Tựa đề của tập truyện cho phép tôi nghĩ rằng đây là chuyện
tình của những người yêu nhau, mất nhau và tìm lại được nhau.Thế nhưng khi đọc
xong tác phẩm tôi mới nhận thấy rằng trong Tìm Vết Chân Xưa chỉ có truyện Cuộc
Tình Xót Xa và Mơ Chiều là viết về tình yêu đôi lứa; còn những truyện khác cũng
viết về tình yêu, nhưng là tình yêu quê hương, tình yêu gia đình. Tất cả khối
tình yêu này được tác giả lồng trong những sinh hoạt sống động của xã hội và
trong nhiều cảnh sắc thân thương nơi quê nhà.Theo nhận xét của tôi, ngoài những
đoạn tả cảnh rất tuyệt vời, tác giả đã đặt vào Tìm Vết Chân Xưa một tấm lòng
rất nhân hậu. Vì tấm lòng của tác giả đã như thế cho nên nhân vật của tác giả
thường là những người có tư tưởng cao, trái tim rộng mở; ngoại trừ Hoan, nhân
vật nam trong chuyện Vết Ðau Xưa.
Từ lâu, tôi tự đặt một nguyên tắc cho riêng tôi: Khi đọc một
tác phẩm thì không nên nhập nhằn giữa tác giả và nhân vật. Thế mà mỗi khi đọc
văn của Ðiệp MỹLinh tôi không hiểu tại sao tôi không thể tách rời được tác giả
và nhân vật.Ðặc biệt khi đọc Tìm Vết Chân Xưa thì ý niệm lẫn lộn giữa tác giả
và nhân vật càng hiện rõ trong tôi. Vì thế, tôi nghĩ cô bé trong hai truyện
Cuộc Tình Xót Xa và Qua Làng Sơn Tịnh chính là tác giả ÐiệpMỹLinh lúc Bà còn
bé.
... Ðón nhận mẫu kẹo kéo từ tay người cậu xong, đứa bé gái
lại vòi vĩnh: “Cậu cho em xuống ngồi chỗ bậc ấp coi Ba Má em đi xe đạp,
nhen, cậu.” Cậu bé giả vờ nghiêm nét mặt, mắt lườm lườm để thị oai với
cháu: “Mày cứ lộn xộn, nhõng nhẽo không hà. Chiều nào cũng bắt tao dẫn đi
mua kẹo kéo, rồi lại đòi tới bậc cấp ngồi, để tối về mày bị sổ mũi cho tao bị
la, hả?”Thấy đứa bé rơm rớm nước mắt, môi trề ra như sắp khóc, cậu bé vừa
mở cửa ngồi vào băng sau vừa cười: “Cho tao cắn một miếng kẹo kéo thì tao
cho đi.” Ðứa bé giấu mẫu kẹo sau lưng, lắc đầu. Cậu bé năn nỉ: “Cho cậu
cắn một tý thôi, rồi cậu cho đi.” Ðứa bé gái đưa mẫu kẹo ra phía trước,
ngắm nghía rồi bặm môi, lắc đầu. Người cậu che mặt, giả vờ khóc. Ðứa bé nhìn
cậu bằng đôi mắt buồn hiu, rồi đưa mẫu kẹo cho cậu: “Nè, em cho cậu cắn
miếng đó, mà cậu cắn chút xíu thôi, nhen...”
Qua đoạn văn vừa trích dẫn, người đọc thường nói nôm na là
Ðiệp MỹLinh viết như thật. Vì độc giả có cảm tưởng câu chuyện và đối thoại như
thật cho nên nhiều người bạn của tôi đi đến kết luận là tính chất tự truyện
trong tác phẩm của Ðiệp Mỹ Linh rất đậm đặc. Dù không hoàn toàn đồng ý với nhận
xét của bạn hữu, tôi cũng không thể biện minh cho đoạn mở đầu của truyện Cuộc
Tình Xót Xa:
“... Trong ánh nắng mong manh của một buổi chiều, Bảo-Trân
và Phong đều cảm thấy buồn buồn nên không nói năng chi nữa, chỉ đi chầm chậm
bên nhau, theo triền dốc, về hướng bờ Hồ-Xuân-Hương. Mặt hồ tĩnh lặng. Nhưng từ
tâm trạng bất an của lòng mình, Bảo-Trân nghĩ rằng sự tĩnh lặng đó chỉ để che
dấu những đột biến âm thầm...“(Trang
3).
Nếu nhân vật chính không phải là tác giả thì làm thế nào tác
giả có thể cảm nhận được tâm trạng của Bảo Trân một cách rất thật, rất chính
xác, rất thích hợp để so sánh với sự tĩnh lặng của mặt hồ?Theo tôi, đây là một
đoạn tả cảnh ngụ tình rất tuyệt vời.
Không phải chỉ một đoạn này mới mang tính chất tự truyện mà
rải rác trong những tác phẩm trước đây của Ðiệp MỹLinh tôi cũng đã bắt gặp vài
truyện mang tích chất tự truyện. Tuy vậy, tôi vẫn không nghĩ những sáng tác của
Ðiệp Mỹ Linh là tự truyện; vì, Ðiệp Mỹ Linh viết rất nhiều về Lính trong khi bà
không có số quân. Ðiệp Mỹ Linh làm rung động tâm hồn người đọc về những mẫu
chuyện Phục Quốc trong khi bà không hề liên hệ đến bất cứ một tổ chức chính trị
nào. Ðiệp Mỹ Linh viết về thân phận tù đày và H.O. trong khi bà định cư tại Hoa
Kỳ từ năm 1975.
Không phải là tự truyện mà ngòi bút của Ðiệp Mỹ Linh viết
như thật thì đó là sự thành công không phải bất cứ ngòi bút nào cũng đạt được.
Và, đúng như nhà văn Earnest Hamingway đã nói: “All good books are alike in
that they are truer than if they really happened and after you are finished
reading one you will feel that all that happened to you, and afterwards it all
belongs to you.”
Trên văn đàn, có những nhà văn thu hút nhiều độc giả bình
dân. Có những nhà văn mà đa phần độc giả là giới trí thức, có trình độ văn hóa
cao.Cũng có những nhà văn mà độc giả gồm đủ mọi thành phần xã hội, mọi lằn ranh
kiến thức.Ðiệp MỹLinh thuộc vào những nhà văn này.Ðiệp MỹLinh không đi tìm
những gì cao cả, xa rời thực tế. ÐiệpMỹLinh chỉ “vẽ” ra những bức tranh có thật
của xã hội bằng ngòi bút đầy tự tin và bằng tâm hồn trong sáng, đầy thương yêu.
Tư tưởng của Ðiệp MỹLinh trong những tác phẩm đã xuất bản
chúng ta có thể chia ra bốn phần, điển hình cho bốn giai đoạn khác nhau trên
bước đường lưu lạc:
Giai đoạn
I.- Vọng cố hương. Tình cảm dành cho đoàn quân bại trận.Gương oanh liệt của
những người trai Phục Quốc.Hoàn cảnh khốn khổ của những ngày mới hội nhập. Cuộc
sống bi thương dưới sự cai trị của Việt Cộng.(trong tập truyện Một Ðoạn Ðường)
Giai đoạn
II.- Xã hội Việt-Nam “thu hẹp” đã thành hình. Trong xã hội thu hẹp này
ÐiệpMỹLinh, không những đã bắt gặp những thảm cảnh gia đình do tuổi trẻ bồng
bột, dễ bị đầu độc (trong tập truyện Bước Chân Non) mà Bà còn thấy được nhiều
bông hoa rực rỡ từ thế hệ di dân thứ hai, (trong tập truyện Ðưa Tiễn) và những
khó khăn cũng như những va chạm rất dữ dội giữa những người ra đi năm 1975 và
những người ra đi theo diện đoàn tụ O.D.P. (Truyện dài Cuồng Lưu)
Giai đoạn
III.- Là giai đoạn về những người sang Mỹ theo diện H.O. và những sum vầy cay
đắng, đầy nước mắt. (trong tập truyện Tưởng Như Trở Về).
Giai đoạn
IV.- Tác phẩm Tìm Vết Chân Xưa thuộc vào giai đoạn này; giai đoạn mà những
người tị nạn trở về chốn xưa. ÐiệpMỹLinh “đưa” người đọc trở về quê cũ không
phải chỉ để “tìm lại chính mình” (chữ của Ðiệp-Mỹ-Linh) mà, theo dòng
suy tư của tác giả, chúng ta được dẫn dắt vào mỗi câu chuyện để buồn vui theo
từng biến chuyển của hoàn cảnh xã hội và của dòng lịch sử Việt Nam cận đại.
Ngoài ra ý tưởng phản kháng của Ðiệp MỹLinh về lề lối giáo dục xưa, về những
quan niệm xưa, về cung cách “trọng nam khinh nữ” của những bậc cha mẹ cũng được
Bà bộc lộ rất rõ nét trong giai đoạn này.
Trong những tác phẩm trước, hai hình tượng được tác giả tô đậm
nét nhất là người Lính Việt Nam CộngHòa và phụ nữ. Hình tượng thứ ba cũng được
tác giả đề cập đến với rất nhiều cảm mến, đó là y sĩ Quân Y. Riêng trong Tìm Vết
Chân Xưa, bóng dáng người y sĩ Quân Y được tác giả đưa vào truyện bằng những
dòng văn hết sức xúc tích, lãng mạn, gợi cảm và thiết tha. Cũng bằng những dòng
văn đó, ngòi bút của Ðiệp MỹLinh đã tỉ mỉ gợi lại kỷ niệm xưa.
Trong khi Ugo Betti cho rằng “Memories are like stones,
time and distance crack them like acid” thì, dưới ngòi bút của ÐiệpMỹLinh,
kỷ niệm không những vẫn nguyên vẹn, không bị thời gian và acid xoi mòn, mà lại
còn trở nên đậm đà và sống động:
“... Sự thiếu vắng hai hàng cây muồn khiến Bảo Trân tiếc
ngẩn tiếc ngơ như tiếc nỗi rộn ràng của đứa bé gái trên chuyến xe lửa trở về
quê Nội sau bao nhiêu năm dài theo gia đình tản cư! Ngày đó, xelửa vừa qua khỏi
vườn dừa ở Chợ Mới, ông Dư đã chỉ cho Bảo Trân khoảng không gian êm ả bên trái
con tàu:‘Tới Nhatrang rồi đó, con. Ðây là Mã Vòng. Qua khỏi Mã Vòng là nhà
ga.’Bà Dư tiếp lời chồng:‘Hồi con mới biết đi, Ba má đem con từ Dalat về thăm
Nội. Khi xe lửa vừa vào ga, máy bay Nhật ào đến thả bom. Nhà ga sập, không biết
bao nhiêu là người chết!’ Giọng ông
bà Dư đượm chút bùi ngùi, nhưng vì còn nhỏ, Bảo Trân không nhận biết được cho
nên lòng bé chỉ thấy xôn xao vui thích khi nhìn những đóa hoa vàng nở rộ trên
hai hàng cây muồn khẳng khiu. Phải hơn bốn mươi năm sau, nhân chuyến từ bên kia
địa cầu trở về quê Nội, Bảo Trân mới hiểu được tại sao ngày đó, trên chuyến xe
lửa từ Ninh Hòa vô Nha Trang và suốt những ngày sống trong trại tạm cư ở
XómMới, lúc nào gương mặt ông bà Dư cũng buồn buồn và giọng nói thường đượm
nhiều xót xa...”( Tìm Vết Chân Xưa, trang 58)
Chỉ qua một đoạn văn ngắn này tác giả đã đưa người đọc lùi
lại dòng Việt sử để người đọc nhận ra được sự điêu linh, khốn khó của Quê Hương
cũng như thân phận và tâm trạng của những người cùng thế hệ với Bà.
Kỷ niệm của Ðiệp MỹLinh (tôi mạo muội nghĩ như thế, vì tôi
cứ bị nhập nhằn giữa nhân vật và tác giả) sau khi hồi cư trở về “vùng bị chiếm”
thì bùi ngùi xót xa đến như thế; còn kỷ niệm của Ðiệp MỹLinh khi sống trong
“vùng giải phong” thì như thế nào? Xin mời độc giả đọc tiếp đoạn sau đây:
“... Trên sân khấu, ánh sáng hơi nhạt, chỉ đủ cho khán giả
thấy đôi lưỡng quyền nhô cao, hai vùng má trũng sâu cùng đôi mắt lạc thần của
các diễn viên đang run rẩy lê bước. Văng vẳng sau hậu trường, ban đàn giây hòa
tấu bản ÐóiLạnh. Vở kịch kéo dài bằng những lời đối thoại gay gắt, lên án sự
tàn bạo, dã man của chế độ Phát-Xít.
Ðến màn cuối, giữa khi tinh thần khán giả hoàn toàn bị khung
cảnh và âm thanh chi phối, Bảo Trân, đã được hóa trang thành một bé gái đói hom
hem và rách tả tơi, gượng đứng lên giữa đoàn người đi xin ăn, cất giọng run run
như sắp khóc, tay ôm bụng, gương mặt nhăn nhó như cơn đói đang hành hạ rồi gào
lên nho nhỏ: ‘... Vì đâu, từ ba bốn hôm nay không ăn? Nhà không có, áo quần nay
không còn ... Trời ơi! Ðói quá đi thôi! Rét quá đi thôi!....’ Tám tiếng sau
cùng được một tập hợp âm thanh nhiều bè hát theo từ sau hậu trường, nghe rền
rền như vang lên từ cõi chết!
Một tù binh Pháp xúc động quá, sẵn đang cầm mẫu bánh mì
nguội trong tay, anh ta thảy lên sâu khấu. Bảo Trân đột ngột ngưng hát, lượm
ngay miếng bánh mì, ăn ngấu nghiến như một đứa bé thật sự sắp chết đói!...” (Qua Làng Sơn-Tịnh, trang 80).
Qua đoạn văn này tôi nhận thấy bút pháp của Ðiệp MỹLinh tạo
được sự bất ngờ rất thú vị, phảng phất chút kịch tính, nhưng không có dấu vết
của sự cường điệu. Ðiệp MỹLinh không cần lên án ai cả, nhưng hành động bất ngờ
của diễn viên tí hon trong đoạn này đã nói lên tất cả thảm cảnh của một xã hội
lầm than trong “vùng giải phóng”!
Khi diễn tả về sự ấm no hạnh phúc dưới sự cai trị của nhà
nước xã hội chủ nghĩa, Ðiệp Mỹ Linh viết:
“... Xe chạy dọc theo bờ đê mà, ở những đoạn bờ đê thấp hoặc
bị vỡ, BảoTrân nhìn vào, không thấy nước trong lòng sông, chỉ thấy cây bắp và
vài loại rau cải. BảoTrân khoèo vai Ninh, hướng dẫn viên du lịch, hỏi nhỏ:
- Ðây là sông gì, Ninh?
- Dạ, đây là sông Hồng.
Thốt nhiên Bảo Trân cảm thấy xúc động một cách nhẹ nhàng.
Thì ra dòng sông đã gieo cảm hứng cho không biết bao nhiêu nghệ sĩ di cư là
dòng sông này! Bảo Trân chỉ ra bờ đê:
- Tại sao người ta lại trồng hoa màu trong lòng sông, nhỡ
nước lên thì sao?
- Dạ, ở đây đất hiếm và dân nghèo lắm. Họ trồng theo mùa. Họ
phải tính làm sao khi vừa thu hoặch hoa màu xong thì đúng vào mùa nước lớn.
- Nếu vậy, sang năm, đến khi nước ròng, làm sao họ biết được
khu vực nào thuộc về họ?
- Dạ, họ cắm sào, đánh dấu cả đấy.
Bảo Trân im lặng, cảm thương cho cảnh nghèo của những người
đã một thời được tuyên truyền để tin tưởng rằng sau khi giải phóng được miền Nam,
cuộc sống sẽ khá hơn, vì xã hội không còn giai cấp nữa!...” (Dưới Bóng Cổ Thụ, trang 110).
Chỉ vài đoạn trích dẫn ngắn, độc giả cũng có thể đồng ý với
tôi rằng nhà văn chỉ trình bày sự việc; còn cảm nhận hoặc phê phán, Ðiệp MỹLinh
dành trọn quyền cho độc giả.
Chỉ bảy truyện ngắn, với những diễn tiến lớp lang, độc giả
có thể nhìn xuyên suốt những biến chuyển xã hội trên quê hương Việt Nam qua bao
thời kỳ đao binh. Tác giả viết về những giai đoạn đó bằng một tấm lòng rất nhạy
cảm, rất bao dung, chan chứa tình người.Bối cảnh làm nền cho những giai đoạn đó
lại là những đoạn tả cảnh hết sức linh động, khiến người đọc cảm thấy thương
nhớ quê nhà và chỉ muốn trở về. Riêng truyện cuối, Vết Ðau Xưa, tác giả đã bộc
lộ rõ rệt tư tưởng phản kháng của Bà về những tập tục khắc nghiệt mà xã hội
Việt Nam đã phủ chụp lên thân phận người phụ nữ Việt Nam. Và đoạn kết của tập
truyện cũng rất khác lạ, vì tác giả lấy đoạn kết của truyện đầu tiên, Cuộc Tình
Xót Xa, làm đoạn kết cho toàn tập truyện. Người đọc yêu thích văn của
ÐiệpMỹLinh vì sự đãi lọc chi tiết thâm thúy, câu văn trong sáng, ý tưởng sâu
sắc, đậm đà. Khi viết về một mối tình cao thượng tác giả biết dừng lại đúng lúc
để làm cho người đọc cảm thấy còn thèm đọc tiếp.
Ðọc truyện của ÐiệpMỹLinh, người đọc cứ miên man, chìm đắm
với suy tư của nhân vật rồi bị tác gỉa dẫn dắt vào vùng kỷ niệm lúc nào không
hay.
Sở dĩ độc giả khó nhận biết những khoảng chuyển tiếp giữa
thực tại và quá khứ, giữa hư cấu và hiện thực là vì tác giả đã dùng thuật ngữ
để chuyển mạch một cách rất tài tình.Ðặc điểm này của Ðiệp MỹLinh được
ÐiệpMỹLinh khai thác trọn vẹn khi thực hiện tác phẩm Tìm Vết Chân Xưa.Thật vậy,
sau khi đọc xong bảy truyện ngắn, gấp sách lại tôi mới nhận ra đây là một
chuyện dài biến thể.
Tôi nhận xét như thế không phải vì nhân vật nữ chính, tên
Bảo Trân, xuất hiện trong tất cả bảy truyện mà là vì biến chuyển của những mẫu
chuyện được dàn trải gần như theo thứ tự thời gian, không gian và tình cảm của
nhân vật.
Kết luận của những tác phẩm của ÐiệpMỹLinh, đặc biệt nhất là
trong Tìm Vết Chân Xưa, thường được bỏ lửng, để tùy độc giả tưởng tượng thêm
hoặc là để độc giả cảm thấy tiên tiếc, như chưa muốn câu chuyện dừng lại ở đó.
Tìm Vết Chân Xưa là một cuốn sách in rất đẹp, rất trang nhã
và đây là một truyện dài biến thể, một thể loại mới mà ÐiệpMỹLinh đang dò dẫm
(chữ của ÐiệpMỹLinh, đăng trên Ngày Nay Houston) chứ không phải truyện dài được
chia ra nhiều chương và nhiều hồi.
Ngoài ra Ðiệp Mỹ Linh còn lồng vào câu chuyện những dòng thơ
hoặc những đoạn nhạc rất thích hợp và rất tự nhiên; tự nhiên như khi ta ăn một
bát phở, muốn cho ngon hơn, ta cho vào tý tiêu, tí chanh vậy. Kỹ thuật trích
dẫn những đoạn nhạc còn cho thấy ÐiệpMỹLinh là một người có trình độ nhạc lý
cao.
Để kết luận bài viết này, tôi xin cảm ơn nhà văn ÐiệpMỹLinh
và tôi cũng xin được giới thiệu đến quý độc giả tác phẩm Tìm Vết Chân Xưa với
tất cả sự trang trọng và sự thành thật của một người cầm bút.
PHỤNG HỒNG