Thiền Lâm
Hãy chứng kiến “Việt Nam hạnh phúc thứ 5 trên thế giới”: nhiều học sinh ở bản Ông Tú và Ka Óoc (xã Trong Hóa, Quảng Bình) phải đến trường bằng cách cởi quần áo, bơi một tay, tay còn lại giữ cặp- sách… Ảnh: Đại Kỷ Nguyên
Vietnam – Cali Today news – Một câu chuyện dưới đáy liêm sỉ, vô đạo và quá khó để tưởng tượng là vào thời gian cận Tết nguyên đán 2018, khi một lần nữa trong rất nhiều năm liền lãnh đạo nhiều tỉnh phải lên Văn phòng chính phủ xin gạo cứu đói cho dân, đó đây cảnh tượng học sinh nghèo vùng cao phải ăn thịt chuột lại tái hiện, cùng hình ảnh người nghèo chết không có nổi quan tài mà phải bó chiếu đưa về nhà lan rộng trên mạng xã hội…, báo chí nhà nước Việt Nam hân hoan: “Vượt qua Bhutan, Việt Nam xếp hạng thứ 5 danh sách các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới”.
Như vậy so với đầu năm 2017, Việt Nam dù đã tụt một bậc nhưng vẫn xếp thứ 5 về “Hạnh phúc nhất thế giới”!
Vào đầu năm 2017, một tổ chức chẳng mấy tiếng tăm là Indochina Research đã tự rước quá nhiều tai tiếng khi công bố “Việt Nam là nước hạnh phúc thứ 4 trên thế giới với chỉ số hạnh phúc là 78%” trong khuôn khổ cuộc điều tra cuối năm 2016 do mạng lưới Win/Gallup International thực hiện tại 66 quốc gia.
Kết quả “lạc quan và hạnh phúc” của Indochina Research nêu ra lại “tự diễn biến” trong bối cảnh nợ công, nợ xấu ngập đầu, ngân sách gần như cạn kiệt, thảm họa mang tên Formosa, thảm cảnh do xả lũ miền Trung và rất nhiều công nhân không có tiền mua vé tàu xe về quê trong Tết 2017.
Tình trạng tương tự trên cũng đang diễn ra vào đầu năm 2018. Thậm chí mọi việc còn tồi tệ hơn cả đầu năm 2017.
Nguyên năm 2017 là thảm cảnh cướp đất ở Đồng Tâm, Hà Nội khiến hàng chục ngàn người dân nơi đây phải vượt qua sợ hãi bắt giữ cả một trung đội cảnh sát cơ động. 2018 cũng là năm mà số người dân “tự chết” trong đồn công an phá kỷ lục so với nhiều năm trước. 2018 cũng là năm mà lần đầu tiên cánh tài xế phải đồng loạt phản ứng nạn thu phí BOT dã man chưa từng có… Gần tết nguyên đán 2018, không ít nơi công nhân đình công vì không nhận được lương và tiền thưởng tết. Khắp nơi người dân Việt rên siết vì sưu cao thuế nặng còn tồi tệ hơn cả thời “chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy”…
Thế còn so sánh với Bhutan thì sao?
Đất nước Bhutan nổi tiếng là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới mặc dù nền kinh tế của họ không mấy phát triển. Để người dân sống hạnh phúc thực sự, quốc gia đó không nhất thiết phải giàu có, phát triển. Quan trọng là người dân ở đó có thể sống thoải mái. Một đất nước hạnh phúc là nơi người dân luôn cảm thấy họ sống có ích, muốn chia sẻ và cống hiến cho cộng đồng.
Nhiều nhà xã hội học cho rằng, hạnh phúc thực sự dựa trên tiêu chí về sự đảm bảo các nhu cầu thiết yếu của người dân, các dịch vụ cơ bản của cuộc sống như y tế, giáo dục được đáp ứng thiết thực. Hạnh phúc thực sự là một người dân đều muốn sống có ích và cảm thấy cuộc sống của họ có ý nghĩa. Một người có hạnh phúc hay không bắt đầu từ những thứ giản dị như thế.
Nhưng ở Việt Nam, chỉ trong năm 2017 giá dịch vụ y tế và giáo dục đã tăng phi mã từ 3-5 lần. Hãy thử hỏi một gia đình nông dân có mức thu nhập chỉ khoảng 10 triệu đồng/năm,. nhưng chỉ một đứa con của họ đã phải trả học phí đại học từ 20 – 40 triệu đồng/năm, hạnh phúc ở đâu ra?
Và rất phổ biến lời tán thán dân gian đương đại “bây giờ vào bệnh viện mà không có tiền thì chỉ có chết!”.
Một nhà nghiên cứu là Tiến sĩ Khuất Thu Hồng nhận xét rằng nếu xét trên tiêu chí tuổi thọ thì Việt Nam không phải là nước có tuổi thọ cao để đáng phải tự hào. Còn tiêu chí cảm giác thoải mái, rất khó để nói người dân Việt Nam hài lòng khi đang phải lo toan mọi thứ: từ thực phẩm độc hại đến kẹt xe, mất an toàn giao thông, môi trường tự nhiên bị tàn phá… Đó là chưa nói cuộc sống bức bách khiến tâm lý con người thay đổi, bạo lực gia tăng, sẵn sàng đâm chém nhau vì những va chạm rất nhỏ…
“Tôi không hiểu thoải mái, hạnh phúc ở chỗ nào? Tôi không tin vào kết quả đó, phương pháp nghiên cứu này có vấn đề. Những người được hỏi chắc chắn không đại diện cho 90 triệu người dân Việt Nam.” – Tiến sĩ Hồng bức bối.
Vậy vì sao những tổ chức như New Economics Foundation và Indochina Research lại dám đánh giá “Việt Nam hạnh phúc thứ 5 (4) trên thế giới”?, trong khi vào tháng 3/2016 Liên Hiệp Quốc công bố một bảng xếp hạng chỉ số hạnh phúc với Việt Nam chỉ đứng thứ 96, và ngay một chuyên gia nhà nước như Tiến sĩ Khuất Thu Hồng cũng phải thổ lộ rằng dù Việt Nam được Liên Hiệp Quốc xếp hạng 96 về chỉ số hạnh phúc, bà vẫn thấy thứ hạng này được ưu ái?
Nhiều thông tin cho biết chính quyền Việt Nam đã tung ra hàng triệu đôla mỗi năm để “quảng bá hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế” trên một số tờ báo nước ngoài và cả chi cho tổ chức nghiên cứu quốc tế. Thậm chí còn có dấu hiệu chính quyền Việt Nam đã dùng tiền để “mua” một vài tờ báo, tổ chức nghiên cứu nhằm nêu ra những thông tin có lợi cho họ về thể diện và chính trị, bất chấp thực tế hoàn toàn trái ngược.