Ngày 29/11/2013, Trường ĐHCNTP TP HCM ra quyết định buộc thôi học đối với sinh viên Nguyễn Thị Phương Uyên. Lý do họ đưa ra là Phương Uyên đã vi phạm pháp luật của nước CHXHCNVN.
Căn cứ họ ra quyết định là qui chế đối với học sinh sinh viên, bản án phúc thẩm ngày 16/8/2013 xử Phương Uyên 3 năm tù treo và công văn của Vụ trưởng Vụ công tác học sinh sinh viên Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chưa rõ bản qui chế đối với học sinh sinh viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, công văn của Vụ công tác HS, SV như thế nào nhưng khả năng nếu trường ĐHCNTP có căn cứ đúng thì qui chế của Bộ GD và ĐT còn khắc nghiệt hơn cả Bộ luật hình sự vì theo bộ luật hình sự, nhiều trường hợp bị án tù, sau khi ra tù chỉ có thể bị đình chỉ đảm nhiệm chức vụ từ 1- 5 năm
Luật thi hành án hình sự không hề có điều khoản nào cấm người đang thi hành án treo tiếp tục học tập. Ngược lại còn bỏ ngỏ khả năng họ có thể được theo học phổ thông, đào tạo nghề. Điều 65, khoản 3 qui định:
Người được hưởng án treo được cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp tiếp nhận học tập thì được hưởng quyền lợi theo quy chế của cơ sở đó.
Trong khi đó, quyết định của trường ĐHCNTP TP HCM buộc thôi học là vĩnh viễn.
Đây là một quyết định vô nhân đạo, bịt kín tương lai của sinh viên Nguyễn Phương Uyên khi cuộc đời của Uyên tất cả còn ở phía trước
5/12/2013
Nguyễn Tường Thụy
Sinh viên Nguyễn Phương Uyên nói việc nhà trường Đại học, nơi cô từng học tập trước khi bị bắt và bị kết án tù, vừa 'buộc thôi học' đối với cô là đã cấp cho cô một 'tấm bằng đại học nhân dân' giành cho cô.
Trao đổi với BBC từ nhà riêng ở tỉnh Bình Thuận, nữ sinh đã học đến năm thứ 3 tại trường Đại học Công nghệ Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh trước khi bị đuổi học, nói:
"Quyết định bắt buộc thôi học này là một tấm bằng của đại học nhân dân giành cho tôi chứ không phải là một quyết định buộc thôi học nhục nhã từ trường Đại học Công nghệ Thực phẩm."
Nữ sinh sinh năm 1992 nói đây là một quyết định bất công và bác bỏ lý do mà trường đại học đưa ra đối với cô nói rằng Phương Uyên bị đuổi học vì đã 'vi phạm pháp luật của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.'
Cô nói: "Tất nhiên đây là một việc bất công đối với tôi vì quyền được đi học của tôi đã bị tước bỏ bởi cái quyết định buộc thôi học này của nhà trường."
'Bôi nhọ danh dự'
"Nếu mà nó đúng, tôi chấp nhận mình bị thôi học ở một đất nước và một xã hội dưới chế độ như thế này, còn nếu nó được dùng cho một ý định xấu khác bôi nhọ danh dự của tôi, thì tôi sẽ yêu cầu bồi thường về mặt danh dự và nhân phẩm của tôi"
Cô nói cô sẽ "yêu cầu họ trả lời rõ ràng về cái quy chế của học sinh sinh viên" mà trường đại học cáo buộc cô đã vi phạm.
"Nếu mà nó đúng, tôi chấp nhận mình bị thôi học ở một đất nước và một xã hội dưới chế độ như thế này, còn nếu nó được dùng cho một ý định xấu khác bôi nhọ danh dự của tôi, thì tôi sẽ yêu cầu bồi thường về mặt danh dự và nhân phâm của tôi."
Hiện tại, thay vì đến trường học tập, nữ sinh này hàng ngày phải ra đồng để làm công việc đồng áng, một phương cách duy nhất để duy trì cuộc sống của gia đình cô ở tỉnh Bình Thuận.
Trong cuộc trao đổi hôm thứ Bảy 07/12/2013 với BBC, cô và mẹ cô cho hay an ninh và chính quyền địa phương liên tục cô lập, sách nhiễu Phương Uyên và các thành viên gia đình.
Phương Uyên từng bị Tòa án Nhân dân TPHCM, trong phiên phúc thẩm ngày 16/8/2013 kết án 3 năm tù 'nhưng cho hưởng án treo' cùng 52 tháng thử thách vì tội "Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN Việt Nam."
Cô nói với BBC về cuộc sống hiện tại và nguyện vọng tiếp tục được học hành của mình:
"Từ sáng cho đến xế chiều, tôi giúp mẹ trồng cải, đi ra ruộng coi lúa, vì nhà tôi đang bị ngập lúa, buổi tối, tôi học Anh văn, và làm bài tập Anh văn để củng cố kiến thức để tìm một môi trường nào đó, được học tập ở một môi trường tốt hơn".