Saturday 10 November 2018

BẦU CỬ: TRUMP THUA HAY THẮNG? - Tin Tức NOVEMBER 10 – 2018 - Vũ Linh - Diễn Đàn Trái Chiều

Diễn Đàn Trái Chiều
Cuối cùng thì cũng đã có cuộc bầu giữa mùa ngày thứ Ba 6/11 vừa qua. Kết quả như mọi người đã biết. Đảng Cộng Hòa tăng thế đa số tại Thượng Viện trong khi đảng Dân Chủ chiếm đa số tại Hạ Viện. Cho đến khi bài này được viết, con số chính xác cuối cùng chưa có, vì có nơi, bên thua cuộc đang thưa kiện đòi đếm phiếu lại (Florida), trong khi có chỗ chưa đếm phiếu xong (Arizona).
Ai cũng biết bầu cử giữa mùa đầu tiên trong nhiệm kỳ đầu của một tân tổng thống thường là một trưng cầu dân ý về tân tổng thống đó. Hiểu như vậy và nhìn vào kết quả bầu cử thì thấy cử tri Mỹ nghĩ gì về TT Trump.
Ta thử bàn qua cho biết.


KẾT QUẢ
Trước hết, ta nhìn qua kết quả cuộc bầu Hạ Viện và Thượng Viện liên bang [Xin nhắc lại, bài này không bàn về các cuộc bầu bán cấp tiểu bang và địa phương].
Phải nói ngay, cuộc bầu giữa mùa năm nay không giống như bất cứ năm nào trước đây. Theo tin tức báo chí, số người tham dự năm nay cao đến mức kỷ lục.
Bình thường, số người đi bầu giữa mùa tương đối ít hơn các cuộc bầu cử có bầu tổng thống, nhưng năm nay thiên hạ đi bầu đông đảo hơn tất cả mọi lần trước. Chỉ vì ông Thần Trump là người có sức thu hút thiên hạ không ai bằng, thu hút ủng hộ cũng như thu hút chống.
 Cũng bình thường mà nói, những người thỏa mãn với tổng thống, với cuộc sống nói chung, không có hứng thú đi xếp hàng mấy tiếng đồng hồ để bầu dân biểu hay biểu quyết về những vấn đề địa phương lắt nhắt. Chỉ có những người bực mình với tình hình chung, bất mãn với tổng thống, mới hăng hái đi bầu. Do đó, những cuộc bầu giữa mùa thường đưa đến thất bại cho đảng của tổng thống đương nhiệm.
Năm 1994, trong cuộc bầu giữa mùa đầu tiên của TT Clinton, đảng DC mất 8 ghế Thượng Viện và 54 ghế Hạ Viện. Năm 2010, trong cuộc bầu giữa mùa đầu tiên của TT Obama, đảng DC mất 6 ghế Thượng Viện và 63 ghế Hạ Viện. So với những kết quả này, TT Trump và đảng CH năm nay khá hơn nhiều: thêm ghế Thượng Viện, tuy mất Hạ Viện vì thua xấp xỉ 30 ghế.
Tại Thượng Viện, CH chiếm được 4 tiểu bang Indiana, North Dakota, Missouri, và Florida. Nhưng CH mất Nevada. Kết quả cho đến khi bài này được viết là thế đa số của CH tại Thượng Viện hiện giờ là 51 ghế, có thể sẽ lên tới 53 hay 54.

Ý NGHIÃ
Nhìn vào kết quả, ta thấy CH giữ được thế đa số tại Thượng Viện trong khi DC chiếm đa số tại Hạ Viện. Bên nào cũng vỗ ngực khoe thành công. Thực tế ra sao?
Muốn hiểu rõ, ta cần phải hiểu thể thức bầu bán và vai trò của hai viện này.
Tại Hạ Viện, cho dù là dân biểu liên bang và các vấn đề thời sự của cả nước dĩ nhiên là quan trọng, nhưng yếu tố quyết định vẫn là những vấn đề -issues- của tiểu bang và địa phương. Cũng tùy thuộc rất nhiều vào cá nhân ứng cử viên, được cử tri trong đơn vị của họ biết đến nhiều hay ít, hậu thuẫn nhiều hay ít. Tóm lại, vai trò của Hạ Viện quan trọng hơn trong các vấn đề nội bộ Mỹ, cục bộ tiểu bang, và cá nhân ứng cử viên.
Trong khi đó, cả tiểu bang bầu cho một thượng nghị sĩ (mỗi tiểu bang có hai TNS, nhưng thường không bầu một lúc cả hai người). Ở đây, các vấn đề thời sự quốc gia và quốc tế mang ý nghiã nhiều hơn. Cá nhân ứng cử viên ít quan trọng hơn dân biểu vì cử tri gần gũi với dân biểu nhiều hơn là biết về ứng cử viên thượng nghị sĩ.
Thượng Viện có vai trò quan trọng hơn Hạ Viện: phê chuẩn các viên chức cao cấp liên bang, là những người thực sự điều hành guồng máy hành pháp, và phê chuẩn luôn cả các thẩm phán liên bang là những người điều hành guồng máy tư pháp. Thượng Viện cũng phê chuẩn các hiệp ước quốc tế, tức là nắm quyền kiểm soát chính sách đối ngoại và quốc phòng, là những vấn đề liên quan trực tiếp đến tổng thống.
Nôm na ra, kết quả bầu cử Thượng Viện phản ảnh trung thực hơn ý kiến của dân trong cuộc trưng cầu dân ý về chính sách liên bang của tổng thống trong khi kết quả của Hạ Viện phần lớn phản ảnh không khí và nhu cầu chính trị địa phương.
Như vậy, nói chung, kết quả bầu cử cho thấy dân Mỹ vẫn chấp nhận cá nhân TT Trump và ê-kíp/nội các của ông, ủng hộ việc chuyển hướng tư pháp cũng như chính sách đối ngoại của ông, nhưng đã không hoàn toàn ủng hộ các chính sách đối nội của ông.

NGUYÊN NHÂN
Tại sao CH mất Hạ Viện?
TT Trump đã đạt được những thành tích rất lớn về kinh tế, như tạo công ăn việc làm và giảm thuế cho cả triệu người,... Thế nhưng dường như những yếu tố này đã không có ảnh hưởng lớn trên cuộc bầu cử khi CH mất Hạ Viện.
Những thành quả kinh tế chỉ có hậu quả lớn tại một số ít tiểu bang với tỷ lệ thất nghiệp cao dưới thời TT Obama thôi, trong khi phần lớn các tiểu bang khác chưa thấy rõ tác dụng cụ thể gì của tăng trưởng kinh tế, nên không coi như đó là yếu tố quyết định lá phiếu của mình. Việc giảm thuế nói chung quá ít mà cũng chưa đến lúc thiên hạ phải khai thuế nên họ chưa thấy rõ được bớt bao nhiêu tiền, cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến lá phiếu của cử tri, nhất là khi gần một nửa dân Mỹ chẳng đóng một xu thuế nào. Đa số khối dân không đóng thuế này bầu cho đảng nào thì khỏi phải bàn thêm.
Yếu tố quan trọng nhất là cuộc chiến của TTDC chống TT Trump. TTDC đã tung ra một chiến dịch quy mô trong suốt hơn hai năm nay với hơn 90% tin bất lợi cho TT Trump, nhằm hù dọa khối dân nghèo, da màu và dân ít hiểu biết, về 3 vấn đề:
1)  Mất trợ cấp: TT Trump giảm thuế sẽ khiến thu nhập thuế ít đi, nghiã là Nhà Nước sẽ có ít tiền hơn để chi trả trợ cấp.
2)  Mất bảo hiểm y tế: TT Trump đang tìm cách thu hồi Obamacare, tức là bỏ bảo hiểm y tế cho dân nghèo.
3)  Kỳ thị: TT Trump là người kỳ thị nhất, chỉ lo bảo vệ dân da trắng, do đó dân da màu, bất kể đen, nâu, vàng, đỏ gì cũng sẽ bị thiệt thòi.
Chưa kể hình ảnh mà TTDC đưa ra về TT Trump là một tổng thống khó có thể nào thiếu tư cách và đáng căm ghét hơn, vừa về cá tính vừa trong các chính sách.
Nước chảy đá mòn. Việc toàn thể TTDC đánh hội đồng TT Trump một cách tàn bạo nhất trong hơn hai năm qua không thể không có ảnh hưởng trên dân Mỹ, cho dù những tố giác trên đều là ... fake news. Cho đến nay, chưa có một người nào bị mất trợ cấp hay mất bảo hiểm y tế, trong khi những luận điệu tố TT Trump kỳ thị đều không có căn bản (DĐTC sẽ bàn về bệnh ‘Dị Ứng Trump’ trong một bài khác).
Một yếu tố quan trọng trong thắng lợi của DC là phong trào #MeToo, phụ nữ chống tấn công tình dục. Phong trào này đã kích động một số lớn phụ nữ tham gia chính trường, từ việc phụ nữ ra tranh cử cho đến việc bỏ phiếu cho phụ nữ. Một số lớn phụ nữ trẻ và cấp tiến đã hạ các ông già hay bà già bảo thủ. Nhưng điều miả mai là phong trào này chỉ nhắm vào ứng cử viên CH, trong khi có ít nhất ứng cử viên DC đang bị tố tấn công tình dục nhưng đều đắc cử hết, kể cả ông Hồi giáo da đen Keith Ellison, phó chủ tịch Ủy Ban Quốc Gia của đảng DC, đang bị bà bồ tố đã hành hung.
Tại sao CH giữ được Thượng Viện? Khó ai có thể chối cãi đó là nhờ TT Trump. Trong những tuần cuối trước bầu cử, TT Trump đã đi vận động không ngừng nghỉ cho các ứng cử viên thượng nghị sĩ CH. Kết quả là CH đã chỉ mất 1 ghế tại Nevada trong khi chiếm được ghế, nâng thế đa số của CH lên 54.
Kết quả tại Nevada rất ý nghiã: đây là ông nghị sĩ CH duy nhất bị mất job. Ông CH Heller thua vì ông này là một trong những nghị sĩ CH chống Trump mạnh nhất. TT Trump không đi vận động cho ông và cử tri CH cũng không đi bầu cho ông.
Vai trò và ảnh hưởng của TT Trump không thể phủ nhận được. Ba nghị sĩ CH khác nổi tiếng chống Trump thì ông Flake (Arizona) và ông Corker (Tennessee) đã bỏ cuộc không tái tranh cử vì đã mất hậu thuẫn của cử tri CH từ ngày chống Trump, và ông McCain (Arizona) đã qua đời. Cả ba đều đã được thay thế bằng ba nghị sĩ ủng hộ Trump mạnh. Nói cách khác, chẳng những CH thắng thêm tại Thượng Viện mà những nghị sĩ CH chống Trump mạnh nhất đều đã không còn nữa. Một bài học các nghị sĩ CH ra tranh cử lại năm 2020  sẽ nghiên cứu rất kỹ.
Bốn nghị sĩ DC tại 4 tiểu bang ‘đỏ’ đã bầu cho TT Trump, bị ông đích thân đến tiểu bang của họ để vận động chống họ, đều rớt đài hết: các ông Donnelly của Indiana, Nelson của Florida, và các bà Heitdkamp của North Dakota, và McCaskill của Missouri. Hai nghị sĩ trong tiểu bang ‘đỏ’ thoát nạn là TNS Tester của Montana, thắng cử khít nút; và TNS Manchin của West Virginia thắng cử nhờ bỏ phiếu ủng hộ TP Kavanaugh.

HẬU QUẢ
Vì DC kiểm soát Hạ Viện, TT Trump sẽ gặp nhiều khó khăn lớn.
Trước tiên, DC sẽ tung hàng loạt điều tra về đủ chuyện, từ chính sách đến cá nhân ông Trump và các thân nhân, phụ tá,... Việc thông đồng với Nga sẽ được lôi ra hâm nóng lại. DC cũng có thể cân nhắc việc đàn hặc TT Trump tuy biện pháp này có tính cực đoan mà nhiều người rất dè đặt.
Mặt trái của vấn đề là nhiệm kỳ của dân biểu chỉ có hai năm. Những dân biểu DC mới đắc cử phần lớn là trong các địa hạt ‘xôi đậu’, tức là có thể ngả qua phải hay trái bất cứ lúc nào. Nếu khối DC hung hăng quá, chỉ lo đánh phá, hai năm nữa, họ sẽ phải trả lời trước khối cử tri họ đã làm gì tích cực ngoài việc đánh phá Trump. Ngay cả báo phe ta Washington Post đã lập tức lên tiếng cảnh giác khối DC rồi.
DC nắm Hạ Viện có nghĩa là đã có một phần trách nhiệm chứ không còn có thể đứng ngoài chửi đổng lung tung. Người ta có thể thấy cường độ chống đối TT Trump bớt đi, và DC thậm chí có thể sẽ phải ‘hoà hợp hòa giải’ với khối CH và TT Trump để có một cái gì khoe hàng với cử tri năm 2020.
Dù sao thì những cuộc điều tra vẫn chỉ là những nhức đầu tương đối nhỏ, hầu hết chẳng đi đến đâu vì chỉ là chuyện phá đám vặt cốt ý xoa dịu bớt những ấm ức của các cử tri bị bệnh dị ứng Trump. Chỉ đàn hặc là tối đa chứ không đủ phiếu để truất phế.
Nếu có người nào nghĩ TT Trump sẽ nằm im chịu đòn điều tra hay đàn hặc của DC thì người đó thật sự chẳng biết gì về ông Thần Trump. Việc ông lập tức sa thải bộ trưởng Tư Pháp vì tội không bảo vệ tổng thống đã là một thông điệp không thể nào rõ ràng hơn cho những ai muốn đánh ông trong tương lai. TT Trump cũng đe dọa ông “cũng biết chơi trò điều tra”. Nói kiểu Bush, “Bring it on!”.
Chuyện quan trọng hơn là các việc lớn mà TT Trump chưa làm sẽ gặp bế tắc. Bức tường di dân sẽ không có tiền để xây trong khi vấn đề di dân lậu, kể cả đám trẻ con DACA, tiếp tục kẹt cứng không có giải pháp. Kế hoạch giảm thuế đợt hai, đầu năm 2019 sẽ không thực hiện được. Obamacare sẽ dậm chân tại chỗ, không thu hồi mà cũng chẳng cải tiến được. Kế hoạch nâng cấp hạ tầng cơ sở đường xá, cầu cống chưa biết sẽ đi đến đâu. Nói chung, sẽ không còn luật mới nào ra đời nữa.
CNN viết “DC lại có quyền mơ mộng” (Democrats could dare to dream again). Thật ra, chiến thắng của DC tại Hạ Viện chỉ mang lại cho họ khả năng làm khó dễ TT Trump chứ không giúp họ thực thi bất cứ chuyện gì khác. Vì họ chẳng có chính sách hay kế hoạch gì ngoài việc đánh phá TT Trump. Bà Nancy Pelosi đã hùng hổ tuyên bố việc DC chiếm Hạ Viện sẽ tái lập lại nguyên tắc phân quyền, Hạ Viện kiểm soát Hành Pháp. Nôm na ra, bà xác nhận DC sẽ chỉ lo đánh phá và cản Trump thôi, chẳng tính làm gì khác.
Câu hỏi cho các dân biểu DC: quý vị sẽ làm gì ngoài việc điều tra TT Trump? Làm gì với Obamacare? Làm gì với vấn nạn di dân? Làm gì với chính sách kinh tế của TT Trump? Những câu hỏi không có câu trả lời.
Nhìn dưới một góc cạnh khác, việc DC chiếm Hạ Viện thật ra có lợi cho cá nhân TT Trump.
Trước hết, vì bị trói tay, ông có thể đi đánh gôn 300 ngày một năm cũng chẳng sao! Nói chuyện nghiêm chỉnh hơn, ông sẽ không thực hiện được nhiều chuyện quan trọng như vừa nêu trên. Nhưng những việc này lại cũng là những vấn đề gai góc nhất mà cho dù nắm quyền tuyệt đối như trong hai năm qua, ông vẫn không thực hiện được. Đặc biệt vấn đề di dân đã không giải quyết được từ nửa thế kỷ nay qua cả chục đời tổng thống rồi. Bây giờ, TT Trump bị trói tay vì Hạ Viện bị DC chiếm, ông sẽ xài lại môn võ ‘đổ thừa’ của TT Obama ngay. TT Trump có thể hô hào bất cứ giải pháp nào ông muốn, rồi bị DC chống, thế là mau mắn đổ thừa, lỗi DC cản đường. DC thật ra đã giúp cứu TT Trump ra khỏi cái bẫy không lối thoát là vấn đề di dân.
Obamacare bị kẹt, chẳng thu hồi được nữa? Với CH chiếm đa số lớn tại Thượng Viện, việc thu hồi Obamacare có nhiều hy vọng hơn tại đây, nhưng lại sẽ bị cản tại Hạ Viện. Thật ra, TT Trump chủ trương không thu hồi Obamacare sau khi thấy chống đối quá mạnh từ khối cấp tiến. Ông cho rằng tốt hơn hết là cứ để như vậy, không sớm thì muộn, Obamacare tự nó sẽ phá sản. Khi đó CH sẽ rung đùi ca bài ‘bất chiến tự nhiên thành’. Dù sao thì TT Trump cũng đã đạt được một phần ý nguyện là hủy bỏ điều lệ bắt buộc tất cả mọi người phải mua bảo hiểm y tế nếu không sẽ bị đánh thuế phạt.
Giảm thuế nữa? Phe DC sẽ chống đến cùng.
Thử tưởng tượng TT Trump ra tranh cử năm 2020: “Quý vị thấy chưa? Tôi muốn có giải pháp cuối cùng cho vấn nạn di dân, nhưng bị DC cản. Tôi muốn chặn di dân bất hợp pháp, nhưng bị DC cản, bây giờ vẫn có cả chục triệu di dân bất hợp pháp, mà lại mỗi ngày mỗi nhiều hơn. Tôi muốn cải tổ bảo hiểm y tế để giảm chi phí cho quý vị nhưng DC cản. Tôi muốn giảm thuế thêm nữa cho quý vị, nhưng bị DC cản.”
Hạ tầng cơ sở? Việc DC thắng thật ra sẽ giúp cho TT Trump trong vấn đề này. Khối CH là khối chống lại chuyện này vì tốn tiền quá nhiều, đâu hơn 1.000 tỷ đô, trong khi khối DC ủng hộ theo đúng mô thức cấp tiến, cứ Nhà Nước chi tiền là DC ủng hộ. Do đó, việc cải tiến hạ tầng có nhiều hy vọng có thể làm được gì. Đây sẽ là vấn đề ta có thể thấy một sự hợp tác giữa TT Trump và khối DC trong Hạ Viện.
Điều DC bực mình nhất là những việc TT Trump đã làm, đặc biệt là giảm thuế, cắt giảm thủ tục hành chánh rườm rà, cắt một chân của Obamacare, và phá bỏ gia tài cấp tiến của TT Obama,... sẽ không lật ngược lại được.
Một điểm quan trọng khác: vì ở trong thế thiểu số, các dân biểu CH sẽ phải trông cậy vào TT Trump nhiều hơn, nghiã là sẽ siết chặt hàng ngũ sau lưng TT Trump nhiều hơn. Cùng với việc các thượng nghị sĩ CH chống TT Trump mạnh nhất đã bị loại, ta thấy hậu thuẫn của TT Trump sẽ tăng mạnh trong khối nghị sĩ và dân biểu CH. Nhóm #NeverTrump trong đảng CH mất tiếng nói. Một chiến thắng lớn cho cá nhân TT Trump.
Vì CH tăng thế đa số tại Thượng Viện, TT Trump sẽ có nhiều quyền hơn trong việc bổ nhiệm nội các và nhất là bổ nhiệm các thẩm phán bảo thủ cấp liên bang và trong Tối Cao Pháp Viện.
Trong nay mai, ta sẽ thấy nội các cải tổ sâu rộng. Những người có thể ra đi đầu tiên là bộ trưởng và thứ trưởng Tư Pháp (Tin giờ chót, một ngày sau cuộc bầu, TT Trump đã yêu cầu bộ trưởng Sessions từ chức).  Sau đó sẽ là vài bộ trưởng tai tiếng hay ít hữu hiệu như các bộ trưởng Nội Vụ, An Ninh Lãnh Thổ, Thương Mại,...
Ác mộng của phe cấp tiến trong ngành tư pháp đã thành sự thật. TT Trump củng cố được quyền bổ nhiệm các thẩm phán bảo thủ, từ cấp liên bang đến Tối Cao Pháp Viện. Ở đây, có chuyên gia đã nêu vấn đề việc TT Trump củng cố được quyền bổ nhiệm thẩm phán có phải đã là hậu quả trực tiếp của việc khối DC chống TP Kavanaugh quá đáng không? Đã vậy, lại vừa có tin bà thẩm phán cấp tiến nhất, Ruth Ginsburg, 85 tuổi, té gẫy xương sườn, vào bệnh viện khẩn cấp. Lại một cơ hội nữa cho TT Trump bổ nhiệm thêm thẩm phán bảo thủ vào TCPV?
Câu hỏi chưa có câu trả lời dĩ nhiên là việc điều tra của công tố Mueller. Chẳng ai biết ông này sẽ làm gì, khi nào, và phản ứng của tổng thống và quốc hội sẽ như thế nào.
Thế giới sẽ buồn 5 phút khi thấy chính sách đối ngoại của TT Trump dựa trên việc tìm một thế đứng công bằng hơn cho Mỹ, bảo vệ quyền lợi của Mỹ mạnh hơn, đặt trọng tâm vào việc cản sự bành trướng của Trung Cộng trên thương trường quốc tế cũng như tại Biển Đông (một tin mừng cho VN mà chưa thấy cụ tỵ nạn nào hoan nghênh!), và tìm giải pháp hòa bình với Bắc Hàn, sẽ được củng cố khi TT Trump được hậu thuẫn mạnh hơn của Thượng Viện, là cơ quan có tiếng nói lớn trong chính sách đối ngoại, có quyền phê chuẩn các hiệp ước quốc tế và tất cả các đại sứ và đại diện của Mỹ trong các tổ chức quốc tế.
Tóm lại, TTDC tắt tiếng về ‘làn sóng xanh’. Dân Mỹ đã không bác bỏ TT Trump như phe cấp tiến mong đợi. Cùng lắm thì có thể nói dân Mỹ chấp nhận TT Trump, nhưng cho DC nắm Hạ Viện để canh chừng không cho ông đi quá xa thôi.
‘Phe ta’ nghĩ sao? Dĩ nhiên đảng DC và TTDC khua chiêng trống ầm ĩ về việc DC chiếm Hạ Viện. Nhưng TT Obama có vẻ thực tế hơn, nhìn nhận “Thay đổi không thể thực hiện được qua một cuộc bầu cử”. Dịch ra tiếng Nôm, có nghiã là DC chưa thắng, sẽ chẳng thay đổi được gì nhiều.
Phản ứng nhiều ý nghiã hơn: Dow Jones tăng gần 500 điểm hôm thứ tư, sau ngày bầu thứ ba. Nghiã là giới kinh doanh nghĩ DC đã thất bại, vẫn không có khả năng lật ngược chính sách tăng trưởng kinh tế và áp đặt thuế quan trên hàng Trung Cộng để bảo vệ kinh tế Mỹ của TT Trump. Kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục bộc phát mạnh.
Như vậy, có thể nói TT Trump đã lại thắng nữa không?


NOVEMBER 10 – 2018
  
THAY ĐỔI NỘI CÁC
Sau khi cuộc bầu giữa mùa đã qua, mọi người đều chờ đợi một cuộc cải tổ nội các sâu rộng, tuy chưa ai biết chắc ai đi ai ở.
Theo các chuyên gia, hai người có ‘triển vọng’ ra đi sớm nhất là bộ trưởng và thứ trưởng Tư Pháp. Còn lại thì TTDC đã đoán mò cỡ nửa tá viên chức cao cấp nhất cũng sẽ ra đi, trong đó có thể có các bộ trưởng Quốc Phòng, Nội Vụ, Thương Mại, An Ninh Lãnh Thổ, và có thể có cả Chánh Văn Phòng. Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ một phần là đoán mò, phần khác là TTDC chơi trò ‘chia để trị’, cố tình ‘chuyện bé xé ra to’ để gây chia rẽ và mâu thuẫn trong nội các Trump thôi.
Việc nội các cải tổ sâu rộng sau cuộc bầu giữa mùa đầu tiên là chuyện bình thường, tổng thống nào cũng làm. Trong trường hợp TT Trump, có lẽ cần thiết hơn nhiều vì khi ông nhậm chức cách đây hai năm, ông là người hoàn toàn xa lạ với chính trường Hoa Thịnh Đốn, chẳng biết ai là ai, bổ nhiệm các cộng sự viên, nhân viên nội các cũng như phụ tá và cố vấn theo lời giới thiệu lung tung cũng như theo nhu cầu chính trị kiểu lấy điểm khối cử tri này, vỗ về khối cửa tri kia, do đó, có thể có nhiều người không hợp quan điểm hay cách làm việc, đưa đến tình trạng thay đổi nhân sự quá nhiều và hỗn độn trong hai năm đầu. Bây giờ thì người ta nghĩ ông đã quen biết rất nhiều bộ mặt Hoa Thịnh Đốn nên sẽ có thể bổ nhiệm người đúng hơn.
Tin mới nhất: một ngày sau bầu cử, TT Trump đã yêu cầu bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions từ chức. Một cựu công tố, ông Matthew Whitaker đã được bổ nhiệm xử lý. Ông này là chánh văn phòng của ông Sessions, trước đây từng là chuyên viên pháp luật của đài CNN (!), nhưng lại là người đã từng viết bài đả kích công tố Mueller đã đi quá xa khi điều tra chuyện tài chánh và gia đình TT Trump.
Phe DC  và TTDC đã mau mắn tố ngay việc bổ nhiệm này vi phạm Hiến Pháp. Bất cứ việc gì TT Trump làm cũng bị tố là vi phạm Hiến Pháp, cho đến khi Tối Cao Pháp Viện chấp nhận. Bài ca cũ mèm này được nghe đến nhàm chán luôn, nhưng vẫn được những cụ tỵ nạn mê, vội vã ca lại cho dân tỵ nạn ta nghe. Bổ nhiệm ông cựu công tố xử lý trong khi chờ đợi bổ nhiệm bộ trưởng thực thụ, có gì vi phạm Hiến Pháp?
Câu hỏi khiến dư luận đang xôn xao: chuyện gì sẽ xẩy ra trong trận đấu Trump-Mueller? Chưa gì thì TTD đã xúm lại diễn giải việc sa thải ông Sessions là phát súng mở màn trận chiến mới của TT Trump chống công tố Mueller. Đảng DC cũng đã mau mắn lên tiếng đòi ông xử lý và cả ông/bà bộ trưởng tương lai phải rút lui ra khỏi cuộc điều tra của công tố Mueller, không được dính líu gì hết. Một đòi hỏi vô lý, chẳng có nguyên nhân gì. Công tố Mueller là công chức của bộ Tư Pháp, chịu trách nhiệm với bộ trưởng, có gì phạm pháp? Ông Mueller không phải là công tố độc lập.
Tin hành lang cho biết TT Trump đã có danh sách nửa tá người ông có thể sẽ được bổ nhiệm bộ trưởng Tư Pháp. Việc bổ nhiệm một ông xử lý có nghiã là ông này sẽ còn ngồi lâu, qua tới sau khi Thượng Viện mới bắt đầu làm việc, đầu năm tới. Khi đó, CH có 54 ghế, việc phê chuẩn sẽ dễ dàng hơn và sẽ không lệ thuộc một hai nghị sĩ nào nữa.
 Ngay sau khi ông Sessions từ chức, điều miả mai lớn là báo Washington Post viết ngay bài bình luận… ca tụng thành quả của ông khi còn làm bộ trưởng. Bà Pelosi lên án việc sa thải ông. Thế mới thấy cái gian trá thô bỉ của TTDC, lúc nào cũng tìm ra lý cớ đánh TT Trump. Trước đây, không có một nghị sĩ DC nào bỏ phiếu phê chuẩn ông Sessions là bộ trưởng Tư Pháp hết. Còn WaPo, sao không ca tụng khi ông còn làm bộ trưởng mà lại mau mắn ca tụng ngay sau khi ông bị sa thải?
Nhớ lại chuyện bà Hillary và cả đảng DC đòi lấy đầu giám đốc FBI Comey, nhưng đến khi ông này bị TT Trump cách chức thì họ nhất loạt quay lại ca tụng, bênh vực Comey để có cớ đánh TT Trump.
Ông Sessions có thể sẽ ra tranh cử Thượng Viện tại tiểu bang Alabama năm 2020, lấy lại ghế cũ của ông trước khi ông tham gia nội các Trump. Ông Sessions vẫn được sự ủng hộ mạnh của khối cử tri của ông trong khi người thay thế ông, Doug Jones lại thuộc đảng DC, được bầu vì ‘tai nạn’ khi ông CH đối lập ra tranh cử bị dính dáng nặng vào xì-căng-đan tấn công tình dục.

TIN VỀ ĐOÀN LỮ HÀNH DI DÂN
Những tin tức mới nhất về đoàn ‘lữ hành’ di dân từ Honduras, El Salvador và Guatemala đã nhường chỗ trên trang nhất các báo cho các tin về bầu cử Mỹ dĩ nhiên. Vài mẫu tin đọc được thì có vẻ mâu thuẫn, chứng tỏ đã có những rối loạn trong hàng ngũ đám lữ hành này. Hình như cũng thể hiện việc TTDC có vẻ đang ‘nặn tin’ sao cho đáp ứng được nhu cầu phe phái của họ.
Một mặt, có tin là đã có tới ba đoàn lữ hành đã vượt qua biên giới Mễ-Guatemala và đang tiến gần tới thủ đô Mexico City, và con số người tham gia đã lớn lên tới khoảng 14.000 người. Trong khi đó, lại có tin trái ngược là đoàn lữ hành đang gặp những khó khăn lớn, như thiếu ăn, thiếu nước, bệnh hoạn, quá chật vật vất vả, phải đi bộ cả trăm dặm, nhiều phụ nữ và trẻ em không chịu đựng nổi, trong khi cảnh sát Mễ tìm mọi cách cản đường. Một số đã chán nản, bỏ về nước lại, một số đã chấp nhận lời đề nghị của chính phủ Mễ, ở lại Mễ. Có tin cho biết đoàn người bây giờ chỉ còn chưa tới 5.000 người.
TT Trump đã ra lệnh quân lực liên bang tìm cách giúp cảnh sát biên thùy cản đoàn di dân này băng vào đất Mỹ. Ông đã tuyên bố sẽ xây lều cho cả ngàn người này ở trong khi chờ đợi thủ tục pháp lý để vào Mỹ hợp pháp, hay bị trục xuất về xứ lại. Hình ảnh báo chí cho thấy quân nhân Mỹ đang cắm cọc, dựng hàng rào kẽm gai dọc theo các sông tại biên giới Mỹ-Mễ.
Cho đến nay, người ta vẫn chưa lượng định rõ đoàn lữ hành này đã tác động như thế nào trên cuộc bầu cử vừa qua.
Vài chính khách DC hô hoán TT Trump ‘vi phạm Hiến Pháp’ –vẫn bài ca cũ, Trump làm gì cũng là vi phạm Hiến Pháp hết- vì quân đội có trách nhiệm bảo vệ nước Mỹ chống các quân đội ngoại xâm chứ không thể dùng để cản thường dân muốn vào Mỹ một cách yên ổn.
Vấn đề là nếu cả vạn người này quyết đinh tràn vào Mỹ bằng đủ cách, kể cả việc đánh nhau với vài chục anh cảnh sát biên giới, rồi dùng chiến thuật ‘biển người’ của Mao, tràn vào đất Mỹ thì sao? Như vậy có thể định nghiã là ‘xâm lăng Mỹ bằng võ lực’ không? Và như vậy thì trách nhiệm của quân đội có phải là cản họ không?
TT Obama cầm đầu phe cấp tiến, phản đối việc mang quân lực ra biên giới cản di dân. Ông Obama cho rằng đây chỉ là loại xiếc chính trị -political stunt-, cốt hù dọa cử tri khi đoàn di dân còn cách cả ngàn dặm, chưa có nhu cầu rầm rộ mang cả ngàn lính tới biên giới. Theo ý ông cựu tổng thống này, chắc phải đợi khi nào đoàn di dân tới biên giới, bắt đầu đánh cảnh sát biên giới thì mới gửi lính tới? Người ta nói “quản trị là tiên đoán”, nghiã là quản trị đất nước phải tiên đoán chuyện gì sẽ xẩy ra rồi có biện pháp trước. TT Obama quản trị bằng cách đợi có chuyện rồi phản ứng. Ai cho rằng Obama là tổng thống giỏi, có tầm nhìn xa, ... xin giơ tay!

PHE CẤP TIẾN MẤT HỒN
Tin khẩn cấp: bà thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, Ruth Bader Ginsburg bị té gẫy ba xương sườn, phải vào bệnh viện cấp cứu. Đây là loại tin sét đánh cho phe cấp tiến.
Bà Ginsburg là thẩm phán có thể nói cấp tiến nhất, đã từng công khai phá lệ, lên tiếng đả kích TT Trump để rồi sau đó phải rút lại và xin lỗi ông Trump. Bà năm nay đã 85 tuổi, một việc đã khiến khối cấp tiến lo lắng. Bà có mệnh hệ nào, hay tự ý về hưu vì tuổi cao và sức khỏe kém, thì TT Trump lại có dịp bổ nhiệm thêm một thẩm phán nữa vào TCPV, một ác mộng khó có thể kinh hoàng hơn cho khối cấp tiến.

PHE CẤP TIỀN LO BUỒN
Ngay sau cuộc bầu giữa mùa, dĩ nhiên là truyền thông Mỹ đã vội vã nhẩy qua bàn về chuyện bầu cử tổng thống hai năm nữa. TV và báo chí không chậm một phút trong trò chơi đoán mò.
Trong chuyện này, đã có một cuộc ‘thảo luận’ lý thú giữa anh Joe Scarborough, bình luận gia của đài MSNBC và anh Michael Moore, đạo diễn phim.
Anh Scarborough trước đây là dân biểu CH, sau đó đi làm nghề bình luận, nói phét trên TV. Có thể vì nhu cầu câu khán giả, anh ta đổi quan điểm, biến thành một trong những tay nhà báo chống TT Trump hung hăng nhất. Chương trình nói chuyện lảm nhảm của anh đang lèo tèo vài người xem, bất thình lình trở nên chương trình ăn khách nhất của MSNBC. Anh Moore là đạo điễn phim, nổi tiếng là thiên tả cực đoan nhất, đã từng làm những phim thời sự chống TT Bush con (Farenheit 9/11) và chống TT Trump mạnh nhất như. Anh Moore này là một trong những người rất hiếm đã tiên đoán trước cả sáu tháng là ông Trump sẽ hạ bà Hillary để đắc cử tổng thống.
Cuộc thảo luận của hai anh này xoay quanh vấn đề bầu cử tổng thống hai năm nữa. Anh Moore nhận định về hai ngôi sao sáng mới chớm nở trong đảng DC, đó là bà nghị sĩ Kamala Harris của Cali, và ông nghị sĩ Cory Booker của New Jersey. Cả hai đều da đen, cấp tiến thượng hạng.
Theo ý kiến của anh Moore, cả hai đều... vô phương hạ Trump. Cho dù anh rất thích hai vị này, anh cũng phải nhìn nhận hai người này tuyệt đối chưa đủ tầm vóc làm đối thủ của Trump. Chẳng những vậy, anh Moore nhận định nhìn vào hàng ngũ nhân sự của đảng DC hiện nay, rõ ràng là chẳng có ai ngang tầm với Trump. Anh Moore kết luận: “Ta sẽ lại thua năm 2020”.
Chưa hết ngạc nhiên, anh Scarborough sau khi thảo luận vứi anh Moore, đã kết luận “anh có lý, tôi chẳng thấy ai có thể hạ nổi Trump hết”.