Nước Tàu đã đẻ ra những ông Quản Trọng, Khổng Minh; cho nên khi nói họ đi một nước cờ dại dột chúng ta phải suy nghĩ cẩn thận lắm. Nhưng suy đi nghĩ lại, vẫn phải nói là nước cờ họ mới đi là sai lầm. Mười ngày trước (23 tháng 11, 2013) Bắc Kinh công bố lập một vùng phòng thủ kiểm soát không lưu (Air Defense Identification Zone - ADIZ) ở Ðông Hải. Nếu tính lợi hại thì chẳng thấy lợi đâu cả. Mà thiệt hại thì thấy ngay trước mắt. Về đủ mọi mặt.
Vùng phòng thủ không lưu ADIZ này bao trùm lên mấy hòn đảo nhỏ li ti đang tranh chấp, tên Nhật Bản là Senkaku, Trung Quốc gọi là Ðiếu Ngư. Bắc Kinh đòi tất cả các máy bay qua vùng này phải thông báo cho họ biết, nếu không sẽ có “biện pháp phòng không,” chẳng nói rõ là sẽ làm gì. Chính phủ Nhật Bản đã phản đối mạnh mẽ, vì ngoài Senkaku, vùng ADIZ của Bắc Kinh trùm lên vùng biển mà Nhật đã ấn định là vùng phòng không của họ. Hán Thành cũng phản đối. Mỹ ở xa, chỉ tỏ ý phàn nàn rằng Trung Cộng đơn phương thay đổi thế cân bằng đang có sẵn. Vùng ADIZ này máy bay thương mại qua lại thường xuyên, trong các chuyến bay giữa Trung Quốc, Nhật, Nam Hàn, Ðài Loan, và từ nơi khác tới các nước này. Phản ứng của ba nước cho thấy nếu Trung Cộng muốn ép các nước phải công nhận vùng vùng biển mà họ khoanh ra đòi kiểm soát, thì họ đã hoàn toàn thất bại. Họ không ép được ai cả. Không đạt được lợi lộc nào. Ngược lại, Bắc Kinh đã bị mất mặt.
Lúc đầu, hai công ty hàng không thương mại của Nhật đã tuân theo lệnh, các phi công báo cho Bắc Kinh biết đường bay của họ khi bay qua vùng này. Nhưng sau khi chính phủ Nhật Bản lên tiếng phản đối thì các công ty hàng không Nhật đã ngưng, coi như không. Các máy bay thương mại của Nam Hàn cũng bỏ qua, không làm theo lệnh Bắc Kinh. Cơ quan hàng không Mỹ khuyến cáo các hãng máy bay của họ hãy thông báo đường bay khi qua vùng này, để bảo đảm an toàn cho hành khách. Nhưng chính quyền Mỹ thử bằng hành động: Ngày 26 tháng 11, hai pháo đài bay B52 cất cánh từ đảo Guam đã bay thẳng qua không phận quần đảo Senkaku, mà không hề báo tin cho Bắc Kinh biết, như quy luật họ đặt ra. Chính phủ Mỹ cho biết đây là một chuyến bay diễn tập thường xuyên, và hai máy bay không đem theo bom. Nhưng ai cũng thấy đây là một hành động vừa để cảnh cáo vừa trắc nghiệm xem Trung Cộng sẽ đối phó thế nào. Trung Cộng không làm gì hết. Họ cố gỡ thể diện với lời giải thích rằng các máy bay quân sự Mỹ chỉ bay qua sát đường ranh của vùng kiểm soát phòng không họ đã vẽ mà thôi. Giải thích như vậy người Tàu lục địa nghe có thể tin, nhưng người ngoại quốc sẽ cười thầm. Bởi vì chính quyền Mỹ ngay sau đó cũng thông báo là các chuyến bay quân sự sau này đi qua vùng ADIZ đó cũng sẽ không báo trước cho Bắc Kinh biết. Và các chương trình tập trận giữa quân đội Mỹ với quân Nhật sẽ diễn ra trong vùng biển phía Ðông của Trung Quốc như đã dự trù. Cuộc thao diễn này lấy chủ đề là nếu nước Nhật bị tấn công thì quân hai nước sẽ phối hợp ra sao. Quan trọng nhất, cả bộ trưởng quốc phòng và phó tổng thống Mỹ, trong chuyến công du qua Tokyo, đều nhân dịp này nhắc lại rằng Mỹ phải bảo vệ Nhật Bản theo hiệp ước an ninh hỗ tương đã ký kết. Và họ nhấn mạnh hiệp ước này bao gồm cả quần đảo Senkaku.
Nếu Bắc Kinh đặt ra vùng ADIZ này để muốn đe dọa các nước chung quanh và Mỹ, thì họ hoàn toàn thất bại. Không ai tỏ ra sợ. Những pháo đài bay B52 còn có ý thử thách, nếu không nói là khiêu khích, mà Bắc Kinh không dám phản ứng. Bắc Kinh đã mất thể diện. Nhưng hậu quả của vụ này sẽ còn kéo dài chứ không biến đi trong mấy tuần hay mấy tháng.
Trước hết là thái độ của dân chúng các nước Nhật Bản và Nam Hàn đối với Trung Cộng sẽ trở nên nhiều nghi ngờ, thêm cứng rắn, và khinh thường sức mạnh của Trung Quốc hơn. Thái độ đó sẽ thể hiện trong các lá phiếu, họ sẽ ủng hộ các nhà chính trị cứng rắn khi đối đầu với Bắc Kinh.
Một hậu quả mà Bắc Kinh chắc không tính trước, là hành động của họ đã đẩy Nam Hàn về phía Nhật Bản. Xưa nay hai nước vẫn thù nghịch, vì Nhật đô hộ Hàn Quốc trong thế kỷ 20 với những chính sách tàn bạo. Nhưng với quyết định ADIZ vừa rồi, người dân Nam Hàn sẽ cảm thấy họ cũng chịu chung một mối đe dọa như dân Nhật. Vùng ADIZ này cũng bao gồm cả mấy hòn đảo Socotra Rock mà Trung Quốc đang muốn tranh với Nam Hàn. Nước này đang xây dựng một căn cứ hải quân tại đảo Jeju, ngay bên cạnh vùng ADIZ của Bắc Kinh. Căn cứ hải quân này chứa 20 chiến hạm, tầu ngầm, nhắm mục đích bảo vệ an ninh đường biển cho các tàu xuất cảng. Cả Nam Hàn và Nhật Bản đều đang xuất cảng và đầu tư vào Trung Quốc, nhưng mối lợi về thương mại này cũng không khiến cho dân chúng chấp nhận nhượng bộ một hòn đảo nào cho Bắc Kinh, và càng bị đe dọa thì họ càng phản ứng mạnh hơn.
Trong tháng Mười, Nhật Bản mới thành lập một Hội đồng An ninh Quốc gia; giống như Trung Cộng cũng vừa mới làm. Hiến Pháp của Nhật, do Mỹ soạn thảo năm 1947, vẫn cấm không cho lập quân đội, chỉ có “lính tự vệ,” như vậy thì lập ra một Hội đồng An ninh Quốc gia để làm gì? Dân Nhật Bản cho đến nay đa số vẫn muốn giữ bản Hiến Pháp hòa bình này. Nhưng nhiều nhà chính trị đang muốn thay đổi hoàn toàn, nghĩa là tái lập quân đội và tái võ trang. Cứ để yên như bây giờ, lực lượng “tự vệ” của Nhật đã mạnh ngang với Trung Quốc, và mạnh hơn về hải quân và không quân. Nếu nước Nhật tái võ trang, liệu họ có tính làm bom nguyên tử hay không?
Gần đây, một máy bay không người lái của Trung Quốc đã bay qua vùng đảo Senkaku không người ở. Người Nhật đe dọa rằng lần sau thấy họ sẽ bắn rớt, và một vị tướng Trung Cộng đã phản ứng, nói rằng làm như vậy coi như là “gây chiến.” Cuộc đối đáp đó cho thấy không khí bang giao đang sôi nóng như thế nào.
Việc bảo vệ an ninh cho Nhật hiện nay do Mỹ phụ trách, với quân đội đóng trên quần đảo Okinawa; nằm sát vùng ADIZ của Trung Cộng. Việc tuần phòng trên biển cũng do hải quân Mỹ làm. Nhưng chính phủ Nhật đang dự trù đưa tới Okinawa những máy bay chiến đấu F-15, cùng với các máy bay quân sự do thám bằng radar, cùng một mẫu hạm cho máy bay trực thăng. Họ cũng sẽ xây dựng một căn cứ quân sự mới, năm 2016 sẽ xong, trên một hòn đảo hiện nay bỏ hoang, nằm gần Senkaku. Trong chính sách chuyển hướng quốc phòng về miền biển phía Nam, chính phủ Nhật cũng đang mua những máy bay không người lái (drone) của Mỹ để tuần tiễu thường xuyên trong vùng biển giữa Nhật và Trung Quốc. Giới quân sự Nhật đang cố vận động tâm lý dân chúng để ủng hộ chương trình canh tân quân đội “tự vệ.” Giới tư bản công nghiệp Nhật sẽ hoan nghênh nếu được trao thêm những hợp đồng quốc phòng. Quyết định lập ra vùng ADIZ của Bắc Kinh tặng cho họ một cơ hội bằng vàng. Nhất là nếu người Nhật cảm thấy nghi ngờ về quyết tâm của chính phủ Mỹ trong việc bảo vệ họ.
Có thể kết luận, việc công bố một vùng phòng không của Bắc Kinh đã đưa tới những hậu quả bất lợi, trước mắt cũng như về lâu dài. Ðiều đáng ngạc nhiên nhất là trước khi đi nước cờ ADIZ vừa rồi họ có vẻ như không tính toán các nước cờ của đấu thủ để biết trước nước cờ sau mình sẽ đi quân thế nào?
Nhưng Trung Quốc là nơi đã sinh ra những Khổng Minh, Tào Tháo; chúng ta phải tự hỏi tại sao đám con cháu ngày nay lại làm ăn kém như vậy?
Chỉ có thể hiểu được nước cờ của Tập Cận Bình là một vụ đánh đổi. Ðổi một quân tốt lấy quân xe hay pháo. Nhưng ông ta đánh hai bàn cờ một lúc. Quân tốt bị mất, là một thất bại trên bàn cờ ngoại giao. Ðổi lại, ăn được quân pháo, là thành công trong bàn cờ chính trị quốc nội. Trong bàn cờ thứ hai này, các đối thủ không phải là nước Mỹ, nước Nhật, nhưng lại là các “đồng chí thân yêu” trong Bộ Chính Trị và Trung Ương Ðảng đảng Cộng sản Trung Quốc.
Một người mới lên cầm đầu đảng Cộng sản được một năm vẫn chưa đủ vững. Tập Cận Bình lại đang muốn thu góp quyền lực bằng cách nắm hai bộ máy mới quan trọng, là một hội đồng an ninh quốc gia và một nhóm chỉ huy bước cải tổ kinh tế toàn diện thứ nhì, sau Ðặng Tiểu Bình năm 1978. Ðể củng cố quyền hành, Tập Cận Bình phải dẹp ngay những mầm mống phản đối của các tay trong phe bảo thủ, với nhiều mánh khóe có thể đưa ra phá mình. Bữa Bạc Hy Lai bị đưa ra tòa, ông ta tỏ ra rất bướng bỉnh, vì biết còn nhiều tai to mặt lớn vẫn ủng hộ mình. Châu Vĩnh Khang là một đồng đảng với họ Bạc, đã từng nắm toàn bộ guồng máy an ninh trong nước, kiểm soát một ngân sách cao hơn cả ngân sách quốc phòng. Ngoài đám lãnh tụ cao cấp này, các cán bộ địa phương cũng chỉ mong sao cho Tập Cận Bình chịu thua, không ép họ thay đổi cơ chế kinh tế quá nhiều, làm thiệt hại đến túi tiền của họ. Chưa hết, đám tướng lãnh, đô đốc trong quân đội vẫn chủ trương phải cứng rắn, đương đầu và nếu có thể thì thách thức nước Mỹ; họ không hài lòng khi chuyến công du đầu tiên của Tập Cận Bình đến Mỹ là ngồi trò chuyện ba ngày với Tổng thống Obama.
Ðể giữ vững địa vị, một người lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc phải chứng tỏ mình cũng nhiệt thành với mục tiêu đưa nước Tàu lên hàng cường quốc, dám đối đầu với Nhật, với Mỹ. Một hành động như công bố thiết lập vùng ADIZ có thể giúp Tập Cận Bình củng cố lòng tin của giới quân sự, ít nhất là khiến họ không còn lý do gièm pha chính sách ngoại giao của ông. Ðưa nước Tàu vào một cuộc tranh chấp với Nhật, vì lý do kiểm soát vùng biển, sẽ tác động trên tâm lý dân chúng và đảng viên. Họ sẽ chú ý đến vấn đề nóng hổi đó, và bất cứ khi nào một nước gặp hoàn cảnh như vậy thì người dân cũng dễ đứng về phía người lãnh đạo của họ. Như vậy, các mầm mống chống đối trong nội bộ sẽ được giải tỏa, nếu không phải là diệt trừ.
Với nước cờ ADIZ, Tập Cận Bình sẽ củng cố địa vị trong đảng Cộng sản; có thể coi đã bắt được một quân pháo hay quân xe. Còn một quân tốt mất trong bàn cờ ngoại giao thì không đáng kể. Bởi vì, cùng lắm là sau một thời gian vụ này sẽ chìm đi, mọi thứ sẽ trở về tình trạng cũ; rồi mọi chuyện sẽ chẳng còn ai nhớ nữa. Chúng ta không quên rằng trong năm 2010 Bắc Kinh đã nhiều lần gây rắc rối cho cả Nhật lẫn Mỹ, sau khi Mỹ bán vũ khí mới cho Ðài Loan và Nhật bắt một thuyền trưởng Trung Quốc. Có lúc không khí nóng hẳn lên, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Nhưng trong quá khứ, những chuyện như vậy cũng từng xảy ra nhiều lần rồi. Ai cũng còn nhớ thời 1965, Mao Trạch Ðông đã cho đại pháo sắp hàng trên bờ biển, nhiều lần bắn sang các đảo Bành Hồ và Mã Tổ của Ðài Loan, chỉ cách mấy chục cây số. Có lúc bắn liên tiếp mấy tháng. Có lần còn bày trò bắn ngày chẵn, nghỉ ngày lẻ, rồi đổi ngược lại. Nhưng từ đó tới nay, Trung Cộng đã bao giờ gây chiến với Ðài Loan đâu?
Trong khi gặp riêng Phó Tổng Thống Mỹ Joe Biden, Tập Cận Bình có thể nói nhỏ với ông ta rằng chính sách của Bắc Kinh không thay đổi gì, vẫn giữ nguyên những lời cam kết với ông Barack Obama hồi năm ngoái. Tức là, trên căn bản, vẫn theo chủ trương “Thao quang - Dưỡng hối” do Ðặng Tiểu Bình để lại.