tôi thật xúc động, không phải vì đau buồn mà vì nghe từ đáy lòng mình đang dâng lên một niềm vui rất lạ. Cả gia đình với rất đông con cháu của Vú cũng thế. Chúng tôi kể nhau nghe nhiều chuyện vui như có Vú đang ngồi đâu đó trong phòng, lắng nghe và mỉm cười.

Vú đã ra đi. Vâng, một ngày nào đó tôi cũng thế, nhưng sợi dây nhân duyên không vì chuyện sống chết mà đứt đoạn. Sợi dây tình người đã và đang nối dài từ thế hệ này sang thế hệ khác, cho quê hương và cho dân tộc Việt Nam.

Tôi có ý định ra thăm mộ Vú nhưng hôm đám giỗ Vú trời mưa quá lớn. Nhìn những hạt mưa rơi trên đường về lại hội trường, tôi chợt nghĩ, những giọt nước kia phải chăng đã một lần nhỏ xuống tấm ny-lông che quán cà phê nghèo nàn của Vú ở đầu hẻm 220 Trương Minh Giảng, đã hòa vào dòng kinh đen Nhiêu Lộc, đã trôi xa, bốc thành mây và cuối cùng đã tìm được ra nhau giữa xứ người xa lạ trong buổi hạnh ngộ đầu năm. Và tôi chợt nhớ tha thiết một quán cà phê khác, trong một thành phố khác.

Trần Trung Đạo

—————————————–

 
Nhớ Café Bà Vú ở Đại Học Vạn Hạnh
 

Cuốn vở xích-lô dày đúng 100 trang
Ghi ngang dọc mấy trăm tên con nợ
Có con nợ đã bỏ đi
Có con nợ còn ở lại
Có con nợ vừa trả xong
Có con nợ ….cười trừ.

Cuốn Sổ Đọan Trường trông cũng dễ thương
Nhưng có khối kẻ chưa nhìn đã sợ
Thầm ước: “Tối nay trời mưa trôi dùm ông con số nợ
để sáng mai ông hiên ngang làm lại cuộc đời.”

Những chiếc ghế thấp, bàn vuông, chen lấn nhau ngồi
Trung bình một tách Café, 4 bình trà nóng
Vú vẫn vui như người mẹ hiền kiên nhẫn
Gắng gượng nhìn đàn con (nợ) ký sổ mỗi ngày.

Những con nợ nghèo nhưng thích sống trên mây
Nợ Vú trả chưa xong đã bàn nợ nước
Chưa ra khỏi nhà đã tả cảnh núi rừng xuôi ngược
Vá túi chưa xong nhưng toan tính chuyện vá trời.

Tương lai cụt dần như con hẻm 220
Quá khứ đen như con kinh Nhiêu Lộc bốc mùi hôi quanh năm suốt tháng
Chiều mưa lớn nước ngập chân cầu Trương Minh Giảng
Hai tấm ny-lông không đủ che quán Vú nghèo nàn.

Những đứa con (nợ) của Vú ngày nào
Lần lượt đi xa
Đứa xuống phố làm quan
Đứa lên rừng làm giặc
Đứa làm báo, làm văn, làm nhạc, làm thơ, làm tiền, làm luật
Đứa thích đấu tranh nên được làm tù
Buồn cuộc đời cũng có đứa đi tu.

Đôi lúc tình cờ như những chiếc lá thu
Dăm con (nợ) trở về thăm
Ngõ hẻm còn đây
Quán Café đã vắng
Nước vẫn chảy qua cầu Trương Minh Giảng
Mà Vú già xưa như mây trắng phương nào.

Những con nợ nghèo giờ biết ra sao
Có còn nhớ một thời áo cơm lận đận
Nhớ Thiền Viện, Thư Viện, Giảng Đường, người yêu, bè bạn
Nhớ người đi và nhớ kẻ không về
Tiếng nhạc buồn, ai hát để ai nghe?

Cuốn vở xích-lô dày đúng 100 trang
Cho con trả Vú hết cả lời lẫn vốn
Vú mỉm cười: “Nơi Vú ở không bạc tiền vẫn sống”
Nén hương lòng, con xin trả Vú bằng thơ.

Trần Trung Đạo