Ngày 10 tháng Ba âm lịch, người Việt trong nước cũng như hải ngoại tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương. Kính mời quí thính giả theo dõi quan điểm của LLCQ về ý nghĩa ngày lễ đặc biết này, và trách nhiệm phải bảo vệ lịch sử hào hùng của cha ông, bài do.....trình bày
Thưa quí thính giả,
Hàng năm, khi tiết xuân đem hơi ấm về, cây cối đâm chồi nảy lộc, cũng là lúc ruộng lúa đang ở độ xuân thì, người nông dân được thảnh thơi tham dự vào những lễ hội theo truyền thống dân gian do dân làng tổ chức. Từ lúc nào đó, người ta truyền tai nhau hai câu thơ:
Dù ai đi ngược về xuôi,
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba
Đây là hai câu thơ nhắc nhở mọi người con dân nước Việt nhớ đến ngay giỗ tổ. Lễ giỗ tổ Hùng Vương theo truyền thống dân gian đã có từ xa xưa, và trở thành nếp sống văn hóa xuyên suốt trong dòng lịch sử nước nhà. Đến năm 1917 dưới thời vua Khải Định, triều đình nhà Nguyễn đã lấy ngày Mùng Mười tháng Ba Âm Lịch hàng năm là ngày lễ giổ Vua Hùng, ngày ấy Bộ Lễ phái quan đến Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ thay triều đình để tế lễ Quốc Tổ. Có lẽ hai câu thơ trên đã phát xuất từ thời đó.
Ở đây chúng tôi muốn nhắc lại một vài sự kiện, nhằm giúp các bạn trẻ, hoặc không biết, hoặc đã bị hướng dẫn sai lạc về lịch sử nước nhà, để biết rằng lễ giỗ tổ ở đây là giỗ đức Quốc Tổ Hùng Vương, Người đã có công dựng nước và bảo vệ mảnh giang sơn này, rồi truyền lại cho con cháu từ hơn bốn ngàn năm trước, để hôm nay chúng ta được thừa hưởng gia nghiệp xinh đẹp này.
Trong nền văn hóa nước nhà, nghĩa vụ con cháu đối với bậc sinh thành là một lối sống, là đạo làm con, đạo làm người, nên nghĩa vụ đối với quốc tổ lại càng quan trọng hơn; vì vậy dù có bôn ba xuôi ngược ở phương trời nào đi nữa, cũng phải thu xếp để trở về. Sự trở về ở đây mang một ý nghĩa triết học sâu xa. Đó là trở về với cội nguồn của tổ quốc, trở về với căn tính của dân tộc, trở về để làm mới lại, làm giàu thêm cái hay cái đẹp, cái tinh túy của nòi giống, mà thời gian đã làm biến chất, làm hoen ố, làm bạc màu gốc gác của tổ tiên .
Trở về ở đây cũng có nghĩa là về với họ hàng, với làng xóm láng giềng, nơi có chung một mái đình là nơi hội tụ, nơi có ngôi đền, miếu thờ để hương khói tổ tiên. Một cách cụ thể, về kính viếng Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, nơi được xem như ngôi nhà tổ, là chỗ khởi nghiệp của một quốc gia, mà hàng năm con cháu thập phương tụ về kính viếng, làm nên một lễ hội truyền thống, chúng ta quen gọi là 'Trẩy Hội Đền Hùng'.
Lễ giỗ Quốc Tổ dù tại Phú Thọ, hay ở nơi nào đi nữa, cũng không chỉ là một lễ hội vui chơi, để khoe tài khoe sắc, mà nó phải được nâng lên một chiều kích cao hơn, đó là sự biết ơn chân thành mang tính siêu nhiên qua sự giao cảm giữa người sống với tổ tiên đã khuất. Do đó đối với người cộng sản họ không tin có linh hồn, chết là hết. Vì vậy những việc như rước kiệu, tiến hương, tiến tửu, dâng hoa trái, đọc văn tế.... chỉ là những biểu tượng bề ngoài giữa những người còn sống nói với nhau mà thôi, chẳng có một ý nghĩa gì đối với thế giới tâm linh và người đã khuất. Chính vì vậy để mị dân, mãi đến năm 2007, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương mới được xem là ngày lễ nghỉ toàn quốc có trả lương.
Ngày giỗ tổ cũng là ngày để ôn lại lịch sử của dân tộc, cho dù đất nước có lúc thịnh lúc suy, ngay cả trong thời kỳ đen tối một ngàn năm Bắc Thuộc, nhờ vào anh linh các bậc tiền bối luôn tác động trên tâm tư con cháu, để không quên cội nguồn, nhưng vẫn nuôi ý chí quang phục quê hương. Từ đó dòng lịch sử được viết xuyên suốt bằng máu và nước mắt qua các triều đại Đinh, Ngô, Lý, Lê, Trần, Nguyễn mãi đến hôm nay.
Thế nhưng trong mấy thập niên qua, CSVN đã cố tình bóp méo và xuyên tạc lịch sử, để làm đẹp lòng Trung Cộng, họ đã cố tình viết sai, hay làm nhẹ những biến cố quan trọng trong cuộc chiến đấu chống ngoại xấm từ Phương Bắc. Chẳng những thế, họ còn hạ thấp tầm quan trọng của môn lịch sử chính thống nước nhà, rồi đưa vào môn lịch sử đảng cộng sản ngoại lai lạc hậu, khiến cho người dạy thì không còn hứng thú, khi phải nói những điều dối trá, nên chỉ làm vì cơm áo, vì nhu cầu bắt buộc. Còn người học thì thấy vô bổ, phí phạm thời giờ. Lớp học trở nên nhạt nhẽo buồn tẻ, dẫn đến xem thường và chán ghét môn học này. Đây chính là hành vi phản bội tổ tiên và đầu độc người trẻ của đảng CSVN, làm cho họ quên đi trách nhiệm của con dân đối với tổ quốc.
Cho dù là huyền sử hay chính sử, thì lễ giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành một ngày hội lớn của dân tộc, ngày mà người dân Việt hãnh diện về nguồn cội hào hùng của tổ tiên mình, nó đã in sâu trong lòng người con dân từ nhiều ngàn năm qua. Nhưng hãnh diện về quá khứ bao nhiêu thì cũng lo âu cho tương lai bấy nhiêu, khi đất nước đang đứng trước hai mối nguy lớn đó là đảng CSVN, kẻ nội thù rất nguy hiểm, và giặc ngoại xâm từ Phương Bắc. Vì vậy
Dù ai đi ngược về xuôi,
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba
Khắp miền truyền mãi câu ca.
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm
Nguyện xin anh linh các đấng anh hùng dân tộc phù trợ cho dân tộc này đứng vững mãi trên giang sơn mà các ngài đã truyền lại.
Cám ơn quí thính giả đã theo dõi quan điểm của chúng tôi.
LLCQ