Wednesday 30 March 2016

Quá trình tranh cử vào Toà Bạch Ốc của các ứng cử viên tổng thống Mỹ

Khi so sánh quá trình tranh cử tại một quốc gia dân chủ pháp trị như Hoa Kỳ và một nước Việt Nam độc tài đảng trị nhưng dối trá mị dân, những người Việt có lương tri không khỏi xấu hổ vì quốc nhục. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Thiện Ý với tựa đề: "Quá Trình Tranh Cử Vào Tòa Bạch Ốc Của Các Ứng Cử Viên Tổng Thống Mỹ" sẽ được Hướng Dương trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là một quốc gia liên bang theo chế độ dân chủ pháp trị với bộ máy nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc tam quyền phân lập: Lập pháp hay Quốc hội, Hành pháp hay Chính phủ và Tư pháp hay Tối cao Pháp viện. Những cơ quan này hoạt động độc lập nhưng không biệt lập, mà kiểm soát, gián chỉ lẫn nhau để cân bằng cán cân quyền lực quốc gia, tránh lạm quyền.

Đứng đầu hành pháp Hoa Kỳ là tổng thống mà theo Hiến pháp Hoa Kỳ đều do dân chúng bầu lên với nhiệm kỳ 4 năm và chỉ được tái cử một lần. Tổng thống đương nhiệm Barrack Obama, là tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ, sẽ chấm dứt nhiệm kỳ thứ hai và cũng là cuối cùng vào cuối năm nay. Năm nay là năm bầu cử tổng thống thứ 45.

Theo Luật ứng cử và bầu cử Hoa Kỳ thì mọi công dân hội đủ các điều kiện luật định đều có quyền ra ứng cử tổng thống với tư cách cá nhân hay đại diện cho một chính đảng.

Theo truyền thống tranh cử tổng thống Hoa Kỳ, thì các hoạt động tranh cử của các ứng cử viên luôn diễn ra sôi nổi qua ba giai đoạn:

1.- Vận động tiền bầu cử, các ứng cử viên loan báo quyết định ra tranh cử, tổ chức gây quỹ và vận động tranh cử.

Giai đoạn này với các ứng cử viên thường khởi sự sớm muộn khác nhau trong năm trước năm bầu cử. Sau khi tuyên bố sẽ ra tranh cử để trở thành ứng cử viên của đảng ra tranh cử, các ứng cử viên thường tổ chức các bữa tiệc gây quỹ để có tài chánh chi phí cho cuộc vận động tranh cử thường rất tốn kém.

Sau khi gây quỹ, các ứng cử viên bắt đầu thành lập bộ tham mưu để tiến hành các hình thức vận động tranh cử theo chiến thuật, chiến lược riêng. Hình thức vận động công khai, có hiệu quả, thu hút nhiều sự chú ý của cử tri trong đảng nhất là các cuộc tranh luận (debate) trên các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình, truyền thanh, internet và tiếp xúc với quần chúng... Hiệu quả thường được ghi nhận qua các cuộc thăm dò sau các cuộc tranh luận về chủ trương, chính sách đối nội, đối ngoại giữa các ứng cử viên...

2.-Bầu cử sơ bộ trong nội bộ các chính đảng để được đề cử là ứng cử viên của đảng ra tranh cử.

Cuộc bầu cử sơ bộ này đã diễn ra trong mấy tháng qua, cử tri là đảng viên của Đảng Dân chủ thì đến thùng phiếu bầu cho các ứng cử viên Dân chủ; cử tri là đảng viên Cộng hòa thì bầu cho các ứng cử viên Cộng hòa. Cuộc bầu cử sơ bộ này đã và đang được thực hiện trên khắp 50 tiểu bang của Hoa Kỳ và sẽ kết thúc trước Đại hội Đảng Dân chủ hay Cộng hòa sẽ diễn ra vào tháng 7 tới đây, cách nhau vài tuần. Trong đại hội đảng, ứng cử viên nào hội đủ số phiếu đại biểu đảng viên bầu cho mình theo quy định của đảng sẽ được đại hội đề cử là ứng cử viên của đảng tranh cử chức tổng thống Hoa Kỳ nhiệm kỳ 2017- 2021. Chẳng hạn Đảng Cộng hòa quy định số phiếu đại biều bầu là 1237, Dân chủ quy định số phiếu đại biểu bầu là 2383.

Số phiếu đại biểu ở mỗi tiểu bang được mỗi đảng ấn định theo tiêu chuẩn khác nhau căn cứ trên số lượng đảng viên. Thí dụ ở Tiểu bang Texas, Đảng Cộng hòa ấn định là 155 đại biểu, Đảng Dân chủ là 252. Tiểu bang Florida Cộng hòa ấn định là 90. Đảng Dân chủ ấn định là 135...

3.- Sau cùng là bầu cử chính thức: Thông lệ thường diễn ra vào ngày Thứ Ba của tuần lễ thứ hai của tháng 11 năm bầu cử. Năm nay ngày bầu cử chính thức trên toàn cõi Hoa Kỳ là Thứ Ba ngày 8-11-2016. Trước ngày này vài tuần sẽ có cuộc bầu cử sớm để các cử tri có thể đi bầu tại bất cứ thùng phiếu nào thuận tiện, không nhất thiết phải bầu tại thùng phiếu thuộc đơn vị bầu cử của mình như trong ngày bầu cử chính thức trên cả nước.

Theo hiến định và luật định, kêt quả bầu cử chính thức được tính như sau: Liên danh ứng cử tổng thống và phó tổng thống nào có số phiếu bầu cao nhất của cử tri ở tiểu bang nào, sẽ được hưởng trọn số phiếu cử tri đoàn của tiểu bang ấy. Số phiếu cử tri đoàn được ấn định nhiều ít theo dân số của mỗi tiểu bang vào năm bầu cử. Vì vậy mới có trường hợp một tổng thống đắc cử nhờ tổng số phiếu cử tri đoàn toàn liên bang cao hơn, nhưng tổng số phiếu cử tri đi bầu trực tiếp lại thấp hơn ứng cử viên tổng thống thất cử. Đó là trường hợp Tổng thống George W. Bush (con) thắng cử ứng cử viên Tổng thống Al Gore của Đảng Dân chủ trong nhiệm kỳ 4 năm đầu (2000-2004) nhờ tổng số phiếu cử tri đoàn toàn liên bang cao hơn, nhưng lại thua ứng cử viên thất cử Al Gore về tổng số phiếu cử tri bầu toàn quốc hàng triệu phiếu.

Vậy ai sẽ là tổng thống Hoa Kỳ nhiệm kỳ 2017-2021? Câu trả lời chính xác chỉ có được sau ngày bầu cử chính thức, Thứ Ba ngày 8-11-2016. Thế nhưng từ nay đến ngày đó, mọi người đều có quyền dự đoán ai sẽ là tổng thống, theo sự phân tích, nhận xét cá nhân, dựa trên kinh nghiệm bầu cử và các dữ kiện liên quan đến nhân thân các ứng cử viên được bộc lộ trong suốt quá trình tranh cử. Sau khi được tuyên bố đắc cử, tân tổng thống Hoa Kỳ sẽ chính thức nhậm chức trong một buổi lễ trang trọng vào cuối tháng 11-2017 tại thủ đô Washington của Hoa Kỳ.

Qua quá trình này, đã thể hiện quyền dân chủ được thực thi rộng rãi, cao độ, nhưng "Dân chủ đến thế vẫn chưa phải là cùng". Bởi vì, Hoa Kỳ là một nước có chế độ dân chủ thật, thì các hình thức thể hiện quyền dân chủ luôn cải tiến, điều chỉnh cho phù hợp với đòi hỏi của người dân theo thời gian, không gian, chứ không cố định theo sự áp đặt của nhà cầm quyền như trong chế độc đảng, độc tài tòan trị, dân chủ giả hiệu tại Việt Nam, mà Tổng Bí thư Trọng và Đảng CSVN muốn làm gì thì làm. Độc tài như thế mà Ông Tổng Trọng còn giám công khai tự hào về cái gọi là "chế độ dân chủ tập trung" vào sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng CSVN, rằng "Dân chủ đến thế là cùng". Đúng ra, Ông Tổng Trọng, nếu tự trọng và có liêm sỉ, thì phải nói cho đúng thực chất và thực tế trong chế độ hiện nay tại Việt Nam, rằng "chế độ phản dân chủ đến thế vẫn chưa cùng đâu". Ông Tổng Trọng và Đảng CSVN nghĩ sao?
Thiện Ý