Saturday 12 October 2013

Sợi Dây Chuyền - Phan Hạnh

 
Về đến Sài Gòn, đêm đầu tiên Quỳnh Lan và tôi dùng bữa ăn tối trong khách sạn Park Hyatt nằm nơi góc đường Hai Bà Trưng và Cao Bá Quát với một cặp bạn mới cùng chuyến đi tour là Diệu Hằng và Thiện. Thiện là một nha sĩ và Diệu Hằng trông coi việc nhà, cai quản một ngôi biệt thự đồ sộ của họ ở Houston Texas.
 
"Anh chị cưới nhau lâu chưa?" Diệu Hằng hỏi chúng tôi một cách tự nhiên. Tôi nhận thấy ở người phụ nữ này nét thành thật mộc mạc như một viên kim cương nguyên sơ chưa mài dũa.
 
"Chúng tôi sống với nhau", Quỳnh Lan trả lời vắn tắt. Chẳng lẽ nàng lại giải thích dài dòng về mối liên hệ của chúng tôi, vốn đang sống chung với nhau trong căn condominium tầng thượng nhìn ra hồ Ontario do tôi làm chủ, nhưng cô ấy vẫn còn ngôi nhà thừa hưởng từ cuộc ly hôn với ông chồng cũ cũng là một bác sĩ. Quỳnh Lan vẫn lái xe về thăm chừng nhà ở Oakville vài lần mỗi tuần.
 
"Vâng, một sự xếp đặt êm đẹp, phải không chị”, Diệu Hằng nói.
 
"Chỉ hơn thế đôi chút thôi chị ạ", Quỳnh Lan đáp lấy lệ rồi nàng tiếp: “Nhưng thôi chị đừng gọi em bằng chị nghe khách sáo lắm.”
 
Quả thực Diệu Hằng cỡ tuổi tôi, khoảng 60 trong khi Quỳnh Lan nhỏ hơn tôi đến 5 tuổi. Với sự nhận xét sâu sắc khôn ngoan của phái nữ, Diệu Hằng đã gợi nhắc cho tôi mối liên hệ giữa Quỳnh Lan và tôi, khi êm đềm khi bấp bênh, và chúng tôi không có ý định chia sẻ với người lạ trong một tour du lịch Việt Nam như thế này. Quỳnh Lan muốn tôi cam kết lâu dài, có nghĩa là chúng tôi phải kết hôn chính thức và tôi phải dọn vào cùng sống với nàng trong ngôi nhà có kiểu dáng kiến trúc thời Victoria đã được tân trang với lối đi lát gạch và nhà để xe đủ cho hai chiếc. Nàng tin rằng nếu chúng tôi thay đổi bàn ghế cũ và trang trí lại ngôi nhà bằng các tác phẩm nghệ thuật mà chúng tôi đã bỏ nhiều thì giờ săn lùng chọn mua, chúng tôi có thể sẽ là một cặp vợ chồng mới cưới hạnh phúc.
 
Nhưng mỗi khi bước vào nhà nàng, tôi không khỏi bị ám ảnh bởi bóng dáng vô hình của người chồng cũ của nàng. Tôi tưởng tượng ông ta vẫn có thể hay biết sự hiện diện của tôi bằng những con chip điện tử nhỏ xíu giấu kín trong các bức tường. Ông ta là một bác sĩ thần kinh người Canada da trắng, 64 tuổi, nổi tiếng và thành công về tài chánh. Ông thường hay đi Florida dự hội nghị chuyên khoa, lần nào cũng đi với cô thư ký 28 tuổi cũng người Canada, sắc đẹp trung bình nhưng thân hình nẩy nở và dáng dấp khỏe mạnh. Quỳnh Lan và tôi đều nghĩ rằng cô ta như vậy là đã quá hấp dẫn đối với một ông già đang trong giai đoạn khủng hoảng tuổi về chiều.
 
Tôi đã tự thuyết phục là tôi không bao giờ có thể thay thế cương vị người chủ cũ của ngôi nhà vì tôi chỉ là quản lý của một công ty ấn loát nhỏ. Quỳnh Lan khẳng định là nàng đã xóa ông chồng cũ khỏi cuộc sống của nàng rồi. Tôi nghĩ là nàng thành thật. Nhưng tôi ngờ nàng chỉ mong muốn cho nếp sống quen thuộc cũ tiếp diễn với những buổi sinh hoạt giao tiếp với đám bạn bè gốc sinh viên miền Nam du học trước 1975 của nàng. Một mặt nàng ham vui và một mặt nàng muốn được ngưỡng mộ với ngôi nhà trang hoàng toàn đồ đạc quí giá. Mặc dù nàng không bao giờ nói hẳn ý định, tôi biết nàng muốn hợp pháp hóa mối quan hệ của chúng tôi để tái tạo cuộc sống xã hội thượng lưu trước đây của nàng.
 
Mặc dù tôi chưa chịu cam kết đi đến hôn nhân, Quỳnh Lan vẫn vui vẻ với tình trạng chúng tôi là tình nhân của nhau. Nàng thích du lịch và được chụp ảnh. Tôi cũng thích du lịch nơi này chốn nọ và thích trổ tài chụp ảnh. Đúng là một sự dàn xếp đẹp lòng cả đôi bên. Cặp chúng tôi từng qua nhiều nước, nhưng đây là lần đầu tiên tôi với nàng về Việt Nam.
 
Trong bữa ăn tối tại khách sạn, Diệu Hằng khoe vợ chồng nàng đã kết hôn được ba mươi sáu năm và sống trong hạnh phúc. Quỳnh Lan nhìn tôi và khẽ nhướng mày. Khi chúng tôi đã về phòng, Quỳnh Lan bày tỏ sự nghi ngờ về cặp vợ chồng Thiện và Diệu Hằng. Quỳnh Lan nói nàng chỉ quan sát là biết ngay cặp vợ chồng nào có thật sự hạnh phúc hay không. Nàng phân tích cho tôi thấy những điểm bất tương xứng rõ ràng giữa Diệu Hằng và Thiện. Trong khi Thiện mặc trang phục sang trọng với áo sơ-mi lụa màu xanh lục, quần tây màu beige, giày da Ý láng bóng đúng thời trang và có phong cách trí thức, Diệu Hằng thì ngược lại chỉ mặc váy và áo bằng vải cô-tông in hoa, mang giày nhẹ để đi bộ, ăn nói có vẻ bình dân. Điều lạ lùng khó hiểu hơn nữa là Diệu Hằng lại mang một sợi dây chuyền bạch kim có nhận bảy viên kim cương.
 
Quỳnh Lan quá rành rẻ về thời trang vì nàng thường mua sắm hàng đắt tiền. Nàng vào tiệm kim hoàn Tiffany ở số 150 đường Bloor St. W. nằm trong khu phố Yorkville Toronto nhiều lần đến nỗi nhân viên bán hàng biết mặt.
 
"Dây chuyền hiệu McCoy thứ thiệt đấy," nàng nói.
 
"Ai lại mang nữ trang đắt tiền đi du lịch Việt Nam làm gì?" Tôi hỏi.
 
"Em cũng chẳng hiểu."
 
Cả hai chúng tôi đều thắc mắc. Vì vậy, trong bữa ăn tối hôm sau với cặp Thiện và Diệu Hằng, tôi liều lĩnh nói:
 
"Chúng tôi thấy chị mang nữ trang đắt tiền ở Việt Nam, thật tôi cảm thấy lo ngại quá."
 
"Đi bất cứ đâu tôi cũng mang theo vì tôi rất yêu quý nó," Diệu Hằng nói. "Tôi yêu quý nó vì đây là món quà anh Thiện đã tặng cho tôi."
 
"Thế thì chắc anh chị có mua bảo hiểm?" Tôi hỏi. Quỳnh Lan ném cho tôi cái nhìn như thể tôi nói nhiều.
 
"Tất nhiên là chúng tôi có bảo hiểm, nhưng sợi dây chuyền này không thể nào thay thế được," Diệu Hằng đáp. Thiện nắm tay vợ như tỏ cử chỉ hỗ trợ và nói dứt khoát:
 
"Phụ nữ có nữ trang đẹp mà không mang thì để làm gì, em nhỉ."
 
Quỳnh Lan nhíu mày. Cô ghét sự phân biệt giới tính và không thích lời tuyên bố thiếu tế nhị. Nhưng mặc dù nàng có sẵn trong đầu óc nhiều ý kiến ​​muốn bày tỏ, Quỳnh Lan che giấu những suy nghĩ thực sự của mình. Nàng khẽ gật đầu như đồng ý với Thiện.
 
Sau khi ăn tối, khi chúng tôi ngồi riêng tại quầy bar, Quỳnh Lan quay ra cáu kỉnh:
 
"Em chán trông thấy sợi dây chuyền khoe của ấy quá!"
 
"Mấy sợi dây chuyền của em còn đẹp hơn nhiều," tôi nói.
 
"Em thấy ngứa mắt vì chị ấy diện không đúng lúc. Đây đâu phải là dạ hội trang trọng."
 
"Em muốn nói như vậy là trưởng giả học làm sang, là rỡm đời?"
 
"Cũng không hẳn là như vậy. Đúng hơn là thiếu ý thức một cách vô lý."
 
Đêm đó, khi nằm bên nhau, tôi nói đùa với Quỳnh Lan là nếu vậy thì chắc lúc đi tắm và lúc làm tình, Diệu Hằng cũng mang chiếc vòng cổ, vậy lúc chụp mammogram thì sao, bà ta có từ chối cởi nó ra không. Quỳnh Lan nhéo tôi một phát và cho rằng trí tưởng tượng của tôi đã đi quá xa.
 
Trong ba ngày, chúng tôi đi ba nơi là Vũng Tàu, Đà Lạt và Hội An. Giờ giấc sinh hoạt thay đổi lung tung bất thường, những trễ nải và kỳ kèo mua sắm, ăn thức ăn nhiều gia vị làm cho chúng tôi phát mệt. Khi đến Huế vào ngày thứ tư, Quỳnh Lan và tôi đã bị tiêu thoát năng lượng nên không cảm thấy thoải mái cho lắm. Mặc dù vậy, màn chụp hình không bao giờ bỏ qua. Từ Huế chúng tôi đi viếng Công Viên Quốc Gia Bạch Mã. Không khí nóng ẩm rít rát bám chặt da khi từng người chúng tôi bước xuống xe buýt. Điều khiến tôi ngạc nhiên là ngay nơi xa phố thị này vẫn có người ăn xin. 
 
"Thật đáng buồn." Quỳnh Lan nói, nhìn một người phụ nữ gầy gò với một nụ cười không răng và đôi mắt trống rỗng. Hầu hết mọi người trong nhóm của chúng tôi đi gần với nhau trừ Diệu Hằng, với vòng cổ kim cương lấp lánh vẫn còn tụt lại phía sau để móc ví lấy những đồng tiền có mệnh giá số ngàn và trao cho một đứa trẻ. Thiện thì đang đi phía trước bên cạnh cô hướng dẫn du lịch xinh xắn để hỏi này hỏi nọ. Quỳnh Lan thì thầm với tôi:
 
"Em thấy sao ở Việt Nam có sự khác biệt quá lớn giữa người giàu và người nghèo. Nghèo đến độ không thể tưởng tượng nổi."
 
Tôi nắm chặt tay nàng: “Một đất nước độc tài tham nhũng và không có tự do dân chủ thì nó như vậy đó em ạ.”
 
Vừa lúc đó chúng tôi nghe tiếng hét của Diệu Hằng. Cả đám quay lại. Một người phụ nữ gầy ốm với vết loét trên tay và với làn da vàng vọt đang ôm chặt lấy đầu gối của Diệu Hằng. Diệu Hằng cố vùng ra nhưng mất đà té xuống. Diệu Hằng cố đẩy người phụ nữ ra để đứng dậy. Một người đàn ông đi chân không từ đâu phóng ra xô Diệu Hằng về phía trước khiến nàng chúi nhủi úp mặt xuống đất. Hắn nhanh chóng giật sợi dây chuyền trên cổ Diệu Hằng khi nàng chưa kịp có phản ứng gì. Hai tên trộm chạy biến mất trong các lùm cây. Tôi và mấy người khác chạy đến bên Diệu Hằng, nàng ngồi trên mặt đất khóc thút thít.
 
"Chị có sao không?" Có người hỏi. Diệu Hằng khóc nức nở. Quỳnh Lan rút khăn giấy trong túi xách của nàng và lau vết trầy xước chảy máu dính bụi bẩn trên cánh tay và đầu gối của Diệu Hằng. Thiện hối cô hướng dẫn: “Gọi báo công an ngay đi!”
 
Mươi phút sau, công an cũng chẳng thấy đâu. Nhóm chúng tôi ai cũng tỏ vẻ bồn chồn lo sợ và yêu cầu chấm dứt chuyến đi thăm công viên để trở lại khách sạn ngay nhưng cũng có người muốn chờ. Thiện cau mặt trân người vì bực tức. Thiện ngó quanh quan sát. Thiện nghĩ rằng đã nhìn thấy kẻ trộm. Một ông già nhà quê đứng cách đó hơn 10 thước với một cái gì đó lấp lánh trên cổ ông ta đang đăm chiêu theo dõi. Thiện lao về hướng ông lão. Tôi la lên: “Không phải người đó!” Thiện bất kể lời tôi. Ông già há hốc miệng và mở to mắt đứng yên. Thiện mất bình tĩnh chộp cổ ông già và hét: “Ăn cướp! Giao hắn cho công an!” Ông già chợt vùng ra và chạy thụt mạng. Thiện định chạy theo nhưng Diệu Hằng nói lớn: “Thiện ơi! Không phải ông đó!” Tôi không nghe rõ tiếng gọi “anh” như mọi khi. Thiện quay lại, trên mặt còn đầy nét hằn học.
 
Tối hôm đó, chúng tôi thấy chỉ có một mình Thiện xuống ăn tối. Thiện nói: “Diệu Hằng không được khỏe.”
 
Quỳnh Lan nói: “Em xin chia buồn cùng chị Diệu Hằng.” Tôi cũng thêm vào: “Thật là một chuyện đáng tiếc xảy ra cho anh chị.” 
 
Kể từ vụ kẻ cướp giật sợi dây chuyền cổ của Diệu Hằng, con người trí thức bặt thiệp của Thiện đã thay đổi. Thiện hằn học:
 
"Những người ăn xin đó là thú chứ không phải con người!"
 
Quỳnh Lan hơi khó chịu và đã định lên tiếng phản đối nhưng tôi đã kịp khều đùi nàng ra hiệu như chúng tôi vẫn thường làm trong lúc có đám đông.
 
Sau bữa ăn tối, Quỳnh Lan và tôi về phòng ngồi nghỉ trên ghế sofa. Quỳnh Lan lắc đầu nói: “Ông Thiện nóng giận rồi mắng mấy người nghèo khổ ăn xin là thú vật em thấy kỳ quá. Họ ở trong thế bần cùng sinh đạo tặc. Đám lãnh đạo ăn cướp trên đầu trên cổ người dân mới là thú vật.”
 
Ngồi một lúc, tôi đã buồn ngủ trong khi Quỳnh Lan vẫn còn đọc tài liệu hướng dẫn du lịch Hà Nội. Mí mắt tôi nặng nề và tôi đã cố giữ cho cái đầu của tôi khỏi gục. Bỗng tôi nghe một tiếng động sột soạt từ bên ngoài phòng của chúng tôi. Quỳnh Lan dừng đọc. Tôi giật mình và hoàn toàn tỉnh táo. Tiếng gõ cửa tuy dồn dập nhưng rất nhẹ có vẻ quá nhút nhát nên chúng tôi không nghĩ đó là người giúp việc trong khách sạn. Tôi xúc động khi Quỳnh Lan ném cho tôi một cái nhìn cầu cứu. Tôi mở cửa một cách thận trọng. Diệu Hằng xuất hiện, mặc một chiếc áo thun trắng và quần Capri, mái tóc của nàng chưa được chải gỡ gọn gàng nên vẫn còn rối bù. Quỳnh Lan lo lắng:
 
"Chị sao vậy? Vào ngồi đây đã."
 
Nước mắt lăn dài trên má Diệu Hằng. Nàng thút thít khóc rồi tức tưởi nói trong nước mắt:
 
"Tôi khóc không phải vì tiếc sợi giây chuyền. Thực sự tôi không bao giờ thích đeo nó. Tôi khóc là vì Thiện cứ đổ lỗi cho tôi!"
 
"Lỗi của chị?"
 
"Anh Thiện cứ bảo là tại tôi không đi theo sát với nhóm, là chuyện đáng tiếc sẽ không xảy ra nếu tôi biết cẩn thận."
 
Tôi nóng máu nói vào: "Chứ không phải tại anh ấy bỏ chị đi lẻo đẻo phía sau à? Chính tôi thấy anh ấy cứ lo bám theo hỏi han cô hướng dẫn."
 
"Anh với Quỳnh Lan không biết chứ nhiều khi Thiện cứ xem như tôi là thứ đồ dốt nát chẳng biết gì hết. Anh ấy nghĩ rằng tôi là một người phụ nữ ngớ ngẩn quá ngu ngốc để có thể làm đúng bất cứ điều gì. Nó làm cho tôi cảm thấy luôn luôn có mặc cảm bị anh ấy khinh rẻ."
 
Quỳnh Lan ném cho tôi một ánh mắt ra hiệu ngầm để Diệu Hằng không nhìn thấy. Nàng nói:
 
"Chị có thể sắm sợi dây chuyền khác. Em có thể giúp chị khi chúng ta quay trở lại Mỹ."
 
"Chiếc vòng cổ này không bao giờ có thể thay thế được cô Lan ạ vì nó là của người mẹ quá cố của Thiện để lại. Đó là lý do tại sao Thiện bắt tôi phải đeo nó bất cứ lúc nào để nhắc anh ấy nhớ đến mẹ."
 
“Như vậy rõ ràng là lỗi của anh Thiện đó chị ạ.” Tôi nói. Diệu Hằng thở dài rồi nhỏ giọng thì thầm:
 
"Tôi có thể nằm ở sofa đây đêm nay được không?"
 
"Vâng, nếu chị cảm thấy cần." Quỳnh Lan nói.
 
"Nhưng chị có thể nói lý do tại sao đêm nay chị lại không muốn ngủ ở phòng anh chị?" Tôi hỏi.
 
"Tôi sợ," Diệu Hằng nói. "Thiện là một người đàn ông cả đoán, nóng nảy và dữ dằn nữa."
 
"Chị nói như vậy nghĩa là sao, thật em không hiểu", Quỳnh Lan nói.
 
"Anh ấy đã không dằn được tức giận và đã đánh tôi. Đây là lần đầu tiên anh ấy hành động như vậy."
 
"Trời đất! Chị có đau không chị Hằng?"
 
“Không đau lắm. Cái tát của anh ấy không quá mạnh.”
 
Diệu Hằng đưa tay xoa xoa lên một bên mặt. Tôi nhìn thấy thái dương bên trái của chị có vết bầm mờ mờ.
 
Quỳnh Lan dắt tay Diệu Hằng vào giường và nói: "Chị cứ nằm đây tự nhiên. Khi nào cần gì chị cứ gọi em." Quỳnh Lan lặng lẽ đóng cửa phòng ngủ và chúng tôi ngồi ở ghế sofa thì thầm cả giờ đồng hồ về chuyện giữa Diệu Hằng và Thiện. Tôi quên cả buồn ngủ. Quỳnh Lan vốn là người có quan niệm tự do và cổ súy bình đẳng phái tính nên phát biểu:
 
"Không ngờ ông Thiện lại quá quắt như thế. Ông ta xem vợ cứ như là vật sở hữu của mình. Hôn nhân chứ đâu phải là nô lệ."
 
Tôi nói theo:
 
"Chị ấy thực sự là người tử tế. Và anh nghĩ chị ấy không ngu ngốc đâu."
 
"Chắc chắn là không rồi. Chị ấy là viên ngọc thật đấy. Tiếc là ông Thiện không nhận biết điều đó."
 
Quỳnh Lan nhắm mắt lại, rúc đầu vào vai tôi và thì thầm tiếp: "Ông ta có cơ hội để an ủi chị ấy nhưng ông ta đã thất bại."
 
"Là sao em?" Tôi hỏi.
 
"Là tha thứ cho chị ấy. Ít ra là không đổ lỗi cho chị ấy. Chị hoàn toàn vô tội trong vụ này."
 
Tôi đồng ý.
 
Sáng hôm sau, Diệu Hằng trông vẫn còn có vẻ mệt mỏi nhưng vui vẻ ra. Chị không đề cập đến Thiện hoặc chiếc vòng đeo cổ nữa. Chị từ chối dùng phòng tắm của chúng tôi. Chị trở về phòng chị và chào đón người bồi phòng mang trà buổi sáng. Khi Diệu Hằng đi rồi, Quỳnh Lan nói: "Rõ ràng là ông Thiện yêu chiếc vòng cổ nhiều hơn yêu vợ."
 
Hôm ấy là ngày du khách đi tour được tự do. Quỳnh Lan ngỏ ý đi mua sắm riêng với Diệu Hằng để chị em có dịp tâm sự. Tuy rằng tôi chỉ muốn chia sẻ ý nghĩ với nàng thôi, nhưng trong tình cảnh bắt buộc này, tôi đành rủ Thiện đi viếng chùa Thiên Mụ và cầu ngói Thanh Toàn là hai địa điểm văn hóa cổ tôi chưa biết. Khi chúng tôi đi bộ dọc theo con đường đất, tôi nói với Thiện, "Nếu anh có hình ảnh của chiếc vòng cổ, tôi chắc chắn rằng Quỳnh Lan có thể đặt làm một cái khác y hệch như cũ."
 
Thiện lắc đầu nói: "Tôi biết có thể đặt làm cái khác. Nhưng cái đã mất mãi mãi không bao giờ thay thế được là giá trị tình cảm của nó. Nó đã được truyền lại qua bao đời trong gia đình tôi."
 
"Tôi thấy chị nhà rất buồn về sự mất mát đó."
 
"Nhưng tôi đã dặn đi dặn lại bà ấy bao nhiêu lần là nên luôn luôn đi theo sát bên tôi và phải trông chừng cẩn thận mà bà ấy không nghe."
 
"Tôi nghĩ nó cũng chẳng xảy ra khác hơn vì thật ra chị nhà đi rất gần bên chúng tôi."
 
"Đó là trách nhiệm của bà ấy mà bà ấy không biết lo. Tôi không thể tha thứ cho lỗi lầm đó."
 
Quả đúng như Quỳnh Lan nhận xét, Thiện thật là một con người cứng đầu khư khư và hẹp hòi. Mới xa nàng giây phút, tôi đã cảm thấy nhớ. Nàng thật sự là tri kỷ của đời tôi. Chúng tôi đọc hiểu ý nghĩ của nhau ngay cả khi chưa bộc lộ.
 
Đêm đó, Quỳnh Lan và tôi đều trằn trọc không ngủ được nhưng ngày hôm sau, chúng tôi cũng tham gia tour du lịch thăm viếng Hà Nội. Thiện nhất định duy trì một khoảng cách với Diệu Hằng và Diệu Hằng cũng thích gần gũi với Quỳnh Lan hơn. Quỳnh Lan và tôi tách ra khỏi nhóm sau khi đến quảng trường Ba Đình. Chúng tôi dạo Hồ Tây gần khách sạn Sheraton Hanoi, hai đứa ngồi trên băng ghế và hưởng làn gió mát. Dưới ánh nắng chiều, khuôn mặt của Quỳnh Lan tự nhiên đối với tôi phơi một nét đẹp thùy mị dịu dàng. Tôi cảm thấy thật hạnh phúc đã có nàng bên tôi. Và thật lạ, Quỳnh Lan thốt lên ý tưởng mà tôi đang nghĩ:
 
“Chúng ta được như thế này là quá may mắn anh ạ. Đi nhiều em mới thấy khắp nơi còn có quá nhiều người sống thật nghèo khổ.”
 
Ngưng một lát, nàng tiếp: “Em nghĩ với số tiền mà chiếc vòng cổ mang lại có thể nuôi cả một gia đình cả đời. Con người sống trên thế gian này cũng nên có trách nhiệm với đồng loại.”
 
Tôi đoán nàng hơi bị mặc cảm tội lỗi bởi sự giàu sang của nàng và nếp sống thượng lưu với người chồng cũ. Tôi nói trấn an nàng:
 
“Nhưng đeo một sợi giây chuyền đắt tiền không phải là một cái tội đâu em ạ.”
 
Bỗng một người đàn bà ôm một đứa bé phủ khăn bước đến đứng gần bên chúng tôi. Người đàn bà thều thào: “Xin ông bà làm ơn làm phúc giúp cho con ít tiền.” Chúng tôi quay lại. Quỳnh Lan hỏi: “Con của chị hả? Em bé sao vậy?” Người đàn bà mếu máo vén tấm khăn để lộ ra mặt đứa bé và nói: “Nó chết rồi.” Xác đứa bé đã xám ngoét. Quỳnh Lan lộ nét mặt thất thần kinh ngạc: “Con của chị chết hồi nào?” Người đàn bà bật khóc lớn lên không nói.
 
Quỳnh Lan mở ví tay và đang móc ra mấy tờ giấy bạc. Vừa lúc đó, Diệu Hằng và Thiện trờ đến. Thiện nói lớn như ra lệnh:
 
“Đừng có cho! Trò lường gạt đấy! Người ta vừa cho tôi biết bà này bồng xác đứa trẻ đã tiêm phoóc-môn đi xin tiền du khách đã mấy hôm nay rồi!”
 
Nhưng Quỳnh Lan xem như không nghe thấy hoặc có nghe cũng mặc kệ. Nàng đưa cho người đàn bà tờ giấy bạc một trăm đô Mỹ nói: “Chị cầm lấy số tiền này lo chôn cất cho đứa bé.” Đến phiên người đàn bà há hốc kinh ngạc tột độ không tin ở mắt mình. Vài người đứng gần đấy thấy vậy cũng tiến đến gần nhao nhao “Con cũng nghèo đói quá, xin bà cho con với!” Quỳnh Lan móc hết xấp giấy bạc tiền Việt Nam ra phân chia hết. Đám người xôn xao nháo nhào tranh nhau giật lấy. Nhiều người khác lại chạy đến bu quanh chúng tôi.
 
Thiện tức giận chửi đổng một tràng bằng tiếng Pháp. Bề nào Thiện cũng đã du học và tốt nghiệp nha khoa ở Pháp trước khi sang Mỹ mở phòng mạch. Có tiếng la “Công an đến!” Thế là đám đông tản ra hết. Dù sao Quỳnh Lan cũng đã trút sạch ví của nàng rồi.
 
Chúng tôi không gặp nhau ngày hôm sau vì Thiện và Diệu Hằng bận về thăm quê cũ ở Phủ Lý. Dường như cuộc hôn nhân của hai người là do bố mẹ Thiện xếp đặt vì họ không muốn Thiện lấy vợ đầm.
 
Đến ngày kết thúc chuyến du lịch Việt Nam, chúng tôi chuẩn bị hành lý để ra phi trường Nội Bài thì Thiện gọi cho chúng tôi báo tin Diệu Hằng vừa được khẩn cấp đưa vào bệnh viện. Quỳnh Lan quýnh quáng vì quá lo lắng nên hỏi ngay: “Chị đau làm sao vậy anh Thiện?”
 
Thiện đáp: “Tôi cũng không rõ lắm, chỉ biết bà ấy than đau cổ, nóng sốt, không buồn ăn uống và đầu óc cứ lơ mơ.”
 
Tôi lấy làm ái ngại nói: “Chúng tôi có thể làm gì để giúp anh chị không?”
 
 “Không làm gì được cả. Ông bà cứ về trước bình an. Cái điệu này tôi phải thu xếp đưa bà ấy tạm sang Singapore cho chắc ăn. Khi nào ổn định chúng trôi sẽ về nhà sau. Thôi bye.”
 
Chúng tôi miễn cưỡng lên máy bay rời Việt Nam mà lòng buồn lo cho Diệu Hằng vô hạn. Quỳnh Lan không khỏi rưng rưng nước mắt.
 
Về đến Toronto, chúng tôi tìm đủ mọi cách liên lạc với Thiện để rồi bàng hoàng hay tin Diệu Hằng đã chết vì bệnh viêm màng não. Thiện cho biết vừa thu xếp xong chuyến bay đặc biệt cho Diệu Hằng đi Singapore chữa trị nhưng không kịp. Thế là Thiện lại lo chuyển thi thể vợ về chôn ở Houston.
 
Quỳnh Lan nói với tôi:
 
"Nếu chị ấy sống sót thì có lẽ anh Thiện cuối cùng sẽ nhận ra giá trị phẩm chất con người của chị."
 
Tôi nói:
 
"Chắc anh ấy đã nghĩ lại và đã ăn năn."
 
"Em hy vọng là như vậy. Nhưng quá muộn. Em cũng mong là chị Diệu Hằng biết rằng chồng chị đã thực sự yêu thương và lo lắng cho chị trong những giờ phút chót nhưng không kịp. Âu cũng là định mệnh."
 
"Anh nghĩ là anh ấy có yêu vợ theo cách riêng của anh ấy. Anh hy vọng rằng anh Thiện đã có dịp nói cho chị Diệu Hằng biết điều đó trước khi chị nhắm mắt ra đi.”"
 
Quỳnh Lan xúc động và ôm tôi thật chặt. Tôi tưởng tượng ra hình ảnh tuyệt vọng buông xuôi sau cùng của Diệu Hằng, tôi nghĩ chị ấy không muốn phấn đấu để kéo dài sự sống. Tôi không nói ra ý nghĩ đó với Quỳnh Lan. Tuy nhiên, nàng vẫn đọc được suy nghĩ của tôi. Nàng khóc trên vai tôi:
 
"Chị ấy là một người tốt nhưng chỉ có hơi ngây thơ và hơi vụng về. Chị trung thành, tận tụy và chu đáo.”
 
Tôi cảm động. Tôi thấy nàng đáng yêu hơn bao giờ hết. Tôi vụng về tìm lời. Tôi vuốt tóc nàng rồi tôi nâng cằm nàng. Tôi nói:
 
“Quỳnh Lan hãy nghe anh nói đây. Anh yêu em. Anh yêu em mà không xem em như một vật sở hữu. Anh tôn trọng mọi quyết định của em.”
 
Nàng cảm động thút thít, nước mắt đầm đìa: “Em cũng quyết định rồi. Em không muốn giữ ngôi nhà cũ nữa. Em sẽ bán nó đi và bán luôn cả mấy sợi dây chuyền. Em sẽ theo anh sống bất cứ nơi nào anh chọn. Em yêu anh.”
 

Phan Hạnh