Cả nước Ấn Độ đang muốn ăn tươi nuốt sống Hoa Kỳ vì một nhân viên tòa lãnh sự Ấn Độ bị Mỹ bắt bỏ tù tuần vừa rồi. Dân chúng Ấn Độ xuống đường biểu tình chống Mỹ, nhiều Bộ Trưởng, dân biểu, nghị sĩ cực lực phản đối Mỹ, có người đề nghị thả bom Mỹ bằng ...cà-ri Ấn Độ.
Người bị bắt là Phó Tổng Lãnh Sự Ấn Độ Devyani Khobragade ở Hoa Kỳ, 39 tuổi, chuyên về vấn đề chính trị, kinh tế, thương mại và phụ nữ. Cô ta bị Cảnh sát Liên Bang bắt ngày 12 tháng 12 tại New York .
Công tố viên Hoa Kỳ Preet Bharara
Căn cứ theo ông Bharara, việc bắt giữ cô Khobragade là hoàn toàn hợp pháp. Ông nêu ra dự kiện liên quan đến sự cáo trạng trong bản điều tra dài 11 trang:
- Cô Khobragade nộp đơn xin chính phủ Hoa Kỳ cấp visa nhập cảnh cho một người nội trợ từ Ấn Độ sang Mỹ để làm việc nhà. Trong đơn này, và cả hợp đồng ký kết với người nội trợ Khobragade cung ứng cho chính phủ Mỹ, cô ta hứa sẽ tuân theo luật pháp của tiểu bang New York là người nội trợ không làm hơn 40 giờ một tuần, và trả lương tối thiểu là $9.75/ một giờ.
Thế nhưng mặt khác, cô Khobragade bắt người nội trợ -tên là Sangeeta Richard- ký một hợp đồng khác làm việc với lương căn bản chỉ là $3.31/ một giờ, cộng thêm số giờ làm việc bắt buộc là nhiều hơn 40 giờ/một tuần.
Hợp đồng thứ hai này, dấu kín không tiết lộ cho chính phủ Hoa Kỳ, đã xóa hết những điều khoản bảo vệ nạn nhân không bị bóc lột và lạm dụng liệt kê trong hợp đồng thứ nhất, và cũng xóa đi điều kiện trong hợp đồng thứ nhất là cô Khobragade sẽ tuân theo luật lệ của Hoa Kỳ.
Vì thế, cô Khobragade bị bắt trên hai tội: thứ nhất, khai lậu visa, án tối đa là 10 năm tù ở, và thứ hai khai gian, án tối đa là 5 năm tù ở.
Chính quyền và dân chúng Ấn Độ không nhìn nhận lỗi của Khobragade, phản ứng mãnh liệt:
- Thủ tướng Manmohan Singh và Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Shiv Shankar Menon gọi hành động cảnh sát Mỹ đối xử với nhân viên Bộ ngoại giao Ấn Độ là "tồi tệ", "vô học thức".
- Chính phủ Ấn Độ ra lệnh cho cảnh sát gỡ bỏ tường và hàng rào cản an ninh chống khủng bố bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở New Delhi, phong tỏa hàng hóa không cho mang vào tòa Đại sứ.
- Luật sư Daniel Arshack của cô Khobragade, trong cuộc phỏng vấn với Piers Morgan, cho biết các cáo buộc là vô căn cứ . "Sau khi tất cả sự kiện được điều tra, nó sẽ chứng tỏ là thân chủ của chúng tôi, Tiến sĩ Khobragade không làm gì sai. Thân chủ tôi đã trả cho người làm của mình tiền cao hơn mức lương tối thiểu và theo lời yêu cầu của người làm, thân chủ tôi mỗi tháng đã gửi một phần tiền lương về chồng của bà ta ở Ấn Độ. Tất cả phần tiền còn lại đã được trả sòng phẳng cho người nội trợ ở Hoa Kỳ".
Ông Arshack cũng cáo buộc chính phũ Mỹ đã đối xử thân chủ của ông ta "như một thường dân với một tội phạm. Thân chủ tôi không phải là một thường dân. Cô ta là nhân viên ngoại giao đoàn với quyền lợi miễn bị truy tố."
- Hôm Thứ Ba, bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở New Delhi, dân biểu tình sôi sục về việc họ xem rằng là đối xử nhục nhục nhã với nhân viên ngoại giao Ấn Độ. Họ mang nhiểu biểu ngữ và bảng hiệu phản đối Hoa Kỳ. "Nếu Hoa Kỳkhông tôn trọng người Ấn Độ, thì người Mỹ cũng sẽ không được tôn trọng ở Ấn Độ".
- Tòa án Tối Cao Delhi ban hành án lệnh ngăn cấm người giúp việc, bà Sangeeta Richard, "khởi tố hoặc áp dụngthủ tục tố tụng Tiến sĩ Khobragade bên ngoài Ấn Độ về các điều khoản hợp đồng làm việc".
- Tòa Đại Sứ Ấn Độ ở Hoa Kỳ cũng tiết lộ là đã yêu cầu chính phủ Mỹ tìm và bắt bà Sangeeta Richard theo án lệnh của Thẩm Phán Đô Thị Tòa Vùng Nam New Delhi.
- Ấn Độ "thăng chức" Khobragade từ nhân viên làm cho tòa lãnh sự lên nhân viên ngoại giao đoàn, vì Mỹ không có quyền bắt nhân viên ngoại giao đoàn thế giới cho dù phạm tội nặng đến đâu đi nữa ở Hoa Kỳ (Nếu muốn truy tố, Mỹ sau này có thể yêu cầu chính phủ Ấn Độ dẫn độ can phạm trở về Mỹ, nhưng nếu Ấn Độ từ chối thì Mỹ không làm gì được).
- Cha của cô Khobragade, Uttam Khobragade, cáo buộc là bà người làm của con gái mình làm việc cho C.I.A., do C.I.A. gài bẫy vào để hại con gái mình.
Để phản kháng hành động của Ấn Độ, công tố viên Mỹ Bharara họp báo và nêu ra rằng:
- Cô Khobragade bị buộc tội không những vì chủ ý cố gắng trốn tránh luật pháp Hoa Kỳ nhằm bảo vệ người làm nội trợ cho nhân viên ngoại giao đoàn hay nhân viên làm ở tòa lãnh sự, mà còn là vì tội hướng dẫn vợ chồng nạn nhân cũng khai gian, và hợp tác với cô ta trong việc nói láo với chính phủ Hoa Kỳ.
- Cô Khobragade đã được chiêu đãi hơn tất cả các can phạm người Mỹ khác. Một vài tờ báo loan tin sai lầm là cô ta bị bắt trước mặt các con ở trường học. Sự thật là nhân viên an ninh đã bắt cô ta một cách rất kín đáo. Không như các tội phạm khác, cô ta không bị khống chế hay còng tay, và được quyền giữ lại điện thoại để thu xếp công việc, cũng như dàn xếp cho người khác đón con của cô ta. Ở ngoài trời hôm đó lạnh nên nhân viên an ninh đã mang cho cô ta cà-phê nóng, và hỏi cô ta có muốn ăn gì không, trong khi cô ta ngồi trong xe cảnh sát.
- Đúng như tin đã loan là cô ta đã bị khám xét khi được đưa vào tù, nhưng đây là một thủ tục thường tình áp dụng cho tất cả can phạm tình nghi, giầu hay nghèo, quốc tịch Mỹ hay ngoại quốc. Mục đích là để bảo đảm không một ai giấu vũ khí trong mình, sau này có thể dùng để đả thương tù nhân khác hay chính họ. Khám xét can phạm là điều cần thiết để bảo đảm an toàn cho tất cả tù nhân.
- Dân chúng Ấn Độ thay vì phẫn nộ với lối cư xử bóc lột của Khobragade với người làm của mình, thì lại phẫn nộ với cách Hoa Kỳ đối xử với nhân viên Bộ Ngoại Giao Ấn Độ.
- Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ đã mang gia đình nạn nhân từ Ấn Độ sang Hoa Kỳ để bảo đảm an ninh cho họ. Hành động này chỉ được thi hành sau khi tòa án Ấn Độ ra lệnh tìm bắt bà Richard mang trở về Ấn Độ. Việc mang gia đình bà Richard sang Mỹ trở thành ưu tiên số một để bảo đảm an ninh cho nạn nhân, cho nhân chứng, cho gia đình của họ trong khi mọi người chờ ngày hầu tòa.
- Bharara hỏi hùng hồn: "Điều chính trực có phải là công tố viên nên nhắm mắt phẳng lờ, không quan tâm đến luật pháp khi nhân quyền của một nạn nhân bị xâm phạm (tệ hơn nữa, nạn nhân đó là công dân Ấn Độ, không phải công dân Mỹ), hay là chính phủ, tòa đại sứ, tòa lãnh sự của các quốc gia khác phải nài nỉ (Hoa Kỳ) là luật pháp phải được thi hành đúng mức?"
Bênh vực người có quyền thế, không màng đến quyền lợi của người nghèo không phải là xa lạ gì trong văn hóa Ấn Độ. Tháng vừa rồi một người trong quốc hội Ấn Độ bị bắt vì đánh chết một người làm , lời cáo buộc là chỉ vì bà này phủi bụi không sạch. Năm 2011, một người làm trong tòa lãnh sự Ấn Độ ở New York thưa Tổng Lãnh Sự Ấn Độ tội bóc lột nhân công. Ông Tổng Lãnh Sự phủ nhận, nhưng cuối cùng cả hai bên đồng ý đình án, với chi tiết về hiệp ước thỏa thuận không được công bố cho công cộng. Năm 2012 một người nội trợ Ấn Độ khác thưa và thắngán Cựu Cố vấn Báo chí và Văn Hóa của tòa Tổng lãnh sự. Thế nhưng theo tờ Christian Science Monitor, người cựu Cố vấn này vẫn không trả tiền vì tòa Thượng Thẩm Ấn Độ không đồng ý với quyết định của Tòa New York.
Hoa Kỳ là quốc gia vô địch về bảo đảm nhân quyền. Những ông cha sáng lập nước Mỹ chạy nạn từ Anh sang Mỹ để tránh chế độ chính quyền áp đảo dân chúng nên khi độc lập, họ đã viết hiến pháp rất chi tiết bảo vệ quyền lợi của người dân. Tôi đã viết một bài về luật pháp Hoa Kỳ khi tòa San Jose xử án ông Lý Tống việc xịt hơi cay vào Đàm Vĩnh Hưng, xin xem lại ở link:http://www.saigonocean.com/trangNguyenTaiNgoc/NguyenTaiNgoc/van77.htm .
Ngoại trừ chứng kiến một tội đang diễn ra trước mắt, cảnh sát Mỹ không có quyền bắt một ai, không có quyền vào nhà tư nhân bắt bớ ai, nếu không có trát tòa. Khi tình nghi một người phạm tội, cảnh sát phải đệ đơn xin Thẩm phán ký trát tòa, với bằng chứng nghi ngờ người đó phạm tội. Thẩm phán xem xong, đồng ý thì mới ký trát tòa cho cảnh sát bắt người đó. Thành ra việc cảnh sát bắt giữ cô Khobragade là chắc chắn sau khi cảnh sát đã bỏ ra thời gian điều tra, thu thập những tài liệu cô ta khai gian, lời khai của các nạn nhân, chứ không phải muốn bắt ai là bắt.
Việc chính phủ và người dân Ấn Độ hoàn toàn không thấy cái tội của cô Khobragade, thậm chí không bênh vực cho người nghèo của nước họ, bà nội trợ Sangeeta Richard, mà cứ khăng khăng lên án chính phủ Hoa Kỳ, nói lên bản chất không nhìn nhận trách nhiệm, chỉ đổ lỗi cho người khác.
Khi một sự việc xấu xa, thất bại xẩy ra mà mình là một thành phần tham dự, để đối phó, người ta chỉ có hai phản ứng: một là đổ lỗi cho người khác, cho nguyên nhân khác, và hai là nhận lãnh trách nhiệm.
Người đổ lỗi lập tức dùng trí óc chủ quan phán đoán mình đúng, người khác sai. Vì họ thấy người khác sai nên họ thấy lỗi là của người khác gây ra, chứ không phải lỗi là của chính họ.
Trái lại, người nhận lãnh trách nhiệm không xét đoán, không buộc tội, nhưng chỉ khách quan quan sát vấn đề rồi phân tích cái phải cái quấy để xem có phải mình là người đã hành động sai lầm hay không.
Sau khi phân tích và đưa ra kết luận lỗi đó do mình gây nên, họ sẽ bạo dạn nhận mình là người có lỗi. Một người chỉ có thể sửa sai khi biết là mình sai, mình có lỗi. Người nhận lãnh trách nhiệm là người có thể thay đổi thành một người tốt hơn vì họ nhận thức cái sai của mình.
Một người chỉ đổ lỗi không bao giờ thay đổi tính tình trong đời sống vì họ không nhận lãnh trách nhiệm. Khi một chuyện gì xẩy ra, đầu óc họ ngay lập tức tìm một người khác, một nguyên do khác để đổ lỗi. Họ nghĩ lúc nào họ cũng đúng, người khác sai.
Nếu tất cả mọi người trên thế giới đều là người đổ lỗi thì chuyện xấu xa, khó khăn, sai quấy càng ngày càng chất đống vì chính người tạo ra những vấn đề đó nghĩ rằng không phải lỗi của mình, do đó không một ai tìm ra một giải quyết.
Ngược lại, nếu mọi người nhận lãnh trách nhiệm thì những chuyện xấu xa, khó khăn, sai quấy càng ngày càng bị tiêu trừ, sửa đổi tốt hơn vì họ sẽ giải quyết cái sai quấy để không lập lại lỗi lầm đã phạm.
Trong trường hợp ở đây, nếu bảo rằng dân chúng Ấn Độ không hiểu rõ nguyên do Khobragade bị bắt mà đã phản đối Hoa Kỳ thì còn có thể tha thứ; đằng này chính phủ Ấn Độ biết nhân viên tòa lãnh sự của mình sai mà còn cố tình làm ngơ, bảo vệ cái sai bằng mọi giá, tìm đủ mọi cách trả đũa, như tịch thu căn cước ngoại giao đoàn Hoa Kỳ ở New Delhi, phong tỏa hàng hóa không cho vào tòa Đại sứ Mỹ, và hành động tiểu nhân nhất là gỡ bỏ những tảng đá phòng vệ Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở New Delhi thì thật là không thể nào tha thứ được.
Ấn Độ thay vì nhận lãnh trách nhiệm, phân tích vấn đề, nhận thức nhân viên tòa lãnh sự của mình làm sai bóc lột nhân công, thì lại chọn con đường đổ lỗi cho chính phủ Hoa Kỳ.
Cái bản chất trẻ con này cho thấy lý do tại sao tuy rằng dân số Ấn Độ gần bằng Trung quốc, Ấn Độ không bao giờ xứng đáng với danh xưng "cường quốc" thế giới.
Nguyễn Tài Ngọc
December 2013
Tài liệu tham khảo: