Tuesday, 16 January 2018

Ba con lăng quăng - Phạm Khắc Trung

Đầu niên học 1974-1975, do không bằng lòng với lời tuyên bố của nhà trường, rằng trong vòng một tháng, nếu sinh viên không bầu lấy Ban Đại Diện cho mình, thì nhà trường sẽ chỉ định Ban Đại Diện. Tôi tình nguyện đứng ra tổ chức nên ứng cử vào Ban Tổ Chức Bầu Cử, và kết quả là Lê Thị Mỹ, Nguyễn Thanh Sơn và tôi, được bầu vào Ban Vận Động và Tổ Chức Bầu Cử Ban Đại Diện Sinh Viên cho nhiệm khóa 74-75. Tôi nhiều phiếu nhất nên làm Trưởng Ban, chúng tôi làm việc hăng say, tận tình và quý mến nhau như anh em trong nhà.

Sau khi ra mắt Ban Đại Diện và giải thể Ban Tổ Chức Bầu Cử xong, tôi kéo Nguyễn Thanh Sơn và Nguyễn Hòa Bình (bạn thân của Sơn từ thời Trung Học), cùng thực hiện tập san Xuân cho trường, rồi tiếp tục gắn bó với nhau trong những sinh hoạt xã hội khác, như tiếp tay dọn dẹp vệ sinh thành phố, ủy lạo thương bệnh binh, tổ chức gây quỹ cây mùa xuân chiến sĩ, hiến máu cho chiến dịch tình thương, cứu trợ đồng bào và sinh viên chiến nạn miền Trung... Từ nguyên nhân đó, Sơn ghép ba đứa chúng tôi thành một nhóm, đặt tên là nhóm "ba con lăng quăng". Theo Sơn tưởng tượng, những hoạt động xã hội vô vì lợi không ngừng của chúng tôi, giống hình ảnh con lăng quăng luôn "quậy".

Cả Sơn lẫn Bình đều say mê văn nghệ, dù là sinh hoạt ngoài trời hay văn nghệ bỏ túi, bao giờ Sơn Bình cũng sắp xếp hợp ca cho được bản "Đừng mong ai đừng nghi ngại" của Trịnh Công Sơn. Một lần nghe lời Sơn Bình dụ dỗ, tôi gồng mình đứng giữa hai người ngâm:

"Hỡi những con chim đêm sao chưa vỗ cánh
Hỡi những anh nông dân sao chưa về làng
Hỡi những người mẹ già hàng đêm sao khóc
Hỡi chúng ta hôm nay đang nghe gì không".


Thế rồi Sơn Bình vừa đàn thật hùng tráng, vừa đập tay vào thùng đàn làm nhịp, vừa gân cổ cất giọng ca truyền cảm:

"Còn nụ cười trên đôi môi
Còn trái tim chân ta còn tới
vì giống nòi vì nước nhà tả tơi
Xin anh chị hãy vùng lên
Đời sống này đầy bóng tối
Triệu anh em chia sớt nguy nan
xây cách mạng dựng đời người mới
Dân ta thề quyết lòng giữ nước
Dù trên vai đời sống nhọc
Dù đạn bom đêm đêm gầm thét
Xin dân tộc hãy vùng lên
Già gái trai cùng tiếp nối
Vì quê hương không có tương lai
Bao tháng ngày nhìn đời lửa cháy
Xin anh chị sẵn sàng đi tới
Đừng mong ai. Đừng nghi ngại
Vì đời ta hôm nay đã thắm máu người".

Ngay sau 30/04/75, người cậu ruột của Sơn, nghe nói rất có máu mặt trong Trung Ương Cục R, từ bưng ra làm lớn trong Thành Ủy, mới đưa chị em Sơn vào làm trong Ban Xây Dựng Kinh Tế ở đường Nguyễn Trãi. Lúc đó Sơn ấm ức khóc nói với tôi rằng: "Thằng cậu Sơn hồi nhỏ đi chăn trâu, làm mất trâu không dám về sợ bà ngoại đánh, mới bỏ theo cách mạng. Bây giờ đỏ ngực trở về, nói gì má Sơn cũng nghe nên ép Sơn bỏ học theo làm thư ký cho chả!"

Đến tháng 08/75, Bộ Giáo Dục quyết định sát nhập sinh viên từ năm thứ Hai trở lên, thuộc khoa Kinh Tế Quản Trị vào trường Đại Học Kinh Tế, khoa Truyền Thông Đại Chúng vào trường Đại Học Văn Khoa hay Sư Phạm gì đó (tôi không nhớ rõ), còn sinh viên năm thứ Nhất thì bị giải thể. Tôi đi học tiếp, Bình trở về quê ở Cần Thơ.

Qua học kỳ 3, chúng tôi học môn "Kinh Tế Chính Trị Mác-Lênin" buổi sáng ở trường Luật, buổi chiều thảo luân ở đại học Phương Nam. Một buổi sáng đầu tháng 05 năm 1976, tôi vừa đạp xe tắp vô lề đường bên sân trường thì nghe tiếng réo từ bên kia đường vọng sang: "Anh Trung! Anh Trung!" Tôi quay qua thì thấy Sơn đang đứng ngay bàn cà phê bắt loa tay gọi, chiếc xe PC Sơn dựng trên lề đường, ngay cạnh bàn cà phê Sơn ngồi. Tôi dơ tay chào cho Sơn biết rằng tôi đã thấy, xong tôi dắt xe vào sân khóa cẩn thận, rồi mới băng qua đường vào bàn cà phê ngồi với Sơn.

Hôm đó Sơn mặc bộ đồ bộ đội, đầu đội nón cối, chân mang dép Bình Trị Thiên. Tôi cố tảng lờ làm như không để ý đến sự thay đổi này, và hỏi lảng về tin tức Bình, Sơn nhe răng cười hô hố trả lời rằng: "Thằng Bình chậm chạp, Sơn nghi nó bị cá lia thia táp mất rồi!" Tôi còn đang bâng khuâng nghĩ ngợi về câu Sơn nói, thì Sơn khều mạnh tay cho tôi chú ý, rồi Sơn mím môi trợn mắt, làm bộ tịch lí lắc như xưa, Sơn dơ ngón tay chỉ bộ đồ Sơn đang mặc, chỉ cái nón cối Sơn để trên bàn, chỉ đôi dép râu Sơn đang mang dưới chân, xong Sơn nhăn mặt dí dỏm hỏi: "Anh nói gì nào?"

Trong đầu tôi nghĩ đến câu giỡn chúng tôi thường nói với nhau trước kia mỗi khi gặp chuyện khó lòng là "mặt nhìn mặt biết c... gì nói", nhưng hôm đó tôi không mở miệng nổi, đành ngồi im ém luôn cả tiếng thở dài. Đột nhiên Sơn nắm chặt bàn tay tôi giật giật rồi òa lên khóc, miệng mếu máo, Sơn than: "Sơn hóa muỗi rồi anh Trung ơi!" Sơn kể rằng Sơn đã gia nhập bộ đội, ngày mai ra Hà Nội học, hôm nay Sơn tranh thủ đến chơi với tôi bữa chót rồi chia tay, không biết bao giờ gặp lại... Sau này tôi nghe bạn bè học lại, thì không hẳn Sơn chỉ gia nhập bộ đội và ra Hà Nội học như Sơn nói với tôi, mà cả hai chị em Sơn đều gia nhập "lực lượng bảo vệ chính trị", một loại công an chìm bảo vệ chế độ, và được cử ra Hà Nội học nghiệp vụ chuyên môn tại trường đại học Công An.

Sơn hỏi: "Anh nghỉ học bữa nay đi chơi với Sơn được không?" Tôi nói được và dáo dác nhìn về cổng trường Luật. Thấy vậy Sơn hỏi: "Anh tìm ai vậy?" Tôi trả lời: "Tìm thằng Trưởng Ban bảo vệ... Nó kia rồi..., chờ tao chút!" Rồi tôi đứng dậy băng qua đường, đến gần cổng trường, tôi vừa đi vừa gỡ cái nút áo trên ngực, banh hở ngực cho bảo vệ thấy, tay kia tôi chìa giấy triệu tập sinh viên, rồi lấn hai cô sinh viên, len mình đi vào. Y rằng như tôi tính, bàn tay của tên Trưởng Ban bảo vệ đã chặn tôi lại, hắn lên mặt kẻ cả ra lệnh cho tôi: "Cài nút áo lại cho đúng tác phong của người sinh viên xã hội chủ nghĩa!" Đưa tay bứt đứt cái nút áo trên ngực, tôi xòe bàn tay có cái nút áo ra phân bua với hắn: "Anh thông cảm cho, nút áo đứt rồi!" Hắn chộp vội tờ giấy triệu tập của tôi xếp lại rồi bỏ vào túi đeo bên hông, miệng buông lạnh lẽo: "Về đính nút áo lại rồi lên trình diện tôi!" Thầm cám ơn, tôi quay ngược ra cổng, Sơn đã đậu xe đợi sẵn ngay bên cổng trường từ hồi nào rồi, và chứng kiến trọn tấn tuồng tôi diễn với Trưởng Ban bảo vệ, nên tôi leo lên yên xe giục Sơn đi, Sơn vừa chạy xe vừa gục mặt cười, đã đời rồi Sơn mới quay lại nhìn tôi, dơ ngón tay cái lên tán thưởng tôi rằng: "Muôn đời không đổi! Anh vẫn là con lăng quăng!" Hồi đó làm việc chung với nhau, Sơn thích tính thẳng thắn, bất chấp hiểm nguy của tôi lắm, nhiều lần Sơn tiếc rẻ bảo: "Phải chi anh Trung chưa có bồ sẽ cưới chị Sơn, mình trở thành anh em rể với nhau thì sướng biết mấy!" Sau này tôi bị đào đá có nghĩ đến điều ấy, tiếc rằng chị Sơn lúc đó đã đi theo cách mạng mất rồi.

Từ hôm đó trở về sau, tôi và Sơn không còn gặp nhau nữa, sau này tôi bị cá mập đuổi chạy thục mạng qua tới bên kia bờ Thái Bình Dương. Những lần chính phủ thăng tướng cho công an, tôi lại ngập ngừng dò la danh sách, thắc mắc xem coi có thấy tên Sơn? Nhiều lúc tôi nghĩ, không biết bây giờ Sơn còn nhớ tới giấc mơ xưa? Nhớ ngày tôi ngâm cho Sơn Bình ca xong, Sơn Bình hí hửng công kênh tôi lên tán thưởng. Hôm đó Bình cười hí hí khen: "Anh Trung ngâm có lý lắm!" Còn Sơn xúc động nói trong nước mắt nghẹn ngào: "Sơn mong cho mẹ già thôi khóc, cho anh nông dân sớm có ruộng cày!" 40 năm trời hòa bình lập lại trên quê hương, Sơn có nghe gì không khi thấy mẹ già hàng đêm vẫn khóc, cùng với anh nông dân sống lây lất ở vườn hoa "Dân oan"? Cứ nghĩ đến việc Sơn hóa muỗi tôi lại nhói lòng, nhất là hôm qua cầm lòng không đặng khi đọc bài "Các bạn công an! Hãy để lại cái đức cho con cháu mình", của Phương Bích (Trích từ http://chimkiwi.blogspot.ca):

"Thứ sáu, ngày 25 tháng mười năm 2013

Tôi không nhớ việc bà con dân tộc H’mong ở Cao Bằng về Hà Nội khiếu kiện từ hôm nào. Cũng không rõ bà con khiếu kiện về việc gì. Nhưng vụ công an hốt bà con H’mong từ vườn hoa Lý Tự Trọng về trụ sở tiếp dân ở Hà Đông, làm một cô bé người dân tộc bị ngất thì có nghe loáng thoáng. 

Nghe nói công an phải đưa cô bé vào bệnh viện Hà Đông cấp cứu. Không rõ phòng tiếp dân trả lời thế nào, lại thấy bà con đi bộ từ Hà Đông về vườn hoa Lý Tự Trọng. Trong khi đó, con bé bị ngất (tên là Vàng) vẫn nằm ở bệnh viện Hà Đông. Người nhà con bé bảo nó lúc tỉnh lúc mê, lúc nhớ lúc quên. 

Nằm viện được sáu ngày, mặc dù chưa biết nguyên nhân nào khiến con bé Vàng bị như vậy, bác sĩ vẫn cứ cho ra viện, còn đòi thanh toán viện phí. Mọi người bày cách nói công an làm nó ngất, thì công an phải chịu trách nhiệm, lúc đó bệnh viện mới để cho chúng đi. Về vườn hoa Lý Tự Trọng với bà con được hơn ngày, con bé Vàng lại bị ngất. Lần này thì bà con phải tự đưa con bé vào cấp cứu ở bệnh viện Xanh Pôn. 

Sáng ngày 24/10, một chị bạn gọi điện, bảo con bé Vàng đang chuẩn bị ra viện, nhưng bà con đi cùng nó thì bị hốt đi hết từ đêm qua rồi. Giờ chúng ra viện thì ai lo? 

Thế là cuống quýt lo việc nhà xong, 2 chị em phóng ào đến bệnh viện. Vào đến nơi thì kịp lúc 3 anh chị em nhà con bé Vàng đang lò dò dìu nhau ra. Chậm tý nữa thì chả biết đâu mà tìm nhau, vì lúc đó điện thoại thằng anh hết pin. 

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy con bé Vàng. Nó người bé tẹo, đang lả đi trong tay cô chị gái, mắt lờ đờ như cá mắc cạn. Tôi hỏi trước kia nó có bao giờ bị thế này không? Hai đứa kia lắc đầu, bảo chỉ bị như thế này sau khi bị ngất, tại hôm công an cưỡng chế từ vườn hoa về số 1 Ngô Thì Nhậm (mọi người đoán nó bị điểm huyệt gì đó – giống bà cụ Nhung trước đây đã bỏ mạng ở vườn hoa này cũng chỉ vì xô đẩy chăng?) 

Chị em tôi hỏi giấy ra viện đâu, để xem họ chẩn đoán bị làm sao? Nhưng mấy đứa trẻ lắc đầu bảo không có. Hai chị em tôi lại vào hỏi bác sĩ, xin cái giấy ra viện. Họ bảo phải thanh toán viện phí thì mới có giấy ra viện. Chúng tôi đồng ý thanh toán viện phí cho con bé Vàng. Hóa ra có hơn trăm bạc. Hỏi bác sĩ bệnh gì thì họ không trả lời, khuyên đưa con bé sang Bạch Mai may ra có kết luận chính xác. Nhưng lũ trẻ không tin bác sĩ, cứ nhất định đưa em về quê để chữa thày thuốc người dân tộc. 

Chúng tôi nghĩ, vào Bạch Mai mà không có tiền, họ cũng chả thèm chữa cho con bé. Thế là đưa cả 3 đứa ra bến xe, mua vé, đồ ăn thức uống cho chúng. Có người biết chúng tôi đang giúp bọn trẻ, bèn gọi điện nhờ chúng tôi ứng trước chút lộ phí đi đường. Lúc còn ở bệnh viện, thấy có người quan tâm, thằng con giai đột nhiên mếu máo quyệt nước mắt, mắt mũi đỏ hoe. Chúng tôi cũng xúc động, vội vàng vỗ về nó, kẻo rồi mình cũng khóc lây. Người thằng bé chả cao lớn hơn gì con bé Vàng, cũng bé bằng cái kẹo, loạng choạng cõng con bé Vàng nửa mê nửa tỉnh trên lưng, nom chúng xiêu vẹo và nhỏ xíu trên cái sân rộng của bến xe thật là tội. 

Người ở bến xe biết chuyện, tận tình chỉ đường đến nơi đến chốn. Nhà xe mình xăm trổ vằn vện vậy mà khá tốt bụng, bớt cho mỗi vé 40 ngàn, từ 210 ngàn xuống còn 170 ngàn một vé. Đến lúc nhận tiền lại lấy chẵn 500 ngàn cho cả 3 đứa, ưu tiên cho nằm ở ghế đầu. Khi chúng tôi nhờ vả dọc đường chú ý giúp đỡ 3 đứa trẻ người dân tộc, nhà xe gật đầu bảo: các cô làm việc thiện thế, chúng cháu giúp được đến đâu thì sẵn sàng giúp thôi. Thực cảm động không nói nên lời. Xem ra không phải nhà xe nào cũng tệ. 

Tôi đem chuyện này kể lên mạng facebook. Mọi người hết sức phẫn nộ. Có người còn post ảnh chụp vết thâm tím trên lưng con bé Vàng (chắc được đưa lên mạng ngay hôm nó bị ngất). Qua vết thâm tím, người ta phán đoán đây là vết trích của roi điện, chứ không phải điểm huyệt. Có thể trong lúc cưỡng chế rất hỗn loạn, một cái roi điện nào đó chích bừa vào bà con, nên vô tình trúng vào huyệt đạo nào đó trên lưng con bé Vàng chăng? 

Nghe thế tôi đâm lo lắng hơn. Đến bác sĩ ở Xanh Pôn còn chả biết, thì đám người trần mắt thịt chúng tôi làm sao biết ? Nhưng những người học võ nhìn dấu vết trên ảnh, nghe kể triệu chứng thì đưa ra nhận xét như sau: 

- Đốc mạch bị đánh, đám rối thần kinh khu tâm du sẽ gây rất khó thở và lạc thần ! 

- Khí mạch bị bế! Việc chữa không khó, nhưng phải là ngươì có khí công và am hiều các kinh mạch chính của huyết khí. Tụ công/ dẫn ý/ điều khí/ để làm tản huyết ứ đang làm mù rối đại huyệt Tâm du của mạch Đốc khiến khí lực của Mệnh môn không thông lên được Đại chùy và Tiểu não (Luân xa 4 bị phá, làm tắc đường khí mạch từ luân xa 3 thông lên 5 và 6 để hoàn thành chu kỳ kinh mạch tự nhiên của hoạt động cơ thể). Không cần tu luyện lâu năm cũng có thẻ tác động ý sinh khí được  vơí sự tập trung ý lực và lòng nhiệt thành . Thủ thuật là ngồi tịnh tâm tư thế tọa công, phát ý, tụ khí vào hai lòng bàn tay, đặt trực tiếp vào luân xa 4 (Vùng đại huyệt tâm du). Phối hợp vơí thuốc bắc / nam, chắc chắn sẽ tác động tích cực vào việc giải tỏa sự bế tắc của đốc mạnh... 

Tôi hỏi: Trường hợp xấu nhất là gì? 

Trả lời: Không chích chính diện vào Tâm du, nhưng vì hai vết chích liên tiếp, lại đúng trên đường đại mạch Đốc nên gây bế tắc, rối loạn huyết mạch. Phải thuốc nam hay thuốc bắc gia truyền, phối hơp vơí Nhân điện / Yoga hoặc Khí công mơí trị dứt được. Nếu không dùng nội công, khí công giải tỏa, sẽ dần làm teo phổi, gây khó thở liên tục, khí không lên được tầng trên để đầy huyết lực lưu thông, gây mặt bừng bừng lúc nào cũng như có sức nóng trạng thái rối loạn chức năng hô hấp sẽ làm tù vị không hoạt động đưọc. Phế hư... chết dần mòn trong hai ba năm nữa! Đứa chích điện chắc chắn không biết gì về huyệt đạo.

Nghe người hiểu về nội công nói vậy, lại nhớ đến trạng thái của con bé Vàng, tôi càng thêm lo lắng. Nhưng hiện giờ rất khó liên lạc với lũ trẻ qua điện thoại, để biết tình hình sức khỏe của con bé ra sao. Mặc dù đã dặn đi dặn lại, nếu có chuyển biến xấu thì liên lạc lại ngay, nhưng thú thực chúng tôi không tin tưởng lắm về sự sáng suốt của người nhà con bé Vàng. Chỉ còn biết chờ đợi và hy vọng thôi. Nếu có chuyện gì xảy ra với con bé Vàng, nhất định chúng tôi sẽ công khai kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng, để đưa con bé về Hà Nội chữa bệnh. 


Qua đây tôi muốn nhắn gửi tới các bạn trong ngành công an, cho dù các bạn đang làm gì, hãy để lại cái đức cho con cháu mình sau này. 

image002

Dấu vết trên lưng cô bé Vàng - được nghi là nguyên nhân làm nó ngất, khó thở 
image004
Chờ làm thủ tục ra viện 
image006
Cõng em về quê... 
image008
Đây là lúc tỉnh táo của con bé Vàng - còn mở được mắt. 
image010
Tủi thân. 
image012
Mọi người tan tác hết, chỉ còn 3 đứa bơ vơ... (Ngưng trích)

Thật thê thảm! Tôi bàng hoàng nhớ tới hình ảnh thầy Nguyễn Văn Khánh, dạy Công Dân Sử Địa lớp 11B4 của tôi khi xưa, đứng xoa tay cười mỉa mai rằng: "Công dân các nước Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Tàu... làm lụng cực khổ để nộp thuế cho chính phủ sản xuất ra đầu đạn, chất nổ... nhưng không được xài, lại mang qua phục vụ dân ta, như vậy cũng có thể bảo rằng các nước Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Tàu... đều là nô lệ cho nước ta!" Nước mắt tôi giàn giụa, tôi mường tượng như chiếc roi điện "Made in China" trong tay Sơn đang chích lia chích lịa vào người tôi. Phẫn hận, tôi gào lên trong cay đắng xót xa: "Sơn ơi! Vàng ơi!"


Phạm Khắc Trung