Friday 28 December 2018

VÕ ĐÔNG SƠ - BẠCH THU HÀ: Thiên tình sử nước Nam bị tưởng là của Trung Quốc.

Cuốn tiểu thuyết đầu tay của Tân Dân Tử gồm 3 cuốn, 28 hồi, xuất bản 1926 (bìa ngoài ghi 1926, bìa trong ghi 1925, do nhà in Nguyễn Văn Viết ở Sài Gòn ấn hành). Sau đó tác giả Hồng Bàng (đã vẽ luôn tranh cho truyện). Tính đến năm 1974, sách đã in đến lần thứ 8 (lần này chia lại thành 4 hồi).
Trong lời tựa cho truyện này, Tân Dân Tử viết: "Những đại gia văn chương trong xứ ta khi trước hay dùng sự tích sử truyện Tàu mà diễn ra quốc văn của ta... và cũng chưa thấy tiểu thuyết nào làm ra một sự tích của kẻ anh hùng hào kiệt và trang liệt nữ thuyền quyên trong xứ ta đặng mà bia truyền cho dân rõ biết. Như vậy thì trong xứ ta chỉ biết khen ngợi sùng bái người anh hùng liệt nữ xứ khác mà chôn lấp cái danh giá của người anh hùng liệt nữ xứ mình, chỉ biết xưng tụng cái oai phong của người ngoại bang, mà vùi lấp cho lu mờ cái tinh thần của người bản quốc.

Trong văn học nước Nam, có những chuyện tình có gốc tích Trung Quốc nhưng vì đã quá thân thuộc nên dân ta có cảm giác là của nước mình, như Kim trọng – Thúy Kiều, Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga. Nhưng cũng có trường hợp thiên tình sử rất đẹp của nước Nam, nhưng lại bị tưởng là của Trung Quốc. Người mộ điệu cải lương nào mà không biết bài ca cổ “Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà” của soạn giả Viễn Châu.

Cách đây hơn 40 năm, khi bắt đầu biết đọc chữ, tôi đã dùng mấy đồng tiền ăn quà để mua tờ giấy in bài ca cổ này bày bán trên nền chợ trước trường học. Tôi đã thuộc lòng và thỉnh thoảng lại hát bài ca nói về chuyện tình lãnh mạn và bi tráng đẹp như cổ tích của Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà. Thế nhưng, tôi cũng như nhiều người mộ điệu cải lương, cứ lầm tưởng đây là tích truyện Tàu nào đó thuộc đời Tống, đời Đường, giống như Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, Lữ Bố - Điêu Thuyền, Phạm lãi – Tây Thi…Cho tới một lần, tôi về thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang), ghé thăm miếu thờ Võ Tánh, người đã phò chúa Nguyễn Ánh gầy dựng nên cơ nghiệp nhà Nguyễn, và thú vị biết rằng câu chuyện Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà là của dân mình, rất gần gũi với đất Nam bộ quê tôi.

Về Gò Công nghe chuyện Võ Đông Sơ

Từ thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) đi về phía biển gần 40 cây số là tới thị xã Gò Công, vùng đất đã từng cống hiến cho triều Nguyễn 2 bà hoàng hậu là bà Từ Dũ và Nam Phương Hoàng Hậu. Tiếp tục đi về hướng biển thêm khoảng 5 cây số là đến ấp Gò Tre – xã Long Thuận – thị xã Gò Công. Đây là vùng đất nổi tiếng với trái sơ ri. Bên con đường nhựa nhiều xe cộ qua lại, cạnh gốc cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, giữa khu vườn cây dại mọc um tùm là ngôi cổ miếu nhỏ dột nát, rêu phong, trên tấm biển ghi: Di tích Văn hóa Lịch sử cấp tỉnh – Miếu thờ Hoài Quốc Công Võ Tánh, thân sinh của chàng trai Võ Đông Sơ trong câu chuyện tình nói trên.
Sử sách ghi rõ: Võ Tánh sinh năm 1768, quê gốc ở làng Phước Tỉnh thuộc tỉnh Trấn Biên (nay là Bà Rịa – Vũng Tàu). Cha mẹ mất sớm, Võ Tánh cùng với người nhũ mẫu trôi dạt về vùng Gò Công ngày nay. Nhờ sức khỏe hơn người, Võ Tánh khi lớn lên trở thành chàng trai khỏe mạnh, giỏi võ và gan dạ.

Vùng Gò Công khi ấy còn nhiều cọp, cá sấu, Võ Tánh đã đã tập hợp thanh niên trong vùng thành lập “đoàn quân nghĩa dõng” tổ chức đánh cọp, diệt cá sấu để đem lại cuộc sống yên bình cho người dân. Vùng đất một bên là biển, một bên là rừng này cũng là nơi tụ tập, hoạt động của nhiều băng nhóm trộm cướp, “đoàn quân nghĩa dõng” của Võ Tánh cũng thường xuyên trấn áp trộm cướp, trừ gian diệt bạo, giữ an lành cuộc sống cho người dân vùng Gò Công.

Vùng đất heo hút Gò Công không trói buộc nỗi chí trai, Võ Tánh đã cùng “đoàn quân nghĩa dõng” do mình tổ chức giương cờ phò Chúa Nguyễn Phúc Ánh trong cuộc đối đầu với anh em nhà Tây Sơn. Sau khi lập nhiều chiến công, Võ Tánh được Chúa Nguyễn Ánh gả em gái là công chúa Ngọc Du, họ có được 1 đứa con trai đặt tên là Võ Đông Sơ.

Nhờ lập được nhiều công trạng, Võ Tánh rất được Chúa Nguyễn Ánh tin dùng, được giao trấn thủ thành Bình Định, là thành tiền tiêu, có ý nghĩa chiến lược trong cuộc đối đầu Nguyễn Ánh – Tây Sơn. Đến khi quân Tây Sơn bao vây thành với lực lượng hùng hậu, trong khi lực lực cứu nguy của Nguyễn Ánh đã bị chia cắt, biết không thể đương đầu trong cuộc chiến không cân sức, Võ Tánh đã chủ động gửi thư cho quân Tây Sơn xin đừng tàn sát binh sĩ, ông sẽ đầu hàng và nộp thành.

Được sự chấp nhận và cam kết từ phía Tây Sơn không giết hàng binh, ngày 7.7.1801 Võ Tánh đã uống chung rượu tiễn biệt với binh sĩ, rồi lên trên tường thành tự thiêu trước sự chứng kiến của quân sĩ hai bên. Các tướng lĩnh Tây Sơn không chỉ giữ đúng lời hứa không giết hại binh sĩ bại trận, mà còn tỏ thái độ khâm phục nghĩa cử anh hùng của Võ Tánh. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi Vua vào năm 1802, một trong những quyết định đầu tiên là truy tặng Võ Tánh danh hiệu “Dực vận Công thần Thái úy Quốc công”. Về sau Vua Minh Mạng truy phong Võ Tánh là Hoài Quốc Công.

Sau khi Võ Tánh qua đời, người dân Gò Công đã lập miếu thờ để ghi nhớ công ơn của ông đối với vùng đất này cũng như chí khí anh hùng của ông khi một mình tự thiêu để cứu ba quân. Về sau, chàng thanh niên Võ Đông Sơ khi đã trưởng thành đã một mình phi ngựa từ Bình Định vào Gò Công thăm quê cha và ghé đốt nhang, ngủ đêm trong ngôi miếu thờ Hoài Quốc Công Võ Tánh. Hàng năm vào các ngày 26 và 27 tháng 5 âm lịch, người dân Gò Công tổ chức cúng Võ Tánh khá tươm tất như là một lễ hội nhỏ trong vùng. Năm 2005 miếu thờ Võ Tánh được công nhận Di tích Văn hóa Lịch sử cấp tỉnh.

Tình sử Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà

Tôi đã một lần về Gò Công ở đêm để dự ngày giỗ Hoài Quốc Công Võ Tánh. Giỗ Võ Tánh thường được Ban Quản trị ngôi miếu tổ chức từ chiều hôm trước đến trưa hôm sau. Đêm hôm đó bao giờ cũng có chương trình đờn ca tài tử kéo dài đến tận khuya. Có một bài hát không thể thiếu trong chương trình ca hát là bài Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà.

Đã bao lần nghe bài hát này với giọng hát của nam danh ca Minh Cảnh, nhưng khi được nghe hát ngay dưới miếu thờ Võ Tánh, nơi đã từng đón bước chân Võ Đông Sơ, tôi thấy cảm xúc dâng trào: “Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi - Đường dài mịt mùng em không đến nơi - Mây nước buồn cơn lửa binh - Hết kể chuyện chung tình – Khóc than riêng em một mình…Trời ơi bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn, nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu Hà!”.

Những người cao tuổi còn hát được trích đoạn trong vở tuồng Giọt máu chung tình (cũng nói về chuyện tình Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà) từng rất nổi tiếng vào thập niên 1930 do đoàn hát Huỳnh Kỳ của Bạch công tử Lê Công Phước dàn dựng, vai Bạch Thu Hà do chính cô Bảy Phùng Há thủ diễn.

Vào khoảng đầu thập niên 1960, ở Sài Gòn xuất hiện cuốn sách nhỏ (có hình minh họa) viết về tình sử Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà. Cuốn sách ghi rõ: Võ Đông Sơ là con của Hoài quốc Công Võ Tánh và công chúa Ngọc Du; Bạch Thu Hà là con quan Tổng trấn Tây Thành. Sau khi Võ Tánh và Ngọc Du lần lượt qua đời, Võ Đông Sơ sống với người chú ruột tại Bình Định.

Khi Triều đình mở khoa thi để chọn tướng tài dẹp giặc ngoài biển Đông, Võ Đông Sơ lên đường ứng thí. Dọc đường, chàng trai họ Võ đã ra tay đánh cướp cứu tiểu thư Bạch Thu Hà trên đường đi lễ chùa gặp nạn. Dưới ánh trăng rằm, bên ngôi cổ tự, hai người đã thề nguyện chuyện trăm năm, hẹn ước về một cuộc trùng phùng…Sau đó Võ Đông Sơ thi đỗ và lãnh quân đi dẹp giặc. Ở nhà Bạch Thu Hà bị gia đình bắt phải lấy chồng nên đã bỏ trốn khỏi nhà, thân gái phiêu bạt với nhiều gian truân.

Khi hay tin Võ Đông Sơ tử trận, Bạch Thu Hà quyên sinh để giữ trọn niềm trung trinh với người tình. Chuyện tình có thật Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà gần giống với chuyện tình trong văn học Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga được nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu sáng tác sau đó, nhưng chuyện tình Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga kết thúc “có hậu” hơn, dù trải qua bao thăng trầm, cuối cùng đôi “trai tài gái sắc” đã có cuộc trùng phùng, chứ không “vĩnh viễn chia ly” như Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà.

Từ câu chuyện tình này, soạn giả Viễn Châu đã viết 2 bài ca cổ “Võ Đông Sơ” (Minh Cảnh hát) và “Bạch Thu Hà” (Lệ Thủy hát), trong đó bài “Võ Đông Sơ” đã trở nên quen thuộc với mọi người yêu thích ca cổ, trong đó có những đoạn: “Bạch Thu Hà, Bạch Thu Hà ơi! Nàng đã bao phen vượt suối trèo non để giữ vẹn tiết trinh, ta mấy bận lao mình trong nắng gió. Chuyện hàn huyên chưa cùng nhau cạn tỏ, thì giọt máu chung tình đã nhuộm thấm chinh y. Từ đây hết nợ hết duyên, hết ân hết ái, lưỡi gươm thiêng ta xin gởi lại cho người yêu lý tưởng Bạch Thu Hà…”.

Chuyện tình đẹp là chuyện tình buồn

Những chuyện tình kết thúc trong đau thương như “Romeo – Juliet” (ở nước Anh), “Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài” (Trung Quốc) hay “Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà”, “Lan và Điệp” (ở nước ta) luôn là niềm cảm hứng cho các môn nghệ thuật và sống mãi với thời gian.

Người đời ghi nhớ những câu chuyện tình đó vì nó là biểu tượng của sự thủy chung và quá đau thương. Nhưng theo tôi, còn có lý do quan trọng khác nữa là: ngầm nhắc những người trong cuộc của các mối tình trọn vẹn hãy biết quý trọng hạnh phúc mà mình đạt được! Với ý nghĩa đó, tình sử “Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà” sẽ có giá trị mãi với đời. Người đời sau sẽ còn hát bài ca về câu chuyện tình của họ như là cách bày tỏ khát vọng về hạnh phúc, tình yêu, lòng thủy chung.

Ngôi miếu thờ Võ Tánh lại là một câu chuyện khác. Ngày trước, người dân tự giác lập miếu thờ Võ Tánh như là cách họ bày tỏ lòng biết ơn và ngưỡng mộ đối với người đã có công trấn áp trộm cướp, giữ yên lành cho cuộc sống người dân Gò Công, người đã có hành động anh hùng hi sinh thân mình để cứu ba quân. Họ hàng ngày nhang khói, hàng năm cúng giỗ tươm tất, chăm sóc chu đáo, giữ gìn khang trang ngôi miếu (được trùng tu năm 1956)…Thế nhưng, hiện miếu thờ Võ Tánh đang xuống cấp nặng, khu di tích trở nên hoang tàn: nhà hội (kề bên miếu) có thể sụp đổ bất cứ lúc nào; ngôi miếu chính bị dột nát; khuôn viên miếu đầy cây dại…

Nguyên nhân của sự xuống cấp, theo ông Phạm Hồng Hiếu, thành viên Ban Quản trị Miếu Võ Tánh, người trực tiếp hàng ngày nhang khói ngôi miếu, do ngôi miếu đã là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, được sự bảo trợ và quản lý của ngành văn hóa địa phương, người dân không được quyền tùy tiện tác động vào hiện trạng ngôi miếu. Sự vận động đóng góp tu sửa miếu cũng khó hơn trước, do tâm lý chờ đợi nguồn vốn của Nhà nước. Trong khi đó, nguồn vốn của Nhà nước thì có giới hạn, mà tỉnh Tiền Giang nói chung và vùng đất Gò Công nói riêng lại có quá nhiều di tích cần được bảo dưỡng, duy tu.

Như Thủy
FB Lê Hùng/Gia Nguyễn
Nghe:
Võ Đông Sơ : Minh Cảnh.
Bạch Thu Hà: Lệ Thủy.