DIỄN TIẾN CUỘC TỔNG KHỞI NGHĨA
Từ sau Hội Nghị tại Võng La và Mỹ Xá (Hải Dương), sự giao thông liên lạc (giao liên) giữa ba lãnh tụ lãnh đạo VNQDĐ là Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu và Phó Dức Chính trở nên chậm trễ và khó khăn. Vì thế, ba lãnh tụ đã quyết định họp tại một ngôi chùa trên núi Yên Tử và sau cùng đồng ý quyết định mở cuộc “Tổng Khởi Nghĩa” vào đêm mồng 10 rạng 11 tháng 2 năm 1930. Sau cuộc họp, Nguyễn Khắc Nhu lập tức trở lên Phú Thọ, Yên Bái để truyền mệnh lệnh nầy cho các đồng chí. Đồng thời, Phó Đức Chính cũng từ giã Yên Tử trở về Sơn Tây.
Vì vấn đề liên lạc hết sức khó khăn nên mệnh lệnh chuyển đến các đồng chí phụ trách miền Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An… bị chậm trễ, cho nên sự tập họp các đảng viên không thể kịp thời. Vì vậy, họ cử đại diện tìm gặp Nguyễn Thái Học để đề nghị dời cuộc Tổng Khởi Nghĩa đến ngày 15-2-1930. Cùng lúc đó, Phó Đức Chính phái liên lạc viên sang xã Sơn Dương thông báo tin nầy cho Nguyễn Khắc Nhu.
Chi Bộ Phụ Nữ do Nguyễn Thị Bắc lãnh đạo phụ trách chuyển vận vũ khí từ Phú Thọ lên Yên Bái bằng đường xe lửa. Tại sân ga Yên Bái, Nguyễn Thị Giang đứng đợi để nhận “quà” từ Phú Thọ gửi lên. Lúc đó Nguyễn Thị Giang mới phát hiện đại sự của Đảng đã bị tiết lộ. Cô Giang liền hướng dẫn các đồng chí đi đến khu Rừng Sơn, rồi đi thông báo các đồng chí lãnh đạo Binh Đoàn.
Quang cảnh thành phố Yên Bái vào chiều ngày 10-2-1930 rất đông người qua lại, nhưng rạp chiếu bóng thì lại vắng vẻ, im lặng lạ thường vì thiếu bóng người.
Đụng độ với quân lính Pháp, mặt trận Yên Bái thất bại
Giờ tác chiến sắp đến, các chiến sĩ VNQDĐ chia từng nhóm rời Rừng Sơn để tiến tới địa điểm tập trung. Tin từ trong trại cho biết tình hình vẫn yên tĩnh, không có phòng bị nên các chiến sĩ liền bao vây các trại binh Pháp.
Đúng 1 giờ sáng ngày 11-2-1930, tiếng súng lệnh bắt đầu nổ, báo hiệu cuộc Tổng Khởi Nghĩa bắt đầu. Khu quân nhu Pháp bị phá cửa, chiến sĩ ta lấy súng đạn rồi phân phối cho các dân quân cách mạng. Quân ta giết được Đại úy Jourdain, bắn Đại úy Gainza bị thương ở sườn. Ngoài ra, có hàng chục sĩ quan, hạ sĩ quan và binh lính Pháp bị thương. Đến 4 giờ sáng, quân cách mạng hoàn toàn chiến thắng, làm chủ tình hình Đồn Dưới. Lá cờ VNQDĐ được treo lên, tung bay phất phới trong trại và ngoài thành phố.
Tới 6 giờ sáng thì quân cách mạng chuẩn bị đánh Đồn Cao. Khi quân cách mạng vừa tiến đến gần Đồn Cao thì máy bay Pháp cũng vừa bay tới, xả súng bắn xuống quân cách mạng và trúng cả Bộ Chỉ Huy. Trước tình cảnh rối loạn, quân cách mạng quyết định rút vào rừng. Sau khi đến rừng, kiểm điểm lại thì quân cách mạng chỉ còn phân nửa! Coi nhu mặt trận Yên Bái đã thất bại.
Cuộc tấn công Hưng Hóa, Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ): Phe Ta mất một dũng tướng!
Nguyễn Khắc Nhu chỉ huy lực lượng cách mạng tỉnh Phú Thọ. Đồn binh Hưng Hóa do lính Khố Xanh trú đóng, nhưng là một yếu điểm quân sự. VNQDĐ đã thành lập được một Binh đoàn tại Hưng Hóa, nhưng bị Ban Binh Vụ Pháp xóa sổ, nên Đảng đã mất hẳn lực lượng trung kiên. Nguyễn Khắc Nhu liền huy động toàn thể đảng viên địa phương ở Lâm Thao (Phú Thọ) và Bất Bạt (Sơn Tây) để tập trung lực lượng tấn công địch.
Đúng 1 giờ sáng ngày 10-2-1930, Nguyễn Khắc Nhu ra lệnh bắc loa chĩa vào đồn, kêu gọi binh sĩ Khố Xanh hãy quay súng lại giết giặc, trở về với hàng ngũ Cách Mạng để phụng sự Tổ Quốc. Lời kêu gọi của Nguyễn Khắc Nhu được đồn trưởng trả lời bằng một loạt súng từ trong đồn bắn ra.
Nguyễn Khắc Nhu
Nguyễn Khắc Nhu ra lệnh cho Cách Mạng quân liệng bom vào công phá đồn và hô xung phong. Cuộc công phá liên tiếp mấy tiếng đồng hồ, tuy trong đồn binh lính Pháp thiệt hại khá nặng, nhưng Cách Mạng quân không thể nào tiến vào đồn được. Vì số bom, đạn bị gần cạn nên Nguyễn Khắc Nhu ra lệnh rút quân về bờ sông để chờ vũ khí đạn dược tiếp viện.
Đến 3 giờ sáng ngày 10-2-1930, Nguyễn Khắc Nhu nhận thấy việc tấn công đồn Hưng Hóa không có lợi, nên ra lệnh cho Cách Mạng quân tiến về Lâm Thao.
Tới phủ lỵ Lâm Thao, đồng bào địa phương nổi lên hưởng ứng mãnh liệt. Trước tình thế ấy, tri phủ Đỗ Kim Ngọc cùng lính tráng trong Phủ thừa cơ hội trốn thoát.
Nguyễn Khắc Nhu ra lệnh tịch thu súng đạn, thiêu hủy công văn, thượng Đảng kỳ lên nóc Phủ đường. Sau cùng, ông ra lệnh đốt cháy Phủ đường. Vừa đốt xong Phủ đường thì quân Pháp từ Hưng Hóa kéo tới, vây chặt bốn phía. Nguyễn Khắc Nhu ra lệnh dàn quân ra nghinh chiến. Không may, Nguyễn Khắc Nhu bị trọng thương ở chân. Không để rơi vào tay địch, ông liền dùng lựu đạn tự sát, ruột loài ra ngoài nhưng chưa chết. Địch quân bắt trói ông để lên một cái võng, giải ông về đồn binh Hưng Hóa. Thừa khi đi sát bờ sông, ông nhảy xuống sông tự trầm, nhưng cũng không chết. Về đến Hưng Hóa, Phó công sứ tỉnh Phú Thọ là Chauvet ra lệnh tạm giam Nguyễn Khắc Nhu vào lô-cốt đồn binh Hưng Hóa.
Chauvet vào lô-cốt hỏi cung Nguyễn Khắc Nhu. Chờ cho Chauvet ra khỏi lô-cốt, Nguyễn Khắc Nhu liền đập đầu vào tường đá đến ba lần mới chết được.
Trong trận nầy, địch chết và bị thương hơn 20 tên; còn Cách Mạng quân thì bị địch bắt hết!
Mặt trận Sơn Tây bất thành
Sau khi mặt trận Yên Bái đã thất bại, Phó Đức Chính cùng các đồng chí ở Yên Bái thu thập tàn quân để đánh thành Sơn Tây. Phó Đức Chính đang họp bàn ở nhà một đồng chí thì bị chính quyền Pháp tỉnh Sơn Tây bắt giải về Hà Nội.
Phó Đức Chính
Thọ địch trên cầu Long Biên
Lương Ngọc Tôn ở Bắc Ninh cùng với Nguyễn Thái Học. Sáng sớm ngày 11-2-1930, Lương Ngọc Tôn hay tin mặt trận Yên Bái, Hưng Hóa, Lâm Thao đã khởi nghĩa vào tối 10-2-1930 nên vội vàng xuống Hà Nội tìm Ký Con để hỏi thăm tin tức, rồi sẽ về lại Bắc Ninh để báo cáo với Nguyễn Thái Học. Lương Ngọc Tôn thuê một chiếc xe du lịch để tránh sự dòm ngó của địch và chạy về nhanh hơn. Khi xe chạy đến cầu Long Biên thì bị cảnh sát gác cầu chận lại khám xét. Để tránh sự khám xét, Tôn bèn rút súng lục bắn tên cảnh sát Saint Denis, nhưng chỉ trúng cánh tay và đùi của hắn. Cảnh sát gác trên cầu liền báo động, Tôn hoảng hóa nên cắm đầu chạy dọc theo mé sông Hồng Hà. Khi Tôn chạy đến bến đò Thanh Trì thì bị bọn công nhân lò Bát Thanh Trì bắt trói đem nộp cho bọn thực dân Pháp để lãnh tiền thưởng.
Cuộc ném bom Hà Nội làm Nguyễn Bá Tâm cụt một cánh tay
Kể từ sau ngày Nguyễn Thái Học bị bắt hụt ở Võng La và sau vụ ném bom ở Bạch Mai và Thái Hà bị khám phá, lực lượng cách mạng ở Hà Nội chỉ còn lại Đoàn Ám Sát. Nguyễn Khắc Nhu chỉ huy Đoàn, nhưng do Ký Con Đặng Trần Nghiệp lãnh đạo.
Sau khi chia tay cùng Lương Ngọc Tôn, Ký Con liền triệu tập 5 đoàn viên trong đội cảm tử, đó là Nguyễn Văn Liên, Mai Duy Xưng, Nguyễn Minh Luân, Nguyễn Bá Tâm và Nguyễn Quang Triều. Ký Con cho mỗi người một số bom, dặn đến 20 giờ thì mới ném.
- 20 trái ném vào nhà riêng của Arnoux, chánh sở Mật thám Pháp.
- 8 trái ném vào ngục thất Hỏa Lò (sau nầy các tù binh Mỹ đặt tên là Hilton Hanoi).
- 2 trái ném vào sở Sen đầm.
- 2 trái ném vào sở Cảnh sát Quận I.
- 2 trái ném vào sở Cảnh sát Quận II.
Sau khi làm xong nhiệm vụ, tất cả về báo cáo công tác tại căn nhà số 24 phố Hàng Giấy. (Theo Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng).
Không biết kết quả ra sao, nhưng được biết Nguyễn Bá Tâm có đến sở Cảnh sát ở Quận II, có tung một quả bom, bom nổ nhưng tên kia chạy thoát. Tên thứ hai thì chạy đụng cánh tay cuả Tâm, bom nổ trong bàn tay của Tâm, làm bàn tay bị thương khá nặng. Khi nằm ở nhà thương, chúng cắt cụt tay của Tâm, rồi sau đó chúng tra tấn cực kỳ dã man!
Vụ Đáp Cầu, Phả Lại (Bắc Ninh) bị phát giác
Đáp Cầu và Phải Lại thuộc miền Đông Bắc, là 2 địa điểm quan trọng của VNQDĐ. Cả 2 nơi đó, Đảng đã tổ chức từ lâu, có vũ trang và đồng chí khá đông. Vì sự phản bội của Nguyễn Thành Dương (tức Đội Dương) nên các đảng viên nồng cốt đều bị bắt hết. Nguyễn Thái Học dự tính đem toàn lực lượng đánh vào Phả Lại, họa chăng sẽ thành công.
Nguyễn Thái Học ước hẹn với các đồng chí ở vùng Lương Tài (Bắc Ninh); cùng các đồng chí ở vùng Gia Bình, Nam Sách (Hải Dương). Tất cả chia làm 5 đạo quân mà đánh vào Phả Lại. Nguyễn Thái Học hẹn đánh vào ngày 12-2-1930. Nhưng đến ngày giờ hẹn và nơi tập trung thì chẳng thấy Nguyễn Thái Học đâu cả! Hôm sau, các đồng chí mới hay tin không lành. Có 2 lý do:
1. Việc thất bại ở Yên Bái, Hưng Hóa và Lâm Thao làm lòng người ngờ vực cách mạng.
2. Nhà cầm quyền Pháp ở các địa phương biết việc khởi nghĩa chẳng phải là tin đồn hão nên tích cực đề phòng.
Do sự đề phòng ấy nên ngày 11-2-1930, Công sứ và Giám binh tỉnh Hải Dương đem một đại đội lính Khố Xanh vây khám xét làng Mỹ Xá thuộc phủ Nam Sách, nhưng chúng không bắt được Nguyễn Thái Học và Trần Quang Diệu.
Sang ngày 12-2-1930 là ngày Nguyễn Thái Học ước hẹn với các đồng chí tấn công Phả Lại, cũng là ngày Công sứ và Giám binh tỉnh Hải Dương đem lính Khố Xanh đến vây khám làng Hưng Thăng. May mà Nguyễn Thái Học thoát khỏi vòng vây trong gang tấc.
Cùng ngày hôm ấy, Công sứ và Giám binh tỉnh Bắc Ninh đem lính Khố Xanh về triệt hạ nhà Nguyễn Văn Tuyên tức Chánh Tuyên, một cán bộ của Đảng. Chúng tưới xăng đốt cả làng Trụ Thân cùng chợ Kênh Vàng, nơi Cách mạng quân từ các địa phương kéo về tập họp, chờ lệnh của Nguyễn Thái Học mà không thấy.
Trở về địa phương, các đồng chí Cách mạng quân ở tỉnh Bắc Ninh quyết định tấn công đồn binh Đáp Cầu vào đêm 18-2-1930. Dự định nầy không thành vì chính quyền địa phương đã phát giác kịp thời.
Cũng đêm 18-2-1930, các đảng viên địa phương chủ mưu tấn công một huyện trong tỉnh Bắc Giang, cũng bị phát giác nên không thành.
Cuộc đánh chiếm Đồn binh Kiến An bất thành
Bộ Tham Mưu VNQDĐ chủ trương đánh chiếm đồn Binh tỉnh Kiến An, rồi từ đó phát động đi đánh chiếm các nơi khác.
Theo lệnh Bộ Tư Lệnh Khu Hải Quảng, Cách mạng quân chuẩn bị đánh chiếm đồn binh Kiến An vào ngày 13-2-1930. Các lực lượng võ trang của ta, gồm có: Các đảng viên thuộc Tỉnh Đảng bộ Kiến An, các đảng viên công nhân Khu Đảng bộ Hạ Lý (Hải Phòng), đoàn cảm tử thuộc Thành Đảng bộ Hải Phòng, 50 đảng viên từ Mỏ Mao Khê về, và sau cùng là các đảng viên quân nhân được cài đặt trong đồn binh Pháp.
Theo kế hoạch, đúng 1 giờ đêm 13-2-1930 thì trong đánh ra, ngoài đánh vào. Đêm đó có mưa phùn gió bấc thổi mạnh làm cho da thịt tê tái lạnh buốt xương. Hầu hết các đồng chí ở Mao Khê về thì thật là một vấn đề nan giải. Muốn vào được Kiến An thì phải qua cầu Niệm. Nhưng hai bên đầu cầu thì đều có lính gác. Vì thế, anh em buộc lòng phải lội qua sông. Trước khi lội thì phải cởi quần áo cùng vũ khí cuốn lại, đội lên đầu, buộc chặt cằm. Trong lúc lội qua sông, bất ngờ đồng chí Trần Hữu Quyết bị chết hụt!
Vì nhật kỳ sai biệt nên Yên Bái và các nơi khác đã hành động trước, làm cho Pháp biết được ý định Tổng Khởi Nghĩa của ta nên chúng thiết quân luật, bố trí đề phòng. Khi Cách Mạng quân rút lui qua bến cầu Niệm thì địch quân đem binh truy kích. Cuộc đánh chiếm đồn Binh Kiến An bất thành.
Trận Phụ Dực, Vĩnh Bảo (tỉnh Thái Bình) xử tử Tri huyện ác ôn Hoàng Gia Mô
Hai Huyện Phụ Dực và Vĩnh Bảo thuộc tỉnh Thái Bình. Cả 2 Tri huyện đều rất tham tàn và độc ác, vì thế Cách Mạng quân đã chọn hai Huyện nầy để thanh toán 2 Tri huyện đó. Cách Mạng quân chọn lúc 20 giờ ngày 15-2-1930 để đánh úp Huyện Phụ Dực. Tri huyện Phụ Dực là Trương Trọng Hiền được tin biến động nên trốn thoát. Cách Mạng quân tịch thu được 6 khẩu súng trường và một số đạn dược; đồng thời thiêu hủy hết hồ sơ công văn của Huyện đường.
Việc huyện Vĩnh Bảo do Trần Quang Diệu hiến kế “điệu hổ ly sơn” nên bắt được Tri huyện Hoàng Gia Mô và xử tử y.
Tính từ ngày chính thức thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng (25-12-1927) cho đến ngày Tổng Khởi Nghĩa (10-2-1930) vỏn vẹn mới được 2 năm và 1 tháng, tổng cộng 776 ngày. (Theo Hoàng Văn Đào).
Thực Dân Pháp Trả Thù Khốc Liệt
Khi Nguyên soái Aubert được tin có biến động ở Yên Bái, y bèn hội kiến với Toàn quyền Pasquier để tìm phương cách đối phó. Ngày 12-2-1930, Toàn quyền Pasquier từ Hà Nội đi lên Yên Bái để dự lễ tống táng 10 sĩ quan Pháp. Điếu văn của Pasquier có đoạn xác quyết: “Nhà nước sẽ trừng trị ngay những kẻ xướng loạn một cách đáo để, đặng phụ thù cho mấy người cả Tây lẫn An Nam đã bị hại một cách dã man.” “Mai đây sẽ có Hội đồng đề hình xử bọn đó xứng đáng với tội ác của chúng nó…”
Thế là cuộc trả thù tàn sát bắt đầu xảy ra. Đầu tiên là tàn phá Cổ Am. Pháp liệng xuống làng Cổ Am tất cả 57 quả bom loại nặng 10 ký, còn xả súng liên thanh bắn nát nhà cửa của dân chúng, làm thiệt mạng 21 người. Những người cách mạng đều bị bắt hầu hết, duy chỉ có Trần Quang Diệu là trốn thoát được. Tất cả những nhà cửa của những người bị bắt trong 2 Huyện Phụ Dực và Vĩnh Bảo đều bị đốt phá thành tro. Làng Điềm Diêm và Phố Hàng Bè cũng đều bị đốt phá hết.
Tiếp đến các làng Phong Cầu, Đồng Tải, Kha Lâm (Kiến An), La Hào, Võng La, Sơn Dương (Phú Thọ)… cũng đều bị thực dân triệt hạ.
Mãi tới tháng 5 năm 1930 thực dân Pháp mới bắt được Trần Quang Diệu ở tỉnh Thái Nguyên rồi đưa về giam tại ngục thất Hà Nội.
Nguyễn Thái Học bị bắt ở ấp Cổ-Vịt (Đông Triều, Hải Dương)
Nguyễn Thái Học
Lúc 8 giờ rưỡi sáng ngày 20-2-1930, Đảng trưởng Nguyễn Thái Học cùng với một đồng chí là Sư Trạch, ăn mặc giả nông dân, lén lút băng qua đồn điền Cổ Vịt, bị bọn lính Thổ (lính dõng) bắn bị thương ở chân, rồi bắt giải vào đồn điền để lập công với chủ. Hai đồng chí bị bọn mật thám nhận diện nên điệu về sở mật thám Hà Nội. Cũng nên nói thêm, ấp Cổ Vịt là ấp của tên thực dân Clébert; đồn điền nầy là của y nên các lính tuần canh (lính dõng) đều có súng trường.
Thực dân pháp treo giải thưởng 5.000 đồng bạc cho ai bắt được Ký Con
Vào trung tuần tháng 6 năm 1930, Ký Con (Đặng Trần Nghiệp) từ Hải Phòng trở về Nam Định, ở tạm một đêm tại nhà một đồng chí ở phố Năng Tĩnh. Sáng hôm sau, Ký Con chuẩn bị ra đi thì mật thám Pháp ập vào bắt Ký Con rồi đưa về Hà Nội. Sở mật thám Nam Định không hay biết gì cả.
Theo sự tiết lộ của Phan Tảo, một nhân viên trong sở mật thám Nam Định: Có mấy đảng viên Đông Dương Cộng Sản Đảng ở Nam Định biết tin Ký Con hiện có mặt ở Nam Định nên chúng mật báo cho Louis Martin, Tổng giám đốc Nha Liêm Phóng Đông Dương. Louis Martin liền ra lịnh cho Arnoux đem mật thám Hà Nội xuống Nam Định vây bắt Ký Con.
Ngày tang Yên Bái: Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng chí bước lên máy chém của thực dân Pháp
Sáng ngày 23-3-1930, lính Khố Xanh áp giải 83 chiến sĩ VNQDĐ từ ngục thất tỉnh Yên Bái ra Hội đồng Đề hình xử tại trại binh tỉnh Yên Bái.
Người bị gọi ra đầu tiên là Nguyễn Thái Học. Đảng trưởng Nguyễn Thái Học nhận hết trách nhiệm và phân trần về lý do chính trị của cuộc khởi nghĩa nhưng bị chủ tịch Hội đồng Đề hình chận lại không cho nói.
Đến Phó Đức Chính, ông tỏ thái độ cương quyết, tự nhận là ủy viên tuyên truyền cổ động ở các tỉnh, thảo truyền đơn gửi cho các binh sĩ khuyên họ làm cách mạng, thảo chương trình kế hoạch tổng khởi nghĩa…
Tới phiên Nguyễn Thị Bắc, cô phản đối kịch liệt, đòi thả cô ra ngay.
Các chiến sĩ kế tiếp đều dũng cảm công nhận là có gia nhập VNQDĐ với mục đích đánh đuổi người Pháp ra khỏi Việt Nam, giành lại quyền độc lập cho Tổ Quốc.
Đến 10 giờ sáng ngày hôm sau, tức 24-3-1930, Hội đồng Đề hình tuyên án:
- 39 người bị tử hình.
- 33 người bị án khổ sai chung thân.
- 9 người bị án 20 năm khổ sai.
- 5 người bị án tù đày (trong số đó có cô Nguyện Thị Bắc bị 5 năm tù ở).
Sau khi Hội đồng Đề hình xử xong, Nguyễn Thái Học cùng các đồng chí bị đưa về giam tại ngục thất Hỏa Lò, Hà Nội.
Đầu tháng 6 năm 1930, Tổng Thống Pháp Doumergue đổi 27 án tử hình ra án khổ sai chung thân, còn lại 13 người bị y án.
Chiều ngày 16-6-1930, đội lính Lê dương vào xà lim, kêu tên Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng chí ra khỏi xà lim. Đoàn xe hơi chỡ 13 đồng chí VNQDĐ ra khỏi Hỏa Lò để đi tới Yên Bái.
Pháp trường Yên Bái là một khu đất trống trong trai binh Khố Xanh. Bên cạnh máy chém, thực dân để 15 chiếc hòm gỗ (quan tài).
5 giờ kém 5 phút sáng ngày 17-6-1930, toán người đầu tiên từ nhà giam tiến đến pháp trường. Dẫn đầu là Công sứ De Bottini. Đao phủ dắt 13 người lên máy chém, theo thứ tự:
1. Bùi Tử Toàn, 37 tuổi, sinh tại Xuân Lũng, phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Toàn hô to “Việt Nam” thì liền bị đứt đầu.
2. Bùi Văn Chuẩn, 35 tuổi, thuộc Binh Đoàn Yên Bái. Chuẩn hô to “Việt Nam” thì liền bị đứt đầu.
3. Nguyễn An, 31 tuổi, thuộc Binh Đoàn Yên Bái. An cũng hô to “Việt Nam” thì liền bị đứt đầu.
4. Hà Văn Lạo, 25 tuổi. Lạo cũng hô to “Việt Nam” thì liền bị đứt đầu.
5. Đào Văn Nhít, thuộc Binh Đoàn Yên Bái. Nhít chỉ hô to được tiếng “Việt” thì liền bị đứt đầu.
6. Ngô Văn Du, thuộc Binh Đoàn Yên Bái. Du không hô gì cả.
7. Nguyễn Đức Thịnh, thuộc Binh Đoàn Yên Bái. Thịnh hô to được tiếng “Việt Nam” thì liền bị đứt đầu.
8. Nguyễn Văn Tiềm, thuộc Binh Đoàn Yên Bái. Tiềm chỉ hô được tiếng “Việt” thi liền bị đứt đầu.
9. Đỗ Văn Sứ, thuộc Binh Đoàn Yên Bái. (Tác giả Hoàng Tường ghi là Đỗ Văn Sự). Sứ cũng hô to được tiếng “Việt Nam” thì liền bị đứt đầu.
10. Bùi Văn Cửu, thuộc Binh Đoàn Yên Bái. Chỉ hô to được tiếng “Việt” thì liền bị đứt đầu.
11. Nguyễn Như Liên tức Ngọc Tỉnh, 20 tuổi, làng Cao Mại, phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Liên hô to được tiếng “Việt Nam” thì liền bị đứt đầu.
12. Phó Đức Chính, đòi thực dân cho nằm ngữa để xem lưỡi dao rớt xuống như thê nào, nhưng thực dân không cho.
13. Nguyễn Thái Học, hô to “Việt Nam Muôn…” thì lập tức đầu Nguyễn Thái Học rơi xuống.
Buổi hành huyết xong lúc 5 giờ 35 phút sáng ngày 17 tháng 6 năm 1930 (nhằm ngày 21 tháng 5 năm Canh Ngọ). Thực dân Pháp đưa thi hài 13 liệt sĩ VNQDĐ đi chôn chung vào một huyệt dưới chân Đồi Cao, cách ga xe lửa Yên Bái độ 1 cây số.
****
Nhìn chung, dưới mắt của người quan sát, cuộc Tổng Khởi Nghĩa đã thất bại, nhưng tinh thần Cách Mạng thì bất diệt, đã tạo ra một ảnh hưởng rất lớn đến công cuộc đấu tranh giành độc lập cho nước nhà. Theo dự tính của các nhà cách mạng VNQDĐ lúc bấy giờ, nếu cuộc Tổng Khởi Nghĩa thành công thì toàn dân sẽ thành lập nền Cộng Hòa trên đất nước Việt Nam. Do đó, mọi suy nghĩ và hành động của VNQDĐ đều lấy sự Độc Lập của đất nước cũng như sự Tự Do của đồng bào làm nền tảng. Cho đến nay, VNQDĐ vẫn giữ lập trường kiên quyết ấy.
(Thung lũng Liên Sơn, 10-2-2019)
VĨNH LIÊM
Tài liệu tham khảo:
- Việt Nam Quốc Dân Đảng, Hoàng Văn Đào, Cơ Sở Xuất Bản Yên Bái 1990.
- Việt Nam Đấu Tranh 1930-1954, Hoàng Tường, Văn Khoa 1987.