Monday, 4 March 2019

BPSOS tổ chức họp báo về vi phạm nhân quyền tại Việt Nam sau cuộc kiểm điểm ICCPR

Mạch Sống - Thông Tin Bổ Ích, Thiết Thực về Sinh Hoạt Xây Dựng Cộng Đồng và Thúc Đẩy Dân Chủ tại Việt Nam

Mar 04, 2019



Thời gian: 2:00 chiều - 4:00 chiều, ngày 12 tháng 3 năm 2019
Địa điểm: Câu lạc bộ Báo chí Thụy Sĩ, Phòng hội thảo Pastorale (Route de Ferney 106, La Pastorale, 1202 Geneva, Thụy Sĩ)

BPSOS sẽ tổ chức một cuộc họp báo bắt đầu lúc 2:00 chiều tại Geneva vào ngày 12 tháng 3 năm 2019 để trình bày bức tranh nhân quyền tại Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam chịu kiểm điểm lần thứ ba bởi Ủy ban Nhân quyền LHQ về việc thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR).

Các diễn giả, bao gồm cả chuyên gia và nhân chứng, sẽ bao gồm năm lãnh vực nhân quyền chính: tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, tra tấn, tù nhân lương tâm, tình trạng vô tổ quốc và quyền của phụ nữ. Những người tham gia sẽ có cơ hội nói chuyện trực tiếp với các nhân chứng và nạn nhân của cuộc đàn áp tôn giáo, tra tấn và việc ép buộc phải từ bỏ đức tin. Một số hình ảnh và phim tài liệu sẽ được trình chiếu trong buổi họp báo.

Nguyên văn bản thông cáo báo chí bằng Anh ngữ

Sự tham gia của giới truyền thông được hoan nghênh. Buổi họp báo sẽ được chiếu trực tiếp tại HTTP://PRESCLUB.CH/  
BPSOS, 6066 Leesburg Pike, Ste. 100, Falls Church, VA 22041

25 tù nhân lương tâm tại Việt Nam đã bị chế độ xử những mức bản án nặng nề. (Hình: HRW)

BRUSSELS 4-3 (NV) .- Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch viết tắc là HRW) thúc giục các nước thành viên trong Liên Hiệp Âu Châu (EU) áp lực với nhà cầm quyền CSVN về nhân quyền trong cuộc đối thoại.
Cuộc Đối Thoại Nhân Quyền EU-Việt Nam lần thứ tám dự trù diễn ra ngày 4 tháng Ba năm 2019 tại Brussels, chỉ hai ngày sau khi nhà cầm quyền CSVN loan báo bắt ông Nguyễn Văn Công Em ở Bến Tre, vu cho ông tội “làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền chống phá nhà nước”. Ông là một trong số 8 nạn nhân đã bị chế độ Hà Nội bắt giam từ đầu năm 2019 đến nay, chỉ vì họ dùng mạng xã hội phát biểu các ý kiến “ngoài luồng”.
HRW thúc giục EU áp lực để chế độ Hà nội trả tự do cho các tù nhân và những người bị tạm giam vì lý do chính trị. Đồng thời buộc CSVN chấm dứt đàn áp các quyền tự do ngôn luận, lập hội, nhóm họp và đi lại; cho phép tự do thông tin; ngừng can thiệp vào các công việc tôn giáo và có các biện pháp cụ thể để ngăn chặn nạn công an bạo hành.
“Trong hai năm gần đây, Việt Nam đã tăng cường trấn áp các nhà hoạt động muốn vận động cho các quyền chính trị và dân sự cơ bản, và trừng phạt họ bằng các bản án tù nặng nề,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “EU cần nhắc Việt Nam rằng mình đang trông đợi các bước cải thiện nhân quyền có ý nghĩa để có thể đẩy mạnh các mối quan hệ song phương về kinh tế và chính trị.”
Tổ chức HRW nhắc nhở rằng các quan hệ song phương giữa EU và Việt Nam được điều chỉnh căn cứ trên Hiệp định khung về Đối Tác Và Hợp Tác Toàn Diện 2012, trong đó nêu rõ là “tôn trọng các nguyên tắc dân chủ và nhân quyền” là một “thành tố thiết yếu” của hiệp định. Việt Nam cũng được hưởng lợi từ Hệ Thống Ưu Đãi Thuế Quan Chung của EU, cho phép giảm thuế nhập cảng từ các nước đã thông qua và tuân thủ các công ước quốc tế cơ bản về nhân quyền và lao động.
Hồi tháng Chín năm 2018, 32 nghị viên của Nghị viện Châu Âu ký thư ngỏ nêu các quan ngại nghiêm trọng về tình trạng đàn áp nhân quyền đang tiếp diễn ở Việt Nam và kêu gọi Hà Nội cải thiện nhân quyền trước khi hiệp định tự do thương mại được đưa ra bỏ phiếu. Những mối quan ngại đó cũng được nêu ra với thứ trưởng thương mại Việt Nam vào tháng Mười, trong một cuộc tranh luận ở Nghị Viện Châu Âu, và một lần nữa vào tháng Mười một trong bản nghị quyết khẩn cấp. Vào tháng Hai, EU ra tuyên bố hoãn bỏ phiếu về hiệp định thương mại.
Theo HRW, trong năm 2018, CSVN đã kết án và bỏ tù ít nhất là 42 blogger và nhà hoạt động nhân quyền theo nhiều điều luật hà khắc, gần gấp ba tổng số các bản án trong năm 2017, trong đó có Lê Đình Lượng (20 năm tù), Lưu Văn Vịnh (15 năm tù), Hoàng Đức Bình (14 năm tù), Nguyễn Quốc Hoàn (13 năm tù), Nguyễn Văn Túc (13 năm tù), Nguyễn Trung Trực (12 năm tù), Nguyễn Trung Tôn (12 năm tù), Trương Minh Đức (12 năm tù), Vương Văn Thả (12 năm tù), Nguyễn Bắc Truyển (11 năm tù), Nguyễn Văn Đức Độ (11 năm tù), Từ Công Nghĩa (10 năm tù) và Trần Thị Xuân (9 năm tù).
HRW cáo buộc “Nhà cầm quyền áp dụng một cách có hệ thống các điều khoản hà khắc trong bộ luật hình sự Việt Nam để trấn áp những người bất đồng chính kiến ôn hòa. Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam cho phép chính quyền giam, giữ những người bị tình nghi phạm “các tội về an ninh quốc gia” tại cơ quan công an mà không được tiếp xúc với luật sư trong thời hạn tùy ý chính quyền.”
Tổ chức HRW cho hay, Nguyễn Danh Dũng, một blogger, đã biến mất sau khi anh bị bắt hồi tháng Mười hai năm 2016. Cựu tù nhân chính trị, blogger nổi tiếng Trương Duy Nhất chạy trốn sang Băng Cốc để xin tị nạn vào giữa tháng Giêng năm 2019 đã biến mất một cách kỳ bí ở Thái Lan vào ngày 26 tháng Giêng và cho đến nay vẫn chưa liên lạc được. Việc ông đột ngột biến mất gợi đến vụ một cựu quan chức ngành dầu khí xin tị nạn, Trịnh Xuân Thanh, bị các nhân viên công quyền của Việt Nam bắt cóc ở Đức và cưỡng ép đưa về Việt Nam hồi tháng Bảy năm 2017.
Những người lạ mặt hành hung các nhà hoạt động và blogger nhân quyền mà không bị truy cứu. Tháng Tám năm 2018, các nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, Nguyễn Tín và Nguyễn Cao Đăng Đại bị đánh đập dã man sau khi công an bố ráp một buổi biểu diễn ca nhạc ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng Chín, những kẻ côn đồ lạ mặt tấn công và đánh gẫy tay một cựu tù nhân chính trị, ông Trương Văn Kim, ở tỉnh Lâm Đồng.
Tổ chức HRW lên án Hà Nội ngày càng gia tăng đàn áp các người sử dụng mạng xã hội để phát biểu dù hiến pháp chế độ công nhận các quyền tự do căn bản của người dân nhưng lại dùng các điều luật hình sự để siết lại và bắt giam. Từ đầu Tháng giêng 2019 từ khi “Luật an ninh mạng” có hiệu lực thì các vụ bắt dân lại gia tăng hơn nữa.
“Đối thoại nhân quyền là một công cụ quan trọng để EU thể hiện với Việt Nam về mức độ nghiêm túc của mình với trách nhiệm thúc đẩy nhân quyền, nhưng đó không phải là cơ hội một lần duy nhất rồi xong” ông Robertson nói. “Nhân quyền cần là một phần hữu cơ của mọi cuộc trao đổi và thương lượng giữa EU và các quốc gia thành viên của EU với Việt Nam.”
Đầu Tháng Hai vừa qua, HRW tố cáo chế độ Hà Nội đã gian dối khi phủ nhận các hành động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Việt Nam trong cuộc kiểm định nhân quyền tại Liên Hiệp Quốc. (TN)