Sunday 29 July 2018

Tình Sông - Bạch Liên

V    Tình Sông
 
Đò xưa chở em và xe đạp
Thủy triều dâng óng bạc lung linh
Lăn tăn hoa sóng soi hình
Phù sa màu mỡ chung tình ruộng nương
*
Tâm in khắc dặm đường quê cũ
Chiếc xuồng xưa nay rũ mục rồi
Mảnh đời cắp sách buông trôi
Theo ghe ra biển nhấp nhồi sóng dâng
*
Hoài thương nhớ bao lần đi học
Tới bến đò nằm dọc bờ sông
Nhiều người đứng đợi lòng vòng
Khách quen làng xóm mở lòng nhờ đưa
*
Đời bão táp trút mưa tầm tã
Khóc dòng sông lã chã tả tơi
Biển Đông sóng giạt cuối trời
Tha hương bỏ lại mảnh đời hồn nhiên
 
Miền Nam Lục Tỉnh là vùng đất màu mỡ nhờ đất bồi phù sa với những cây quạt trời luôn thổi làn gió tươi mát từ trăm nhánh sông lớn nhỏ. Dòng nước ngọt ngào ươm đượm sinh động vật tích tụ vào phần đất hiền hoà nuôi sống người dân chất phác cần mẫn. Trái cây miền tây nổi tiếng thơm ngon và là cái vựa lúa nuôi sống cả miền Nam trù phú. Người dân không bao giờ bị mất mùa đói khổ và nhất là ít khi xuất hiện cảnh nhói lòng nồi niu xoong chảo treo khô ở xó bếp.
 
Nhắc nhớ tới dòng sông xưa với cụm lục bình xanh lá đong đưa thì trong chúng ta không ai mà không có kỷ niệm in khắc trong kiếp nhân sinh của mình bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp. Nếu ai đó bảo rằng:
 
-       Tôi không có quê vì di cư vào miền Nam từ năm 1954 thì chắc chắn là không có quê để về. Mà không có quê thì ít khi có cơ hội ngao du lang thang xuống miền sông nước bình dị với những đặc sản riêng biệt của từng miền vang danh bậc nhất mà các miệt vườn khác không có.
 
Cảm nhận về cảnh đẹp nên thơ vào buổi chiều tà hoàng hôn, ta ngồi bên hàng dừa soi bóng, nhìn vài chiếc xuồng ba lá lác đác trôi ngang qua. Chao ơi, sắc màu quê hương miền tây quá đậm đà trữ tình mà không bút mực nào có thể viết ra hết cảnh nên thơ, yên bình này.
 
Cảm nhận trong tôi về tâm trạng run sợ khi đôi chân bước chệnh choạng trên mấy khúc xương lòi còi của cây cầu khỉ được nối ráp đơn sơ. Tuy cầu khỉ ốm o gầy mòn nhìn vào chỉ thấy đầu óc chao đảo, mấy cái bẹ sườn giăng mắc còn không thẳng thốn thì làm sao bước chân người từ vùng xa xôi ghé viếng thăm, có thể an tâm mà đi qua. Chính cái rung rinh kẽo kẹt này tạo ra tình huống hụt hẫng cho mình có cảm giác nhút nhát. Vì mình cứ ngỡ, cây cầu khỉ mộc mạc có thể sập rụng xuống sông là chuyện bình thường. Một khi tâm chao đảo, càng run sợ thì chân càng mất thăng bằng, đi không khéo sẽ chúi đầu té cái ùm theo làn nước ngầu đục màu chàm bùn sệt phía dưới là điều dễ dàng xảy ra.
 
·      Tôi đã có vài lần run bước trên cây cầu khỉ rồi nên thấu hiểu nỗi sợ hãi ra sao.
 
·      Tôi cũng đã nhiều lần ngồi trên xuồng chèo tay, hay lắc lư ngồi trong lòng ghe máy lượn lờ trên dòng sông vào những lần sinh tử đi chui vượt biển.
 
·      Tôi cũng có cơ duyên xuống bến đò để đi qua Thủ Thiêm ở Sài Gòn. Nhưng lúc ấy tôi còn nhỏ lắm. Thước phim chớp nhoáng xa xưa còn in sơ sài trong tâm trí. Tôi thấy chiếc đò tròng trành có thể chứa xe đạp, có cả xe gắn máy hai bánh. Vài gánh hàng rong sau một ngày bán buôn cạn thúng cũng lần lượt chen chân, đứng san sát trên đò để được đưa qua bờ bên kia. Chiếc đò chầm chậm cập bến đỗ, mọi người tản mác túa ra muôn hướng. Từng bước lặng lẽ đi về nhà cho kịp buổi cơm chiều gia đình trước khi màn đêm che phủ không gian thinh lặng.
 
·      Và tôi cũng vẫn chưa quên bến đò ở Bắc Bình Minh để đi vào trú trọ trong cái lều tranh, nằm ụ chờ đợi trong một chuyến trốn chui vượt biển ở Vĩnh Long.
 
Hôm nay nhìn tấm hình với chiếc xe đạp chở cậu bé qua sông đi học, ký ức nhỏ nhoi vội vàng quay lại khúc phim kỷ niệm quá dễ thương của một thời xa xửa xa xưa. Năm tháng hồn nhiên cắp sách đến trường với chiếc cặp táp xẹp lép chứa vài cuốn tập Olympic năm mươi trang, cây viết gỗ ốm toong teo được sơn hai màu và ở một đầu gắn chặt cái ngòi nhôm nhọn bén hình bầu hay lá tre. Tay thon nhỏ của bé con nhè nhẹ chấm vào bình mực không đổ bằng nhựa cũng có hai màu xinh xắn.
 
Cám ơn tình sông mộc mạc còn vương, gợi trong tôi nỗi nhớ quắt quay. Cái thuở vàng son tuổi dại mà nhóc con hồn nhiên thích chạy tung tăng, giong ruổi trong cái nôi chào đời. Dòng sông quê ngoại luôn mãi in khắc bức tranh êm đềm trong tim cho dù tôi đã xa rời nơi đây lâu lắm.

Bạch Liên