Monday 15 October 2018

Nhạc sĩ Song Ngọc vĩnh biệt khán giả ái mộ!

Nhạc sĩ Song Ngọc, một trong số những nhà soạn nhạc tiền bối của nền âm nhạc Việt Nam vừa qua đời vào lúc 9 giờ 30 tối Chủ Nhật, 14 tháng Mười, 2018 tai thành phố Houston, Texas vì bạo bệnh.

Ông tên thật là Nguyễn Thương Ngọc, hưởng thọ 75 tuổi, là một cựu sĩ quan thâm niên của Quân Đội VNCH. Ông sáng tác rất sớm, rất đa dạng và rất phong phú. Tác phẩm của ông đã được đón nhận nồng nhiệt liên lục suốt 6 thập niên qua, từ khi ông còn rất trẻ, cho đến những ngày gần đây, thậm chí thời gian nằm trên giường bệnh ông vẫn tiếp tục soạn nhạc. Âm nhac gần gũi với ông như thức ăn và hơi thở. Ông mê sáng tác và hoàn tất nhạc phẩm một cách dễ dàng, dù là một ca khúc nhỏ hay lớn. Rất tiếc là sinh hoạt nghệ thuật của người Việt tại hải ngoại đã không tạo đủ môi trường để một nhân tài như ông có đất dụng võ theo đúng khả năng thiên phú của mình. Tuy nhiên dù ông đã ra đi, nhưng hơn 300 tác phẩm âm nhạc của ông qua từng giai đoạn lịch sử của đất nước mà ông để lại cho đời, sẽ mãi mãi là một kho tàng văn hóa vĩnh cửu cho các thế hệ sau được học hỏi, được nghiên cứu và thưởng thức.

Những bài hát phổ thông và quen thuộc như Một Chuyến Bay Đêm, Chúng Mình Ba Đứa, Giờ Tý Canh Ba, Hương Đồng Cỏ Nội, Người Đàn Bà 2000 Năm Trước hoặc Hà Nội Ngày Tháng Cũ v..v.. chắc chắn sẽ nằm mãi trong tim của người yêu nhạc và quý trọng tài năng của nhà soạn nhạc mang tên Song Ngọc.

Cầu xin hương linh nhạc sĩ Song Ngọc sớm được về hưởng nhan Thánh Chúa và Mẹ Maria.

Nam Lộc

 Inline image
Một kỷ niệm với nhạc sĩ Song Ngọc (phải) cùng Ngô Thụy Miên,
Vũ Thành An, Nam Lộc và Từ Công Phụng


Vĩnh Biệt Một Nhân Tài. RIP. VHLA.

Xin gọi nhau là cố nhân [Song Ngọc] - Trường Vũ
https://www.youtube.com/watch?v=DS0TURsaCXg

Tin Trần Quốc Bảo/Thế Giới Nghệ Sĩ/ViệtTide.
http://baoviettide.com/vannghe/nhac-si-song-ngoc-tu-tran


Nhạc sĩ Song Ngọc từ trần
14/10/2018
Một tin buồn bất ngờ đến với giới văn nghệ đêm nay, nhạc sĩ Song Ngọc vừa qua đời ở Houston, Texas, hưởng thọ 76 tuổi.

Theo tin của những thân hữu báo với tòa soạn Việt Tide – Thế Giới Nghệ Sĩ, nhạc sĩ Song Ngọc vào bệnh viện mổ tim vài ngày trước. Ca giải phẫu được xem là thành công, nhưng sáng 14/10/2018, ca sĩ Nguyễn Quỳnh vào thăm thì thấy tình trạng đã xấu đi. Đến tối 14/10, tòa soạn nhận được tin nhắn từ ca sĩ Mary Linh ở Houston, nhà thơ Trạch Gầm ở Nam California cho biết nhạc sĩ Song Ngọc vừa từ trần vào khoảng 8 giờ tối giờ địa phương tại bệnh viện ở Houston.
Picture

Nhạc sĩ Song Ngọc tên thật là Nguyễn Ngọc Thương, sinh ngày 27 tháng 12 năm 1943 tại làng Mỹ Phước, Long Xuyên. Trong cuộc phỏng vấn với Thế Giới Nghệ Sĩ cho số báo chủ đề về ông ra ngày 29/7/2016, nhạc sĩ Song Ngọc cho biết nghệ danh của ông ghép từ tên lót của mình và tên một người bạn gái. Ông kể rằng năm 16, 17 tuổi, mỗi khi đưa em gái Kiều Oanh đi hát cho đoàn Dân Nam thì Song Ngọc nhẩy lên đánh trống cho em mình hát, và ông từng chơi trống trong ban Hương Sa (với Lê Duyên, Ngọc Minh Hà...), ban nhạc Khánh Băng... Ông sáng tác từ khoảng giữa thập niên 1950 cho đến nay, phổ thơ nhiều bài, đã xuất bản trên 100 ca khúc. Những sáng tác tiêu biểu nhất: Mưa Chiều, Bừng Sáng, Tiễn Đưa, Chúng Mình Ba Đứa, Một Chuyến Bay Đêm, Họp Mặt Lần Cuối, Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân, Thư Cho Vợ Hiền, Nó Và Tôi, Chuyện Tình Bé Nhỏ, Tình Yêu Như Bóng Mây, v.v...

Song Ngọc từng nói: “Tôi ước mong sao nghệ thuật sẽ không bị lợi dụng và lạm dụng. Và người nghệ sĩ sẽ được thành thật với chính mình, nói thẳng tiếng nói của lòng mình, đừng lâm vào cảnh: bụng mong ước Trắng và miệng thì không ngớt ngợi ca Đen!” (Bách Khoa số 168 giữa thập niên 1960).

Nhà thơ Nguyên Sa, giám đốc trung tâm băng nhạc Đời, đã viết về Song Ngọc:
Song Ngọc là một thủy thủ. Cuộc đời với nhạc sĩ này là biển, âm nhạc là bến đỗ. Bạn muốn hỏi tôi có vừa nói lên một điều gì sai lạc không? Âm nhạc phải là biển mà cuộc đời chỉ là bến tạm mới đúng chớ. Người nghệ sĩ ghé vào cuộc đời để nghỉ ngơi, vài ngày cho một hơi rượu cay, vài ngày cho một cuộc tình mọn rồi lại gió đã lên rồi, buồm căng phồng đi vào biển khơi nghệ thuật. Thường thì như thế. Nhưng với người thủy thủ Song Ngọc, biển lớn là cuộc đời. Mà những chuyến đi của Song Ngọc vào biển lớn cuộc đời đó là những chuyến đi đầy thu hút, có đủ loại sóng, từ sóng giông bão, sóng ngút đầu, sóng thần, sóng đêm trăng bình an, sóng bình minh đầu hạ, sóng đe dọa lúc giao mùa và người thủy thủ thì đam mê, làm sao về bến đỗ mà dừng lại được lâu, cho nên lại phải khởi đi, chuyến đi nào cũng mút mùa lệ thủy.

Chuyến đi vào đời sống quân ngũ mang lại cho Song Ngọc ba bông mai vàng, lon đại úy, giữ chức trưởng khối, một chức vụ thường danh cho những người có cấp bậc cao hơn, lúc người trai mới chỉ 25 tuổi, làm sao không hào hứng, làm sao không đam mê, làm sao trở về được với bến đỗ, dù cho nơi đó đã có những con phố mang tên Tiễn Đưa, mang tên Mưa Chiều...

Chuyến đi vào biển thương mại ở Việt Nam, thành lập tiệm bán băng nhạc và trung tâm băng nhạc Tình Ca Hai Mươi, sản xuất từ bản nhạc đến băng nhạc đã mang cho người thủy thủ những thành công đến choáng váng. Thành công bốn mươi bài, một con số hết sức lớn lao, in ấn bản nhạc, sản xuất băng nhạc thành công năm ba bài là một con số đáng kể. Song Ngọc không phải chỉ thắng vài bài, anh đã thắng không ngừng nghỉ và tỷ số đã lên tới con số 40. Nhiều bài nhạc của Song Ngọc lên tới một triệu rưỡi ấn bản. Thư Cho Vợ Hiền, Họp Mặt Lần Cuối, Nó Và Tôi ở trong số đó.

Sang Mỹ ở lớp tuổi còn trẻ trên dưới ba mươi, tiếng gọi của biển khơi cuộc đời nơi đây càng réo rắt, càng lôi cuốn đã mang Song Ngọc vào những chuyến đi trùng điệp, những chuyến đi đã lao mình vào không dễ quay thuyền trở về bến đỗ nghỉ ngơi dù cho với cây đàn cũ, bản đàn xưa.

Năm 1975 thời điểm Song Ngọc 33 tuổi, là những ngày tháng kinh tế của Houston bước vào thời cực thịnh. Cơn sốt dầu hỏa làm thị trấn này trở thành cánh cửa quốc tế của tiểu bang Texas, là nơi đổi trao những dịch vụ thương mại về dầu lửa, nhà cửa đất đai lên giá vùn vụt. Song Ngọc tới Mỹ tỵ nạn trở thành một trong những người Việt Nam đầu tiên đi vào ngành địa ốc. Người hành nghề địa ốc thời điểm nhà lên vùn vụt, đượng nhiên bán mệt nghỉ. Nhưng người làm nghề địa ốc chỉ với hai bàn tay trắng chỉ làm nghề địa ốc đơn thuần. Song Ngọc rời Việt Nam với số vốn đáng kể, tiền tươi trên trăm ngàn và vàng.

[...] Ước mơ của Song Ngọc thật đơn giản. Bỏ hết. Bỏ Seven Eleven. Bỏ Kentucky Fried Chicken. Bỏ những dẫy chung cư cho mướn. Bỏ những khu chợ đang xây cất. Bỏ hệ thống khách sạn Travelodge. Bỏ hết. Bỏ những chuyến đi vượt sóng trên biên khơi. Bỏ những cơn đam mê đại dương đã cuốn Song Ngọc vào lòng đời. Song Ngọc muốn trở về bến, bến âm nhạc, ở lại đó. Thường trực. Vĩnh viễn. Ở lại không phải chỉ những ngày ngơi nghỉ, không phải chỉ khoảng thời gian giữa hai chuyến đi.

[...] Ở lại với bên âm nhạc cho đến tận cùng, sống với nó, chết với nó, không đi nữa dù chỉ thêm một lần, trên những con sóng phiêu lưu, những con sóng bạc vàng, những con sóng đỏ đen canh bạc đời, những con sóng đam mê tình ái. Không có đam mê nào lớn hơn đam mê nghệ thuật. Người nhạc sĩ này đã tới tuổi hiểu được âm nhạc là một người đàn bà không yêu thì thôi, vướng vào là phải đi tới tận cùng, phải đam mê bốc lửa. Người đàn bà đó không chấp nhận những cuộc tình một đêm, những hẹn hò ngắn hạn, những âu yếm nhẹ nhàng. Anh muốn những cuộc tình qua buổi chợ thì anh tìm người khác đi chỗ khác mà vào đến những vùng đất của thương mại, của phiêu lưu, của dục tình. Còn nếu như anh hiểu thế nào là đam mê thì hãy ngồi xuống đây, ngả đầu vào vai ngũ cung, hãy nằm xuống trong vòng tay cung la trưởng, hãy thâu đêm trong khúc nhạc buồn.

Và nhạc sĩ Song Ngọc đã sống trọn vẹn những năm tháng cuối cùng của đời mình với người tình âm nhạc như thế.

Xin mời nghe bài hát Gọi Tên Cha do nhạc sĩ Song Ngọc phổ thơ Trạch Gầm, qua giọng ca Nguyễn Quỳnh và Lâm Tuyết Trang, phần hòa âm phối khí của nhạc sĩ Vũ Tuấn Đức. Đây là một trong những sáng tác cuối cùng của Song Ngọc, được đăng lên YouTube ngày 24 tháng 6 năm 2018.

Tiển đưa, Thơ: Nguyên Sa-Nhạc: Song Ngọc, Vy Vân: