Thursday 10 October 2013

THƯ GỬI BẠN TA của Bùi Bảo Trúc 11-10-2013


THƯ GỬI BẠN TA của Bùi Bảo Trúc


Các bài viết hàng tuần của Nhà Báo Bùi Bảo Trúc trong mục Thư Gửi Bạn Ta


Ngày 7 tháng 10 năm 2013

Bạn ta,
Ông Võ Nguyên Giáp đã chết. Ông là một người Việt Nam, một chiến lược gia, một quân nhân lỗi lạc, đã dâng hiến một đời cho tổ quốc.
Ông là một người yêu nước. Ông yêu nước Việt Nam của chúng ta. Điều đó không ai có thể chối cãi. Ông lãnh đạo những người Việt Nam yêu nước lên đường chống lại người Pháp , chống lại chính sách tàn độc nhắm vào đất nước Việt Nam. Ông đem tuổi trẻ của ông dâng hết cho tổ quốc, cũng như những thanh niên yêu nước lên đường chiến đấu, hy sinh cho lý tưởng, cho độc lập của tổ quốc.

Gia đình tôi, những ông chú, những ông bác đã rời bỏ cuộc sống tương đối bình an, chiếc ghi ta Hạ Uy Di, vài ba mối tình lãng mạn ở Hà Nội thoát ly bỏ vợ con lên đường theo ông đi kháng chiến. Người còn người mất ở Hòa Bình, Nghĩa Lộ, Na Sản, Điện Biên…
Ông chọn lầm người để đi theo. Giá như ông đi theo Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Kỳ Ngoại Hầu thì cục diện của Việt Nam đã đổi khác. Ông là một người yêu nước, một quân nhân chỉ biết cầm quân, chỉ biết mặt trận, chiến thuật, chiến lược và một tấm lòng yêu nước.
Ông không phải là một người Cộng Sản. Ông bị những người Cộng Sản lừa và chiếm đoạt lấy chiến công của ông.
Đời sống xô đẩy ông , cuốn ông vào những dòng xoáy của lịch sử biến ông thành một con người bị những thao tác chính trị lôi ông vào những đường đi ông không kiểm soát được.
Trận Điện Biên Phủ với bàn tay của Cộng sản Trung Hoa kéo ông lún sâu vào những thao tác của Cộng sản quốc tế ông không thể thoát ra được. Ông trở thành người hùng của Cộng Sản và không thoát ra được những vây tỏa đó. Không bao lâu, ông lại bị cuốn vào một cuộc chiến khác và lần nữa, ông cũng lại không thoát ra được trong khi những thành phần cốt cán khác nhẩy lên nắm giữ những vai trò quyết định khác.
Được xưng tụng hết mình, ông tin vào những lời xưng tụng ấy của những người cần tìm một người chiến thắng hai đế quốc lớn nhất của thế giới.
Nhưng những người Cộng Sản cũng thấy được cái lập trường quốc gia không Cộng sản của ông nên sau chiến tranh, ông được trao cho một công việc không liên quan gì đến sự nghiệp quân sự của ông. Ông được trao cho công việc kiểm soát việc sinh đẻ của phụ nữ. Từ một đại tướng cầm quân xuống làm công việc kiểm soát sinh đẻ là cách trả ơn cho một quân nhân với những chiến công lừng lẫy.
Trong mấy năm cuối đời, ông cũng vài ba lần lên tiếng về vụ bô xít, về giáo dục, về biển Đông nhưng những ý kiến của ông không bao giờ được một chút quan tâm nào.
Ông chết đi, bọn Hà Nội sẽ bầy vẽ đủ chuyện để làm ra vẻ tiếc thương ông lắm nhưng thực sự chúng chẳng quan tâm bao nhiêu tới ông. Ông đã chọn cho ông một chỗ yên nghỉ cuối cùng, xa khỏi Hà Nội để được yên thân ở một nơi xa xôi.
Điều đó đã cho thấy ông nghĩ sao về cuộc đời ông đã sống.

Ngày 8 tháng 10 năm 2013
Bạn ta,
Người đàn ông ấy đến ở nhà tôi có một ngày hồi tôi còn ở Virginia khoảng 15 năm trước. Ông đến Virginia để ra mắt một cuốn sách cuả ông. Ông viết cuốn sách ấy sau khi đến Mỹ được ít lâu mặc dù trước đó, trước năm 1975, ông đã có cả gần một chục tác phẩm được xuất bản và phổ biến rộng rãi ở Việt Nam.
Một người bạn đến đón ông đi trước đến nơi ra mắt sách. Người bạn nhắc ông đeo ca vát cho tác giả có vẻ trân trọng hơn. Ông cho biết ông không có ca vát. Tôi đề nghị ông đeo tạm một chiếc trong tủ áo của tôi và mang ra cho ông. Ông cầm lấy nhưng nói không biết thắt ca vát.
Từ trái: Phan Nhật Nam, Tâm Vô Lệ, Tạ Đức Trí.
Nghe ông nói, tôi ngạc nhiên. Chuyện thắt lấy cho mình cái ca vát thì có gì là khó. Đàn ông ai mà không biết làm cái việc nhỏ đó. Ông giải thích là vì cả đời chẳng thắt nó bao giờ.
Tôi quen người đàn ông họ Phan ấy từ hồi những năm cuối thập niên 60 ở Sài Gòn. Tôi lục lạo trí nhớ một lúc thì nghĩ chắc ông nói thật. Phan Nhật Nam hơn tôi một tuổi, ra đời ở Huế. Ông học xong trung học cũng trước tôi một năm.
Nhưng ngay sau khi ra khỏi trường Phan Chu Trinh ở Đà Nẵng, năm 1961, ông vào trường võ bị Đà Lạt, khóa 18, và cho đến năm 1975, Nam không mặc xi-vin một ngày nào.
Mà như thế thì không đeo cái ca vát vào cổ một ngày nào, là chuyện thật.
Còn tôi, tôi được ông bố dậy cho thắt cái ca vát trước ngày rời Sài Gòn đi học xa. Và từ đó, cái ca vát gần như lúc nào cũng ở trên cổ. Trong suốt những năm đi học, rồi về nước dậy học, làm việc cho chính phủ, rồi lại sống mấy chục năm ở nước ngoài, lúc nào nó cũng ở trên cổ.
Trong khi bạn tôi, Phan Nhật Nam thì cứ hết treillis, lại áo trận mầu xanh, lại áo quần ngụy trang thì có lúc nào cần cái ca vát vô dụng, vô duyên, phù phiếm ở cổ đâu.
Mà Nam thì sống một cuộc đời hoàn toàn khác với tôi từ năm 1961 đến năm 1975, lúc thì binh phục của nhẩy dù, lúc thì của biệt động quân… nên ông chẳng khi nào có cái ca vát ở cổ.
Rồi những năm sau đó, từ năm 1975 đến năm 1989, tức là lại thêm 14 năm nữa, ông cũng lại không đeo trên cổ một chiếc ca vát nào bao giờ.
Ở tù, trong hầm cấm cố tử hình, trong các trại giam nghiệt ngã và tàn độc khác ở miền Bắc thì ở cổ chỉ có thể đeo cái gông, hai tay cái còng và hai chân cái cùm.
Đeo ca vát là chuyện không cần thiết với Nam. Từ năm 1990 cho đến năm 1993 là những năm ông bị quản chế ở Lái Thiêu sau khi ra tù. Trong những năm ấy, chuyện đeo cái ca vát cũng không cần thiết lắm.
Ông không biết thắt ca vát, lại cũng chẳng có lúc nào tự đi kiếm mua cho mình một chiếc để làm đẹp cho mình.
Trong lúc ấy, thì vẫn có những người tuổi tác như ông, lại lúc nào cũng đeo vào cổ cái mảnh vải phù phiếm vô dụng đó. Lại còn thắc mắc nên thắt cái nút kép Windsor hay cái nút đơn diplomat vân vân.
Tôi nghe ông nói là ông không biết thắt ca vát, mà cũng không có lấy cái ca vát, thì tôi chợt thấy ngượng và xấu hổ hết sức. Hôm ấy, nghe ông nói vậy, cái ca vát trên cổ của tôi bỗng vô vị, vô lý, vô dụng, vô tích sự, vô duyên, vô bổ, vô ích, vô lý, vô lối, vô nghĩa, vô vị…vô cùng.
Nguyên Sa có một bài thơ đọc một lần là nhớ mãi có mấy câu đầu như thế này:
Bây giờ khẩu garant ta mang trên vai
Bây giờ khẩu trung liên bar ta mang trên vai
Ta mới biết những thỏi sắt đó nặng như thế
Ta mới biết là trong cuộc đời dậy học, ta là thằng dốt nát
Trong mười mấy năm ta làm bao nhiêu tội lỗi
Trong mười mấy năm ta không nói cho học trò ta biết
Những thỏi sắt nặng như thế
Ta không nói cho vợ con đồng bào ta biết
Anh em ta và quê hương ta
Vác những thỏi sắt nặng như thế
Từ bao nhiêu năm nay…
Buổi chiều hôm ra mắt cuốn sách của ông, tôi giúp ông thắt cái ca vát. Và tôi xin lỗi Phan Nhật Nam.

Ngày 9 tháng 10 năm 2013
Bạn ta,
Tôi ghét hai chữ "chia sẻ" hết sức. Tự nhiên khoảng hơn một chục năm nay, nó xuất hiện ào ào, đi đâu cũng đụng nó. Ở cả trong nước lẫn ngoài nước. Bạ đâu cũng đọc được, cũng nghe thấy nó, như những thứ thuốc trị bá bệnh, tử vi nam nữ xem chung, kiểu những cái mũi plastic one size fits all, cứ lôi nó ra dùng đại đều được.
Cái gì cũng chia sẻ.
Đọc cái cáo phó trên đài phát thanh, người ta cũng xin mọi người chia sẻ. Ô hay, chuyện buồn là của tang gia, có chia sẻ là việc của các người trong gia đình, thân bằng cố hữu của người đã khuất. Thính giả là người ngoài sao lại bắt chia sẻ điều buồn đau ấy?
Người đọc cái quảng cáo bán xe, đọc nguyên cái list những chiếc xe đậu trong bãi sẵn sàng bán cho người mua cũng mời thính giả chia sẻ những cái xe đó.
Chia cái gì bây giờ?
Bất cứ cái gì cũng được. Một ca sĩ nói chuyện đi hát của mình cũng chia sẻ với độc giả đọc bài báo viết về cô. Kể chuyện đi hát thì cứ kể, tại sao lại chia sẻ? Người đọc bài báo sau khi được chia sẻ thì mang được gì về nhà?
Bị tai nạn, người bị thương được đưa vào bệnh viện cũng chia sẻ chuyện bị xe đụng. Sao không dùng một động từ khác, như thuật lại chẳng hạn.
Kêu gọi độc giả gửi cho tòa báo những bức ảnh chụp cảnh lá mùa thu thì phải nói là chia sẻ những bức ảnh đó trên báo. Nói về cảm tưởng của mình sau khi nghe tin về trận bão thì cũng chia sẻ. Chia sẻ cảm xúc, cái nhìn, lập trường thì cũng lôi hai chữ chia sẻ ra dùng. Tại sao không nói là bầy tỏ cảm xúc , nói lên cái nhìn, trình bầy quan điểm, lập trường của mình?
Mở một tò báo trong nước, trên có một trang báo tóm tắt các tin trong ngày, người ta cũng có thể gặp cả chục chữ chia sẻ dùng một cách văng mạng, hết người này, cơ quan này, đài này, báo nọ… cái gì cũng chia sẻ.
Bán và quảng cáo vài ba thứ mỹ phẩm, dược thảo hay nói về kinh nghiệm dùng chúng cũng chia sẻ.
Người ta dùng hai chữ chia sẻ như để lấp vào chỗ trống, khi không tìm ra được những chữ hợp lý, hợp nghĩa hơn. Cứ đem chia sẻ ra dùng phứa phựa. Đó là việc làm lười biếng, không chịu khó tìm trong óc những chữ thích hợp hơn. Việc đó cũng có thể là vì kho từ vựng tiếng Việt của họ quá nghèo nàn. Còn dăm ba chữ nhồi trong bụng, khéo khéo không rồi cũng lại rơi như ông Tú Vị Xuyên đã tự nhắc mình trước khi vào trường thi.
Tiếng Việt mang theo rơi rụng gần hết rồi chăng? Hay chỉ là lười biếng, nghèo nàn về ngôn ngữ?
Dùng chia sẻ một hồi chắc người ta cũng thấy hơi kỳ nên cũng đã có một chút nỗ lực thay đổi cho bớt nhàm chán, điệp ngữ. Thế là chia sẻ biến thành sẻ chia.
Sẻ chia là cái gì? Cắt ra, cưa thành những miếng nhỏ hơn là sẻ. Rồi quăng cho mọi người mỗi người một khúc?
Đảo lộn hai chữ chia sẻ thành sẻ chia hoàn toàn không giúp cải thiện tình hình một chút nào. Sẻ chia chỉ càng làm cho chữ nghĩa thêm phần kỳ lạ và quái đản. Cách dùng này đã thấy trong những trang báo trong nước từ ít lâu nay. Mà hễ trong nước dùng, là những con vẹt ở hải ngoại liền vồ lấy ngay, đem ra dùng lia chia ngay. Người ta nên chờ nghe những thứ chữ nghĩa vớ vẩn, ấm ớ đó từ trong nước lan ra như hai chữ chia sẻ đã tung hoàng từ mấy năm nay ở hải ngoại.
Vài ba điều vừa nói ở trên chỉ là những chia sẻ của người viết bài này gửi bạn.
Xin chia sẻ với tôi nhé. Nếu chán thì sẻ chia vậy. Nhưng nói cách nào, đảo lên, lộn xuống thì cũng vẫn là lời quê vậy. Chia sẻ nhé.

Ngày 10 tháng 10 năm 2013
Bạn ta,
Sáng nay trời đã mát. Những ngày nóng bức của mùa hè cũng đã chấm dứt, như hai câu của Đinh Hùng:
Hôm nay có phải là thu?
Mây năm xưa đã phiêu du trở về…
Và bài thơ của Prévert cũng trở lại trong buổi sáng:
Oh! Je voudrais tant que tu te souviennes
Des jours heureux ó nous étions amis
En ce temps-là la vie était plus belle
Et le soleil plus brulânt qu’aujourd’hui
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle
Les souvenirs et les regrets aussi
Et le vent du nord les emporte
Dans la nuit froide de l’oubli
Tu vois, je n’ai pas oublié
La chanson que tu me chantais
C’est une chanson qui nous ressemble
Toi, tu m’aimais et je t’aimais
Et nous vivions tous les deux ensemble
Toi qui m’aimais, moi qui t’aimais
Mais la vie sépare ceux qui s’aiment
Tout doucement , sans faire de bruit
Et la mer efface sur le sable
Les pas des amants désunis
Anh muốn em nhớ lại
Những ngày hạnh phúc khi chúng ta còn thân thiết
Lúc ấy, cuộc sống đẹp hơn bây giờ
Mặt trời cũng rực rỡ hơn hôm nay
Những chiếc lá chết được hốt đi bằng những chiếc xẻng
Em thấy đó, anh vẫn chưa quên
Những chiếc lá chết được hốt đi
Cùng với những kỷ niệm, với những hối tiếc
Và trận gió từ phương bắc đã cuốn đi tất cả
Trong đêm lạnh của quên lãng
Em thấy đó, anh vẫn chưa quên
Bài hát em đã hát cho anh
Bài hát giống hệt như chúng ta,
Em, em yêu anh, và anh yêu em
Chúng ta đã sống với nhau
Em yêu anh và anh yêu em
Nhưng cuộc đời chia cắt những cặp yêu nhau
Nhẹ nhàng, không gây một tiếng động nào
Và nước biển xóa đi
Những dấu chân trên cát của những cặp tình nhân xa rời nhau…


Giọng Yves Montand gợi nhớ buổi tối gần bốn chục năm trước trong cái hộp đêm ở Rive Gauche. Prevert đã chết. Montand cũng không còn nữa. Mùa thu không bao giờ còn với tuổi trẻ một thời.

Ngày 11 tháng 10 năm 2013
Bạn ta,
Ở một thời điểm khác, dưới một chế độ khác, trong một hoàn cảnh chính trị khác, Trần Khải Thanh Thủy có thể sẽ chỉ là một cô giáo hiền lành, yêu nghề, mến trẻ. Đời sống sẽ chỉ quanh quẩn trong gia đình, chồng con, những cuốn sách giáo khoa, những tập vở học sinh mang về nhà để chấm điểm của một cô giáo.
Nhưng Trần Khải Thanh Thủy đã trở thành một con người khác hẳn con người nhà giáo mà bà muốn trở thành khi khởi đi vào trường sư phạm và khi bà cầm lấy cây bút và bắt đầu viết văn.
Năm 1989 bà đã có sách xuất bản. Bà làm phóng viên cho báo Cựu Chiến Binh năm 1993 thì chỉ ít lâu sau, bà bị treo bút vì những bài viết làm mếch lòng chế độ. Bà quay sang viết cho các báo khác, cũng bằng cung cách viết từng khiến bà bị trừng phạt và cấm viết.
Thời gian sau, bà về nhà ngồi viết sách. Và vì những điều bà viết xuống, bà bị trù giập liên tiếp, không lúc nào ngừng nghỉ từ đó.
Vladimir Bukovsky, một nhà văn bất đồng chính kiến nổi tiếng trong những năm 60 và 70 ở Liên Xô, từng vào tù ra khám, lao động khổ sai, nhiều lần bị nhốt trong bệnh viện tâm thần đã viết về hoạt động cầm bút của ông như thế này:
I myself create it
edit it
censor it
publish it
distribute it , and
get imprisoned for it
Tôi viết xuống
sửa sang lại
kiểm duyệt nó
xuất bản nó
phân phát nó và
bị tù vì chính nó
Đó là thứ văn chương ông theo đuổi, thứ văn chương có một cái tên riêng trong tiếng Nga, samizdat, thứ văn chương kỳ quái nhất thế giới, chỉ có ở Nga và các nuớc trong khối Sô Viết. Văn chương chui. Một hình thức văn chương của những người bất đồng chính kiến tự in lấy và phát hành kín đáo nhưng sâu rộng. Những người viết, đọc, tàng trữ, phân phối đều bị trừng phạt nặng nề. Alexander Solzhenytsin, Joseph Brosky, hai khôi nguyên Nobel Văn Chương và Vladimir Bukovsky và một số khác cuối cùng bị trục xuất khỏi nước Nga để lưu vong ở Anh và Mỹ. Một số được chuộc như Anatoli Sharansky để sang Israel sinh sống.
Joseph Brosky khi ra phi trường Mạc Tư Khoa đi lưu vong, chiếc máy chữ của ông bị tháo tung từng mảnh vì nghi mang theo tài liệu mật. Đó là món quà tiểu nhân cuối cùng của nhà cầm quyền Sô Viết tặng ông.
Những chuyện tương tự cũng thấy ở một nước đàn em hạng bét của Liên Xô là Việt Nam.
Một người phụ nữ chân yếu tay mềm đã bị hành hung, bỏ tù, ném phân và nước tiểu vào nhà, toàn những trò của bọn côn quang, đứa nách thước, đứa tay đao, đầu trâu mặt ngựa, vo ve ruồi nhặng ào ào kéo đến tận nhà hăm dọa, bạo hành không biết bao nhiêu lần mà kể.
Nhưng cũng như Phùng Quán:
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn trên đá
Trần Khải Thanh Thủy can đảm và cương quyết viết sự thật xuống giấy. Nhưng ở Việt Nam, chỉ nói lên sự thật cũng đã là bôi bác, nói xấu, phản động, chống đối nhà nước rồi. Bài học của người mẹ mà Phùng Quán viết trong bài thơ Lời Mẹ Dặn năm 1957 thấy còn nguyên như những chỉ nam cho cách sống, thái độ làm người của Trần Khải Thanh Thủy.
Không thể viết công khai và chân thật trong cái đất nước hung hiểm ấy thì bà viết bí mật. Không thể phổ biến nhưng gì bà viết xuống ở trong nước thì bà đưa ra nước ngoài. Và chính qua việc làm đó, người Việt ở ngoài Việt Nam bắt đầu được đọc những bài viết của bà từ năm 2000.
Ngay từ những bài viết đầu tiên gửi ra ngoài, người ta đã thấy ngay được lối viết của bà. Lạnh lùng nhưng lại có lúc hừng hực lửa, cay độc có lúc thô tục.
Kahlil Gibran trong bài thơ dài The Life Of Love có mấy câu này:
Feed the lamp with oil and let it not dim, and
Place it by you, so I can read with tears what
Your life with me has written upon your face…
Hãy châm dầu thêm cho đèn khỏi lụi và đặt chiếc đèn xuống bên cạnh em để anh có thể đọc qua những giọt lệ những gì đời sống với anh đã viết trên gương mặt của em…
Đời sống đã để lại trong tâm hồn của Trần Khải Thanh Thủy những vết hằn độc ác, và tâm hồn đáng lý ra chỉ biết những điều tốt đẹp nhất thì đã bị nhiễm độc bởi những thứ cứt đái mà bọn côn quang của chế độ đã đổ vào căn nhà của bà.
Bà viết rất thật về cái đống cứt đái đó bằng những ngôn từ sỗ sàng và thô tục vì nhà văn dù cho có muốn cách mấy đi chăng nữa cũng không thể hành văn một cách sạch sẽ, vệ sinh khi phải mô tả cái đống cứt đái đó.
Hai cuốn sách mà Trần Khải Thanh Thủy gửi tới quí vị hôm nay là những tiếng cười nghẹn uất của những người bị bóp cổ, đè hầu thô bạo.
Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy hôm Thứ Tư 28-8-2013
tại tòa soạn Việt Báo với bộ sách mới in.(Photo VB)

Phải là người sống trong cái đống cứt đái ấy mới viết được như thế. Viết được như thế thì phải trải qua những kinh nghiệm kinh hoàng như Trần Khải Thanh Thủy đã sống qua. Đó là những kinh nghiệm ghê khiếp, đen tối như những cảnh bi thảm mà Ngô Tất Tố, Nam Cao, và luôn cả Vũ Trọng Phụng đã cực tả hồi những năm 30, 40. Tưởng những thứ ấy đã biến đi hẳn trong xã hội ngày nay. Nhưng không, chúng vẫn rất còn, còn rất nhiều. Ngoài sự độc ác, dã man, những gì Trần Khải Thanh Thủy nhìn thấy và viết lại còn mang đặc tính đểu giả của những việc làm của bọn Cộng Sản, những thứ mà bọn chúng đem phủ chụp lên toàn nước Việt từ mấy chục năm nay.
Những điều đó, Trần Khải Thanh Thủy viết xuống mà không cần một nỗ lực tưởng tượng, hư cấu nào. Không cần khả năng sáng tạo. Những câu chuyện chúng ta đọc ở đây có thể đem lại những tiếng cười thích thú nhưng chính đó lại là những chuyện bầy ra những khổ đau mà các nhân vật phải sống qua trong đời sống thật của họ.
Đọc trong internet người ta thấy nguyên một loại chuyện cười Cộng Sản trong đó có những chuyện cười Sô Viết, chuyện cười Hoa lục, chuyện cười về các lãnh tụ Cộng Sản , chuyện cười chính trị Nga , về đời sống hàng ngay ở Nga, về thời đại hậu Cộng Sản, thời Vladimir Putin…
Và hôm nay, Trần Khải Thanh Thủy với hai tác phẩm viết về những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Giọt lệ và nụ cười, hai thứ tưởng như chẳng bao giờ ở gần nhau. Nhưng trong rất nhiều trường hợp, nụ cười lại chính là một giọt lệ được hóa trang.
Hai tập chuyện cười của Trần Khải Thanh Thủy chính là những giọt lệ của đất nước chúng ta được hóa trang sơ sài.
Càng đọc càng đau.

(Bộ sách 2 tập “Chết Ngoài Kế Hoạch: Chuyện Cười Xã Hội Chủ Nghĩa.”
Độc giả muốn tìm mua, có thể gửi ấn phí 20 Mỹ Kim cho 1 tập, tức là 40 Mỹ kim cho trọn bộ tập 1 và tập 2 về tác giả:
Trần Khải Thanh Thủy
8021 Betty Lou Dr.,Sacramento, CA 95828 Phone 916 - 248 - 3414. Email: honvongphu25@gmail.com)