Thursday 23 January 2014

Ngô Nhân Dụng - Vươn lên từ Hoàng Sa, đòi quyền sống làm người

Trên mạng Bauxite Việt Nam có hai bài tường thuật những hoạt động tưởng niệm các chiến sĩ Hoàng Sa 74. Sinh hoạt ở Sài Gòn cũng là một thánh lễ, do Linh Mục Nguyễn Trọng Viễn cử hành tại Câu Lạc Bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình, cho nên không khí trang nghiêm và tương đối bình an.



Có những bài diễn văn tưởng niệm và tri ân 74 chiến sĩ Hải Quân Việt Nam bỏ mình vì nước, và xác nhận chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Linh Mục Lê Quốc Thăng, là con của một sĩ quan Hải Quân (tàu HQ 5) và cháu của hai sĩ quan tham gia chiến đấu trên HQ 10 trong trận chiến bi hùng năm 1974, đã kết thúc phần giảng lễ với lời nguyện: “Hòa bình không thể tách rời khỏi những đòi hỏi của công lý, được hỗ trợ bằng sự hy sinh, lòng khoan dung nhân từ và tình yêu thương của con người.”

Bà Ngô Thị Kim Thanh vợ cố Thiếu Tá Nguyễn Thành Trí, và bà Huỳnh Thị Sinh vợ cố Trung Tá Ngụy Văn Thà, hạm phó và hạm trưởng hộ tống hạm Nhựt Tảo cũng có mặt, sau buổi lễ có nhiều người đến nhà thắp hương trước bàn thờ cố Thiếu Tá Nguyễn Thành Trí. Ngoài ra, không thấy nhân vật nổi tiếng trong thời Việt Nam Cộng Hòa tham dự, mà lại có mặt những thi sĩ Nguyễn Duy, Hoàng Hưng, 40 năm trước đây họ vẫn sống ở miền Bắc và chắc không hề được nghe tin một quần đảo nước ta đã bị Trung Cộng cướp mất. Một số người miền Nam đã ủng hộ hoặc đi theo miền Bắc cũng có mặt, cho thấy trong lòng họ đã biến chuyển. Có thể nói, Sài Gòn đã tổ chức một buổi lễ rất hiền lành. Chỉ có Giáo Sư Tương Lai đưa ra một đề nghị khó xử cho chính quyền cộng sản: Phải sớm chính thức biểu dương lòng yêu nước của các chiến sĩ bảo vệ Hoàng Sa năm 1974. Chắc chắn đề nghị khiêm tốn đó sẽ không ai thèm nghe, nhưng ông Tương Lai đã quen với cảnh đó nhiều lần rồi.

Cảm tưởng của người đọc sẽ khác hẳn khi theo dõi diễn biến cuộc lễ tưởng niệm ở tượng đài Lý Thái Tổ, bên Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Huệ Chi mô tả đó là “một buổi sáng đầy kịch tính.” Bài tường thuật của ông làm nổi bật chất kịch, vừa bi kịch, vừa hài kịch!

Bi kịch bắt đầu khi những người biểu tình đến công viên thì thấy cái sân trước tượng Lý Thái Tổ đã bị chiếm mất rồi. Không ai có thể đem hương, hoa đến gần pho tượng (trông oai phong như một tài tử diễn vai ông hoàng đế phim Tàu, không thấy nét nâu sồng của ông vua xuất thân từ nhà chùa của dân Việt Nam). Cả hiện trường dự trù dùng làm nơi làm lễ tưởng niệm đã bị một nhóm “công nhân giả” chiếm, họ dùng máy cưa các phiến đá, bụi tung mù mịt khiến tác giả Nguyễn Huệ Chi nhìn từ xa tưởng đó là khói nhang! Ðứng giữa đám công nhân giả đó, là những công an mặc thường phục bắc loa thét vào tận tai những người biểu tình, lập đi lập lại chỉ có một câu: “Ðồng bào hãy giải tán ngay!” Họ thét lớn bên mang tai khiến nhiều người bật ngả ra phía sau. Bi kịch tăng dần cường độ khi có người chống lại. Nổi bật là blogger J.B. Nguyễn Hữu Vinh. Bị loa thét vào tai, anh Vinh “đứng thẳng ngay người lại, nghiêm trang lật chiếc mũ phớt xuống, vểnh tai lên và nói: “Nào cứ phát lên, phát to lên, tôi sẵn sàng nghe đây!” Thế là chú công an vác loa chịu thua. Nguyễn Huệ Chi kể: “Mọi người nhìn anh (Vinh) hân hoan, cứ như một Lệnh Hồ Xung đang hiên ngang lâm trận và chiến thắng!”

Qua màn hoạt cảnh trên, chúng ta thấy chế độ cộng sản nước ta muốn chống lại những người dân Việt yêu nước muốn bày tỏ lòng thành kính với các tử sĩ Hoàng Sa đã sử dụng hai chiến thuật chính. Thứ nhất là cưa đá. Thứ hai là thét loa. Chúng ta biết văn hào Aleksandr Solzhenitsyn đã nhận xét về đảng cộng sản: Họ cần hai thứ vũ khí, một là bạo lực đàn áp, hai là tuyên truyền dối trá. Nhưng không ngờ đảng Cộng sản Việt Nam lại áp dụng cả hai chiến lược đó bằng những phương pháp thực hiện “sáng tạo” như cưa đá và thét loa. Ðúng như Nguyễn Huệ Chi nhìn thấy: Họ đang tới bước đường cùng!

Trò giả mạo họ bày ra là cho một đám công an trá hình vác cưa máy tới cưa xẻ những tảng đá, lấy cớ cần “thi công cho kịp ăn Tết;” để chiếm khoảng không gian của người dân, những người chỉ tính đến thắp nhang, đặt hoa, khấn vái các anh hùng liệt sĩ bỏ mình vì nước. Tội nghiệp cho những tảng đá vô tội, bị đục khoét, lật lên, rồi cưa! Ai cũng phải nhớ đến câu “Ðá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt” Bà Huyện Thanh Quan viết khi qua thành Thăng Long, hồi 200 năm trước. Dưới chế độ cộng sản những hòn đá cũng không thể trơ gan được nữa. Chúng bị cưa, bị đục, để Ðảng Cộng sản tiến lên chủ nghĩa xã hội! Ðá còn như vậy, những thằng dân đen thoát sao khỏi?

Màn kịch biến sang giai đoạn bi hùng khi người dân hô các khẩu hiệu đáp lại. Nguyễn Huệ Chi tường thuật: “...những tiếng hô: ‘Ðả đảo bọn tay sai bán nước’, ‘Ðả đảo bọn tay sai của Tàu Cộng’ vang dội lên, muôn người như một chĩa miệng trở lại sát vào mặt kẻ cầm loa hô tiếp theo nhau, và dồn dập không ngớt,...” Và những biểu ngữ, vòng hoa viết: “Không được bán Hoàng Sa!” mặc dù việc bán buôn đã xảy ra từ năm 1958, với bức thư của Phạm Văn Ðồng. “Tẩy chay 16 chữ vàng và 4 tốt,” hoặc “Ðời đời nhớ ơn anh hùng Ngụy Văn Thà và đồng đội.” Người biểu tình đồng thanh hô các khẩu hiệu: “Hoàng Sa Trường Sa Việt Nam” và “Các liệt sĩ Hoàng Sa đời đời bất diệt! Bất Diệt!”

Nhưng bi kịch lên điểm cao nhất khi một đoàn các “diễn viên” xuất hiện. Trông họ khác hẳn các nhà trí thức, thanh niên Hà Nội. Họ mang “cái dáng lam lũ, lếch thếch, nước da đen sạm vì dầu mưa dãi nắng.” Ðó là những dân oan bị cướp đất, cướp ruộng, họ đem tới khẩu hiệu: “Dân Oan quyết tâm đòi Trường Sa, Hoàng Sa!” Họ cũng muốn tới khấn vong linh các anh hùng liệt sĩ giúp xóa bỏ những oan ức bất công đang đè nặng trên tấm lưng còm của một dân tộc. Một biểu ngữ viết: “Phong trào Dân Oan chi (sic) ân các anh hùng Trường Sa, Hoàng Sa.” Chữ TRI viết thành CHI, chứng tỏ tấm lòng chân chất của những người dân suốt đời lam lũ.

Một bà viết cả một thỉnh nguyện trên lưng tấm áo dài trắng, nét chữ in mầu đỏ như máu. Bà tự khai đủ tên họ: “Vũ Thị Hải, ở tỉnh Ninh Bình,” và viết “yêu cầu đảng Cộng sản trả lại quyền sống, quyền làm người cho dân oan chúng tôi!” Hai người đàn ông cùng nâng cao một khẩu hiệu, tự giới thiệu là Nguyễn Văn Toàn và Phạm Thiện Duyên, từ tỉnh An Giang tới, và họ tố cáo đích danh một tên cán bộ tham nhũng là Nguyễn Hồng Diệp.

Màn kịch tiếp theo lại mang tính chất hài hước. Cả đoàn người đến tưởng niệm Hoàng Sa và các dân oan kéo nhau qua bờ hồ, đi biểu tình; khiến cho cả đám công an bị bất ngờ, không kịp xoay trở để ngăn chặn. Họ bỏ cả cưa, cả đục, kéo nhau chạy theo dân, và cuối cùng phải dùng vũ khí thượng cẳng tay, hạ cẳng chân, đánh đập, bắt, trói, khóa tay. Những người bị đàn áp năng nhất là quý vị “dân oan lam lũ.” Khi đoàn biểu tình từ bờ hồ quay trở lại tượng đài Lý Thái Tổ, thì cả khu đất đã bỏ trống, lại hoàn toàn tự do vào thắp nhang!

Các tử sĩ Hoàng Sa năm 1974 chắc không ngờ rằng 40 năm sau, những hy sinh của họ đã mang lại những hệ quả bất ngờ: Họ trở thành những ngọn hải đăng dẫn đường cho dân tộc Việt Nam đoàn kết với nhau. Người Bắc cũng như dân miền Nam. Trí thức và nông dân. Tất cả đoàn kết lại, không những để tưởng niệm quá khứ mà còn vì muốn cùng hướng về tương lai. Lòng yêu nước thúc đẩy người dân Việt đòi xóa mối nhục Hoàng Sa. Vượt trên vấn đề cụ thể đó, người dân Việt còn đòi quyền sống, quyền làm người, trừ bất công, tham nhũng để được sống trong một xã hội sạch sẽ. Ðể tỏ lòng biết ơn các chiến sĩ Hoàng Sa năm 1974, Trường Sa năm 1988, người dân Việt đã đứng lên đòi quyền sống trong tự do dân chủ. Ðể cho thấy các thế hệ đi sau xứng đáng với những người vì nước vong thân.

Ông Nguyễn Huệ Chi chứng kiến cảnh “những người thấp bé mặt đen đủi, nhễ nhại mồ hôi” bị công an đánh đập, rồi cảnh “các bà dân oan mệt nhọc lê gót trở về.” Một bà đi qua chỗ tác giả và Giáo Sư Phạm Toàn, nhà phê bình Dương Tường đang ngồi nghỉ trên một chiếc ghế đá quay mặt ra Hồ Gươm, bà dừng lại than thở: “Các anh ơi, mẹ còn gì nữa đâu. Con mẹ chết trận, nhà mẹ chúng cướp rồi. Bây giờ mẹ lấy đường làm nhà đi khắp từ Nam ra Bắc. Gặp biểu tình đây thì mẹ tham gia thôi.”

Nguyễn Huệ Chi tự đặt câu hỏi: “Họ là mối đe dọa thực sự của Ðảng và Nhà nước đấy sao?”
Ðúng như vậy. Ðảng Cộng sản sợ nhất là những người dân lam lũ, đen đủi bắt đầu có ý thức. Họ biết rằng những hành động cướp ruộng đất tàn ác chỉ là hậu quả của một chế độ độc tài, bán nước, khinh dân. Muốn chấm dứt tham nhũng, bất công, thì phải xóa bỏ chế độ độc tài, xây dựng dân chủ tự do.

Nguyện xin hương linh các chiến sĩ Ngụy Văn Thà, Nguyễn Thành Trí và các liệt sĩ Hoàng Sa 1974, Trường Sa 1988 phù hộ cho dân tộc Việt Nam được sống tự do dân chủ.