Wednesday, 16 January 2019

Anh, Mỹ lần đầu tiên tập trận chung ở Biển Đông

Tàu khu trục có tên lửa dẫn đường của hải quân Mỹ USS McCampbell đi ngang qua Tây Thái Bình Dương.

Hoa Kỳ và nước Anh đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên giữa hai nước ở Biển Đông kể từ khi Trung Quốc xây các căn cứ quân sự trên các đảo trên vùng biển đang trong vòng tranh chấp này, theo tin từ lực lượng hải quân hai nước cho biết hôm 16/1, giữa lúc Washington đang vận động sự hậu thuẫn của các đồng minh để gây áp lực với Bắc Kinh.
Taiwan News trích dẫn một tuyên bố của quân đội Hoa Kỳ hôm 16/1, xác nhận rằng Hải quân Hoa Kỳ và Hải quân Anh hôm 16/1 đã hoàn tất thành công các cuộc diễn tập hải quân kéo dài 6 ngày trên Biển Đông.
Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ lực lượng hải quân Mỹ tường thuật rằng tàu khu trục có tên lửa dẫn đường của Hoa Kỳ, USS McCampbell, đặt căn cứ tại Nhật Bản, và tàu khu trục của Hải quân Hoàng gia Anh, HMS Argyll, hiện đang đi thăm châu Á, đã thực hiện các cuộc diễn tập về truyền tin và các hoạt động khác bắt đầu từ thứ Sáu 11/1 cho đến thứ Tư 16/1/2019, "để giải quyết các ưu tiên an ninh chung".
"Trong lịch sử gần đây, hai nước không hề thực hiện các cuộc tập trận chung như thế này, đặc biệt là ở Biển Đông."
Sĩ quan Chỉ huy chiến hạm Mỹ USS McCampbell, Allison Christy.
Một phát ngôn viên của Hải quân Hoa Kỳ lưu ý về ý nghĩa của các hoạt động này khi nêu lên rằng không có cuộc tập trận chung nào giữa hai đồng minh Anh-Mỹ, “ít nhất là từ năm 2010”. Ông nói:
"Trong lịch sử gần đây, hai nước không hề thực hiện các cuộc tập trận chung như thế này, đặc biệt là ở Biển Đông."
Các cuộc tập trận diễn ra sau khi một tàu chiến khác của Anh, tàu HMS Albion - có trọng tải 22.000 tấn, tiến sát quần đảo Hoàng Sa hồi tháng 8, vào vùng biển mà Trung Quốc đã tuyên bố thuộc chủ quyền của họ trong Biển Đông.
Đây là lần đầu tiên vương quốc Anh trực tiếp thách thức quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với tuyến đường thủy chiến lược trong khu vực, sau khi Hoa Kỳ hối thúc cộng đồng quốc tế tham gia các hoạt động nhằm thách thức yêu sách chủ quyền ngày càng hung hăng của Trung Quốc. Bắc Kinh cáo buộc London là tham gia "các hành động khiêu khích".
Chiến hạm McCampbell của Mỹ trong tháng này đã tiến sát tới quần đảo Hoàng Sa và đi vào vùng biển thuộc phạm vi 12 hải lý chung quanh quần đảo này trong một hoạt động nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải. Hải quân Hoa Kỳ giải thích rằng mục đích của hoạt động đó là để "thách thức các yêu sách chủ quyền quá đáng" của Bắc Kinh.
Taiwan News dẫn lời chỉ huy tàu chiến Mỹ Allison Christy, nói rằng đây là “một cơ hội hiếm hoi” để phối hợp hoạt động với các đối tác Anh, qua đó “hai nước có thể củng cố thêm các quan hệ chặt chẽ đã có, và học hỏi lẫn nhau”.
Các hình ảnh về các căn cứ quân sự của Trung Quốc trong Biển Đông được công bố hồi năm ngoái hình như cho thấy các tên lửa đất đối không lưu động hoặc tên lửa hành trình chống hạm. Không quân Trung Quốc cũng đã đáp máy bay ném bom trên các đảo đang trong vòng tranh chấp trong khuôn khổ các cuộc tập trận.