Wednesday, 13 November 2013

HỒN BƯỚM MƠ TIÊN Tác phẩm đầu tay của Khái Hưng - Trọng Đạt


Theo Nguyễn Phượng Thúy và Phạm Ngọc Lũy trong cuốn sách viết về Khái Hưng “Bóng Giai Nhân”, nhà văn cách mạng này đã bị Việt Minh thủ tiêu vào đêm Giao thừa Tết nguyên đán năm Đinh Hợi 21-1-1947. ....Bài khảo luận dưới đây để tưởng niệm lần thứ 63 nhà văn Khái Hưng bị Việt Minh giết và ném xuống sông tại bến đò Cựa Gà, Nam Định.

* * *

Hồn Bướm Mơ Tiên là tác phẩm đầu tay của Khái Hưng viết năm 1933, và cũng là tác phẩm đầu tiên của Tự Lực Văn Đoàn. Mặc dù chỉ là truyện ngắn vỏn vẹn chừng một trăm trang giấy, nhưng nó lại là tác phẩm nổi tiếng nhất của Khái Hưng, được nhiều người say mê, hâm mộ cũng được coi là tác phẩm thành công nhất của ông. Một truyện tình lãng mạn tuyệt vời, bay bướm y như các truyện ngắn của Ivan Tourgueniev, giá trị nghệ thuật rất cao, tâm lý nhân vật sâu sắc thể hiện sự tranh đấu giằng co giữa tình yêu và lòng mộ đạo ở nội tâm một người đệ tử xuất gia, nó cũng là một trong những tác phẩm giá trị nhất của nền văn học cận đại và hiện đại nước nhà.
Theo dư luận chung của độc giả và dư luận phê bình, Khái Hưng đã được coi như một trong những tác giả lớn nhất của nền chương Việt Nam, có người cho ông là cột trụ của Tự Lực Văn Đoàn. Ông tên thật là Trần Khánh Dư, sinh năm 1896 tại Cổ Am, Vĩnh Bảo, Hải Dương, thuộc thành phần gia đình quan lại, cha là tuần phủ Phú Thọ, bố vợ là Tổng đốc Bắc Ninh, em ruột ông Trần tiêu, cũng là văn sĩ. Khái Hưng theo tây học trường Albert Sarraut, đậu tú tài ban cổ điển, ông cũng thâm Hán nho. Khái Hưng đã cùng Nhất Linh và Hoàng Đạo thành lập Tự Lực Văn Đoàn, mở một kỷ nguyên mới cho nền văn học nước nhà. Ông tham gia cách mạng, là đảng viên tích cực của Việt Nam Quốc Dân Đảng, bị Việt Minh thủ tiêu vào đêm Giao Thừa Tết Nguyên Đán Năm Đinh Hợi 1947 tại bến đò Cựa Gà, làng Ngọc Cục, Nam định.
Các tác phẩm tiêu biểu gồm: Hồn Bướm Mơ Tiên (1933), Nửa Chừng Xuân (1934), Trống Mái (1936), Tiêu Sơn Tráng Sĩ (viết 1940, theo Vũ Ngọc Phan).
Hồn Bướm Mơ Tiên là tác phẩm đầu tay của Khái Hưng nhưng nó thể hiện một bút pháp già dặn của một tác giả lành nghề, có phần già dặn hơn những tác phẩm mà ông viết sau này.


Sơ lược cốt truyện.

“Tại chùa Long Giáng, miền Trung du Bắc Việt, Ngọc một thanh niên Tây học về thăm bác là sư cụ trụ trì chùa. Chú tiểu Lan đẹp giai, thông minh dễ thương trở thành bạn thân của Ngọc, chàng hoài nghi cho rằng Lan là gái giả trai vì giọng nói nước da của chú có vẻ giống con gái nhiều hơn.
Ngọc ở chùa đã mười hôm và nguyện trong mười ngày phải tìm ra sự thật. Chàng được biết Lan ở nhà kho, tối ngủ cài then kỹ lưỡng càng sinh nghi. Chàng theo dõi Lan một buổi tối nọ ở chùa trên khi chú cầu khấn Đức Phật phù hộ cho chú đủ nghị lực xa lánh cõi trầm luân, chàng biết chú mặc cảm tội lỗi vì đã có cảm tình với mình, Ngọc hay bịa chuyện nói bóng nói gió với chú tiểu để dò xét chú, nào chàng có người yêu bỏ đi tu nên cứ đi các chùa để tìm cô ấy. Ngọc và Lan dần dần có thân tình vì gần nhau, chàng bèn viết một bức thư tỏ lộ lòng mình rồi lên vườn sắn tìm Lan, Ngọc chưa kịp đưa thư thì Lan vội về chùa, chàng tức quá xé bức thư làm bốn, chàng quay về chùa thì Lan quay lại vườn sắn vì bỏ quên con dao, Lan chắp bốn mảnh thư lại đọc và hiểu, Ngọc vẫn chưa biết Lan đã đọc thư mình.
Một hôm sư cụ sai chú tiểu Lan mang bánh sang tạ sư ông chùa Long Vân, Ngọc xin đi cùng. Tới chùa, hai người ăn cơm nước do sư ông đãi xong ra ngoài ánh trăng ngồi nói chuyện, Ngọc cầm tay Lan, chú dựt tay chạy, hai bên lôi kéo nhau, áo Lan tuột cúc trễ vạt ra, Ngọc thấy ngực Lan quấn vải nâu.
Tối ấy Lan trốn đi vì Ngọc đã biết mình là gái, Ngọc đuổi theo hứa sẽ giữ bí mật và sẽ bỏ về Hà Nội, chàng cho biết đã yêu Lan từ lâu, Lan nói phải dừng lại ngay.
Hôm sau trở về chùa Long Giáng, Lan được biết vào lúc chiều tối, Ngọc đã về Hà Nội từ sáng, để lại mảnh giấy từ biệt. Lan khóc nhưng tự trấn tĩnh và dẹp bỏ được những cám dỗ nhỏ nhen nơi dương thế.
Sáu tháng trôi qua, Lan trải qua sự buồn nhớ, mừng lo, dần dần ngày đêm vui đạo Phật lòng cũng nguôi đi. Có lần Ngọc đi xe đạp đến gần chùa, nghỉ ở quán rồi lại đi, Lan cho là trông lầm mà cũng vẫn cho đó là thực và mong nó là thực.
Rôi Ngọc trở lại thăm Lan, Lan trách Ngọc quên lời thề không trở lại nữa, Ngọc cho biết đến thăm Lan lần cuối và chào từ biệt, Lan khóc ràn rụa nước mắt, Ngọc muốn tiến tới, Lan đẩy ra, cô chỉ muốn có một giới hạn. Ngọc hứa chỉ yêu thương trong tâm hồn và lâu lâu khi chàng được nghỉ học sẽ về chùa thăm Lan.”

Mặc dù là tác phẩm đầu tay, Hồn Bướm Mơ Tiên cho thấy một bút pháp vững vàng của Khái Hưng. Đây là một tác phẩm cân đối và hoàn chỉnh, bố cục rõ ràng, hành văn lưu loát và sáng sủa, lối thuật chuyện của ông lôi cuốn và duyên dáng xây dựng bằng những tình tiết bất ngờ tạo nhiều hứng thú.
Độc giả như lạc vào một thế giới xa lạ, trong không khí yên tĩnh của danh lam thắng cảnh miền Bắc, với cảnh chùa chiền cổ kính qua nét bút miêu tả của Khái Hưng:

. . . “Mấy nóc nhà rêu mốc chen lẫn trong đám cây rậm rạp, bốn góc, bốn gác chuông vượt lên trên từng lá xanh um.
Phía Tây, sau dẫy đồi cỏ biếc, sắc trời đỏ ửng lấp loáng qua các khe đám lá xanh đen. Mái chùa rêu phong đã lẫn cùng màu đất, cùng cây, cùng cỏ. Khoảnh khắc mấy bức tường và mấy cái cột gạch quét vôi chỉ còn lờ mờ in hình trong cái cảnh nhuộm đồng một màu tím thẫm.
Trong làn không khí yên tĩnh êm đềm, tiếng chuông thong thả ngân nga . . . như đem mùi thiền làm tăng vẻ đẹp của cảnh thiên nhiên. Lá cây rung động, ngọn khói thướt tha, bông lúa sột soạt như cảm tiếng gọi của Mâu Ni muốn theo về nơi hư không tịch mịch ”

Độc giả cũng được nghe sự tích lý thú về ngôi chùa: Đời Lý, Văn Khôi công chúa, nhan sắc diễm lệ, bỏ trốn cung điện đến chùa xin thụ pháp, nhà vua đón về, công chúa không nghe, Ngài cho phóng hỏa đốt chùa. Bỗng con rồng vàng phun nước tắt ngay nên gọi là chùa Long Giáng. Độc giả cũng được dự những ngày lễ lạc, làm chay cho vong linh người quá cố, lễ chạy đàn… tiếng kinh du dương, mùi trầm hương ngào ngạt, tiếng chuông chùa ngân nga như đưa ta vào một thế giới mộng ảo thần tiên.
Tác phẩm mở đầu bằng một hài kịch và kết thúc bằng một bi kịch, ở phần đầu lối thuật truyện duyên dáng trào phúng khiến cho độc giả chăm chú theo dõi, đôi khi phải bật cười vì những đoạn dí dỏm ngộ nghĩnh. Khi mới vào truyện, tác giả cho thấy cảnh sinh hoạt ở thôn quê thật vui tươi sống động:

“Một cô thấy người lữ khách thì trỏ bảo bạn:
- Chị em ôi, nhà tôi đã về kia kìa . . .
Mọi người cười rộ, một cô hát ví:
Hỡi anh đi đường cái quan,
Dừng chân đứng lại em than vài lời.
Đi đâu vội mấy anh ôi,
Công việc đã có chị tôi ở nhà.
Các cô vỗ tay cười rũ rượi. Lữ khách như đã biết tiếng con gái ở vùng Bắc là đáo để, cắm đầu rảo bước trên đường không ngoảnh cổ lại. Thì cô thì cô hát ví lại đứng dậy như muốn chạy đuổi theo mà gọi.
- Này anh, anh đưa va li đây em xách hộ cho. Khốn nạn! Thương hại nhà tôi đi đường mệt nhọc, mồ hôi mồ kê thế kia kìa!
Lữ khách đã đi xa, còn nghe văng vẳng sau lưng câu hát ghẹo:
“Anh về kẻo tối anh ơi!
Kẻo bác mẹ mắng rằng em dỗ giành!”

Ngọc vừa đến chùa một hôm đã có chiều thân mật với chú tiểu Lan, chàng ngờ chú là gái bèn bịa ra một truyện, chàng chiêm bao thấy đi với một nhà sư trẻ trên con đường quanh co, cây cối um tùm, một lúc tới cảnh bồng lai, thế rồi nhà sư trẻ biến thành một giai nhân, người con gái ấy lại là chú Lan. Lan cũng nhanh trí lắm, chú bèn lấy sự tích nhà Phật ra thuyết giảng để đánh lạc hướng chàng nào kẻ đã xuất gia thì gái hay trai cũng vậy, đối với đàn bà sư tổ dạy phải lánh xa để khỏi mắc vào lưới dục tình.
Ngọc ở chùa mười hôm quyết điều tra bằng được sự bí mật ấy để xem chú tiểu Lan là trai hay gái. Có lần Ngọc đang vẽ tranh, Lan lại coi, chàng bèn nhờ chú làm mẫu vẽ, chàng vẽ chú mặc áo tứ thân con gái, chú tức quá phản đối:

“Ông chế riễu tôi, ông coi tôi là một người con gái!”

Ngọc cũng nhanh trí lắm bèn giảng giải vòng vo bức tranh chàng vẽ công chúa Văn Khôi tới chùa, tựa gốc cây nhìn về Thăng Long, cuộc đấu trí của hai người thông minh khôn ngoan tạo lên một sắc thái hài hước vui nhộn, lôi cuốn linh động.
Có lần chú Lan lên gác chuông gặp con rắn sợ hết hồn chạy xuống, Ngọc lấy gậy lên đánh, chú cản lại:

“- Thôi ông đừng đánh nó phải tội, ở nhà chùa không được sát sinh.
Ngọc hỏi:
- Thế nó cắn mình nó có phải tội không?”

Câu hỏi vui tươi lại đầy ý nghĩa.
Một buổi tối nọ, Ngọc theo dõi Lan, thấy chú lên nhà chùa trên cầu khấn Phật Tổ phù hộ cho chú đủ nghị lực xa chốn trầm luân. Về sau Lan biết truyện này bèn bịa ra một truyện để đánh lạc hướng:

“. . . Có một thiếu nữ . . . nhan sắc . . . cô chòng ghẹo tôi . . . viết thư gửi tôi . . . vì thế đêm khuya tôi thường lên chùa cầu nguyện Đức Thích Ca phù hộ . . . cho cô ta tỉnh ngộ buông tha kẻ tu hành này.’’

Đôi bạn trẻ thông minh, lanh lợi, cả hai cùng tìm đủ mánh lới để dò xét và đánh lạc hướng nhau: Ngọc thì ra sức khám phá bí mật, Lan thì nghĩ đủ thứ truyện để hóa giải. Ngọc sành tâm lý lắm, nhân một buổi tối nhà chùa làm lễ chạy đàn, chàng vờ thân mật trò truyện với một cô gái quê để chọc tức chú Lan, Lan tỏ vẻ ghen tị mắng chàng:

“- Tính ông trai lơ lắm . . . nhỡ cụ biết cụ quở chết!
Ngọc thấy Lan ghen tức, chàng đoán biết chú là gái giả trai rồi ”

Một hôm sư cụ sai chú Lan sang chùa Long Vân để đem quà tạ ơn sư ông bên ấy, Ngọc đi theo, tối ấy tại chùa Long Vân Ngọc bèn vờ vĩnh rủ chú Lan ngủ cùng giường:

“- Đi có hai người ở nơi xa lạ, nằm cả một giường nói chuyện cho vui, ngủ ở ngoài muỗi nó tha đi!
- Thưa ông không tiện, sư ông biết ngài quở chết”

Phần hài kịch vui tươi dí dỏm chừng nào, sang phần bi kịch nó thể hiện nổi khổ đau cay đắng của con người chừng nấy. Phần hài kịch chấm dứt tác giả chuyển sang bi kịch thật là đột ngột, phũ phàng y như một bản nhạc đại hoà tấu đang nhẹ nhàng thanh thoát, bỗng kèn trống ầm ầm nổi lên hoặc y như cảnh trời yên bể lặng bỗng gặp phong ba bão táp nổi dậy ào ào.
Trong cái đêm sáng trăng ấy, Ngọc cầm tay Lan, hai người sô kéo nhau, áo dài áo ngắn của Lan tuột cả ra, Ngọc kêu rú lên thấy ngực Lan quấn vải nâu và biết đích xác cô là gái giả trai.
Tối ấy Lan sợ quá bỏ trốn, Ngọc đuổi theo tới một ngọn đồi, Lan hoảng hốt ngã xuống gốc thông ngất xỉu, Ngọc đỡ Lan dậy hứa ngày mai sẽ từ biệt cô về Hà Nội và giữ bí mật mọi chuyện:

“Lan lúc ấy đã tỉnh hẳn, ngồi dậy lau nước mắt mà rằng:
- Vâng tôi là gái. Tôi biết thế nào cũng chẳng giấu nổi ông. Nhưng còn câu chuyện vì sao tôi phải cải trang, thì tôi chưa thể lộ tâm can cùng ông được, chỉ xin ông buông tha kẻ tu hành này, kẻ tu hành khốn khổ này ra mà thôi”.

Hài kịch ở phần đầu thật là có duyên, dí dỏm và bi kịch ở phần cuối khiến truyện lại nhuốm mầu buồn thảm và Lan đã thành một nhân vật đáng thương.
Cô thuộc gia đình giòng giõi, thông minh, thuở nhỏ theo học chữ nho. Ông thầy là người mộ đạo thường giảng giáo lý nhà Phật cho cô, cô yêu mến cái đạo lý dịu dàng êm ái ấy, cha mẹ mất, Lan ở với chú, chú muốn ép gả cô vào nơi phú quí, linh hồn cô đã tiêm nhiễm những tư tưởng cao thượng cho đó là chuyện nhỏ nhen. Lan đã thề cùng mẹ khi bà hấp hối, cô bỏ nhà trốn đến qui y thụ giới tại chùa Long Giáng, cô đã vờ bỏ lại nhiều tang vật trên bờ sông, người ta tưởng cô đã gieo mình giòng nước bạc quyên sinh.
Ở phần này người ta cảm thương cho cho Lan vì con đường xuất gia thoát tục của cô đang hanh thông bỗng nhiên gặp nhiều trắc trở.

“Nương náu cửa từ bi hơn hai năm nay, được sư tổ quí mến truyền giáo đạo Phật, giốc lòng ngày đêm dùi mài kinh kệ, đã tưởng dứt bỏ được trần duyên ai ngờ . . . ”
Cho tới khi kết thúc truyện, cô vẫn là một người chân tu đáng kính, mặc dù lòng trần chưa rũ sạch, rồi một mối tình đầu chớm nở, Lan vẫn còn đủ nghị lực để đẩy lui những sự cám dỗ ngọt ngào và vẫn dấn thân trên con đường xuất gia thoát tục.
Mặc dù chỉ là tác phẩm đầu tay, nhưng kỹ thuật mô tả tâm lý nhân vật của Khái Hưng ở đây lại tỏ ra tế nhị thâm thúy hơn cả so với toàn bộ văn nghiệp của ông, có thể coi như một trong những tác phẩm sâu sắc nhất của nền văn chương Việt Nam, nó cũng gần giống như kỹ thuật trong các tác phẩm của Dostoievsky, một nhà văn hào cổ điển Nga. Dostoievsky là người đi tiên phong trong kỹ thuật mô tả tâm lý nhân vật tường tận, ông đã ảnh hưởng rất nhiều tới nền văn học mới trên văn đàn thế giới và có lẽ ông cũng đã ảnh hưởng đến Khái Hưng.
Ở Dostoievsky luận đề chính trong các tác phẩm là sự tranh đấu giữa thiện và ác ở nội tâm con người để làm chủ tâm hồn, ở Hồn Bướm Mơ Tiên là sự tranh đấu giằng co giữa tình yêu và chân lý, giữa bụi trần và lòng mộ đạo ở tâm hồn một cô gái trẻ đẹp đang trên đường tu hành thoát tục.
Khi Ngọc đã ở chùa được hơn mười ngày, chàng và chú Lan ngày một gần gũi thân thiết. Thế rôi một mối tình chớm nở ở trái tim cô gái giả trai này, cô ý thức được đó là một điều tội lỗi và đã lên bàn thờ Phật khấn nguyện:

“. . . Phù hộ cho đệ tử . . . có đủ nghị lực . . . xa lánh trầm luân . . . đệ tử đã giốc lòng tin mộ đạo, không ngờ nay mới biết lòng trần tục vẫn chưa giũ sạch. Nhưng đệ tử xin thề trước Đức Từ Bi . . .”

Trong đêm trăng tàn nhẫn ấy, Ngọc đã biết cái sự thực phũ phàng, chàng tượng trưng cho sự cám dỗ, chàng nói đã yêu Lan từ lúc mới gặp nhau, nào cô thông minh, xinh đẹp, chàng muốn hy sinh hết mọi sự, đến cả hạnh phúc, cả tấm ái tình tuyệt vọng của chàng.

. . . “Tôi sung sướng quá. . . Hạnh phúc của tôi. . . nếu mục đích đời người là tìm hạnh phúc thì tôi đã tới mục đích rồi”

Lan đã ngăn chặn Ngọc như sau:

“- Nhưng đi tới rồi nên đứng lại, chớ bước thêm một bước nữa”
Ngọc tưởng người đẹp đã siêu lòng, nhưng không, cô đẩy lui cám dỗ ngay:

“- Mà nếu Đức Thích Ca xuất thế để tìm hạnh phúc cho nhân loại và đưa linh hồn chúng sinh tới cõi Niết Bàn, thì tôi xin dừng chân ở gốc cây thông này, chứ chẳng muốn đi tới Nát Bàn làm gì!
Lan đứng phắt dậy, nghiêm trang đáp lại.
- Người quân tử phải giữ lời, nhất là lời hứa ấy là một lời thề.”

Ngọc cũng đứng dậy. Hai người nhìn nhau, bóng trăng khuyết rọi đầu cành. . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . giòng sông con thấp thoáng dưới bóng trăng như một giải lụa trắng rồi xa xa lẫn trong sương mù. Bỗng có tiếng gà gáy nửa đêm dưới xóm. Lan giật mình lẩm bẩm:
“- Nếu gặp nhau hai năm trước . . .
- Và bây giờ muộn quá hay sao?
- Muộn quá rồi. Vì tôi đã thề trước Phật Tổ, thì đến chết tôi cũng giữ lời thề. Đời còn chả tiếc, tiếc gì một sự cỏn con, nhỏ nhen.
- Ái tình mà . . . chú cho là một sự nhỏ nhen?
- Nhỏ nhen nếu đem sánh với lòng bác ái. Vì lòng bác ái mà Phật Tổ xa vợ, xa con, xa cha, xa mẹ lang thang khắp bốn phương giời để tìm phương giải thoát cho nhân loại. Vậy xin ông cũng vì bác ái mà xóa bỏ trong lòng những tên chú Lan, cô Thi, như thế thì ông sẽ cứu sống được một linh hồn. Trên đời chỉ có lòng bác ái là đáng kể’’

Như đã thấy, trước sự cám dỗ dai dẳng ấy người ni cô vẫn đầy nghị lực, can đảm xua đuổi nó đi để không bị rơi vào chòng tội lỗi. Cô nói rằng đã trót thề trước Phật Tổ và giữ lời thề ấy đến chết thì đủ thấy ý chí của người nữ nhi mạnh mẽ là nhường nào.
Khi trở về chùa Long Giáng cô vẫn khấn nguyện để Đấng Từ Bi cứu vớt mình thoát cảnh trầm luân.

. . . “Lan đăm đăm nhìn trời, lâm râm khấn cùng Phật Tổ xin Ngài xuống cứu vớt tấm linh hồn sắp đắm đuối. Bỗng có tiếng động bên mình…. Con vành khuyên đương lách tách nhảy trên cành lá rậm. Lan mỉm cười ngắm nghía con chim xinh xắn mướt lông rồi giơ bàn tay ravẫy. Con chim kinh sợ vụt bay”

Tất cả những cám dỗ, những lời đường mật của chàng sinh viên trẻ, của mối tình chớm nở là hiện thân của thử thách đối vối người đã xuất gia thoát tục như Lan. Cô đã vượt qua được chặng đường thử thách nhưng vẫn run sợ vì nó có thể phá hoại hoàn toàn con đường học đạo của mình:

“Lan liếc mắt ngắm phong cảnh quanh mình, lòng hoài nghi man mác đến cả cỏ cây mây nước. Cúi nhìn giòng nước bạc lấp lánh dưới chân đồi quanh co uốn khúc, rì rì lướt giữa dọc cát vàng. Trong cảnh êm đềm ấy biết đâu không ẩn núp những loài rắn độc hại người. Cho chí đám mây dịu dàng theo chiều gió thổi, làn khói lờ đờ bay, lẫn lá xanh, biết đâu không trở nên cái sức mạnh phá phách của con tạo vô tình . . .”

Là người đã xuất gia nhưng cô cũng vẫn dạt dào tình cảm, khi biết tin Ngọc về Hà Nội, Lan hốt hoảng:

“- Về lúc nào?. . . sao lại về Hà Nội?. . . Về Hà Nội rồi à?”

Ngọc để lại bức thư vắn tắt:

“Giữ lời hứa tối hôm qua, tôi xin kính chào chú ở lại tu hành cho thành chánh quả. . . chú còn tưởng nhớ tới tôi là người bạn khốn khổ này, thì xin chú cầu nguyện cho linh hồn tôi chóng được lên cõi Nát Bàn”
Đọc thư xong mấy lần, Lan ngồi phịch xuống giường lấy tay bưng mặt khóc nức nở không ra tiếng, nỗi sầu khổ trong lòng theo hai hàng lệ tuôn rơi, đó là dấu hiệu của mối tình đầu chớm nở, nhưng ngay khi ấy lòng tin mộ đạo lại nhắc nhở cho cô biết rằng mình đã là kẻ xuất gia thoát tục, Lan như tỉnh cơn mơ:

“Thôi ta điên mất rồi chẳng lẽ . . . Lan đứng phắt dậy, tắt đèn rồi lau nước mắt quả quyết đi lên chùa trên, vừa đi vừa lẩm bẩm: Quên! phải quên! Lời thề trước linh hồn mẹ ta hãy còn nhớ đinh ninh trong trí. Đó là cái bùa để trừ bỏ những sự cám dỗ của cái tình nhỏ nhen ở nơi dương thế”

Người ni cô mặc cảm tội lỗi đang ra sức sua đuổi cám dỗ, người ta thấy cô vừa đáng thương, vừa đáng trọng:

“Lan lẩm bẩm “ta rất có tội với đức Phật tổ”

Lúc ấy Lan thoáng ngửi thấy mùi trầm. Thì ra lên tới chùa trên từ bao giờ mà Lan không biết vẫn tưởng còn ngồi trong buồng Ngọc. Ngước mắt trông lên thấy các tượng thấp thoáng trong bóng đèn tù mù dầu lạc. Tuy không nhìn rõ, nhưng Lan cũng tưởng tượng ra cái vẻ tươi cười, khoan dung mà lãnh đạm của những pho bụt. Từ từ Lan cúi mặt như người bị quở mắng, rồi rón rén tới bục gỗ quì xuống thì thầm khấn khứa.

Ngọc đi được ba bốn ngày, Lan buồn rầu chẳng thiết gì, một buổi chiều, Lan thơ thẩn bên vườn sắn, cô thả hồn về phía xa, thở dài buột miệng cõi Niết Bàn, chốn Bồng Lai. Cô mỉm cười lẩm bẩm thế nào cũng phải xa lánh nơi trần tục.
Khi ấy cô đã thu hết can đảm để chế ngự tội lỗi và lúc này lòng tin mộ đạo đang ưu thế tưởng như tình yêu, tội lỗi không bao giờ còn quay trở lại được.

“Tiếng chuông đổ hồi như vui mừng cười reo vì đã giải thoát được linh hồn Lan”

Dần dần ngày đêm vui đạo Phật, lòng đã nguôi đi, khi chiều tà gió thổi, trăng mọc đầu non, hình ảnh người bạn vẫn còn phảng phất, nhưng đạo từ bi vẫn thắng được mối tình chớm nở, Lan vui mừng vì đã qua được một bước khó khăn trên đường thoát tục.
Nhưng có ngờ đâu, cám dỗ lại trở về, Ngọc lại hiện ra, chàng cho biết lên thăm Lan như vậy có tội với sự tu hành của cô, nhưng vì chàng không thể nào quên được cô. Lan hốt hoảng:

“Ông điên mất rồi . . . Ông nên cưỡi xe đạp trở về ngay”

Ngọc có vẻ thất vọng, chàng nói chỉ thăm Lan lần cuối cùng, mai kia kẻ Bắc người Nam, sẽ không bao giờ còn gặp lại nữa. Lan nghe vậy bèn bưng mặt khóc, nước mắt ràn rụa ướt cả vạt áo, tình yêu tội lỗi lại xâm chiếm lấy tâm hồn cô . . . cám dỗ lại nổi lên dữ dội:

“Ngọc vội cúi xuống đỡ tay Lan kêu van:
- Ngọc xin lỗi Lan. Đấy Lan nghĩ xem Lan có thể không yêu Ngọc được đâu? cặp linh hồn ta như một điệu nhạc, không cảm động nhau sao được!”

Ngọc tưởng đã nắm chắc phần thắng trong tay, nhưng sức mạnh của lòng mộ đạo ở như Lan vẫn còn mạnh lắm, nó đẩy lui cám dỗ ngay:

“Lan đứng phắt dậy sẽ ẩy bạn ra.
- Không bao giờ thế được!
. . . . . . . . . .
. . . . . Thôi ông đừng nói nữa, mỗi lời nói của ông như đốt như sé ruột kẻ tu hành này, ông nên về ngay đi.” . . .

Cô cho biết sẽ bỏ chùa trốn lên tu ở miền thượng du, thế là Ngọc đành phải nhượng bộ, chàng chỉ xin lâu lâu ghé thăm bạn và thề rằng suốt đời chàng sẽ thờ phụng trong tâm trí cái linh hồn dịu dàng của Lan, sẽ sống mãi trong thế giới mộng ảo của tình yêu bất vong bất diệt.
Và sau cùng, trải qua bao nhiêu phấn đấu cam go, Lan đã đủ nghị lực để xa lánh chốn trầm luân và lại dấn bước trên con đường thoát tục. Đức Phật nói “Ai tự thắng mình là người chiến sĩ dũng cảm nhất”. Lan được coi như một chiến sĩ dũng cảm vì đã can đảm chống lại cám dỗ của tình yêu tội lỗi. Dù trái tim đã rung động sốn sao vì mối tình đầu chớm nở của người thiếu nữ đang độ xuân thì, nhưng cuối cùng cô vẫn là người xuất gia thoát tục, đã giữ vẹn được lời thề trước Đấng Từ Bi. Cuộc phấn đấu chấm dứt.

Qua ngọn bút mô tả của Khái Hưng, Ngọc và Lan thể hiện hai thế giới hoàn toàn khác biệt: Ngọc tiêu biểu cho người trần tục nghĩ rằng tình yêu mới là quan trọng vô biên, ở như chàng cũng đã diễn ra sự tranh đấu giằng co giữa lương tâm và tội lỗi, chàng cũng ý thức được rằng lấy tình yêu để cám dỗ một người mộ đạo như Lan là điều tội lỗi, chàng có lòng quân tử nhưng bị Thần ái tình chế ngự, chàng đã không giữ được lời thề:

. . . “Chỉ vì tôi không quên được nên tôi mới khổ tâm thế này . . . nếu tôi quên được hết thì đâu đến nỗi . . .”
Lan tiêu biểu cho con người xuất thế, cô cho rằng tình yêu chỉ là ảo tưởng của hạnh phúc, sự thể hiện của chốn trầm luân, nó chỉ là một sự nhỏ nhen so với lòng bác ái của Đấng Từ Bi.

“Trên đời chỉ có lòng bác ái mới là đáng kể”

Phần kết thúc Ngọc có nói rằng:

“. . . Tôi không có gia đình nữa. Đại gia đình của tôi nay là nhân loại, là vũ trụ, mà tiểu gia đình tôi là . . . hai linh hồn đôi ta, ẩn núp dưới bóng từ bi Phật tổ”

Và như vậy tình yêu của Lan và Ngọc chỉ là một phần tử nhỏ nhen của lòng bác ái bao la, vì lòng bác ái mà Phật Tổ đã lang thang khắp bốn phương trời để tìm phương giải thoát cho nhân loại.
Hồn Bướm Mơ Tiên, tác phẩm của tình yêu, nó thể hiện một tình yêu rộng rãi bao la: đó là Tình Yêu Nhân Lọai.

Trọng Đạt

Đọc toàn bộ Tác Phẩm Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng xin bấm vào đây: