Thursday, 12 December 2013

Lá thư lạ lùng của “quan tham” gửi những người hôi của

 Bùi Hải - 11/12/2013
 
 
 
Kính gửi hàng trăm “anh chủ, chị chủ” đã tham gia “Ngày Hội Hôi Bia” thành công rực rỡ ở Đồng Nai.
 
Em xin tự giới thiệu, em là Trần Văn Cạp, một cán bộ có vị trí “quan phụ mẫu” nhưng vẫn được gọi là đầy tớ, là công bộc, là "osin" của nhân dân. Vì là đầy tớ, nên em không nề hà gì việc Cạp: Cạp đất, Cạp sắt, Cạp đường, Cạp tiền, Cạp quà biếu…thậm chí Cạp cả giấy vệ sinh.
 
Sau nhiều năm tháng tủi nhục, những ngày này em đang sung sướng.
 
Nhưng nói đúng ra, cái ngọn lửa sung sướng ấy đã nhen nhóm cách đây vài tháng, khi được chứng kiến cảnh một người bị cướp ở TP.HCM, tiền lẻ rơi tung tóe xuống mặt đường. Chỉ chờ có thế, “các anh chủ, chị chủ nhân dân” mặt đỏ như gấc, lao vào tranh cướp như bầy gà chọi trên sới đấu.
 
Nhưng niềm vui ấy ngắn chẳng tày gang. Cách đây mấy tháng, chúng em đã run sợ lắm khi chứng kiến cả triệu người dân kiên nhẫn, trật tự  xếp hàng dài hàng km trong nhiều tiếng đồng hồ, để có thể được viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
 
Câu nói của ông Dương Trung Quốc lại càng khiến họ Cạp chúng em lo sợ bội phần: “Dường như cả dân tộc đang nắm tay nhau”.
 
Nếu lúc nào hàng triệu người cũng biết nắm tay nhau, nhường nhịn, yêu thương nhau, không chen lấn xô đẩy, không “tham lam” dù chỉ là một bước chân xếp hàng trước như thế, thì họ đủ sức đánh bại đế chế Cạp, vương triều Tham chúng em.
 
Nhưng hình như số chúng em chưa tận. Cái ngày cách đây hai tháng, chứng kiến các “ông bà chủ nhân dân” quần áo đầu tóc rũ rượi ra sức dẫm đạp nhau, chửi bới nhau chỉ để có được một miếng Shusi khuyến mại, thì lũ "osin", đầy tớ chúng em lại mừng rơi nước mắt.
 
Và đến ngày 4/12, thì cả họ Cạp chúng em ôm nhau khóc rống lên vì cảm động và sướng vui khi chứng kiến hàng trăm “anh chủ, chị chủ, ông chủ, bà chủ, em chủ, cháu chủ” biến vòng xoay ở Biên Hòa thành Ngày Hội Hôi Bia – lễ hội độc đáo nhất trên thế giới.
 
Tại sao chúng em mừng đến thế? Xin thưa, bao nhiêu năm nay bọn em đơn độc làm bia trên “trường bắn dư luận” của hàng chục triệu người. Họ gọi chúng em là “quan tham”, chứ có bao giờ bọn em được gọi họ là “dân tham” đâu. Các ĐBQH xỉ vả chúng em, báo chí xỉ vả chúng em và đôi khi một kẻ đeo mặt nạ trong số chúng em cũng giảng đạo đức để xỉ vả chúng em.
 
Nay, từ “dân tham” đã chính thức xuất hiện trên từ điển và báo chí. Nhìn những gương mặt rạng ngời của các “ông bà chủ” khi cầm lon bia trên tay, bọn em như trút được gánh nặng ngàn cân. Vài lon bia đã đủ sức đánh gục lòng tự trọng của anh chị như thế, thì thử hỏi nếu các anh chị được bổ nhiệm làm “đầy tớ cấp cao” như chúng em, đối mặt với bao của ngon vật lạ, liệu các anh chị có không Cạp?
 
Cạm bẫy lắm. Cả trăm ngàn đô la nó đập vào mặt, gái xinh chân dài tới nách, nách dài đến... vô cùng, nó ôm ấp, xoa xít, vỗ bồm bộp vào người, liệu lương tâm của các anh chị có “cứng” được nữa không? Khéo lại Cạp điên cuồng hơn chúng em ấy chứ.
 
Chúng em mừng vì đã có đồng minh Cạp. Phận "osin" như chúng em, cứ đợi “chủ nhà cơ chế” lơi lỏng, thì mới tranh thủ Cạp một ít. Mà chúng em cũng vẫn phải bảo vệ lẫn nhau để còn Cạp được lâu dài. Nhưng “ông chủ” các anh thì Cạp cả của những người đồng cảnh ngộ, kể cả khi người đó chỉ là một lái xe nghèo – người đã phải vái sống các anh van xin đừng Cạp nữa.
 
Em còn nhớ cô em mịn màng và sáng lóa Ngọc Trinh đã nói một câu rực rỡ như body và nội y của cô ấy: “Không có tiền thì cạp đất ra mà ăn à”. Thiếu miếng ăn thì đôi khi phải Cạp tiền. Tưởng là câu đó đúng 100% nhưng không phải. Trong Lễ Hội Hôi Bia, đã có người hăng say hôi bia dù “nhà mình có uống đâu mà mẹ lấy”. Không có nhu cầu uống bia mà vẫn Cạp bia, thế mới tài.
 
Mà không chỉ dân ta nhìn dân ta Cạp nhé. Còn gì phấn khởi hơn khi một Đài truyền hình xứ người – nước Nga – cũng đưa ra phát hiện to đùng: “Ở Việt Nam, rơi cái gì coi như mất!”.
 
Kính thưa các vị chủ! Lúc viết những dòng cuối cùng của bức thư cảm xúc này, chúng em vừa Cạp được một mẻ có giá bằng 100.000 thùng bia. Cạp trong khi nghĩ rằng mình có nhiều đồng minh, vui sướng lắm.
 
Nhưng không hiểu sao, em lại bắt đầu thấy lo lắng. Lo vì vẫn có “một anh chủ nhân dân” căng tấm băng rôn thay mặt người Đồng Nai xin lỗi. Lo vì vẫn có hàng triệu vị chủ khác cảm thấy nhục nhã và giận dữ thay những hành động trong Lễ Hội Hôi Bia. Có người còn gọi đó là Quốc nhục.
 
Chúng em biết, nếu số lượng “ông chủ” giận dữ với hành động hôi bia tăng lên, thì số “ông chủ” hôi bia sẽ giảm xuống. Điều này lại đe dọa đến sự tồn vong của họ Cạp chúng em và có thể đe dọa cả đến danh hiệu của cô em Ngọc Trinh nõn nà nữa.
 
Cho nên, trong vài ngày tới, chúng em thề, chúng em hứa, chúng em đảm bảo sẽ chi tiền hiến dâng các "ông chủ dân tham” vài vụ đổ bia, rơi tiền lẻ ra đường, ăn miễn phí Shusi…nữa để cho lực lượng “đồng minh tham” của chúng em đông lên theo cấp số nhân.
 
Em nghĩ, có đổ tóe mắm tôm ra đường, chắc cũng có nhiều người bịt mũi lao tới như tên bắn.
 
Và điều tuyệt vời nhất có thể xảy đến là, hôi được mắm tôm xong, khệ nệ bê về nhà, có người mới giật mình nhớ ra rằng mình không hề ăn được mắm tôm và thịt chó.

Kính bút
Trần Văn Cạp

Thói hôi của và sự xuống cấp đạo đức


Bia ở Việt Nam
Gần đây truyền thông liên tục bình luận hiện tượng người dân đổ xô cướp bia của một chiếc xe tải bị tai nạn ở Biên Hòa, coi đó là điểm nóng của sự xuống cấp trầm trọng về đạo lý, cùng với phản ứng bất bình, phẫn nộ, bức xúc, xấu hổ là người dân Việt nam hiện tại.
Chuyện này không lạ mà là chuyện thường ngày. Đa số các sự việc đã diễn ra tương tự cũng có những hành động hôi của tương tự.
Không chỉ việc hàng hóa bị cướp trong tai nạn giao thông mà các tai nạn khác cũng không tránh khỏi. Hỏa hoạn, cháy nhà, cháy chợ, rơi tiền.. đều bị hôi của mà không bị gọi là sự bất thường ở xã hội Việt nam vài chục năm trở lại đây.
Phải chăng phản ứng trên cũng chỉ là giọt nước tràn ly mà thôi.
Đa số người Việt nhận định vì dân trí thấp nên họ hồn nhiên phạm tội mà không biết, hồn nhiên bộc lộ những thói xấu của con người một cách cũng thật… hồn nhiên.
Nhưng không phải vậy, cuộc sống lo toan cơm áo hàng ngày, lo xa cho tương lai con cái trong xã hội bấp bênh về phúc lợi, khó khăn kinh tế, lo cho lợi ích bản thân quá nhiều so với cộng đồng nên thành nếp “văn hóa hồn nhiên”.

Nhiều kiểu hôi của

Một xã hội mà nhan nhản hành chính lộ, phí lộ, học lộ, xin việc lộ, thăng quan lộ, bệnh lộ… Thậm chí người có quyền hạn “hôi của” trên tai nạn người khác bằng những thủ đoạn lặp lại trong bệnh viện, trong xử lý hồ sơ… kể cả “hôi” hàng cứu trợ bão lụt, tiền từ thiện cũng rất hồn nhiên thì liên quan gì đến dân trí thấp.
Nhiều án tham nhũng quan chức bị phát hiện và xử án cũng chỉ là hiện tượng “trời kêu ai nấy dạ” chứ không có tính răn đe, không giảm, mà chỉ là bài học để những người đương quyền đối phó chặt chẽ hơn.
"Nếu biết xấu hổ về vụ cướp bia, thì còn nhiều thứ khác đáng để xấu hổ mà trong đó nhiều người lên án, phê phán, chê trách cũng đang thực hiện rất hồn nhiên hàng ngày."
Lý Phi
Những người có quyền, đang điều hành doanh nghiệp nhà nước thì biến những hóa đơn VAT thừa thãi ở xăng dầu, vật liệu xây dựng, chi phí khác… làm hợp đồng chênh lệch giá, biến thành tiền cá nhân mà không cần biết doanh nghiệp đó lời hay lỗ.
Việc mua bán bố trí chức vụ nhiều hơn mức cần thiết, lũy tiến điền vào chổ trống khi ai đó về hưu trong doanh nghiệp nhà nước, trong cơ quan hành pháp, xét cho cùng cũng là một sự “hôi của” rất hồn nhiên và gánh nặng nợ hoặc hoàn vốn này cũng dành cho cộng đồng gánh chịu.
Người ta thảo luận trên mạng cộng đồng hỏi xin việc này chức nọ với số tiền cụ thể và bao giờ hoàn vốn ngoài lương cũng rất hồn nhiên.
Thậm chí cái gọi là văn hóa bìa thư hàng ngày cũng trở thành hồn nhiên và còn được lèo lái là sự bôi trơn.
Vì vậy đừng đổ lỗi cho nhận thức hay dân trí mà nên nhận định việc làm xấu hổ đó đã thành một thói quen hàng ngày trong đời sống ở Việt nam hiện tại.
Nếu biết xấu hổ về vụ cướp bia, thì còn nhiều thứ khác đáng để xấu hổ mà trong đó nhiều người lên án, phê phán, chê trách cũng đang thực hiện rất hồn nhiên hàng ngày.
Một bài toán quá khó để thay đổi quốc nạn văn hóa đạo đức liên quan đến kinh tế của người Việt nam hiện tại.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Lý Phi, gửi cho BBC từ Hà Nội.