Wednesday 25 December 2013

CÁC CHÍNH ĐẢNG TRONG ĐỜI SỐNG CHÍNH TRỊ CỦA MỘT QUỐC GIA - ĐINH LÂM THANH

Kính thưa Quý Vị
         Thời thượng và trung cổ, con người theo Thần Quyền, xem vua là người thay Trời để cai trị thiên hạ…như chúng ta đã thấy, không những từ các xứ Á Châu, Âu-Châu mà còn đến các dân tộc thiểu số sống cách biệt với loài người. Nếu may mắn gặp vị vua hiền, nhân hậu và biết thương dân thì đời sống dân chúng được sung túc. Bằng không, nếu rơi vào tay bạo chúa, con dân cũng trở thành những kẻ nô lệ suốt đời.
      Đến thời cận đại, đời sống con người trong xã hội cũng biến đổi tùy theo định chế chính trị của mỗi xứ, mỗi nước. Tôi không nói đến các chế độ cộng sản hay quân phiệt trong bài tham luận ngắn nầy, chỉ xin đề cập đến các xứ tự do, là nơi người dân có quyền hành xử quyền của mình bằng lá phiếu để lựa chọn thành phần lãnh đạo đất nước.  
      Đối với chế độ tự do, một quốc gia được xem là lý tưởng về phương diện chính trị thì cần hội đủ ba yếu tố theo thứ tự ưu tiên:

      1. Chính quyền và Quốc hội phải do dân bầu lên theo luật định và ba tổ chức hành pháp, lập pháp cũng như tư pháp phải riêng rẽ độc lập.
      2. Phải có đối lập chính đáng và hữu hiệu để giám sát và khuyến cáo chính phủ.
      3. Người dân ý thức và hành xử đứng đắn quyền chính trị của mình.
      - Vậy, khi một chính quyền hợp pháp được bầu lên thì chính phủ phải có trách nhiệm và bổn phận đối với người dân trong nước. Không chỉ đơn giản bảo vệ tài sản vật chất cũng sinh mạng mà còn phải lo cho người dân từ điều kiện sinh sống, làm việc cũng như hưởng thụ từ tinh thần đến vật chất. Ngoài ra chính quyền phải lắng nghe nguyện vọng của người dân và phải giải quyết trong tinh thần dân chủ để sửa chữa những sai lầm hầu đem lại cho dân một đời sống tốt đẹp hơn. Chính lá phiếu của người dân đưa những người tài đức lên lãnh đạo đất nước và cũng chính lá phiếu của dân sẽ kéo xuống hay giật sập chế độ khi họ đi ngược lại với lòng dân và quyền lợi của quốc gia dân tộc.
      - Đối lập là một hình thức dân chủ, nhưng phải đối lập trong tinh thần xây dựng và hữu hiệu. Thành phần đối lập phải đứng về phía dân để cảnh báo những sai lầm, giảm thiểu hay chận đứng những việc làm không mang lại lợi ích thiết thực cho người dân cũng như nguy hại cho đất nước. Một sự đối lập chính đáng và hữu hiệu trong một quốc gia là đối lập phải đứng về phía người dân để kiểm soát và kềm chế hành động của nhà cầm quyền, khác hẳn với việc đối lập ‘cuội’ hoặc đối lập vì quyền lợi cá nhân hay phe nhóm, đảng phái.
      - Trong một quốc gia, trình độ dân trí càng cao thì tình trạng chính trị bao giờ cũng tốt, vì người dân biết rõ trách nhiệm đối với đất nước, với chính quyền, xã hội, gia đình và ngay cả chính bản thân của họ. Như vậy một nền chính trị được xem là lý tưởng và ổn định thì cần sự hổ tương giữa người dân và giới cầm quyền, mà trong đó, đối lâp đóng vai trò giám sát. Từ điểm nầy, vai trò chính đảng trong một quốc gia phải được xem là quan trọng và tối cần thiết. Nếu đứng trên cương vị cầm quyền thì các đảng phải chịu trách nhiệm đối với việc lãnh đạo quốc gia hoặc giữ nhiệm vụ cố vấn bên cạnh chính phủ. Trường hợp nằm trong thành phần đối lập thì chính đảng phải có nhiệm vụ kiểm soát và khuyến cáo chính phủ.    
      A. Chính đảng phái trong đời sống chính trị của một quốc gia :
      Chính đảng là một đoàn thể chính trị cao nhất trong một nước, và chính đảng là tổ chức nắm quyền lãnh đạo của đại đa số quốc gia trên toàn thế giới, từ chế độ quân phiệt, cộng sản, xã hội cho đến tự do. Nhưng tùy theo chủ trương mà các đảng áp dụng những đường lối cai trị - hoặc lãnh đạo - khác nhau, đôi lúc phải uyển chuyển theo nhu cầu và hoàn cảnh cũng như không gian cũng như thời gian để thích hợp với hoàn cảnh của từng quốc gia một. Đối với các xứ văn minh Âu-Mỹ, chính đảng ảnh hưởng rất lớn trong đời sống chính trị của quốc gia. Chính người dân, qua lá phiếu, đã đưa các chính đảng luân phiên lãnh đạo đất nước và điều hành guồn máy quốc gia. Nhưng xét về phẩm và lượng thì có thể nói rằng các đảng Tây Phương thường đặt vấn đề quyền lợi của đảng lên trên tất cả. Như chúng ta đã thấy, họ cần số lượng đảng viên thật đông đảo, để vừa làm hậu thuẩn chính trị vừa mục đích kiếm phiếu cho việc tham chính hoặc nắm chính quyền. Do đó vấn đề gia nhập đảng gần như không bị ràng buộc khắt khe và một khi bất đồng ý kiến thì đảng viên ra đi thật dễ dàng. Thường thường các đảng tại Âu-Mỹ hay bạch hóa con số đảng viên để làm nền tảng cho tổ chức cũng như phô trương sức mạnh hầu thu hút người khác, đồng thời tạo uy tín cho các chương trình ứng cử. Ngoài ra, đảng cần tiếng nói đa số trong quốc hội lưỡng viện để ủng hộ đường lối chủ trương của đảng cũng như chương trình kế hoạch chính phủ. Một đảng nào lên nắm chính quyền, dĩ nhiên, họ đặt để cán bộ vào các chức vụ then chốt trong chính phủ và áp dụng chính sách cũng như đường lối của đảng trong thời gian ấn định theo luật bầu cử của từng quốc gia một.
      Hệ thống tổ chức đảng các quốc gia Tây Phương cũng phức tạp, tuy nhiên các tổ chức nhỏ, tùy theo đường lối hoạt động, họ thường hoạt động nương tựa vào các đảng lớn để tồn tại và phát triển. Điều nầy chúng ta thấy rõ nhất tại các quốc gia lớn Âu-Châu và các đảng thường chia thành hai hoặc ba khối rõ rệt. Một điều đặc biệt của Tây Phương là tuy đối lập nhau, nhưng cùng chung một hướng là đứng về phía tư bản hoặc trung lập để luân phiên nhau lãnh đạo do lá phiếu của người dân. Đối với Tây Phương các quốc gia văn minh với những nền chính trị căn bản của tự do, trung lập hay xã hội (đúng nghĩa) thì dù những đảng có khuynh hướng khác biệt nào (trừ cộng sản) họ cũng đặt quyền lợi quốc gia dân tộc lên trên và đi theo con đường tư bản đã định sẵn. Do đó vai trò của đảng cầm quyền cũng như đối lập không phức tạp và thù nghịch nặng nề như trong các xứ quân phiệt hoặc cộng sản. Đến giờ nầy, tại Âu-Mỹ vẫn còn tồn tại một ít đảng cộng sản và các thành phần cực tả bất mãn đang hoạt động trong vài quốc lớn như Pháp, Ý, Anh, Tây Ban Nha… Nhưng thật ra đây là những đảng cộng sản salon, lấy xôi thịt làm mục đích tranh đấu, sống bám vào trợ cấp ân huệ của đám tàn dư cộng sản Liên sô cũ chứ chẳng còn tha thiết gì đến ‘lý tưởng vô sản’ bịp bợm của chúng nữa!
      Nhưng đối với Việt Nam thì ngược lại, ở đây tôi xin đề cập đến một số ít các đảng lớn, đã có mặt từ lâu đời, họ đặt nặng vấn đề cương lĩnh, tổ chức chính trị và mục tiêu hành động hơn là hình thức mị dân để mưu đồ chính trị, đồng thời lấy lý tưởng làm phương châm phục vụ quốc gia dân tộc. Muốn gia nhập để trở thành đảng viên, việc trước tiên phải là người có khả năng và được giới thiệu…nhất là phải qua một thời gian huấn luyện lâu dài cũng như vượt qua nhiều thử thách trước khi trở thành một đảng viên. Và, một khi được thu nạp thì đảng viên tự nguyện phát triển đảng tính và đường lối của đảng để phục vụ quốc gia dân tộc, đồng thời thi hành chỉ thị do tổ chức giao phó trong các địa bàn hoạt động. So sánh các điểm nầy, chúng ta thấy số đảng viên của các đảng lớn tại Âu-Mỹ, theo thống kê, có khi lên đến hàng triệu và hoạt động công khai với danh xưng cùng chức vụ của đảng. Ngược lại các đảng lớn của người Việt Nam (tôi có thể gọi là chính đảng) thì số lượng đảng viên không bao giờ tiết lộ. Ngoài ra, đảng viên phải là cán bộ đủ khả năng về mọi phương diện, nhưng tất cả đều ẩn danh, hoạt động trong bóng tối theo đường lối của đảng và nhất là địa bàn hoạt động của cá nhân cũng như cơ sở địa phương bao giờ cũng được bảo mật tối đa.  
      Kính thưa quý vị, dấn thân vào con đường chính trị, dù tích cực với chủ trương nắm lấy quyền lực hay chỉ đơn giản làm nhiệm vụ của một người dân tốt đối với quốc gia dân tộc, thì cá nhân không thể đơn phương hoạt động một mình mà phải dựa vào sức mạnh của tập thể để phát triển tư tưởng và tài năng. Tập thể ở đây có thể là hội đoàn, đảng phái, quân đội hoặc tôn giáo…nhưng môi trường thích hợp và lý tưởng nhất chính là các tổ chức chính đảng. Vậy tôi xin phép được trình bày vai trò đảng phái đối với hiện tình Việt Nam, nhất là trong giai đoạn tranh đấu cứu nước hiện tại và dựng nước ngay sau ngày chế độ cộng sản sụp đổ.
      Phải công nhận rằng người Việt có tinh thần yêu nước cao độ, ai cũng đau lòng trước đường lối cai trị đẫm máu, trước tình trạng bất công xã hội, trước cảnh nước mất nhà tan do tập đoàn Hà Nội bán đất nhượng biển cũng như trải thảm mời kẻ thù là Tàu cộng trở lại đô hộ đất nước thêm một lần nữa. Người Việt với hàng trăm tổ chức tranh đấu từ trong nước ra đến hải ngoại, nhưng từ trên 35 năm qua kể từ ngày cộng sản xua quân xâm chiếm Việt Nam Cộng Hòa, chúng ta chưa làm được gì thiết thực khả dĩ đủ sức quật ngã chế độ cộng sản. Đó là vì chúng ta chưa có lãnh đạo cũng như sách lược dẫn đường. Đây là một vấn đề cần phải suy nghĩ. Có thể lấy một vài ví dụ cụ thể cho dễ hiểu, như trường hợp cả trăm binh đoàn đang tiến vào bộ tư lệnh cộng sản mà thiếu bản đồ và cấp chỉ huy, hoặc, hàng ngàn chiến thuyền chở chiến sĩ tranh đấu đang ào ạt nhắm hướng Hà Nội nhưng lại thiếu la bàn và thuyền trưởng!
      Vậy Việt Nam muốn ổn định chính trị thì bất cứ đảng phái nào xuất hiện cũng cần phải có ba điều kiện:
       - Chủ trương và đường lối rõ ràng để làm nền tảng cho việc dấn thân đồng thời có thể thu phục được nhân tâm.
      - Chỉ đạo và huấn luyện để khỏi sơ hở trước thủ đoạn hỏa mù của địch.
       - Lấy tinh thần dân tộc và điểm tựa quần chúng để khỏi lầm đường và lạc lõng trước sức mạnh của tập đoàn cộng sản.
      Tại sao tôi đặt nặng vai trò chính đảng trong công cuộc cứu nước và dựng nước? Trước tiên xin thưa rằng, các đảng lớn và có thành tích lâu đời tại Việt Nam thì đều đi theo con đường tiền nhân để tiếp tục việc cứu nước và dựng nước. Các đảng viên thì hấp thụ đầy đủ kinh nghiệm tranh đấu cũng như tinh thần bất khuất mà ông cha đã anh dũng đứng lên bảo vệ đất nước, chống ngoại xâm từ Trung Hoa, Nhật Bản đến Pháp cũng như đã anh dũng chống nội thù là đảng cộng sản trên nửa thế kỷ. Hơn nữa, chính  đảng Việt Nam đều mang một truyền thống đượm màu dân tộc, một tinh thần bất khuất đồng thời là những tổ chức thực tiển có tính cách khoa học mà không một sắc dân nào bắt kịp qua hai điểm trọng yếu sau :
      1. Chính đảng Việt Nam là những đoàn thể chính trị lớn có tinh thần quốc gia, có đường lối và chương trình hoạt động minh bạch -  ngoại trừ đảng cộng sản -  với một hệ thống tổ chức quy mô theo hàng dọc, hàng ngang để chỉ huy và bảo mật. Các đảng lớn đều do những đảng viên tiên khởi phát xuất từ lòng dân tộc, sáng lập đảng đã trên nửa thế kỷ với một chủ thuyết căn bản phát xuất từ tinh thần quốc gia, có tính cách  khoa học, thực tiển và trong sáng nhằm đáp ứng nhu cầu cũng như nguyện vọng của người để thích nghi với hoàn cảnh đất nước ở thời điểm đã qua, với hiện tại và ngay cả trong tương lai.  
      2. Việc gia nhập vào một đảng lớn của Việt Nam không đơn giản như ghi danh vào các đảng phái tại các xứ Âu-Mỹ cũng như một số tổ chức tại hải ngoại và nội địa vừa thành hình trong thời gian qua. Người muốn được kết nạp để trở thành một cán bộ nòng cốt của một đảng lớn của Việt Nam, trước tiên phải được giới thiệu và trải qua một thời gian dài thử thách mới có thể trở một thành đảng viên chính thức. Người tân đảng viên sau đó phải được huấn luyện về mọi mặt, từ chính trị đến văn hóa cũng như thể chất và tinh thần. Đây là điều kiện căn bản để đào tạo tân đảng viên trở thành một cán bộ với đầy đủ nghị lực, kiến thức và khả năng trước khi dấn thân vào môi trường hoạt động. Do đó, một khi trở thành cán bộ, người đảng viên có đủ hành trang để tự mình hoạt động đắc lực và hiệu nghiệm qua nhiều vai trò do đảng chỉ định trong một môi trường nào đó…Như vậy, giá trị bản thân của người đảng viên cho phép họ thành công trong việc thu phục, hướng dẫn và vận động quần chúng.    
      B. Vai trò chính đảng trước hiện tình đất nước :
      Trở về với hiện tình đất nước, chính đảng được sinh ra và lớn lên từ trong lòng dân tộc thì phải nhận trách nhiệm đối với đồng bào cũng như quê hương và tổ quốc. Tại quốc nội đã có nhiều tổ chức tranh đấu đòi tự do dân chủ nhân quyền, đòi tự do tôn giáo, đòi tài sản đất đai, đòi no cơm ấm áo, đòi thoát khỏi cảnh nô lệ Tàu cộng…nhưng các tổ chức nầy còn hoạt động riêng rẽ, thiếu phối hợp và nhất là thiếu cán bộ lãnh đạo can trường, đủ đạo đức và khả năng. Vậy các đảng lớn, qua thành tích đã có cộng với thành phần cán bộ nòng cốt đang âm thầm hoạt động trên địa bàn miền Nam Việt Nam…thì nên tích cực dấn thân hơn nữa để hành xử vai trò và trách nhiệm của mình.
Các chính đảng cần hợp lực với các tổ chức dân chủ, dân oan, các tín đồ tôn giáo, sinh viên, công nhân và ngay cả những người đang phục vụ trong ngụy quyền Hà Nội để cùng kề vai sát cánh, chung sức nhau để sớm kết thúc chế độ cộng sản.
      Chính đảng cũng còn trách nhiệm phối hợp với các cộng đồng người Quốc Gia hải ngoại trong chương trình hợp tác đoàn kết, cùng ngồi chung với nhau thành một khối để yểm trợ quốc nội và thảo những kế hoạch nhằm giải thể chế độ, ổn định xã hội và chính trị ngay sau ngày cộng sản sụp đổ cũng như những chương trình dài hạn nhằm kiến thiết lại đất nước. Như vậy việc giải thể chế độ cộng sản và xây đựng lại quê hương không thể thiếu bàn tay của các chính đảng của Việt Nam.
      Thưa quý vị, ngày nay chủ nghĩa cộng sản đã thái hóa vì tính cách phi nhân bản, bịp bợm và lừa đảo. Chế độ vô sản biến con người thành loài thú chỉ biết hưởng thụ và làm nô lệ phục vụ cho độc đảng của chúng mà nhân loại đã đồng loạt ghê tởm và vứt vào sọt rác. Chủ nghĩa tư bản thì cũng đi vào thời kỳ quá độ, đưa con người đến một hình thức nô lệ mới. Những quốc gia đại tư bản nhân danh tự do nhân quyền để dùng sức mạnh vật chất khống chế và điều khiển các quốc gia yếu kém hơn. Điều nầy cũng sẽ dẫn đến những cuộc nổi dậy của thành phần bất mãn, tạo chiến tranh gây bất ổn cho nền hòa bình thế giới. Vậy chỉ còn một chủ nghĩa duy nhất, khả dĩ có thể đưa các dân tộc nghèo yếu, bị trị, mất tự do nhân quyền đi đến độc lập, hòa bình và thịnh vượng…thì may ra nhân loại có thể sống chung với nhau: Đó là chủ nghĩa Dân Tộc. Đối với Việt Nam, một đất nước bị cả ngàn năm đô hộ của Tàu, trăm năm bởi Tây, ba mươi năm ảnh hưởng của Mỹ và trên 60 năm dưới chế độ cộng sản, dân chúng lầm than, gia tài của Mẹ rách nát tang thương…nhưng tinh thần dân tộc của người Việt Nam bao giờ vẫn còn đó. Vậy phải phát triển tinh thần Dân Tộc sẵn có để chúng ta tìm một hướng đi cho sự Sinh Tồn của Việt Nam. 
      Xin hết lòng đa tạ
      Paris, ngày 15.5.2010 
* Bài tham luận do tác giả trình bày nhân Ngày Hội Luận về đề tài ‘Sinh Tồn Của Dân Tộc Trước Hiện Tình Đất Nước’ tại Paris - Pháp.
* Trích trong ‘Niềm Đau Còn Đó’ xuất bản tại Hoa Kỳ tháng 5 năm 2010. ISBN : 978-1- 4507-1595-9