Thursday 26 December 2013

BAN MÊ THUỘT VÀ TÔI - Tạp ghi của Phan Ni Tấn


Bây giờ là tháng Chạp. Năm sắp hết, Tết lại sắp về. Tết thì có nhiều chuyện để nhớ và để viết. Dù những bài viết chẳng ăn nhập gì tới ba ngày Tết. Thí dụ:

Từ ngày bỏ xứ mà đi tính đến nay Ban Mê Thuột và tôi đã xa nhau gần bốn chục năm ròng. Tôi sinh ở Ban MêThuột nhưng lớn lên ở Sài Gòn. 67 năm đứng giữa đời này dù tôi không có ăn ở nhiều nhặn gì với cái xứ “buồn muôn thuở” nhưng cũng đủ để mang theo trong lòng ít nhiều kỷ niệm ngọt bùi lẫn chua cay.

Mối Tình Đầu
Như mối tình đầu của tôi chẳng hạn, một mối tình thơ dại đến tội nghiệp. Hồi đó ngay cái liếc mắt cũng hồi hộp nói gì đến hẹn hò nắm tay nắm chân. Rồi cũng như triệu triệu mối tình đầu chia ly trên cái cõi đời ô trọc này, kết cuộc tôi cũng đành gượng “vui” theo câu thơ an ủi của nhà thơ Hồ Dzếnh: ”tình chỉ đẹp khi còn dang dở”. Tôi là một tên phàm phu tục tử lòng đầy tạp niệm, thà “đời mất vui khi đã vẹn câu thề” hơn là chẳng biết “mối tình đầu” của tôi bây giờ trôi giạt ở tận phương trời nào, chồng con ra sao.

Anh Hùng Tuổi Trẻ
Rồi những thằng bạn ấu thời lớn lên lần lượt đi vào chiến trường, mười thằng hy sinh hết bảy. Những anh hùng tuổi trẻ sống sót trở về thì hình hài cũng chẳng còn toàn vẹn như thuở mẹ cha sinh ra. Có lần, tôi xuống nghĩa địa làng viếng mộ ông anh tử trận, trong một thoáng tôi chợt nhận ra mình ngơ ngác trước những cái chết quá trẻ của những người lính. Vì bờ cõi, họ đã ngã xuống khắp các mặt trận ba miền đất nước. Xương máu anh hùng thấm vào lòng đất, lòng biển, hồn thì bay về nhà.

Du Ca và trường xưa
Phong trào Du Ca Việt Nam được nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang và Đinh Gia Lập sáng lập năm 1966 tại Sài Gòn. Du Ca là một đoàn thể phục vụ về văn hóa và sinh hoạt văn nghệ cộng dồng đã mau chóng tác động sâu mạnh trong giới thanh niên khắp các tỉnh miền Nam Việt Nam từ miền Trung xuống tới tận cùng đất nước. Riêng tại Ban Mê Thuột có đoàn Du Ca Lòng Mẹ do nhạc sĩ Nguyễn Quyết Thắng làm Trưởng Đoàn. Hồi còn đóng quân ở thị trấn này thỉnh thoảng cuối tuần tôi cởi bộ đồ lính, khoác áo du ca tới trụ sở sinh hoạt hoặc xách đàn theo đoàn đi tác động trong các vùng nông thôn xa xôi. Có lần chúng tôi được phép sinh hoạt trong sân trường Trung học Ban Mê Thuột mà tôi còn nhớ là ở phía Nam bên phải dẫy trường. Dưới bầu trời âm u mây thấp, ôm đàn đứng hát với anh em du ca mà lòng bồi hồi nhớ lại ngôi trường xưa năm 1960 tôi đã bỏ đi quá sớm. Giá như thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Đồng có mặt bữa đó chắc thầy cũng không thể biết được anh học trò ngày xưa đã trở về đây dưới hình thù của một anh lính-du-ca.

Miếng đất quê
Sau khi Ban Mê Thuột thất thủ ngày 10-03-1975, tôi bị Việt Cộng thảy vào bốn vách đề lao học tập cải tạo. Ngày ngày vác cuốc đi lao động, cuốc mảnh đất lên tôi cảm thấy xót xa cho nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Miếng đất quê trở nên lạnh lùng, xa lạ, như lúc nào cũng có cạm bẫy dưới chân. Buổi chiều đàn chim xao xác bay về tổ, đoàn tù chúng tôi lặng lẽ trở về trại tù.

Năm 1979 tôi trốn thoát về Sài Gòn sống như phường trôi sông lạc chợ, đến cuối năm vượt biển tới Thái Lan rồi tháng tư 1980 đi định cư tại Canada. Từ đó đến nay đã hơn 34 năm ròng rã tôi chưa trở về quê nhà lần nào. Nghe nói, và tôi cũng đã xem trong DVD hay trên mạng thấy bộ mặt Ban Mê Thuột ngày nay đã hoàn toàn thay da đổi thịt. Thời chiến tranh, BMT trông giống như gương mặt bụi bặm của một người đàn bà bị cày lên tan nát, bây giờ được tô son điểm phấn sạch sẽ hơn, tráng lệ hơn. Những vết xích chiến xa, những dấu đạn hằn, những tiếng khóc… đã chìm sâu trong quá khứ. Ngay cả cỗ xe tăng rạng sáng ngày 10-03-1975 lăn bánh vào thị xã, nay cũng đuợc tân trang, lau chùi những vết thù đem chưng trên một bệ cao đặt giữa lối vào thành phố. Ngót 39 năm qua rồi như một cơn ác mộng, nhiều người bỏ xứ mà đi tỵ nạn nay đã thoải mái hồi hương thăm quê. Riêng những đứa con của Mẹ Núi như tôi chẳng biết bao giờ mới có thể an nhiên trờ về như lời của một bài ca:

“Ta về như một đứa con hoang. Trong vòng tay Mẹ Núi ru hời. Gối đầu lên ngọn Bắc Chư Pao. Ta đánh giấc giữa rừng đại ngàn. Ta về như là đứa con ngoan. Trong tình thương của lũy tre làng. Người Ê Đê khoác vai núi đứng. Mừng đứa con về”.


PHAN NI TẤN