Thay vì săn đuổi các tàu ngầm của Nga, tàu hộ vệ HMCS Calgary của Canada lại tham gia cuộc tập trận chung cùng các tàu ngầm của Mỹ và Nhật Bản ở khu vực Tây Thái Bình Dương.
Tàu hộ vệ HMCS Calgary của Canada neo đậu tại Nhật Bản. |
Reuters đưa tin, Nhật Bản và Mỹ đã huy động 57.000 thủy thủ cùng lực lượng thủy quân lục chiến và phi công tới tham dự cuộc tập trận mang tên "Keen Sword" diễn ra từ ngày 5/11 và kết thúc vào hôm nay 8/11.
Theo Reuters, sự xuất hiện của tàu chiến Canada được xem là nhằm thể hiện sức mạnh đoàn kết của cộng đồng hải quân quốc tế nhằm kiềm chế hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mà cụ thể trên Biển Đông.
Còn hồi tuần trước, tàu hộ vệ HMCS Calgary đã cùng các tàu chiến của Nhật Bản và Mỹ gồm tàu sân bay USS Ronald Reagan và chiến đấu cơ F-18 tham gia cuộc tập trận chống ngầm ở Tây Thái Bình Dương. Đây được xem là cuộc diễn tập có quy mô lớn nhất từ trước tới nay diễn ra ở bên trong và quanh lãnh thổ Nhật Bản.
“Đây chính là cơ hội để Canada thể hiện kinh nghiệm hợp tác lâu năm với các đồng minh”, Tướng Saltel nói.
Quyết định điều động tàu chiến tới tham gia cuộc tập trận hải quân quy mô lớn ở Nhật Bản được Canada đưa ra giữa lúc một số quốc gia như Pháp và Anh cũng đang tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực châu Á trước mối lo với sự mạnh quân sự ngày càng lớn, Trung Quốc có thể đưa tuyến đường biển thương mại nhộn nhịp như Biển Đông nằm dưới quyền kiểm soát của Bắc Kinh.
Cụ thể, trong năm nay, Anh cũng đã điều động 3 tàu chiến tới khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương bao gồm tàu đổ bộ tấn công lớn nhất của nước này là HMS Albion. Trên hành trình tới Nhật Bản, tàu HMS Albion có lượng giãn nước toàn tải lên tới 22.000 tấn cùng với 120 lính thủy quân lục chiến đã tiến lại gần một số hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc cải tạo và xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Về phần mình, Trung Quốc cho rằng sự hiện diện của các cơ sở hạ tầng trên những hòn đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép ở Biển Đông chỉ phục vụ mục đích hòa bình. Bắc Kinh còn cáo buộc tàu HMS Albion của Anh di chuyển gần các đảo nhân tạo là hành động mang tính khiêu khích.
Trong năm nay, Nhật Bản, quốc gia sở hữu lực lượng hải quân lớn thứ hai tại châu Á, cũng đã điều động tàu sân bay trực thăng Kaga thực hiện hành trình kéo dài 2 tháng di chuyển qua Biển Đông và tiến vào Ấn Độ Dương. Trong hành trình của tàu sân bay trực thăng Kaga còn có sự tham gia của chiến hạm Anh HMS Argyll.
Trước khi trở về Canada, tàu hộ vệ HMCS Calgary sẽ tới Sasebo, phía tây Nhật Bản để tham gia thêm một đợt tập trận chiến tranh chống ngầm.
Còn theo thông tin được NHK đăng tải hôm 2/11, tàu khu trục tên lửa dẫn đường Luyang-II của Trung Quốc là Lanzhou đã phát hiện tàu sân bay trực thăng Kaga của Nhật Bản hoạt động trên Biển Đông hồi cuối tháng trước.
Ngay khi nhìn thấy tàu chiến Nhật Bản, thủy thủ đoàn trên tàu khu trục Lanzhou đã gửi tin nhắn qua radio với nội dung, “Chào buổi sáng, rất vui vì được gặp các bạn”.
Phản ứng của Trung Quốc với tàu Kaga của Nhật Bản hoàn toàn khác biệt với vụ việc tàu khu trục lớp Luyang của Trung Quốc xua đuổi và áp sát nguy hiểm tàu khu trục USS Decatur của hải quân Mỹ hôm 30/9. Theo đó, tàu chiến Mỹ xuất hiện gần một số đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép trong khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) và tiến hành tuần tra trong vòng 10 tiếng đồng hồ.
Hải quân Mỹ khẳng định, tàu khu trục Trung Quốc có hành động gây mất an toàn khi hoạt động chỉ cách tàu khu trục của Mỹ có 41 m. Hành động của tàu Luyang buộc tàu USS Decatur phải thay đổi hành trình di chuyển để tránh va chạm.
Theo giới chuyên gia, việc tàu chiến Trung Quốc ngáng đường hoạt động của hải quân Mỹ ở Biển Đông không phải là hành động bộc phát mà đã được lên kế hoạch và tính toán kỹ càng.
Giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales ở Australia, ông Carl Thayer cho rằng động thái của Trung Quốc là nhằm khẳng định Bắc Kinh sẽ làm mọi cách để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý mà quốc gia này tuyên bố trên Biển Đông.
“Đây là hành động mang tính khiêu khích và nguy hiểm nhất mà Trung Quốc thực hiện kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức. Toàn bộ các chuyến tuần tra đảm bảo tự do hàng hải của Mỹ trên Biển Đông đều bị tàu chiến và máy bay Trung Quốc phát cảnh báo yêu cầu rời khỏi khu vực, nhưng chưa có tàu chiến nào tiến lại gần tàu và gây nguy hiểm cho tàu chiến Mỹ như tàu khu trục lớp Luyang hôm 30/9", ông Thayer chia sẻ.
Về quan điểm của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng luôn nhấn mạnh, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Theo Người phát ngôn, việc Trung Quốc cải tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.