Friday 30 August 2013

Nhận định về “Suy Nghĩ Trong Những Ngày Nằm Bịnh…” Nguyễn văn Thái, Ph.D

Bài “Suy Nghĩ Trong Những Ngày Nằm Bịnh…” của Ông Lê Hiếu Đằng là một lời kêu gọi đảng viên cộng sản và nhân dân, nhất là giới trẻ, cùng  ông đứng lên thành lập đảng Dân Chủ Xã Hội để làm đối trọng với Đảng Cộng Sản vì đảng này đã tha hoá và để kiến tạo một xã hội công bằng, bác ái, tự do, và dân chủ hơn là xã hội đã băng hoại hiện nay. Bài này đã gây nên nhiều phản ứng: hỗ trợ như Song Chi trong bài “Trở ngại của người Việt nằm ngay trong chính mình”, chê bai và bài bác như Tạp ghi của Huy Phương, hay hỗ trợ một cách gián tiếp như Ngô Nhân Dụng khi đưa ra ý kiến về sự cần thiết của những đảng chính trị trong tiến trình xây dựng dân chủ, hoặc dè dặt với tính cảnh báo vì những âm mưu của ĐSCVN đã từng xảy ra trong lịch sử trong bài “Rồi Sẽ Đi Tới Đâu?” của Lữ Giang. “Suy Nghĩ Trong Những Ngày Nằm Bịnh…” chắc hẵn cũng đã tạo nên nhiều phản ứng khác nhau tại quốc nội. Có lẽ đã có người rất hồ hởi về một tương lai gần, đầy hứa hẹn cho đất nước và có thể đang sẵn sàng dấn thân cho đại cuộc. Nhưng thế nào cũng có người nghi ngờ, e ngại bị sập vào cạm bẫy của CSVN, tương tự như Vụ Nhân Văn Giai Phẩm: CSVN tỏ ra cởi mở để rồi những người có lí tưởng xuất hiện với hi vọng đóng góp thì bị “vớt” trọn.

Trong tình trạng phức tạp như thế, bài nhận định này không có chủ đích chính là gò ép người đọc vào một khuynh hướng suy tư hay hành động nào mà chỉ là một nỗ lực đi tìm ý nghĩa đích thực của thông điệp mà Ông Lê Hiếu Đằng muốn nhắn gửi cùng đồng bào qua ngôn ngữ mà ông đã sử dụng, chứ không dựa vào lí lịch của Ông Lê Hiếu Đằng để phê phán bản thân ông. Đây là một nỗ lực khách quan hoá ngôn ngữ bởi vì ngôn ngữ khi đã được sử dụng thì thường được diễn dịch theo chủ quan tính của người nghe hay người đọc. Chỉ khi nào nỗ lực khách quan hoá này thành công, nghĩa là mọi người đều đồng ý về ý nghĩa của thông điệp thì thông điệp đó mới có thể làm nền tảng cho lập trường tư duy hay hành động được.

Nhà thơ, nhà văn, và đồng thời cũng là nhà phê bình văn học Pháp Nicolas Boileau, cũng còn được gọi là Boileau-Despréaux (1636-1711), có nói là “ce que l’on conçoit bien s’énonce clairement” [điều gì mà người ta lí hội được rạch ròi thì sẽ tự phát biểu một cách rõ ràng]. Ông Lê Hiếu Đằng có 45 năm tuổi đảng và ít nhất cũng trên 50 năm trải nghiệm trong nhiều vai trò ở cấp cao trong hàng ngũ của ĐSCVN cho nên người ta có lí do để tin là những nhận xét của ông về chế độ CSVN tất phải rạch ròi và những phát biểu của ông tất phải minh bạch.

Những điểm nổi bật mà Ông Lê Hiếu Đằng đã trình bày một cách minh bạch

1.    Những lí do ông  nêu lên để kêu gọi thành lập đảng mới

Ông Lê Hiếu Đằng đã nêu lên rất rành mạch những lí do đã thúc đẩy ông  kêu gọi đảng viên ĐCSVN, nhân dân và giới trẻ cần phải đứng lên “dấn thân vào một cuộc chiến mới” chống lại sự độc tài của Đảng và của nhà nước. Những lí do đó được sắp xếp lại như sau:
    ·  Các nhà văn đã cho ông thấy “sự bi thảm của thân phận con người trrong cái gọi là CNXH ở Miền Bắc, một xã hội không có bóng người”;
·   Sự khô cứng, lạnh lùng của một nước lớn đầy tham vọng [Trung cộng ], một bên là không khí cởi mở, vui vẻ, bình đẳng” [Hoa kỳ, Miến Điện], khi ông nói đến những chuyến viếng thăm ngoại giao của các nhà lãnh đạo Việt Nam;
·   Ông đã hiểu được, như nhà văn Huy Đức, rằng: “Thật sự là Miền Nam đã giải phóng Miền Bắc trên tất cả các lĩnh vực nhất là kinh tế, văn hoá tư tưởng…”, vì giải phóng trong ý nghĩa sâu xa là sự “giải phóng từ người nô lệ thành người làm chủ…là sự thoát xác thật sự làm người tự do, dù cho người cai trị là da trắng hay da vàng, thậm chí điều đau khổ, bi thảm nhất là hệ thống cai trị chính là người của dân tộc đó, là người Việt Nam, là Trung quốc, v.v.”;
·  Chính quyền Miền Nam nhân bản hơn, có tình người hơn, vì ông xác nhận là mặc dù trong thời sinh hoạt sinh viên ông và bạn ông, Lý Thiện Sanh, đã bị bắt giam, thế mà chính quyền miền Nam vẫn cho phép các ông ra khỏi tù để dự thi Tú Tài II. Ông còn đặt một câu hỏi có tính hùng biện là: “Tôi không biết với chế độ gọi là “ưu việt” hiện nay có người tù nào được cho ra đi thi như chúng tôi hay không?”. Trong thời gian tù tội, ông còn được phép làm văn nghệ, ca hát để thoả mãn cái tính “lãng mạn” [từ của Ông Lê Hiếu Đằng] của ông;
·   Ông liệt kê những hệ quả bi đát của chế độ bao cấp như: “làm dân chúng đói kém rên xiết, …làm tan nát biết bao gia đình, làm dòng người vượt biên ngày càng nhiều, và biết bao gia đình phải chết tức tưởi trên biển…. Hoặc bị bọn cướp biển hãm hiếp làm nhục trước mặt chồng con” và ông kết luận là: “Có thể nói tất cả những điều đó là tội ác của Đảng và Nhà nước Việt Nam”;
·  Trung cộng tàn ác đã “xua quân tàn sát người dân Lạng Sơn và các tỉnh phía Bắc…uy hiếp, săn đuổi, bắt bớ một cách vô nhân đạo các ngư dân Việt Nam…, hèn hạ cắt đứt cáp các tàu thăm dò dầu khí của chúng ta”;
·  Sự hèn nhát và nhu nhược của lãnh đạo Việt Nam “không dám thực hiện những việc bình thường trong quan hệ quốc tế là triệu tập đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội đến để trao công hàm phản đối, chứ không chỉ là tự mình phải mang công hàm đến toà đại sứ. Vậy thì độc lập cái gì?
· So sánh chế độ CSVN hiện nay với thời Pháp thuộc, ông đánh giá CSVN còn thua chế độ thực dân Pháp: “ …trong chế độ thuộc Pháp lại có một thời báo chí, văn học nghệ thuật phát triển mà cho đến nay chưa có thời kì nào có thể so sánh được dù là chế độ gọi là “tự do gấp vạn lần” như bà Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã nói một cách hàn[m] hồ, thiếu suy nghĩ, chỉ làm trò cười cho thiên hạ”;
  · Ông ca tụng phong trào Nhân Văn Giai Phẩm đã “quyết tâm tiếp tục chiến đấu để xây dựng một chế độ tự do dân chủ và tiến bộ xã hội”;
   · Ông tố cáo “Nhà Nước độc tài Đảng trị…đã ra tay đàn áp, bắt bớ, tù đày [những thành phần trong Nhân Văn Giai Phẩm] một cách không nương tay”;
    · Ông tố cáo sự dã man của Cải Cách Ruộng Đất với bằng chứng là “ba mẹ vợ anh [Hữu Loan],…, đã bị chôn sống để trâu bò bừa lên đầu, lên cổ cho đến chết”;
     · Chế độ CSVN đã biến những nhà đại trí thức như thạc sĩ [agrégé, không phải thạc sĩ theo nghĩa người cộng sản dùng (là bằng cao học) bây giờ !] Nguyễn Mạnh Tường và triết gia Trần Đức Thảo [đã từng tranh biện với triết gia hiện sinh nổi tiếng thế giới Jean Paul Sartre] thành những con người thân bại, danh liệt, sợ hãi, không dám nói lên một điều gì trái ngược với chính sách của Đảng;
       ·  Đảng cộng sản trở thành kiêu binh”, đặt Đảng trên cả tổ quốc;
·         Ông khẳng định rằng: “trong chế độ này [CSVN] không có chỗ cho người trung thực mà chỉ dành cho những người nói láo…”;
      ·  Ông cho rằng “trước đây chúng ta [người cộng sản như ông] chưa có đủ điều kiện, dữ kiện để nhận thức một số vấn đề sống còn của đất nước ….nên đã có thời gian dài nuôi ảo tưởng về ĐCS VN và XHCN”;
     ·  Thực tế hiện nay, trong Nam ngoài Bắc đã tập hợp được những khuynh hướng có chủ trương đấu tranh cho một thể chế dân chủ cộng hoà”;

Ngoài những lí do nêu lên để chứng minh sự cần thiết phải thành lập một đảng đối lập với Đảng và Nhà nước cộng sản, rải rác trong khắp bài “Suy Nghĩ Trong Những Ngày Nằm Bịnh…”, Ông Lê Hiếu Đằng cũng cho người ta thấy một chương trình hành động do ông đề nghị.
 
2.   Chương trình hành động

Ông Lê Hiếu Đằng không gọi là một chương trình hành động, nhưng những phát biểu rải rác khắp bài, nếu gom góp lại, cũng cho người ta thấy Ông Lê Hiếu Đằng muốn các đảng viên cộng sản, đồng bào, và nhất là giới trẻ “Đừng loay hoay những chuyện đã qua mà làm suy yếu sức mạnh đoàn kết dân tộc. Hãy để con cháu chúng ta làm nhiệm vụ đánh giá lịch sử. Còn chúng ta, trước mắt là hành động, hành động và hành động”. Và hành động như thế nào? -Là:
·  Các đảng viện cộng sản nào đang cảm thấy lí tưởng của mình bị phản bội hãy “tuyên bố tập thể ra khỏi đảng” và cùng với “lớp trẻ hăng hái, nhiệt tình bao gồm những blogers[bloggers], những sinh viên đang có những hoạt động ở các Đại học hoặc nhiều tổ chức khác đứng lên cùng với ông “thành lập một đảng mới” để tiến đến “đa nguyên đa đảng”;
·  Thực tế hiện nay…là đề nghị 7 điểm và dự thảo hiến pháp năm 2013 của nhân sĩ trí thức…”;
·  Theo phương châm đấu tranh của nhà cách mạng Phan Chu Trinh: “Khai dân trí, chấn dân trí [khí], hậu dân sinh” theo trình tự “chấn dân khí” trước để “không còn sợ hãi các thế lực tàn bạo, không sợ bắt bớ, tù đàySau đó là “khai dân trí”  “hậu dân sinh””;
·  Thiết lập một “xã hội công dân, xã hội dân sự mạnh lên, …Đây là cách chúng ta phá vỡ một mảng yếu nhất của một nhà nước độc tài toàn trị hiện nay”;
·  Chúng ta phải đấu tranh với phương châm công khai, minh bạch, ôn hoà, bất bạo động, phản đối tất cả mọi hành động manh động, bạo lực khiêu khích gây chiến tranh”;
·   Về ngoại giao “chúng ta liên kết với các nước để đấu tranh với Trung Quốc về Biển Đông”;
·   Các đảng, tổ chức đối lập sẽ đấu tranh bình đẳng với ĐCS trong các cuộc bầu cử hợp pháp có quan sát viên Quốc tế giám sát như hiện nay Campuchia đã làm”;
·   “…thay đổi từ một nhà nước độc tài toàn trị chuyển thành một nhà nước cộng hoà với tam quyền phân lập: lập pháp, hiến [hành] pháp, tư pháp, riêng biệt và độc lập”;
· Cần có Quốc hội lập hiến để soạn thảo và thông qua Hiến Pháp mới. Sau đó bầu Quốc hội lập pháp để ĐCS sẽ qua bầu cử bình đẳng mà trở thành người lãnh đạo”;
· Bỏ “CN Mác-Lenin CNXH đã lạc điệu, không còn phù hợp nữa và đã sụp đổ tan tành ở ngay quê hương Xô Viết. Hiện nay là cuộc đấu tranh trên thế giới về dân quyền, dân sinh, dân chủ, tự do, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. Nghĩa là đây là cuộc đấu tranh quyết liệt cho con người, vì con người chống lại các thế lực phản động đang âm mưu nô dịch nhân dân, phá hoại môi trường vì những lợi ích kinh tế ích kỷ của các tập đoàn, lũng đoạn nhà nước”;
·  Cương quyết đấu tranh cho một xã hội công bằng, dân chủ và tiến bộ, tôn trọng, thực hiện những lý tưởng của biết bao thế hệ cha anh chúng ta về một nước VN hoà bình, độc lập, tiến bộ xã hội, văn minh và giàu mạnh”.

Những lí do cũng như những hành động mà Ông Lê Hiếu Đằng nêu lên để kêu gọi đảng viên, nhân dân, và nhất là giới trẻ cùng với ông đứng lên thành lập đảng mới để chống lại nền độc tài toàn trị của ĐCSVN và Nhà Nước CSVN mới nhìn qua thì có hấp lực có thể lôi cuốn được những người có lí tưởng. Điều này có thể xảy ra vì cũng có người như GS. Nguyễn Huệ Chi tin rằng đó là những lời tâm huyết của một người vừa qua cơn bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, nếu đi sâu vào những phân tích ngữ học và tâm lí học thì người ta có thể khách quan nhìn thấy những lỗ hổng trong tư duy, kiến thức và lí luận của Ông Lê Hiếu Đằng.
Những lỗ hổng trong tư duy, kiến thức, và lí luận của Ông Lê Hiếu Đằng

Trước tiên, bài “Suy Nghĩ Trong Những Ngày Nằm Bịnh…” của Ông Lê Hiếu Đằng ở cuối bài có chua thêm “viết trong những ngày nằm bịnh”. Chỉ cái tựa đề không mà thôi thì người đọc có thể hiểu là Ông Lê Hiếu Đằng viết bài này trong những ngày ông đang bị bệnh hay cũng có thể là sau khi ông đã khỏi bệnh
những ngày ông đang bệnh là những ngày ông dùng để suy nghĩ về những điều ông sẽ viết. Tuy nhiên với câu chua thêm ở cuối bài thì độc giả chỉ còn một cách hiểu mà thôi: Ông viết bài này trong những ngày ông đang bệnh. Tại sao tôi lại nêu lên một điểm vụn vặt như thế? Lí do là vì bài viết này đã khơi động nhiều cảm nghĩ khác nhau nơi độc giả và những cảm nghĩ này có thể là động lực cho một số người quyết định hướng đi cho cả cuộc đời mình, tuỳ theo sự khả tín của nội dung bài viết, mà tính khả tín của nội dung bài viết cũng một phần rất lớn tuỳ thuộc vào độ khả tín của chính người viết vì tác giả nói về lập trường của chính bản thân. 

Theo GS. Nguyễn Huệ Chi thì chỉ sau khi lành bệnh và đã trở về nhà rồi Ông Lê Hiếu Đằng mới nói với GS. Chi: “Thưa anh HC, tôi đã ra viện, đã trở về với đội ngũ. Sẽ sớm có bài viết tính sổ đời mình gửi đến anh”. Và sau đó GS. Nguyễn Huệ Chi nhận được bài viết của Ông Lê Hiếu Đằng qua điện thư với lời kèm bằng điện thoại: “Anh sửa chính tả thật kỹ giúp tôi, bởi đối với một người vừa qua cơn bệnh hiểm nghèo có thể viết còn nhiều lỗi…” Như vậy rõ ràng là Ông Lê Hiếu Đằng viết bài “Suy Nghĩ Trong Những Ngày Nằm Bịnh…” sau khi ông đã lành bệnh và đã trở về với “đội ngũ” rồi, chứ không phải ông viết trong những ngày đang nằm bệnh như ông đã chua thêm ở cuối bài. Điều không thật này làm cho người đọc nghi ngờ không biết những điều Ông Lê Hiếu Đằng nói có thực phản ảnh lương tri (dùng từ của Vương Dương Minh, Nho Giáo, Trần Trọng Kim) của ông hay không. Nếu những gì ông nói thực sự phản ảnh lương tri của ông thì ông có thể trở thành một nhân vật đấu tranh cho dân chủ của Việt Nam. Nếu sự phân tách ngữ học và tâm lí xã hội cho thấy chỉ là nguỵ tín (mauvaise foi) thì ông chỉ là thối thân của một con người gian trá như Ông Hồ Chí Minh vậy mà thôi. 

Khi nói về lí do ông đi kháng chiến và vào ĐCSVN, ông có nói rằng “chủ nghĩa Marx, CNXH, CNCS đã làm say mê biết bao trí thức, văn nghệ sĩ ở các nước, nhất là ở nước Pháp,….Chủ nghĩa Marx, CNXH, CNCS chẳng những lôi cuốn, làm say mê của [?] nhiều thế hệ trí thức Tây phương thì ở Việt Nam cũng vậy”, nghĩa là -- người ta phải hiểu -- cũng làm say mê những người trí thức Việt Nam. Nhưng sau đó, ông lại nói là “thật ra họ theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của HCM mà họ đi vào chiến khu chứ họ ít hoặc chưa biết chủ nghĩa Marx là gì”. Khi nói “họ” ở đây, ông đã nêu đích danh những người như Văn Cao, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Thanh Tịnh, Thế Lữ, và ngay cả triết gia Trần Đức Thảo và thạc sĩ (agrégé) Nguyễn Mạnh Tường, những tên tuổi đáng bậc cha, chú của Ông Lê Hiếu Đằng, những người tham gia cách mạng khi ông chập chững vừa mới biết đi, những người mà Vũ Thư Hiên trong Đêm Giữa Ban Ngày nói là, khi còn trẻ, mê chủ thuyết Mác-Lê như người Công giáo mê cuốn Kinh Thánh. Dĩ nhiên là Vũ Thư Hiên không nêu tên những người này, nhưng ông nói giới trẻ trí thức nói chung. Ngoài ra, thạc sĩ Nguyễn Mạnh Tường và triết gia Trần Đức Thảo, không những hiểu lí thuyết Mác-Lê, mà theo thiển ý, có thừa sức để dạy lí thuyết Mác-Lê ở cấp tiến sĩ. Thế mà Ông Lê Hiếu Đằng nói là họ ít hoặc chưa hiểu lí thuyết “Marx” là gì. Hình như ở đây Ông Lê Hiếu Đằng “suy bụng ta, ra bụng người” mà trong ngành tâm lí học người ta gọi là psychological projection, vì ông hoạt động cho Đảng và vào ĐCS trong lứa tuổi 20 thì chắc ông cũng không hiểu gì về lí thuyết Mác-Lê và chỉ theo cộng sản theo cảm tính lãng mạn cố hữu của ông, bản tính mà ông đã chứng minh và tỏ ra hãnh diện ít nhất là ba lần trong bài “Suy Nghĩ Trong Những Ngày Nằm Bịnh…”. Thực ra thì lãng mạn không có gì đáng trách, ngược lại rất đáng yêu trong nhiều trường hợp. Nhưng lãng mạn đến ngu dại, để rồi khi đến tuổi gần “tri thiên mạng” mới nhận thấy cái “ảo tưởng của XHCN” sau khi đã phạm tội ác đóng góp vào việc đưa dân tộc và tổ quốc vào vòng nô lệ độc tài thì thật là khó mà biện minh. Ông cũng còn nói là “Lòng yêu nước, lòng tự trọng dân tộc, đã thúc đẩy mọi người tham gia Cách Mạng tháng 8 và sau đó đi kháng chiến. Bạn bè tôi và bản thân tôi cũng [bị] thôi thúc bởi những cảm tình đó: lòng yêu nước, ý chí chống xâm lược, giành độc lập tự do dân chủ cho tổ quốc...” Hình như một lần nữa Ông Lê Hiếu Đằng đã đánh đồng (từ mượn của cháu Phương Uyên) bản thân ông với những bậc cha chú của mình trong hoang tưởng mình là các vị ấy, vì trong thời kì Cách Mạng tháng 8, 1945, Ông Lê Hiếu Đằng mới được 3 tuổi thì làm thế nào mà ông tham gia kháng chiến được. Kháng chiến là kháng chiến chống sự đô hộ của Pháp. Theo bài ông viết, ông gia nhập ĐCS năm 1966 và ông nói là đã sinh hoạt sinh viên chống chính quyền Miền Nam một số năm trước đó trong thời gian ông học những lớp Đệ Nhị (lớp 11) và Đệ Nhất (lớp 12) tại trường Quốc Học, Huế, và cũng theo ông, ông học không giỏi lắm [thi Tú Tài II đậu thứ], thì theo tính toán, ông khoảng 17, 18 và tối đa là 20 tuổi khi theo học Quốc Học. Ông sinh năm 1942, do đó, ông đã học Đệ Nhị và Đệ Nhất, Quốc Học trong những năm 1959 đến 1962, thì làm gì có kháng chiến chống Pháp hay chống Mỹ vì quân đội Mỹ cũng chỉ bắt đầu có mặt trên đất nước từ 1965 trở đi.

Ông tuyên bố là ông có 45 tuổi đảng trong lúc ông lại nói là Nguyễn Ngọc Phương đã đưa ông vào đảng năm 1966, nghĩa là tính từ 1966, ông phải có 47 tuổi đảng. Tôi cũng không hiểu tại sao lại có điều không thật này, nhưng dù sao thì đó cũng là một bằng chứng chứng tỏ một người có khuynh hướng nói những điều không thật.

Về chuyện ông nói là ông chỉ đậu Tú Tài II với hạng “thứ” thì tôi tin được vì ông học lớp Đệ Nhất, ban triết và từ 1975 đến 1983 là một giảng viên Triết học mà nay ông còn viết tên của Friedrich Withelm Nietzsche là “Niejche” thì điều này cũng là một bằng chứng.
Thêm nữa, ông kể chuyện là khi ông được phép chính quyền Miền Nam cho ra khỏi tù để đi dự thi Tú Tài II, thì ông cụ thân sinh của ông “đã đi qua cánh đồng An cựu trong “những ngày giá lạnh” !? Khoá I kì thi Tú Tài II được tổ chức, nếu tôi không lầm, vào khoảng giữa tháng 7 và nếu thi Khoá II, dành cho những người hỏng Khoá I, thì khoảng một tháng sau đó. Đây là thời gian trời nóng như thiêu đốt, thì làm gì có được những ngày “giá lạnh”: hẳn là lại cái tính “lãng mạn” khiến Ông Lê Hiếu Đằng nói những điều viễn vông, không thể tin được. Đã có cái thói quen nói những điều không thật dù nhỏ, thì cũng rất dễ nói những điều không thật có tầm mức quan trọng hơn.

Về vấn đề đa nguyên đa đảng, một vấn đề then chốt thúc đẩy Ông Lê Hiếu Đằng kêu gọi lập đảng mới, mà lí luận của ông không chặt chẽ chút nào cả.  Ông mở đầu vấn đề này bằng cách tự giới thiệu mình là “giảng viên Triết học và Chủ nghĩa xã hội khoa học ở trường Đảng Nguyễn văn Cừ thuộc khu uỷ Sài Gòn-Gia Định”. Thế mà ông phát biểu là “tôi hiểu được có một điều cơ bản là cơ sở hạ tầng (bao gồm cơ sở xã hội, cơ sở kinh tế v.v…) như thế nào thì phản ảnh lên thượng tầng kiến trúc như thế đó”. Thực sự ra, ông không nắm vững được ý nghĩa của cụm từ hạ tầng cơ sở khi ông nói “bao gồm cơ sở xã hội, cơ sở kinh tế” vì những cơ sở xã hội và những cơ sở kinh tế là kết quả của những phương tiện sản xuất, kĩ thuật sản xuất, và quan hệ sản xuất; và chính những điều này mới là hạ tầng cơ sở, và hạ tầng cơ sở không phải chỉ phản ảnh mà quyết định thượng tầng kiến trúc, tức văn hoá, tư tưởng, triết học, giáo dục, và hệ thống luật pháp mà Ông Lê Hiếu Đằng không hề định nghĩa. “Quyết định” vì lí thuyết của Mác là một lí thuyết “tất định” (deterministic).

Tiếp đến, ông tố cáo là CSVN đã dùng “chế độ quản lý bao cấp” tạo nên bao nhiêu là đau khổ cho nhân dân cùng với bao nhiêu tội ác khác. Điều này không liên hệ gì đến tiền đề hạ tầng cơ sở và thượng tầng kiến trúc cả. Hay là ông không “lí hội” (concevoir) được “rạch ròi” nên ông không phát biểu được “rõ ràng” chăng?

Ông lí luận tiếp theo là khi có “những nhà lãnh đạo còn có tấm lòng và suy nghĩ đã chủ trương phải đổi mới kinh tế bằng cách phải chấp nhận kinh tế có nhiều thành phần trong đó có kinh tế cá thể. Thế thì một khi cơ sở hạ tầng có nhiều thành phần kinh tế khác nhau trong xã hội sẽ có nhiều tầng lớp với lợi ích khác nhau thì tất yếu họ phải có tổ chức để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của họ. Đó là qui luật tất yếu, vì vậy không thể không đa nguyên đa đảng được, và như vậy điều 4 Hiến Pháp hiện nay là vô nghĩa. Ở đoạn này thì người ta thấy Ông Lê Hiếu Đằng theo sát định nghĩa hạ tầng cơ sở và thượng tầng kiến trúc, một tiền đề ông mở ra nhưng lại để cách xa lí luận ở đoạn này một cách vô nghĩa vì thiếu sự liên hệ. Tóm lại theo sự hiểu biết của ông về lí thuyết Mác, một khi đã theo kinh tế thị trường thì nền kinh tế này sẽ phải “phản ảnh” định chế pháp luật, trong trường hợp này, theo ông, là định chế pháp luật cho đa nguyên đa đảng. Nhưng tiếc thay, lí luận có vẻ có tính khoa học -- vì mang yếu tố tất định của định luật “nếu..., thì” của nguyên nhân và hậu quả -- mà ông đang tôn sùng và sử dụng làm căn bản cho việc đòi hỏi dân chủ lại không đúng với thực tế. Nhu cầu nhiều thành phần kinh tế khác biệt cần phải có tổ chức để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của họ là một lí luận đúng về kinh tế thị trường, nhưng nhu cầu này không khẩn thiết phải quyết định định chế luật pháp, mà trong trường hợp này, theo Ông Lê Hiếu Đằng, là định chế pháp luật về đa nguyên đa đảng. Tự do cạnh tranh và tự do lập nghiệp đoàn độc lập là hệ luận của kinh tế thị trường, thuộc về xã hội dân sự. Đa nguyên đa đảng là hệ luận của xã hội chính trị dân chủ. Hai xã hội này ảnh hưởng lẫn nhau theo hai chiều nhưng vẫn có thể độc lập, chứ không khẩn thiết là xã hội này phải là “phản ảnh” [từ của Ô. Lê Hiếu Đằng] của xã hội kia. Xã hội chính trị độc tài của Phác Chính Hy hay gần như độc tài của Lý Quang Diệu vẫn có được một nền kinh tế thị trường phồn thịnh với những công đoàn sinh hoạt độc lập, cạnh tranh với những nền kinh tế lớn của thế giới. Hoa kỳ thì bắt đầu xã hội dân chủ bằng một bản tuyên ngôn độc lập và một Hiến Pháp (thượng tầng kiến trúc) đưa quốc gia này đến một nền kinh tế (thuộc hạ tầng cơ sở) hùng mạnh nhất thế giới. Nói như thế, không phải là phủ nhận nhu cầu đa nguyên đa đảng trong công việc thiết kế một nền dân chủ. Ngược lại. Nhưng điều này minh chứng là lí luận có tính tất định của Ông Lê Hiếu Đằng là thừa tự của niềm tin vào chủ thuyết cộng sản. Mặc dù ông công khai tuyên bố là chủ thuyết Mác-Lê, XHCN, CNCS đã lỗi thời phải loại bỏ, nhưng tư duy của ông lại bị điều kiện hoá do lâu ngày thấm nhuần lí luận biện chứng duy vật sử quan. Lí luận này đã đi vào trong tim, trong máu của ông rồi, nên khi giao hưởng với ý niệm dân chủ đã tạo nên một tình trạng nguỵ tín (mauvaise foi) khó chữa.Tuy nhiên, ông cũng có thể dần dần ý hội được ánh sáng để điều chỉnh những sai lầm cốt lõi và chọn lựa tái điều kiện hoá mình trở lại trong ý thức hệ dân chủ, chọn lựa điều kiện hoá mình vào một ý thức hệ mở có khả năng luôn luôn tự sửa sai thay vì điều kiện hoá mình vào một ý thức hệ đóng, khoá chặt cửa lại, không tiếp nhận ý mới và sáng tạo, dẫn đến sai lầm của độc tài thêm một lần nữa.

Lí luận của ông về việc xây dựng một xã hội dân sự vững mạnh và xã hội dân sự này là một“cách chúng ta phá vỡ một mảng yếu nhất của một nhà nước độc tài toàn trị hiện nay” và để xây dựng xã hội dân sự này, ông đề nghị “…đấu tranh với phương châm công khai, minh bạch, ôn hoà, bất bạo động, phản đối tất cả mọi hành động manh động, bạo lực khiêu khích gây chiến tranh”. Hình như ông hoặc đã bắt mạch được phong trào đấu tranh của nhân dân đang âm ỉ và sẽ lan rộng, bùng dậy. Cũng có thể ông có lí tưởng dân chủ và đã nghiên cứu về đấu tranh bất bạo động chiến lược. Sự bắt mạch này có thể mang ý đồ xâm nhập để đánh phá phong trào đấu tranh của nhân dân. Nếu cách diễn dịch này không đúng và Ông Lê Hiêu Đằng thực sự có lí tưởng thì tác giả bài nhận định này vẫn thấy là sự nghiên cứu của ông chưa đi đúng con đường đấu tranh bất bạo động. Xã hội dân sự không phải là một “mảng yếu nhất của nhà nước độc tài toàn trị” mà chỉ là phương tiện để xúc tiến đấu tranh bất bạo động. Những “mảng yếu nhất” của ĐCSVN là tính bất hợp pháp và tính bất chính danhvà sự bóc lột kinh tế ảnh hưởng nặng nề lên sinh kế của người dân, một điều hết sức thiết thực đối với người dân. Về phương sách thì những người đấu tranh bất bạo động nhất quyết không sử dụng bạo lực, nhưng không bỏ thì giờ đi phản đối hành động của những người có lập trường khác lập trường bất bạo động.

Chính quyền CSVN là một chính quyền hoàn toàn bất hợp pháp, vì từ 1945, bắt đầu bằng việc HCM cướp chính quyền, đến ngày hôm nay; chính quyền CSVN chưa bao giờ được nhân dân tự do bầu lên. Nếu có bầu bán thì ĐCS cũng chọn người trước, rồi ép dân đồng ý. Chưa bao giờ người dân tự do dùng lá phiếu của mình để chọn những người tài năng tự do ra ứng cử. Chính quyền CSVN đã ma mảnh làm đủ trò ép dân chấp thuận Hiến Pháp để tỏ ra là mình hợp pháp, nhưng Hiến Pháp thì để đó chứ không bao giờ được thượng tôn. Ông Lê Hiếu Đằng có đặt vấn đề trong một bài phỏng vấn do BBC Tiếng Việt thực hiện -- và bài phỏng vấn được cập nhật hôm 21 tháng 8, 2013 -- là nếu bây giờ dù có phổ thông đầu phiếu thì ĐCSVN vẫn thắng và sẽ có chính danh. Ông Lê Hiếu Đằng lại một lần nữa nhầm lẫn ý niệm hợp pháp và ý niệm chính danh. Theo pháp luật của những quốc gia dân chủ tự do, thì muốn được hợp pháp, một chính quyền cần phải được nhân dân tự do bầu những người tự do ra ứng cử. Còn chính danh là một ý niệm Đông phương phát xuất từ Khổng giáo, dựa trên căn bản triết học và ngôn ngữ học. Chính danh đòi hỏi có một sự tương đồng trọn vẹn giữa ngữ nghĩa của từ ngữ sử dụng với thực thể ngoại tại. Ví dụ vua thì phải thương yêu dân như con đẻ, cha phải nhân từ, con phải có hiếu, v.v… theo định nghĩa của Khổng giáo. Nếu một ông vua [bây giờ là ĐCSVN) mà không thương yêu dân, phục vụ quyền lợi của dân thì từ “vua” hay là cụm từ “nhà lãnh đạo” không tương đồng với thực thể vua, hay thực thể nhà lãnh đạo. Vì vậy, thực thể “vua” hay thực thể “nhà lãnh đạo” không có chính danh và đáng phải bị lật đổ theo quan niệm Khổng giáo. Do đó, dù ĐCSVN có hăm doạ dân để có được lá phiếu đi nữa thì cũng vẫn không có chính danh.

Quan điểm về dân chủ của Ông Lê Hiếu Đằng mới thật là có tiềm năng gây tai hoạ. Hình như ông hiểu ý niệm dân chủ ở bề mặt chứ không ở chiều sâu. Hiểu dân chủ có chiều sâu mới có căn bản để xây dựng một xã hội mới thực sự có dân chủ, không thì sẽ đưa đến hiện tượng người “mù dẫn người đui”. Ông nói rằng: “Muốn có dân chủ thực sự thì phải thay đổi thể chế từ một nhà nước độc tài toàn trị thành một nhà nước cộng hoà với tam quyền phân lập: lập pháp, hiến [hành] pháp, và tư pháp, riêng biệt và độc lập…Cần có Quốc hội lập hiến để soạn thảo và thông qua Hiến pháp mới. Sau đó là bầu Quốc hội lập pháp để ĐCS sẽ qua bầu cử bình đẳng mà trở thành người lãnh đạo. Tôi nghĩ trong một thời gian dài  ĐCS sẽ là  một lực lượng mà không có bất cứ lực lượng nào có thể tranh chấp được. Các nhà lãnh đạo ĐCS cần tự tin điều đó. Dần dần các Đảng đối lập sẽ trở thành một lực lượng làm nhiệm vụ như một kháng thể trong một cơ chế xã hội lành mạnh. Nếu xã hội không có lực lượng đối lập sẽ trở thành con bệnh SIDA khó trị, chỉ có chờ chết mà thôi.” Lập luận này hoàn toàn phủ nhận và đánh đổ tất cả những lí luận về lí do để lập đảng mới cũng như chương trình hành động đấu tranh cho dân chủ và chống độc tài của Ông Lê Hiếu Đằng.

Thứ nhất đa nguyên đa đảng, Hiến pháp, và cơ chế tam quyền phân lập là những điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ để có một xã hội dân chủ. Một xã hội có thể có đa nguyên đa đảng, một Hiến pháp toàn hảo, và ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp độc lập; nhưng nếu quyền lực thực sự không được phân phối đúng cách, nghĩa là nằm trong tay người dân thì nhất quyết sẽ không có dân chủ. Quyền lực thực sự là điều kiện đủ để có một xã hội dân chủ. Ông Lê Hiếu Đằng đưa ra tất cả những điều kiện cần là bề mặt của dân chủ, nhưng ông lại đánh mất cái chiều sâu của thể chế dân chủ bằng cách tước đoạt mất cái điều kiện đủ của thể chế dân chủ, đó là quyền lực. Ông trao quyền lực, điều kiện đủ, cho ĐCSVN. Ông nói rằng “…ĐCS sẽ qua bầu cử bình đẳng mà trở thành người lãnh đạo”. Tại sao ông lại khẳng quyết là ĐCS “qua bầu cử bình đẳng” và “có Quốc tế giám sát” lại đương nhiên trở thành “người lãnh đạo trong một thời gian dài”. Ông trách những nhà lãnh đạo CS không tin vào sức mạnh của nhân dân. Bây giờ đến lượt ông mâu thuẫn với chính mình, không tin tưởng vào nhân dân. Nếu có tự do tranh cử thật sự, nếu có tự do bầu cử thật sự, và nếu có tổ chức Quốc tế giám sát hữu hiệu thì tại sao ĐCSVN với tất cả những điều tệ hại mà ông đã nêu lên như những lí do để lập đảng mới lại được ông khẳng định là sẽ tiếp tục làm người lãnh đạo. Và theo ông, “những đảng đối lập sẽ trở thành một lực lượng làm nhiệm vụ của một kháng thể trong một xã hội lành mạnh. Nếu xã hội không có lực lượng đối lập sẽ trở thành con bệnh SIDA khó trị, chỉ có chờ chết mà thôi”. Lí luận hoàn toàn phản khoa học và rõ ràng là Ông Lê Hiếu Đằng không biết mình đang nói gì. Một cơ thể lành mạnh -- mà ông so sánh với một xã hội lành mạnh – thì không bao giờ có kháng thể (anti-bodies) và một khi cơ thể (xã hội) đã bị bệnh SIDA rồi, thì dù có kháng thể cũng vô ích mà thôi. Nếu ông so sánh quyền lực của ĐCSVN hiện nay với SIDA thì đúng: quyền lực sẽ không bao giờ tự buông rơi, sẽ bám chặt bệnh nhân (xã hội) cho đến khi chết. Có thể lối trình bày này là dự phóng cho trò cạm bẫy của ĐCSVN: lập đảng chỉ để cứu Đảng. Đảng đối lập, như Ông Hồ Ngọc Nhuận nói, là chỉ để ngồi xuống, “thử nói chuyện”, để làm kiểng mà thôi.

Quảng đại hơn thì người ta có thể cho rằng đó là sự hiểu biết nông cạn của ông về dân chủ, chứ không phải là cạm bẩy. Nhưng hoặc đó là cạm bẫy của ĐCSVN đưa ra hay là vì kiến thức hạn hẹp của Ông Lê Hiếu Đằng về dân chủ mà ông vẫn tự đặt mình vào vai trò lãnh đạo của một phong trào chống đối độc tài toàn trị CSVN là một điều mà chỉ nhân dân mới có đủ sáng suốt để xét đoán mà thôi.
Riêng theo thiển ý cá nhân tác giả bài nhận định này thì hình như Ông Lê Hiếu Đằng thực hiện ý đồ của CSVN thì hữu lí hơn, bởi vì trong bài phỏng vấn của BBC Tiếng Việt, Ông Lê Hiếu Đằng có phát biểu là: “Cái chữ đối lập đây không có nghĩa là mình bài bác gì đảng Cộng sản -- bản thân tôi là đảng viên đảng Cộng sản lâu năm – và chính điều đó giúp cho đảng một lối thoát”. Ông đã từng kết án ĐCS và nhà nước CS là độc tài toàn trị, là cái ác, cái xấu và XHCN và ĐCS là hoang tưởng, đã lỗi thời, cần phải loại bỏ (xem trên). Ông đã nêu lên tất cả những tội ác như là những lí do để ông kêu gọi lập đảng đấu tranh, thế mà ông lại nói không phải là “bài bác” mà là tìm cho Đảng “một lối thoát” thì đấu tranh cho dân chủ, chống độc tài ở chỗ nào?

Cộng sản, theo Boris Yeltsin, nguyên Tổng Thống Nga, người được sinh ra và lớn lên trong cái “nôi” của chủ thuyết Mác-Lê, đã nói là cộng sản không thể sửa đổi được, mà cần phải đào thải nó”. Cựu Bí thư Đảng Cộng Sản Nam Tư, Milovan Djilas, nói rằng: “20 tuổi mà không theo cộng sản là không có trái tim, 40 tuổi mà không từ bỏ cộng sản là không có cái đầu”. Ông Lê Hiếu Đằng theo cộng sản vào khoảng độ 20 tuổi mà đến nay 71 tuổi, mặc dù hô hào cán bộ CS bỏ Đảng, nhưng về chính ông thì người ta cũng chưa nghe thấy tin tức gì, nhưng ông lại có tham vọng sửa đổi chế độ CSVN. Đương kim Tổng Thống Nga, Vladimir Putin, cựu giám đốc KGB, tuyên bố: “kẻ nào tin những gì cộng sản nói là không có cái đầu, kẻ nào làm theo lời cộng sản nói là không có trái tim”. Không biết Ông Lê Hiếu Đằng có cái đầu và có trái tim không, tôi không dám khẳng quyết và tôi nghĩ rằng khẳng quyết là quyền của độc giả. Cựu Tổng Bí Thư Cộng Sản Liên Xô Mikhail Gorbachev nói là: Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lí tưởng cộng sản. Ngày hôm nay, tôi phải đau buồn mà nói rằng: Đảng cộng sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá”. Đức Dalai Lama cho “cộng sản là loài cỏ dại, mọc trên hoang tàn của chiến tranh, là loài trùng độc, sinh sôi, nẩy nở trên rác rưởi của cuộc đời”. Khi những nhà cựu lãnh đạo kiệt xuất của CS đã tuyên bố như thế, và khi nhà đạo đức nổi tiếng khắp hoàn vũ phát biểu như vậy, thì thiết nghĩ CS đã hết thuốc chữa rồi.

Kết luận

Để tóm tắt lại, những lí do Ông Lê Hiếu Đằng nêu lên để kêu gọi đảng viên cộng sản, nhân dân, và nhất là giới trẻ đứng lên cùng với ông lập đảng mới để làm đối trọng với Đảng CS rất hữu lí và xác đáng, nhưng thực ra, nhìn lại, thì những lí do này ai cũng biết cả rồi và biết cũng đã từ lâu rồi. Có thể có người cho rằng giới trẻ trong nước sinh trước 1975 không biết hoặc chưa biết. Tuy nhiên, với kĩ thuật điện toán ngày nay và số người sử dụng máy điện toán trong nước, tác giả bài nhận định này nghĩ rằng hầu hết những người dân trong nước, nhất là giới trẻ, đều biết được tất cả những gì xảy ra trong xã hội, ngoại trừ những cán bộ nòng cốt trung thành với Đảng, có lẽ đa số vì quyền lợi vật chất. Không phải là họ không biết nhưng vì lợi ích ích kỉ cá nhân mà họ phủ nhận (denial) sự hiểu biết đó mà thôi.
Ngoài ra, còn có những tội ác kinh tởm là những lí do rất quan trọng để kêu gọi thành lập đảng đối lập mà không hiểu tại sao Ông Lê Hiếu Đằng đã không nói ra như:
·  Sự tàn ác của những trại tập trung trên khắp mọi vùng đất nước đã đày đọa bao nhiêu là thành phần yêu nước, phá vỡ bao nhiêu là gia đình;
· Bạc đãi những thương phế binh quân lực Việt Nam cộng hoà;
·  Tịch thu và trưng dụng đất đai của nông dân và của tôn giáo một cách bất chính;
·  Đàn áp những nhóm tôn giáo như Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Hoà Hảo không thuộc hệ thống tôn giáo quốc doanh nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước;
·  Đàn áp, bắt bớ một cách võ đoán những nhà đấu tranh dân chủ và đưa ra những bản án phi lí để trừng phạt tinh thần yêu nước chống Trung cộng bá quyền;
· Toa rập với các nhóm lợi ích xuất cảng lao động để bóc lột tài chánh và nhân công của những người đơn côi, thế yếu;
·  Toa rập với xã hội đen hành hung những người vô tội và những người yêu nước;
·  Toa rập với những nhóm lợi ích bán trẻ con từ 5 đến 8, 9,10 tuổi làm nô lệ tình dục ở nước ngoài, như Kampuchia chẳng hạn;
·  Toa rập với những nhóm lợi ích bán phụ nữ đi làm vợ xứ người, nhưng thực sự trong nhiều trường hợp là làm “đĩ” hay làm “vợ” cho cả gia đình từ cha đến con;
·  Tham nhũng như những vụ PMU 18 và vụ Vinashin làm thâm thủng tài nguyên và kiệt quệ kinh tế quốc gia;
·   Dâng đất, dâng biển, đảo cho Trung cộng;
·  Khoán dài hạn vùng cao nguyên cho Trung cộng khai thác Bauxite, có tiềm năng gây thiệt hại đến sinh kế và sinh mạng cho cả 16 triệu dân ở cuối nguồn sông Đồng Nai, chưa kể đến việc mất thế chiến lược quân sự vì vùng cao nguyên là yết hầu của đất nước;
·  Khoán dài hạn hằng trăm mẫu rừng đầu nguồn có thể gây tác hại lụt lội ở vùng đồng bằng. 

Ông Lê Hiếu Đằng muốn tranh đấu cho một Việt Nam dân chủ tự do và thịnh vượng, nhưng có một điều kì lạ nổi bật là những lí do mà ông nêu lên để kêu gọi thành lập đảng mới như là một phương tiện đấu tranh thì những lí do này, nếu xét lại cho kĩ, chỉ là những điểm mà đa phần là tầm thường có tính chung chung vô tội vạ, hay những điểm có thể biện minh được, hoặc những lỗi lầm do những người đã quá cố từ lâu gây nên. Ví dụ, những đau khổ mà những người vượt biên phải gánh chịu mà ông cho là tội ác do ĐCS và nhà nước CS gây nên, nhưng sau này ĐCS có thể biện minh là những đau khổ đó là do những người vượt biên tự đem lại cho mình chứ nhà nước không hề bắt họ vượt biên; ĐCS cũng có thể biện minh là sự tàn ác của Cải Cách Ruộng Đất là do Trường Chinh, đã quá cố, gây nên và ông ta cũng đã bị thanh trừng vì lỗi lầm này rồi. Bắt bớ những nhà tranh đấu thì ông Lê Hiếu Đằng chỉ nói đến những người trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm và tuyệt nhiên không đả động gì đến những người hiện đang bị đàn áp như Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, Cù Huy Hà Vũ, LM. Nguyễn Văn Lý,v.v…Cũng như những tội ác tày trời như vừa được liệt kê ở trên mà đa phần là những tội ác mà ĐCS hiện đang phạm phải lại không thấy Ông Lê Hiếu Đằng nói đến. Phải chăng Ông Lê Hiếu Đằng chỉ chuẩn bị để cứu Đảng hay vì chính ông cũng đã liên hệ hay là tòng phạm trong những tội lỗi này? Cũng rất có thể ông chỉ thiếu sót vì bản chất hời hợt của ông. Nhưng nếu mang một bản chất hời hợt mà lãnh đạo đại cuộc thì cũng khó mà quan niệm được.
Những đề nghị về hoạt động đấu tranh của ông không phải là không có giá trị, nhưng cũng chỉ là những hoạt động hời hợt, những ý nghĩ rải rác không có hệ thống, và có tính trang điểm (cosmetic) cho bề mặt dân chủ chứ thực chất thì vẫn không có dân chủ vì ông không hiểu dân chủ. Điều này có thể chứng tỏ ông chỉ là một cán bộ thi hành nhiệm vụ cứu Đảng mà thôi. Nhưng cũng rất có thể là sự hiểu biết nông cạn của ông về căn bản đấu tranh cũng như về lí thuyết đấu tranh dân chủ đã khiến ông nói những điều mà chính ông không quan niệm được rạch ròi, do đó không những không gây được niềm tin mà có thể có xác suất hướng dẫn thế hệ trẻ vào con đường lầm lạc còn tệ hại hơn những lầm lạc mà ông đã vấp phạm.

Do những dữ kiện vừa trình bày, nếu ông chỉ là công cụ của ĐCSVN thi hành nhiệm vụ cứu Đảng thì chắc thế nào nhân dân cũng có đủ trí tuệ để xử lý ông một cách thích hợp. Nếu ông thực có lòng yêu nước thì ông nên ăn năn những lỗi lầm ông đã phạm -- vì đã đóng góp vào việc đưa đất nước và dân tộc đến tình trạng tồi tệ như ngày hôm nay -- bằng những hành động cụ thể chứng minh sự trung thành của ông đối với tổ quốc và dân tộc thay vì có hành vi tự cao tự đại, tự xoá bỏ hết tội lỗi của mình bằng cách yêu cầu nhân dân hãy quên đi quá khứ, đừng xét đúng sai, mà chỉ cần theo ông “hành động”. Ông đã một lần “hành động” thiêu thân vì tính lãng mạn, khờ dại và kém hiểu biết của ông rồi. Ngày hôm nay bừng tỉnh (không biết giả hay thiệt) sau hơn 50 năm chìm đắm trong tội lỗi, lại tự cao tự đại đặt mình -- với những lí luận hoặc có mục đích lừa gạt, hoặc sai lạc và ấu trĩ -- vào vai trò lãnh đạo nhân dân theo ông dấn thân vào “một cuộc chiến mới” thì thật là một ảo tưởng lớn hơn “ảo tưởng XHCN” của ông gấp bội.
Nhân dân đang và sẽ đấu tranh cho độc lập (với Trung Cộng), cho tự do và dân chủ thực sự. Tôi nghĩ rằng nhân dân chắc hẳn sẽ dùng đấu tranh bất bạo động chiến lược như là phương thức đấu tranh hữu hiệu. Nhân dân chắc hẳn sẽ xây dựng một xã hội dân sự mạnh mẽ và sẽ tranh đấu cho những quyền chính trị qua một xã hội chính trị với những đảng phái chính trị nhằm phản ảnh và cân bằng những quyền lợi khác biệt của người dân. Nhưng đấu tranh bất bạo động không khẩn thiết phải cần một nhà lãnh đạo duy nhất, nhất là một nhà lãnh đạo không biết mình đang nói gì như ông, mà sẽ có nhiều nhà lãnh đạo cùng tiến bước trên đường xây dựng dân chủ. Ý nghĩ riêng tư của tác giả bài nhận định này là chắc hẳn nhân dân rất nhân từ và quảng đại vì trong tinh thần bác ái, nhân bản, tự do, và dân chủ, nhân dân thế nào cũng chấp nhận bất cứ ai thành tâm đứng vào hàng ngũ của nhân dân, cùng trải nghiệm mọi đau khổ và hạnh phúc của nhân dân và không bao giờ phản bội nhân dân. Nhưng dè dặt để ngăn chặn phản trắc và cạm bẩy là một điều mà những người có kinh nghiệm cũng như hiểu biết lịch sử về CS không thể không lo lắng và đề phòng. Nếu Ông Lê Hiếu Đằng thấy nhận định này là hữu lí thì sẽ không tự ái và bực tức vì tự ái và bực tức là phản ứng của kẻ gian trá bị bắt quả tang. Công nhận lẽ phải một cách bình thản để sửa đổi là hành động phản ảnh khả năng đặc thù của bậc đại nhân quân tử phân biệt được thiện và ác.

Nguyễn văn Thái, Ph.D.
Pennsylvania
Ngày 27 tháng 8 năm 2013


Tài liệu tham khảo:
 
Lê Hiếu Đằng, “Suy Nghĩ Trong Những Ngày Nằm Bịnh…”, Nguồn email
Song Chi, “Trở ngại của Người Việt nằm ngay trong chính mình”, Người Việt Online, Aug.23, 2013.
Huy Phương, “Tạp ghi”, Người Việt Online, Aug. 24, 2013.
Lữ Giang, “Rồi sẽ đi tới đâu?”, Nguồn email.
BBC Tiếng Việt, “Luật VN không cấm lập đảng mới”, BBC Tiếng Việt, 21 Tháng 8, 2013.
Ngô Nhân Dụng, “Muốn dân chủ cần có đảng phái”, Nguồn email.

Vũ Thư Hiên, Đêm Giữa Ban Ngày, Văn Nghệ, California, Hoa Kỳ, 1997.