Friday 20 October 2017

Nghiên cứu chiến tranh Việt Nam

Tác giả: Mark Atwood Lawrence
Dịch giả: Song Phan
Mùa Thu năm 2017 (tập 38, số 4)
Tình trạng nghiên cứu đã giúp thay đổi như thế nào

alt

Hai lính Mỹ ở Pleiku, miền Nam Việt Nam, nơi có một căn cứ không quân Mỹ tháng 5/1967. Nguồn: Everett Collection / Alamy Stock Photo 

Đây là thời kỳ bùng nổ đối với các sử gia về chiến tranh Việt Nam (VN). Một lý do là sự quan tâm trở lại của công chúng về chủ đề vốn đã giảm bớt sự chú ý trong đời sống người Mỹ suốt thập niên 1990. Vào thời điểm đó, chiến tranh lạnh kết thúc và sự tự tin đối với sức mạnh của Hoa Kỳ tăng vọt, dường như làm giảm đi mối liên hệ của những cuộc tranh luận trước đây cũng như sự cần thiết để rút ra những bài học từ cuộc chiến bại của Mỹ. Nhưng sau đó, chiến tranh ở Afghanistan và Iraq xảy ra: những xung đột đẫm máu mà trong nhiều khía cạnh chính lại khá giống với cuộc chiến ở Đông Nam Á ba thập niên trước đó. Những người chỉ trích phàn nàn rằng, George W. Bush dìm đất nước vào “một cuộc chiến Việt Nam khác”, và các nhà chiến lược quân sự lần nữa lại chú tâm vào cuộc chiến trước đó để tìm những manh mối về lực lượng nổi dậy ở nơi xa xôi, không thân thiện. Về phần mình, các nhà sử học đã nắm lấy cơ hội để diễn giải lại về VN cho thế hệ trẻ hơn và đặc biệt là so sánh và đối chiếu cuộc xung đột VN với những vướng víu mới của Mỹ.

Gần đây, sự quan tâm mạnh mẽ của công chúng đến cuộc chiến này đã trở lại vào dịp kỷ niệm 50 năm chiến tranh, tính từ những năm đau đớn nhất của cuộc chiến đối với Hoa Kỳ. Các nhà xuất bản đã dùng dịp này để phát hành các sách lịch sử dạng chuyên sâu, trong đó có công trình của Mark Bowden xem xét sâu rộng sự kiện Huế năm 1968, tường thuật nhiều mặt về trận đánh lớn nhất giữa các lực lượng Mỹ và cộng sản trong Tết Mậu Thân 1968. Báo chí, truyền thông cũng tham gia. Trong năm 2017 và đầu năm 2018, báo New York Times được đăng trên mạng một loạt khoảng 130 bài bình luận cá nhân, tập trung vào các sự kiện năm 1967. Thời điểm nổi bật hơn cả là, hồi cuối tháng 9: buổi ra mắt bộ phim tài liệu chờ đợi, dài 18 giờ về cuộc chiến tranh này của Ken Burns và Lynn Novick, một sự kiện chắc chắn sẽ gợi hứng cho nhiều làn sóng bình luận mới về VN và làm sống lại cuộc tranh luận trong các phòng [hội thảo] trên toàn quốc.

Nhưng có một lý do khác ít được nhận thấy hơn cho sự quan tâm mới đối với cuộc chiến tranh ở VN: Nguồn tài liệu mới đầy ngoạn mục đã thay đổi khả năng viết về chủ đề này. Một số tài liệu mới này đã xuất hiện từ các kho lưu trữ của Hoa Kỳ, được cho giải mật trong thập kỷ qua. Đặc biệt là hồ sơ thời tổng thống Nixon và Ford (1969-1977) làm cho các nhà sử học có thể viết một cách tự tin hơn và chi tiết hơn về các giai đoạn cuối cùng sự can thiệp của Hoa Kỳ ở VN, từ lâu đã là thời kỳ tương đối không được chú ý của cuộc chiến.

Thật vậy, giai đoạn cuối của các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ gần đây đã gây ra một cuộc tranh luận đặc biệt về một trong những điều gây tranh cãi cơ bản nhất về VN: Liệu Hoa Kỳ và các đồng minh miền Nam VN (VNCH) sẽ thắng cuộc chiến nếu như công chúng Mỹ không chống lại nó? Hai cuốn sách mới khiêu khích của Lewis Sorley và Gregory Daddis dẫn đầu trong lập luận ủng hộ và phản bác quan điểm, cho rằng quân đội Mỹ có thể bảo đảm chiến thắng tổng thể, nếu không vì sự ủng hộ chính trị èo uột ở Mỹ.

Trong khi đó, việc viết về mỗi giai đoạn của việc ra quyết định của người Mỹ đã được thuận lợi hơn nhờ việc công bố bản ghi âm các cuộc họp quan trọng, các cuộc trò chuyện bằng điện thoại, hoặc cả hai, của các tổng thống Hoa Kỳ, từ Franklin D. Roosevelt, tới Richard Nixon. Do những điều này thường chuyển đạt tâm trạng và cảm xúc của các nhà hoạch định chính sách cao cấp, chúng vô cùng quý giá trong việc giúp các sử gia hiểu rõ hơn về các động cơ bên trong các quyết định về chiến tranh. Ví dụ, bây giờ có thể nghe được nỗi đau của Lyndon Johnson về việc leo thang vai trò của Hoa Kỳ trong những năm 1964 và 1965. Những nghi ngờ của Johnson, cùng với nhận thức rõ ràng của ông về những vấn đề có thể vây bọc lực lượng Mỹ nếu ông leo thang cuộc chiến ở VN, đã hướng các nhà sử học dẹp bỏ ý tưởng, có lúc chiếm ưu thế rằng, các nhà lãnh đạo ở Washington, không biết gì về chính trị VN và bị che mắt bởi những giả định thời Chiến tranh Lạnh về những nguy cơ của chủ nghĩa cộng sản, bước từng bước một vào “vũng lầy” mà không ai đoán trước. Câu hỏi cũ – Sao người Mỹ lại có thể quá ngu dốt như vậy? – đã được thay thế bằng một câu hỏi mới: Tại sao các nhà lãnh đạo Mỹ lại quyết đưa đất nước dấn vào chiến tranh, bất chấp nhiều điều còn mù mờ và biết rõ về những trở ngại mà họ sẽ phải đối đầu?

Tuy nhiên, nguồn tài liệu mới ấn tượng nhất đã xuất hiện từ các nước khác, không phải từ Mỹ. Gần 30 năm trước, các nhà sử học chỉ giới hạn ở các nguồn của Hoa Kỳ và Tây Âu, khiến không thể viết với thẩm quyền về chính Việt Nam hay việc ra quyết định của các đồng minh Bắc Việt như Trung Quốc (TQ), Liên Xô và các nước Đông Âu. Mọi thứ đã thay đổi sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.. Các nước Đông Âu đã tiến xa trong việc mở cửa kho lưu trữ tài liệu cho các nhà nghiên cứu. Về phần mình, chính phủ Nga đã mở một số hồ sơ thời Xô viết, nhất là các hồ sơ của đảng Cộng sản. TQ và VN, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, đã không tạo ra những thay đổi chính trị to lớn, tụt lại phía sau, tuy nhiên ngay cả những chính phủ đó cũng đã dần dần cho phép tiếp cận một số hồ sơ thời Chiến tranh Lạnh. Đáng chú ý nhất là chính phủ VN đã mở ra nhiều nguồn tài liệu do chế độ đã không còn tồn tại ở Sài Gòn, cai trị dưới vĩ tuyến mười bảy, trong thời kỳ hoàng kim của sự can thiệp của Hoa Kỳ.

Kết quả là một khối lượng [tài liệu] lớn và đang phát triển cho các học giả đầy tham vọng và có kỹ năng ngôn ngữ, muốn khám phá những khía cạnh mới của cuộc chiến này. Các nhà sử học Mark Philip Bradley, Robert K. Brigham, William J. Duiker, Christopher Goscha, David S. Marr, và Sophie Quinn-Judge dẫn đường trong việc xem xét trải nghiệm của VN, dựa trên các nguồn tiếng Việt mới có, tạo ra các nghiên cứu mở đường quanh thời điểm chuyển giao thế kỷ. Một thế hệ học giả trẻ hơn mà hầu hết đều đã viết các luận văn bắt nguồn từ các nghiên cứu sâu rộng ở VN, đã xây dựng trên những thành tựu đó và thậm chí, lần đầu tiên, bắt đầu đào sâu vào việc ra quyết định của chính quyền cộng sản ở Hà Nội. Trong khi đó, các nhà sử học vể chính sách đối ngoại của Liên Xô và  TQ, đặc biệt là Ilya Gaiduk, Chen Jian, và Qiang Zhai, đã sử dụng tài liệu mới để xem xét các mối quan hệ phức tạp giữa cộng sản VN và các ông chủ siêu cường của họ.

Rõ ràng là, việc mở cửa các kho lưu trữ ở Nga và TQ, cũng giống như ở VN, vẫn mới một phần và có tính chọn lọc, cho phép các nghiên cứu căn cứ trên những tài liệu vừa mới tiếp cận được – có thể rất ấn tượng – rất dễ gây tranh cãi và chỉnh đổi khi có thêm nhiều tài liệu có thể tiếp cận được. Tuy nhiên, so với mức độ gần như bất khả trong việc thực hiện loại công trình như vậy 30 năm trước, các nhà sử học đã có những tiến bộ đáng kể đối với việc xem xét lại cuộc chiến tranh ở VN như một màn diễn không chỉ trong lịch sử Hoa Kỳ, mà còn trong lịch sử VN và thế giới. Tóm lại, các sử gia ngày càng đánh giá cao cuộc chiến tranh về điều mà nó có vào lúc đó: một cuộc xung đột nhiều bên, liên quan đến nhiều phía tham gia, cả VN và quốc tế, được thúc đẩy bởi những động cơ phức tạp và chuyển biến khác thường.

Nghiên cứu mới này trong các nguồn tài liệu, ngoài Hoa Kỳ cho thấy chính xác điều gì cho đến nay? Ba ví dụ chỉ ra sự đa dạng và tầm quan trọng của những khám phá mới. Thứ nhất, nghiên cứu về chính sách đối ngoại của TQ đã tiết lộ chi tiết về sự phụ thuộc của Bắc Việt (tức CSVN) vào nước láng giềng hùng mạnh của nó ở phương bắc trong những năm trước Cách mạng Văn hóa, vốn làm giảm đi rất nhiều  tham vọng của TQ ở nước ngoài. Mặc dù căng thẳng lịch sử giữa VN và TQ, các nguồn mới có được cho thấy, rõ rằng quân đội TQ đã giúp huấn luyện và tư vấn cho các lực lượng cộng sản VN từ đầu năm 1950 và đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954, chiến thắng của VN kết thúc chế độ thực dân Pháp và giáng một đòn mạnh vào phương Tây trong Chiến tranh Lạnh.

Đáng chú ý hơn, các tài liệu mới làm rõ số lượng lớn thiết bị và thậm chí cả nhân lực mà TQ cung cấp cho Bắc Việt trong cuộc chiến tranh về sau dính dáng với lực lượng chiến đấu của Hoa Kỳ. Theo nhà sử học Qiang Zhai, TQ đã gửi tất cả mọi thứ từ thiết bị quân sự và vũ khí cho tới trái bóng bàn, các bộ bài cào, kim khâu, và hạt giống rau theo một loạt các thỏa thuận với Bắc Việt. Đồng thời, Qiang Zhai khẳng định, có tổng cộng 320.000 lính TQ phục vụ ở Bắc VN từ tháng 6 năm 1965 đến tháng 3 năm 1968, lúc cao nhất là 170.000 trong năm 1967. Chắc chắn lực lượng TQ đã không được giao vai trò chiến đấu. Nhưng Zhai ghi nhận rằng, họ cho phép Bắc Việt có thể phái thêm lực lượng của chính  mình vào chiến trường miền Nam qua việc  thực hiện các nhiệm vụ có giá trị như sửa chữa cầu cống và đường sắt, xây dựng và di dời nhà máy, và cung cấp người điều khiển súng phòng không. Tất nhiên, những nhiệm vụ như vậy có thể nguy hiểm, nhất là do việc Hoa Kỳ đánh bom ở một số khu vực của miền Bắc VN. Theo các nguồn tin của Zhai, 1.100 binh lính TQ đã thiệt mạng ở miền Bắc VN và 4.200 người khác bị thương.

Thứ hai, các nguồn mới từ VN cho thấy sự phức tạp của việc ra quyết định trong ban lãnh đạo cộng sản tại Hà Nội. Trong nhiều năm, các sử gia giả định rằng, các nhà lãnh đạo Bắc Việt đi cùng nhịp và không cho phép bất đồng quan điểm. Cách nhìn này được duy trì một phần từ việc tin rằng chế độ ở Hà Nội về cốt lõi là toàn trị và hoàn toàn tuân phục các nhà lãnh đạo quyền lực nhất của mình, trên hết là Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, các khám phá gần đây đã cho thấy, tất cả điều này là nghi ấn. Một mặt, hai nhà sử học Nguyễn Liên Hằng và Pierre Asselin đã phát hiện rằng, Hồ Chí Minh—từ lâu đã được giả định là nhà  lãnh đạo ưu việt Bắc Việt cho tới lúc ông qua đời vào năm 1969—trên thực tế, ông ta đã mất rất nhiều ảnh hưởng vào khoảng năm 1960.

Nhân vật chủ chốt từ đó trở đi là Lê Duẩn, một nhà cách mạng sinh ở miền Nam, cho đến những năm gần đây vẫn tương đối mù mờ đối với các nhà sử học phương Tây. Tuy vậy, nhờ các ấn phẩm gần đây, Lê Duẩn được thấy rõ là một tay khuấy động hăm hở tung máu xương và các nguồn lực khổng lồ vào nỗ lực thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo Cộng sản, đã chi phối việc ra quyết định ở Hà Nội trong những năm can thiệp của Mỹ ở đỉnh cao. Hiểu được tầm quan trọng của Lê Duẩn và nhóm diều hâu quanh ông ta sẽ giúp rất nhiều trong việc đánh giá những áp lực leo thang tác động lên phía VN, ngay cả khi Lyndon Johnson và ccác trợ thủ của ông tăng cường sự quyết tâm của Mỹ vào giữa  thập niên 1960. Bây giờ chúng ta có thể thấy rằng, các nhà lãnh đạo của cả hai bên không chấp nhận ngoại giao và tin vào thắng lợi quân sự, một sự hội tụ diều hâu bi thảm đã đẩy mạnh việc leo thang.

Tuy nhiên, ưu thế của phe diều hâu ở Hà Nội không có nghĩa là không có tiếng nói trái ngược khi họ giữ vai trò lèo lái. Các nhà nghiên cứu làm việc với các nguồn tin từ VN đã khám phá ra bằng chứng về phe phái thực sự trong chế độ Hà Nội trong suốt những năm cuối thập niên 1950 và thập niên 1960. Nói chung, một vài nhà lãnh đạo cao cấp của Bắc Việt, trong đó có Hồ Chí Minh, đã ưu tiên củng cố chế độ cộng sản phía trên vĩ tuyến 17 và thận trọng với việc tiêu phí quá nhiều sinh mạng và tiền của để thống nhất đất nước. Những người khác, trong đó có Lê Duẩn, thiên về thống nhất đất nước— ngay cả với cái giá phải trả là một cuộc chiến tranh lớn, có khả năng lôi kéo Mỹ vào—trên tất cả các ưu tiên  khác của Bắc Việt. Các nghiên cứu mới về cuộc chiến cho thấy, chính sách của Bắc Việt là kết quả sự tương tác của hai quan điểm trên. Vào cuối thập niên 1950, phe trung dung thắng thế, kết quả là thời kỳ tương đối hòa bình ở VN. Tuy nhiên, với chiến thắng của phe diều hâu, Hà Nội chấp nhận một cuộc chiến tranh mới và biến Bắc VN thành một nhà nước cảnh sát đúng nghĩa, để giữ không cho những người hoài nghi đến gần.

Thứ ba, tình hình nghiên cứu mới đã chiếu ánh sáng mới quý giá vào bản chất của nhà nước Nam VN, kéo dài từ năm 1954 đến khi sụp đổ vào năm 1975. Chính phủ Nam VN có phải chỉ là một con rối của Hoa Kỳ, một sáng tạo nhân tạo sẽ phải tan vỡ bất cứ khi nào Washington rút lại sự trợ giúp kinh tế và quân sự? Hoặc liệu nó có phải là một quốc gia có thể đứng vững với một chính phủ hợp pháp, nếu như không có sự tấn công của những người cộng sản miền Bắc, có thể đã kéo dài như một thực thể ổn định và thân phương Tây tới một tương lai không xác định? Trong nhiều năm, cuộc tranh luận này chỉ là một chuyện tranh luận suông hơn là cuộc điều tra lịch sử. 
Những người phản kháng cuộc chiến này lập luận rằng, Hoa Kỳ đã tự sát vào một cuộc thử nghiệm Potemkin vô vọng bởi các nhà lãnh đạo độc ác, độc đoán, trong khi những người ủng hộ thấy rằng, Nam VN là một quốc gia non trẻ đang bị ách tắc vì mọi lỗi lầm của mình đã làm hết sức để chống lại sự xâm lược của cộng sản.

Không có gì đáng ngạc nhiên, phần lớn nghiên cứu mới bắt nguồn từ các nguồn tài liệu VN đã lập luận cho một khu vực xám giữa hai thái cực này. Hai nhà sử học như Edward Miller và Jessica Chapman đặc biệt chú trọng các năm cuối thập niên 1950 và các năm đầu thập niên 1960, cho rằng chính phủ Nam VN (tức VNCH) do Ngô Đình Diệm đứng đầu cũng có một mức độ hợp pháp và ủng hộ của dân chúng mà những người phê phán Diệm không nhận thấy được vào thời điểm đó hoặc kể từ đó. Chắc chắn, họ cũng chỉ ra sự thiếu khả năng của chính phủ trong việc mở rộng cơ sở của mình sâu xa hơn nữa trong dân chúng miền Nam VN. Nhưng họ cho thấy rằng, nhà nước Nam VN có một số lượng lớn cơ quan mà các lãnh đạo của chúng có thể thực thi khác nhau. Xét trong tất cả các mặt, những nhà sử học đã giúp đưa người VN trở lại vị trí trung tâm trong lịch sử của chính họ.

Tất cả những phát hiện này có ý nghĩa gì đối với điều chúng ta nên hiểu toàn bộ cuộc chiến tranh VN trong tổng thể của nó? Rõ ràng, công trình mới trong các nguồn không phải của Mỹ có ý nghĩa quan trọng đối với các câu hỏi ban đầu về vai trò của Hoa Kỳ tại VN. Liệu cam kết của Hoa Kỳ đối với VN được biện minh bằng bất kỳ lợi ích an ninh đích thực nào trong khu vực? Tại sao Hoa Kỳ không đạt được các mục tiêu của mình dù đã nỗ lực hết sức lớn? Các quyết định khác của các nhà lãnh đạo Mỹ có thể dẫn đến một kết quả khác không? Biết nhiều về bối cảnh quốc tế và VN hơn trước đây có thể giúp hình thành các ý kiến có thẩm quyền về các câu hỏi vốn không thể được giải đáp trọn vẹn một cách hợp lý trên cơ sở các nguồn của Mỹ. Tuy nhiên, công trình mới cũng nhấn mạnh khả năng giải quyết những câu hỏi vốn vượt ra ngoài trải nghiệm của Mỹ và xem cuộc chiến tranh VN trong bối cảnh, chẳng hạn như việc xoá thực dân hoá, phong trào Cộng sản Quốc tế, và sự chia rẽ Trung-Xô. Tin tốt là, với hàng loạt tài liệu mới và một số tài liệu sẽ tiếp tục công bố, cùng sự quan tâm mạnh mẽ về cuộc chiến sau khi nó kết thúc bốn thập niên, các sử gia chắc chắn sẽ hăng hái tiến lên trên cả hai lối này. Thời gian bùng nổ có thể kéo dài trong một thời gian.
_____

Về tác giảMark Atwood Lawrence dạy lịch sử tại Đại học Texas ở Austin. Ông là tác giả của sách “Assuming the Burden: Europe and the American Commitment to War in Vietnam” (Vác Gánh nặng: Châu Âu và Cam kết của Hoa Kỳ đối với chiến tranh ở VN) và sách “The Vietnam War: A Concise International History” (Chiến tranh VN: Lịch sử Quốc tế ngắn gọn).