Saturday 30 March 2019

''The third wife'': Bức tranh đẹp về phụ nữ Việt Nam thế kỷ XIX - Minh Anh

''The third wife'': Bức tranh đẹp về phụ nữ Việt Nam thế kỷ XIX
 
Một cảnh quay trong phim The Third Wife/Vợ ba của nữ đạo diễn Ash Mayfair trên màn ảnh giới thiệu Liên Hoan Quốc Tế Films des Femmes, Créteil, Pháp ngày 22/03/2019.RFI Tiếng Việt

Phim Việt Nam « The Third Wife » của nữ đạo diễn Ash Mayfair được khán giả Pháp khen ngợi ; Toutankhamon hội ngộ Paris lần cuối và Bức tượng Cậu bé « đứng tè » nổi tiếng của Bỉ bị cho là lãng phí nước. Đây là những chủ đề chính Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.

Ngày thứ Sáu 22/03/2019, Liên hoan Phim Quốc tế dành cho các nữ đạo diễn (Festival Film des Femmes) lần thứ 41 chính thức khai mạc tại Creteil, ngoại ô phía đông Paris. « The Third Wife » (Cô vợ ba) của nữ đạo diễn người Việt Ash Mayfair đã được chọn mở màn cho cuộc tranh tài. Một bộ phim đẹp như bức tranh thêu là đánh giá chung của ban tổ chức và khán giả Pháp.
Nền nhạc chậm rãi, u u minh minh. Một đoàn thuyền xa xăm lặng lẽ khua chèo. Khung cảnh tĩnh lặng, bốn bề non nước. Cứ như thế từng thước phim « The Thrid Wife » của nữ đạo diễn người Việt Ash Mayfair đã đưa người xem trở về với Việt Nam của thế kỷ XIX. Một xã hội đậm chất nông thôn, với nhiều nét đẹp truyền thống và với cả những hủ tục nghiệt ngã đè nặng lên số phận con người, nhất là đối với phụ nữ.
Chuyện phim xoay quanh nữ nhân vật chính, cô Mây 14 tuổi, trở thành « vợ ba » của một điền chủ giầu có. Cô nhanh chóng hiểu ra rằng cô chỉ có thể có một vị thế trong nhà khi cho thấy khả năng có con trai. Mong mỏi này của Mây có hy vọng trở thành hiện thực khi cô bắt đầu có thai....
Nhân vật cô Mây như một sợi chỉ tơ dẫn dắt người xem từng bước khám phá cuộc sống thường nhật của những thân phận phụ nữ khác nhau trong một xã hội Việt Nam nặng tính truyền thống mà ở đó, bi kịch không chừa một giai cấp nào.
Đến với liên hoan phim lần này, The Third Wife tranh hạng mục phim hư cấu. Những tình tiết hư cấu nhưng được lấy cảm hứng từ một câu chuyện thật, như giải thích của đạo diễn Ash Mayfair trong một thông điệp video gởi đến người xem trong đêm khai mạc : « Đây là một câu chuyện có thật, chuyện về gia đình tôi, về những người phụ nữ trong gia đình. Những câu chuyện về cụ ngoại, bà ngoại và mẹ tôi. Chính họ đã mang lại cho tôi nguồn cảm hứng về các nhân vật cho bộ phim này. »
Với bà Jackie Buet, đồng sáng lập và là giám đốc Festival Film des Femmes, ngay từ những thước phim đầu tiên, đạo diễn Ash Mayfair đã chinh phục được cảm tình của khán giả : « Tôi nghĩ rằng đây là một bộ phim lớn, vừa trong cách dàn dựng, tức là cách thực hiện. Đây thật sự là công việc của một nhà điện ảnh.. Bởi vì nữ đạo diễn đã viết nên bộ phim này bằng những hình ảnh. Quả thật là chúng ta đã ở trong một thế giới điện ảnh.
Hai không gian, câu chuyện cá nhân và câu chuyện về một đất nước mang nặng tính truyền thống, được lồng vào nhau. Đây quả là một sự kết hợp tài tình. Chính vì vậy mà hình ảnh con tằm nhả tơ, vừa là sợi kéo thời gian, nhưng cũng vừa dệt nên thân phận của từng con người, một định mệnh một xã hội, những số phận hòa quyện vào nhau, nhưng không hẳn hài hòa. Đây thật sự là bộ phim đậm tính triết lý, siêu hình và giầu chất thơ, bởi vì hình ảnh rất đẹp ! »
Đối với những ai đã từng có dịp đến Việt Nam, hình ảnh non nước tại động Hoa Lư, Ninh Bình, Vịnh Hạ Long trên cạn, như cách gọi của hai nữ khán giả Pháp, The Third Wife đã thật sự gợi nhớ lại những kỷ niệm đẹp về những nơi họ đã đi qua tại Việt Nam.
« Ngay đúng chỗ này, tại Vịnh Hạ Long trên cạn năm 2017. Chúng tôi đã đến đúng địa điểm ở đó phụ nữ chèo thuyền bằng chân. Tôi hơi tiếc là họ không cho thấy rõ những hình ảnh đó, những người phụ nữ chèo thuyền bằng chân rất là đặc trưng, thật là tuyệt vời. Tiếc là hình ảnh này chỉ được chiếu ở một góc ảnh khá xa vào cuối phim».
Nhịp phim chậm rãi đều đều từ đầu đến cuối nhưng không vì thế mà The Third Wife không lôi cuốn khán giả. Một nữ khán giả Pháp thổ lộ : « Chúng tôi rất thích bộ phim này. Ánh sáng đẹp, phim quay rất hay. Người xem thấy rõ được hình ảnh của người phụ nữ. Quả thật đây là một câu chuyện hay về những thân phận khác nhau của người phụ nữ trong cùng một xã hội ở những vị trí khác nhau. Người xem có thể hình dung ra nhiều điều về các tập tục Việt Nam. »
Ngoài nội dung câu chuyện, kỹ thuật chọn cảnh quay, đôi khi khá táo bạo trong khung cảnh một xã hội Việt Nam nặng nề phong kiến, cho đến cả cách chọn ánh sáng và góc quay đã thật sự mê hoặc người xem. Một bộ phim đẹp, một câu chuyện hay, một chân dung rõ nét về thân phận người phụ nữ Việt Nam thế kỷ XIX là những nhận xét chung của khán giả Pháp dành cho The Third Wife.