Friday, 15 April 2016

Thư gởi Cô Nguyễn Thị Hoàng Bắc - Phạm Tín An Ninh


Đọc trong danh sách những giáo sư dạy ở trường trung học Võ Tánh (Nha Trang) trước 75, tôi thấy có tên Nguyễn Thị Hoàng Bắc. Dù chưa từng là học trò của Cô, vì khi Cô vào dạy là tôi đã rời trường vài năm trước đó, nhưng tôi luôn xem Cô như là “cô giáo của trường mình”. Sau này ra hải ngoại, biết Cô là một nhà văn, tôi mừng và hãnh diện lắm, khoe với mấy thằng bạn tù: đó là cô giáo của trường tao! Tôi mua luôn mấy tập truyện  Long Lanh Hạt Bụi rất dễ thương của Cô tặng cho mấy thằng bạn tù đọc chơi, để tạm quên những ngày tháng cũ.

Tôi định cư ở tận Bắc Âu, nên mấy năm đầu, không theo dõi được nhiều tin tức, sinh hoạt của người Việt bên Mỹ. Bỗng một hôm tôi đọc được trên một tờ báo hay diễn đàn nào đó, đề cập đến  nhà văn Nguyễn Thị Hoàng Bắc trả lời phỏng vấn ông đạo diễn Trần Văn Thủy, đăng trên “Nếu Đi Hết Biển”. Tôi đã tìm đọc bài viết ấy của Cô và thấy lòng buồn cùng một chút băn khoăn. Sau đó  bận bịu với chuyện học hành, nghề nghiệp áo cơm, tôi quên bẵng- quên chuyện Nếu Đi Hết Biển và (tạm) quên luôn cả cái tên đẹp đẽ của Cô.

Mấy tháng nay, một số các anh chị cựu học sinh hai trường VT và NTH Nha Trang tất bật lo tổ chức ngày Hội Ngộ 2010 tại San Jose vào tháng 8 này để kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường Nữ Trung Học và cũng là dịp để tỏ lòng biết ơn các Thầy Cô đã dạy dỗ mình, tôi lại được thấy tên GS Nguyễn Thị Hoàng Bắc trong danh sách được mời, nhưng chưa thấy trả lời. Sáng nay, thức dậy sớm, không có việc gì làm, tôi vào trang Talawas đọc, thì mới biết lý do vì sao Cô ”chưa trả lời” cho đám học trò, từng một thời tôn kính Cô:Ba Mươi Tháng Tư Đen, tôi đi Hà Nội (chữ của cô)

Nguyễn Thị Hoàng Bắc – Đến rồi đi. 02/06/2010 | 12:00 chiều | 38 phản hồi. Tác giả: Nguyễn Thị Hoàng Bắc. Chuyên mục: Tổng hợp

 
 Nếu chuyện chỉ đến đây thì tôi không phải viết những điều phiền muộn này làm gì, để mang tội thất lễ với Cô. Nhưng sau khi thấy Cô đưa cái lý do”công tác tình cờ” để mỉa mai giáo đầu thiên hạ đừng vội hiểu “lệch lạc” cái chuyện du lịch Hà Nội của Cô, và cười nhạo cái giọng “lói” của người “Hà Lội”(chữ của Cô), cho có vẻ làm dáng hài hòa, Cô bèn khoe chuyện vào lăng viếng bác rồi sau đó là chửi xiên xỏ cái đám người Việt chống Cộng trong các “ghetto người Việt” tại Mỹ (chữ của Cô), tôi phải gom góp chút hiểu biết vốn đã ít oi, để viết lá thư này gởi đến Cô.
 
Xin trích một vài đoạn Cô viết:
 
“Tôi thấy Bác nằm nghiêm trang, hồn hậu, đèn mờ nên mặt như mặt sáp, sau này vào xem ông Mao ở Trung Quốc cũng thấy không biết đâu là thật đâu là giả, nhưng nói chung, Bác Hồ mình đẹp trai hơn Bác Mao, theo tôi.
………………………
Cụ già xứ Nghệ sống thanh đạm và có vẻ lặng lẽ, tủ sách nhỏ, vài quyển sách cũ đã tróc gáy, sờn bìa, thậm chí mất cả bìa, giấy ố vàng rất giống mấy quyển sách của ông già tôi khi ông về hưu; vườn hoa, ao cá, nhà sàn, khu vườn mênh mông, nếu hồi ký sách vở của vài nhân vật thân cận Bác nói đúng thì những năm cuối đời không được các đồng chí cho tham gia việc nước, suốt ngày cứ ra vào vỗ tay nói chuyện với cá không biết nói chỉ biết đớp mồi, ông cụ sống cô tịch lặng lẽ mà lại không được la đà tiêu dao thoải mái rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp, gót sen theo đủng đỉnh một đôi dì, vừa hé ra một dì Xuân gì đấy đã bị Bộ Chính trị tàn sát ngay, tôi thấy tội nghiệp Bác, sống thế có khác gì Bác đang bị cầm tù
…………………..
 khi về lại Mỹ, đi ăn trưa với vài người bạn tôi nhặt được trong mấy tờ báo tiếng Việt địa phương ở đây sử dụng, cũng vẫn cái luận đề sát cộng, diệt cộng năm mươi năm trước sặc mùi máu, mà máu của ai đây mới được chứ, máu đã đổ thành sông thành biển, tám mươi tám triệu người trong nước không ai đọc, không ai viết, không ai suy nghĩ, không ai chia sẻ những gì như ghetto người Việt ở đây viết dai, nói dài, đọc dở. Chúng ta đang tự đóng cửa rút cầu, tự cô lập, tự xa lạ mình với tổ quốc, đất nước gốc, với đồng bào ta để làm gì vậy?
Tôi không ngạc nhiên khi nghe nói đến vô số lực lượng đối lập võ mồm mà các bậc thân hào nhân sĩ người Việt nước ngoài lớn tiếng kêu gọi, ở nước ngoài quý ông bà anh chị muốn nói gì thì nói, công an có sờ gáy bắt bớ đụng đến cọng lông chân nào của anh chị đâu, nói cho vui, cho nổi bật, để xả stress, để tự sướng thì dễ, nhưng nói và được lắng nghe thì khó lắm, quý ông Lê Xuân Khoa, Nguyễn Hữu Liêm, Đỗ Kh., Nguyễn-Khoa Thái Anh… lâu lâu cũng vì mấy cái vụ này mà bị phản hồi lăng mạ tơi bời.”
Xin lỗi Cô, đọc tới đây tôi thấy nghẹn trong cổ họng. Chẳng lẽ một ”cô giáo của trường tôi”,tốt nghiệp đại học sư phạm miền Nam, từng dạy Quốc Văn cho học sinh trung học đệ nhị cấp, mà từ ngôn từ đến suy nghĩ chỉ đến vậy thôi sao? Đó là tôi chưa dám lạm bàn đến tư cách và lương tâm, hai phạm trù có “quan hệ hữu cơ”với cái nghề dạy học của Cô.
Cô có quyền thăm viếng, có quyền ca ngợi và cũng có quyển “dỡ mu ra chào” bác Hồ của Cô. Không được học rộng, không biết làm thơ viết văn có tầm cỡ như cô, tôi không có đủ khả năng để luận bàn những chuyện đông tây kim cổ, chỉ xin được phép nhắc cô ba điều mà cả nước, dù bất cứ kẻ ngu dốt nào, ai cũng biết:
 
-        Chuyện Cải Cách Ruộng Đất , chuyện Nhân Văn Giai Phẩm  ở miền Bắc và Chuyện Tết Mậu Thân 1968 ở Huế
 
Xin được hỏi Cô, bàn tay ông Hồ có vấy máu của hàng vạn người dân vô tội?  Chuyện Cải Cách Ruộng Đất xảy ra hầu hết là ngoài Bắc, và thời gian ấy Cô còn bé, nên có thể không chứng kiến những cảnh kinh hoàng. Còn chuyện Nhân Văn Giai Phẩm, là một nhà văn/nhà thơ, chắc Cô phải biết, nhất là một số nạn nhân “đồng nghiệp” khốn khổ của Cô vẫn còn sống sau 75. Và mới nhất là chuyện Tết Mậu Thân 1968 ở Huế? Hay gốc gác ở Huế nhưng vì mang cái tên Bắc, nên Cô chẳng còn chút tình nào với Huế, với hơn 5000 đồng hương Huế của Cô bị giết dã man trong những ngày tết cổ truyền ?
 
Khi vào lăng viếng bác, không biết Cô có hỏi bác của Cô điều này? Nó ngàn lần quan trọng hơn là chuyện “dì Xuân, chuyện bác Hồ không được các đồng chí của ông cho làm việc nước”. Người trí thức và ngay thẳng, không ai đem vài chuyện “ruồi bu” để đánh lận những chuyện tày trời.
 
Cô có biết là trong những ngày Cô và gia đình sống êm ấm ở Saigon, để Cô được trở thành cô giáo, có biết bao nhiêu người lính (và dân) miền Nam đã chết, trong đó có biết bao nhiêu thằng học trò đã học với Cô. Chinh họ đã hy sinh tính mạng để giữ an toàn cho Cô, và giúp cho Cô không sớm trở thành giáo viên“lưu dung”. Ngày xưa có lẽ Cô dạy môn Quốc Văn cho đệ nhị cấp, nên chẳng còn nhớ những bài công dân giáo dục vỡ lòng: “ăn trái nhớ kẻ trồng cây”, vậy mà tội nghiệp cho đám học trò của Cô, bây giờ đến tuổi già rồi mà cứ vẫn còn phải nằm lòng cái câu“ nhất tự vi sư bán tự vi sư”.
 
Cô về “tham quan Hà Nội”, dắt theo mấy người bạn Mỹ, viếng lăng bác, và bận rộn công việc họp hành“giao lưu với các nhà văn trong nước”, rồi lại tất bật sang viếng cả xác chết của “chủ tịch” Mao Trạch Đông tận bên Tàu, có lẽ vì vậy mà Cô không có dịp gặp đám dân nghèo cùng khổ, và những người trí thức trẻ như , những nhà tu, đang bị hành hạ giam cầm chỉ vì lên tiếng kêu gọi nhân quyền và tự do tôn giáo.. Tôi tiếc (và buồn) cho Cô, đi nghe (và viết mỉa mai) làm gì những lời nói ngọng. Đó chỉ là chuyện bình thường của những vùng quê, nơi nào cũng có, mà một nhà giáo nhà văn tên tuổi như Cô không nên làm. Tôi tiếc hơn là giá mà Cô dùng thì giờ ấy để đi thăm một nữ luật sư rất trẻ có tên Lê Thị Công Nhân, vừa mới ra tù, để nghe cô ấy nói những lời đớn đau chân thật, thăm vài gia đình vùng Thái Bình, Nam Định, hỏi xem có bao nhiêu cô con gái, bao nhiêu đứa con nít tuổi 11-12 ( và có cả những người vợ nữa) đã được “ xuất cảng” sang các nước Trung Quốc, Đài Loan, Đại Hàn, Cam Bốt, để làm nô lệ và gái điếm?
 
Cùng là đàn bà, chẳng lẽ Cô không cảm thấy chút nào tủi nhục và chua xót hay sao? Hay là Cô lại chậc lưỡi, phán rằng “ biết rồi, mấy cái chuyện này đã xưa như trái đất”!
Chắc thế nào Cô cũng đã gặp giáo sư Nguyễn Huệ Chi, người đồng hành với đạo diễn Trần văn Thủy và nhiều người bạn khác của Cô ở William Joiner Center, người lập ra trang web boxitvn. Sao Cô không hỏi ông những điều quan trọng hơn của đất nước, để nghe ông tâm tình về viễn ảnh của một Việt Nam trở thành chư hầu (thực thụ) của Trung Quốc?Bao nhiêu lãnh thổ, lãnh hải của cha ông đã mất? Và ngay cả những người trí thức chống họa xâm lăng phương Bắc này đã hứng chịu những hậu quả ra sao, từ phía chính quyền?
 
Cô cay cú làm gì với những “ghetto người Việt” (chữ của Cô). Bản thân và gia đình họ đã từng bị hành hạ, bị sĩ nhục, bây giờ họ có “hận thù” “sặc mùi máu”, cũng là lẽ tự nhiên thôi.  Hơn nữa, thấy những kẻ “tư bản đỏ”cầm quyền đang sống phè phởn trên máu và nước mắt của dân nghèo,  xã hội ở quê nhà ngày càng băng hoại, đất nước ngày càng lệ thuộc và có nguy cơ mất vào tay giặc, họ phẫn nộ cũng là lẽ thường tình. Cô có thể (và có quyền) không ưa họ, nhưng là người viết văn làm thơ, ít nhiều phải thông cảm họ. Giá hồi ấy cha của Cô bị đấu tố, chôn sống trong Cải Cách Ruộng Đất, mẹ của Cô bị trói tay, đập đầu, vùi thây trong hố chôn người tập thể ở Huế  trong Tết Mậu Thân, (sau tháng 4/75) phu quân của Cô bị đày ải đánh đập đến tàn phế, mù lòa, còn Cô không được “lưu dung” mà bị cưỡng bức lên vùng kinh tế mới, mang theo một đàn con dại sống đói khổ bơ vơ giữa rừng thiêng nước độc, bị đám cường quyền 30/4 làm nhục đến mang bầu, liệu bây giờ Cô có hận thù để “ nếu đi hết biển” rồi mà cũng vẫn chưa thăm viếng được bác Hồ? Nhưng những người trong “ghetto chống Cộng sặc mùi máu” ấy cũng chỉ là một thiểu số. Cái bách phân lớn lao chính là khối người thầm lặng, nhiều người tài năng, học rộng, chí ít cũng bằng Cô, nhưng chắc chắn là họ sẽ không khi nào để mất lương tri và liêm sĩ.
 
Cô bênh vực cho đám trí thức hèn hạ cỡ Nguyễn Hữu Liêm, ( nhưng tội nghiệp cho gs Lê Xuân Khoa bị Cô cưởng bức đứng chung với đám này). Cô quên  là Nguyễn Hữu Liêm bị đuổi ra khỏi đại hội của Hội Luật Gia Viêt Nam tại San Jose, không phải bởi những người chống Cộng “sặc mùi máu” mà bởi một số Luật sư lão thành, cùng với sự đồng tình của hầu hết những vị đồng nghiệp có mặt? Tất nhiên, họ cũng đều là những người trí thức. Còn riêng tôi, và chắc chắn tất cả đám học trò ngày xưa của Cô, chỉ cần nghe tới cái tên của gã trí thức này là đã muốn buồn nôn.
 
Khi tôi ngồi viết mấy dòng buồn bã này, thì dưới bài viết của Cô (trên Talawas) đã có trên 30 phản hồi. Tôi chỉ mới đọc thoáng qua mà lòng đã nhói đau, bởi dù gì Cô cũng là cô giáo của trường tôi. Phản hồi ngắn nhất của ông độc giả Louis nào đó chỉ đúng có một dòng: “Thương nữ bất tri vong quốc hận”. Tôi đã từng đọc được ở đâu đó câu này, trong bài thơ Bạc Tần Hoài của nhà thơ Đỗ Mục. Chỉ có một câu mà lòng tôi đau hơn vết chém. Chẳng lẽ cô giáo trường Võ Tánh Nha Trang tiếng tăm, nhà văn tôi từng mến mộ một thời, lại được một người lạ hoắc gọi là một“ca nhi đâu còn biết hận vong quốc” là gì!
 

Không  biết là Cô về Hà Nội lần này có được tham dự cuộc hội thảo Văn học Việt Nam - Hoa Kỳ sau chiến tranh do Đại học Văn hóa Hà Nội và Trung tâm William Joiner thuộc Đại học Massachusetts phối hợp tổ chức, với sự tham gia của nhiều nhà văn hai nước. Nếu đúng như vậy, thì có thể bài viết trên Talawas của Cô chỉ là món quà lót đường. Nhưng khi đọc bài viết “Ngẫm nghĩ về ba tư cách văn hóa của tôi trong những ngày làm việc ở William Joiner Center,  của giáo sư Nguyễn Huệ Chi, một tên tuổi trong nước, trên trang boxitvn, ngày 06.6.10, tôi càng buồn hơn cho Cô. (Bài viết của ông ,có thể có người không đồng tình một vài điểm), nhưng là người sống trong nước, dưới sự “canh gác” của chính quyền, nhưng những điều ông viết, ngay cả nhận định về cộng đồng người Việt hải ngoại, đã vượt Cô quá xa.

 
Lẽ ra, tôi phải viết dài hơn, thưa thêm với Cô ít điều phải trái, nhưng ngại là Cô không có thì giờ để đọc. Bởi lòng Cô đang tràn ngập niềm vui, con tim của Cô đang rộn rã như ngày nào,(trong đại hội Việt kiều), khi Nguyễn Hữu Liêm bước lên sân khấu đồng ca bài “như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.  Mong là tháng 8 này Cô sẽ đến San Jose tham dự Ngày Hội Ngộ của cựu giáo sư và học sinh hai trường Võ Tánh& Nữ Trung Học Nha Trang, để gặp lại đám học trò nhỏ dại ngày xưa, mà bây giờ ai nấy cũng đều bạc tóc. Không chỉ bạc vì tuổi tác mà bạc vì từng phải trải qua cuộc trầm luân khốn khổ sau ngày “thống nhất hai miền”, để bây giờ Cô được  ra Hà Nội viếng lăng bác và viết lách xỏ xiên những đồng hương sống trong các “ghetto người Việt”, mà trong đó chắc hẳn phải có những đứa học trò của Cô ngày trước.
 
Nếu những dòng này làm buồn lòng Cô, xin Cô thông cảm và tha lỗi. Bởi nếu tôi không viết, chắc chắn sẽ có nhiều người khác viết. Dù gì, một người học trò viết cho cô giáo của trường mình, vẫn còn nặng một chút tình. Tuổi đã già, lại sống trong cảnh lưu lạc tha hương, cái tình này lại càng đáng trân quí lắm, phải không Cô?
 
Kính chúc Cô được nhiều sức khỏe trong những ngày còn lại trên quê hương.
 
Kính chào Cô.
 
Phạm Tín An Ninh