Nhà báo Phan Mai Lợi |
CTV Danlambao - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn vừa có quyết định tịch thu thẻ nhà báo của ông Mai Phan Lợi, phó Tổng Thư ký báo Pháp Luật TpHCM, admin điều hành Diễn đàn Nhà báo Trẻ. Ông Mai Phan Lợi bị tước thẻ nhà báo một ngày trước khi lễ kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam diễn ra.
Nguyên nhân dẫn tới việc bị thu thẻ là do ông Lợi đã mở một cuộc thăm dò nhỏ về nguyên nhân máy bay cứu hộ CASA8983 bị rơi trên đường tìm kiếm hai phi công trên máy bay Su30 bị mất tích trong khi đang bay huấn luyện trên biển.
Hàng loạt nhà báo và báo Petrotimes đã có bài công kích nhà báo Mai Phan Lợi trước khi động thái thu thẻ của Bộ Truyền thông diễn ra.
Ông Mai Phan Lợi viết:
"Vì sao CASA tan xác?
Thật đau xót đến giờ này vẫn chưa tìm được 9 cán bộ trên máy bay CASA, nhưng có thắc mắc thật khó lý giải thuyết phục là tại sao máy bay tan xác?
Theo bạn?
- Máy bay bị tác động bên ngoài nên vỡ
- Máy bay rơi từ cao xuống biển nên vỡ vụn
- Không biết lý do
- Bị bắn
- Bị giông lốc làm rơi xuống biển và vỡ khi đập vào mặt nước
- Không loại trừ bị bắn vỡ
- Máy bay chất lượng kém do tham nhũng trong ngành quốc phòng luôn bị đóng dấu mật
- Máy bay tự nổ nên vỡ
Chụp màn hình stt Facebook nhà báo Phan Mai Lợi
Báo Petrotimes dẫn lời ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia cho rằng: "Đã đến lúc Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin - Truyền thông, Hội Nhà báo, Cơ quan An ninh thông tin và truyền thông cần vào cuộc để xử lý nghiêm Mai Phan Lợi, tránh gây hoang mang dư luận và làm ảnh hưởng đến những người làm báo chân chính khác."
Thậm chí đã có dư luận "lên tiếng đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm phát ngôn ảnh hưởng đến tình cảm dân tộc của Mai Phan Lợi."
Nhà báo Mai Phan Lợi là một trong những gương mặt đại diện nhóm XHDS độc lập có buổi gặp gỡ Tổng thống Hoa Kỳ Barrack Obama hồi tháng 5 vừa qua tại Hà Nội.
Trong không khí hân hoan mừng ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, các "nhà báo chân chính" đã chứng tỏ bản lĩnh chính trị của mình khi ra sức tấn công chữ "tan xác" mà nhà báo Mai Phan Lợi đã dùng khi nói về tình trạng vỡ vụn của máy bay cứu hộ CASA8983.
Việc thu hồi thẻ nhà báo khi có phát ngôn trên mạng xã hội lần này khiến người ta nhớ tới quyết định thu thẻ nhà báo Đỗ Hùng (báo Thanh Niên) với đoạn đăng tải toàn dấu sắc viết về tướng Võ Nguyên Giáp.
Qua việc các nhà báo cách mạng khẳng định bản lĩnh chính trị bằng từng câu chữ để thấy: dưới sự dẫn dắt của đảng, việc đấu tố một cá nhân luôn dễ dàng hơn việc đưa thông tin và sự thật cần minh bạch tới bạn đọc.
Máy bay vỡ nát không gọi là "tan xác" thì gọi là gì?
Và tập thể các nhà báo cách mạng đang lên đồng kia liệu có dám đặt câu hỏi:
Ai sẽ chịu trách nhiệm khi tai nạn máy bay liên tiếp xảy ra? Tổn thất về tiền của và nhân lực là do đâu? Và làm sao nhân dân có thể yên tâm khi chưa đánh đấm gì mà quân đội thể hiện quá yếu kém như vậy?
Báo chí cách mạng với bản chất là công cụ tuyên truyền của đảng Cộng sản, một lần nữa đã phơi bày bàn tay kiểm duyệt của mình trước thiên hạ.
Các nhà báo hôm nay tấn công Mai Phan Lợi, chắc chắn sẽ ngoan ngoãn đi theo lề và chỉ cất giọng khi được lệnh mở miệng.
20.6.2016
Nhà báo bị rút thẻ: Thực trạng nghề báo tại Việt Nam?
Gia Minh, PGĐ Ban Việt Ngữ RFA
Đề tài được bàn tán trong Ngày Nhà báo Việt Nam năm nay là chuyện một nhà báo bị rút thẻ do đăng trên diễn đàn Nhà Báo Trẻ thăm dò về nguyên nhân máy bay CASA 212 đi cứu nạn lại bị rơi khiến 9 phi công trên đó thiệt mạng.
Mở đầu cuộc phỏng vấn dành cho RFA về vụ việc này cũng như một số thông tin liên quan nghề làm báo ở trong nước, nhà báo tự do Đoan Trang tóm tắt lại vụ việc khiến nhà báo Mai Phan Lợi bị rút thẻ.
Nhà báo tự do Đoan Trang: Trước hết tôi muốn sơ lược lại sự việc này để khán thính giả và độc giả của RFA có thể hiểu rõ hơn.
Cụ thể vào ngày 17 tháng 6 năm 2016, nhà báo Mai Phan Lợi - trưởng văn phòng đại diện báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh tại Hà Nội, với tư cách của facebooker và quản trị của Diễn đàn Nhà báo Trẻ, đưa một (poll) khảo sát ý kiến các thành viên của Diễn đàn Nhà báo Trẻ lên diễn đàn. Tên của khảo sát (poll) đó là ‘Vì sao máy bay CASA 212 tan xác’. Và câu hỏi đặt ra là thật đau xót khi những người phi công đi cứu hộ lại chết. Theo bạn nguyên nhân của sự việc này là gì? Khảo sát đưa ra một số nguyên nhân: máy bay bị bắn, bị lốc xoáy, bị trục trặc máy do trang thiết bị trong máy bay (tức về mặt kỹ thuật) không đảm bảo bởi tham nhũng trong Bộ Quốc Phòng.
Chương trình thời sự của VTV - kênh truyền hình phủ sóng lớn nhất nước, phát một phóng sự tiếp tục đấu tố ông Lợi, đưa tin về việc rút thẻ nhà báo của ông Lợi.
- Nhà báo tự do Đoan Trang
Khảo sát đó được đưa lên và gặp phản ứng của một số thành viên trong Diễn đàn Nhà báo Trẻ. Họ cho rằng cách dùng từ tan xác không ổn, hay việc đưa ra khảo sát như thế vào thời điểm này không có lợi. Lẽ ra nên thể hiện sự đau xót các chiến sĩ hy sinh hơn là tìm hiểu nguyên nhân tại sao máy bay bị rơi.
Sau đó ông Lợi có xin lỗi và rút khảo sát (poll) đó xuống; thế nhưng đã muộn. Bởi vị một số nhà báo thành viên của Diễn đàn Nhà báo Trẻ làm cho tờ Petro Times (tổng biên tập Nguyễn Như Phong) của Công an đã ‘chỉ điểm’. Báo này có một số bài ‘đấu tố, chỉ điểm’ kêu gọi rút thẻ ông Mai Phan Lợi, tố cáo ông Phan Lợi không có đạo đức nghề nghiệp.
Vụ việc căng đến mức mà sau khi ông Lợi xin lỗi, Petro Times và một loạt những báo khác liên tiếp đưa bài. Tiếp đó Bộ Thông tin - Truyền thông tuyên bố rút thẻ nhà báo của ông Lợi. Tối đó chương trình thời sự của VTV- kênh truyền hình phủ sóng lớn nhất nước, phát một phóng sự tiếp tục đấu tố ông Lợi, đưa tin về việc rút thẻ nhà báo của ông Lợi. Thậm chí có những kêu gọi phải chấn chỉnh hoạt động của Diễn đàn Nhà báo trẻ, xem xét, thanh tra toàn diện diễn đàn này.
Ông Lợi còn bị tố cáo nói sai sự thật; thế nhưng họ không nói sai gì!
Thực sự khảo sát của ông Mai Phan Lợi đưa lên không khẳng định điều gì cả về nguyên nhân rơi. Nhưng đối với một số người thì họ cho từ ‘tan xác’ là phản cảm. Thế nhưng thật ra chiếc CASA 212 vỡ tan tành thật.
Gia Minh: Là người từng làm báo ở Việt Nam với những nhà báo khác, thì nhà báo Đoan Trang thấy vì sao có những người phản ứng dữ dội với một thăm dò như thế?
Nhà báo tự do Đoan Trang: Tôi cho rằng những nhà báo phản ứng với một khảo sát mà ông Phan Lợi đưa lên mạng như thế có thể vì một trong hai nguyên nhân. Thứ nhất những nhà báo Việt Nam thực sự là những tuyên truyền viên; tức họ tốt nghiệp trường báo chí ra những được đào tạo để trở thành những tuyên truyền viên. Họ nghĩ nhiệm vụ của báo chí là phản ánh đường lối của đảng và nhà nước đến dân chúng theo đúng định hướng. Họ không có ý niệm gì về quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin hay tự do biểu đạt. Cho nên khi ông Mai Phan Lợi đưa một khảo sát lên như thế thì họ cho rằng đó là một nốt nhạc chệch trong dòng nhạc đang ‘đau xót, đang ca tụng các chiến sĩ bỏ mình vì đất nước, hy sinh khi đang làm nhiệm vụ’. Trong khi đó thì ông Lợi lại đi tìm hiểu nguyên nhân, ai đó trong diễn đàn đưa ra một số nguyên nhân như máy bay bị bắn rơi, do tham nhũng trong Bộ Quốc Phòng… Đối với những nhà báo quen suy nghĩ theo lối tuyên truyền viên thì như vậy là chệch hướng, phản cảm không phù hợp với dư luận, không đúng thời điểm.
Nguyên nhân thứ hai khiến cho các nhà báo phản ứng dữ đội đối với khảo sát đó là họ có ‘mối thù’ với ông Mai Phan Lợi và Diễn đàn Nhà báo Trẻ đã lâu. Chắc các bạn biết Diễn đàn Nhà báo Trẻ có trao giải thưởng thuần túy dân sự: giải Vành Khuyên cho các tác phẩm báo chí tốt trong tháng và giải Kển Kền cho những tác phẩm báo chí độc hại trong tháng. Thế thì không phải ngẫu nhiên mà những tờ báo gồm Petro Times, Đới sống & Pháp luật, VTV và Người Đưa tin (4 tờ công kích ông Mai Phan Lợi dữ nhất) là những tờ nhận được giải Kền Kền của Diễn đàn Nhà báo Trẻ nhiều nhất!
Gia Minh: Nhưng gần đây có những tờ như Tuổi Trẻ có những tranh biếm họa mà người ta nói mang tính phản biện chân thật, vậy trong làng báo Việt Nam tỉ lệ những người ‘lách’ thế nào và việc lách có hiệu quả ra sao không?
Nhà báo tự do Đoan Trang: Tỉ lệ ‘lách’ rất thấp. Tôi không nhớ rõ lắm nhưng trong làng báo Việt Nam có chừng 20 ngàn nhà báo. Nhưng không phải ai cũng viết về chính trị, xã hội; chỉ có một tỉ lệ nhất định viết về chính trị và xã hội thôi. Trong tỉ lệ nhỏ viết về chính trị - xã hội thì chỉ mốt tỷ lệ rất nhỏ ý thức được về quyền của người đọc, dân chủ, cần phải có nền chính trị tốt, minh bạch, nhà nước có trách nhiệm giải trình… Trong tỷ lệ thấp có nhận thức được thì một tỷ lệ rất nhỏ nữa dùng biện pháp lách để vượt qua hàng rào kiểm duyệt đưa thông tin trung thực đến bạn đọc.
Hiện tượng biếm hoạt nổi lên trong những năm gần đây là có thật; nhưng các bạn cũng nên biết số lượng tranh biếm họa không lọt qua được kiểm duyệt là khá nhiều.
- Nhà báo tự do Đoan Trang
Hiện tượng biếm hoạt nổi lên trong những năm gần đây là có thật; nhưng các bạn cũng nên biết số lượng tranh biếm họa không lọt qua được kiểm duyệt là khá nhiều. Tôi tin rằng có những họa sĩ, nghệ sĩ những tờ báo bị xử lý vì những bức tranh biếm họa đó.
Gia Minh: Nhiều nhà báo trẻ bây giờ họ được tiếp cận những công cụ mạng xã hội, thì khả năng mở ra diễn tiến dám nói lên sự thật thế nào?
Nhà báo tự do Đoan Trang: Tôi không nghĩ việc các nhà báo (Việt Nam) dám lên tiếng nói lên sự thật sẽ trở thành một xu hướng. Tôi không nghĩ lực lượng nhà báo Việt Nam sẽ trở thành lực lượng đi đầu hay dẫn dắt, lãnh đạo xã hội hay có suy nghĩ cải cách đâu!
Nhà báo Việt Nam mà phản ánh đúng thực tế khách quan, đúng sự thật là giỏi lắm rồi. Còn nếu họ mạnh mẽ đi đầu, lên tiếng thì tôi không nghĩ sẽ thành xu hướng đâu!
Gia Minh: E rằng hơi bi quan phải không?
Nhà báo tự do Đoan Trang: Tôi nghĩ những người lên tiếng trong xã hội nhiều, nhưng nhất thiết những người đó không phải là nhà báo. Theo tôi lực lượng nhà báo không phải là lực lượng dẫn đạo!
Gia Minh: Trong đợt biểu tình thảm họa cá chết vừa qua có một vài nhà báo tham gia, họ có thể được xem là nhân tố tích cực không?
Nhà báo tự do Đoan Trang: Thực ra họ tham gia từ thời biểu tình chống Trung Quốc năm 2011. Tôi cho rằng cả nước có được 20 nhà báo chính thống lề phải tham gia. Họ tham gia nhưng có trở thành điểm sáng, gương cho người khác nhìn vào hay không thì tôi nghĩ là không. Bởi vì chính sách cây gậy và củ cà rốt của đảng cộng sản (của tuyên giáo và công an) đối với báo chí vẫn có tác dụng. Một mặt họ đàn áp thực lực, đe dọa, khủng bố những nhà báo dám lên tiếng rất mạnh; đồng thời những nhà báo ngoan ngoãn nghe lời họ thì cơ hội sống rất tốt. Ít nhất là sống an lành, ngoài ra còn có điều kiện làm kinh tế và nhiều thứ khác… rất nhiều. Nếu suy nghĩ một cách duy lý thì các nhà báo không dại gì - đúng là không dại gì lên tiếng đấu tranh. Rất ít!
Gia Minh: Cám ơn nhà báo tự do Đoan Trang.