Tuesday, 8 January 2019

Wi-Fi và gọi điện thoại miễn phí - Hà Dương Cự

alt
Dấu hiệu sóng Wi-Fi. 

Tháng Sáu, năm 2017, nhật báo Người Việt có đăng tin là có nhiều người về Việt Nam sử dụng điện thoại, tưởng là không tốn tiền nhưng khi về lại Hoa Kỳ thì nhận được một hóa đơn cả 500 đô.

Tại sao như vậy? Những người ấy có phải bị lừa không? Và làm sao để gọi điện thoại miễn phí? Trong bài này tôi xin giải thích về hệ thống điện thoại và Wi-Fi, một kỹ thuật dùng để truy cập mạng Internet, trong đó có ứng dụng gọi điện thoại miễn phí. Tôi cũng giải thích trong trường hợp nào thì gọi điện thoại miễn phí và trường hợp nào thì phải trả tiền.

Hệ thống điện thoại

Vào năm 1876 ông Alexander Graham Bell có được bằng sáng chế về điện thoại đầu tiên ở Hoa Kỳ. Từ đó công nghệ điện thoại được phát triển nhanh chóng trên khắp thế giới.

Hồi xưa khi chưa có điện thoại di động, người ta chỉ có thể dùng điện thoại ở nhà, ở các cơ quan hay những hộp điện thoại ngoài đường. Tất cả những loại điện thoại đó đều là loại truyền theo dây và cố định.

Mỗi công ty điện thoại đều có một mạng lưới dây cáp truyền riêng của mình. Nhưng để cho tất cả mọi người trên thế giới có thể liên lạc với nhau, các mạng lưới truyền thông đều được kết nối. Thí dụ bạn gọi từ Hoa Kỳ về Việt Nam dùng T-Mobile. Mạng lưới của T-Mobile truyền tiếng nói của bạn tới miền Tây của nước Mỹ sau đó sẽ truyền qua dây cáp xuyên Thái Bình Dương. Sang đến Việt Nam thì tiếng nói của bạn được truyền qua mạng lưới của một công ty điện thoại Việt Nam.

Cũng tương tự như vậy, nếu ở Việt Nam mà bạn dùng điện thoại của mình ở Mỹ để gọi điện thoại thì, vì T-Mobile không hiện diện bên Việt Nam, nên phải qua hệ thống của một công ty bên đó. T-Mobile phải trả tiền cho các  công ty điện thoại Việt Nam để bạn có thể liên lạc được. Dĩ nhiên là T-Mobile sẽ tính tiền bạn, không những lấy lại vốn mà còn tính tiền lời trong đó. Vì vậy gọi điện thoại về Việt Nam hay dùng điện thoại ở xứ ngoài khá tốn tiền.

Điện thoại di động khác với điện thoại có dây ở giai đoạn đầu. Tín hiệu được truyền không dây từ điện thoại di động đến một trong những tháp điện thoại của các công ty..

alt
Tháp điện thoại di động.
 

Một khi tín hiệu truyền tới tháp điện thoại thì cũng được truyền theo mạng lưới của công ty như trường hợp điện thoại có dây. Chỗ nào không có tháp điện thoại thì chung quanh đó không có sóng và không dùng điện thoại di động được.

Wi-Fi là gì?

Wi-Fi là tên của một số các chuẩn về truyền thông không dây. Các chuẩn này cho phép các máy điện tử như máy tính hay điện thoại di động truy cập mạng Internet mà không cần dây. Nhiều người lầm tưởng Wii là chữ viết tắt của “wireless fidelity,” thật ra không phải như vậy. Wi-Fi là một thương hiệu của Liên Minh Wi-Fi (Wi-Fi Alliance) được đặt ra để nghe cho kêu và dễ nhớ thôi chứ không có nghĩa gì cả.

Lúc đầu phát triển những kỹ thuật cho Wi-Fi chủ yếu dùng để thay thế dây cáp Ethernet, loại dây dùng để nối mạng từ máy tính. Nhưng rồi dần dần người ta thấy không dây quá tiện nên Wi-Fi được phát triển thêm để có thể thay thế được nhiều loại dây như dây âm thanh. Bây giờ thì Wi-Fi có mặt khắp nơi trên thế giới. Ngay như một quán cà phê ở một vùng quê hẻo lánh cũng có Wi-Fi.
Wi-Fi còn gọi là WLAN (Wireless Local Area Network). Wi-Fi là kỹ thuật dùng sóng radio để phát và thu tín hiệu từ những máy điện tử ở gần chung quanh. Loại sóng này dùng ít năng lượng và chỉ phát ra trong một khu vực có chu vi nhỏ.

Vì Wi-Fi phát tán sóng radio ra vùng chung quanh, nên cần có những biện pháp bảo mật. Để có thể vào được mạng lưới, người sử dụng thường phải biết và cho đúng mật khẩu. Nhưng khi đã truy cập được mạng Internet qua Wi-Fi thì dùng các ứng dụng như xem video hay Viber thường không phải trả thêm lệ phí nào.

Điện thoại đa năng hay thông minh

Điện thoại đa năng hay thông minh (smart phone) là loại điện thoại di động có thêm nhiều chức năng khác như chụp ảnh hay đọc điện thư. Nhưng quan trọng nhất là có khả năng truy cập mạng lưới Internet. Có hai cách để truy cập vào mạng Internet từ điện thoại di động, một là qua mạng lưới của các công ty truyền thông và hai là qua Wi-Fi. Vì có thể truy cập mạng bằng hai cách nên đã xảy ra vấn đề tốn tiền hay miễn phí.

Trước hết, khi bạn đăng ký với một công ty truyền thông cho một điện thoại di động thì thường có hai phần, một phần là tiếng nói dùng để nói chuyện điện thoại và một phần là dữ liệu.

Phần dữ liệu dùng để truy cập mạng, xem video, gửi điện thư, và dùng những ứng dụng trên máy cần Internet. Cho đến một giới hạn đã định trước và ngoài phần trả hàng tháng bạn được dùng phần dữ liệu miễn phí. Tuy nhiên nếu bạn đi ra nước ngoài mà dùng dữ liệu thì rất đắt. Các công ty truyền thông có một cước phí đặc biệt gọi là “roaming charge” (phí lang thang) cho phần dữ liệu dùng ngoài mạng lưới của họ.

Bạn có thể tránh không dùng phần dữ liệu của công ty điện thoại bằng cách dùng Wi-Fi để nối mạng. Những điện thoại bây giờ đều có chức năng Wi-Fi. Khi dùng Wi-Fi trên điện thoại di động để lên mạng thì không phải qua hệ thống của công ty điện thoại, nên không bị tính vào phần dữ liệu và không bị công ty điện thoại tính tiền.

Dùng Viber, khi nào thì miễn phí?

Mạng của công ty Viber luôn luôn quảng cáo là gọi điện thoại quốc tế là miễn phí. Nhưng thật sự có phải như vậy không? Có nhiều người về Việt Nam dùng Viber đã “muốn té xỉu” như cô Ngọc Lan tường thuật trên bài báo nêu trên, vì phải trả một số tiền lớn. Tôi xin giải thích trường hợp nào thì được miễn phí và trường hợp nào thì bị tính tiền và lý do kỹ thuật đằng sau những trường hợp này.

Trước hết Viber là một ứng dụng trên máy tính hay điện thoại di động. Viber dùng để gọi điện thoại thay cho điện thoại bình thường. Viber chuyển âm thanh thành dữ liệu và dùng kỹ thuật VoIP (Voice over Internet Protocol) để chuyển dữ liệu qua Internet đến số điện thoại bạn muốn gọi.

Dùng Viber qua Wi-Fi – một khi điện thoại của bạn được nối mạng bằng Wi-Fi, thì bạn có thể sử dụng Viber thoải mái, vì cuộc nói chuyện của bạn không phải qua hệ thống của công ty điện thoại và không bị tính “phí lang thang” (roaming). Có thể bạn phải trả Viber một lệ phí nhỏ.

Dùng Viber không qua Wi-Fi – khi bạn sử dụng Viber mà không có Wi-Fi. Thí dụ như bạn đứng giữa đường ở Sài Gòn mà dùng Viber khi không nối mạng Wi-Fi, thì cuộc gọi của bạn sẽ được đưa qua phần dữ liệu của hệ thống của công ty điện thoại và bạn bị sẽ bị công ty điện thoại “chặt đẹp” với phí lang thang.

Nói tóm lại để tránh trường hợp bị tốn tiền một cách vô ích, bạn phải tắt ngay phần dữ liệu trước khi ra nước ngoài. Đến nơi mới tắt thì có thể đã hơi muộn rồi, vì nhiều máy điện thoại tự động tải xuống những điện thư hay hình ảnh.
Ở khách sạn, quán ăn hay nhà riêng thường có Wi-Fi, bạn phải hỏi tên và mật khẩu để có thể dùng được Wi-Fi. Có một điều nên chú ý là khi dùng Wi-Fi ở nơi công cộng thì vấn đề an ninh bảo mật không được tốt, kẻ gian có thể lẩn quẩn gần đấy. Nên bạn nên hết sức tránh cho những thông tin cá nhân như số thẻ tín dụng khi dùng Wi-Fi công cộng. 

Hà Dương Cự