Thursday 24 January 2019

Chiều Tao Ngộ Văn Chương và Triết Học.

Inline image
Chiều Tao Ngộ Văn Chương và Triết Học.
Trân trọng kính mời quý vị đến tham dự buổi ra mắt tác phẩm văn chương và triết học của Nguyễn Thị Thanh Bình & GS Đặng Phùng Quân và chuyện trò với hai tác giả
Tuyển Tập Truyện Ngắn “Tuổi Trẻ” của Nguyễn Thị Thanh Bình, Đặng Phùng Quân & Hàn Song Tường
Nhật Ký Của Những Mảnh Vỡ (Thơ Nguyễn Thị Thanh Bình)
Huserl và Chủ Nghĩa Lý Tưởng Trong Thế Giới Hiện Đại
Huserl và Triết Học Hiện Đại
• Vào lúc 1:00-4:00 PM ngày thứ bảy mồng 2 tháng 2 năm 2019
• Tại địa điểm: Phòng hội Viện Việt Học
15355 Brookhurst Street, Suite 222
Westminster, CA 92683
Hân hạnh được gặp gỡ và đón tiếp quý vị, bằng một chút tiệc nhẹ trong buổi trưa chiều mùa Xuân văn nghệ, chữ nghĩa và tâm tình. 
Liên lạc: Trần Việt Hải (818) 451-5157; Trần Mạnh Chi (310) 628-7499; Bích Ty (714) 726-4002; Thụy Vy (949) 678-9278; Kim Ngân (310) 704-0667.



Inline image

Nguyễn Thị Thanh Bình hiện sống và viết ở Hoa Kỳ
Chị em gặp nhau, được tin cậy và cho đọc tác phẩm này khi còn là bản thảo, tôi chỉ xin ghi lại đôi chút cảm tưởng với tư cách người đọc. Nguyễn Du thấy vầng trăng bị xẻ đôi: Nửa soi gối chiếc, nửa soi dặm trường. Rõ ràng là đẹp.

Đoàn Phú Tứ thấy tóc mây bị cắt đôi: Tóc mây một món chiêc dao vàng. Con dao văng, không chỉ đẹp mà còn sang trọng, kiểu cách. Sư chia cắt, trong chữ nghĩa người xưa, có nhiều phần êm ái.

Với bút pháp của Nguyễn Thị Thanh Bình, ngay trong bốn tiếng “Giọt Lệ Xé Hai”, hình như vẻ dịu dàng êm ái cổ xưa đã lùi bước. Giọt lệ bị “xé”, không có vẻ gi bằng dao vàng , kéo bạc. Nhiều phần bằng giận dữ, tuyệt vọng. Nhiều phần khác, có vẻ như bằng một tiếng… chửi thề từ đời sống trớ trêu, thô bạo.

Đó là cảm tưởng của tôi khi đọc đoạn văn này:

“ Tôi đổi thế nằm thật nhẹ, cố làm ra vẻ mình đang ngủ thật say với giấc mộng vàng, mộng tím gì đó. Mộng tím thì có chớ mộng vàng gì nổi. Nhất là khi đêm đã gần tàn và trí óc không thể phỉnh phờ nổi với những vùng da thịt trở mình. Bích, tên tôi đẹp xanh mướt như vậy, sao gọi nghe như "Bitch"? Gọi tôi là "đồ chó cái" nghe nhột quá, ông Mỹ Lion ơi.” (Trang 70-71).

Lion là tên một chàng da đen, hành nghề “male stripper”. Công việc của anh ta là biểu diễn vũ “sexy” trong một hộp đêm dành cho các bà các cô tới rửa mắt. Tuyết, cô gái lai, bạn chung phòng với Bích, đã tới đó rửa mắt và chọn anh ta để yêu. Mối tình sẽ tới chỗ bi thảm: Tuyết mất tích, có thể cũng giống như “một cô Mễ bị ném xuống bờ rừng của xa lộ”, và khi tìm thấy xác, sẽ phải “giảo nghiệm bộ răng để tìm ra lý lịch” như được mô tả ở trang 283.

Lion và Tuyết mới chỉ là những nhân vật phụ. “Giọt Lệ Xé Hai”, hình như chưa tới phần họ được hưởng. Bích, cái tên đẹp xanh mướt theo nghĩa tiếng Việt, được phát âm kiểu Mỹ thành “Bitch”, mới thực sự là chủ nhân của giọt lệ bị xé hai.
Ngay trong bốn dòng mở truyện, nhân vật Bích đã bị người tạo ra cô ta treo cổ lơ lửng giữa dĩ vãng và hiện tại, bằng cách cho nhận một điện tín vô danh: Bạn của Sơn Ma Xó hẹn gặp để giao kỷ vật. Sơn Ma Xó là biệt danh “người tình Việt Cộng nằm vùng” của Bích từ thời học trò ở Việt Nam.

Trong khi chờ ngày giờ hẹn gặp, suốt hơn 300 trang sách tiếp theo, tha hồ cho cô Bích dãy dụa, vùng vẫy giữa hồi tưởng và thực tế. Ngày hẹn nhận kỷ vật tới. Sơn, người yêu Việt Cộng nằm vùng thời học trò, sau khi đã tỉnh ngộ vì tù đày, được thu xếp cho theo phái đoàn vận động đầu tư của nhà nước Cộng Sản sang Mỹ tìm gặp người xưa, sẵn sàng ở lại. Tình yêu của họ vẫn nguyên vẹn. Nhưng thay vì tới với người yêu xưa. Bích rẽ sang ngã khác, và thấy mình thẫn thờ trước biển…

Với hơn 300 trang sách, đủ thời, đủ thế, đủ thứ ngổn ngang, hiện ra qua hồi ức của Bích: từ xóm nhỏ sông An Cựu nắng đục mưa trong tới phố biển Nha Trang, từ lớp học tới chiến trường , từ những cảnh chết chóc tới thảm họa tháng Tư 1975, từ những cuộc vượt biển tới việc mua bán xác Mỹ, rồi từ một cô gái Việt tị nạn đi xin việc làm tới một nhân vật trong phái đoàn Cộng Sản sang Mỹ vận động đầu tư…

Gom được tất cả những chi tiết phức tạp ấy vào một cuốn truyện dài hơn 300 trang, thật không phải dễ. Vậy mà mọi tình huống gay gắt nhất của thời thế, in hệt những mảnh vỡ tạp sắc, qua ngòi bút Nguyễn Thị Thanh Bình, như được nối kết bằng sợi dây mang tên tình yêu, làm thành một xâu chuỗi lấp lánh.
“Giọt Lệ Xé Hai” ngoài phần dữ dội thô bạo của những đổi đời mà cuốn sách muốn đề cập hay mô tả, vẫn còn không ít những trang sách thơ mộng về tuổi trẻ, tình yêu, nỗi nhớ những thành phố quê hương… làm dịu lòng người đọc.

Không phải tự nhiên mà ngày từ cuốn sách đầu tay, tác giả tập truyện “Ở Đời Sống Này” đã được đông đảo bạn đọc thầm lặng chấp nhận.

Với sức viết mạnh mẽ và sự có mặt liên tục trong sinh hoạt sách báo văn chương hải ngoại, từ nhiều năm qua, Nguyễn Thị Thanh Bình đã không còn là một bút hiệu xa lạ với người đọc.

Nguyễn Thị Thanh Bình , thơ
Nguyễn Thị Thanh Bình, truyện ngắn.
Bây giờ, với “Giọt Lệ Xé Hai”, là Nguyễn Thị Thanh Bình truyện dài. Thêm một bước mới.
Chỉ có tác phẩm mới làm nên giá trị đích thực cho nhà văn. Mọi lời giới thiệu hoa mỹ đều là thừa.
Xin mừng nhà văn nữ duyên dáng của Văn Học Việt Nam Miền Đông Hoa Kỳ có thêm tác phẩm mới. 
NHÃ CA
[Trần Thị Thu Vân 1939- ]
----------------------------------------------------------------------------------
NHỚ BÀN VIẾT LỮ THỨ CỦA MAI THẢO
Mấy dòng này tôi viết đúng 10/1 đêm qua, trong váng vất của lòng mình với một chút rượu vang lai rai từ lúc chiều xuống.Rồi khi không lại quên chia sẻ với quý bạn. Rồi bỗng thấy để làm gì nữa không biết , khi mới đó mà nhà văn tôi yêu mến và có nhiều kỷ niệm nhất đã là vầng mặt trời vắng bóng suốt 21 năm.Bàn -viết- lữ- thứ là chữ dùng của Mai Thảo dành riêng cho chính mình và những người con tha hương cầm bút ở hải ngoại.

Vâng, khi chính ông trong những lần trò chuyện, tác giả của ‘Đêm Giã Từ Hà Nội’ đã trả lời vỏn vẹn ba chữ:’ Không bao giờ!’, khi tôi hỏi nhà văn Mai Thảo liệu MT có còn muốn và còn dịp để về thăm Hà Nội một lần nào đó chăng. Mai Thảo đã dựng lại một bàn viết trên đất khách dù không‘ nguy nga tráng lệ’, nhưng chính trong căn phòng nhỏ được gọi là toà soạn của tạp chí Văn ở Cali., Mai Thảo đã trở về với con người Thơ đích thực của mình, để sau 50 tác phẩm văn xuôi với bút pháp có thể gọi là bay bướm, làm dáng, kiểu cách và ngồn ngộn chất thơ nên rất riêng Mai Thảo,và vì thế không khiến chúng ta ngạc nhiên là cuối đời Mai Thảo đã cho ra đời tập thơ độc đáo‘Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền’.

Phải nói đây là tập thơ được nhiều nhà phê bình văn học và nhiều người chú ý nhắc nhở tán thưởng nhất, lại vừa bán chạy nhất , và là tập thơ duy nhất được GS Đỗ Đình Tuân của nhà xuất bản Văn Khoa trả nhuận bút ngang hàng với một tác phẩm truyện dài hay truyện ngắn.

Tôi cũng đặc biệt yêu tập truyện Ngọn Hải Đăng Mù, do Làng Văn xuất bản của Mai Thảo , và chính Hồ Trường An trong cuốn bút khảo Mười Khuôn Mặt Văn Chương( do Tiếng Quê Hương in 2018) cũng đã chọn tác phẩm tiêu biểu này để tán tụng những cảnh đời, những nỗi niềm bỏ nước tìm đường vượt biên, ly hương hội nhập thâm trầm, sâu lắng của Mai Thảo.

Nghĩ về Mai Thảo, không hiểu sao với tôi lúc này bỗng nhớ đến Con Người Mai Thảo nhiều hơn.

Con người ấy có thể khá vui chuyện, hoà đồng trên chiếu rượu nhưng tuyệt nhiên Mai Thảo kỵ nhất là sử dụng ngòi bút chữ nghĩa văn chương để chỉ trích , phê phán, chửi mắng ‘lên lớp’ bất cứ ai.

Do đó Mai Thảo thật ‘duyên dáng’khi soạn Bảng Vàng Văn Nghệ cho chúng ta trong một số báo đầu năm của Văn, Giai Phẩm Xuân. Tôi được nhà văn ưu ái tặng cho mấy chữ ‘yểu điệu thục nữ nhất’, còn nhà thơ Trần Mộng Tú thì’ người giàu mơ mộng nhất’...À, chỉ có nhà thơ Trân Sa thì Mai Thảo phán nhẹ’ bụi đời nhất’, và Nguyễn thị Ngọc Nhung thì’Người hay họp mặt trễ nhưng lại chuồn sớm nhất’...Đại khái tất cả câu chữ đều nhẹ nhàng như thế! Chả bù ở ngoài đời,Mai Thảo gặp Trân Sa có thể la toáng lên:’Gớm, con cái nhà ai mà hút thuốc cứ xoành xoạch liên tục như thế. Sau này ai mà yêu cô, hắn cũng phải biết yêu luôn cái gạt tàn thuốc của cô chắc’. Vui, chỉ vui thôi mà nên Trân Sa không hề giận Mai Thảo mà còn khen Mai Thảo viết chữ đẹp, thơ hay ( chính Mai Thảo mỗi tháng vẫn tự tay nắn nót phong bì dán tem và gởi báo cho bạn đọc và bạn viết của tạp chí Văn tục bản ở hải ngoại)

Một điểm khác cũng không lạ gì với người đàn ông dong dõng cao như Mai Thảo , là chỉ thích uống chứ không thích ăn.Mỗi năm Mai Thảo vẫn có thói quen thích trở lại ghé thăm Miền Đông vào lúc Virgínia ...ảo diệu với nàng Thu nhất.Ở đó nhà văn có dịp gặp lại họa sĩ Ngọc Dũng của một thời góp mặt với Sáng Tạo, để cùng cụng ly hơn là nhậu nhẹt nhấm nháp, dù bà xã của Ngọc Dũng nấu ăn đãi khách rất cừ khôi( chủ tiệm nhà hàng một thời). Hôm đó tôi được gặp cả nhà thơ của ‘Liên Đêm Mặt Trời Tìm Thấy’ Thanh Tâm Tuyền và vợ chồng nhạc sĩ Cung Tiến từ Minnesota xuống chơi, nhưng nhà văn của chúng ta chỉ uống và uống, và hầu như không đụng một chiếc đũa làm con nhỏ cũng chỉ dám giả vờ ‘yểu điệu thục nữ ‘ kiểu ‘ nữ thực như miu.’

Những lần nào khác có dịp gặp Mai Thảo, bạn bè em út cũng sẽ khó lòng quên người thuộc thơ và đọc thơ có hồn nhất chính là nhà thơ hào sảng Mai Thảo.
Nói về tập thơ để đời của Mai Thảo, thì cũng có khá bộn người thích bài thơ được chọn làm tựa sách’Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền’, và bài thơ này đã được nhạc sĩ Trần Duy Đức phổ nhạc và Khánh Ly trình bày rất hay.

Có lẽ, tôi thích chất men ngầy ngậy thân phận lữ thứ của Mai Thảo trong bài thơ ‘Một Mình’:

Ngồi tượng hình riêng một góc quầy
Tiếng người kia,uống cái chi đây?
Uống ư? Một ngụm chiều rơi lệ
Và một bình đêm rót rất đầy

Thật ra tôi cũng đã có dịp nói về những Khoảng Trống cô liêu rợn người ấy trong Thơ Mai Thảo, trong một số báo Tưởng Niệm Mai Thảo của Hợp Lưu. Lúc này tôi chỉ muốn tặng Mai Thảo mấy câu về Nỗi Không rợn ngợp ấy của chúng ta, trong những cô đơn tột cùng không cách chi lấp đầy, ngoài những vay mượn dàn trãi bàn viết lữ thứ:

Giữa cõi thinh không giữa cõi lòng
Nửa ngày mộng mị nửa ngày không
Tuyết rơi qua những bàn tay trống
Xác thân không còn khoảng vắng trông
-----------------------------------------------------------------------------------
Tiểu Sử: Nguyễn Thị Thanh Bình
Nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình sinh tại Huế sau khi đất nước chia đôi.
- Trước năm 1975, học Đại học Sư Phạm tại Sài Gòn, nhưng dang dở vì cộng sản chiếm miền Nam.
- Qua Mỹ năm 1975 và học xong cử nhân ở L.S.U.
- Nguyên là phụ tá chủ bút báo Nguyệt San Non Nước
- Hiện đang chủ trương tạp chí văn chương Gió Văn.
Đã xuất bản:
- Ở Đời Sống Này (Tập truyện, Đại Nam, 1989)
- Giọt Lệ Xé Hai (Truyện dài, Văn Khoa, 1991)
- Cuối Đêm Dài (Tập truyện, An Tiêm, 1993)
- Trốn Vào Giấc Mơ Em (Thơ, Thanh Văn, 1997)
- Dấu Ấn (Tập truyện, Văn Mới, 2004)
Góp mặt trong:
- Tuyển Tập 23 Người Viết Sau 1975 (Văn Nghệ, 1988)
- 20 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại (Đại Nam, 1995)
- Tuyển Tập Thơ Văn Hải Ngoại Năm 2000 (Văn Mới, 2000)
- Đối Thoại (13 văn thi sĩ nói về mình và văn học) (Vĩnh Phúc, Văn Nghệ, 2001)
- Truyện Ngắn Hải Ngoại (photocopy, in chui trong nước, 2003)
Thơ và Truyện đã đăng trên Văn:
- Có Còn Chi Nữa, thơ (Văn số 12 tháng 12, 1997 Giáng Sinh).
- Những Đợt Sóng, truyện (Văn số 13&14 tháng 1&2, 1998 Xuân Mậu Dần).
(Nguồn: http://vanmagazine.saigonline.com)
----------------------------------------------------------------------------------
Thụy Khuê (RFI Paris) - Nói chuyện với Nguyễn Thị Thanh Bình
Quê quán tại Huế, nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình là một trong những nhà văn nữ xuất hiện rất sớm tại hải ngoại và cho đến nay chị đã có năm tác phẩm xuất bản ở nước ngoài, đó là Ở đời sống này, tập truyện ngắn in năm 1979, Giọt lệ xé hai, truyện dài, in năm 1991, Cuối đêm dài, cũng là một tập truyện ngắn do An Tiêm xuất bản năm 1993 và Trốn vào giấc mơ em là tập thơ do Thanh Văn xuất bản năm 1997. Tác phẩm mới nhất của Nguyễn Thị Thanh Bình là tập truyện ngắn tựa đề Dấu ấn do Văn Mới xuất bản năm 2004. Hôm nay Nguyễn Thị Thanh Bình nói về hoạt động văn thơ của chị gắn bó với bối cảnh chung của văn học trong và ngoài nước.

Thụy Khuê: Xin thành thật cảm ơn chị Nguyễn Thị Thanh Bình đã nhận lời nói chuyện hôm nay. Thưa chị, chị là nhà văn thành danh ở hải ngoại đã khá lâu rồi, xin chị nhắc lại cái thời gian đầu, mới viết. Có phải là chị đã được độc giả biết đến qua báo Văn của Mai Thảo, hay một tờ báo nào khác và con đường tiếp theo đã diễn ra như thế nào?

Nguyễn Thị Thanh Bình: Trước tiên, cho Thanh Bình nhân dịp được nói chuyện với chị, xin phép gởi lời chào thân ái đến những bạn văn khắp nơi, đặc biệt là thính giả đài RFI, rất nổi tiếng. Bây giờ, ngồi đây nhớ lại thuở xa xưa, hình như Thanh Bình cũng không nhớ rõ lắm đâu. Thật ra, bài đầu tiên viết lại ở hải ngoại là một bài tùy bút, đăng trên một tờ báo có thể gọi là đầu tiên, rất đầu tiên ở Cali, tờ Trắng Đen thì phải. Cái thời mà báo chí vẫn còn phải nằm chung với quầy nước mắm, xì dầu trong các tiệm bán thực phẩm Á Đông, cũng là tờ báo ra đời, có mặt chẳng qua chỉ vì muốn làm công việc đăng tìm thân nhân cho mọi người Việt Nam bị thất lạc bốn phương trời lưu xứ, chẳng hạn thời gian thời gian không gặp nhau vì sau chiến tranh. Bài viết, Thanh Bình không nhớ rõ là viết như thế nào nhưng có lẽ chỉ loay hoay trong thứ văn chương hoài niệm kiểu xa quê hương, nhớ mẹ hiền, thế thôi; nhưng cái tựa, Thanh Bình vẫn còn nhớ, có vẻ hơi ấn tượng là Ấn bản xám, vì lúc đó nhờ cái tùy bút này mà Thanh Bình tìm lại được cô bạn cũ là Tôn Nữ Thu Nga. Rồi cũng làm thơ vớ vẩn và đăng đâu đó trên Làng Văn. Và nhờ bài thơ nào đó Thanh Bình bắt lại được tăm hơi của cô bạn thân là nhà thơ Trân Sa bây giờ. Dù sao Thanh Bình cũng ghi nhận một điều là với tấm lòng ưu ái văn chương phái nữ của nhà văn Mai Thảo trong bước đầu mà Thanh Bình tìm đến với tạp chí Văn. Có lẽ, Thanh Bình nghĩ rằng khi sự có mặt của Thanh Bình trên tờ Văn Học, tờ báo mà bạn bè vẫn hay gọi đùa là phòng triển lãm văn chương hải ngoại, thời mà anh Nguyễn Mộng Giác chủ biên, thời đó, có lẽ có hồi đáp mạnh mẽ hơn. Con đường tiếp theo vẫn xoay trong những đam mê cố hữu của một người như chị biết, là đã lỡ ghiền văn chương. Một khi mình đã ghiền đến nghiện rồi thì rất khó lòng từ bỏ, có điều là đời sống lưu vong, ai cũng bận rộn tất bật nên thời giờ dành cho văn chương cũng phải giời hạn. Dù sao trong giới hạn dĩ nhiên cũng có cái vô hạn điên mê của lòng mình, và chính là những giây phút đó.

T.K.: Chị vừa làm thơ, vừa viết văn. Trong hai địa hạt ấy, chị thấy thoải mái hơn trong địa hạt nào và tại sao như vậy?

N..B.: Thanh Bình rất yêu thơ và luôn luôn xem thơ như là một tình nhân, một tình nhân quyến rũ nhiều ma mị và móng vuốt nhất. Tuy nhiên, vì là tình nhân mà là cái thứ tình nhân gọi là không chọn (hay trọn), nên cái móng vuốt của thơ chỉ có thể cào cấu Thanh Bình vào lúc 0 giờ hay vào giờ thứ 25 mà thôi. Nói đùa nhưng mà thật, Thanh Bình không dễ bắt gặp thơ như lòng mình muốn, kể cả những lúc thật quay quắt hay thèm nhớ nó và tưởng như là nếu không chụp bắt được nó, là có thể nổi điên lên được. Nhưng mà thơ không đến là không đến. Văn xuôi thì hình như không khó tính như vậy, hệt như một ông chồng cần mẫn, thoải mái. Nghĩ sâu hơn và nghĩ cho cùng thì Thanh Bình nghĩ là có lẽ thơ cô đọng quá, do đó để có thể bộc bạch được tất cả nỗi niềm cảm xúc một cách thả giàn một chút, Thanh Bình thấy mình vẫn có thói quen chạy lại truyện ngắn, truyện dài hơn. Âu đó cũng giống như luật bù trừ.

T.K.: Trong những tác phẩm đã xuất bản rồi, tác phẩm nào đối với chị là gần gũi nhất, phản ánh được nhiều điều chị muốn gửi gấm đến độc giả nhất?

N..B.: Hình nhu, vẫn chỉ là hình như thôi, vì chỉ có những tác phẩm mình đang cưu mang bây giờ là có vẻ gần gũi mình nhất, gần gũi nhất phải không chị, vì mình đang có nó trong trái tim của mình lúc đó, vào giờ phút đó. Nhưng Thanh Bình hiểu cái gần gũi và phản ảnh nhất mà chị muốn nói, Thanh Bình hiểu như là một điều gì đó mà Thanh Bình muốn trao hay gửi gấm nhiều nhất, phải không chị? Một vài truyện ngắn mới đây, đặc biệt là Giấc mơ của bão và Từ một miền không đáy hay là một hai bài thơ có vẻ đương đại đăng ở tạp chí Gió Văn. Ở đó mãi mãi là thế giới của những người có hành trang bất ổn, luôn luôn thấy mình bị tách biệt khỏi thế giới mình đang sống. Ở đó, Thanh Bình muốn đưa ra không khí hay thế giới truyện mà có sự trộn lẫn giữa mộng và thực, giống như mộng chồng lên mộng để sống thế giới nửa điên nửa tỉnh của mình. Ở đó, Thanh Bình thích sử dụng phương pháp sáng tác hiện thực huyền ảo và điều này như chị biết, Gabriel Garcia Marquez đã gọi tên cả trăm năm cô đơn rồi cơ mà. Có khác chăng là cách sử dụng chữ nghĩa của mình hay không khí truyện của những người đang sống trong thế giới này, trong cõi nhân loại có vẻ bùng dùng như bây giờ vậy thôi.

T.K.: Thưa chị, từ vị trí thuần túy sáng tác vài năm chị còn chủ trương tạp chí Gió Văn, xin chị giới thiệu tạp chí Gió Văn, có thể nói đây là tạp chí đầu tiên ở hải ngoại do bốn nhà văn phái nữ chủ trương phải không ạ?

N..B.: Dạ vâng, chuyện báo ở hải ngoại thì cũng phải can đảm lắm hoặc bạn bè xúi dại mới lăn xả vào. Thanh Bình muốn nhắc lại sự có mặt có chủ ý lúc đầu là một tờ tạp chí văn chương đầu tiên ở hải ngoại do nữ giới chăm sóc, gồm có nhà văn Hàn Song Tường kiêm tài trợ viên chính yếu của tờ báo, Thanh Bình, nhà thơ Trân Sa, và nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Nhung. Với thông hiệu là tạp chí văn chương tư tưởng, đặc biệt khai phá. Một năm Gió Văn chỉ dám ra hai số thôi. Tờ báo dày trên 500 trang, có bài đăng của các tác giả trong nước, dĩ nhiên đa số là ở hải ngoại. Bây giờ, Trân Sa đã rút lui khá lâu và Nguyễn Thị Ngọc Nhung cũng đang lo cho tạp chí Thơ nên Hàn Song Tường và Thanh Bình phải tăng cường thêm với dịch giả Phan Tuyết Từ, chuyên môn dịch văn học Trung Quốc, để phụ thệm một tay trong ban chủ biên. Dĩ nhiên luôn luôn có sự hỗ trợ đắc lực của một đấng nam nhì khác, nhưng ... vì đức khiêm tồn, xin miễn bật mí. Làm báo, nhất là làm một tờ báo văn học trong giai đoạn này, khi văn chương đang ở thời kỳ khủng hoảng, thì như chị biết, việc xin bài vở bạn bè đóng góp là một cực hình. Đó là chưa kể vụ độc giả dài hạn càng ngày càng tẻ nhạt đi, vì giới già càng mỏi mệt, không muốn đọc sách báo nhiều, còn giới trẻ thì lên lưới đọc chùa hoặc đọc tin tức hay những bài nóng hổi có vẻ cập nhập trong ngày hơn.

T.K.: Chị rất xông xáo trong lãnh vực văn nghệ từ gần hai mươi năm nay, xin chị một cái nhìn chung về tình hình văn học trong nước lẫn ngoài nước những năm gần đây. Câu hỏi này chia làm hai phần, trước hết, chị là người làm văn học ở hải ngoại, chị nhìn văn học trong nư&ơc như thế nào?

N..B.: Đây là câu hỏi rất ý nhị và rất hay, Thanh Bình có nên dè dặt hay... Chắc cũng khó trả lời rốt ráo vì tính chất bao quát của nó. Có thể nói là nhờ vi tính hay vì sự tung chưởng quá thần sấu của cái gọi là siêu xa lộ thông tin cho nên văn học trong nước và ngoài nước gặp gỡ nhau thật là tuyệt chiêu. Văn học một khi có trao đổi, Thanh Bình nghĩ có hiệu năng và hiệu ứng. Thanh Bình lại hay cả tin, nên nhiều khi thấy có một vài hồi còi báo động, đại khái là có báo động đỏ, thì mình cũng hơi ... lên ruột, chẳng hạn vụ Hoa Thủy Tiên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, hoặc là mới đây có phát biểu của nhà văn Lê Lựu đại khái như thế này, là những nhà văn Việt Nam không nên ở trong Hội Nhà Văn làm gì, rồi có hiện tượng mấy nhà văn nữ như Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu, nhóm Năm Con Ngựa Trời. Với những vấn đề xoay quanh nó, nó vượt ra ngoài những hiệu quả của văn chương, làm mình đôi lúc cũng thắc mắc và đặt dấu hỏi trong đầu. Đã vậy lại có thêm sự xuất hiện rất trần trụi của nhóm nhà văn, nhà thơ vỉa hè, lúc nào cũng muốn đi ngược dòng với văn chương chính thống. Những nhà thơ, nhà văn như Nguyễn Quốc Chánh, Phan Bá Thọ, hay Trần Tiến Dũng, Lý Đợi, hay Nguyễn Viện. Thanh Bình chú ý đến đội ngũ sáng tác trẻ trung, đa dạng, mới mẻ như Bùi Hoàng Vị, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Triều Hải, hay là Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu, Phan Huyền Thư, Lynh Bacardi, In sala. Phải coi đó là những thành tựu vì có cơ may chuyển tải được hơi thở rất cần thiết và cần kíp của mình cho văn học Việt Nam lúc này. Mới đây Thanh Bình được biết Tạp chí Thơ ở Hà Nội đã giao cho anh Nguyễn Hoàng Sơn đang trên đường thực hiện số chuyên đề thơ hải ngoại, điều này cũng là điều hơi vui vui, bởi vì thật sự mình cũng không dám vui vội lắm.

T.K.: Xin chị một số ý kiến về văn học hải ngoại những năm gần đây.

N..B.: Ở hải ngoại, mấy năm nay cũng có báo động về sự lạ hóa trong văn chương, hoặc có người nói rằng ở hải ngoại đang được hít thở không khí tự do đủ mọi mặt, nghĩa là tha hồ viết, tha hồ in, nhưng cũng có những ý kiến cho rằng mình vẫn bị những sức ép hay áp lực lúc viết, những sức ép ở bên ngoài. Đó là chưa kể chúng ta còn thiếu những nhà phê bình, lý luận có công tâm, phải không chị? Rồi đâu đó còn thấy những đánh phá hay có tính cách bôi bác, làm chùn lại những ngòi bút có tấm lòng với văn chương. Điều này chị cũng rất tâm đắc với Thanh Bình, phải không ạ? Điều đáng nói là cuộc sống hàng ngày có nhiều nhu cầu, bận rộn cho nên văn học Việt Nam nói chung, cả trong lẫn ngoài nước, đều đang khựng lại rõ ràng. Chưa kể về tiểu thuyết, nhất là tiểu thuyết đương đại hầu như hoàn toàn bị tê liệt. Có điều chắc chắn, Thanh Bình vẫn hy vọng đây không phải là sự tê liệt vĩnh viễn.

T.K.: Xin cám ơn nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình.

© Copyright Thụy Khuê 2006.
-------------------------------------------------------------------------------------
https://www.facebook.com/viethai.tran.942/posts/2051488601608466