Sunday 29 December 2013

Mao hút hồn phe tả châu Âu và đệ tử


Tiến sỹ Nguyễn Văn Huy Gửi cho BBC từ Pháp

Phe tả Pháp viếng Mao ở Sứ quán Trung Quốc tại Paris tháng 9/1976
Mao Trạch Đông cho tới một ngày gần đây vẫn là một nhân vật đầy huyền bí đối với dư luận Phương Tây.
Có lẽ vì ít có thông tin về Mao nên những thành phần trẻ "tiến bộ" (thiên tả) Phương Tây đã dành cho ông sự nguỡng mộ với một nhà cách mạng đã làm thay đổi xã hội Trung Hoa.

Nhưng đối với dư luận phương Tây, những hoạt động này đã chỉ xảy ra tại Trung Quốc, không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt chính trị trong các xã hội châu Âu.Ngược lại, những người đã từng có kinh nghiệm dưới các chế độ độc tài cộng sản nhìn Mao Trạch Đông như một người cộng sản giáo điều, cực hung cực ác, đã thi hành những chính sách tàn bạo làm thiệt mạng hàng chục triệu người, như Cải cách Ruộng đất, Đại nhảy vọt hay Cách mạng Văn hóa.
Nhiều người còn cho rằng những chính sách đó không chừng lại phù hợp với tình hình và ước vọng của người Trung Quốc vào lúc đó.

Tư tưởng Mao

Sự ngưỡng mộ Mao Trạch Đông trong các xã hội phương Tây không phải tình cờ.
Vào cuối thập niên 1950, phong trào thiên tả phương Tây đã rất thất vọng trước sự hung bạo của Liên Xô, khi Moscow cho xe tăng vào đàn áp một cách thô bạo những phong trào đòi độc lập của các quốc gia Đông Âu.
Những người cộng sản Châu Âu thời đó trông chờ mong một biểu tượng mới để làm ngọn cờ hướng dẩn cuộc đấu tranh chống thế giới tư bản phương Tây.
Biểu tượng Mao đã xuất hiện đúng vào thời điểm đó.
Giới trẻ thiên tả châu Âu tin rằng một người như Mao, đã từng đánh thắng một lực lượng quân sự lớn do Tưởng Giới Thạch (phe hữu) lãnh đạo và được Hoa Kỳ ủng hộ, hùng mạnh hơn gấp nhiều lần chắc chắn phải là một thiên tài để có thể lãnh đạo một đội quân nông dân ô hợp đi đến thành công.
Người ta đã bằng đủ mọi tìm tòi lý luận để đánh bóng thiên tài Mao Trạch Đông, và đã tìm ra "Quyển sách Đỏ" tức Mao tuyển.

Pol Pot (giữa) đã tiếp thu chủ nghĩa Mao khi hoạt động tại Pháp
Tên đầy đủ của quyển sách này là Mao chủ tịch ngữ lục (còn được gọi là Mao Trạch Đông ngữ lục hay Mao ngữ lục), là một tuyển tập ghi chép lại một số câu nói của Mao Trạch Đông, phát hành năm 1964.
Vì đa số các ấn bản của sách dùng bìa đỏ, màu chiến thắng của người cộng sản, hơn nữa lại là lý luận kinh điển của lãnh tụ cách mạng trong thời kỳ Đại cách mạng văn hóa, nên được gọi là Hồng bảo thư, nghĩa là cuốn sách quý màu đỏ.
Người phương Tây đặt tên là Quyển sách đỏ (Le Petit Livre Rouge, hay The Little Red Book), một tài liệu tổng hợp những tư tưởng của Mao.
Theo một thống kê chưa đầy đủ, số lượng bán sách đỏ đến này đã hơn một tỷ cuốn, chỉ sau Kinh thánh của đạo Thiên chúa.
Để thần tượng hóa nhân vật được tuyển chọn, những thành phần thiên tả và cộng sản phương Tây tổ chức những buổi hội thảo, học tập về tư tưởng Mao Trạch Đông (la pensée Mao Zedong) trong giới thanh niên, sinh viên và học sinh.
Không ngờ, những buổi thảo luận đó đã được đông đảo thanh niên đến từ các quốc gia thuộc địa Anh, Pháp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, như Đông Dương (Việt, Miên, Lào), Bắc Phi (Morocco, Algeria, Tunisia, Libya), Tây Phi (Angola, Namibia…) và Châu Mỹ latinh (Peru, Colombia…) tham dự.
Nhiều người đã bị quyến rũ bởi những tư tưởng Mao và có ý định khi trở về lại cố quốc áp dụng những lý thuyết đó vào xã hội của mình.
Đó là trường hợp như những cựu sinh viên Pol (Paul) Pot, Ieng (Jean) Sari trong phong trào cộng sản Khmer Đỏ.
Cái gì trong Quyển sách đỏ đã lôi cuốn giới thanh niên thiên tả lúc đó? Tư tưởng Mao Trạch Đông thật ra chỉ là một sao chép những lý luận của chủ nghĩa Marx-Lenin để vận dụng vào xã hội Trung Quốc.
Đó là một tổng kết những kinh nghiệm đã được thực tiễn chứng minh, thích hợp với cách mạng và kiến thiết Trung Quốc (như tự lực cánh sinh, lấy nông thôn bao vây thành thị, bước nhảy vọt, thế giới thứ ba, từ chế độ phong kiến sang chế độ vô sản…).
Tại Châu Âu, tư tưởng Mao Trạch Đông (Pensée de Mao) thường bị lẫn lộn với "chủ nghĩa Mao" (Maoïsme).
Trong Quyển sách đỏ, Mao Trạch Đông không hề đề xuất hệ thống giá trị độc lập của riêng mình, tư tưởng của ông chỉ là sự ghi chép một cách giáo điều chủ nghĩa Marx-Lenin và hơn nữa còn chống dữ dội chủ nghĩa xét lại (révisionnisme).
Nhưng giới trẻ thiên tả Phương Tây không quan tâm đến những lý thuyết cơ bản về chủ nghĩa cộng sản của Mao, họ cần một biểu tượng để làm ngọn cờ lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa tư bản, đặc biệt là chống Hoa Kỳ trong cuộc chiến tại Việt Nam.
Rất nhiều thanh niên thiên tả thuộc thế giới thứ ba, tức các quốc gia chậm tiến, tuy không hề tham dự các buổi học tập chủ nghĩa Mao tại châu Âu, nhưng đã rất nhiệt thành trong việc truyền bá tư tưởng Mao và tổ chức kháng chiến chống lại các chế độ đương quyền tại quốc gia của họ.
Điển hình như các nhóm Hồng quân Nhật Bản hoạt động trong thập niên 1970, phong trào Con đường sáng của Abimael Guzman tại Peru trong thập niên 1980.

Nhiều nhóm thiên tả quốc tế ngưỡng mộ thắng lợi của Hồng quân Trung Quốc
Nhiều nhóm kháng chiến võ trang Maoist được thành lập tại Thái Lan, Nepal, Columbia và Thổ Nhĩ Kỳ.

Maoist tại Châu Âu

Trong những năm 1966-1968, phong trào đấu tranh của giới trẻ thiên tả Châu Âu, nhất là sinh viên và giới trí thức, trở nên cực đoan hơn và tiến gần đến chủ nghĩa cộng sản thuần túy: Maoism.
Họ tìm thấy trong chủ nghĩa Mao những lý luận giản dị để thực hiện một xã hội cộng sản nguyên thủy, trong đó không còn tình trạng người bóc lột người.
Phong trào Hippies đã một phần nào đó dựa vào lý luận này của Mao để chống lại những ràng buộc của những xã hội tiêu thụ phương Tây.
Đại Cách mạng Văn hóa tại Trung Quốc không ngờ đã trở thành biểu tượng chống lại những trật tự áp đặt bởi những thế lực tư bản Phương Tây.
Rất nhiều triết gia, tu sĩ, bác sĩ, nhà phân tâm đến nhà văn, nhà báo Phương Tây bị hấp dẫn bởi chinh sách xây dựng con người mới tại Trung Quốc đã hết lời ca ngợi những thành tựu về kinh tế, xã hội và văn hóa tại Trung Quốc, đặc biệt là chủ nghĩa Mao.
Tại Pháp, không một trí thức nào thời đó không theo phái tả.
Những nhà tư tưởng chịu ảnh hưởng chủ nghĩa Mao tại Pháp là Maria Antonietta Macciocchi, Charles Bettelheim, Jean-Claude Milner, Alain Badiou, Toni Negri, Étienne Balibar, Jacques Rancière, Slavoj Zizek, Marc Heurgon...
Không một quốc gia Tây Âu nào trong thập niên 1960 không có một tổ chức theo chủ nghĩa Mao. Rất nhiều tổ chức cộng sản Châu Âu đã quay mặt với Liên Xô để đến gần Trung Quốc.
Nhà độc tài Enver Hodja (1908-1985) tuyên bố nước cộng hòa xã hội nhân dân Albania theo chủ nghĩa Mao.
Những phong trào cộng sản tại Bỉ, Pháp, Tây Đức, Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp đều không nhiều thì ít đã từng tuyên bố theo chủ nghĩa Mao.
Huy hiệu Mao
Ngày nay phương Tây không còn tôn thờ Mao và ngày sinh nhật ông là dịp Trung Quốc bán hàng lưu niệm
Ngày nay những phong trào thân Mao tuy không còn nhiều nhưng vẫn còn một số tổ chức trung kiên với chủ nghĩa Mao như Tổ chức cộng sản Marxist-Leninist, Con đường vô sản (Organisation communiste marxiste-leniniste Voie prolétarienne) vẫn phát hành đều đặn nguyệt san Le Partisan, mang tính nghiệp đoàn, từ năm 1976 đến nay.
Đảng Cộng sản Công nhân Pháp (Parti communiste des ouvriers de France) vẫn sinh hoạt đều đặn từ năm 1979 đến nay và ở thành phố Strasbourg cũng vẫn có Đảng Cộng sản Marxist-Leninist-Maoist tuy không theo đường lối bạo lực.
Chỉ ở châu Á và Mỹ La tinh mới còn ít nhiều các tổ chức theo chủ nghĩa Mao đang đấu tranh bạo động chống lại chính quyền địa phương.
Ngày 26/12 này, Trung Quốc kỷ niệm 120 năm sinh nhật Mao Trạch Đông (1893).
Dư luận phương Tây tự hỏi: tư tưởng Mao còn lại gì trong tâm tưởng người phương Tây?
Chắc chắn không còn gì, nhưng Trung Quốc ngày nay không phải là nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa nghèo khó dưới thời Mao.
Tiêu đề của quyển sách mang tên "Quand la Chine s’éveillera… le monde tremblera" (Khi nước Trung Hoa thức dậy… Thế giới sẽ rung động vì sợ) của nhà báo Pháp Alain Peyrefitte, phát hành năm 1973, đang biến thành hiện thực.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng và lối hành văn của Tiến sỹ ngành dân tộc học Nguyễn Văn Huy, một nhà báo hiện làm việc tại Paris, Pháp.

Theo thiển ý,
Đơn thuần là Tây Âu không muốn bị làm "thuộc địa" của Mỹ, mà cũng chẳng muốn làm "đàn em" của khối Liên Xô.Họ có lý và có lợi chơi trò khuynh tả nhưng ăn tiền MỹChỉ có Polpot và Hồ là theo Maoist như hai tín đồ sùng đạo.Trong nhóm bê tô, bưng đĩa thời sinh viên du học Nhật, có người đã đạt giấc mơ quan đỏ, ăn ghẹ, đi du thuyền, ở khách sạn 5 sao, nhưng cũng có người lót gạch dài dài sau ngày "phỏng gị.i".

Ván bài quyền lực đỏ đen
Miệng hô cách mạng, chẳng quên thế tiền

Đem dân tộc với công bằng
Làm trò mua bán, tạo hàng đầu tư

Đinh Thế Dũng