Thursday 10 October 2013

Phạm Thị Hoài: Vĩnh biệt một thời đại - Đinh Nghệ An: Điều đáng lưu tâm...

Qua những nhận xét từ công luận được biểu lộ qua các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước,

Ở hải ngoại,  số người Việt tôn sùng tướng Giáp vô điều kện, hay dè dặt không phi là không có.

Ngược lại, tại quốc nội, số người tôn trọng sự thực lịch sử, và gạt bỏ những cảm tính đầy mặc cảm, cũng không phải là ít.

Nói theo ông Bùi Tín, thì trong Nam còn chửi...

Nhưng có lẽ, theo thiển ý, quan niệm chính trị và quyền lợi thụ hưởng đóng vai trò quan trọng, nhưng cảm tính "bày đàn" cũng không thể bỏ qua.

Như tại Nga, hình ảnh huyền thoại của nguyên soái Stalin, và "cha đẻ cách mạng" Lenin, đã dần dần phai lạt để sự thực về hai nhân vật này, công cũng như tội, được trải bày ra công luận, và ai thương thì thương, ai ghét thì ghét, không bị áp lực xã hội, hay chính trị đè nặng.

0o0

Ở những nơi mà sự tôn sùng mù quáng còn phù hợp với quan niệm chính trị và quyền lợi thụ hưởng thì sự nhận định khó có thể tránh thiên kiến.

Tòa án nhân dân được các nước cộng sản lập ra để kích thích những hành động dựa trên tâm lý "bày đàn".

Những đám quốc tang, và "nhân dân" bày tỏ than khóc, thương tiếc cũng là  để kích thích những hành động dựa trên tâm lý "bày đàn".

Ở một số nơi, người ta vác xác "thánh tử vì đạo" chạy trong các đường phố, cũng là  để kích thích những hành động dựa trên tâm lý "bày đàn".

0o0

Vài năm trước đây, ai ở VN mà "đụng vào tướng Giáp" là "phạm thánh", "phạm thiêng", nhất là với đa số người dân miền Bắc VN. (Ngoại trừ nhóm ông Mười Anh)

Ngay cả, nhiều nhân vật khuynh tả trên các diễn đàn (ngay cả exryu Nhật Bản), cho dù đã không còn thân và phò chính quyền CSVN công khai vô điều kiện, cũng sẵn sàng viết bài bênh vực tướng Giáp. Thậm chí họ còn tin vào một  "sáng tạo" có một hội đồng quân sự hoàng gia Anh đã tôn vinh tướng Giáp, như 1 trong 10 vị danh tướng hàng đầu trên thế giới trong lịch sử. Thậm chí, "học giả Nguyễn Huệ Chi", "ngôi sao văn học", đứng đầu nhóm bauxite VN, cũng đã được nêu ra như một bằng chứng bảo đảm cho nguồn tin đó. (Tôi đã trích đăng trên diễn đàn này).

Khoảng 20 năm trước đây, hình ảnh ông Hồ Chí Minh còn kinh khiếp hơn. Ai đụng vào là mang họa đến thân. Mới đây, có người còn "cầm cờ tính phất động" phong trào "cấm giải thiêng" ông Hồ.

Mà "giải thiêng" là gì? Chỉ là đòi nói sự thực về ông Hồ, và được quyền nói lên suy nghĩ thật của mình về ông Hồ.

0o0

Trình độ dân trí cao sẽ làm bớt những "cảm tính cao độ" gây thành bạo lực đó. (Chẳng khác tuân lời phù thủy mà kết tội người, hoặc ngược lại) 

Trình độ dân chủ cao sẽ làm "luật pháp" được coi trọng.

Không còn có chuyện phe này lên nắm quyền là hồ hởi kết án phe đối lập là "Việt gian" rồi mang đi thủ tiêu, hoặc thành lập tòa án nhân dân đấu tố.

Ngay tại nước Pháp mà những vụ án chính trị cũng không phải là thiếu. Phe các tướng lãnh hữu cực, chống de Gaulle cũng đã bị kết tội đảo chính, đưa đến sự chia rẽ cao độ, có lúc tưởng đã làm sụp đổ nền cộng hòa xứ này.

(Do đó, trích dẫn "nhận định" của các tác giả, chính trị gia... các nước "có máu nóng trong những vấn đề mâu thuẫn" như vậy nên đừng coi là lời vàng thước ngọc, mà tôn sùng như chân lý).

0o0

Tôi thiển suy, có khuynh hướng đồng ý với tác giả Đinh Nghệ An (bài trích dưới đây), là sự tôn sùng thái quá đến độ mu muội của nhiều người Việt, cho thấy một viễn ảnh dân chủ còn xa, và sự mâu thuẫn trong xã hội còn trầm trọng.

Hình ảnh tướng Giáp chính là sự tự hào và tự nhận là chính danh, của nhiều người VN, ủng hộ đảng CSVN đánh Miền Nam, và thống trị toàn đất nước.

Hình ảnh này được trá hình và cố tình được hiểu như hình ảnh một anh hùng ái quốc, đã đánh đuổi được Pháp và Mỹ. (Và nhất là được nhiều người Mỹ và Pháp thán phục).

(Đừng quên rằng, khác với các tướng lãnh người Nhật như Togo, hay Yamamoto đánh Nga, đánh Mỹ, tướng Giáp hy sinh thân xác người Việt, bao gồm dân, quân hai miền, nhiều hơn rất nhiều so với sinh mạng người da trắng. Tướng Giáp cũng không "sát quân" Trung Cộng bằng quân Việt Nam.)  

0o0

Có thể chăng, trong "chiến lược" mà Pháp cùng VN đứng chung để ngăn một sức mạnh cộng sản khác, ông Laurent Fabius cố tình nhìn ông Giáp như một "nhà ái quốc lớn", để làm nhẹ đi sức ảnh hưởng của 4 tốt, 16 chữ vàng?

Nói theo Phạm Thị Hoài: Vĩnh Biệt một thời đại.

Vĩnh biệt một thời đại mà Mao, Hồ đã dùng máu xương người Việt để tống cổ Âu-Mỹ ra khỏi Đông Nam Á Châu.

Và mở đầu một thời đại ngăn làn sóng xâm lược từ Trung Quốc chăng?

Với "thiên tài quân sự một đại danh tướng và máu xương dân Việt"?

Thiết tưởng lòng ái quốc và sự hy sinh của người Việt xứng đáng được nhìn khác hơn chăng?

Đinh Thế Dũng

0o0

Phạm Thị Hoài: Vĩnh biệt một thời đại

goodbye

Ông là đại diện cuối cùng của một thế hệ mà chúng ta chỉ còn gặp lại trên những trang hồi kí, Thế hệ Vàng của cuộc Cách mạng Giải phóng Dân tộc, trong sáng, lãng mạn, tràn đầy lí tưởng. Qua mỗi thế hệ đến sau, vàng dần biến thành đồng thau và thế hệ hiện đang lãnh đạo đất nước này trông không khác gì đất sét. Người ta thương tiếc ông như rỏ nước mắt cho những phẩm chất đẹp đẽ cũng theo ông về bên kia, để lại bên này một thế giới chân không về giá trị.

Ông là một trong hai nhà lãnh đạo Việt Nam tắm trong một hào quang quốc tế. Người kia đã khuất từ chính xác 44 năm trước. Trong cái bóng của ông, các chính khách đương thời của chúng ta trông không khác các vĩ nhân tỉnh lẻ. Gắn với tên ông, chế độ cộng sản ở đất nước này dường như dễ gây thiện cảm hơn, thậm chí lung linh hơn trong mắt thế giới. Hào quang ấy hẳn cũng đã giúp ông tránh được số phận của nhiều đồng chí và cộng sự thân thiết từng bị nuốt chửng trong chiếc hộp đen của quyền lực đỏ đến nay còn khép kín. Những ngày này, khi hào quang ấy cũng theo ông ra đi, người ta bám vào nó như vầng sáng cuối cùng hắt lại từ dĩ vãng.

Theo ông ra đi là thiên tài quân sự mà huyền thoại đã từ lâu bịt kín mọi ngả nhận thức khác. Thiên tài cầm quân của ông đồng hóa thành thiên tài chống ngoại xâm của Đảng Cộng sản, điều sẽ trở thành biện minh số một cho độc quyền thống trị vĩnh cửu của tập đoàn chính trị mà ông suốt đời trung thành này. Thành tích của vị “Napoléon Đỏ” đã đứng cao hơn núi máu xương chiến trường. Những ngày này hoài niệm đạn bom lên tiếng để hiện thực lặng im, rằng đất nước của vị tướng vĩ đại đã thắng trong chiến tranh và thua trong hòa bình. Gần nửa cuộc đời sau của ông là bằng chứng lặng lẽ của hiện thực ấy.

Theo ông ra đi là những hi vọng tìm một điểm tựa tầm cỡ khai quốc công thần cho một hành trình cứu quốc mới, đưa Việt Nam ra khỏi vòng tròn ma quái của nghèo hèn, lạc hậu, băng hoại, phụ thuộc, chuyên chế và hỗn loạn. Dù chỉ lên tiếng một số lần, có thể là quá thưa thớt và yếu ớt so với mong đợi, và không bao giờ chạm lằn ranh cho phép của thể chế, ông đã là một biểu tượng, một chỗ dựa tinh thần, một uy quyền đạo đức trong một khung cảnh thiếu vắng mọi điểm tựa. Dù chưa từng có một ảnh hưởng quyết định nào với nền chính trị Việt Nam và quá khiêm nhẫn để đột phá và cách tân, ông đã là một địa chỉ của hi vọng cải cách.

Theo ông ra đi là thời đại đã thành cổ điển của những đại tự sự giải phóng dân tộc, chống thực dân, chống đế quốc, chống phong kiến, cách mạng vô sản và chủ nghĩa cộng sản như nấc thang tiến hóa cuối cùng của nhân loại. Một thời đại đầy xung đột, lầm than, bạo lực. Một thời đại đầy ấu trĩ, cuồng tín, u mê. Song cũng đầy những vẻ đẹp của niềm tin giản dị và hùng tráng bởi những nhân cách và tầm vóc phi thường. Thời đại ấy đã cáo chung ngay khi ông còn sống. Bây giờ ông có thể cùng thời đại của mình yên nghỉ. Một cuộc đời dài có thể vắt qua hai thế kỉ, song không một vĩ nhân nào trong lịch sử đóng được dấu ấn lên hai thời đại kề nhau.

Kính cẩn vĩnh biệt ông. Vĩnh biệt một thời đại. Cầu cho thời đại hôm nay không còn cần đến những vị tướng và những chiến trường.

Nguồn: Procontra

0o0

Điều đáng lưu tâm qua việc ông Võ Nguyên Giáp từ trần

Mấy ngày nay, người Việt khắp thế giới xôn xao bàn luận về việc từ trần của ông Võ Nguyên Giáp, người đúng đầu quân đội Việt Nam thời chống Pháp và, 1 phần trong thời chống Mỹ. Hầu như có 2 phe rõ rệt, nhắm vào 2 mục đích khác nhau :  phe thứ nhất, tán dương công trạng của ông Giáp, và phe thứ 2 phủ nhận công trạng và tố cáo ông Giáp cùng chế độ Cộng Sản tại Việt Nam hiện nay. Tôi cho rằng cả 2 điều này không đáng lưu tâm lắm. Điều đáng lưu tâm hơn là qua việc ông Giáp từ trần, chúng ta lại có dịp chứng kiến sự u mê của rất đông người Việt, vì chính cái sự u mê này mà người Việt mới bị cai trị bởi Cộng Sản và xem ra thoát khỏi nó vẫn là chuyện xa vời.

Báo chí tại Việt Nam hiện nay tràn ngập thông tin về ông Võ Nguyên Giáp, tất cả đều tôn vinh ông, mà bài nào cũng hao hao nhau, chẳng có bài nào chỉ ra những cái mới mà trước đây họ chưa đề cập. Về nhận định của nước ngoài vẫn thế, cũng là những cái họ đã đề cập rất nhiều lần rồi. Một số có đề cập đến những tin tức nước ngoài hay nhận định về ông Võ Nguyên Giáp khi ông từ trần thì cũng thế, vẫn cắt gọt, tốt thì nói thêm, xấu thì xóa hẳn, và những từ ngữ có cánh, lịch sự của người phát biểu giành cho người vừa nằm xuống, như họ vẫn thường làm cho nhiều người khác chứ không riêng gì ông Giáp. Tóm lại là chẳng có gì mới.


Báo chí "lề trái" cũng chẳng khác hơn. Họ chỉ đăng tải những gì họ đã nói trước đây, về cái xấu của ông Võ Nguyên Giáp, về đảng Cộng Sản Việt Nam, về chính phủ Việt Nam, trong quá khứ và hiện tại. Cả 2 chỉ là những băng cũ được quay lại.

Phần tôi lưu tâm hơn mà thiết nghĩ cần phân tích kỹ là phản ứng của người dân tại tại Việt Nam trước cái chết của ông, qua các phản hồi trên báo Việt Nam và cộng đồng mạng như các blogers và facebook. Tôi cho rằng phần đông những phản hồi trên là thực sự của người đọc chứ không phải ngụy tạo. Và những phản hồi đó thể hiện suy nghĩ thực của họ chứ không phải phản hồi vì miếng cơm manh áo. Rất nhiều người Việt Nam tôn vinh ông Võ Nguyên Giáp như 1 thiên tài quân sự của thế giới, một kẻ đức hạnh vẹn toàn, và không ít người đã nhỏ lệ vị ông. Tôi tôn trọng tình cảm họ dành cho người vừa khuất, nhưng điều này có liên quan đến vận mệnh quốc gia, chứ không phải là vấn đề cá nhân, nên phải nói rằng họ chỉ là những kẻ mu muội. Họ không phải là những kẻ giả dối, chỉ là mu muội.

Cách đây khoảng vài ba năm, nhà độc tài ở Bắc Hàn, Kim Jong-il, đã từ trần, chính quyền Bắc Hàn tổ chức tang lễ rất lớn, với rất nhiều cảnh quay người dân Bắc Hàn khóc vật vã cho nhà lãnh đạo này. Lúc ấy chính quyền Bắc Hàn cũng tô vẽ ông ấy bằng mọi cách và dĩ nhiên không thế thiếu những trích dẫn những nhận định của thế giới về ông, như Việt Nam đang làm. Vì thế tôi cho rằng phần đông người dân Bắc Hàn khóc do cái tâm của họ đối với nhà ông Kim Jong-il. Đối với họ, ông ấy là một thiên tài, một người đã cứu họ khỏi cảnh lầm than, một người tài đức vẹn toàn mà cả thế giới phải nghiêng mình kính phục. Họ đã khóc vì họ nghĩ thế, còn người lãnh đạo ấy có thực sự như họ nghĩ hay không lại là chuyện khác.

Điều buồn cười là lúc ấy người dân Việt Nam, những người đang khóc cho ông Võ Nguyên Giáp, trên các cộng đồng mạng và cả báo chí đều cho rằng : thật tội nghiệp người dân Bắc Hàn, bị nhồi sọ kỹ quá để rồi đi khóc thương vật vã cho 1 kẻ độc tài gian ác. Họ quên mất rằng trước đó không lâu, chính họ cũng đã khóc thương ông Hồ Chí Minh một cách mù quáng, và hôm nay họ cũng khóc thương ông Võ Nguyên Giáp như thế.


Chắc chắn họ sẽ phản ứng : không thể so sánh ông Kim Jong-il với đại tướng VNG của chúng ta được và càng không thể so sánh chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh là những nhân vật ở tầm thế giới, biết bao chính khách năm châu nghiêng minh kính phục, ông Kim Jong-il chỉ là kẻ gặp thời, nếu không có Liên Xô và Trung Quốc chống lưng, chẳng biết ông Kim Jong-il có thể sống quá 30 tưổi hay không, chứ nói gì đến chuyện lãnh đạo tài ba. Chuyện thế giới tôn vinh ông Kim Jong-il là sự nhào nặn, chế biến, hay có 1 thì thêm 10, dở 10 thì bỏ hết, của nhà cầm quyền Bắc Hàn. Do đó, dân Việt ta thương khóc Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh là đúng, còn dân Bắc Hàn thương khóc ông Kim Jong-il là do mu muội, dọ bị tuyên truyền, do bị tẩy não.

Nói thế chứ họ không nghĩ rằng người dân Bắc Hàn cũng có thể có nhận định tương tự, chỉ là đánh tráo nhân vật. Người dân Bắc Hàn cũng có thể nói : không thể so nhánh Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh với lãnh tụ Kim Jong-il của chúng ta được. Lãnh tụ của chúng ta được biết bao chính khách năm châu kính phục vì đã 1 mình chặn đứng sự bành trướng của 1 đế quốc hùng mạnh nhất thế giới, còn Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh chẳng qua là được Liên Xô và Trung Quốc chống lưng, nếu không thì đã chôn thây ở hang Pắc Bó từ lâu rồi. Chuyện thế giới tôn vinh ông Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh là sự nhào nặn, chế biến, hay thì có 1 thêm 10, dở thì có 10 thì bỏ hết, của nhà cầm quyền Việt Nam. Do đó dân Bắc Hàn ta thuơng khóc lãnh tụ Kim Jong-il là đúng, còn người dân Việt Nam thương khóc Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh chỉ vì bị tẩy não mà thôi.

Đó chính là sự mu muội của cả 2 bên. Cũng như người say rượu, họ không biết mình đang say, và lại thường bảo người khác say.




Nguyên nhân chính của sự mu muội của người dân tại Việt Nam là do chính sách tuyên truyền của chính quyền Cộng Sản Việt Nam hoạt động quá tích cực. Ngoài ra, có 1 nguyên nhân khác không kém phần quan trọng là do tinh thần AQ của người Việt quá lớn (tôi đã đề cập ở phần "Người Mỹ - Người Việt"). Họ dễ dàng tin, hoặc thích tin, những gì làm cho họ có vẻ oai phong, nhằm che dấu cái bản chất bần hèn của mình. Và khi đã được khoác vào chiếc áo oai phong, họ không muốn, hoặc không thể, có tư duy độc lập, suy nghĩ sáng suốt, vì như thế có thể làm cái áo oai phong của họ bay mất.

Tôi đã có nhận định về ông Hồ Chí Minh, ở đây chỉ muốn có vài nhận định, không đi vào chi tiết, nói về cái tầm thực sự của ông Võ Nguyên Giáp.

Theo tôi, nói về đức, ông Giáp là 1 trong số khá hiếm hoi trong lãnh đạo chính quyền Cộng Sản Việt Nam không vướng vào những trò ô trọc. Đồng thời, khác với các nhà lãnh đạo khác như ông Hồ Chí Minh, Lê Duẫn, Lê Đức Thọ, ông Giáp là người có học thức, qua trường lớp hẳn hoi. Và có lẽ nhờ tính tự trọng của một nhà trí thức, ông đã xử sự chừng mực, tránh những trò tiểu nhân mà các "đồng chí" của ông không ngại sử dụng trong các cuộc xung đột ở cung đình.

Tuy nhiên, xét kỹ ngọn ngành thì cái đức của ông cũng không phải là hoàn hảo. Ông là 1 tướng lãnh, đứng đầu quân đội, nhưng ông đã lạm dụng sinh mạng binh sĩ. Ông đặt nặng thành tích mà coi nhẹ sinh mạng binh sĩ dưới quyền ông. Trong chiến tranh, hy sinh là chuyện không thể tránh khỏi, nhưng với những tướng lãnh có luơng tri, sinh mạng của binh sĩ phải được đặt lên hàng đầu, phải hạn chế tối đa. Với những chiến lược, chiến thuật khác nhau, người tướng lãnh có thể thực hiện những chiến công với số thương vong của binh sĩ ở mức ít nhất. Phần ông Võ Nguyên Giáp, thì chiến thuật biển người thường xuyên được áp dụng và với chiến thuật ấy, có thể chiến thắng đấy, những thiệt hại về binh sĩ không hề được lưu tâm đúng mức.

Ông Võ Nguyên Giáp phải coi thường sinh mạng binh sĩ, một phần vì hỏa lực của Mỹ quá mạnh, vũ khí quá tối tân, nhưng tôi nghĩ phần chính là cái tài của ông không đủ. Chiến tranh du kích thì chỉ có thể quấy rối, làm suy yếu tinh thần đối phương, còn muốn chiến thắng thì rồi cuối cùng cũng phải đối đầu trực tiếp ngoài trận địa mà ông lại không có thực tài trong lãnh vực này.

Ngoài ra ông cũng có những tính toán quân sự sai lầm khác, cụ thể là chiến dịch tết Mậu Thân 1968, với số binh sĩ thương vong lên đến cả 100 ngàn. Ông đã bị mất ảnh hưởng nặng nề trong hàng ngũ lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam sau thất bại này, và bị thay thế bằng ông Văn Tiến Dũng. Có thể nói thành công lớn nhất của ông Võ Nguyên Giáp là trận Điện Biên Phủ. Nhưng, theo tôi trận này mang tính lịch sử, Việt Nam và thế giới, nhiều hơn là nơi phô diễn tài năng quân sự của ông Giáp, mà cụ thể là số thương vong rất lớn của lính Việt trong trận này.

Một nhà quân sự học đã nói "Một tướng tài là người cầm quân giành được chiến thắng, với số thương vong ít nhất của cả 2 phía". Với tiêu chuẩn này thì ông Giáp ở dưới mức trung bình quá xa, vì số thương vong của binh sĩ của ông trên các trận địa quá lớn, chứ chưa nói đến phía đối phương.

Ông Võ Nguyên Giáp đã đóng vai trò rất lớn trong lịch sự hiện đại của Việt Nam, nhưng xét về tài năng quân sự mà báo chí Việt Nam đang tung hô, cũng như dân chúng Việt Nam đang ca ngợi, thì chỉ là trò đãi bôi. Ở tầm thế giới, ông ở dưói mức trung bình, ở tầm Quốc Gia ông trên trung mình chút ít, nhưng ông thua người kế nhiệm là Văn Tiến Dũng, và so với một số tướng lĩnh miền Nam Việt Nam, ông cũng không hơn họ.

Tuy nhiên, điều đó đã là quá khứ, không còn quan trọng nữa. Điều quan trọng trong việc này là sự mu muội của người dân trong quá trình phát triển xã hội, để đi đến một đất nước văn minh, một quốc gia pháp trị. Hơn 50 năm nay, từ thời ông Hồ Chí Minh, họ vẫn tôn thờ các nhà lãnh đạo một cách mù quáng như thế. Chuyện chẳng gì khó khăn lắm, thậm chí có cái chết của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-il để so sánh, thế mà họ còn không tỉnh ngộ, thì cái chuyện hiểu thấu đáo khái niệm dân chủ, tinh thần pháp trị, hẳn còn lắm gian nan.

Đinh Nghệ An

http://nguoimynguoiviet.blogspot.com.au/2013/10/ieu-ang-luu-tam-qua-viec-ong-vo-nguyen.html