Các câu hỏi như trên đã ám ảnh người viết bài trong những ngày qua vì các mẫu tin tức được giới truyền thông loan đi.
Tiệc sinh nhựt 21 chủ đề “Phi châu”.
Trước nhứt là một buổi tiệc mừng sinh nhựt 21 tuổi của một cô gái Úc. Chúng ta không biết cô sinh sống ở đâu trên đất nước này, chỉ biết tên cô là Olivia. Nhưng có một điều đa số chúng ta đều biết là đối với người Tây Phương, sinh nhật 21 tuổi là một trong vài dịp đáng ghi nhớ nhất trong đời. Và họ thường tổ chức tiệc tùng tưng bừng, to lớn để ăn mừng ngày đó.
Cô Olivia cũng không đi ngoài thông lệ đó. Chỉ có hình thức liên hoan cô đã chọn là khác với mọi người. Cô chọn chủ đề là “Phi châu” và bạn bè của cô đã được khuyến khích hóa trang giống như những người sống ở lục địa đó.
Nếu đã giữ được trong vòng bạn bè, không ai khác biết đến thì đã không có sóng gió. Đàng này, có lẽ cô Olivia muốn chia sẻ niềm vui của mình nên đã phóng những tấm ảnh đó lên Facebook. Lập tức các thành viên của những cộng đồng mạng như Tumblr, Buzzfeed, Jezebel, đã phản đối về sự “thiếu tế nhị và kỳ thị” của chủ nhân.
Cuối cùng, cô Olivia phải tháo những bức hình đó xuống sau khi biện minh rằng “ Tôi thành thật muốn dùng chủ đề Phi châu vì tôi muốn được đi đến đó để dạy Anh ngữ ..”
Tiệc sinh nhựt 21 với chủ đề “Phi Châu”
Năm người gốc Do Thái bị hành hung.
Câu chuyện này vẫn cón đang âm ỉ thì rạng sáng thứ Bảy vừa qua, một vụ hành hung có máu sắc sắc tộc đã xảy ra ở Bondi, một vùng bở biển gần Sydney được nổi tiếng với nhiều du khách ngoại quốc. Bốn người đàn ông và một phụ nữ đang trên đường về nhà sau khi dự buổi thánh lễ ở nhà thờ Do thái giáo bị ba thanh niên đón đường gây sự. Một cuộc ấu đả xảy ra với kết quả là cảnh sát tóm cổ ba thanh niên (hai người 17 tuổi và một người 23 tuổi), trong khi năm nạn nhân đều bị thương tích dù không trầm trọng.
Tuy nhiên, lần này thì các giới chức thẩm quyền thi nhau lên tiếng. Ông Stefan Kerkyasharin, chủ tịch Ủy Hội Chống Kỳ Thị tiểu bang NSW nói ông quan tâm rằng những vụ chống người Do Thái vẫn còn đang xảy ra. “Chúng ta phải biết sống và chấp nhận cùng tôn trọng sự khác biệt”.
Thủ hiến NSW, ông Barry O’Farrell cũng nói ông quan tâm về chuyện xảy ra và cho biết NSW là một tiểu bang đa văn hóa, “không dung thứ sự kỳ thị tôn giáo”.
Ông Malcolm Turnbull, dân biểu liên bang đơn vị bao gồm vùng Bondi và cũng là Bộ trưởng Thông tin, tuyên bố “Bạo lực loại này, đặc biệt là bạo lực kỳ thị chủng tộc, bạo lực chống người Do Thái, là hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Các báo chí Do Thái, trong và ngoài nước Úc, như các tờ The Jerusalem Post, European Jewish Press, The Ynetnews v.v… đều kết án mạnh mẻ hành động côn đồ vừa nói.
Cảnh sát thẩm vấn hai nghi can với nạn nhân gốc Do Thái đi phía sau
Nhà người thổ dân bị ném bom lửa.
Chưa đầy 24 giờ sau, ngay tại cổng sau nhà của đa số chúng ta, một gia đình thổ dân ở đường Parakeet, Inala, bị một kẻ lạ mặt liệng một trái bom lửa vào nhà, gây hỏa hoạn và thiệt hại vật chất nhưng may mắn không ai bị thương tích. Thân nhân của gia đình này tin rằng “Những người dân đảo đến nhà và hăm dọa cháu tôi tối thứ Sáu nhưng chúng bị rượt đuổi, đến tối thứ Bảy chúng ném bom trả thù”..
Vụ tấn công này khiến cư dân ở Inala lo ngại một cuộc chiến giữa hai nhóm sắc tộc sẽ bùng nổ như ở Woodridge hồi tháng Giêng năm nay.
Vụ tấn công này khiến cư dân ở Inala lo ngại một cuộc chiến giữa hai nhóm sắc tộc sẽ bùng nổ như ở Woodridge hồi tháng Giêng năm nay.
Nhà người thổ dân bị ném bom lửa ở Inala
“Con sâu làm rầu nồi canh”.
Đã đành là vậy nhưng với những vụ “xung đột” xảy ra liên tiếp như thế, chúng ta không nên ngạc nhiên khi thế giới nhìn người dân nước Úc với một cặp mắt không thiện cảm. Một người đã viết trên trang mạng Jezebel là quốc gia này “đầy ngập các tay kỳ thị”. Nếu quý vị có từng dùng Google để tìm tòi, tra cứu điều này, chuyện nọ, thử đánh máy câu “Why are Australians ..” rồi sẽ thấy Google sẽ tự động thêm vào hai chữ sau đó “Why are Australians so racist ?”
Chúng ta – người dân Úc – có xứng đáng nhận lảnh danh xưng đó hay không ?
Một báo cáo tựa đề “Thách thức Sự Kỳ Thị” của viện đại học Western Sydney cho thấy 87% dân Úc tin rằng chúng ta được hưởng lợi từ sự khác biệt về nguồn gốc và văn hóa.
Việc hủy bỏ chính sách nước Úc da trắng và ban hành sắc luật Chống Kỳ Thị Sắc tộc vào năm 1975 cũng như các đạo luật tương tự cấp tiểu bang chứng minh rằng chúng ta đã tiến rất xa. Sự tiến bộ này cũng tạo nên một khung sườn để chúng ta tự nhìn lấy mình – và theo báo cáo Mapping Cohesion Report, dân Úc tự cho rằng mình “ tử tế, lo cho người và thân thiện”. Vô số những tổ chức đặc biệt để tiêu diệt sự phỉ báng về sắc tộc như Racism No Way, It Stops With Me và Human Rights Watch chứng tỏ là tuy có khó khăn nhưng chúng ta đang tìm cách để giải quyết.
Thành thử ý kiến cho rằng Úc là một quốc gia với thành kiến kỳ thị lâu đời hoàn toàn đi ngược lại với chủ trương mọi người đều bình đẳng mà chúng ta thường được nghe nói đến.
Và đó cũng là lý do chúng ta không còn tức giận mà chỉ phì cười khi nghe những lời buộc tội như “ Khi tôi sang đến Úc, tôi thấy không biết bao nhiêu người sơn đen cả mặt khi đi siêu thị”.
Tuy nhiên, những lời bình luận khác đáng khiến chúng ta phải suy nghĩ. Như có người gọi nưóc Úc “là quốc gia kỳ thị một cách thoải mái nhứt mà tôi đã được đặt chân đến”.
Chưa có các cuộc nghiên cứu nào được hoàn tất về cái nhìn của thế giới đối với nạn kỳ thị ớ Úc nhưng những ý kiến như trên cho thấy có một sự khác biệt giữa cái nhìn của chúng ta và cái nhìn của thế giới về người dân nước Úc.
Một mặt, chúng ta không thể tự mãn để cho rằng quốc gia mình còn tiến bộ hơn nhiều nước khác trên lảnh vực chống kỳ thị chủng tộc, nhưng mặt khác, hình ảnh Úc là một nơi nương náu của các tay kỳ thị mà người nước ngoài gán cho chúng ta cũng không đúng hẳn.
Làm được gì ?
Điều duy nhứt mà mọi người có thể làm được là cố gắng cải thiện quan điểm sai lầm đó của họ.
Chiến tranh quân sự có thể giải quyết trong vài năm. Chiến tranh chính trị trong vài chục năm. Nhưng chiến tranh tư tưởng để thay đổi một lối nhìn, một quan niệm sống thường phải mất đôi ba thế hệ hay lâu hơn nữa.
Chiến tranh quân sự có thể giải quyết trong vài năm. Chiến tranh chính trị trong vài chục năm. Nhưng chiến tranh tư tưởng để thay đổi một lối nhìn, một quan niệm sống thường phải mất đôi ba thế hệ hay lâu hơn nữa.
Khó có thể thuyết phục một người bản xứ rằng chính sách đa văn hóa không phải chỉ có bánh mì thịt và phở. Tương tự, giải thích cho một lớp tiểu học trường Úc nghe rằng văn hóa Việt Nam không phải chỉ có múa lân ở hội chợ Tết và Trung Thu là một việc làm không phải dễ.
Công tâm mà nói, các đảng phái chính trị, dù khi cầm quyền hay khi ở thế đối lập, thường cố gắng đi tiên phuông trên mặt trận này. Chúng ta thấy cả hai chính đảng đều đã và đang cố gắng đưa những khuôn mặt không thuộc gốc da trắng vào nghị trường.
Có người đã thành công như các TNS Neville Bonner (Tự do), Bill O’Chee (Quốc gia), Adem Ridgeway (Dân chủ) và gần đây hơn Nova Peris (Lao động). Cũng có người thất bại như ứng cử viên Thượng viện David Wirrpanda và các ƯCV Hạ viện như Andrew Nguyễn (1 ở Brisbane, 1 ở Sydney) và John Nguyễn ở Melbourne.
Nhưng tất cả đều mang lại cho nước Úc một ấn tượng của một xã hội hài hòa, trong đó ai cũng có cơ hội bình đẳng như người kế bên.
Cộng thêm vào đó, các vị lảnh đạo cũng vẫn thường xuyên tỏ sự quan tâm đến đời sống của người thổ dân, như ông Kevin Rudd đã ngỏ lời xin lỗi năm 2007 và ông Tony Abbott hàng năm bỏ ra một tuần lễ để chung sống với người thổ dân.
Như vậy, trở lại với câu hỏi ở đầu bài “Người Việt chúng ta ở Úc có bị kỳ thị hay không ?”
Thay cho câu trả lời, người viết xin được gởi đến qúy vị lời chia sẻ của một vị cựu Chủ tịch Hội đồng Các Cộng đồng Sắc tộc (Ethnic Communities Council of Queensland ECCQ) cũng là một di dân như chúng ta:
“Theo tôi, nếu chúng ta sống một cách hài hòa, tự tin, tuân thủ luật pháp và dẹp bỏ mặc cảm thì không ai có cớ gì để kỳ thị với chúng ta được”.
HƯNG VIỆT (Brisbane)
HƯNG VIỆT (Brisbane)