Khi còn ở cương vị Bộ trưởng Nội vụ Anh, bà Theresa May đã có nhiều quyết sách cứng rắn.
Ngày 13/7/2016, Thủ tướng sắp mãn nhiệm của nước Anh, David Cameron đã nói lời tạm biệt với nhà số 10 phố Downing, để nhường chỗ cho người kế nhiệm, được mệnh danh là "người đàn bà thép" thứ 2 của nước Anh - Theresa May.
“Chúng ta sẽ có một vị Thủ tướng mới vào buổi tối ngày thứ Tư. Bà ấy là một người mạnh mẽ, có năng lực và thừa khả năng lãnh đạo đất nước chúng ta trong những năm sắp tới" - Thủ tướng Anh David Cameron phát biểu.
Sự bỏ cuộc sớm của các đối thủ, cũng như quyết định rời nhiệm sở sớm hơn dự kiến gần 3 tháng của ông David Cameron đã khiến bà Theresa May trở thành người duy nhất còn lại trên đường đua tới vị trí lãnh đạo Đảng Bảo thủ và người đứng đầu xứ sở sương mù.
Việc nước Anh tìm ra được một vị Thủ tướng mới đã tạm khép lại khoảng thời gian 3 tuần với một loạt diễn biến gây sốc trên cả chính trường Anh lẫn thị trường tài chính toàn cầu. Bà Theresa May - cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ nước Anh chính thức là nữ Thủ tướng mới nhậm chức của nước này.
Trước khi nhậm chức Thủ tướng Anh, bà Theres May trải qua 6 năm làm Bộ trưởng Nội vụ, trở thành người giữ chức vụ này lâu nhất tại nước Anh trong hơn 5 thập kỷ qua. Trong 6 năm tại vị, bà Theresa May trao quyền nhiều hơn giúp cảnh sát trấn áp tội phạm, tăng cường bảo vệ biên giới, giảm nhập cư và bảo vệ nước Anh khỏi khủng bố.Những chính sách cứng rắn của bà đã phần nào giúp hé lộ những điều mà người dân Anh có thể chờ đợi từ nữ Thủ tướng mới của họ.
Trong cương vị là Bộ trưởng Nội vụ, bà May nổi tiếng với lập trường cứng rắn trong việc kiểm soát thắt chặt nhập cư đến Anh. Bà đã từ chối đề nghị của EU để cấp hạn ngạch tiếp nhận người di cư trong liên minh với lý do chỉ ưu tiên là giúp những người sống ở khu vực chiến tranh hoặc trong các trại tị nạn chứ không phải những người giàu có muốn đến châu Âu. Bà Theresa May cũng nổi tiếng với chiến dịch có khẩu hiệu “Những người nhập cư hãy trở về nhà hoặc bị bắt giữ”.
Vào tháng 6/2016, các nhà lập pháp Anh đã thông qua Dự luật các quyền lực điều tra, một đề xuất được bà May đưa ra, cho phép cảnh sát và các cơ quan công quyền có thể giám sát dữ liệu thông tin cá nhân của người dân nhằm đối phó với các phần tử khủng bố.
Bà Theresa May có gu thời trang sang trọng và tinh tế.
Không chỉ thế, bà Theresa May cũng là một trong những tiếng nói kiên trì ủng hộ việc Anh tiến hành chiến tranh ở Iraq cũng như các hoạt động khác của quân đội nước này tại Syria, Libya và Afghanistan.
Có lẽ đến nay, bà Theresa May được biết đến nhiều nhất với câu nói “Brexit có nghĩa là Brexit” - một lời khẳng định chắc nịch cho quyết tâm lèo lái nước Anh trong tiến trình ra khỏi liên minh châu Âu thuận lợi nhất.
Điều đáng nói là bà May trước đó vốn được coi là người theo phe chủ nghĩa hoài nghi hội nhập châu Âu. Tuy nhiên, trong chiến dich vận động người dân hồi đầu năm 2016, bà đã đứng về phía ông David Cameron ủng hộ việc ở lại.
Giờ đây, người phụ nữ này sẽ phải chứng minh sự kiên cường của mình, trong bối cảnh nhiệm kỳ trước mắt sẽ ngập tràn những cuộc đàm phán với lãnh đạo EU, áp lực buộc nước Anh phải nhanh chóng kích hoạt điều 50, khả năng Scotland đòi độc lập và cũng phải trấn an các nhà đầu tư đã vội vã tháo chạy và khiến đồng bảng rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 30 năm.
Trước tình hình đó, bà Theresa May tuyên bố: “Chúng ta cần một tầm nhìn mới, mạnh mẽ và tích cực cho tương lai của đất nước, một tầm nhìn không phải chỉ đem lại lợi ích cho số ít những cá nhân có đặc quyền mà cho tất cả mọi người trong chúng ta”.
Ngày 13/7/2016, bà Theresa May, Bộ trưởng Nội vụ Anh, đã chính thức kế nhiệm Thủ tướng David Cameron trở thành nữ Thủ tướng thứ hai trong lịch sử của nước Anh. Người phụ nữ 59 tuổi đảm trách vai trò chèo lái con thuyền Anh quốc trong giai đoạn chính trị nhiều biến động khi nước Anh đang rời Liên minh châu Âu (EU) được đánh giá là “người đàn bà thép” đầy cá tính thứ 2 của xứ sở sương mù, sau bà Margaret Thatcher.
Điềm tĩnh và cứng rắn
Trọng trách người đứng đầu Chính phủ Anh đến với bà Theresa May như một mối duyên nợ và chút gì đó từa tựa như sự may mắn. Cùng với các ứng viên khác của đảng Bảo thủ là Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Liam Fox và Bộ trưởng Năng lượng Andrea Leadson, bà Theresa May tham gia tranh cử chức Thủ tướng sau tuyên bố từ chức của ông David Cameron vào ngày 24/6.
Sau hành trình đua tranh, Bộ trưởng Nội vụ Theresa May và Thứ trưởng Năng lượng và Biến đổi Khí hậu Andrea Leadsom trở thành hai ứng cử viên sáng giá cuối cùng.
Theo kế hoạch, bà Theresa May và Thứ trưởng Năng lượng và Biến đổi Khí hậu Andrea Leadsom sẽ phải trải qua một cuộc bỏ phiếu của các nghị sĩ đảng Bảo thủ, với kết quả dự kiến được công bố ngày 9/9 tới. Tuy nhiên, trong ngày 11/7, đối thủ duy nhất của bà May đã bất ngờ tuyên bố rút lui.
Cùng ngày 11/7, Thủ tướng Anh David Cameron tới thăm Nữ hoàng Elizabeth II để nộp đơn xin từ chức. Phát biểu tại Số 10 phố Downing, Thủ tướng Cameron nói: “Chúng ta sẽ có Thủ tướng mới thay thế tôi trước tối ngày thứ Tư (tối 13/7, giờ địa phương)”. Báo giới Anh đã đồng loạt đưa tin về sự kiện này. Trang nhất nhật báo uy tín The Guardian nổi bật dòng tít: “Thẳng tiến đến số 10” để chúc mừng bà Theresa May. Tờ Telegraph có nhiều bài viết kèm theo video ngắn gọn giới thiệu về Thủ tướng Anh tương lai.
Tuy nhiên, sự từng trải của người giữ chức Bộ trưởng Nội vụ Anh lâu nhất 50 năm qua đã giúp bà Theresa May đã trở nên hết sức điềm tĩnh trước tin vui này. Bởi bà ý thức được ngay phía trước hành trình Thủ tướng của mình, là vô số gan gian nan thử thách. Nói như tờ Financial Times trong bài viết “Thủ tướng mới – giờ là nhiệm vụ khó khăn”: “Nước Anh rất cần một giai đoạn ổn định, để chính phủ mới do bà May lãnh đạo có thể lên kế hoạch rút khỏi EU và thúc đẩy mối quan hệ thương mại mới với châu Âu và phần còn lại của thế giới”.
Và cũng chính sự điềm tĩnh đã giúp bà Theresa May đề ra cho mình được một chiến lược hành động có thể nói là khôn ngoan trong bối cảnh nước Anh đang hỗn loạn bởi Brexit, đó là nhấn mạnh mục tiêu đoàn kết nội bộ đảng, đoàn kết đất nước để đương đầu với những thách thức trước mắt. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, bà từng nói rằng: “Tôi nghĩ điều tối quan trọng của đảng lúc này là đoàn kết. Chúng ta không phải là người rời đi hay người ở lại, chúng ta là những thành viên đảng Bảo thủ trong chính phủ với công việc phải làm”.
Bên cạnh đó, kinh nghiệm nhiều năm đứng đầu Bộ Nội vụ cũng là lợi thế để bà Theresa May tạo lòng tin với các nghị sỹ về khả năng đối phó với các thách thức an ninh quốc gia. Trong một bài viết đăng trên tờ Mail đầu tuần này, bà Theresa May tuyên bố sẽ bảo vệ nước Anh an toàn trước mối đe dọa của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Trong cuộc đua tranh chức Thủ tướng Anh, Theresa May là một trong những người ủng hộ Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, bà tự nhận sẽ làm cây cầu kết nối giữa phe hoài nghi châu Âu (Euroskeptics) và phe tiến bộ của đảng khi lãnh đạo nước Anh hậu Brexit.
Trong lời cam kết được trích trong tờ London Times ra ngày 30/6, bà khẳng định rằng với kinh nghiệm lãnh đạo của mình, bà có thể giúp Anh trở thành một đất nước đáp ứng được nhu cầu của tất cả mọi người.
Với vai trò là Bộ trưởng Nội vụ có nhiệm vụ kiểm soát nhập cư và an ninh quốc gia, bà đã giành được sự ngợi khen từ phía hoài nghi châu Âu vì đưa ra những đường lối cứng rắn về xuất nhập cảnh. Bà còn được ca ngợi vì đã trục xuất nhà truyền giáo cực đoan Abu Qatada và từ chối dẫn độ kẻ đột nhập máy tính của Lầu Năm Góc – Gary McKinnon sang Mỹ, dù trong thời gian bà giám sát thì trong nước không hề có một cuộc tấn công khủng bố lớn nào.
Vợ chồng Thủ tướng Theresa May.
Nghiêm túc, tinh tế và không màu mè
Bà Theresa Mary May (Theresa Mary Braiser) sinh ngày 1/10/1956 ở một thị trấn ven biển Eastbourne trên bờ biển phía nam nước Anh, là con gái của một mục sư Tin Lành nổi tiếng nghiêm khắc và có cuộc sống riêng tư bí ẩn. Bà May theo học ngành nghiên cứu địa lý tại Đại học Oxford. Chính tại một sàn nhảy dành cho sinh viên đảng Bảo thủ của trường, bà đã được Benazir Bhutto – sau này là thủ tướng Pakistan – giới thiệu với người chồng tương lai là ông Philip May.
Tham vọng chính trị bà May đã được nuôi dưỡng từ khi bà còn ngồi trên giảng đường đại học và điều này vẫn được bạn học của bà nhớ đến. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Oxford, bà May làm việc và đảm nhiệm một số chức vụ trong Ngân hàng Anh và Hiệp hội Dịch vụ thanh toán trước khi được bầu làm nghị sĩ ở Maidenhead vào năm 1997. Bà trở thành nữ Chủ tịch đầu tiên của đảng Bảo thủ vào năm 2002 khi đảng giữ vai trò đảng đối lập dưới thời Thủ tướng Tony Blair.
Năm ấy, bà đã có một bài phát biểu sắc bén tại hội nghị thường niên của đảng, cảnh báo phe cánh hữu về việc cử tri xem đảng Bảo thủ là một “đảng ghê rợn”. Chính bài phát biểu này đã đánh dấu sự xuất hiện của Theresa May trên phạm vi quốc gia. Trước khi đảng Bảo thủ thành lập chính phủ liên minh vào năm 2010, bà đã giành được hơn một nửa số phiếu bầu ở Maidenhead, điều này đã khiến ông Cameron bổ nhiệm bà làm bộ trưởng Phụ nữ và Bình đẳng và Bộ trưởng Nội vụ.
Khi mới bước vào chính trường, bà đã nổi tiếng về gout thời trang tinh tế, đặc biệt là cách lựa chọn giày dép. Tạp chí Vogue là ấn phẩm không thể thiếu trong cuộc sống của bà. Bà Theresa May hiếm khi cởi mở nói về cuộc sống riêng của mình. Bà Theresa May trải lòng: “Tôi không phải là một chính trị gia màu mè. Tôi không đi hết đài truyền hình này tới đài truyền hình khác. Trong giờ ăn trưa, tôi không bàn tán về người khác. Tôi không đi uống ở các quán bar quanh Nghị viện. Tôi là Theresa May. Tôi nghĩ mình là người xuất sắc nhất để lãnh đạo đất nước này” – tờ Telegraph trích đăng lời của bà Theresa May. Bộ trưởng nội vụ lâu đời nhất trong suốt nửa thế kỷ qua của nước Anh cũng nổi tiếng với sự nghiêm túc, cần mẫn và thường né các cuộc vận động ngầm hay bội bạc vốn phổ biến trong đảng Bảo thủ. Có lẽ vì thế, đã có những so sánh giữa bà May với thủ tướng Đức Angela Merkel, một người giản dị và hết sức cứng rắn khác ở châu Âu.
Trái ngược với các quan điểm chính trị, cách nhìn nhận xã hội của bà Theresa May lại khá “thoáng”. Bà ủng hộ hôn nhân đồng giới. Hồi năm 2012, bà lên tiếng kêu gọi nới lỏng lệnh cấm phá thai. Hay cùng với nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ khác, bà đã bỏ phiếu chống lại lệnh cấm săn cáo.
Khi được so sánh với bà Margaret Thatcher – người từng là thủ tướng Anh trong 11 năm, bà Theresa May đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với bà Thatcher nhưng tuyên bố không có hình mẫu nào muốn noi theo trong chính trị. Bà thích tự tạo ra con đường riêng của mình. Cựu đồng nghiệp Ken Clarke mô tả bà là “người phụ nữ rất khó tính”. Bà May dường như coi đó là lời khen, nói rằng bà sẽ “rất khó tính” với các lãnh đạo của EU trong các cuộc đàm phán Brexit.
Ở tuổi 59, bà Theresa May sẽ là nhà lãnh đạo lớn tuổi nhất bước vào Dinh Thủ tướng, kể từ sau khi James Callaghan giữ cương vị này hồi năm 1976, ở tuổi 68. Và bà sẽ là Thủ tướng Anh đầu tiên không có con sau Ted Heath.