Thursday, 24 October 2013

Di sản của một 'anh hùng' - Tạp ghi Huy Phương

“Ðò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Ðáy sông còn đó bạn tôi nằm...”

Sau trận đánh Cổ Thành Quảng trị, tôi là một người lính miền Nam được đọc hai câu thơ trên của một chiến binh Bắc Việt, mà lòng không khỏi bùi ngùi. Nhưng liệu cái chết của hàng triệu những người lính vô danh như trên có làm cho những người tướng lãnh cầm quân của họ, một phút nào nghĩ lại không?
alt
Một cựu chiến binh Cộng Sản Bắc Việt thăm mộ đồng đội tại một nghĩa trang ở ngoại ô Hà Nội. (Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP/GettyImages)

-“Non! Pas du tout!” Ðó là câu trả lời lạnh lùng của Võ Nguyên Giáp cho báo chí quốc tế khi người ta hỏi viên tướng này là ông có hối tiếc gì về chuyện 4 triệu người Việt chết vì chủ nghĩa Cộng Sản hay không? Bắc Việt ghi nhận một đơn vị điển hình, trong trận đánh ở Cổ Thành Quảng Trị, Trung đoàn 27 -B5 với hơn 1,500 quân cố thủ trong Cổ Thành đã bị thương vong gần như toàn bộ tại trận địa, chỉ còn chưa đến 1 tiểu đội thoát ra ngoài vào đêm 15.9.1972. Ông Tổng Tư Lệnh “Quân Ðội Nhân Dân” Võ Nguyên Giáp đã chủ trương thí mười người lính dưới tay để giết được một quân thù.

Những ngày tù trên vùng đất Hoàng Liên Sơn Bắc Việt tôi đã có dịp chứng kiến nhiều gia đình, bàn thờ và gian nhà treo đỏ cả bằng liệt sĩ, có gia đình hy sinh đến năm mười người con, xa là trận Ðiện Biên, gần là “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước!” Cả nhà không có nổi một con trâu, trong bếp chỉ có mấy chén sành bể hay cái ca nhôm uống nước đã hoen rỉ của Trung Quốc, kỷ niệm một thời viện trợ của đàn anh.

Không phải bây giờ mà đúng ra thì Võ Nguyên Giáp thật sự đã chết từ tháng 2-1980, hay nói một cách khác “vai trò của ông Giáp trên thực tế đã kết thúc từ lâu rồi,” khi ông thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng và chỉ còn là Phó Thủ tướng phụ trách Khoa học - Kỹ thuật. Sau đó ba năm, ông được phân công kiêm nhiệm thêm vai trò Chủ tịch “Ủy ban Quốc gia Dân số và sinh đẻ có kế hoạch,” mà dân chúng đã đàm tiếu đặt thành vè: “Ngày xưa Ðại Tướng cầm quân” hay “ngày xưa Ðại tướng công đồn...”

“Giai nhân tự cổ như danh tướng, bất hứa nhân gian kiến bạc đầu,” nhưng “danh trướng” Võ Nguyên Giáp lại có tội sống lâu, vì nghe nói ông thường ở xa trận địa.

Ông sống thêm 23 năm nữa, nhưng như cổ nhân đã nói: “Ða thọ, đa nhục!” Từ lúc nghỉ hưu năm 1991, có nguồn tin từ các tay trong bộ chính trị nói rằng ông Võ Nguyên Giáp là “con nuôi của mật thám Tây,” cùng với Trần Văn Trà âm mưu đảo chánh, mục đích để loại uy tín ông. Tuy bị thất sủng, ông cố gắng đưa ra một số lời bình luận về tình hình đất nước như vụ PMU18, và không dưới 3 lần, ông đã viết thư yêu cầu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, anh chàng khiêng cáng cứu thương ở Kiên Giang, khi ông đã là Ðại Tướng Bộ Trưởng Quốc Phòng, dừng dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên, vì lý do an ninh quốc gia và vấn đề môi trường nhưng không ai thèm đếm xỉa đến ý kiến của ông.

Trong những ngày bị Lê Ðức Thọ và Lê Duẩn lấn lướt, cho đến lúc qua đời, dù là công thần của chế độ, anh hùng ngoài mặt trận, ông cũng đã cam chịu như cảnh nhà văn “chết nhát” là Nguyễn Tuân: “Tôi còn sống được đến ngày hôm nay là nhờ biết sợ...”

Võ Nguyên Giáp đã được ca ngợi và xếp ngang hàng với các danh tướng như Wellington, Ulysses S. Grant, Douglas MacArthur và cả Alexandre Ðại Ðế, hay là một “Napoleon Ðỏ”. Ông nổi tiếng nhờ chiến thắng trận Ðiện Biên Phủ đưa đến việc Pháp rút khỏi Ðông Dương và các phe lâm chiến ngồi vào bàn hội nghị Geneva.

Nhưng ông ở trong thế Việt Nam hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Cộng. Trận Ðiện Biên Phủ do bom đạn và đường lối chủ trương của Ðảng và Chính phủ Trung Cộng và máu xương của người Việt Nam. Kể từ sau năm 1950 do nối thông biên giới với Trung Quốc, lại được sự viện trợ quân sự to lớn của Trung Quốc và Liên Xô, Ðiện Biên Phủ được quyết định bởi đảng Cộng Sản Trung Quốc. Lã Quý Ba, Bí thư Tỉnh ủy, Chính ủy trong Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc, Trần Canh, Phó tư lệnh Quân khu Tây Nam kiêm Tư lệnh Quân khu Vân Nam, Vi Quốc Thanh, Chính ủy Binh đoàn số 10 kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Quân quản thành phố Phúc Châu, và các thành viên đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc lần lượt sang Việt Nam, Mai Gia Sinh làm Phó đoàn phụ trách Tham Mưu Trưởng, Ðặng Dật Phàm là Phó đoàn phụ trách Chủ nhiệm Chính trị. Kỷ niệm chiến thắng Ðiện Biên Phủ bao giờ Trung Cộng cũng làm to, khoe công của cố vấn và vũ khí Tàu tham chiến.

Không có Ðiện Biên Phủ thì sau khi Thế Chiến 2 chấm dứt, các nước đô hộ cũng đã phải trả độc lập cho các nước bị trị vì đó là xu thế chính trị thời đại, mà không phải tốn hao xương máu của nhân dân.

Từ năm 1954 trở đi, khi tiến hành “giải phóng miền Nam”, Ðảng Cộng Sản Việt Nam không chỉ bị chi phối bởi Liên Xô mà còn chịu nhiều tác động từ Ðảng Cộng sản Trung Quốc và nhằm phục vụ mục tiêu đưa cả thế giới cùng tiến lên Chủ nghĩa Cộng sản, như tuyên bố của ông Lê Duẩn, Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa và cả nhân loại”, và trường kỳ kháng chiến chỉ vì chủ trương đánh cho Trung Cộng: “Tại sao chúng tôi dám trường kỳ kháng chiến? Chủ yếu là vì chúng tôi phụ thuộc vào công việc của Mao Chủ tịch... Chúng tôi có thể tiếp tục chiến đấu, đó là vì Mao Chủ tịch đã nói rằng 700 triệu người Trung Quốc đang ủng hộ nhân dân Việt Nam một cách vững chắc!”

Nhà xuất bản Sự Thật của Ðảng CSVN, có đăng nguyên văn nội dung lãnh đạo Ðảng Cộng sản Việt Nam trả lời ông Ðặng Tiểu Bình hồi năm 1966, như sau: “Sự nhiệt tình của một nước XHCN, với một nước XHCN khác là xuất phát từ tinh thần quốc tế vô sản. Chúng tôi không bao giờ nghĩ nhiệt tâm là có hại. Nếu các đồng chí nhiệt tâm giúp đỡ thì chúng tôi có thể đỡ hy sinh 2-3 triệu người... Miền Nam chúng tôi sẽ chống Mỹ đến cùng và chúng tôi vẫn giữ vững tinh thần quốc tế vô sản”. Theo tài liệu của Trung Cộng, từ tháng 6-1965 đến tháng 8-1973 họ đã đưa đưa sang Việt Nam tổng cộng 320,000 “quân tình nguyện” bao gồm phòng không, thợ máy, thông tin...(*)

Vậy thì người “Lính Cụ Hồ” dù có được tô điểm với danh xưng giải phóng, dân tộc, tự do thì chẳng qua cũng chỉ là người lính đánh thuê mà thôi, và Võ Nguyên Giáp đã tận tình nướng quân “mục đích biện minh cho phương tiện,” để đạt mục tiêu của hai đảng đàn anh. Con người như vậy đâu phải là một người yêu nước thương dân! Võ Nguyên Giáp thắng được quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh năm 1975 là do việc sẵn sàng bất chấp tổn thất thương vong nặng nề. Về phía cộng sản, các trận đánh gần như không có thương binh, vì ở xa chiến trường và họ không có phương tiện hay không có chủ trương chuyển thương binh sau trận đánh, một số chờ chết và số lớn được “kẻ thù” săn sóc và bị bắt trở thành tù binh.

Người từng chỉ huy quân đội Mỹ ở Việt Nam, Tướng Westmoreland, đã nói về con số thương vong quá lớn trong các trận đánh dưới quyền Võ Nguyên Giáp: “Thái độ coi nhẹ mạng sống con người như vậy có thể khiến một người trở nên một đôã thủ đáng sợ nhưng không thể làm ông trở thành thiên tài quân sự được.” Theo nhà bình luận Cecil B. Currey, trong một cuốn sách viết về Tướng Giáp: “Võ Nguyên Giáp tách rời cảm xúc với những người cấp dưới cho nên chỉ xem mạng sống của họ như những con cờ để mà sử dụng không hối tiếc!”

Nhắc đến Việt Nam, thế giới nhớ đến tên Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, đó cũng là sự hãnh diện của tập đoàn CSVN, nhưng liệu hai cái tên này, sau bảy thập niên “Ngẫm từ dấy việc binh đao/Ðống xương Vô Ðịnh đã cao bằng đầu,” đã đem lại những gì no ấm, độc lập, tự do, hạnh phúc cho con người Việt Nam hôm nay chưa. Ðất nước đã hy sinh 4 triệu thanh niên ưu tú để ngày nay tồn tại một băng đảng trị vì, một xã hội phân hóa, băng hoại, phá sản và một tương lai đất nước mù mịt.

Hoàng Phủ Ngọc Tường lúc về già đã viết những câu thơ:

“Những chiều Bến Ngự giăng mưa
Chừng như ai đó mơ hồ gọi tôi
Tôi ra mở cửa đón người
Chỉ nghe tiếng gió thổi ngoài hành lang.”


“Ai đó” phải chăng là những linh hồn oan khuất Mậu Thân. Còn “danh tướng” họ Võ, vào những ngày cuối đời, ông có nghe thấy gì không?

Xin ông yên nghỉ, nhưng liệu những quốc gia láng giềng của chúng ta đã bỏ xa Việt Nam hằng nghìn dặm, đất nước họ có cần tới một cái tên như Võ Nguyên Giáp không?
(*) Theo phía Trung Quốc, tổng số viện trợ quân sự không hoàn lại của Trung Quốc cho Việt Nam gồm: 2,160 triệu khẩu súng cá nhân; 37,500 khẩu pháo; 12.9 tỷ viên đạn; 180 máy bay, 145 tàu; 1,500 xe tăng, thiết giáp; 16,330 xe tải; 16 vạn tấn lương thực quân đội; 22 vạn tấn nhiên liệu (Mân Lực, 10 năm Chiến tranh Trung - Việt, Nhà Xuất bản Ðại học Tứ Xuyên, 2-1994, Bản dịch của Tổng cục II, trang 129).

-Tại Singapore, Ðặng Tiểu Bình nói với Lý Quang Diệu, trị giá hàng hóa mà Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam đánh Mỹ lên tới hơn $10 tỉ, cao hơn chi phí cho chiến tranh Triều Tiên (Ezra F. Vogel, Deng Xiaoping and the Transformation of China, trang 271-272).