Ngày 11.10.2011 tại Hà Nội, Thủ tướng Đức Merkel và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký kết Tuyên bố chung Hà Nội, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược
– Hiệp định miễn visa cho người mang hộ chiếu ngoại giao là một phần của quan hệ đối tác chiến lược Đức – Việt.
– Trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, các nhân viên mật vụ Việt Nam và người cầm đầu là Trung tướng Đường Minh Hưng đã đến Đức bằng hộ chiếu ngoại giao.
– Biện pháp không miễn visa cho người mang hộ chiếu ngoại giao Việt Nam rõ ràng là một biện pháp trừng phạt mà không ảnh hưởng đến người dân.
– Trong chuyến đi làm việc tại Đức vừa qua (ngày 20 và 21.02.2019) Ngoại trưởng Phạm Bình Minh cũng phải xin Visa vào Đức.
Thư E-Mail của Bộ Ngoại giao CHLB Đức thông báo tạm đình chỉ Hiệp định miễn Visa cho người mang hộ chiếu ngoại giao Việt Nam
Mới đây trong chuyến thăm Đức, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có một cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Đức Heiko Maas vào chiều tối ngày 20.02..2019 tại trụ sở Bộ Ngoại giao Đức ở Berlin. Theo thông cáo báo chí và bản tin của Bộ Ngoại giao Đức, hai Ngoại trưởng đã thảo luận về việc định hướng lại quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước Đức – Việt.
Để tránh những tin tức sai lệch, kể cả của những Hãng thông tấn lớn như Reuters của Anh, bạn đọc nên xem bản dịch của Đại sứ quán Đức tại Hà Nội ở đây: Phát biểu của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Heiko Maas (Thông cáo báo chí), và Bản tin của Bộ Ngoại giao Đức, để biết nội dung và kết quả của cuộc hội đàm.
Sau chuyến thăm Đức của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh, một nguồn tin từ giới ngoại giao có thẩm quyền tại Bộ Ngoại giao Đức ở Berlin đã cho tờ Thoibao.de biết rằng, Chính phủ Đức vẫn tiếp tục đình chỉ Hiệp định miễn visa cho người mang hộ chiếu ngoại giao, nguyên văn như sau: „Nhập cảnh miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao Việt Nam hiện nay là không thể được“.
Như vậy là trong chuyến đi làm việc tại Đức vừa qua (ngày 20 và 21.02.2019), Ngoại trưởng Phạm Bình Minh cũng phải xin Visa vào Đức.
Ngày 11.10.2011 tại Hà Nội, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Tuyên bố chung Hà Nội, nâng tầm quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược. Và việc miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao là một phần trong Kế hoạch hành động chiến lược, được ghi trong Tuyên bố chung Hà Nội (thiết lập quan hệ đối tác chiến lược):
Gần một năm rưỡi sau đó, Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao đã được đại diện Chính phủ hai nước ký kết vào ngày 13.03.2013 tại Berlin: Bà Cornelia Pieper, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức và đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Thị Hoàng Anh. Tham dự lễ ký kết có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Guido Westerwelle và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng. Như vậy, Hiệp định này đã được hoàn thành và là một phần của quan hệ đối tác chiến lược Đức – Việt.
Ngày 13.03.2013 tại Berlin, bà Cornelia Pieper, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức và bà Đại sứ Nguyễn Thị Hoàng Anh ký kết Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao
Hậu quả của việc không miễn visa cho người mang hộ chiếu ngoại giao Việt Nam
Chính phủ Đức hiện nay vẫn tiếp tục đình chỉ Hiệp định miễn visa cho người mang hộ chiếu ngoại giao là một hạn chế lớn cho phát triển Kinh tế, Chính trị và Ngoại giao của Việt Nam vì tất cả các cán bộ, quan chức từ Việt Nam khi tới Đức đều cần được nước này cấp Visa. Hàng trăm cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở các nước trên thế giới lập tức bị hạn chế các giao tiếp với Đức khi không thể cử cán bộ sang Berlin nếu chưa có sự cho phép của Chính phủ Đức..
Như vậy, tất cả những người mang hộ chiếu ngoại giao Việt Nam không còn được miễn visa khi vào Đức. Trước đó, theo Điều 1 của Hiệp định miễn visa ký giữa hai nước năm 2013, những người Việt Nam mang hộ chiếu ngoại giao có thể vào Đức trong 90 ngày không cần xin visa, ngoại trừ những người được bổ nhiệm hoặc được cử sang công tác nhiệm kỳ trên lãnh thổ Đức.
Bị ảnh hưởng nặng nhất là Đại sứ và những nhân viên của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức. Trước đây họ, cũng như thành viên gia đình họ, được miễn visa (theo Điều 2 khoản 2 của Hiệp định) trong suốt nhiệm kỳ công tác sau khi được bổ nhiệm. Nay họ, cũng như thành viên gia đình họ, sau khi được bổ nhiệm không còn được miễn visa trong suốt nhiệm kỳ công tác như trước đây.
Hiệp định Đức -Việt miễn visa cho người mang hộ chiếu ngoại giao
Tại sao Chính phủ Đức vẫn tiếp tục đình chỉ Hiệp định miễn thị thực
Một câu hỏi được đặt ra, tại sao Chính phủ Đức vẫn tiếp tục đình chỉ Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, trong khi quan hệ đối tác chiến lược bị „đóng băng“ từ một năm rưỡi nay đang ngày càng có nhiều dấu hiệu được cải thiện?
– Ngay từ đầu, Chính phủ Đức đã chủ trương là cân nhắc chọn lựa các biện pháp trừng phạt nào mà ít làm thiệt hại cho người dân. Ông Jürgen Hardt, phát ngôn viên về chính sách đối ngoại của khối dân biểu đảng liên minh Thiên chúa giáo CDU/CSU kêu gọi, phải có những biện pháp chung của Liên minh châu Âu, các nhân viên tình báo liên quan là “những người không được hoan ngênh” ở đây và phải trục xuất họ ra khỏi đất nước này, cộng với trừng phạt kinh tế. Thế nhưng những biện pháp trừng phạt đó không được để ảnh hưởng đến người dân Việt Nam, ông Hardt nói thêm.
Biện pháp không miễn visa cho người mang hộ chiếu ngoại giao Việt Nam rõ ràng là một biện pháp trừng phạt mà không ảnh hưởng đến người dân.
– Trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, các nhân viên mật vụ Việt Nam và người cầm đầu là Trung tướng Đường Minh Hưng đã đến Đức bằng hộ chiếu ngoại giao. Đây là một sự lạm dụng một cách trắng trợn Hiệp định miễn visa mà Chính phủ Đức không thể chấp nhận và không thể được vùi trong quên lãng. Từ khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra cho đến nay, trong tất cả những thông cáo báo chí, trong tất cả các lần phát biểu trước báo chí về quan hệ giữa hai nước, Bộ Ngoại giao Đức lúc nào cũng luôn luôn đề cập đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh..
– Về vụ Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam bắt cóc, Viện Công tố Liên bang đã đảm nhận công việc điều tra từ ngày 10/08/2017 vì tình nghi hoạt động gián điệp nước ngoài (điều 99 Luật Hình sự) và tước đoạt tự do của con người (điều 239 Luật Hình sự). Và cuộc điều tra này cho đến nay vẫn chưa kết thúc, vẫn được tiếp tục tiến hành. Ngoài sự độc lập của Viện Công tố Liên Bang với Chính phủ, cũng cần biết vị thế pháp lý của Tổng công tố viên tại Toà án Tư pháp Liên bang được ghi rõ trên mạng chính thức của Viện Công tố Liên Bang: „Các cuộc điều tra của Tổng công tố viên tại Toà án Tư pháp liên bang có thể ảnh hưởng đến các mối quan tâm quan trọng về an ninh nội bộ của Cộng hoà Liên bang Đức và có tác động lâu dài trên quan hệ ngoại giao với các quốc gia khác“.
Hiếu Bá Linh – Thoibao.de (Tổng hợp)