Wednesday, 11 December 2013

THẦN HỘ MỆNH - LÝ TỐNG

THẦN HỘ MỆNH - LÝ TỐNG
(Trích từ Đặc San NGÀN SAO 2013 HỘI ÁI HỮU KHÔNG QUÂN VNCH Houston và Vùng Phụ Cận)

Các Đài TV hay báo Mỹ thường nhắc đến tôi trong các bài phỏng vấn như một "Fighter Pilot" của VNCH. Thực ra không Phi Công nào của Không Lực ta là Phi Công "Tiêm Kích" dù bay F5, vì VC chưa bao giờ "Nam chinh" nên ta chưa bao giờ có cơ hội không chiến đọ sức và dù trong thời kỳ "Cải Tạo" cán ngố VC vẫn thường bịa đặt chuyện "Phi Công phỏng giái bay vào Nam, núp trên mây phục kích Giặc Lái ngụy và sau đó chui xuống biển trở về Bắc" để làm trò cười cho anh em tù binh phe ta. Ngay cả những năm 65, trong các Phi Vụ "Bắc phạt" chúng ta cũng chỉ là  những Phi Công ném bom hay "Cường Kích," chưa có ai từng đánh nhau trên trời dù đó là nghề chính của F5. Nhưng ở Mỹ sau 911, nếu tự nhận là "Bomber Pilot" người Mỹ có thể nhầm lẫn với những kẻ "ôm bom tự sát," tốt nhất nên khai "Fighter Pilot" để tránh mang họa vào thân!


I. PHẠM TRÙ CHIẾN ĐẤU: Phi Công cường kích có 3 môn phái: Phái thứ nhất chuyên thả "Salvo" đánh sớm về sớm, bấm một phát toàn bộ bom mang theo rơi cái rẹt, xong chuyện. Phái thứ nhì thả một cặp cho đều, 1 cánh trái 1 cánh phải. 6 trái làm 3 pass, 4 trái làm 2 pass. Phái thứ ba thả từng trái để đạt hiệu quả cao. Tôi thuộc phái thư tư, không chỉ đánh từng trái một mà còn phải thấy rõ mục tiêu mới đánh, không đánh chung chung theo hướng dẫn "trái, phải, ngắn, dài" từ trái khói đánh dấu mục tiêu. Bởi vậy những phi tuần bay sau tôi phải chờ lâu, thường cự nự hoặc thúc hối. Tôi vẫn lập lại câu trả lời: "Mẹ! Đánh giặc chứ có phải chạy giặc đâu là hối quá vậy bạn? Từ từ mà đánh. Mỗi trái bom không diệt một xe cũng phải giết vài chục thằng Cộng phỉ mới đáng công."

VC thường không bắn L.19 vì sợ lộ mục tiêu. Vậy mà thời còn là Phi công Quan sát, tôi cũng từng bị VC bắn trúng mấy tràng đạn AK và Bạch Văn Thành suýt mất "bộ đồ nghề" vì đạn xuyên qua ghế ngồi, ngay giữa hai bắp vế, sau khi một tên VC bị tôi rượt đuổi và dùng rocket khói bắn xuyên lưng, găm thân hình hắn xuống đất. Thời biệt phái Phú Quốc, do yểm trợ khu trục rất hạn chế, vài ba ngày mới có một phi vụ, tôi đã đề nghị Quận Trưởng Dương Đông gắn anti-tank rockets vào Cessna hoặc L.19 để có thể "tự túc" ta pi VC bất cứ lúc nào, không cần chờ A.37 mang bom từ Cần Thơ hay Biên Hòa đến đánh. Bị đòn nầy, VC trả thù bằng cách tấn công Quận Dương Đông vào giữa khuya, xịt B40 nổ tan tành phòng ngủ Quận Trưởng và Phi Hành đoàn, giết chết ông Quận Trưởng. Chúng tôi may mắn sống sót vì hôm đó đáp An Thới thay vì Dương Đông như thông lệ.

Thời bay A.37, trong một Phi vụ đánh giải vây Bảo Lộc, tôi và Th/Tá Chấn sau khi hết bom chơi luôn đại liên. Vậy mà sau pass cuối lại phát hiện thêm một khẩu 12.7 ly còn khạc đạn. Tôi bèn quành lại bay sát trên đầu súng địch, thả một loạt flare chống hỏa tiễn tầm nhiệt SA.7. Flare có độ nóng 2.200 độ, và nguyên chùm thả thấp có thể đốt cháy toàn bộ đám pháo thủ. Trong khi flare đang tà tà rơi xuống, VC kịp thời bắn loạt đạn cuối cùng trước khi bị nướng chết và cả 2 phi cơ chúng tôi đều bị dính đạn vào cánh. Nhờ bình xăng "self-sealing" nên phi cơ không bị bốc cháy và về đáp an toàn.

Tôi còn có "tật" chưa tiêu diệt toàn bộ mục tiêu mà hết bom thì khi trở về, thường dành bay dùm cho các Phi Công cùng Phi Đoàn bay kế để hoàn thành việc thanh toán mục tiêu. Bởi vậy tuy vừa phụ trách quản lý CLB/SQ, giờ bay của tôi thường nhiều nhất Phi Đoàn và gần gấp đôi giờ bay người thứ nhì. Cái thú khoái bay và khoái bị bắn được các Sếp và Phi Công bạn nhận xét theo nhiều kiểu. Kẻ theo phái "tả chân" thì cộc lốc, trần trụi nói toạc móng heo: "Tay nầy đi bay giống như đi tự tử" hay "Hắn cứ chọc cho VC bắn để kiếm huy chương!" trong lúc người thuộc phái "tả mỹ" thì văn hoa bay bướm: "Nếu 4 vùng chiến thuật có 4 Lý Tống, VC sẽ không ngóc đầu lên nổi!"

Người ta thường đùa bảo: "Giày dép còn có số huống gì con người!" Tôi vốn là thứ không tin thần thánh, ma quỷ bẩm sinh, nhưng qua nhiều pha hú tim, mạng sống như chỉ mành treo chuông, cận kề cái chết mà vẫn bình yên trở về "không rụng sợ lông" nào nên tin tưởng "đạn tránh người" hay có người "đỡ đạn" cho mình, nên bỗng "mê tín dị đoan" cho rằng: "Mỗi người có một Thần Hộ Mệnh (THM)" và tùy "cấp đẳng" của THM - cũng như cấp đẳng của mỗi "body guard" - mà mỗi cá nhân có thể thoát hiểm ở mức độ nào khi lâm vào bước đường nguy nan, hoạn nạn. Càng tin vào THM, tôi càng mạo hiểm và táo bạo hơn trong các Phi Vụ cảm tử bởi ít Phi Công nào còn sống sót qua những Phi vụ kinh hoàng như:

1. Các Phi Vụ Cũ:

(1) Phi Vụ Đèo Phượng Hoàng: Trong trận nầy, do xe địch quá nhiều nên thay vì nhào lên, lộn xuống đánh từng chiếc mỗi pass, tôi cứ bắn hết chiếc nầy đến chiếc khác trong một pass đến khi nghe nhiều tiếng nổ bùm bùm rung chuyển cả phi cơ vì hàng chục "viên đạn phòng không" trúng bụng phi cơ, kể cả kính cocpit bị lỗ chỗ, tôi báo trên tần số emergency mình bị trúng đạn nặng và cố lết chiếc A.37 về phi trường Phan Rang đáp giữa cảnh xe cứu thương, chửa lửa chộn rộn đón chờ dọc phi đạo. Nhưng hàng chục lỗ dưới bụng, cánh phi cơ, kể cả "inlet screen" bị cong vào đều do chính những mảnh anti-tank rockets của mình và đá cục văng trúng do tôi bay quá thấp khi rượt bắn xe địch chứ không phải do đạn VC. Phi cơ bị hư nặng phải "ground" vì hết thuốc chửa nên Đại Tá KĐT càm ràm: "Bay như chú mày Không Quân sớm dẹp tiệm vì hết phi cơ khả dụng!"

(2) Phi Vụ Tử Thần: Hai lần Kamikaze tại Cầu Dziên Bình, một lần bay một mình "ăn mảnh" và một lần bay trong cùng Phi Đội 4 chiếc đánh sập cầu. Cầu được phòng thủ bởi 3 trung đoàn pháo cao xạ và mỗi lần VC khai hỏa vào đêm "Dziên Bình rực sáng như San Francisco vừa lên đèn" bởi tất cả mọi loại súng từ nhỏ đến lớn đều chĩa thẳng lên trời bắn xối xả theo chiến thuật "quăng lưới" khi nghe tiếng phi cơ ta xuất hiện.

(3) Phi Vụ Cuối Cùng: Do thấy Đồng Bào chạy nạn tranh nhau chạy qua cầu Ba Ngòi trước khi cầu bị phá sập, tôi phải làm vài "low pass" để báo cho họ tránh xa cầu. Đến pass thứ ba, khi vừa ngóc đầu lấy cao độ để thả bom thì bị SA-7 bắn trúng ở đọ cao 500 feet. Phi cơ bị vỡ thành nhiều mảnh, ghế văng khỏi cocpit và dù tự động mở. Sau khi đưa võng vài lần chưa kịp thẳng người, cạnh sườn tôi đã đập vào mép "Mả ông Tướng" đường kính cả 10 mét làm ê ẩm toàn thân. Có thể nói tôi là Phi Công duy nhất trúng SA.7 mà vẫn còn sống và không hề bị thương tích.

(4) Phi Vụ Vượt Biên: Tôi cũng là người duy nhất vượt biên đường bộ từ VN đến Singapore. Đoạn đường cuối từ Mã Lai qua Singapore, tôi phải bơi qua eo biển Johor Bahru đoạn rộng gần 3 miles giữa cảnh sóng to, gió lớn trong đêm bão tố. Khi tôi đuối sức sắp chìm thì bỗng vớ được cột giăng lưới bắt cá cách bờ gần nửa dặm. Nhờ vậy tôi có chỗ bám tạm nghỉ dưỡng sức để bơi tiếp vào bờ.

Tôi lượt qua hai trường hợp nổi bật nhất trong những vụ thoát hiểm gần đây trong số các Phi vụ thực hiện trong thời gian tị nạn tại Hoa Kỳ để chứng minh sự hiện hữu của Thần Hộ Mệnh.

2. Các Phi Vụ Mới:

(1) Phi Vụ Havana, Cuba, 1/1/2000:

Sau 1 tháng huấn luyện tại Miami lấy Pilot's License để có thể mướn phi cơ bay solo, tôi dự tính cất cánh từ Key West bay đi Havana, Cuba bởi đây là khoảng cách ngắn nhất: 79.12 miles(127.34 km) rồi từ Havana bay thẳng về Miami có khoảng cách 194.21 miles (312.55 km) bằngCessna 182. Vào thời điểm năm 2000, Control Tower chỉ hoạt động từ 7am đến 7pm nên tôi dự trù cất cánh vào lúc 6:30am để chuồn êm không bị ai phát hiện. Tôi rời căn hộ tư nhân cho mướn lậu do khách sạn không còn phòng, đứng trên đường vắng lạnh giá chờ cả tiếng đồng hồ mới đón được taxi nên đến phi trường thì đã quá 7am. Lại còn phải lau chùi kính cocpit thật sạch để có thể nhìn rõ khi bay sát mặt biển, và kiểm tra kỹ cánh cửa trái vì hôm trước, do gió giật tên 30 knots, đã đập cong một chốt cửa nên không đóng kín được. Khi cất cánh vào lúc 7:30am, tôi phải báo với Control Tower.

Áp dụng bài học vở lòng: "Bay dưới 500 feet sẽ tránh được Radar" nên khi vừa lên tới 300 feet, tôi vội đâm đầu phi cơ xuống và đến gần sát mặt biển bình phi lấy hướng đi Havana. Trên đường đi, tôi hú hồn nhiều bận vì những đàn vịt trời, hải âu đang nằm trên mặt nước bắt cá bỗng ào ào bay lên khi phi cơ bay ngang, suýt đâm vào chong chóng và đập vỡ kính cockpit. Khi vào đến bờ, tôi tiếp tục bay thấp, chui qua giữa hai tháp nhọn của nhà thờ và né tránh các cột ăng ten cao dọc theo các lộ chính 5 vòng để rải 50 ngàn tờ truyền đơn chống Cộng tiếng Spanish và English. Phi vụ nhàn nhã và an toàn đến nổi tôi nhủ thầm: "Bọn CS chúng mầy lúc nào cũng khoa trương: Màn lưới phòng không của chúng ông 'ruồi muỗi còn bay không lọt' vậy mà bố 'bay vào, bay ra như đi chợ' chẳng bị phát hiện!" Tôi còn dành vài ngàn truyền đơn rải tại Miami để dân Cuba lưu vong biết thông điệp chính trị thả tại Havana trước khi đáp.

Điều kinh hoàng bất ngờ xảy ra là đang lúc "trời yên, gió lặng" nhưng khi tôi quẹo vào cận tiến thì một cơn lốc mạnh đột ngột tràn qua làm phi cơ triệt nâng rớt mạnh xuống đầu phi đạo suýt tét cả 3 bánh. Vừa hoàn hồn thì thấy một Black Hawk lù lù bay qua mặt và viên Phi Công chính thò đầu ra cửa dùng tay ra hiệu tôi taxi đi theo. Thì ra chiếc Back Hawk khi bay qua đầu tôi đã lấy hết "lift" nên phi cơ "stall" suýt gây tai nạn. Theo lệnh hướng dẫn, tôi vừa quẹo Taxiway thì bỗng thấy 20 Cảnh sát chống bạo động mặc đồng phục đen, đeo mặt nạ, nằm phục tại chỗ đồng loạt đứng dậy, chĩa súng về phía mình và hô lớn: "Hands up!" Tuy bị liên tiếp hai vố kinh dị tôi vẫn tỉnh queo vừa đưa tay lên đầu vừa đùa bảo "What's wrong with your guys?!"

Chỉ khi bị koòng tay, bị nhét vào xe Cảnh sát, tôi mới hiểu đầu đuôi câu chuyện. Và chính qua lời giải thích của vị Sĩ quan chỉ huy tôi mới nhận ra sự sống sót trở về là nhờ Thần Hộ Mệnhchứ không phải do "Thiên tài bay bổng" của mình!

a. Cất Cánh Trễ Kế Hoạch: Tôi là người chi ly từng chi tiết trong các kế hoạch. Chẳng hạn đi vượt biên còn đem theo kim chỉ, gương lược. Bởi khi băng rừng bị rách quần, rách áo và mặt mày lọ lem, nếu không có những dụng cụ lỉnh kỉnh kia thì chuyện mặc áo quần rách hay mặt mày lọ lem đi ngoài đường có thể gây sự chú ý của đám an ninh biên giới, sẽ bị nghi ngờ và bị bắt. Vậy mà thay vì dặn chủ nhà đến chở mình lên phi trường hay hỏi số điện thoại các hãng Taxi để gọi xe, tôi lại ra đường vào sáng sớm một ngày đầu năm, không bóng người, bóng xe do tối giao thừa thiên hạ đi chơi khuya sáng đều ngủ muộn.

Nếu tôi đón được taxi ngay và cất cánh đúng 6:30am như dự định, Control Tower không có người điều hành và đã không có 3 phi cơ Mỹ được lệnh cất cánh theo dõi tôi. Như vậy khi tôi vào không phận Cuba, tôi đã bị 2 phi cơ Migs hoặc kèm theo buộc tôi đáp "forced landing" hoặc "bụp" nếu tôi bất tuân lệnh. Sự bất cẩn vô lý nầy phải do THM xui khiến. Như vậy việc tôi "bị" cất cánh trễ là "ý đồ" của THM để Control Tower có dịp báo cáo và Navy có lý do biệt phái 3 tay escort nặng ký bảo vệ mình ngoài dự tính!

b. Ground Radar vs Satellite Radar: "Bay dưới 500 feet tránh được Radar" chỉ là mớ kiến thức cũ lỗi thời bởi thời trước chỉ có "Ground radar" và địa hình VN nhiều đồi núi nên các sóng radar bị ngăn chận, không phản hồi được vị trí các phi cơ bay thấp. Từ Key West đi Havana toàn biển, không có chướng ngại vật cao và điều quan trong nhất là Cuba sử dụng "Satellite Radars" nên mọi vật thể di chuyển trên biển đầu được phát hiện dễ dàng. Nếu tôi ý thức được yếu tố nầy chưa chắc tôi đã "hồ hởi phấn khởi" lên đường một cách vô tư, thoải mái như vậy nhất là 4 năm trước đó, vào ngày February 24, 1996, 2 chiếc Cessna Skymasters của nhóm Cuba lưu vong Brothers to the Rescue bị MiG-29UB của Fidel Castro bắn hạ ngoài không phận Cuba, giết chết 4 Phi Công Carlos Costa, Armando Alejandre, Jr., Mario de la Peña và Pablo Morales. Chỉ chiếc thứ ba duy nhất do Trưởng nhóm Basulto lái thoát nạn trở về. Xem tin nầy ở Brothers to the Rescue tại: http://en.wikipedia.org/wiki/Brothers_to_the_Rescue và xemDVD Huyền Thoại Lý Tống để thấy cảnh Lý Tống bay sát biển vào Havana do phi cơ AWACS ghi lại, đoạn phi cơ F16 scort Lý Tống, đoạn "Con khủng long già" Fidel Castro giận dữ lên án Lý Tống: "From the North, in mischievous and brutal fashion, a new offensive came on Saturday", đoạn quay phi cơ Lý Tống, Black Hawk, AWACS tại Phi trường Miami. Xem đoạn Basulto chào đón Lý Tống tại một quán ăn (8:50 - 9:00) sau Phi Vụ Havana tại LY TONG - Freedom Fighter, Hero's Welcome Back ... - YouTube Cộng Đồng Cuba dành cho Lý Tống tạiThree Kings Parade: http://www.youtube.com/watch?v=VxWPUPkRIyM.


c. Cuộc Đối Đầu Của Hai Không Lực: Thông thường sau khi cất cánh, phi cơ phải lấy cao độ từ vài ngàn bộ trở lên mới bình phi để bay về điểm đến. Vì vậy khi thấy tôi vừa lên 300 feet lại đâm đầu xuống biển, nhân viên Control Tower tưởng phi cơ tôi bị hỏng máy, bị rớt nên theo dõi xem rơi tại đâu để báo đội Rescue đến cứu. Nhưng khi thấy tôi, thay vì rơi xuống biển, lại bình phi sát mặt biển và quẹo Nam về hướng về Cuba, ông ta nghi ngở tôi là "tên buôn lậu ma túy" nên thông báo thẩm quyền của Căn Cứ Navy đặt tại Key West để ra lệnh 3 phi cơ: Black Hawk, F.16 và AWACKS cấp tốc cất cánh để theo dõi chận bắt. Khi tôi tiến về Havana, Satellite Radar của Cuba phát hiện và Fidel Castro ra lệnh 2 Migs cất cánh sẵn sàng "dàn chào." Hoa Kỳ và Cuba từng hợp tác trong công tác ngăn chận buôn lậu ma túy nên phi cơ Mỹ và Cuba liên lạc nhau "hợp đồng tác chiến" để bắt tôi. Khi thấy rải truyền đơn, Phi Công Cuba cho tôi là "tên phản động từ phương Bắc đặc phái xuống phá hoại" định bắn hạ còn Phi Công Mỹ biết tôi thuộc "phe ta" nên tuyên bố: "Nếu quý vị bắn hạ chiếc Cessna, chúng tôi sẽ bắn hạ Migs quý vị!"Thực tế trên đầu tôi "Một cuộc đối đầu của hai thế lực lớn đang diễn ra gay cấn" trong khi tôi cứ "ù ù cạc cạc" lầm lũi bay đi, bay về như mù, như điếc không hề hay biết mình suýt chết hụt!

d. Biện Pháp Trừng Phạt: Tôi bị giữ tại taxiway Miami gần 5 gi mới được thả vì Bà Bộ Trưởng Tư Pháp Mỹ Janet Reno đi vacation và không để lại số điện thoại để liên lạc trong trường hợp khẩn cấp. Thẩm quyền Miami cuối cùng phải liên lạc Tòa Bạch Ốc để xin lệnh! Cái hên thuộc diện "Thiên thời" vì họ liên lạc đúng lúc Bill Clinton đang "rên mé đìu hiu" vì đòn "saxophone của cô Monica Lewinsky" nên Tổng Thống hỷ xả ra lệnh thả tôi. Nếu liên lạc được Bộ Trưởng Tư Pháp thứ 78 (12 Mar 1993 - 20 Jan 2001) chắc Bà đã ra lệnh tạm giam chờ xét xử ngoài điều kiện "tình nguyện trả lại Pilot's License" cho Cục Hàng Không Liên Bang bởi trong vụ vi phạm không phận Thái Lan, tôi còn bị kết án tới 7 năm 4 tháng tù!

(2) Phi Vụ Saigon1, 4/9/1992:

a. Kế Hoạch 1: Đột nhập Phi Trường Ubon Ratchathani đánh cắp máy bay.

Tôi đột nhập Phi trường Ubon lúc 9pm ngày 1/9/1992 (ngày Sinh Nhật) và dự trù mở máy phi cơ lúc 5am sáng hôm sau để bay về Sài Gòn đúng ngày 2/9 Cộng Khánh (tức Quốc Khánh Cộng Sản) nhưng do bình điện phi cơ A 37 yếu máy không nổ. Khi kéo máy điện bên ngoài mở máy lần nhì, máy bị ngột xăng, không nổ, khói bay mù mịt, ngột thở tôi phải "bỏ của (máy bay, kể cả bản đồ) chạy lấy người" và thoát thân dù sau đó Phi trường báo động đỏ, 6 trực thăng được điều động đổ quân cùng đội quân khuyển hùng hậu lùng bắt Lý Tống. (Xem bài "Ly Tong To Be Duly Punished" của AP đính kèm tường trình vụ đột nhập Phi trường Ubon.)

b. Kế Hoạch 2: Bốn ngày sau, tôi chuyển sang Kế Hoạch Không Tặc Airbus A310-200 của Hãng Hàng Không JES-AES (Bulgaria) bay thuê cho Hãng Hàng Không Việt Nam (xem thêm bàiMẹ chồng Tăng Thanh Hà từng là con tin của Lý Tống của Báo VC Dân Việt có nhiều chi tiết tại: http://danviet.vn/113328p1c30/me-chong-tang-thanh-ha-tung-la-con-tin-cua-ly-tong.htm).

Tôi yêu cầu Trưởng Phi cơ mở cửa sổ phòng lái để rải truyền đơn thì ông bảo: "Cockpit làm gì có cửa?" Tôi dẫn chứng chuyến bay TWA Flight 847 đã bị thành viên của Nhóm Hezbollah vàIslamic Jihad không tặc vào sáng thứ Sáu ngày 14/6/1985 trong đó Trưởng Phi cơ bị Không tặc bắt thò đầu ra cửa cockpit trong khi phỏng vấn (Xem tường trình chuyến bay TWA Flight 847 tại:http://en.wikipedia.org/wiki/TWA_Flight_847 và hình đính kèm) và bảo: "Cửa sổ mở tại đây!"TPC đành bấm nút để kính trượt bên phía Phi công phụ lộ ra khoảng trống rộng bằng nửa cửa kính xe hơi. Tôi đứng sau 2 Phi Công, ra lệnh Phi Công Trưởng bay dọc theo các trục lộ chính và Phi Công Phụ rải truyền đơn, và sau khi không thể nhảy dù qua cửa hành khách do bị gió thổi mạnh kẹt không mở được, tôi hỏi TPC còn cửa nào khác để nhảy vì "timed bomb" sắp nổ thì ông bảo: "Chỉ còn chỗ cửa anh vừa rải truyền đơn!" Tôi bảo: "Nhỏ quá làm sao chun ra lọt?" Ông hối: "Nhảy gấp dùm kẻo bomb sắp nổ!" Tôi trói Phi Công Phụ chung với các Chiêu Đãi viên Hàng không bên ngoài phòng lái rồi ngồi vào ghế của ông tìm cách chun ra. Khi thò đầu sát cửa sổ, tôi bất ngờ bị hút ra ngoài do áp lực trong ngoài phi cơ chênh lệch nhau. (Xem cửa sổ phi cơ A310-200 nơi Lý Tống bị hút ra khỏi cockpit và Phi Công TWA-Flight 847 thò đầu ra cửa sổ cockpit tại hình đính kèm.)

Tôi suýt bị hút vào động cơ bị nghiền nát thành cám vụn hay đập vào thành miệng động cơ "thịt nát xương tan." Do nhảy dù vào 7:30 pm trời tối và quay lộn mòng mòng không xác định được vị thế cơ thể nên khi kéo cần chữ D bật dù thì giây dù quấn trói chân, dù không mở và toàn thân phóng đầu lao xuống như mũi tên. (Có lẽ tôi mở dù trong vị thế "nằm ngửa" nên khi dù bật, giây dù mới quấn vào chân.) Tôi uốn cong người tay nắm giây dù, chân vùng vẫy cố thoát ra nhưng thất bại. Từ 7.000 feet tôi lao xuống dưới 1.000 feet ở tốc độ cao. Trong cơn tuyệt vọng, tôi nguyền rủa ông Trời: "Thượng Đế. Đúng là nhà ngươi chơi xỏ ta! Không lẽ đời ta kết thúc thối hoắc vậy sao?" Thật kỳ lạ, vừa dứt lời thì giây dù vuột khỏi chân và dù bật mở, thắng bớt tốc độ rơi. Sau một tiếng "bùm" lớn, tôi thấy mình đang đứng giữa ao rau muống nhỏ, 10 mét đường kính. Tôi mất hơn 10 phút mới rút chân ra khỏi lớp bùn sâu, đầu phải rướn lên để thở vì nước cao gần đến mũi, trong khi ngọn đèn pin của chủ nhà sát cạnh đang dọi phía mình tìm tòi. Sau khi chôn dù tại chỗ, bò suốt 4 tiếng đồng hồ qua các thửa ruộng ngập nước, quanh các khu nhà lác đác dọc đường để tránh các Đội Dân-Quân-Du kích được lệnh ruồng kiếm tôi tại khu vực quanh tọa độ Phi công báo cáo tôi nhảy dù. Cuối cùng gặp con sông rộng chừng 200 mét (sông Rạch Ông), tôi lội qua tránh xa vùng bị truy sát. Hai lần suýt bị chân vịt các tàu (buôn lậu?) tắt đèn chạy đêm chồm qua đầu.

Qua đến bờ sông đối diện, tôi leo lên chiếc ghe nhỏ để lên bờ cho sạch thì bỗng nghe tiếng hô lớn: "Ăn trộm ghe! Bắt thằng ăn trộm ghe!" Tôi phóng lên đường cắm đầu cắm cổ chạy nhưng người dân tại khu vực cảnh giác cao độ cũng ồ ạt phóng ra khỏi nhà rượt theo. Thấy bị 2 thanh niên trẻ đón đầu hướng trước mặt, tôi phóng vội xuống hồ nước mênh mông bên trái đường song song với sông Rạch Ông nằm bên phải. Ba thanh niên nhảy lên ghe nhỏ chèo rượt theo tôi. Tôi lặn đến khi hết hơi mới đội bèo trồi đầu lên thở. Và họ cứ tìm chỗ bèo nhô cao phóng ghe đến, dùng sào và chèo đập xối xả lên đầu tôi. Tôi lặn trốn tiếp. Đến lần thứ tư, họ không chỉ đập vào đầu còn dùng sào đâm vào ngực, mặt trúng kính cận làm rơi kính. Tôi lặn mò tìm được kính rồi trồi đầu lên đầu hàng để tránh nguy hiểm đến tính mạng. Khi kéo tôi lên ghe, họ ngạc nhiên thấy cách ăn mặc và dáng điệu của giới n "noble" nên hỏi: "Anh đâu phải ăn trộm. Vậy anh là ai? Làm gì ở đây?" Tôi nhanh tay móc passport cho họ xem rồi phịa chuyện: "Tôi là Việt Kiều từ Hoa Kỳ về. Tôi đi 'chơi gái' nhưng bị bọn ma cô trấn lột sợ quá, nhảy xuống sông bơi qua đây trốn chúng! Nhờ các anh dấu dùm, đừng làm lớn chuyện báo chí đăng xấu hỗ lắm!" Họ tin chuyện tôi nói nhưng vì vụ báo động quá ầm ĩ và hai tên công an phường vừa trờ Honda đến nên tôi phải lên xe về Phường 2 Quận Rạch Ông để ký báo cáo.

Tôi nảy ra ý định "chơi bạo" bằng cách đánh đầu vào mặt tên Công an ngồi sau mình cho y té xuống xe rồi siết cổ tên lái xe để cướp xe chạy trốn. Nhưng nghĩ lại nếu hành động như vậy sẽ có cuộc bố ráp lớn trong khi đến giờ phút đó họ không hề nghi ngờ về thân thế mình. Vậy chi bằng đút cho 2 tên Công an ít tiền lộ phí thì tốt hơn. Nghĩ thế tôi bèn móc túi lấy số tiền đang có và bảo: "Tôi còn khoảng 5 ngàn MK. Nếu các anh chịu thả, tôi sẽ biếu các anh một nửa!"Chính sự "hào phóng" bất tử nầy đã gây ra trở ngại mới. Do số tiền quá lớn gần 2 ngàn rưởi MK, họ bỏ tôi trong phòng một mình, bận rộn chia chát "chiến lợi phẩm" với nhau. Tôi ngồi một mình trên gác hai, cửa sổ mở rộng hướng ra vườn tối. Chỉ cần leo qua cửa, trèo xuống là thoát ngay, nhưng lại nghĩ khi họ trở vào cho ký biên bản không có mình lại sinh họa lớn . Tôi dùng dằng không có quyết định dứt khoát trong khoảng 20 phút thì điện thoại trên bàn trước mặt mình bỗng  reo inh ỏi. Tên Công an chạy vào nhấc điện thoại lên nghe. Miệng y bỗng há hốc vừa ấp úng hỏi: "Lý Tống hả? Dạ y đang ở đây!" rồi la lớn gọi đồng bọn bên ngoài: "Các đồng chí! Tên nầy là Không tặc! Trên Bộ vừa gọi xuống bảo các nơi phải khẩn cấp lùng kiếm tên không tặc Lý Tống, nhảy dù xuống Khu vực Cầu Hàng chạy thoát từ chiều đến giờ!" Cả bọn nghe tin dữ xông vào vây lấy tôi, koòng tay và chửi thề: "Mẹ! Vậy mà mình tin chuyện hắn đi chơi bời gặp nạn, suýt chút nữa cho hắn ký  biên bản, phạt chút đỉnh rồi thả!"

10 phút sau, một xe jeep từ Bộ Công an xuất hiện. Họ dẫn giải tôi đi Phòng Phản gián VC gần Bến Bạch Đằng, Sài Gòn giữa cảnh Đồng Bào tụ tập chen lấn trước Phường hiếu kỳ chờ xem mặt ông Không Tặc từ Hoa Kỳ trở về!

(3) Thần Hộ Mệnh Can Thiệp: Qua diễn tiến trên, bàn tay Thần Hộ Mệnh đã can thiệp cứu tôi như thế nào trong Phi Vụ Saigon 1?! Điều lạ đầu tiên là 2 cô Chiêu Đãi viên Hàng không đều có tên Thủy Tiên dù khác họ (Lê Hồng Thủy Tiên và Nguyễn Xuân Thủy Tiên). Tên họ như điềm báo trước hành trình trốn thoát của tôi toàn nhờ "tiên nước" phù hộ giúp đỡ từ chuyện rơi xuống giữa ao nước, lặn trong hồ nước và bơi qua dòng nước Rạch Ông trên đường tẩu thoát. Nguyễn Xuân Thủy Tiên định cư tại Úc Châu theo chồng trong khi Lê Hồng Thủy Tiên, sau vụ Không Tặc, được nổi tiếng và trở thành nữ diên viên Thủy Tiên thuộc "thế hệ vàng" của điện ảnh Việt Nam CS cùng với Việt Trinh, Lý Hùng, Diễm Hương, Lê Tuấn Anh... Lê Hồng Thủy Tiên hiện là một doanh nhân thành đạt quản lý 25 công ty gắn liền với các thương hiệu thời trang cao cấp và là mẹ chồng của Hà Tăng, một diễn viên và người mẫu nổi tiếng của VNCS.

Xem hình Lê Hồng Thủy Tiên đính kèm và hình 2 cô Thủy Tiên trước Tòa Án VC trong video ly tong ra toa p1 tại http://www.youtube.com/watch?v=HHkGFG3Nbm0 trong đó Lê Hồng Thủy Tiên mặc áo dài có hoa văn và Nguyễn Xuân Thủy Tiên mặc áo dài sậm màu (01:30 - 01:45).

a. Phi Cơ Không Nổ Máy: Nếu không trở ngại vụ mở máy phi cơ A 37 tại Phi trường Ubon, tôi đã bay về Sài Gòn và sẽ dùng phi cơ như một quả bom (vì tất cả phi cơ Thái tại Ubon đều không trang bị bom đạn) lao vào Kho Xăng tại Khánh Hội để gây một vụ nổ lớn, kích động dân Sài Gòn nổi dậy. Việc tôi dự định nhảy dù trước khi phi cơ đâm vào mục tiêu có thể đưa đến 2 hậu quả: Tôi bị bắn chết hoặc gặp tai nạn khi nhảy dù trong tình huống nguy hiểm. Nếu thoát chết và trốn được về Thái Lan, tôi sẽ bị Tòa Án Thái kết án 20 năm tội ăn cắp và phá hủy máy bay. Với án nầy, tôi phải ngồi tù Thái 12-13 năm tức tới năm 2005. Đây là thời điểm Thủ Tướng Thaksin Shinawatra đang ở thế mạnh và ông ta sẽ ra lệnh Tòa Thái chấp thuận yêu sách dẫn độ của VC. VC sau đó sẽ kết án tôi từ 20 năm trở lên tội ném bom Kho Xăng Khánh Hội gây bạo loạn nổi dậy và chắc chắn không quan chức Mỹ nào dám can thiệp vì hành động bạo lực này tương đương vụ 911 tại Mỹ. Như vậy tôi sẽ "rục xương trong tù" đến ngày già, bệnh và chết trong tù. Thần Hộ Mệnh không cho phi cơ nổ máy để tôi phải Không Tặc Airbus 310-200 nên mới được phóng thích năm 1998, chỉ 6 năm tù, vì VC cần bang giao và quy chế tối huệ quốc của Mỹ vào thời điểm nầy.

b. Đường Ngập Nước: Do đường đột nhập phi trường Ubon ngập nước nên chó nghiệp vụ K-9 không thể theo vết hơi người. Nếu không tôi đã bị bắt tại khách sạn trước khi trở về Bangkok thực hiện Kế Hoạch 2. Tội nầy luật Thái cũng kết án rất nặng và kết quả có thể tương tự trường hợp (1) kể trên. THM đã dẫn tôi đi theo con đường ngập nước thay vì đường khô ráo dễ dàng hơn trong công tác đánh cắp phi cơ đã cứu tôi khỏi bị K-9 đánh hơi bắt tại trận.

c. Cửa Sổ Phòng Lái: Cửa sổ cockpit chỉ nhỏ bẳng nửa cửa sổ xe hơi. Cứ thử ngồi vào ghế tài xế rồi chun qua của sổ xe đã hạ kính xuống sẽ thấy vất vả thế nào. Vậy mà khi bị "hút" qua cửa sổ trong khi đang ngồi chồm hổm kiểu "nước lụt" ống quyển chân lại không bị đập vào thành sắt phía dưới gảy đôi hay dù lưng không móc vào thành sắt trên đập tôi vào hông cockpit đến chết cũng là chuyện thần kỳ! Việc người tôi tự động duỗi thẳng rồi chui tọt qua khung cửa hẹp một cách gọn gàng chẳng khác nào THM đã giúp "bế ẵm" tôi qua cửa sổ trong phút nguy nan!

d. Dù Không Mở: Sau này được biết 2 Migs cất cánh cặp theo phi cơ bị không tặc và tất cả các loại súng phòng không và súng cá nhân tại Khu Cầu Hàng đã được lệnh bắn hạ khi tôi nhảy dù khỏi phi cơ. Nhờ dù vướng chân không mở, tôi đã rơi nhanh từ 7 ngàn bộ xuống đất trong bóng đêm đen nên không bộ phận nào phát hiện được tôi. Dù không mở là một phép lạ THM dùng để cứu tôi khỏi bị bắn chết trong khi đang lơ lửng giữa trời.

e. Rơi Vào Ao Nhỏ: Từ lầu 10 nhảy xuống đã nắm chắc cái chết. Dù bật mở khi tôi gần chạm đất với tốc độ cao thì việc rơi vào giữa một ao nhỏ có lớp bùn đáy rất dày làm đệm cứu tôi sống cũng là một "phép lạ" khác của THM vì nếu tôi rơi xuống bất cứ nơi nào trên mặt đất mênh mông  người tôi sẽ biến thành một đống bầy nhầy là điều không tránh khỏi. Chung quanh ao nước còn được cắm cọc sắt và rào kẽm gai. Chỉ cần rơi lệch dăm ba thước, thân mình tôi sẽ bị cọc đâm xuyên suốt từ dưới lên như xâu thịt nướng hoặc thịt da bị xé nát bởi kẽm gai rào quanh ao rau muống!

f. Nước Ngập Tới Miệng: Do bị rơi với tốc độ lớn, tôi bị cắm vào bùn rất sâu và phải mất trên 10 phút mới rút chân và người ra khỏi bùn trong khi nước ngập cao đến miệng và tôi phải ngửa đầu lên để thở trong suốt thời gian tìm cách thoát thân. Nếu mực nước cao thêm vài xăng ti mét, tức ngập đến mũi thì chỉ vài phút sau tôi đã tắt thở trước khi có thể thoát ra khỏi vũng bùn đang giữ chặt mình. Trong suốt thời gian 10 phút ngửa mặt nhìn Trời và nỗ lực rút chân ra khỏi bùn, tôi đối diện với Thượng Đế và cảm thấy điều huyền diệu đang xảy ra cho đời mình, nhận ra mọi chuyện như đã được bàn tay thần linh sắp đặt và tin tưởng thêm vào năng lực kỳ diệu của Thần Hộ Mệnh.

g. Bài Tính Sai Cứu Mạng: Tôi tính sai nhiều bước vào giai đoạn cuối của hành trình trốn chạy.

(a) Bơi Qua Sông Rạch Ông: Sau khi được xe Công an chở qua cầu Rạch Ông trở về Sài Gòn, tôi thấy quyết định bơi qua sông là hoàn toàn sai. Bởi mục đích của tôi là trốn về Sài Gòn để nghe ngóng tình hình. Như vậy sau khi bơi qua, tôi lại phải qua cầu trở lại. Nếu biết Sài Gòn ở sau lưng mình, tôi chỉ cần đi dọc theo bờ sông Rạch Ông tới lộ chính rồi quẹo phải là xong đâu phải lội sông rồi bị rượt đuổi và bị bắt sớm? Nếu Đồng Bào xuống đường theo hướng dẫn của Truyền đơn vào ngày hôm sau, tôi sẽ nhảy ra lãnh đạo cuộc nổi dậy. Nếu dân chúng bình chân như vại, xem như không có gì xảy ra, tôi sẽ đột nhập Phi trường Tân Sơn Nhất đánh cắp phi cơ bay trở lại Thái Lan và kết thúc sẽ bi thảm như phần (1) đã bàn.

(b) Các Nếu... Kỳ Lạ: Nếu tôi không leo lên ghe để lên bờ thì không bị nghi ăn trộm ghe. Nếu không có người ngồi trên bờ sông "tiểu-đại tiện bậy" vào giờ khuya khi mọi người đã đi ngủ, hoặc xem Tivi, hoặc ăn nhậu trong nhà thì không ai thấy tôi bơi qua sông, leo lên ghe để bị nghi "trộm ghe." Nếu tôi chỉ cho 2 tên Công an 1-2 trăm Mỹ Kim, chắc chúng đã không mất nhiều thời gian thảo luận chuyện chia chát số tiền khá lớn 2.500 MK với nhau và đã thả tôi sớm trước khi nhận cú điện thoại từ Bộ Công An gọi xuống. Nếu tôi "chơi bạo" tấn công hai tên Công an chở mình bằng xe Honda 2 bánh, hoặc leo cửa sổ đào thoát theo các giải pháp bất chợt nghĩ ra hoặc từ đầu, sau khi rải truyền đơn xong, tôi "đem con bỏ chợ," mặc dân chúng có xuống đường hay không, có ai lãnh đạo hay không, bắt Phi Công Airbus bay trở lại Thái Lan đáp thay vì nhảy dù xuống VN thì đoạn kết sẽ kết thúc tại Thái Lan rồi VN và tôi sẽ "mục xương trong tù" như đã trình bày phần (1).

Nói chung khi tôi tuyên bố: "Mưu sự tại Lý Tống, thành sự tại Đồng Bào" thì tôi muốn nói: Tôi mưu tính chuyện rải truyển đơn kêu gọi Đồng Bào nổi dậy, nhưng kết quả có Giải thể được Chế độ CS hay không là do Đồng Bào quyết định có dám xuống đường lật đổ CS hay không. Khi tôi nói: "Mưu sự tại Lý Tống, thành sự tai Thần Hộ Mệnh" tôi muốn ám chỉ việc tôi vạch kế hoạch lên đường, nhưng một trong ba hậu quả sẽ xảy ra: (1) Chết; (2) Bị tù hay (3) Trở về vinh quang là do Thần Hộ Mệnh quyết định bằng cách tạo ra những sự cố trái với dự định ban đầu qua các tình huống "Nếu" nói trên.

Khôi hài hơn là trước kia, vì quá ỷ y có Thần Hộ Mệnh "đỡ đạn" nên tôi đã từng lếu láo tuyên bố: "Bất cứ ai hại tôi đều bị Thần Hộ Mệnh trừng phạt" không ngờ kết quả đã xảy ra đúng y chang ý tôi. Đó là Thủ Tướng Thái Chuan Leepai. Sau khi ra lệnh giam tôi và truy tố ra Tòa thay vì Hero's Welcome như tại Miami, ông bị thất cử và từ đó vĩnh viễn biến mất khỏi chính trường Thái Lan. Thủ Tướng Thái Thaksin Shinawatra: Sau khi Tòa Sơ Thẩm chấp nhận yêu sách dẫn độ của VC, ông được VC chi thêm 3 triệu MK và năm 2006 sắp ra lệnh Tòa Chung Thẩm y án thì bị Quân Đội Thái đảo chánh lật đổ, bị án tù vắng mặt và nhiều tội danh khác, từ đó kết thúc sự nghiệp chính trường. Đảng Cộng Hòa cũng vậy, từ Lãnh Sự, Đại Sứ đến các quan chức dân cử của Đảng không ai quan tâm đến hàng ngàn Thỉnh Nguyện Thư Đồng Bào gửi nhờ can thiệp nên cùng năm đó, Thượng Viện và Hạ Viện Hoa Kỳ và đa số ghế Thống Đốc Bang rời khỏi tay Đảng Cộng Hòa. Cuối năm 2008, Đảng Cộng Hòa mất luôn cả Tòa Bạch Cung cùng hai Viện Thượng-Hạ như lời tiên đoán và trù ẻo của tôi.

Chỉ khi nào CSVN, kẻ hại tôi nhiều nhất so với những Nhân vật và Đảng phái trên, bị Thần Hộ Mệnh ra tay trừng trị đích đáng, lúc đó tôi sẽ tuyệt đối tin tưởng 1.000/100 vào Thần Hộ Mệnh của mình. Và khi nào THM không còn "linh" nữa, tức đã thực sự bỏ rơi mình, ngày đó, có nghĩa là mình đã thực sự hết thời và việc "rửa tay gác kiếm" hay biến mất khỏi cuộc đời tục lụy là giải pháp duy nhất và cuối cùng.


Mẹ chồng Tăng Thanh Hà từng là con tin của Lý Tống
(Dân Việt) - Một trong những con tin đầu tiên trong vụ cướp máy bay do Lý Tống thực hiện chính là mẹ chồng Hà Tăng, lúc đó đang là tiếp viên hàng không Lê Hồng Thủy Tiên.



Năm 1992, Lý Tống uy hiếp phi công máy bay A310 của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam bay qua TP.HCM rồi thả truyền đơn xuống kêu gọi nhân dân Việt Nam nổi dậy chống lại chính quyền. Lý Tống nhảy dù xuống và bị bao vây bắt giữ, chuyển giao lại cho công an; Lý Tống đã bị cơ quan chức năng Việt Nam bắt và kết án 20 năm tù vì tội cướp máy bay.

Một trong những con tin đầu tiên trong vụ cướp máy bay ấy chính là mẹ chồng Hà Tăng, lúc đó đang là tiếp viên hàng không Lê Hồng Thủy Tiên.

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao TP.HCM, Lý Tống nguyên là sĩ quan không quân chế độ Sài Gòn đã gây nhiều tội ác với nhân dân. Tháng 4.1975, Tống bị bắt làm tù binh, chính quyền đã cho đi học tập cải tạo nhưng với bản chất phản động và ngoan cố, y không chịu cải tạo thành con người lương thiện mà luôn muốn tìm mọi cách trốn đi nước ngoài nhằm chống lại cách mạng, chống lại nhân dân.




Bà Lê Hồng Thủy Tiên từng là con tin của không tặc Lý Tống


Chuyến bay kinh hoàng 


Để thực hiện ý đồ trốn đi nước ngoài, ngày 1.9.1981, Tống đã đột nhập sân bay Tân Sơn Nhất để cướp máy bay nhưng không thành.


Ngày 13.9.1981, y lại tiếp tục đột nhập sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng lại vào đúng nơi để máy bay hỏng nên không thực hiện được ý đồ đã định, Tống đã vượt biên theo đường bộ qua Campuchia, Thái Lan, cuối cùng định cư tại Mỹ.Trong thời gian ở Mỹ, Tống tiếp tục học lái máy bay và tập nhảy dù với mục đích sau này có thời cơ sẽ cướp máy bay về Việt Nam để gây tội ác.


Cũng chính trong thời gian này, Tống đã có ý thức chuẩn bị các dụng cụ cần thiết cho hoạt động chiếm đoạt máy bay như: dây dù (để trói người), dù, kìm, cưa sắt và mặt nạ dưỡng khí… Sau khi chuẩn bị các dụng cụ cần thiết cho hoạt động chiếm đoạt máy bay nhằm mục đích thực hiện ý đồ gây tội ác chống lại nhà nước CHXHCN Việt Nam, ngày 12.8.1992, Tống mua vé máy bay từ Mỹ về Bangkok, Thái Lan.


Tại đây, Tống đã vào sân bay Ubon để cướp máy bay A37 nhằm bay về TP.HCM với mục đích rải truyền đơn và nhảy dù. Nhưng khi vào sân bay Ubon, Tống không cướp được máy bay. Sau đó, Tống đã mua vé về Việt Nam vào ngày 4.9.1992 bằng máy bay A310-200 của Hãng Hàng không JES-AES (Bulgaria) bay thuê cho Hãng Hàng không Việt Nam.





Vợ chồng ông Johnathan Hạnh Nguyễn và bà Lê Hồng Thủy Tiên

Máy bay này có phi hành đoàn gồm 12 người, chỉ huy máy bay là Vitkow Tanas Styanov (công dân Bulgaria), chở 115 hành khách. Theo lịch trình mà Tống biết được, máy bay cất cánh tại sân bay Bangkok lúc 17 giờ (VN), đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất lúc 18 giờ 30.

Tống lên máy bay lúc 16 giờ 50 và có mang 2 túi xách tay, trong đó có dù, dây dù, truyền đơn và các thứ cần thiết khác. Để thuận tiện cho việc thực hiện chiếm đoạt máy bay, trước khi lên máy bay, Tống đã quyết định phải hành động trước khi máy bay tới TP.HCM 30 phút.


Đến 17 giờ 45 cùng ngày, khi hành khách bắt đầu dùng bữa ăn trên máy bay, Tống đã phát hiện trên khay đựng thức ăn có một con dao inox (là dao ăn của hàng không), y liền lấy cắp con dao này để làm vũ khí đe dọa khống chế. Đến 17 giờ 55, Tống trả khay đựng đồ ăn và chuẩn bị các động tác để hành động. 18 giờ 08, Tống bấm chuông gọi tiếp viên.

Nữ tiếp viên Nguyễn Xuân Thủy Tiên đưa nước uống đến chỗ Tống. Khi cô tiếp viên vừa quay đi thì lập tức bị Tống rút dây dù trong túi quàng vào cổ, một tay siết chặt, tay kia gí dao vào cổ cô tiếp viên và tuyên bố "không tặc".


Cô tiếp viên Nguyễn Xuân Thủy Tiên la lên một tiếng thì bị Tống đẩy vào phòng tiếp viên. Lúc này, trong phòng tiếp viên có Minov Chavdar Milehev cũng là tiếp viên, người Bulgaria. Lập tức, Tống đe dọa và dùng dây dù trói tay chân tiếp viên nam Minov. Sau đó Lý Tống bắt, khống chế Nguyễn Xuân Thủy Tiên và Minov nằm xuống sàn máy bay và buộc theo lệnh của y. Y nói nếu không sẽ cho bom nổ.


Cùng lúc này, tiếp viên Lê Hồng Thủy Tiên từ khoang dưới bước vào phòng tiếp viên để lấy tờ khai hải quan phát cho hành khách thì bị Tống dùng dây quàng vào cổ và dùng dao đe dọa buộc Lê Hồng Thủy Tiên phải mở cửa buồng lái.


Khi cửa buồng lái được mở, Lý Tống bước vào có mang theo 2 túi xách và tuyên bố với mọi người có bom, máy bay bị không tặc. Lý Tống buộc tổ lái phải làm theo sự điều khiển của y. Sau đó Lý Tống đẩy Lê Hồng Thủy Tiên ra khỏi buồng lái và đóng cửa lại. Lúc này, Tống vẫn cầm dao, dây dù và túi xách đồng thời đe dọa cả tổ lái là sẵn sàng cho nổ bom nếu không chấp hành lệnh của y.


Tống bắt tổ lái phải cho máy bay hạ thấp độ cao xuống 200 feet (khoảng 70m) và lượn vòng trong khu vực cấm của TP.HCM, bắt mở cửa buồng lái để y rải truyền đơn. Sau khi rải truyền đơn xong, Tống buộc tổ lái phải điều khiển máy bay, bay ở độ cao 7.000 feet (cao 2.333m) để y nhảy dù.


Khi máy bay đã lên cao, Tống buộc Minov phải mở cửa lên xuống bên trái máy bay để y nhảy dù. Lúc đó, lái trưởng Vitkov nõi rõ cho Tống biết việc mở cửa máy bay lúc này là hết sức nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho máy bay. Nhưng Tống vẫn bắt Minov phải mở cửa lên xuống bên trái máy bay.


Vì áp suất không khí bên ngoài máy bay rất lớn nên khi Minov mở cửa thì cửa máy bay bị vặn lại, không mở được. Tống chạy sang cửa bên phải để mở thì lập tức cửa cũng bị vặn xéo như bên trái. Lúc này, Tống cố chui ra nhưng không lọt người. Gió bắt đầu lùa vào máy bay rất mạnh, làm cho mọi người trên máy bay hoang mang, lo sợ.


Tống không có cách nào nhảy dù bằng cửa lên xuống được, y chạy ngay vào buồng lái, buộc lái trưởng để cho y nhảy dù qua cửa sổ buồng lái (là cửa vừa rải truyền đơn). Lái trưởng Vitkov buộc phải làm theo lệnh của Tống. Sau khi Tống nhảy dù ra ngoài, lái trưởng Vitkov mới điều khiển cho máy bay hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc 19 giờ 14. Khi nhảy dù xuống mặt đất, Tống bị người dân TP.HCM phát hiện bắt giữ.


Không tặc đền tội


Với những tài liệu, vật chứng thu được Tống đã phải thú nhận hành vi phạm tội tại CQĐT. Lời nhận tội của Tống còn được chứng minh bằng các lời khai của những người làm chứng như Vitkov lái trưởng và các tiếp viên Minov, Nguyễn Xuân Thủy Tiên, Lê Hồng Thủy Tiên, Lê Bá Tùng, Võ Hồng Nhật và Hing Chung Hung là hành khách cùng đi chuyến bay này.


Ngoài ra, còn có các tài liệu khác như: biên bản sự cố kỹ thuật xác định 2 cửa bị hỏng. Một số vật chứng thu được như: con dao inox, 1 sợi dây dù và băng ghi âm đối thoại giữa Tống và người lái.


Như vậy, hành vi chiếm đoạt máy bay của Tống diễn ra bắt đầu từ 18 giờ 15 đến 19 giờ 12. Trong khoảng thời gian 57 phút, tổ lái và nhân viên trên máy bay bị đe dọa, khống chế, mất hoàn toàn quyền điều khiển bình thường máy bay.


Tống đã buộc máy bay phải bay lượn trên khu vực cấm của TP.HCM là hết sức nguy hiểm. Tống còn buộc máy bay phải bay dưới độ cao an toàn tối thiểu (do Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO quy định), thậm chí ở độ cao quá thấp (200 feet - khoảng 70m) và như vậy có thể dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu máy bay bị va chạm.

Hành vi của Tống đe dọa cho nổ bom đặt trên máy bay còn gây tâm lý căng thẳng cho tổ lái, có thể dẫn đến việc xử lý các thao tác không đúng, gây hậu quả nghiêm trọng không thể lường hết được.


Tống buộc mở cửa máy bay trong lúc máy bay đang bay, quẳng đồ vật từ trên máy bay xuống và nhảy dù từ một máy bay chở khách…là một trong những hành vi vi phạm nghiêm trọng quy tắc bảo đảm an toàn trong khi bay.


Nếu không có sự đối phó hợp lý của tổ lái thì những hành vi nguy hiểm trên của Tống có thể gây ra một thảm họa chưa từng có trong lịch sử hàng không Việt Nam, không những đối với sinh mạng của 127 người trên máy bay mà còn cả tính mạng, tài sản của nhân dân TP.HCM.


Theo tài liệu giám định của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, hành vi chiếm đoạt máy bay của Tống đã gây thiệt hại cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam là 500.000USD và 7.000.000 đồng. Hành vi chiếm đoạt máy bay của Tống không những vi phạm nghiêm trọng đến pháp luật của Nhà nước CHXHCN Việt Nam mà còn vi phạm đến các quy định của công ước quốc tế về an ninh hàng không mà Việt Nam đã tham gia ký kết.


Với các căn cứ nêu trên và tính chất đặc biệt nghiêm trọng của hành vi phạm tội, Viện KSND tối cao quyết định truy tố ra trước Tòa xét xử theo thủ tục sơ thẩm đồng thời chung thẩm bị can Lý Tống về tội và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 87 BLHS nước CHXHCN Việt Nam.


Trong phần thẩm vấn của HĐXX, Lý Tống đã khai nhận đầy đủ hành vi phạm tội cướp máy bay của mình. Kiểm sát viên trình bày luận tội: Hành vi chiếm đoạt máy bay của Lý Tống đã hoàn thành. Tính nguy hiểm của hành vi phạm tội thể hiện ở chỗ: Bắt máy bay bay vào khu vực cấm có thể gây hậu quả không lường được.


Điều 48 Luật Hàng không dân dụng quy định: Máy bay chở khách không được nhảy dù. Nhảy dù rất nguy hiểm có thể làm máy bay mất thăng bằng. Dọa có bom có thể làm lái trưởng căng thẳng tinh thần. Kết thúc vụ án, Lý Tống bị tuyên phạt 20 năm tù nhưng đã được đặc xá vào tháng 9.1998.