Friday 30 August 2013

Chu Trinh , viết ... KỊCH

30.08.2013
Chu Trinh , viết ...
KỊCH 

kichKịch là cái gì quen thuộc đối với chúng ta. Hầu như  ai cũng đã từng xem kịch trên sân khấu và trong cuộc đời. Mọi người cũng đã có lần thử đóng kịch trên sân khấu, nhất là hồi còn đi học ở các lớp nhỏ. Còn trong cuộc đời thì thường ngày chúng ta đều thấy người ta đóng kịch với nhau trong mọi lãnh vực.
Có thể chúng ta chẳng có kiến thức gì về kịch nghệ nhưng vẫn đóng kịch.

Tôi cũng chẳng biết gì về kịch nhưng cũng thử lạm bàn về kịch theo sự hiểu biết thô thiển của mình.

Hồi còn nhỏ ở quê, đi học trường làng,lâu lâu trong lớp cũng có dịp diễn một vở kịch nho nhỏ khôi hài châm biếm một thói xấu nào đó hay tái diễn một câu chuyện lịch sử để mọi người học hỏi, nhân dịp Trung Thu, lễ tết hay hết năm học. Bọn con nít tụi tôi phải tập dượt, vào vai, diễn đi diễn lại nhiều lần thật nhuần nhuyễn mới được lên sân khấu.

Sau này lớn lên,được xem kịch tại những sân khấu chuyên nghiệp, những diễn viên tài năng, những kịch bản hấp dẫn, những kỹ xảo tinh tế, với âm thanh ánh sáng tân kỳ mới nhận ra hồi nhỏ bọn trẻ tụi tôi thật ngây thơ , chẳng có âm thanh, ánh sáng chỉ vài ba cây đuốc, có anh ngậm dầu hỏa phun lửa phè phè, cùng lắm là tiếng reo hò của quần chúng chẳng điêu luyện chút nào, nhưng mà vui đáo để. Tôi còn nhớ khi diễn vở “Hội Nghị Diên Hồng” có bài hát trong đó đến nay tôi vẫn còn nhớ một đoạn như sau:

“ Toàn dân nghe chăng sơn hà nguy biến, hận thù đằng đằng biên thùy rung chuyển…

Chúng tôi chẳng có một chút kỹ năng nào về nghề kịch, thậm chí ngay cả thầy cô hướng dẫn cũng vậy, chỉ nhìn vào sinh hoạt thường ngày rồi mô phỏng lên sân khấu. Biến tướng của kịch chắc là tuồng chèo, hát bội, phim ảnh, nhưng cái biến tướng của kịch trên sân khấu là kịch ở ngoài đời. Cái đó mới thiên biến vạn hóa thành thiên hình vạn trạng và có những tác dụng đặc biệt đối với đời sống gia đình và xã hội.

Kịch trên sân khấu dù ở dạng nào thì cũng phải có kịch bản, đạo diễn, diễn viên, đạo cụ rồi đến  sân khấu, phim trường rồi hàng trăm thứ linh tinh khác như âm thanh, ánh sáng, các kỹ xảo làm cho người xem thấy màn diễn xảy ra như thật, tạo ra những bất ngờ,những tình huống xúc động đầy kịch tính như yêu ghét, khinh bỉ, căm thù, oán hận v.v….Vở diễn thành công khi làm cho khán giả quên hết các thực tại chung quanh, hòa mình vào với các vai diễn và có những cảm xúc y hệt như những nhân vật trên sân khấu.

Do đó, trong lịch sử đã có nhiều kịch tác gia tên tuổi lẫy lừng, đã có những vở kịch làm say mê hàng triệu, triệu người và tạo ra những chuyển biến chính trị và xã hội lay động cả một thời đại như Shakespeare, Moliere, Victor Marie Hugo v.v.

Trong gia đình, khi còn bé thơ, lúc chúng ta bướng bỉnh, hỗn hào hay khó dạy, trong nhà chúng ta thường xuất hiện những ông thiện ông ác để dọa  rồi an ủi vuốt ve ta. Đôi khi bà mẹ hoặc ông bố làm bộ nổi giận lôi đình, quát tháo inh ỏi làm thằng nhỏ sợ hết hồn hết vía. Đó là những ông Kẹ, ông Ba Mươi, những ông Già mà chẳng ai biết nó hình dáng ra sao đã được người lớn đem ra dọa những cô cậu bé ương bướng lì lợm. Nhưng đó là những người yêu thương ta, muốn tốt cho ta, muốn ta nên người, để ta biết phân biệt phải trái, điều nên làm và không nên làm. Lúc đó người lớn đóng kịch với con trẻ, làm ra vẻ dữ tợn hay hiền hòa, yêu thương hay ghét bỏ để hướng tâm lý đứa bé vào mục đích người lớn mong muốn .

Chuyện ông già NOEL cũng là một màn kịch mà bao nhiêu thế hệ đã từng tham dự vào vở diễn này để chứng tỏ tình yêu thương và tính giáo dục đối với con cháu chúng ta. Chắc là có nhiều cháu bé vẫn biết chẳng có ông già NOEL nào ngoài cha mẹ chúng nhưng chúng vẫn háo hức đợi chờ. 

Nhưng trong gia đình không chỉ diễn ra những vở kịch đầy yêu thương như thế, vì đối với người lớn với nhau, kịch cũng là cách để giữ gìn hạnh phúc hoặc là cách để lôi kéo đối phương đi theo hướng mình mong muốn. Có chăng là hướng  đó là thiện ý hay ác ý !

Chẳng hạn khi bà mẹ không muốn cô con gái rượu lấy một anh chàng nào đó thì giả vờ rủ con đi coi bói tại một  lốc cốc tử đã được dặn trước là phải phán thế nào đó để cho cô gái yên chí là nếu còn dây dưa với anh chàng đó thì sẽ chẳng ra gì, sẽ đầy đau khổ, suốt đời sẽ không có hạnh phúc. Ngược lại thì  thầy sẽ nói tốt vào, khiến côgái yên tâm là không trao duyên lầm tướng cướp..

Trong cuộc sống lứa đôi, các cô các cậu, các ông các bà cũng rất nhiều khi đóng kịch với nhau, để đạt được những mục tiêu giai đoạn, buộc đối phương phải đáp ứng chủ đích của mình. Đến đây có vị sẽ cười thầm vì cho rằng mình làm như vậy cũng chẳng có gì tai hại. Chẳng hạn giả vờ ghen tuông,giả vờ lạnh nhạt, giả vờ chăm sóc, giả vờ quan tâm, thậm chi giả vờ bệnh , giả vờ bận công việc để đi chơi, đi nhậu với ai đó…Mới đây có quí bà còn giả vờ bị cướp để lấy hết tiền của ông chồng ky cóp bao năm!

Trong xã hội thì kịch xảy ra hàng ngày, rất nhiều hình thức và thủ đoạn khác nhau trên mọi lãnh vực như lừa bán hàng giả hàng dỏm, lừa xuất khẩu lao động, lừa cho uống thuốc mê để cướp tiền, lừa bán vào lầu xanh, lừa chạy việc…giả thầy tu đi ăn xin. Người viết đã từng chứng kiến tận mắt từ đầu mấy cậu thanh niên trên xe buýt nháy nhau ngửa mũ giả làm kẻ lỡ đường xin tiền hành khách và thật tức cười mọi người vẫn  bình thản bỏ tiền vào trong mũ cho bọn chúng.! Riêng ở Sàigòn có những nhóm người chuyên đi bán những lọai hàng mà trong bao bì có để tờ giấy báo là người mua trúng được món khuyến mãi  rất hời và đã có nhiều người già và các bà nội trợ  mắc bẫy , trước khi nhận hàng phải đưa cho bọn chúng một số tiền gọi là đặt cọc, không kể  tiền mua món hàng dỏm có để tờ giấy khuyến mãi  bên trong. Xong việc chúng một đi không trở lại., món khuyến mãi chẳng thấy đâu!

Phải nhìn nhận rằng khả năng sáng tác và trí tưởng tượng của con người thật vô cùng phong phú nên đã tạo ra những cú lừa ngoạn mục chủ yếu dựa vào tâm lý tham lam hám lợi của người khác.

Có người biết học sinh tốt nghiệp trung học nhưng thi vào đại học không được, tha thiết muốn học đại học nên mở lớp Cao Đẳng nói là sẽ được học liên thông lên Đại Học nhưng chẳng có giấy phép mà cứ để con nhà người ta học suốt mấy năm, đến khi mãn khóa ngay cả cái bằng cao đẳng cũng không có làm cho cả trăm người dở giang không biết kêu ai, còn tiền thầy đã lỡ bỏ túi! Mất toi mấy năm tuổi trẻ tươi đẹp với khả năng tiếp thu kiến thức vô cùng quí báu. Kẻ lường gạt vẫn nhởn nhơ, vì nhà nước chưa biết xử lý thế nào.

Ở Sàigòn cuối những năm 80, ai cũng biết vụ nước hoa Thanh Hưong, Đại Thành, CIDEC v.v. và đã có nhiều người là nạn nhân trong những vụ tín dụng lường gạt này. Gởi tiền vào đó  có khi lời hơn 20% một tháng. Bà con ào ào gởi vô, lãnh được một hai tháng lòi là mất luôn vốn! Có thể có vị đang đọc bài này cũng đã từng dính quả lừa này đấy.

Nếu  kể hết những kịch bản lừa trên thế gian này thì biết bao giấy mực cũng không đủ. Trong văn chương, trong nghệ thuật(tuồng,phim ảnh…) đã có biết bao chuyện kể về lừa đảo mà có lẽ đó là phản ánh trung thực lối sống của loài người với nhau.

Chỉ trong truyện Kiều thôi thì đã thấy  mấy màn lừa gạt như những suy nghĩ của Mã Giám Sinh khi phá trinh Kiều xong còn muốn gỡ vốn :

Nước vỏ lựu máu mào gà
                     Mượn màu chiêu tập lại là còn nguyên.

Hoặc là Sở Khanh dụ Kiều bỏ trốn rồi quất ngựa truy phong:

                        Thuyền quyên  ví biết anh hùng
                      Ra tay tháo cũi xổ lồng như chơi


Hoặc Bạc bà, Bạc Hạnh bán Kiều vào lầu xanh, Hồ tôn Hiến giả chiêu hàng Từ Hải v.v.. 

Còn trong tiểu thuyết, phim ảnh từ khắp các nguồn cổ kim, đông tây chỗ nào cũng nhan nhản những mánh khóe thủ đoạn để gài đối phương vào chỗ chết hoặc vào ngõ cụt bằng những màn kịch tinh vi,khéo léo không thể ngờ. Nếu  vở kịch nào vụng về , bị phát hiện , kế hoạch bị bể, bị thất bại,đối phương  tương kế tựu kế quật lại thì đỡ đòn  không kịp.

Tuy nhiên trên thực tế vẫn có những vở kịch tuy vụng về , lập đi lập lại, diễn đi diễn lại trên nửa thế kỷ mà các diễn viên vẫn mặt dạn mày dầy diễn tiếp. Người ta đã chán ngấy đến tận cổ mà vẫn phải đứng coi, vẫn phải tham gia, nếu không thì rắc rối to và khó sống. Diễn viên cứ bắt khán giả  phải xem đi xem lại một màn kịch cũ rích,nhạt nhẽo, giả dối mà không thấy vô duyên, xấu hổ. Độc quyền ứng cử, 99,9% cử tri đi bầu, tha hồ bầu giùm, tự mình kiểm phiếu cho mình, tự giám sát mình, tự tuyên bố và tự công nhận kết quả bầu cử. Kịch này tuy trơ trẽn nhưng cứ lặp đi lặp lại và cứ được cho là thành công mỹ mãn.

Thì ra thời nay kịch càng trơ trẽn, càng vô duyên, càng phi hiện thực, càng làm cho khán giả chán ghét, ghê tởm thì càng nên tiếp tục diễn và nếu không có biến cố kinh thiên động địa gì xảy ra thì sẽ còn tái diễn dài dài sang thế kỷ tới mà 80 triệu khán giả tha hồ bị tra tấn vì cứ phải tham gia làm diễn viên quần chúng và khán giả vỗ tay cho vở tuồng này.
 
 
"wake up and smell the coffee"
r i e n d l y Yours


I n t e r n e t 
music