Mohan Malik, The Diplomat, 30/8/2013
Trần Ngọc Cư dịch
Trung Quốc cho rằng quyền lịch sử hỗ trợ các đòi hỏi chủ quyền biển đảo của mình. Nhưng trong lịch sử, Trung Quốc thực sự có chủ quyền trên đó hay không?
Tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên gần hết Biển Đông [the South China Sea] hiện được in lên hộ chiếu và bản đồ chính thức của Trung Quốc. Các lãnh đạo và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày càng táo tợn lặp đi lặp lại rằng các đảo, đá, và đá ngầm trong biển này là “lãnh thổ Trung Quốc từ thời xa xưa”. Thông thường, những tuyên bố chủ quyền và biên giới lãnh hải chồng lấn lên nhau phải được giải quyết thông qua một sự kết hợp gồm có luật quốc tế thông thường, việc xét xử trước Toà án Công lý Quốc tế hay Toà án Quốc tế về Luật Biển, hay được trọng tài hòa giải theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Mặc dù Trung Quốc phê chuẩn UNCLOS, nhưng nói chung công ước này bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền “dựa vào lịch sử”, tức loại chủ quyền mà Bắc Kinh thường tuyên bố một cách quyết đoán. Vào ngày 4 tháng Chín 2012, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Yang Jiechi [Dương Khiết Trì] nói với Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton rằng có “nhiều bằng chứng lịch sử và pháp lý cho thấy rằng Trung Quốc có chủ quyền trên các đảo trong biển Hoa Nam [Biển Đông] và các vùng biển tiếp giáp.”
Về “bằng chứng pháp lý”, đại đa số các chuyên gia pháp lý quốc tế đã kết luận rằng việc Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền lịch sử trên Biển Đông, với ngụ ý có đầy đủ quyền chủ quyền và quyền đồng ý cho các quốc gia khác quá cảnh, là vô giá trị và phi pháp. Bằng chứng lịch sử, nếu có chăng nữa, lại càng thiếu tính thuyết phục. Có một số mâu thuẫn trong việc Trung Quốc sử dụng lịch sử để biện minh cho các đòi hỏi chủ quyền của mình đối với các đảo và đá ngầm trong Biển Đông, mà mâu thuẫn không nhỏ là quyết đoán mang tính luận chiến [polemic assertion] cho rằng chủ quyền biển đảo của Trung Quốc có những điểm tương đồng với sự bành trướng đế quốc của Mỹ và các cường quốc châu Âu ở thế kỷ 18 và thế kỷ 19. Biện minh cho những toan tính của Trung Quốc trong việc bành trướng biên cương trên biển bằng cách đòi hỏi chủ quyền trên những đảo và những bãi đá ngầm cách xa bờ biển của mình, Jia Qingguo [Giả Khánh Quốc], một giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, tranh luận rằng Trung Quốc chỉ theo gương các nước phương Tây. “Mỹ làm chủ đảo Guam tại châu Á cách rất xa nước Mỹ, và Pháp có các đảo trong Nam Thái Bình Dương, vì thế điều này không có gì mới lạ [khi áp dụng cho Trung Quốc]”, Jia đã trả lời AFP gần đây.
Một phân tích kỹ lưỡng về những “bằng chứng lịch sử” làm cơ sở cho đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc sẽ cho thấy rằng trên thực tế lịch sử không đứng về phía Trung Quốc. Trái lại, đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên cơ sở lịch sử sẽ mâu thuẫn với thực tế là các đế chế xưa của khu vực này không thể hiện quyền chủ quyền (sovereignty). Ở châu Á trước thời hiện đại, các đế chế đều có đặc tính chung là biên cương của chúng không được xác định rõ ràng, không được bảo vệ và thường thay đổi. Ở khu vực này, khái niệm hệ thống bá chủ triều cống [suzerainty] chiếm ưu thế. Khác với một quốc gia-dân tộc có chủ quyền [a nation-state], biên cương của các đế chế Trung Hoa vừa không được vẽ ra chu đáo vừa không được canh gác kỹ lưỡng, mà gần như là những vùng vây quanh hay khu vực, càng xa trung tâm văn minh thì ảnh hưởng của Thiên triều càng trở nên mờ nhạt, cho đến một ngoại vi không được xác định rõ ràng của các giống man rợ bên ngoài [alien barbarians]. Một điều quan trọng hơn nữa là, trong các tranh chấp lãnh thổ trước đây với các nước láng giềng như Ấn Độ, Miến Điện, và Việt Nam, Bắc Kinh luôn luôn có lập trường là lãnh thổ trên bộ của mình không bao giờ được định rõ, được phân ranh, và được đặt mốc giới. Nhưng hiện nay, đối với các đảo, bãi cạn, và bãi đá ngầm trong Biển Đông, Bắc Kinh tuyên bố ngược lại. Nói cách khác, lập trường của Trung Quốc cho rằng trong lịch sử, biên giới trên bộ của mình chưa bao giờ được định rõ và được đặt mốc giới đã mâu thuẫn rõ rệt với lập trường cho rằng biên giới trên biển của Trung Quốc luôn luôn được xác định rõ ràng và có mốc giới hẳn hoi. Đây là chỗ mâu thuẫn cơ bản trong lập trường Trung Quốc về biên giới trên bộ và trên biển, một lập trường không thể đứng vững. Thật ra, chính những nỗ lực diễn ra giữa thế kỷ 20 nhằm chuyển đổi những biên cương không được xác định rõ ràng của các nền văn minh cổ và những vương quốc hưởng chế độ triều cống thành những biên giới được xác định rõ ràng, được đặt mốc giới, và được phân ranh của các quốc gia-dân tộc hiện đại thực thi quyền chủ quyền, đã nằm ngay trung tâm của các cuộc tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải của Trung Quốc với các nước láng giềng. Tắt một câu, chủ quyền là một khái niệm hậu-đế chế [a post-imperial notion] được áp dụng cho các quốc gia-dân tộc [nation-states], chứ không phải cho các đế chế cổ đại [ancient empires].
Khái niệm chủ quyền không phải là một khái niệm của Trung Hoa hay của châu Á, mà là một khái niệm châu Âu phát sinh từ việc ký kết Hiệp định Westphalia năm 1648. Nó chủ yếu là một quan niệm về chủ quyền trên đất liền [a land-based concept] và mãi đến giữa thế kỷ 20 mới được áp dụng cho các quốc gia-dân tộc có chủ quyền tại châu Á và châu Phi. Hệ thống nhà nước Westphalia đặt cơ sở trên quan niệm các nước được bình đẳng về pháp lý hay có chủ quyền quốc gia trong các biên giới được xác định rõ ràng; hệ thống này không những khác với hệ thống phong kiến châu Âu cũ, mà còn khác với những dạng thức bá quyền [hegemomy] hay bá chủ thụ hưởng triều cống [suzerainty] khác tại châu Á.
Như mọi người đều biết, lịch sử thường được viết ra bởi phe chiến thắng, chứ không phải bởi phe chiến bại. Những đường biên giới hiện nay của Trung Quốc phần lớn phản ánh những biên cương được thiết lập trong giai đoạn bành trướng huy hoàng của nhà Mãn Thanh ở thế kỷ 18, mà qua thời gian chúng đã được củng cố để trở thành biên giới quốc gia cố định (trừ Ngoại Mông, chủ yếu nhờ Liên Xô) sau khi hệ thống quốc gia-dân tộc Westphalia được áp đặt tại châu Á vào thế kỷ 19 và thế kỷ 20. Tuy nhiên, sử quan chính thống Trung Quốc ngày nay thường bóp méo tiến trình lịch sử phức tạp này, khi cho rằng các dân tộc Mông Cổ, Tây Tạng, Mãn Châu, và Hán đều là người Trung Hoa, trong khi trên thực tế Vạn Lý Trường Thành được các vương triều Trung Hoa dựng lên để chặn đứng các bộ lạc Mông Cổ và Mãn Châu thường gây rối và xâm chiếm nước Trung Hoa của dân tộc Hán [Han China]; Vạn Lý Trường Thành thực sự tiêu biểu cho chu vi an ninh vòng ngoài của đế chế Hán Hoa. Mặc dù hầu hết các sử gia coi cuộc càn quét thô bạo của các đội quân Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn lãnh đạo vào đầu thế kỷ 13 là một đại họa đe dọa cho chính sự sống còn của các nền văn minh cổ tại Trung Hoa, Ấn Độ, Ba Tư và các quốc gia khác, nhưng các sử gia Trung Quốc đã cố tình đề cao huyền thoại cho rằng Thành Cát Tư Hãn thực sự là “người Trung Hoa”, và do đó tất cả các vùng mà người Mông Cổ (Nhà Nguyên) đã có thời chiếm đóng hoặc chinh phục (như Tây Tạng và nhiều vùng Trung Á và Nội Á) đều thuộc chủ quyền Trung Quốc bằng cách áp đặt ngược thời gian một quan niệm chủ quyền châu Âu của thế kỷ 16 vào một châu Á thế kỷ 12. Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên đảo Đài Loan và Biển Đông cũng đặt cơ sở trên luận cứ cho rằng cả hai đều là lãnh thổ của đế quốc Mãn Thanh. (Thật ra, theo các bản đồ của Mãn Châu hay nhà Thanh, chính đảo Hải Nam, chứ không phải các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, được mô tả là biên giới cực nam của Trung Quốc.) Theo phiên bản lịch sử này, bất cứ lãnh thổ nào được “người Trung Hoa” chinh phục trong quá khứ, thì xưa sao nay vẫn thế, đều thuộc về Trung Quốc, bất luận cuộc chinh phục đó đã diễn ra ở thời điểm lịch sử nào.
Cách viết đi viết lại lịch sử này, từ một quan điểm dân tộc chủ nghĩa nhằm đề cao tình đoàn kết quốc gia và chính nghĩa của chế độ, luôn luôn được các lãnh đạo Trung Hoa, cả Quốc Dân Đảng lẫn Cộng sản, đặt lên ưu tiên hàng đầu. Giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc cố tình hành xử như là kẻ kế thừa di sản của các đế chế Trung Hoa, thường sử dụng các biểu tượng và luận điệu của một đế chế. Từ sách giáo khoa bậc tiểu học đến tuồng tích lịch sử truyền hình, hệ thống thông tin do nhà nước kiểm soát thường xuyên tống vào đầu óc nhiều thế hệ người Trung Quốc một món ăn tinh thần là sự huy hoàng của đế chế Trung Hoa. Như nhà nghiên cứu Trung Hoa Geremie Barmé người Australia đã giải thích rõ: “Trong nhiều thập kỷ, hệ thống giáo dục và tuyên truyền Trung Quốc liên tục nhấn mạnh vai trò của lịch sử trong vận mệnh của quốc gia-dân tộc Trung Hoa [the Chinese nation-state]… Mặc dù chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông đã bị từ bỏ trên mọi lãnh vực ngoại trừ danh xưng, nhưng vai trò của lịch sử trong tiền đồ của Trung Quốc vẫn được kiên định”. Kiên định đến nỗi lịch sử đã được các viện nghiên cứu, các phương tiện truyền thông, và các cơ quan giáo dục do nhà nước kiểm soát gọt dũa thành một công cụ trong nghệ thuật điều hành quốc gia (còn được biết đến là “xâm lấn bằng bản đồ” [cartographic aggression]).
Trung Quốc dùng văn học dân gian, huyền thoại, và truyền thuyết, cũng như lịch sử, để củng cố các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải rộng lớn hơn, đồng thời tạo ra các tình hình thực tế mới trên đất liền và trên biển. Sách giáo khoa Trung Quốc rao giảng ý niệm Vương quốc Trung tâm [the Middle Kingdom = Trung Quốc] như là một nền văn minh lâu đời nhất và tiến bộ nhất nằm ngay giữa trung tâm vũ trụ, được vây quanh bởi những tiểu quốc được Hán hóa phần nào trong khu vực Đông và Đông Nam Á; những quốc gia nhỏ bé này phải luôn luôn hướng về Trung Quốc để khấu đầu và bày tỏ sự thần phục. Phiên bản lịch sử của Trung Quốc thường cố tình xóa nhòa sự khác biệt giữa ảnh hưởng bá quyền, quan hệ triều cống với quyền kiểm soát thực sự [chủ quyền]. Tin tưởng vào quan điểm cho rằng những ai làm chủ quá khứ thì nhất định kiểm soát được hiện tại và vạch hướng đi tương lai, Bắc Kinh luôn luôn đánh giá rất cao “lá bài lịch sử” (thường là một lối giải thích lịch sử có tính xét lại) trong các nỗ lực ngoại giao nhằm đạt được những mục tiêu của chính sách đối ngoại, nhất là để giành lấy các nhượng bộ lãnh thổ và ngoại giao từ nước khác. Gần như mọi quốc gia tiếp giáp với Trung Quốc, hoặc lúc này hoặc lúc khác, đều đã nếm mùi vũ lực của Trung Quốc – Mông Cổ, Tây Tạng, Miến Điện, Triều Tiên, Nga, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, và Đài Loan – và là một đối tượng cho lịch sử xét lại của Trung Quốc. Như Martin Jacques nhận xét trong cuốn When China Rules the World [Khi Trung Quốc thống trị thế giới], “Chủ nghĩa Thiên triều Trung Quốc [Imperial Sinocentrism] hình thành và đặt cơ sở cho chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc hiện đại”. Nếu không bị chặn đứng, lòng kiêu hãnh của một đế chế hay tham vọng tái tạo dĩ vãng có thể mang lại những hậu quả khó lường cho hòa bình và an ninh khu vực.
Nếu khái niệm chủ quyền quốc gia có gốc rễ từ châu Âu vào thế kỷ 17 và từ hệ thống chính trị đã ra đời cùng với Hiệp định Westphalia, thì khái niệm chủ quyền trên biển lại gần như là một điều bịa đặt của Mỹ giữa thế kỷ 20, mà Trung Quốc và các nước khác đã lợi dụng để nới rộng biên cương trên biển. Như Jacques nhận xét, “Khái niệm chủ quyền trên biển là một phát kiến tương đối mới mẻ, có từ năm 1945 khi Mỹ tuyên bố ý định thực thi quyền chủ quyền trên các lãnh hải của mình”. Thật ra, thỏa ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển là nỗ lực quốc tế nổi bật nhất nhằm áp dụng ý niệm chủ quyền trên đất liền cho các vùng biển trên toàn thế giới – nhưng có một điều quan trọng là, thỏa ước này bác bỏ quan niệm dùng quyền lịch sử để biện minh cho quyền chủ quyền. Như vậy, mặc dù Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền đối với khoảng 80% Biển Đông như là “vùng biển lịch sử” của mình (và đang ra sức nâng cấp đòi hỏi này thành một “lợi ích cốt lõi” tương tự các đòi hỏi chủ quyền đối với Đài Loan và Tây Tạng), nhưng trên quan điểm lịch sử, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông chẳng khác nào Mexico tuyên bố đặc quyền đối với Vịnh Mexico, hay Iran đối với Vịnh Ba Tư, hay Ấn Độ đối với Ấn Độ Dương. Nói cách khác, Trung Quốc không có quyền làm như thế. Từ một quan điểm pháp lý, “việc sử dụng rộng rãi tên gọi ‘biển Hoa Nam’ không ban phát chủ quyền lịch sử cho Trung Quốc.” Những nước từng dùng lịch sử để đòi hỏi chủ quyền trên các đảo đều có sự đồng ý của các nước khác và có một cách lý giải lịch sử mà các bên đều chấp nhận – cả hai yếu tố này đều thiếu tại Biển Đông.
Các đế chế cổ đại hoặc giành quyền kiểm soát các lãnh thổ thông qua hành động xâm lược, sáp nhập, hay đồng hóa, hoặc mất những lãnh thổ ấy sang tay các địch thủ có vũ lực hay tài cai trị ưu việt hơn. Sự bành trướng hay mất dần lãnh thổ là một thông lệ, được định đoạt bởi sức mạnh hay sự suy yếu của một vương quốc hay một đế chế. Chính khái niệm “những vùng đất thiêng liêng” là phi lịch sử [ahistorical] vì việc kiểm soát lãnh thổ đặt trên cơ sở ai là kẻ cuối cùng giành giật được hay lấy trộm được lãnh thổ của ai. Các biên cương của những vương triều Tần, Hán, Đường, Tống, và Minh thay đổi theo vận nước thịnh suy suốt chiều dài lịch sử. Một đế chế Trung Hoa hùng mạnh, rất giống nước Nga Sa hoàng, có xu thế mở mang bờ cõi trong vùng Nội Á và Đông Dương khi cơ hội đến và sức mạnh cho phép. Việc bành trướng lãnh thổ diễn ra từng bước qua những thế kỷ dưới các triều đại ngoại-Hán (non-Chinese) như Mông Cổ và Mãn Châu đã nới rộng quyền kiểm soát của đế chế Trung Hoa đối với Tây Tạng và nhiều vùng tại Trung Á (nay là Tân Cương), Đài Loan, và Đông Nam Á. Trên thực tế, Trung Quốc hiện đại là một “nhà nước đế chế” đội lốt một quốc gia-dân tộc.
Thậm chí nếu ta tạm thời chấp nhận lý luận của Bắc Kinh trong các “đòi hỏi chủ quyền lịch sử” đi nữa, thì vẫn còn một vấn đề là, đế chế Trung Hoa không phải là đế chế duy nhất tại châu Á và trên thế giới trước thời hiện đại. Có nhiều đế quốc và vương quốc khác nữa. Nhiều nước có thể đưa ra những “đòi hỏi chủ quyền lịch sử” có giá trị không kém đối với những vùng đất hiện không nằm trong lãnh thổ của họ, mà ở dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc (chẳng hạn, vùng Gian Đảo [Gando] trong tỉnh Cát Lâm của Trung Quốc là của Triều Tiên). Trước thế kỷ 20, tại châu Á không có quốc gia-dân tộc có chủ quyền [sovereign nation-states] nào có biên giới với quyền tài phán và kiểm soát rõ ràng và được xác định trên pháp lý. Nếu đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc được biện minh trên cơ sở lịch sử, thì đòi hỏi chủ quyền của người Việt Nam và của người Philippines cũng được biện minh dựa vào lịch sử của họ. Các nhà nghiên cứu lịch sử châu Á, chẳng hạn, biết rằng các sắc dân Mã lai có cùng gốc gác với dân Philippines ngày nay có thể đưa ra đòi hỏi chủ quyền đối với Đài Loan hợp lý hơn cả Bắc Kinh. Đài Loan được định cư từ đầu bởi hậu sinh của giống dân Mã Lai - Đa đảo [Malay-Polynesian] – tổ tiên của những nhóm thổ dân ngày nay – trước đây đã từng sống ở các đồng bằng vùng thấp ven biển của đảo Đài Loan. Nhà nghiên cứu châu Á nổi tiếng Philip Bowring tranh luận rằng “sự thể Trung Quốc có một lịch sử được ghi chép lâu đời không xóa mất giá trị của lịch sử các quốc gia khác được minh họa bằng dụng cụ tạo tác, ngôn ngữ, huyết thống và các tương đồng di truyền, các bằng chứng về giao thương và đi lại.”
Trừ phi ta tán thành quan niệm cho rằng Trung Quốc là một quốc gia ngoại lệ vì tính cách phi thường của nó [Chinese exceptionalism], các “đòi hỏi chủ quyền lịch sử” của đế chế Trung Hoa chỉ có giá trị như những đòi hỏi chủ quyền lịch sử của các vương quốc và đế chế khác tại Đông Nam Á và Nam Á. Cái rắc rối của bằng chứng lịch sử là phải vạch cho được đường ranh giới nằm ở đâu và vào thời điểm nào, tại sao phải như vậy, và quan trọng hơn nữa, phiên bản lịch sử của ai là chính xác. Việc Trung Quốc đưa yêu sách chủ quyền đối với các thuộc địa của những đế chế Mông Cổ và Mãn Châu chẳng khác thể Ấn Độ đòi chủ quyền đối với Afghanistan, Bangladesh, Miến Điện, Malaysia (Srivijaya), Nepal, Pakistan, và Sri Lanka trên cơ sở là tất cả những nước này đã từng nằm trong những đế chế của các triều đại Ashoka, Maurya, Chola hay các đế quốc Moghul và Ấn Anh. Từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 13, một số vua của hai triều đại Pallava và Chola ở miền Nam Ấn đã huy động những lực lượng hải quân và bộ binh để lật đổ các vương quốc láng giềng và chinh phạt các nước trong vùng Vịnh Bengal. Họ cũng dùng đường biển để chinh phục những vùng đất bây giờ là Sri Lanka, Malaysia và Indonesia. Trong một tác phẩm nghiên cứu về văn hóa chiến lược Ấn Độ, George Tanham nhận xét: “Trong một đụng độ mà thực tế là một trận chiến thương mại giữa Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu, những vị vua Chola đã hoàn toàn giành được thắng lợi trong các cuộc giao tranh trên biển cũng như trên bộ và đã cai trị nhiều vùng tại Đông Nam Á một thời gian ngắn”.
Đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông cũng là một thay đổi chính sách quan trọng, đi ra ngoài định hướng địa chiến lược lâu đời của Trung Quốc là củng cố quyền lực trên lục địa. Khi rêu rao về truyền thống hàng hải có bề dày của mình, Trung Quốc đã khai thác quá đáng những cuộc viễn hành của Zheng He [Trịnh Hòa] đến Ấn Độ Dương và châu Phi vào đầu thế kỷ 15. Nhưng, như Bowring vạch rõ, “Trên thực tế, người Trung Hoa chỉ là những kẻ đến sau trong ngành hàng hải bên ngoài vùng nước duyên hải. Qua hàng thế kỷ, người làm chủ đại dương là các dân tộc Mã Lai - Đa đảo, từng chiếm thuộc địa nhiều vùng trên thế giới, từ Đài Loan đến tận New Zealand và Hawaii về hướng Nam và hướng Đông, và đến tận Madagascar về hướng Tây. Các chậu đồng được họ đem ra trao đổi hàng hóa với cư dân Palawan, ở ngay phía nam bãi cạn Scarborough, vào thời đại Khổng Tử. Khi các tín đồ Phật giáo Trung Hoa như Faxian [Pháp Hiền] đi hành hương đến Sri Lanka [vùng Nam Ấn] vào thế kỷ 5, họ đi trên những chiếc thuyền do các dân tộc Mã Lai làm chủ và điều khiển. Các thuyền buôn từ vùng đất mà bây giờ là Philippines đã giao thương với Phù Nam, một vương quốc trên vùng đất bây giờ là Nam Bộ, cả ngàn năm trước triều đại nhà Nguyên.”
Và sau cùng, cái gọi là “đòi hỏi chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với Biển Đông trên thực tế không phải là chuyện của “hàng thế kỷ trước”. Đòi hỏi này chỉ mới được đưa ra năm 1947, khi chính phủ dân tộc chủ nghĩa của Tưởng Giới Thạch vẽ ra cái gọi là “đường đứt đoạn mười một gạch ngắn” trên các bản đồ Biển Đông, bao gồm quần đảo Trường Sa và càc chuỗi đảo khác mà Quốc Dân Đảng đang cầm quyền tuyên bố là thuộc chủ quyền Trung Quốc. Bản thân Tưởng Giới Thạch, người từng nói rằng ông coi chế độ Phát-xít Đức là mô hình cho Trung Quốc, rất say mê một khái niệm của Đức Quốc Xã gọi là Lebensraum (“không gian sinh sống”) được mở rộng cho dân tộc Trung Hoa. Tưởng không có cơ hội để chính mình theo đuổi chủ nghĩa bành trướng vì Nhật Bản luôn đẩy ông vào thế phòng thủ, nhưng các nhà địa dư của chế độ dân tộc chủ nghĩa này đã vẽ ra hình chữ U gồm mười một gạch ngắn trong một mưu toan nới rộng “không gian sinh sống” của Trung Quốc trên Biển Đông ngay sau khi Nhật Bản bị đánh bại trong Thế chiến II. Rõ ràng là, chính phủ dân tộc chủ nghĩa Trung Hoa Dân Quốc cũng phẫn nộ về việc các bản đồ Nhật Bản trong Chế chiến II mô tả toàn bộ Biển Đông như một ao nhà của Nhật. Chính phủ Trung Quốc lần đầu tiên thực sự gửi tàu vào biển Biển Đông năm 1947 với cuộc hải hành của các tàu Trung Hoa Dân Quốc mang tên Zhongjian [Trung Kiện], Zhongye [Trung Nghiệp], Taiping [Thái Bình] và Yongxing [Vĩnh Hưng]. Nhưng mãi đến nhiều năm sau, Trung Quốc mới bắt đầu xúc tiến nghiên cứu địa hình. Tiếp theo sau chiến thắng của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong nội chiến Quốc-Cộng vào năm 1949, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chấp nhận theo đuổi cuộc đảo chánh bằng bản đồ [cartographic coup] này, bằng cách sửa lại ý đồ của Tưởng thành một “đường đứt đoạn chín gạch ngắn” sau khi xóa bỏ hai gạch trong Vịnh Bắc Bộ vào năm 1953 cho thấy những nơi Tưởng chưa bao giờ gửi tàu đến. Mãi cho đến 2005, Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân mới cho xuất bản tấm bản đồ Bãi cạn Scarborough, một phiên bản sao chép từng chi tiết một từ bản đồ Hải quân Mỹ (xin cảm ơn Barney Moreland đã cung cấp cho tác giả thông tin này).
Kể từ khi Thế chiến II chấm dứt, Trung Quốc liên tục vẽ lại bản đồ của mình, xác định lại các biên giới, ngụy tạo bằng chứng lịch sử, dùng vũ lực để tạo ra các thực tế mới về lãnh thổ, đặt tên lại các đảo, và tìm cách áp đặt phiên bản lịch sử của mình lên các vùng biển trong khu vực. Việc thông qua luật nội địa 1992, “Luật về các lãnh hải và các vùng tiếp giáp chúng”, một đạo luật tuyên bố chủ quyền trên 4/5 Biển Đông, đã được tiếp nối bằng những cuộc đụng độ vũ trang với hải quân Philippines và Việt Nam trong những năm 1990. Gần đây hơn, việc Trung Quốc gửi những đoàn tàu đánh cá đông đảo và tàu hải giám vào các vùng nước đang tranh chấp trong một chiến dịch tương đương với một “chiến tranh nhân dân trên biển cả” đã làm tăng thêm các căng thẳng. Xin trích lời của Sujit Dutta [nhà nghiên cứu thâm niên tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng New Delhi], “Chủ trương phục hồi lãnh thổ không khoan nhượng của Trung Quốc đặt cơ sở trên học thuyết cho rằng cần phải chiếm đóng vùng ngoại vi để giữ vững trung tâm. Trên cơ bản, đây là một quan niệm đế quốc được các phần tử dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc, cả Quốc Dân Đảng lẫn Cộng sản, tiếp thu một cách chủ quan. Các mưu mô của chế độ [hiện nay] nhằm vói tới các biên cương tưởng tượng thiếu căn cứ lịch sử đã và đang mang lại những hậu quả chiến lược gây bất ổn cao độ.”
Rõ ràng là, một lý do mà người Đông Nam Á thấy khó chấp nhận những đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc là vì việc này sẽ đồng nghĩa với việc chấp nhận cái quan niệm về tính ưu việt của chủng tộc Hán đối với các chủng tộc và các đế chế châu Á khác. Jay Batongbacal, một giáo sư trường luật Đại học Philippines, nói rằng: “Bằng trực giác người ta sẽ thấy việc chấp nhận đường đứt đoạn chín điểm của Trung Quốc là tương đương với việc từ bỏ chính bản sắc và lịch sử tổ tiên của các dân tộc Việt Nam, Philippines, và Mã Lai; trên thực tế đó là một mưu mô làm tái sinh giữa thời hiện đại cái thái độ khinh thị của Trung Quốc đối với các dân tộc ngoại-Hán [non-Chinese] mà họ cho là ‘bọn man rợ’ không đáng được tôn trọng và không có nhân phẩm của những dân tộc.”
Nói tóm lại, các đế chế và vương quốc cổ đại không bao giờ thực thi quyền chủ quyền. “Vấn đề lịch sử” là rất phức tạp và thách thức mọi lý giải dễ dãi. Nếu đòi hỏi chủ quyền dựa vào lịch sử có giá trị, thì Mông Cổ có thể giành toàn bộ châu Á chỉ vì quân Mông đã có thời chinh phục các nước của châu lục này. Tuyệt đối không có một cơ sở lịch sử nào để hậu thuẫn cho cả hai đòi hỏi chủ quyền bằng những đường đứt đoạn [mà Quốc Dân Đảng và Cộng sản Trung Quốc đưa ra], nhất là khi xét rằng lãnh thổ các đế chế Trung Hoa không bao giờ được đặt mốc giới rõ ràng như trường hợp các quốc gia-dân tộc, mà chúng chỉ là những vùng ảnh hưởng, càng xa trung tâm văn minh thì Thiên triều càng mất dần quyền lực, mờ nhạt dần cho đến chu vi của các giống rợ bên ngoài [alien barbarians]. Đây là lập trường mà Trung Quốc đương đại đã chấp nhận kể từ những năm 1960, trong khi đàm phán về biên giới trên bộ với nhiều nước láng giềng. Nhưng đây không phải là lập trường mà Trung Quốc chấp nhận ngày nay trong các cuộc xung đột bằng bản đồ, bằng ngoại giao, và bằng quân sự ở cường độ thấp để xác định đường biên giới trên biển của mình.
Việc liên tục giải thích lại lịch sử để đẩy mạnh các đòi hỏi chủ quyền chính trị, lãnh thổ, và lãnh hải hiện nay của Trung Quốc, kết hợp với khả năng của giới lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc trong việc phát động và dập tắt “các cuộc biểu tình yêu nước tự phát” như mở và đóng một vòi nước vào những thời điểm căng thẳng với Mỹ, Nhật Bản, Nam Hàn, Ấn Độ, Việt Nam, và Philippines, khiến Bắc Kinh khó có thể trấn an các nước láng giềng rằng “cuộc trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc là hoàn toàn hoà hoãn. Chấp nhận phiên bản lịch sử của Trung Quốc có nghĩa là bác bỏ lịch sử của các nước khác và ý niệm bình đẳng giữa các quốc gia-dân tộc có chủ quyền. Vì có đến sáu quốc gia đòi hỏi chủ quyền trên các đảo san hô, các đảo, các tảng đá, và các trữ lượng dầu hỏa trong Biển Đông, những tranh chấp về quần đảo Trường Sa, theo đúng nghĩa, là những tranh chấp đa phương đòi hỏi phải có trọng tài quốc tế. Nhưng Bắc Kinh cứ khăng khăng theo đuổi đường lối song phương để giải quyết tranh chấp chỉ vì tin tưởng rằng Bắc Kinh có thể thành công nhờ ưu thế tương đối của mình và nhờ sự chia rẽ trong khối ASEAN. Đòi hỏi “chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc trên Biển Đông”, một đòi hỏi mới phát sinh vào những năm cuối của thập niên 1940, chứ không phải trong lịch sử cổ đại, đang đặt ra một thách thức đối với tất cả các quốc gia trên biển.
M. M.
Mohan Malik là Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á - Thái Bình Dương, Honolulu. Đây là quan điểm cá nhân của tác giả và không phản ánh quan điểm của Trung tâm châu Á - Thái Bình Dương. Một phiên bản ra sớm hơn và ngắn hơn của bài bày đã xuất hiện trên World Affairs, số tháng Năm/tháng Sáu 2013. Tác giả đặc biệt cảm ơn Carleton Cramer, Carlyle Thayer, Justin Nankivell, Denny Roy và Barney Moreland về những bình luận và đề nghị vô giá.