THƯ GỬI BẠN TA của Bùi Bảo Trúc
Các bài viết hàng tuần của Nhà Báo Bùi Bảo Trúc trong mục Thư Gửi Bạn Ta
FASHION SHOW
Em thua tôi 10 tuổi,
nên có gọi bằng "em" thì cũng đúng. Đọc tiểu sử của em thì em gốc gác người Bến
Tre, lên Sài Gòn ghi tên học ở Đại Học Văn Khoa năm 1973 nhưng chỉ khoảng hơn
một năm sau, việc học của em bị gián đoạn vì "chính quyền Cộng Hòa Miền Nam kiểm
soát toàn bộ miền Nam". Nói rõ hơn là khi Cộng Sản chiếm miền Nam. Như vậy, theo
tiểu sử của em trong Wikipedia, em lớn lên và được cho học hành trong vùng kiểm
soát của Việt Nam Cộng Hòa, không chỉ vào rừng chích đít tầm bậy tầm bạ rồi nhận
bừa là có bằng cử nhân luật như thằng Ba Ếch hay những thứ ngợm nhảm nhí khác ở
Việt Nam bây giờ.
Em vào trường Văn
Khoa trên đường Cường Để, khi tôi không còn thỉnh thoảng ghé ngang để...tìm một
tà áo:
Ta nhớ ngày xưa cuối giảng đường
Mắt đầy sao và áo đầy hương
Em đem trời đẹp vào trong lớp
Ta thấy trong hè bỗng đã xuân...
Mắt đầy sao và áo đầy hương
Em đem trời đẹp vào trong lớp
Ta thấy trong hè bỗng đã xuân...
Ta thấy chiều rơi trên hành lang
Nắng loang vệt nhỏ dưới sân trường
Em đi chiều bỗng vàng trên mái
Tà áo bâng khuâng lá ngập đường...
Nắng loang vệt nhỏ dưới sân trường
Em đi chiều bỗng vàng trên mái
Tà áo bâng khuâng lá ngập đường...
Rồi em theo Việt Cộng,
không còn học Văn Khoa nữa.
Em về Bến Tre, đúng
là "không có chó, bắt mèo ăn...", em đi làm cho cách mạng, từ từ leo dần
lên một số những chức vụ không lấy gì làm vẻ vang cho lắm như phó phòng, trưởng
phòng... toàn những việc không dính gì tới những môn học (chưa chắc em đã ghi
danh) ở trường văn khoa, rồi và cuối cùng là chủ tịch cuốc, không phải là QUỐC
hội.
Em tên là Nguyễn thị Kim Ngân, không biết có phải là tên thật hay không, nhưng phải nói ngoại hình, em trông khá hơn nhiều em khác, tên cũng tối tân hơn cái kiểu em Tòng thị Phóng nhiều.
Mới đây, nói rõ hơn
là sau khi em được bọn đười ươi đưa lên làm chủ tịch cuốc hội, em bỗng... nổi
cộm hẳn lên, với cảnh em tuyên thệ nhậm chức. Em mặc một chiếc áo dài rất hoa lá
cành, giơ một tay lên thề, tay kia đặt trên một tập giấy gói xôi (?), phía sau
có ba đười ươi cười toe toét... Người ta chú ý ngay đến chiếc áo thêu hoa hoét
em mặc, Đó là một chiếc áo dài rất kiểu cọ, không hề giống như những chiếc áo
của mấy em đười ươi khác. Áo em mặc có cổ thấp, vai raglan, mầu sắc tươi tắn hoa
hòe hoa sói tưng bừng, khiến phe chợ Đồng Xuân phát điên lên vì ghen tức.
Và cũng từ đó, em
xuất hiện nhiều hơn, lần nào cũng áo dài kiểu cọ rất dã man, cứ như vừa đi vừa
ưỡn ẹo "la plus belle pour aller danser..." không bằng. Những chiếc áo em
mặc đều được may khá đẹp, trước ngực có thêu hay vẽ như những chiếc áo của các
buổi trình diễn thời trang áo dài. Thôi thì đủ kiểu cổ cao, cổ thấp, cổ thuyền...
nhưng vẫn phải là tay raglan mới được.
Thế là những kiểu áo
kiểu đồi trụy mà dép râu nón cối thù ghét của thời Ngụy được cho vùng lên, sống
lại sau khi bị cấm đoán, cắt nghiến cái vạt đi cho đúng nét đẹp cách mạng lại
xuất hiện ở em. Người ta nghĩ có thể trong những ngày ở trường Văn Khoa đã có
những lần em dõi mắt trông vời những chiếc áo tiểu thư Sài Gòn, nên bây giờ em
phải mặc cho bằng được những chiếc áo đầy nét đồi trụy đó. Nhưng những chuyện
như vậy thường hay đi những bước quá độ. Em mặc áo dài kiểu cọ lia chia. Mỗi lần
xuất hiện là lại phải một chiếc áo với một design mới, cho dù là để cho cá ăn
cho Obama tởn hồn hay vài ba dịp khác. Nhưng gần đây, em thừa thắng xông lên
khiến em lộ nguyên hình một con nhà quê bầy đặt học làm sang nhân dịp em xuất
hiện cạnh mấy đười ươi đực trong buổi lễ thương binh liệt sĩ. Trong khi mấy đười
ươi đực mặc Âu phục, ca vát thì em chơi nguyên một quả áo dài đỏ loét hoàn toàn
không thích hợp trong một dịp cần một (chút) không khí trang nghiêm. Em lại chơi
một quả fashion show trình diễn thời trang cho bõ những ngày cơ cực. Em
không hề biết trang phục cũng phải cho hợp thời và đúng lúc: không phải lúc nào
cũng có thể y phục giống như mọi lúc. Chức vụ đứng đầu cuốc hội của em không cần
phải diêm dúa, lòe loẹt như thế, huống chi khi xuất hiện trong những dịp cần
trang nghiêm. Em có thấy quần áo của tổng thống Đại Hàn chưa? Đâu phải lúc nào
tổng thống Phác Cận Huệ cũng một chiếc hanbok lụa đầy mầu sắc đâu. Hay Indira
Gandhi trong chiếc sari tha thướt, hay Margaret Thatcher, hay Hillary Clinton,
Golda Meir...
Càng kiểu cọ càng hố
là vậy. Bớt lại đi chứ em! Hay là hồi xuân hơi... muộn?