Ngô Nhân Dụng
Mấy năm trước tôi đã kể một kỷ niệm khi ở một ngôi làng tại Thụy Sĩ. Làng Hombrechtikon cách thành phố Zurich hơn 60 cây số về phía Ðông Nam, có khoảng ba ngàn dân. Còn một số nông trại rải rác, nhưng đa số dân lao động đi làm ở các thị xã chung quanh. Dân trong làng gần một nửa là di dân từ Ðông Âu, từ Rumanie hay Macedoine tới, gặp cả người Trung Hoa, Bangladesh, Ấn Ðộ, vài gia đình người Việt Nam cư ngụ.
Chúng tôi đi dạo trong làng, leo lên một ngọn đồi để ngắm cảnh mặt trời lặn, đi qua một cái quán bên đường, góc đường LaufenbachStrasse và Ruti Strasse. Quán chỉ là một cái quầy gỗ dài ba mét, rộng hơn một mét, có mái che sơ sài. Trên mặt quầy bày những chậu hoa đã ươm sẵn, lá xanh với những nụ hoa đang chúm chím, đúng thời tiết tháng Năm, và những bó hoa ngâm trong thùng nước. Những chùm hoa để trong chậu có biên giá bán, từ 15 đến 25 đô la. Nhưng cửa hàng hoa không thấy ai đứng bán. Có bữa đi xa về trễ, lái xe qua lúc 11 giờ đêm, vẫn thấy hoa bày đó, quán “mở cửa” suốt ngày. Ở cuối bàn có một cái hộp đựng tiền, trên có tấm bảng viết, “Kasse” để cho người mua biết chỗ bỏ tiền vào. Tôi học được chữ “selbstbedienung” nghĩa là tự phục vụ, self-service, khách hàng tự chọn hoa và tự trả tiền. Cách cái bàn vài chục thước là một cái biển đề chữ “frisch Milch,” nơi bán sữa tươi tự động, mà không dùng máy! Ði bộ tới một góc đường lên ngọn đồi, lại thấy một cái nơi bán trứng theo lối tự động ấy. Một cái tủ lạnh đặt đầu ngôi nhà, ai mua tự mở cửa tủ ra, chọn một chục trứng và tự trả tiền vào trong cái hộp ở trong tủ.
Hồi đó tôi cứ nghĩ rằng chắc cảnh này chỉ thấy ở Thụy Sĩ, một nước bình an và giầu có. Nhưng năm nay tôi lại được tới một cái quán giống như vậy, ở ngay nước Mỹ. Chúng tôi đến ở nhà các cháu ngoại và vợ chồng con gái lớn, tại Dubuque, tiểu bang Iowa, nước Mỹ. Một bữa, con tôi rủ cả nhà đi “hái táo,” Trại táo nằm ngay trong tỉnh, cách nhà khoảng 5 phút lái xe. Chúng tôi đi vào vườn hái táo, nhưng cũng có thể mua các trái táo hái sẵn. Trong sân, trước cửa nhà bày một cái bàn dài. Trên bàn ngoài các giỏ táo còn nhiều giỏ đựng nhiều thứ nông phẩm như cà rốt, khoai tây, hành, củ cải trắng, và cả mật ong. Các món hàng có đề giá, có cả một cái cân để khách hàng tự cân lấy, rồi tính tiền lấy. Chọn hàng xong, khách tự trả tiền, bỏ vô một cái hộp thiếc. Khách có thể mở hộp để lấy tiền lẻ trả lại. Tất cả đều “self-service,” “selbstbedienung.” Không biết có ai đang ở trong nhà không, nhưng suốt thời gian hái táo và mua táo, mua hành và mật ong tôi không thấy bóng người nào cả.
Khi tôi tỏ vẻ thán phục về đức lương thiện của người dân trong vùng này, con gái tôi cho biết một chuyện khác. Một cô bạn cháu, vợ của một đồng nghiệp dạy cùng trường, cũng “mở quán” bán nông phẩm trước cửa nhà. Cô liên lạc thường xuyên với các nhà nông trong vùng, khi họ có thứ gì mới thì báo cho cô biết. Cô lái xe đi lấy các trái cây, khoai, sữa, hành, vân vân, từ các nhà nông, đem về chất đầy trong tủ lạnh. Cô chủ quán mỗi ngày dùng email báo tin cho các “thân chủ” biết hôm nay có những món gì mới. Tủ lạnh đặt ngoài cửa, với một cái hộp đựng tiền trong đó. Ai muốn mua, cứ tự do mở tủ lấy hàng, rồi trả tiền lấy.
Dubuque là một thành phố cổ lập ra từ thời vùng đất này còn thuộc Louisiana trước khi vua Pháp bán đứt cả vùng hai bên sông Mississippi cho chính phủ Mỹ. Thành phố có khoảng 100,000 dân, đa số là thợ thuyền; không phải là một làng nho nhỏ như Hombrechtikon ở Thụy Sĩ. Nhưng ở đâu người ta cũng tin nhau, tin không ai muốn chiếm không của người khác. Chắc khắp thế giới ở đâu cũng rất nhiều người sống như vậy. Tôi tin loài người đều sẵn sàng sống lương thiện.
Tôi chưa bao giờ coi bộ phim truyền hình Osin rất nổi tiếng ở Việt Nam cách đây mấy chục năm, hiện đã được dịch ra dăm chục thứ tiếng. Gần đây, nhà tôi mới bắt đầu coi bộ phim này trên Youtube, bản gốc tiếng Nhật, có phụ đề. Câu chuyện một cô gái bị cha mẹ “bán” làm nô tỳ từ năm bảy tuổi, rất thương tâm, thấm thía tình người, và tràn đầy hy vọng. Cha mẹ cô Osin là nông dân nghèo bậc nhất ở nước Nhật, mà nhà tôi giận nhất là người cha cô bé, chuyên đánh con và quát vợ. Khi nghe nhà tôi kể lại mấy đoạn chuyện trong phim, tôi bỗng nhìn ra một điều. Trong cái gia đình nông dân nghèo và đói này, đứa con gái lên bảy vẫn biết cách cư xử theo đúng đạo lý. Ðứa con biết sống thật thà, lương thiện, trọng danh dự, và kính trọng mọi người trong xã hội. Có lẽ cha mẹ cô bé không ai được đi học, nhưng một nền nếp đạo đức được truyền thụ cho con cái, như bất cứ một gia đình nào ở Nhật Bản, cũng như ở Việt Nam, Hàn Quốc và Trung Quốc. Các nước Á Ðông này đều chịu ảnh hưởng nền luân lý Khổng Giáo, suốt hai ngàn năm. Nền luân lý đó thấm nhuần cả xã hội, ngay cả những người nông dân không hề được đi học.
Vậy thì trong các xã hội Á Ðông có “cơ chế” nào giáo dục mọi người, từ đứa trẻ thơ đến người lớn tuổi như vậy? Cơ chế duy nhất là làm gương. Ở mỗi làng tại Việt Nam xưa kia thường có những ông đồ. Ông dạy một nhóm học trò, nhiều người trong số đó có thể đi thi, đậu thì làm quan. Nhưng ai cũng được học cùng một số quy tắc sống trong đời, làm sao xứng đáng gọi là “người quân tử,” không ai muốn bị nhìn như một “đứa tiểu nhân.” Ở trong làng, người dân nhìn lên những tấm gương đạo đức đó mà học cách cư xử. Không cần đọc sách, không cần vào nhà trường học tập, người ta vẫn biết cách sống lương hảo. Bên ngoài các làng, người ta nhìn lên những vua, quan. Không biết họ sống đạo đức thực sự được bao nhiêu, nhưng mỗi hành vi của họ đều được dư luận phán xét. Trong hệ thống quan lại có những người làm “ngự sử” với quyền “đàn hạch” lỗi lầm của ông vua và các quan khác. Một cụ tổ dòng họ tôi đã làm chức ngự sử đời Lê. Vì phê bình ông vua Lê Uy Mục, cụ bị bắt, đầy đi xa, rồi bị ám hại trên đường đi. Trong mỗi làng không có người nào đóng vai ngự sử, nhưng các cụ đồ được người ta trọng vọng cũng có thể đóng vai trò phê bình hành vi các quan chức, lý dịch. Họ đóng vai “giới trí thức phê phán” ở nông thôn, khi nước ta chưa có hệ thống thông tin, báo chí như bây giờ.
Xã hội cổ truyền ở Á Ðông không có một cơ chế “kiểm soát và cân bằng quyền lực” như trong hiến pháp của các nước tự do dân chủ bây giờ. Nhưng từ quan chức đến người dân vẫn được giáo dục về đạo lý, nhân phẩm, danh dự, làm sao sống xứng đáng làm người. Không biết có những quán bán hàng tự mua, tự trả tiền như ở Dubuque và Hombrechtikon hay không. Nhưng dân Việt Nam có thể tự hào trong quá khứ người mình biết phải sống lương hảo, phải giúp đỡ những người bị nạn, phải kính trọng người khác, dù là những người mình chỉ gặp một lần trong đời.
Tôi chợt nhớ đến kỷ niệm ở làng Hombrechtikon và chuyện cô bé Osin sau khi coi một bản tin và hình ảnh về vụ hôi của ở Biên Hòa. Kinh hãi quá. Một chiếc xe hàng chở rượu bia gặp tai nạn, các thùng bia rớt xuống đường. Thế là mấy chục người, rồi hàng trăm người chạy tới cướp những lon bia, có người ôm cả những thùng bia, hăm hở vơ vét, mặc cho người tài xế van xin.
Cướp giật của người ta, đã thấy đáng xấu hổ. Cướp của người với nét mặt hớn hở, sung sướng như trẻ em được mẹ cho kẹo! Nhiều người qua đường, có thể xưa nay vẫn là người lương thiện, cũng chạy tới hôi của. Trong suốt thời gian đó, những người đáng lẽ đóng vai gìn giữ trật tự, luật pháp, và bảo vệ tài sản của dân hoàn toàn bất động!
Tất cả mọi người Việt Nam nhìn cảnh tượng đó phải thấy hổ thẹn. Tại sao nước Việt Nam chúng ta lại rơi xuống đến một vực thẳm như vậy? Có đáng khóc hay không?
Ngày hôm qua, tôi được gặp bà Nguyễn Thị Kim Liêng, mẹ của các anh Ðinh Nguyên Kha (đang ở tù) và Ðinh Nhật Uy (đang lãnh án treo), cùng ông Trần Văn Huỳnh, thân sinh của kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức; cả hai người con họ đều đang bị bỏ tù vì nêu ý kiến dân Việt Nam phải được sống trong dân chủ tự do. Gặp những người cha và mẹ này, tôi quên được những cảm tưởng bi quan, tuyệt vọng hiện ra trong vụ hôi của ở Biên Hòa.
Nước Việt Nam vẫn có những người trẻ tuổi biết đạo lý và có ý thức về nghĩa vụ của mình. Vẫn có những bậc cha mẹ dậy con sống cho xứng đáng làm người. Cuộc tranh đấu của những thanh niên, trai cũng như gái, giúp chúng ta giữ được niềm tin tưởng vào gia tài văn hóa tổ tiên để lại. Tin tưởng vào tương lai dân tộc.
Lại nghe tin hai nhà trí thức mới công khai từ bỏ đảng cộng sản. Ông Lê Hiếu Ðằng trên 40 tuổi đảng, nay dám nói thẳng rằng chế độ cộng sản chỉ đưa dân tộc vào một ngõ bí. Ông không muốn chịu trách nhiệm về những tội lỗi của đảng, nên phải rút ra ngoài. Ông Phạm Chí Dũng còn trẻ, cũng biết rằng còn làm đảng viên tức là còn đồng lõa với các chính sách đang đưa đất nước vào đường lệ thuộc ngoại bang, kinh tế bế tắc, người dân bị khinh miệt và đàn áp. Hai người này đã xung phong đi hàng đầu, nhiều đảng viên cộng sản khác chắc sẽ noi theo. Không ai muốn sau này phải nghe các con và các cháu hỏi: Ông, bà, cha mẹ đã ở đâu, đang làm gì khi đảng Cộng sản đang tàn phá đất nước, từ kinh tế đến đạo lý?
Một tội ác lớn nhất do đảng cộng sản gây ra cho dân tộc Việt Nam là chế độ độc tài chuyên chế đã hủy hoại cả nền đạo lý mà tổ tiên đã xây dựng trong hai ngàn năm. Khi chế độ tan rã, chúng ta sẽ phải mất một, hai thế hệ mới xây dựng lại được. Nhưng chúng ta đã thấy hy vọng. Các bạn trẻ như Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Quốc Quân, Ðinh Nguyên Kha và Ðinh Nhật Uy giúp chúng ta nuôi niềm hy vọng đó.