Tuesday 19 November 2013

10 dấu hiệu bệnh Alzheimer

Đôi Dòng :


"Thôi" là tên một ca khúc nổi danh , sáng tác bởi nhạc sĩ Y Vân ! 
Nhưng biết đâu có một ngày , trên sân khấu hài kịch sẻ chuyển hóa thành bi kịch lúc về khuya nếu Bạn ngon trớn giới thiệu ca khúc này là của cụ Sơn Vân ! Nếu có ai đó đang đứng gần Bạn kịp "nhắc tuồng" thì Bạn sẽ giận và "cướp đài" , vô giọng oán ngay : - "Thôi em đừng nhắc na làm gì ! Đừng để lòng se lại khúc yêu đương ..." -  mà không cần biết có em ca sĩ vừa được giới thiệu đang chờ bước lên sân khấu .  

* " 50 ~ something , men " * 
Thật đó . Đừng để bi kịch này xảy ra : Ông "em xi" bị mất job . 

Vừa mới thôi hát , quay qua giới thiệu lại bài Thôi cho cô ấy hát thì cô thối lại tiền liền cho khán giả bằng bài này : - " Thôi rồi còn chi đâu anh ơi . Có còn lại chăng dư âm Thôi . Trong cơn thương đau men đắng môi . Yêu rồi tình yêu sao chua cay .  Men nào bằng men thương đau đây . Hỡi người bỏ ta trong mưa bay . 

Phương trời mình đi xa thêm xa . Nghe vàng mùa thu sau lưng ta . Anh ơi, anh ơi ! Thu thiết tha . Ôi người vì ta qua phong ba . Có còn gì sâu trong tâm tư . Mắt lệ mờ hoen dư âm xưa . Một vầng trăng vỡ đã thôi không theo nhau . Cuộc tình đã lỡ với bao nhiêu thương đau . Hết rồi nay đã không còn gì thật rồi . Chỉ còn hiu hắt cơn sầu không nguôi . 

Con đường mình đi sao chông gai . Bước vào đời nhau bao lâu nay . Anh ơi, anh ơi ! Sao đắng cay . Thôi đành vùi sâu tâm tư thôi . Hết rồi còn chi đâu anh ơi . Hết rồi . Còn chi đâu anh ơi ..." 

Ca khúc 
Tình Lở ! 
"Bể show em hết rồi , còn chi đâu anh ơi" 
mà Lệ Quyên đã hát trong sầu thảm .
Thật tuyệt vời khi nghe lại ở đây :  

Tình trạng "tưng tửng" này khó có thể xảy ra . Tại sao . Vì nó rất dễ phòng chống nếu biết nhận ra vài dấu hiệu . Bạn nên đọc kỹ / lưu trữ / thân chuyển bài viết hữu ích dưới đây :


10 dấu hiệu 
bệnh Alzheimer
Nguyễn Thị Nhuận

Từ khoảng tuổi “50-something” trở đi, nhiều người cảm thấy có thể mình đang bắt đầu bị bệnh lẫn lộn Alzheimer's. Đi vào một cái phòng rồi không nhớ mình vào đó để lấy cái gì. Hay đặt chùm chìa khóa ở một nơi nào đó không quen thuộc thì không thể nào nhớ ra... Những chuyện như vậy khiến chúng ta hoang mang vì đôi khi khó phân biệt những thay đổi bình thường của tuổi già và những dấu hiệu của một bệnh nghiêm trọng như bệnh Alzheimer's. May thay, Hội Bệnh Alzheimer's (Alzheimer's Association) đã đưa ra danh sách cập nhật của 10 dấu hiệu bệnh Alzheimer's. Mỗi dấu hiệu trong danh sách này gồm mô tả triệu chứng với một số ví dụ. Ngoài ra còn có một đoạn ngắn gọn về những thay đổi bình thường hoặc điển hình của tuổi già, không phải là bệnh.

Những dấu hiệu bệnh Alzheimer's của Hội Bệnh Alzheimer's :

1. Mất trí nhớ khiến cuộc sống hàng ngày bị gián đoạn
Một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh Alzheimer là mất trí nhớ, nhất là không nhớ những chuyện vừa mới biết. Những dấu hiệu khác gồm có
- quên những ngày hoặc các sự kiện quan trọng
- hỏi đi hỏi lại nhiều lần cùng một chuyện
- cần dựa vào các vật giúp trí nhớ (ví dụ: những ghi chú để nhắc nhở hoặc các thiết bị điện tử giúp nhớ)
- cần những người trong gia đình giúp làm những chuyện mà trước kia họ vẫn làm một mình.

Người già bình thường, không phải bệnh: Đôi khi quên tên người khác hoặc buổi hẹn, nhưng sau đó nhớ lại được.

2. Khó khăn trong việc đặt kế hoạch hoặc giải quyết vấn đề


Một số bệnh nhân có thể mất khả năng nghĩ ra và thực hiện một kế hoạch nào đó hoặc khó khăn khi phải làm việc với các con số. Họ khó làm theo một công thức nấu ăn đã từng quen thuộc hoặc không theo dõi được các hóa đơn hàng tháng. Họ khó tập trung hơn và mất nhiều thời gian để làm một việc nào đó hơn trước đây.

Người già bình thường, không phải bệnh: Thỉnh thoảng bị sai khi ngồi tính cuốn chi phiếu.

3. Khó hoàn thành những việc quen thuộc ở nhà, nơi làm việc hoặc giải trí


Người bị bệnh Alzheimer's thấy khó để hoàn thành những công việc hàng ngày như lái xe đến một địa điểm quen thuộc, quản lý ngân sách tại nơi làm việc hoặc ghi nhớ luật lệ của một trò chơi từng yêu thích .

Người già bình thường, không phải bệnh: Đôi khi cần giúp đỡ để bấm nút trên lò vi ba hoặc để ghi lại một chương trình truyền hình.

4. Lẫn lộn thời gian hoặc địa điểm


Người bị bệnh Alzheimer có thể mất khả năng theo dõi ngày tháng, mùa và thời gian. Họ không thể hiểu được một chuyện nào đó nếu chuyện ấy không xảy ra ngay lập tức. Đôi khi họ có thể quên họ đang ở đâu hoặc làm cách nào họ đến đó được.

Người già bình thường, không phải bệnh: Nhầm lẫn về các ngày trong tuần nhưng sau đó nhớ lại được.

5. Khó hiểu hình ảnh và liên hệ không gian


Đối với một số người, thị giác có vấn đề là một dấu hiệu của bệnh Alzheimer's. Họ không thể đọc, đánh giá khoảng cách và xác định màu hoặc những tương phản. Về nhận thức, họ có thể đi qua một tấm gương và nghĩ rằng có một người khác trong phòng. Họ không nhận ra họ chính là người trong gương.

Người già bình thường, không phải bệnh: Nhìn không rõ vì bị đục thủy tinh thể (cataracts).

6. Có vấn đề mới khi nói hoặc viết


Người bị bệnh Alzheimer không thể theo dõi hay tham gia một cuộc trò chuyện. Họ có thể tự nhiên ngừng lại khi đang trò chuyện và không biết làm sao để tiếp tục hoặc họ có thể lặp lại chính mình. Họ phải cố tìm ra chữ đúng để diễn tả hoặc dùng chữ sai. (ví dụ: “gội đầu” thì nói là “rửa tóc” ) .

Người già bình thường, không phải bệnh Đôi khi gặp khó khăn tìm chữ thích hợp.

7. Đặt mọi thứ sai chỗ và mất khả năng hồi tưởng


Người bị bệnh Alzheimer's có thể đặt mọi vật ở những chỗ khác thường, thí dụ: cất kính trong lò vi ba. Họ không tìm ra chúng và không thể đi ngược lại các bước để nhớ xem mình đã đặt chúng ở đâu. Đôi khi, họ có thể buộc tội người khác ăn cắp. Điều này có thể xảy ra thường xuyên hơn theo thời gian.

Người già bình thường, không phải bệnh: Đôi khi đặt vài thứ sai chỗ, thí dụ như cặp kính hay cái điều khiển TV từ xa.

8. Mất khả năng phán đoán


Người bị bệnh Alzheimer có thể mất khả năng phán đoàn hay quyết định. Ví dụ, họ không biết sử dụng tiền bạc ra sao, đôi khi có thể cho người lạ một số tiền lớn. Họ ít để ý đến việc sửa soạn cho gọn ghẽ hay sạch sẽ .

Người già bình thường, không phải bệnh: Lâu lâu có thể quyết định sai lầm một lần.

9. Không còn thích làm việc hay dự các hoạt động xã hội


Một người bị bệnh Alzheimer thường tìm cách tránh những hoạt động giải trí, hoạt động xã hội, các dự án công việc hoặc thể thao. Họ có thể ngưng theo dõi đội thể thao yêu thích nhất hoặc không nhớ cách để hoàn thành một hoạt động giải trí mà họ từng yêu thích. Họ cũng có thể tránh gặp người khác.

Người già bình thường, không phải bệnh: Đôi khi cảm thấy chán làm việc hay những bắt buộc của gia đình và xã hội.

10. Thay đổi trong tâm trạng và tính tình


Tâm trạng và tính tình của những người bị bệnh Alzheimer's có thể thay đổi. Họ có thể trở nên lẫn lộn, nghi ngờ, chán nản , sợ hãi hay lo lắng. Họ có thể dễ dàng nổi tức ở nhà, tại nơi làm việc , với bạn bè hoặc ở những nơi không quen thuộc.
Người già bình thường, không phải bệnh: Làm việc theo cách của họ và tức giận khi phải thay đổi.

Hiểu biết về những triệu chứng của bệnh Alzheimer's kể trên giúp chúng ta quyết định đến bác sĩ để khám và định bệnh hầu có được chữa trị sớm.
 

EmojiEmojiEmojiEmojiEmojiEmojiEmojiEmojiEmojiEmojiEmojiEmoji

Làm sao tránh bệnh lẩn Alzheimer"s


Gần phân nửa số người Mỹ 85 tuổi mắc bệnh Alzheimer's, một chữ mà người Việt ở Mỹ đã quen thuộc và thường dịch là bệnh lẩn. Một số người còn mắc bệnh này khi chưa đến 65 tuổi, được gọi là bệnh lẩn sớm. Căn bệnh quái ác này thường lởn vởn trong óc tất cả chúng ta và nhiều người thường tự hỏi “Có phải mình đang mắc chứng Alzheimer's sớm?

Thực ra thì bệnh hay quên thường được gặp ở mọi lứa tuổi: không thể tìm thấy chìa khóa, quên tên người đối diện hay người trong một câu chuyện đang kể, hoặc bước vào một căn phòng rồi không thể nhớ tại sao lại vào đó. Đối với đa số thì vấn đề chỉ là do thiếu ngủ hoặc căng thẳng tạm thời. Nhưng đôi khi những triệu chứng này trở nên thường xuyên hơn và đáng lo ngại hơn khiến chúng ta cần đến gặp bác sĩ để được chẩn bệnh chính xác. Rất may là nghiên cứu gần đây cho thấy nhiều loại thực phẩm có thể giúp ngăn ngừa bệnh Alzheimer và thậm chí có thể đảo ngược các vấn đề của trí nhớ khi chúng được phát hiện sớm.

Khi xem xét óc của những người bệnh Alzheimer's, các nhà khoa học thấy giữa các tế bào não là mảng nhỏ li ti, được gọi là mảng beta- amyloid. Dưới kính hiển vi, những mảng này trông giống như viên thịt hoặc cuộn len. Họ cho rằng những mảng này đã dần dần phá hủy các tế bào óc.

Tại sao có những mảng này? Các nhà nghiên cứu ở Mỹ và châu Âu cho rằng câu trả lời tìm thấy trong thói quen ăn uống của chúng ta. Một số thức ăn làm dễ bị bệnh Alzheimer's và ngược lại, một số khác giúp ngăn chặn bệnh.
"Chất béo xấu"
Chất béo bão hòa thuộc loại chất béo không lành mạnh: đây là chất béo trong thịt và đặc biệt là trong các sản phẩm sữa, chẳng hạn như phô mai và kem. Các nhà nghiên cứu trong Chicago Health and Aging Project thấy rằng những người ăn nhiều những “chất béo xấu“ờ có hơn ba lần nguy cơ mắc bệnh Alzheimer's so với những người tránh ăn những chất béo này. Và đây là điều đáng sợ: Nếu bạn ăn hai quả trứng và một miếng bacon (thịt ba chỉ ướp mặn) cho bữa ăn sáng, một miếng ức gà không da với một ly sữa cho bữa ăn trưa, và một bánh pizza pho mát nhỏ cho bữa ăn tối, bạn đã lấy đủ “chất béo xấu” để được xếp vào nhóm có nguy cơ cao. Đúng vậy. Những thức ăn hàng ngày mà chúng ta quen ăn khiến chúng ta bị xếp vào nhóm có nguy cơ bị bệnh. Chất transfat có trong bánh donut và các món ăn vặt khác cũng làm tăng nguy cơ bị các vấn đề của trí nhớ sau này.

Sắt , đồng và các kim loại khác
Kim loại - sắt và đồng - từ các loại thực phẩm và từ nồi chảo có thể là một phần của vấn đề. Chúng ta đều cần sắt cho hồng huyết cầu và đồng cho các phân hóa tố (enzyme), nhưng với số lượng lớn, các kim loại này sản xuất các gốc hóa học làm tổn thương các tế bào não.

Các kim loại này đến từ đâu? Chất sắt có trong các loại thịt và tất nhiên là trong chảo gang, do đó nên dùng nồi chảo làm bằng thép không rỉ (stainless steel), an toàn hơn. Chất đồng được tìm thấy trong ống nước - vì vậy ta nên dùng máy lọc nước - cũng như trong gan và nhiều loại thực phẩm khác. Cả chất sắt và chất đồng thường được thêm vào các loại vitamin, vì vậy nên đọc kỹ nhãn hiệu vitamin bạn mua và chọn những loại thuốc không có các kim loại này .
Chất nhôm cũng đã được tìm thấy trong óc của bệnh nhân Alzheimer's. Trong khi các nhà khoa học tiếp tục tranh luận xem các kim loại này là thủ phạm hay chỉ là một chất có mặt vô tội vạ, tốt hơn hết là ta đừng đem chúng vào người. Không nên dùng nồi nấu bằng nhôm và đọc nhãn hiệu kỹ khi mua baking powder, thuốc antacid, và thực phẩm chế biến sẵn để chọn loại không có các chất này.

Thực phẩm bảo vệ khỏi bệnh Alzheimer's
Không phải tất cả các thực phẩm đều có hại. Một số thực phẩm thực sự bảo vệ óc. Chúng là:

-Các loại hạt chứa nhiều vitamin E, đã được chứng minh là giúp ngăn ngừa bệnh Alzheimer's. Đặc biệt tốt là hạnh nhân (almonds), quả óc chó (walnuts), quả phỉ (hazelnuts), hạt thông (pinenuts), quả hồ đào (pecans), quả hồ trăn (pistachios), hạt hướng dương (sunflower seeds), hạt vừng (sesame seeds), và hạt lanh (flaxseed). Chỉ cần một ounce (một nắm) mỗi ngày là đủ.

-Quả việt quất (blueberries) và nho có được màu đậm là từ anthocyanins, chất chống oxy hóa mạnh mẽ giúp học tập tốt và tăng trí nhớ trong các nghiên cứu tại Đại học Cincinnati.

-Khoai lang là thức ăn chính của người Okinawa, giống người sống lâu nhất trên trái đất. Họ cũng được biết là có thể duy trì tinh thần minh mẫn vào tuổi già. Khoai lang chứa nhiều beta- carotene, một chất chống oxy hóa mạnh mẽ .

-Các loại rau lá xanh cung cấp sắt trong một hình thức dễ hấp thụ hơn khi cơ thể cần nhiều và ít được hấp thụ khi cơ thể bạn đã có dư, bảo vệ bạn khỏi tình trạng quá dư chất sắt, có thể gây hại cho não. Rau xanh cũng có rất nhiều chất folate, một loại vitamin B bảo vệ óc.

-Các loại đậu và chickpeas có vitamin B6 và folate cũng như protein và cancium, không có chất béo bão hòa hoặc transfat.

-Vitamin B12 rất cần thiết để giúp hệ thần kinh và các tế bào não khỏe mạnh. Folate , vitamin B6 và vitamin B12 hợp chung sẽ loại bỏ homocysteine, là chất tích tụ trong máu - giống như chất thải nhà máy - và làm hư não.

-Ăn chay, nhất là ăn thuần chay rất tốt. Một nghiên cứu tại đại học Loma Linda cho thấy người ăn chay không chỉ sống lâu hơn những người ăn thịt mà họ giữ được sự minh mẫn lâu dài hơn.

Vận động bộ óc thường xuyên
Dùng những cách sau để vận động bộ óc:

-Làm trái tim đập mạnh hon: Đi bộ nhanh 40 phút ba lần mỗi tuần mang oxygen lên óc và có thể đảo ngược sự co rút do tuổi cao của óc, theo trường đại học Illinois.

-Vận động trí óc: Những bài tập kích thích não - từ sách, báo hay các bài tập não đã được chứng minh là làm óc mạnh lên.

-Ngủ. Giấc ngủ rất cần thiết để gìn giữ trí nhớ. Nửa đầu của đêm rất quan trọng cho giấc ngủ sóng chậm, khi bộ óc tổng hợp các sự kiện và từ ngữ học được trong ngày. Nửa thứ hai của đêm nhấn mạnh giấc ngủ REM, khi những cảm xúc và kỹ năng thể lý được tổng hợp. Nên đi ngủ vào khoảng 10:00 tối, và ngủ đủ tám tiếng hoặc nhiều giờ như có thể được.

-Bảo vệ trí nhớ của bạn

Tránh những "chất béo xấu" trong các loại thịt , các sản phẩm sữa, bánh ngọt ăn vặt, và tận dụng các chất dinh dưỡng tốt trong các loại rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt , và đậu. Vitamin B12 là một chất dinh dưỡng cần thiết. Và đừng quên tập thể dục cho thể xác cũng như tinh thần mỗi ngày.

Đừng chần chờ. Nếp nhăn bắt đầu rất sớm và cuộc sống cũng như tóc bạc và những thay đổi trong bộ óc đã bắt đầu và tiến hành trước khi hầu hết chúng ta nhận ra. Ngay bây giờ là thời gian để tận dụng các loại thực phẩm tốt cho não.

 
 
"wake up and smell the coffee"
NetpressO
r i e n d l y Yours