Saturday, 3 February 2018

Mặt trận "cờ tây" ở Việt Nam - HOÀI MỸ

Câu chuyện này được “trình làng” với quí độc giả thì chỉ còn đúng hai tuần lễ nữa là Tết nguyên đán Mậu Tuất, nghĩa là đúng thời điểm những dân tộc thuộc Âm lịch nói chung hiện đã đứng trên ngưỡng cửa “năm hết Tết đến.” Người viết mạn phép đề cập đến tục lệ “tống cựu nghinh tân” của đồng bào Việt Nam. Theo đó, một trong những việc để “tống cựu” là người sống tưởng niệm thân nhân đã qua đời. 

Ở đây người viết lại muốn nhắc đến một “đối tượng” quá vãng khác khi nghĩ về giáo lý Phật Giáo. Người hay bất cứ loài có sự sống nào đều là sinh vật và phải được tôn trọng như nhau, vì thế một trong “ngũ giới” là “cấm sát sinh.” 

Chó con được bán ở chợ tại Việt Nam. 
Xin nói huỵch toẹt rằng ở Việt Nam mình gần như vào thời đại nào cũng thế, sinh vật bị giết nhiều nhất phải kể đến loài chó. Dưới chế độ cộng sản, số chó tử vong càng “thừa thắng xông lên” đến mức “vượt chỉ tiêu.” Theo thống kê quốc tế, mỗi năm trung bình 5 triệu con chó bị xử tử; tính đổ đồng từ ngày đảng Việt Cộng cưỡng chiếm toàn vẹn đất nước đến nay, số chó chết đại khái là: 5 triệu x 42 năm= 210 triệu con. Thật “siêu khủng.”

Vậy thì năm mới sắp tới đây là năm của con chó; bài viết này xin được xem là một nghĩa cử, một “nén hương lòng” trong việc “tống cựu nghinh tân.” Câu chuyện lai rai tuần này nhằm tưởng niệm cách riêng những con chó ở trong nước đã bị hy sinh vì “nhân-khẩu-vị” với niềm hy vọng tân niên Mậu Tuất sẽ là một năm để bọn Cộng nô thi đua “Xuống Hàng Chó Ngựa” theo đúng Xã Hội Chủ Nghĩa của chúng; ngược lại, đồng bào Việt Nam được ca khúc khởi hoàn trong Tự Do và Nhân Quyền.

Ôn cố tri tân lịch sử... chó
Giống y chang loài người - “thuở ban đầu lưu luyến ấy,” cổ nhân thảy đã ăn lông ở lỗ, sau sống thành tập thể rồi “di cư” vào lều tranh, nhà cỏ - gia súc trước hết cũng đều “hoang dã” rồi mãi sau này mới được người cho “nhập gia tùy tục.” 

Nói riêng về loài Cẩu, theo các kết quả thử nghiệm DNA thì tiến trình thuần hóa từ tổ tiên chó ở trên rừng - tức là “sói” (tiếng chuyên môn gọi là “canis lupus”), một loài thú dữ - trở thành “chó nhà” (“canis lupus familiaris”) đã diễn ra từ 76,000 - 135,000 năm nay. Thâm niên đáng nể! Tuy nhiên đó là nói chung trên hoàn vũ, còn riêng vùng Đông Nam Á, trong đó có nước Việt Nam mình, nhà khảo cứu Thụy Điển Peter Savolainen năm 2011 đã trình làng các chứng tích về sự thuần hóa của loài Cẩu vốn đã khởi sự đầu tiên ở Trung Quốc cách nay khoảng 40,000 năm. Riêng ở mạn Nam sông Dương Tử, vẫn theo công trình nghiên cứu vừa kể của ông Savolainen, những con sói đầu tiên được thuần hóa cũng đã xảy ra cách nay chừng 15,000 năm. 

Như vậy, có thể nói mà không sợ bị ”sù” là loài sói cũng đã được vào “tị nạn” trong nhà của tiền nhân dân Việt, tức dòng giống Lạc Việt, cách nay cũng bằng ngần ấy thời gian rồi. Lý do tương đối dễ hiểu; đó là vì nhóm Lạc Việt thời thượng cổ cũng đã cùng các bộ tộc Bách Việt khác sinh sống dọc theo sông Dương Tử. Về sau, để tránh nạn Hán hóa, giống Lạc Việt mạnh nhất nên thoát được xuống phía Nam rồi dừng lại ở châu thổ Hoàng Hà (sông Hồng). Chắc hẳn khi di tản, trong số “gia tài của mẹ,” thể nào cũng có... con chó.
Mạn phép mở thêm dấu ngoặc: “Chó” chỉ là “tên cúng cơm,” nhưng cũng như bao con thú khác, loài gia súc này còn được gọi bằng nhiều danh từ khác, cụ thể như “Cẩu,” “Khuyển,” v.v..
Tình người Việt và chó nhà
Sở dĩ tôi mạn phép trình bày “vòng vo tam quốc” như trên chỉ nhằm nói lên mối liên đới giữa người Việt với họ hàng Cẩu tính ra cũng đã quá lâu đời. Tục ngữ có câu: “Một chữ nên thầy, một ngày nên nghĩa,” hay “Một ngày nên nghĩa, chuyến đò nên quen,” huống hồ người Việt và chó cũng đã “sống chung hòa bình” bên nhau sơ sơ cả trên hơn chục ngàn năm rồi. Nhất định phải thân thiết khỏi chê. Chẳng thế mà trong số 12 con giáp, chỉ có duy nhất chó mới được người đặt tên cho một cách đặc biệt bằng cách muôn đời gợi lại nguồn gốc của họ hàng Cẩu. 

Theo thiển ý, khi còn sống trên rừng hoang, sói làm gì đã biết sủa, chỉ “tru” mà thôi. Ban đầu thấy loài sói, người Việt chỉ biết dùng một đặc điểm của nó để tạm gọi: Con “tru”; nhưng theo các nhà ngôn ngữ học, người miền Bắc Việt Nam thường phát âm không phân biệt giữa “tr” và “ch” nên qua bao thế kỷ, “chu” thành “ch... ó” lúc nào không hay. Ngoài tên cúng cơm “Chó,” loài gia súc giữ nhà này còn mang nhiều biệt danh khách, như trên đây đã nhắc đến: Cẩu, Khuyển và Cầy; và bởi “Cầy” mới nảy sinh ra từ lóng “cờ tây,” tức Cầy Tơ.

Thử hỏi, nếu tình thâm giao giữa người Việt với chó không “tri bỉ, tri kỷ” thì làm chi hai bên có chuyện cố gắng giữ... thể diện cho nhau đến thế này: “Chó gầy hổ mặt người nuôi,” và dù xa xôi cách trở, cũng vẫn mò... tới nhau: “Rượu tăm, thịt chó nướng vàng / Mời đi đánh chén, cách làng, cũng đi.” Nói cho tận cùng ráo máng, ấy “keo sơn đến thác vẫn còn keo sơ” thế đấy; chẳng vậy mà: “Sống trên đời ăn miếng dồi chó; Chết xuống âm phủ, biết có hay không?” 
Tình nửa chừng xuân giữa người và chó

Thế nhưng, không biết từ bao giờ và nhất là bởi nguyên cớ nào, mà hai bên lại “nửa đường đứt gánh” đến độ người Việt hiện nay ở trong nước một năm tiêu diệt đến 5 triệu con chó? 

Thử nhìn lại quá khứ, may ra tìm ra manh mối, tuy nhiên phải khách quan, phải trung lập chứ không thể người bênh người hoặc nói theo thành ngữ: “Cả vú lấp miệng em” hoặc chỉ vì mê “chục chục như con chó thui; chín mắt, chín mũi, chín đầu, chín đuôi” mà thiên vị. Trước nhất đứng về phía chó: Có thể vì sau khi đã được người thuần hóa nhưng chất “sói” vẫn chưa cạn tuyệt nọc trong máu nên chó bỗng một hôm thèm... thịt sống, bèn đè cẳng chủ nhà ra mà cắn, xé, xơi tái. Chủ nhà giận quá, thấy bài học sơ đẳng “Khen ai dạ sáng như gương; Tối trời như mực, biết bạn quen mà mừng” đã không tác dụng nơi chó, bèn lên án tử hình: Làm thịt! 

Nói chung về phía người Việt: Thuở xưa, dân tộc ta đã nghèo lại khổ “can không nổi” mà nguyên nhân chính yếu là bởi loạn lạc triền miên. Bọn giặc Tầu phù từ phương Bắc luôn luôn rình rập, chỉ cờ cơ hội là xâm lăng đất nước Việt Nam; chúng vơ vét từ cái khố rách đến củ khoai, hạt gạo của người Việt. Gặp khi không còn gì bỏ bụng, đến độ “lúc túng toan lên bán cả trời,” cha ông chúng ta đã từng phải đào cả củ chuối, gốc măng, mò con ốc, bắt con cua, tóm cả chuột lẫn rắn... miễn sao có “chất lượng” mà sống còn. Huống chi đối với những gia súc thân cận như chó, mèo thì trong “cơn bĩ cực,” cổ nhân đánh giá chính xác là những cơ may đã “tới hồi thái lai.” 

Đúng vậy, trước lạ sau quen, ban đầu thiên hạ còn “ngượng” miệng khi nhai một miếng thịt chó, bởi dù sao cũng đã từng là “bạn,” dần dần thấy ngon đến độ nghiệm được ra là sau bảy ngày ăn thịt chó, xỉa răng, thấy “tàn dư” giắt trong kẽ răng, đưa lêm mũi ngửi vẫn thấy còn thơm phức. Rồi theo thời gian và luật đào thải, phần đông người Việt đã mê thịt chó còn hơn điếu đổ từ bao giờ, không rõ đích xác thời điểm nữa. 
Chó trên đà bị diệt chủng!

Chữ “mê” được định nghĩa là trạng thái mờ ám, mất trí khôn. Chẳng hạn nói về kẻ mê tiền, truyện Kiều có câu: “Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê.” Một tên con giai mới lớn mê gái, cứ thấy bất kỳ bóng “liễu yếu đào tơ” nào, “lại càng mê mẩn tâm thần” (Kiều). Với thịt chó chắc cũng vậy thôi. Nếu không đầy kinh nghiệm về thịt chó, thiết tưởng chẳng thể xếp hạng “nhất đốm, nhì khoang, tam vàng, tứ mực.” Ở nhà quê xưa, người ta “đụng” chó trong mọi hội hè đình đám và cả những dịp quan trọng như cưới hỏi, ma chay, khao vọng. Chó uất ức nhưng không thể vùng lên làm “cách mạng,” chỉ còn biết báo động cho đồng loại mỗi khi thấy bóng “kẻ thù” để chờ cơ cắn trộm. Số là người nào hay mổ chó, đi đến đâu cũng bị toàn thể chó địa phương sủa ầm ĩ; nhiều khi còn bị chó bất thình lình “đánh du kích,” chạy xồ ra đớp cho què cẳng.
Tuy thế, cũng đã có lúc chó ở Việt Nam được suy tôn lên đài vinh quang. Đó là thời gian thực dân Pháp ổn định xong guồng máy thống trị của họ ở Đông Dương. Một trong những ảnh hưởng văn hóa lai căng Tây phương ở nước ta là giới “tân thời,” cả me Tây lẫn me Ta ôm chó, ấp mèo trên tay đồng thời đẩy phe mày râu A-na-mít xuống “hạ tầng cơ sở” khiến một số thanh niên... ganh tị cả với chó, bởi thế mới có những câu than: “Ước gì anh hóa chó bông, để được em bế, em bồng trên tay,” hoặc: “Ước gì anh hóa cho nâu, để em làm nệm gối đầu đêm đêm,” hay: “Ước gì anh hóa chó vàng, để em vừa thấy đã ôm choàng lấy anh.”

Dù thế nào, trước năm 1975, thân phận chó ở Việt Nam tuy “ba chìm bảy nổi chín lênh đênh” nhưng nói tổng quát, chúng vẫn được thoải mái mà biểu diễn “tám cẳng xà lai; Hai đầu bốn tai,” vẫn tự do mà “đầu làng đánh trống, cuối làng phất cờ; trống đánh đến đâu, cờ phất đến đó.” Ở miền Bắc, “mặt trận cờ tây” dĩ nhiên nhộn nhịp hơn so với các miền khác, bởi người Bắc vốn nghiện thịt chó hạng nặng; một khi còn “sống ở trên đời” họ hầu hết đều thi đua ngày thì đánh chén tiết canh, thịt luộc, hấp, chả chìa, nhựa mận, dồi lòng, đêm nằm mơ những tiếng gâu gâu, ẳng ẳng. Trong khi đó ở miền Nam, dĩ nhiên “phe ta” cũng “hạ cờ tây” liên tục nhưng tưng bừng nhất vẫn là những nơi có đông đảo đồng bào di cư 54 như Ngã Ba Ông Tạ, Ngã Tư Chú Ía, Bảy Hiền, Hố Nai, Dốc Mơ, Gia Kiệm... Ở miền Nam, ngoài các món cổ truyền kể trên, dân nhậu còn được thưởng thức “chó 7 món” nấu nướng theo “gu” dân-chúng-giá-sống với nước dừa, cari.
Tuy vậy, không cá nhân hay cơ quan nào bỏ công ra làm tổng kết số chó bị khai tử trên toàn cõi Việt Nam, chắc hẳn vì số lượng không đến nỗi đến mức báo động. Thế nhưng ngày nay, sau hơn nửa thế kỷ năm đất nước bị kềm kẹp dưới chế độ Cộng Sản vô thần, chó đang bị đe dọa tuyệt chủng. Theo thống kê của FAO (Food and Agriculture Organization) của Liên Hiệp Quốc (LHQ), mỗi năm ở Việt Nam trên 5 triệu con chó bị xử tử. Số cẩu tử vong này được đánh giá là cao nhất thế giới. Riêng đối với người Việt Quốc Gia chính hiệu, “sự cố” này không lạ xét vế mặt chính thể. Ngay sau ngày 30 tháng Tư 75, đảng Việt Cộng đã áp đặt Xã Hội Chủ Nghĩa (XHCN) trên quê hương Việt Nam, lập tức nhân dân bị đẩy Xuống Hàng Chó Ngựa. Người đã như vậy thì còn chỗ đâu cho thú vật, do đó cách riêng chó bị... Xếp Hạng Chết Ngoẻo! Từ đó, “mặt trận cờ tây” càng ngày càng sôi sục và lan tràn mạnh hơn sóng thần và lũ lụt.

Trước thảm họa loài chó bị diệt vong ở Việt Nam, rất nhiều tổ chức bảo vệ súc vật ở khắp toàn cầu đã đồng thanh thúc đẩy đảng Việt Cộng phải có biện pháp cứu khuyển. Thế nhưng lời kêu gọi này đã không có phản hồi. Ngay cả Hội Đồng Nhân Quyền LHQ, trong đó Việt Nam là một thành viên, cùng với tất cả tổ chức tranh đấu Nhân Quyền trên thế giới mới đây lại một lần nữa đòi hỏi chính phủ Việt Nam tôn trọng nhân quyền, trả tự do cho các Tù Nhân Chính Trị, chấm dứt việc bắt bớ, tù đầy những người biểu lộ chính kiến một cách ôn hòa trên các trang mạng xã hội. Kết quả vẫn chỉ như “nước đổ đầu vịt.” Dựa trên “cơ sở” này, người ta có thể xác quyết “co rụm” như sau: Nhân quyền còn bị đảng CSVN chà đạp trắng trợn và tàn bạo thì “súc vật quyền” nói chung, “cẩu quyền” nói riêng chẳng có nghĩa lý đối với Việt Cộng cả.

Chẳng thế mà ngày nay, từ thành thị đến thôn quê, từ khu vực sang trọng tới hang cùng ngõ hẻm, khắp nơi đều mổ chó, xẻ thịt chó, bán thịt chó như một phong trào “trăm hoa đua nở.” Đồng thời quán nhậu thịt chó thi đua mọc lên mạnh còn hơn “ba dòng thác cách mạng.” Ngay tại Hà Nội, trước kia vẫn được mệnh danh là đất Ngàn Năm Văn Vật, bây giờ dưới chế độ Cộng Sản, đã biến thành thủ đô Thịt Chó. Phóng viên của Thanh Niên Cờ Đỏ Online mô tả: “Du khách hàng ngày vào xem xác bác trong lăng, vẫn ngửi thấy mùi thịt chó thui, thịt cầy nướng từ tứ phía bay vào.” 
Thay cho kết luận

Lời nhắn “siêu khẩn” sau cùng này xin được gửi cách riêng đến người Việt hải ngoại: Nếu về Việt Nam, quí vị tuyệt đối không nên đi lơ ngơ tìm nhà người quen trong các ngõ hẻm hay thơ thẩn kiểu “ngao du sơn thủy” hoặc “xem dân cho biết sự tình,” bởi rất dễ mất mạng oan uổng vì bị cư dân nghi ngờ là “cẩu tặc,” nghĩa là có ý định bắt trộm chó. Ngày nay ở trong nước có hai thành phần thường bị dân chúng vây đánh chí tử khi thấy chúng xuất hiện với vẻ ”mắt la, mày lét,” dòm ngó vào nhà dân chúng như muốn hôi của, cướp bóc; đó là bè lũ công an và bọn bắt trộm chó. Vậy Việt Kiều cần đề cao cảnh giác, kẻo chưa kịp tái ngộ với thân nhân, bạn hữu, đã gặp ngay... ma chó! (hm)