Wednesday, 6 December 2017

Biển Đông Tạm Thời Ngưng Sóng?


Hội Nghị Thượng Đỉnh Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á (ASEAN) đã kết thúc vào tháng trước cùng với thắng lợi của Tập Cận Bình trong kỳ Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Hoa lần thứ 19, như một lời nhắc nhở về sự phát triển đáng lo ngại ngày càng tăng của Trung Cộng ở Đông Nam Á.

Rodrigo Duterte, Tổng thống Philippines và Chủ tịch ASEAN, đã không nhắc đến phán quyết của Toà Trọng Tài Quốc Tế trong việc tranh chấp chủ quyền lãnh hải giữa Phi và Trung Cộng. Đồng thời xoay chuyển các cuộc đối thoại qua vấn đề xoạn thảo Nguyên Tắc Hành Xử ở Biển Đông (Code of Conduct - COC). Việc này khiến nhiều chuyên gia đã đưa ra ý kiến rằng có thể Phi đã có những thương lượng riêng với Trung Cộng về chủ quyền lãnh hải. Tuy nhiên, các chuyên gia này cũng cảnh báo rằng COC cuối cùng cũng có thể chỉ chứa đựng một mớ ngôn ngữ mơ hồ, không đề cập đến các phần chính xác của biển đảo hoặc khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải.

Thủ tướng Singapore, Lee Hsien Loong, người sẽ giữ chức Chủ tịch ASEAN vào năm 2018. Trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN, ông Lee đã khẳng định với khán giả rằng ông sẽ tập trung nhiều vào việc hội nhập kinh tế giữa 10 quốc gia thành viên của ASEAN. Về vấn đề Biển Đông, ông Lee nói với các phóng viên Singapore rằng "trong khi tình hình ngày càng trở nên trầm lắng hơn, [ASEAN] không thể xem đó là việc tự nhiên mà có." Các nhà bình luận đã bày tỏ sự lạc quan rằng với một quốc gia không có tranh dành chủ quyền biển đảo như Singapore ở vị trí lãnh đạo, ASEAN sẽ tiếp tục có những tiến triển trong việc đàm phán với Trung Cộng về COC. Trên thực tế, Singapore có thể sẽ muốn giữ cho ASEAN trên con đường mà Duterte đưa ra. Công ty truyền tin Reuters báo cáo hồi đầu năm nay rằng Trung Cộng đã gây áp lực đằng sau hậu trường ở Singapore, kêu gọi họ không nên khuấy động vấn đề Biển Đông sau khi Singapore chấp nhận vai trò lãnh đạo ASEAN.
 Câu hỏi được đặt ra ở đây là: "Có thể Biển Đông sẽ ngưng sóng gió, hay đây chỉ là một sự im lặng giữa các cơn giông tố?"

Nhật Bản

Theo các hãng thông tin Nhật Bản thì Nhật Bản và Trung Cộng đã đồng ý tổ chức các cuộc đàm phán lãnh hải vào cuối tháng này tại Thượng Hải. Thông báo này được đưa ra ngay sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình (Xi Jinping) bên lề Hội Nghị Thượng Đỉnh về Hợp Tác Kinh Tế Châu Á - Thái Bình Dương năm 2017 tại Việt Nam hôm 11 tháng 11 và sau đó với Thủ tướng Trung Cộng Li Keqiang tại các cuộc họp của ASEAN tại Philippines ngày 13 tháng 11 vừa qua.

Các cuộc họp này sẽ là cuộc đàm phán lãnh hải thứ tám kể từ khi Nhật Bản và Trung Cộng bắt đầu thảo luận về các tranh chấp lãnh hải vào năm 2012. Hai nước này sẽ đưa các nhân viên thuộc các ngành ngoại giao, quân đội và bảo vệ bờ biển đến tham dự.

Trong khi các cuộc đàm phán lãnh hải là một dấu hiệu của việc cải thiện mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Cộng, Nhật Bản đang áp dụng các biện pháp để tăng cường khả năng phòng thủ ở Biển Đông. Theo một bài báo đăng trên tờ Nikkei Asia Review, Nhật Bản đang hợp tác với Anh để phát triển loại hoả tiễn không đối không mới (air-to-air missile), kết hợp các hoả tiễn Meteor của nhà sản xuất vũ khí Châu Âu với kỹ nghệ radar tiên tiến của hãng Mitsubishi. Trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Istunori Onodera đã xác nhận dự án này. Loại hoả tiễn mới này sẽ được trang bị trên máy bay chiến đấu F-35 của Nhật Bản mà hiện nay Lực Lượng Phòng Vệ Không Gian Nhật Bản đang sử dụng để bảo vệ và tuần tra các hòn đảo Senkaku đang tranh chấp.

Dự án này không chỉ đánh dấu lần đầu tiên Nhật Bản hợp tác với một quốc gia khác ngoài Hoa Kỳ để phát triển kỹ nghệ quốc phòng nhưng cũng thúc đẩy các mục tiêu của chính phủ của ông Abe nhằm hỗ trợ nền công nghiệp quốc phòng mới được thành lập của Nhật Bản và thu hút nhiều đồng minh hơn vào vùng Đông và Nam Hải. Các viên chức Nhật Bản và Anh đã có kế hoạch chính thức để công bố quan hệ hợp tác vào cuối tháng này tại London khi Onodera và Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida dự tính ​​sẽ gặp các đối tác Anh của họ. Trong các cuộc họp đó, hai bên sẽ thảo luận thêm về hợp tác về các cuộc tập trận chung.

Úc Châu

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Úc, tuần vừa qua, Úc và Trung Cộng đã chạm trán nhau trong một loạt chỉ trích mới về vấn đề Biển Đông, sau khi Úc công bố bản Bạch Thư về Chính Sách Đối Ngoại (Foreign Policy White Paper). Bộ Trưởng Ngoại Giao của Úc, Julie Bishop, cho biết đây là một văn bản "phân tích toàn diện đầu tiên về cam kết quốc tế của Úc trong 14 năm qua". Trong khi bản Bạch Thư đưa ra một quan điểm tích cực nói chung về quan hệ Trung Cộng-Úc, Úc lưu ý rằng họ "đặc biệt quan tâm đến tiến trình và quy mô hoạt động chưa từng có của Trung Cộng ở Biển Đông". Ngày 23 tháng 11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Cộng Lục Khang (Lu Kang) đã phản biện Úc với lời chỉ trích về "những nhận xét thiếu trách nhiệm về vấn đề Biển Đông" và cho biết chính phủ Trung Cộng đã "quan tâm sâu sắc" đến lập trường của Úc .

Trong buổi phỏng vấn sáng hôm sau, Bishop đã bác bỏ những lời chỉ trích từ Bắc Kinh và tìm cách xoa dịu tình hình bằng cách giải thích rằng bà đã được các viên chức cao cấp của chính phủ Trung Cộng kể cả Đại sứ Trung Cộng , Cheng Jingye, cho biết rằng họ "tôn trọng lập trường của Úc đã đưa ra trong bản Bạch Văn". Các nhà bình luận Úc cũng đã phê bình bản Bạch Văn về việc "tránh né Bắc Kinh" với ý tưởng "mong muốn" thay vì đưa ra các kế hoạch, chính sách một cách đích thực.

Phân Tích và Bình Luận

 Trừ khi "chính quyền của ông Trump ra tay ngăn cản" và đặt ưu tiên cho vấn đề Biển Đông, thì không ai có thể ngăn cản Trung Cộng biến Biển Đông thành cái hồ của riêng họ.
-- Murray Hiebert
Trên trang báo điện tử Lawfare, Eliot Kim, một nhà quan sát về tình hình Biển Đông đã tổng hợp một số phân tích và bình luận về vấn đề này. Sau chuyến viếng thăm Châu Á của Tổng Thống Donald Trump, các nhà bình luận đã tiếp tục phân tích vị trí của Hoa Kỳ trong khu vực. Trên tờ Nikkei Asia, Murray Hiebert đã cảnh báo rằng trừ khi "chính quyền của ông Trump ra tay ngăn cản" và đặt ưu tiên cho vấn đề Biển Đông, thì không ai có thể ngăn cản Trung Cộng biến Biển Đông thành cái hồ của riêng họ. Trong khi đó, ban biên tập tờ Wall Street Journal đưa ra một đánh giá tích cực hiếm hoi, vì họ thừa nhận rằng Tổng Thống Trump đã đưa ra vài tuyên bố công khai về Biển Đông, nhưng vẫn kêu gọi đọc giả tập trung vào quan hệ tốt đẹp hơn với Philippines và Việt Nam. Mark Valencia, trong bài xã luận đăng trên tờ South China Morning Post, đã cung cấp một bản tóm tắt toàn diện về phản ứng của các chuyên gia nổi tiếng trong khu vực.

Các chuyên gia và các nhà phân tích trong khu vực cũng tập trung vào sự hồi sinh của các cuộc họp Đối Thoại về An Ninh Bốn Bên ("Quad") và vai trò của "Quad" trong những năm tới. Cary Huang của tờ South China Morning Post cho rằng "Quad" có thể phát triển thành một phiên bản Châu Á của NATO. Huang tin rằng bởi vì bốn quốc gia mạnh nhất trong khu vực là Úc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Ấn Độ - không có tương phản về an ninh trong vùng Biển Hoa Đông, Biển Nam Trung Hoa và Bắc Triều Tiên, thế cho nên mối quan hệ này sẽ rất bền vững.
Lâm Viên
(tin tổng hợp)