Với việc đưa rô-bốt Thỏ Ngọc 2 lên phần khuất của Mặt Trăng, Trung cộng muốn khẳng định vị thế siêu cường công nghệ không gian.
Áo Vàng trên Le Point, Thuế trên L’Express, Fake News trên L’Obs, Rác thải trên Courrier International…, tít chính trang bìa các tạp chí Pháp ra mắt trong tuần thứ hai của năm 2019 này rất đa dạng, với những chủ đề hoàn toàn khác nhau. Đầu năm cũng là dịp để đưa ra các dự báo, và tuần báo Pháp Le Point đã có một phân tích đáng chú ý liên quan đến Trung cộng, mà năm 2019 có thể là khởi điểm của một chu kỳ đi xuống.
Lấy ý từ thành công khoa học của Trung cộng, liên quan đến việc đưa được một phi thuyền thăm dò đáp xuống mặt khuất của mặt trăng hôm mồng 3 tháng Giêng 2019 vừa qua, Le Point đặt tựa cho bài xã luận « Mặt khuất của Trung cộng ». Gọi là mặt khuất, nhưng ý của Le Point chính là mặt trái, mặt bị che giấu đằng sau bề mặt hào nhoáng.
Đối với Le Point, cho dù có bề ngoài uy phong đến đâu, nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, 70 tuổi vào năm nay, đang bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế hoạt động chậm lại, khiến cho chế độ độc tài thêm tàn nhẫn.
Tuần báo Pháp giải thích : Nhân dịp đầu năm này, Trung cộng đã phô trương một hình ảnh đầy uy lực: Phóng được robot lên mặt khuất của mặt trăng và chứng tỏ tư cách gia nhập vào giới ưu tú công nghệ thế giới. Đe dọa dùng sức mạnh với Đài Loan để thống nhất lãnh thổ, cho thấy thái độ mất kiên nhẫn trước ý chí độc lập của đảo. Thử nghiệm một quả bom công phá bunker quy ước rất to, hay triển khai một loại hỏa tiễn hạt nhân mới xuyên lục địa, để bắn đi tín hiệu là khi cần Trung cộng vẫn có khả năng quân sự để thực hiện tham vọng của mình.
Chiến lược lớn mà ông Tập Cận Bình muốn thực hiện là soán đoạt ngôi vị số 1 thế giới của Mỹ, mà không đối đầu quân sự, đúng với binh pháp Tôn Tử cách nay 25 thế kỷ, theo đó người tướng giỏi nhất là người quy phục được kẻ thù mà không cần chiến đấu.
Hai kỷ niệm: 70 năm chế độ Cộng Sản và 30 năm Thiên An Môn
Trong cuộc đấu cấp hành tinh này giữa chủ nghĩa chuyên chế Á Châu chống lại nền dân chủ tự do, năm 2019 là thời điểm rất nhạy cảm cho Trung cộng.
Trước tiên họ sẽ mừng sinh nhật thứ 70 của nước Trung Hoa Cộng Sản vào ngày 01/10/2019, một tuổi thọ đã vượt Liên Xô, chỉ sống được 69 năm. Kế đến Trung cộng sẽ phớt lờ kỷ niệm 30 năm vụ đàn áp phong trào Thiên An Môn. Đảng Cộng Sản Trung cộng vẫn đứng vững sau vụ thảm sát đó, nhờ bảo đảm được cho tầng lớp trung lưu ngày càng đông một mức sống được tăng lên đều đặn. Nhưng kinh tế chậm lại đang đe dọa khế ước bất thành văn đó.
Cho dù chính phủ đã tung ra nhiều biện pháp kích thích, kinh tế Trung cộng vẫn có nhiều yếu tố bất lợi: cải cách thiếu vắng, dân chúng già đi, bong bóng nợ phình to, gánh nặng của doanh nghiệp nhà nước gia tăng, chưa kể đến tệ nạn tham nhũng, thói chạy theo lợi nhuận của đảng viên, quân đội, và cuộc đối đầu thương mại với Mỹ.
Tăng trưởng Trung cộng năm 2018 thực ra chỉ là 1,67% ?
Giáo sư kinh tế Hướng Tùng Tộ (Xiang Songzuo), thuộc Đại Học Nhân Dân Bắc Kinh, trong tháng 12/2018 đã tỏ ý lo lắng trước việc thổi phồng quá đáng dự báo tăng trưởng của Trung cộng. Trong một tham luận, ông cho rằng thay vì 6,5% như chính quyền thông báo, mức tăng GDP « tối đa chỉ là khoảng 1,67% » cho năm 2018.
Le Point nhắc lại binh pháp Tôn Tử, theo đó « nghệ thuật chiến tranh là dựa trên sự lừa dối », và lời chỉ trích của giáo sư Hướng đã bị chính quyền nhanh chóng kiểm duyệt. Thế nhưng, trường hợp này đã chứng tỏ rằng có một sự phản kháng thường trực trong lòng Trung cộng.
Ngoài ra, như tờ báo ghi nhận, kinh tế càng trì trệ thì đảng Cộng Sản càng siết chặt quyền kiểm soát nhắm vào người dân, sợ rằng phong trào Thiên An Môn tái diễn… Nhưng việc dùng đến vũ khí cưỡng chế lại tác hại đến phát triển kinh tế và đè nặng lên triển vọng tương lai.
Đối với tuần báo Pháp, phương Tây từng sai lầm khi cho rằng sau cái chết của Mao vào năm 1976, Trung cộng sẽ mở cửa, sẽ tự do hóa. Ngày nay, họ cũng sẽ sai lầm như vậy nếu nghĩ rằng sự vươn lên của Trung cộng sẽ tiếp tục theo đà của 40 năm qua.
Le Point kết luận : Cho dù Tôn Tử có nhiều binh pháp đã được sử dụng thành công, nhưng việc chủ nghĩa chuyên chế có thắng được chủ nghĩa tự do hay không thì chưa có gì là chắc chắn.
Nga và Trung cố hồi sinh huyền thoại đế chế
Trung cộng cùng với Nga cũng là chủ đề được tuần báo Courrier International bàn thảo trong bài xã luận mang tựa đề « Nga và Trung cộng cố làm sống lại huyền thoại đế chế qua hai khái niệm “Thế Giới Nga” và “Giấc Mơ Trung Hoa” ».
Nhận định của Courrier International rất gay gắt : Đã từ lâu, cả Matxcơva lẫn Bắc Kinh đều thấy rằng ý thức hệ Cộng Sản không còn làm ai mơ ước nữa. Do đó, cả hai ông Vladimir Putin - người đã được rèn luyện trong cơ quan tình báo KGB - và Tập Cận Bình - con trai của một anh hùng cách mạng thời Mao Trạch Đông, đã hiểu rằng để huy động quần chúng, không nên dựa vào giá trị dân chủ, mà phải kích động tinh thần dân tộc.
Hai nhân vật chuyên chế này không những biết cách kéo dài nhiệm kỳ lãnh đạo của họ - Putin đã cai trị nước Nga từ năm 2000, còn ông Tập thì đã có thể giữ ghế lãnh đạo Trung cộng suốt đời – mà còn biết sử dụng và lạm dụng những khái niệm mơ hồ và khẩu hiệu rỗng tuếch.
Thế nhưng dù là “Thế Giới Nga” của ông Putin, hay “Giấc Mơ Trung Hoa” của ông Tập, thì mục đích vẫn giống nhau: Đó là làm sống lại huyền thoại đế chế và vẽ nên một câu chuyện vĩ đại có thể làm cho công dân của họ quên đi những nỗi khổ cực trong cuộc sống hàng ngày.
Việc sát nhập Crimea năm 2014 đã giúp Putin tô son trở lại uy tín của mình. Nhưng việc Giáo Hội Chính Thống Giáo Ukraine độc lập được thành lập ngày 05/01 với phép lành của thượng phụ Constantinople, bất chấp phản đối của thượng phụ Matxcơva… đã cho thấy thất bại của Putin trong việc mở rộng “Thế Giới Nga”. Từ nhiều năm qua, Putin đã liên minh với thượng phụ Matxcơva trong mục tiêu để Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga bao trùm toàn bộ đế chế Liên Xô cũ.
Ở Trung cộng, việc bành trướng lãnh thổ cũng nằm trong chương trình, được thể hiện trong phát biểu của ông Tập Cận Bình ngày 02/01, hứa hẹn thống nhất Đài Loan vào Trung cộng, và yêu cầu quân đội sẵn sàng chiến đấu. Thế nhưng, điều đó chỉ làm cho căng thẳng với Đài Bắc thêm gay gắt.
Đối với Courrier International, bước vào một năm nhạy cảm (với cuộc bầu cử tổng thống tại Ukraina, cùng với kỷ niệm 30 năm vụ đàn áp Thiên An Môn và 70 năm ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa), hai điểm nóng đã bắt đầu nhấp nháy trên bản đồ thế giới.