Thursday 14 November 2013

Quốc tế phản ứng về việc Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền LHQ

 
 
VOA Tiếng Việt
 

13.11.2013

Quốc tế phản ứng về việc Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền LHQ

bởi Trà Mi-VOA
Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Geneva.
Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Geneva.

Các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế lên tiếng bày tỏ quan ngại trước việc Việt Nam ngày 12/11 thắng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc giữa lúc những tai tiếng về vi phạm nhân quyền của Hà Nội không ngừng leo thang.

Tại cuộc biểu quyết hôm qua, Việt Nam lần đầu tiên được Đại Hội đồng Liên hiệp quốc khóa 68 chọn là một trong số 14 thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc với 184/193 quốc gia bỏ phiếu tán thành.

Cùng bước vào nhiệm kỳ 3 năm tại Hội đồng với Việt Nam còn có những nước lâu nay cũng bị quốc tế lên án về thành tích nhân quyền như Trung Quốc, Nga, Ả Rập Xê-út, hay Cuba.
Chúng tôi không nghĩ rằng một khi được ghế rồi thì họ sẽ cải thiện. Thậm chí, thành tích nhân quyền của Hà Nội còn có thể sẽ tệ đi vì họ sẽ cảm thấy thuận tiện đàn áp hơn nữa một khi đã lọt được vào Hội đồng...
Bà Julie Gromellon, Liên đoàn Quốc tế vì Nhân quyền (FIDH).
​​Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch có trụ sở ở New York cho rằng với thành tích nhân quyền tệ hại, Việt Nam không thể trở thành một thành viên hữu ích trong Hội đồng.

Phó giám đốc đặc trách khu vực Châu Á trong Human Rights Watch, ông Phil Robertson nói với VOA Việt ngữ:

“Tôi nghĩ Việt Nam sẽ đóng một vai trò như một thành viên tiêu cực trong Hội đồng và bênh vực cho các chính phủ bị Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc tố cáo là vi phạm nhân quyền. Tôi hy vọng Hà Nội sẽ  chứng minh rằng tôi sai. Thế nhưng, cho tới thời điểm này, chưa có một dấu hiệu nào cho thấy chính phủ Việt Nam sẽ thay đổi chính sách nhân quyền bởi vì họ gia nhập vào Hội đồng.”

Human Rights Watch cũng bất bình trước thể lệ Việt Nam được bầu chọn vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc trong một ‘cuộc thi’ mà các ứng viên không phải cạnh tranh. 

Ông Phil Robertson tiếp lời:

“Sau khi Jordan rút lui, chỉ còn 4 nước trong khu vực cho 4 ghế ở Hội đồng và như vậy hoàn toàn không có một cuộc chọn lựa mang tính cạnh tranh. Với sự ủng hộ của ASEAN, Việt Nam được hậu thuẫn mạnh mẽ. Chúng tôi hết sức quan ngại khi một nước vi phạm nhân quyền tồi tệ với chiến dịch leo thang đàn áp những người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động như Việt Nam lại được chọn vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. Điều này chứng tỏ các yêu cầu cơ bản quy định các nước thành viên trong Hội đồng phải có thành tích bảo vệ nhân quyền và hợp tác với thế giới trong lĩnh vực nhân quyền, các tiêu chí ấy, đã không được tôn trọng."
Chúng tôi hết sức quan ngại khi một nước vi phạm nhân quyền tồi tệ với chiến dịch leo thang đàn áp những người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động như Việt Nam lại được chọn vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.
Ông Phil Robertson, Human Rights Watch.
​​Human Rights Watch nói các nước cần phải cho Việt Nam hiểu rõ rằng đã là một thành viên trong Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, Việt Nam có nghĩa vụ cải thiện nhân quyền, cụ thể nhất là phải phóng thích tù nhân lương tâm, hủy bỏ những điều luật mơ hồ trấn áp quyền tự do ngôn luận của công dân như 258, 79, 88 trong Bộ Luật Hình sự.

Phó Giám đốc đặc trách khu vực Châu Á trong Human Rights Watch:

“Việt Nam giờ đây phải chứng tỏ cho quốc tế thấy rằng họ xứng đáng với chiếc ghế trong Hội đồng và tôn trọng các luật lệ quy ước của Hội đồng bằng những bước cải thiện nhân quyền thật cụ thể.”

Liên đoàn Quốc tế vì Nhân quyền (FIDH) gồm 178 tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới tỏ ra hoài nghi về khả năng cải thiện nhân quyền của Việt Nam trong thời gian tới sau khi Hà Nội có được ghế tại Hội đồng Nhấn quyền Liên hiệp quốc.
Bà Julie Gromellon, đại diện FIDH tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.
​​Bà Julie Gromellon, đại diện FIDH tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc ở Geneva phát biểu với VOA Việt ngữ:

“Việt Nam đã không chứng tỏ những cam kết cải thiện nhân quyền trước khi trở thành thành viên của Hội đồng. Cho nên, chúng tôi không nghĩ rằng một khi được ghế rồi thì họ sẽ cải thiện. Thậm chí, thành tích nhân quyền của Hà Nội còn có thể sẽ tệ đi vì họ sẽ cảm thấy thuận tiện đàn áp hơn nữa một khi đã lọt được vào Hội đồng. Tôi không nghĩ thực trạng nhân quyền Việt Nam sẽ sớm có những thay đổi.”

Bà Gromellon kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng áp lực để buộc Việt Nam trong tư cách là thành viên Hội đồng Nhân quyền phải cải thiện chính thành tích nhân quyền của mình trước khi nói tới chuyện tham gia bảo vệ hay kêu gọi các nước khác bảo đảm nhân quyền.
Sự tiêu cực và nghịch lý khi Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ đối với chúng tôi lại là một điều tích cực... bây giờ đã ngồi trong Hội đồng theo nguyên tắc không thể nào đàn áp nhân quyền như Việt Nam đã đàn áp từ trước tới nay...
Ông Võ Văn Ái, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam.
​​Tổ chức UN Watch có trụ sở ở Geneva, cơ quan theo dõi các hoạt động toàn diện của Liên Hiệp Quốc, nói kết nạp các quốc gia vi phạm nhân quyền có tiếng như Việt Nam, Trung Quốc làm thành viên Hội đồng Nhân quyền chẳng khác nào cho ‘kẻ chuyên phóng hỏa đứng đầu sở cứu hỏa’.

Tuy nhiên, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam có trụ sở tại Pháp cho rằng để Hà Nội gia nhập Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc cũng có thể có tác dụng ‘tích cực’.

Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban:

“Sự tiêu cực và nghịch lý khi Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc đối với chúng tôi lại là một điều tích cực. Tích cực ở chỗ rằng bây giờ một quốc gia đã ngồi trong Hội đồng theo nguyên tắc không thể nào đàn áp nhân quyền như Việt Nam đã đàn áp từ trước tới nay, nhất là trong lĩnh vực tự do ngôn luận. Thành ra, nếu có một sự kiện đàn áp trong nước thì các tổ chức phi chính phủ đều có thể nói thẳng lên cho dư luận, công luận thế giới biết rằng một quốc gia ngồi trong Hội đồng Nhân quyền mà lại đi đàn áp nhân quyền.”

Truyền thông nhà nước dẫn lời Ngoại trưởng Phạm Bình Minh tuyên bố việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền với tỷ lệ cao là sự ghi nhận của quốc tế đối với các thành tựu gần đây của Hà Nội trong việc thực thi các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội của công dân.
Quốc tế phản ứng về việc Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền LHQ
Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam nói đây không phải là lần đầu tiên các nước bị xem là ‘đao phủ nhân quyền’ lại được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.

Ông Võ Văn Ái cho biết từ khi bắt đầu hoạt động tại Hội đồng Nhân quyền năm 1986 tới nay, ông chứng kiến nhiều nước vi phạm nhân quyền hay phản nhân quyền chiếm được ghế thành viên trong Hội đồng này.

Tất cả 14 thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc sẽ bắt đầu nhiệm kỳ 3 năm từ ngày 1/1/2014.

Hội đồng gồm 47 nước đại diện cho tất cả các khu vực là cơ quan chủ chốt và quan trọng nhất của Liên hiệp quốc trong việc thăng tiến và bảo vệ quyền con người trên thế giới.
 
 
BBC.

Lo ngại về thành viên HĐ Nhân quyền

Cập nhật: 11:13 GMT - thứ tư, 13 tháng 11, 2013
Các nhà hoạt động Tây Tạng đã tuần hành khi Trung Quốc ra trước Hội đồng Nhân quyền hồi tháng Mười
Trung Quốc, Nga, Ả rập Saudi, Algeria và Việt Nam đã được bầu vào cơ quan theo dõi nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (LHQ), bất chấp những quan ngại về hồ sơ nhân quyền của các nước này.
Các nhóm vận động đã lên án việc bầu chọn các thành viên mới này vào Hội đồng Nhân quyền gồm 47 đại diện.
Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch nói một số tân thành viên đã không cho phép các giám sát viên của LHQ vào điều tra các vụ bị cho là lạm dụng.
Đại hội đồng LHQ hôm thứ Ba 12/11 đã bầu tổng số 14 thành viên mới tham gia Hội đồng Nhân quyền đóng tại Geneva.

'Cần giải thích'

Trung Quốc, Nga, Ả rập Saudi, Việt Nam, Algeria và Cuba được bầu mà không vấp phải cản trở nào, nhưng các nhóm nhân quyền nói đó là các quốc gia mà chính Hội đồng Nhân quyền cần phải theo dõi.
Human Rights Watch, đóng trụ sở tại New York, đã nêu tên năm quốc gia, gồm Trung Quốc, Nga, Ả rập Saudi, Việt Nam và Algeria, là các nước đã không cho các giám sát viên nhân quyền của LHQ vào điều tra.
"Những nước vốn không cho các chuyên gia của LHQ mà Hội đồng Nhân quyền chỉ định vào cần phải giải thích rõ ràng," bà Peggy Hicks, giám đốc pháp lý toàn cầu của tổ chức này nói.
Thế còn UN Watch, một tổ chức thường xuyên chỉ trích cách hoạt động của LHQ, cũng cáo buộc những nước này là vi phạm có hệ thống quyền của công dân các nước đó.
Trong chuyến thăm Hoa Kỳ năm nay, Chủ tịch Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều cam kết tôn trọng nhân quyền trong đó có quyền chính trị và bảo đảm thị trường kinh tế tự do trong nỗ lực vận động Hoa Kỳ đồng ý để Việt Nam gia nhập Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương – TPP.
Với kết quả bầu hôm 12/11, Việt Nam lần đầu tiên vào Hội đồng Nhân quyền của LHQ.
Phó Thủ Tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh long trọng cam kết Việt Nam sẽ "thực hiện tốt các nghĩa vụ và cam kết của một quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền và thành viên LHQ".
Các tân thành viên sẽ tham gia Hội đồng trong nhiệm kỳ ba năm, bắt đầu từ 2014. Đây là cơ quan chuyên theo dõi tình trạng lạm dụng nhân quyền trên thế giới.
UN Watch đã ra lời chỉ trích chung đối với Hội đồng Nhân quyền, cáo buộc cơ quan này đã lặp đi lặp lại việc phê phán Israel trong lúc lại không ra một nghị quyết chỉ trích Trung Quốc, Nga hay Ả rập Saudi.
Hội đồng Nhân quyền được thành lập năm 2006 nhằm thay thế Ủy hội Nhân quyền của LHQ, vốn đã bị mất uy tín rộng khắp.
Thế nhưng hội đồng này đang đối diện với những lời chỉ trích tương tự như ủy hội từng bị, với việc bầu chọn các nước có hồ sơ nhân quyền đáng nghi vấn vào làm thành viên.
Nam Sudan và Uruguay đã không giành được ghế trong cuộc bầu chọn đầy cạnh tranh để đại diện cho khối các nước châu Phi.
Các khu vực khác không có đua tranh.
 
 
 
RFI Việt Ngữ.
 
VIỆT NAM - LIÊN HIỆP QUỐC -
Bài đăng : Thứ tư 13 Tháng Mười Một 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 13 Tháng Mười Một 2013

Vào Hội đồng Nhân quyền, liệu Việt Nam cởi mở hơn ?

Trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Geneve, Thụy Sĩ
Trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Geneve, Thụy Sĩ
@wikimedia

Hôm qua 12/11/2013 Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (HRC) cùng với Trung Quốc, Nga, Cuba, Ả Rập Xê Út, cho dù nhiều tổ chức phi chính phủ phản đối. Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã bầu thêm 14 ghế trong số 47 ghế của Hội đồng Nhân quyền. Các thành viên của Hội đồng có nhiệm kỳ ba năm, và không thể được bầu lại ngay sau hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Lần này Việt Nam đã được bầu với 184/192 phiếu cùng với Trung Quốc, Cuba, Nga, Ả Rập Xê Út, Pháp, Anh, Nam Phi, Algérie, Maroc, Namibia, Maldives, Macedonia và Mehico.
Hội đồng Nhân quyền sẽ hoạt động từ ngày 1 tháng Giêng năm tới, sẽ là một trong những Hội đồng chia rẽ nhất kể từ khi tổ chức này được thành lập vào tháng 3/2006. Mục đích của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc là « đề cập đến tình hình vi phạm nhân quyền và đưa ra những khuyến cáo ».
Bà Peggy Hicks thuộc tổ chức Human Rights Watch nhấn mạnh : « Với sự trở lại của Trung Quốc, Nga, Ả Rập Xê Út và Cuba, những người bảo vệ nhân quyền tại Hội đồng năm tới sẽ có nhiều việc phải làm. Những nước thực sự quan tâm đến việc thúc đẩy nhân quyền sẽ phải tăng gấp đôi nỗ lực ».
Richard Gown, giám đốc Trung tâm hợp tác quốc tế của New York University nhận định : « Từ khi thành lập, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã tiếp nhận khá nhiều chế độ trấn áp. Cách đây vài năm, không ai quan tâm đến các cuộc bầu cử này. Nhưng Hội đồng Nhân quyền đã tỏ ra tích cực một cách bất thường trong phong trào Mùa xuân Ả Rập, và đã thông qua một loạt các nghị quyết lên án chế độ Syria, trong khi Hội đồng Bảo an bị Nga và Trung Quốc trói tay ».
Matxcơva và Bắc Kinh đã ba lần sử dụng quyền phủ quyết trước các nghị quyết của Hội đồng Bảo an về Syria.
Ông nhấn mạnh, Nga ,Trung Quốc cùng với Cuba và Việt Nam có thể sử dụng chiếc ghế ở Hội đồng Nhân quyền để phản đối lại các nghị quyết mới chỉ trích Bachar Al Assad. Ngược lại, Ả Rập Xê Út « muốn đả kích Syria gay gắt hơn ».
Không có quốc gia nào có quyền phủ quyết tại Hội đồng Nhân quyền, một đa số « có thể đạt đến những kết quả cụ thể » ở Genève – bà Peggy Hicks nhấn mạnh. Còn đại sứ Pháp tại Liên Hiệp Quốc Gérard Araud cho biết : « Chúng tôi sẽ tiếp tục hành động để Hội đồng Nhân quyền quan tâm đến những cuộc khủng hoảng hiện nay, nhất là ở Syria, Trung Phi, để xúc tiến và bảo vệ nhân quyền ».
Đối với Việt Nam, việc trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sẽ có tác động như thế nào ? RFI Việt ngữ đã đặt câu hỏi với nhà bình luận Phạm Chí Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh.
 
RFI : Thưa anh, việc Việt Nam vào được Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, theo anh là một tín hiệu lạc quan hay bi quan ?
Nhà bình luận Phạm Chí Dũng : Tất nhiên là lạc quan đối với Nhà nước Việt Nam rồi. Tôi nghĩ là Nhà nước không mấy hy vọng được lọt vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, với tỉ lệ rất cao như vậy : 184/192 quốc gia đồng ý. Một tỉ lệ chỉ có thể so sánh với việc bầu bán trong Quốc hội hoặc Chính phủ Việt Nam mà thôi.
Chắc chắn là Nhà nước Việt Nam sẽ coi đây là một thắng lợi chính trị, thắng lợi ngoại giao trên trường quốc tế, điều mà Việt Nam chưa từng đạt được từ năm 2006 khi thành lập Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Còn bi quan là chắc chắn, đối với những tổ chức quốc tế hoạt động về nhân quyền. Chẳng hạn như tổ chức Nhân quyền Quốc tế HRW, tổ chức Ân xá Quốc tế và một số tổ chức khác, kể cả Văn bút Quốc tế mà báo Nhân Dân vừa phê phán trong bài nhận định hôm qua và hôm nay.
Đó là những tổ chức đã đưa ra hàng loạt dẫn chứng về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, nhưng cuối cùng thì họ thất vọng. Lãnh đạo một tổ chức nhân quyền quốc tế cũng đánh giá đây là một cú giáng nặng đối với vấn đề nhân quyền.
RFI : Còn đối với những người đấu tranh đòi dân chủ trong nước thì tình hình sẽ như thế nào theo anh ?
Theo cảm nhận của tôi thì đây là một điểm mốc liên quan tới vấn đề dân chủ và nhân quyền của Việt Nam. Một điểm mốc với một độ mở chính trị, độ mở dân chủ, được tác động bởi quốc tế chứ không phải do chính các lực lượng dân chủ trong nước quyết định. Đây là một tín hiệu hé mở sự lạc quan, và độ mở ở đây tôi nghĩ là sẽ thêm được khoảng mười phần trăm nữa, cho một lộ trình dân chủ nào đó.
Độ mở đầu tiên vào lúc cuộc gặp của ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước Việt Nam với Tổng thống Barack Obama vào tháng 7/2013. Sau đó như mọi người đều biết, đã diễn ra hai sự kiện nho nhỏ : thả hai blogger Phương Uyên và Đinh Nhật Uy – cả hai đều nhận án treo. Nhưng điều đó cũng chưa nói lên được điều gì lớn.
Vấn đề lớn nhất là chỉ năm ngày trước khi đưa lên bàn bỏ phiếu của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Nhà nước Việt Nam đã lần đầu tiên chính thức đặt bút ký tên vào Công ước quốc tế về chống tra tấn. Đó là một Công ước mà Nhà nước Việt Nam đã nhiều năm không thấy mình có liên quan, và mặc dù được sự thúc giục, nhắc nhở của nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế cũng như Liên Hiệp Quốc nhưng Việt Nam vẫn lần lữa trong việc ký tên.
Kỳ này Việt Nam đã chính thức ký. Điều đó cho thấy dù sao, trong chừng mực nào đó Nhà nước Việt Nam vẫn thấy mình có trách nhiệm tuân thủ những Công ước quốc tế, sau khi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị ký từ năm 1982 thực tế chưa có nhiều nội dung được tuân thủ.
Thậm chí tôi còn nghĩ nếu sớm là năm 2014 và chậm nhất là đến năm 2015 sẽ có những nhân vật đấu tranh dân chủ người Việt ở hải ngoại có thể trở về nước một cách bình yên. Kể cả những nhân vật bị Nhà nước Việt Nam coi là « chống Cộng » vẫn có thể trở về Việt Nam để sinh hoạt với những người thân của mình.
RFI : Như vậy anh cho là Nhà nước Việt Nam sẽ nới tay hơn với những người đối lập ?
Tôi cho là sẽ ít hoặc không có sự bắt bớ. Rất hạn chế bắt giam những nhân vật đối lập mới, nếu có chăng nữa thì sẽ chỉ diễn ra như vào tháng 10 và tháng 11 năm nay thôi. Tức là câu lưu một số nhân vật mà Nhà nước cho là quá khích, nhưng chỉ trong vòng 24 tới 36 tiếng đồng hồ rồi sau đó thả ra, chứ không phải bắt giam rồi đưa vào quá trình tố tụng hình sự rồi xét xử như đã liên tục xảy ra đối với các nhân vật đối lập trong năm 2011 và 2012.
Theo tôi đó là một tín hiệu có sự tác động của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là của Hoa Kỳ, của phương Tây, tất nhiên là cũng kèm theo những điều kiện của nó. Khi tham gia vào Hội đồng Nhân quyền rồi thì cánh cửa cũng đang mở ra rất lớn đối với Việt Nam trong Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương, vấn đề là có tận dụng được hay không.
RFI : Phản ứng trong nước ra sao, đặc biệt giới nhân sĩ trí thức đón nhận cái tin này như thế nào ?
Vẫn tương đối im ắng. Tôi chưa nhận ra một phản ứng tích cực đặc biệt nào, cũng chưa thấy những sắc thái hồ hởi trên khuôn mặt của những người vẫn lo nghĩ về vận mệnh, tương lai của đất nước và với tiến trình dân chủ. Có lẽ họ vẫn còn hoài nghi.
Họ cho là nếu như từ năm 1982 Việt Nam đã ký Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị và gần như không làm gì cả, thì việc ký kết Công ước quốc tế chống tra tấn gần đây và tham gia vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cũng chẳng qua là hoạt động mang tính chất hình thức mà thôi. Ký là một chuyện, còn làm là một chuyện khác.
Nhiều người nghi ngờ rằng tình hình sắp tới vẫn chưa có gì thay đổi cả. Nhưng riêng cá nhân tôi thì vẫn cảm nhận là có một sự thay đổi thầm kín trong đó, và dù sao cũng có một độ mở nhất định, ít nhất là sẽ ít có hoặc là không có bắt bớ. Và những người hoạt động dân chủ vẫn có thể làm được một cái gì đó mà không đến mức chịu rủi ro cao như những năm trước.
RFI : Xin cảm ơn nhà bình luận Phạm Chí Dũng.


LỜi KÊU GỌI CỦA KHỐI 8406

Kính thưa đồng bào Việt Nam và cộng đồng thế giới tiến bộ.
          Cách đây hơn 10 tháng, vào ngày 31-12-2012, Khối 8406 chúng tôi đã ra một bản Tuyên bố nói rõ quan điểm của mình, về việc Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tổ chức “Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992”. Trong đó nhấn mạnh 3 điểm:
          1- Đây lại thêm một ví dụ nữa về thủ đoạn dối trá của Nhà cầm quyền với 2 mục đích chính: (a) Lừa mị dân tộc và lường gạt thế giới rằng đây là một bản Hiến pháp đã được toàn dân Việt Nam đồng tình và ủng hộ. (b) Tạo điều kiện cho bộ máy công an lên được một bản danh sách các “tù nhân dự khuyết” của chế độ, với các “tội danh” được quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành.
          2- Nếu thật tâm muốn dân chủ hóa đất nước, Nhà cầm quyền phải để cho nhân dân được thực hiện Quyền tự quyết của mình, thông qua một cuộc Trưng cầu Dân ý có quốc tế giám sát, về vấn đề cốt lõi của bản Hiến phápViệt Nam nên hay không nên theo chế độ chính trị đa đảng?
          3- Nếu thật tâm muốn đoàn kết dân tộc, Nhà cầm quyền phải thả ngay lập tức và vô điều kiện mọi tù nhân chính trị đang bị giam giữ; chấm dứt ngay việc khủng bố, sách nhiễu trái phép những người đấu tranh dân chủ hiện nay. Đồng thời, báo đài tư nhân phải có quyền hoạt động.
          Thế nhưng, thực tiễn đã chứng minh rằng:
          + Bản chất khủng bố và lừa bịp của Nhà cầm quyền Việt Nam không hề thay đổi. Nếu có thì cũng giống như con tắc kè biến sắc bộ da cho phù hợp với điều kiện của hoàn cảnh mà thôi.
          + Tất cả những ý kiến đóng góp xây dựng, đúng đắn và tiến bộ của nhân dân cho bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp suốt 10 tháng qua đều đã bị thẳng tay vứt vào sọt rác!
          + Sự khủng bố của Nhà cầm quyền đối với những người đấu tranh dân chủ vẫn diễn ra ngày càng khốc liệt. Các quyền tự do căn bản của con người vẫn bị vi phạm ngày càng nghiêm trọng.
          Xuất phát từ thực tiễn đó và trung thành với Tuyên ngôn Tự do Dân chủ cho VN (08-04-2006) vốn đã nêu rõ: “Mục tiêu cao nhất trong cuộc đấu tranh giành tự do, dân chủ cho Dân tộc hôm nay là làm cho thể chế chính trị ở VN hiện nay phải bị thay thế triệt để... Cụ thể là phải chuyển từ thể chế chính trị nhất nguyên, độc đảng, không có cạnh tranh trên chính trường hiện nay, sang thể chế chính trị đa nguyên, đa đảng, có cạnh tranh lành mạnh, phù hợp với những đòi hỏi chính đáng của Đất nước...”, Khối 8406 kêu gọi toàn thể đồng bào trong và ngoài nước:
          1- Hãy nhận thức rõ ràng rằng: trong lúc nhân dân thiết tha mong muốn có một Hiến pháp tiến bộ để có thể thay đổi Đất nước theo hướng dân chủ đích thực thì lãnh đạo ĐCS đã chỉ đạo Ủy ban Dự thảo Sửa đổi HP lấy ý kiến nhân dân cách hình thức,kiểu áp đặt và lừa đảo, bác bỏ mọi ý kiến xây dựng của các tầng lớp đồng bào trong lẫn ngoài nước, rồi huênh hoang báo cáo làđã có hơn 26.091.000 lượt góp ý với hơn 28.000 hội nghị, hội thảo, tọa đàm; ý kiến của nhân dân đã được tổng hợp đầy đủ, khách quan, trung thực”, để cuối cùng đưa ra một bản Hiến pháp với nội dung xưa cũ và lạc hậu mà Quốc hội sắp thông qua và áp đặt lên Dân tộc.
          2- Hãy nhận thức rõ ràng rằng: bản Hiến pháp mà Quốc hội sắp thông qua là bản Hiến pháp của ĐCS, do ĐCS và vì ĐCS, nhằm duy trì chế độ độc tài, toàn trị của Đảng trên đầu trên cổ nhân dân, nhằm bảo đảm cho Đảng muôn năm thống trị Đất nước. Bộ luật gốc kiểu ấy, dân tộc tuyệt đối không thể nào chấp nhận và phải phản đối kịch liệt (qua những cuộc biểu tình ôn hòa bất bạo động).
          3- Hãy đồng thanh mạnh mẽ đòi cho nhân dân quyền phúc quyết bản Hiến pháp sắp thông qua, đúng theo Điều 70 của Hiến pháp tiên khởi (1946): “Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết”. Nếu bản Hiến pháp do Quốc hội sắp thông qua lần này mà không được nhân dân phúc quyết thì toàn thể đồng bào ta hãy dõng dạc tuyên bố đó là bản Hiến pháp hoàn toàn vô giá trị.
          4- Hãy đồng thanh mạnh mẽ đòi một bản Hiến pháp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, nhằm xây dựng một chế độ dân chủ, một xã hội đa nguyên và một chính trường đa đảng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và hưng thịnh của đất nước VN. Hiến pháp đó sẽ:
          a/ không lấy chủ nghĩa Mác-Lenin làm nền tảng, vì nó đã bị nhân loại tiến bộ vứt vào sọt rác do đã gây biết bao đau khổ và thất bại cho những quốc gia áp dụng nó, trong đó có Việt Nam;
          b/ không coi “công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội” là dự án tương lai chung của Dân tộc ta, vì đó là một ảo tưởng mơ hồ và lường gạt;
          c/ không có các điều khoản khẳng định đảng CS độc quyền cai trị đất nước, để từ đó độc quyền sử dụng công lực, độc quyền sở hữu mọi tài nguyên quốc gia;
          d/ phân lập rõ ràng ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp;
          e/ thành lập Tòa Bảo hiến hay Tòa án Hiến pháp để bảo vệ Hiến pháp;
          g/ xác lập quyền của nhân dân được trưng cầu ý kiến và phúc quyết Hiến pháp.
          h/ khẳng định rõ ràng quyền sở hữu đất đai của cá nhân và tập thể;
          i/ khẳng định rõ ràng các quyền con người và quyền công dân theo đúng Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước Quốc tế về Quyền chính trị và dân sự.
          Khối 8406 hy vọng rằng trong thời điểm lịch sử cực kỳ quan trọng và mang tính quyết định này, toàn thể Đồng bào quốc nội và hải ngoại nhận thức rõ trách nhiệm công dân của mỗi người, quyết tâm tranh đấu cho một bản Hiến pháp tiến bộ, thật sự dân chủ vì sự phồn vinh của của Tổ quốc và hạnh phúc của Nhân dân. Đồng thời, vận động mạnh mẽ quốc tế ủng hộ cho quyết tâm chính đáng này của dân tộc Việt Nam.
          Làm tại Việt Nam, ngày 13 tháng 11 năm 2013.
          Ban điều hành Khối 8406:
1- Kỹ sư Đỗ Nam Hải – Sài Gòn – Việt Nam.
2- Linh mục Phan Văn Lợi – Huế – Việt Nam.
3- Giáo sư Nguyễn Chính Kết – Houston – Hoa Kỳ.
4- Bà Lư Thị Thu Duyên – Boston– Hoa Kỳ.
          Với sự hiệp thông của Linh mục Nguyễn Văn Lý, cựu quân nhân Trần Anh Kim, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và các tù nhân lương tâm khác đang ở trong lao tù Cộng sản