Một đề tài không mới, tuy nhiên nó trở nên lạnh gáy những người dân Việt Nam suốt đời cần cù, làm không đủ ăn, tiết kiệm từng đồng bạc để mua thuốc chữa bệnh. Vậy mà sự lãng phí trong năm 2013 vẫn xảy ra như cơm bữa. Chưa nói đến chuyện tham nhũng, chưa nói đến chuyện các đại công ty nhà nước làm ăn văng mạng đút túi và đốt hàng ngàn tỉ đồng, chưa nói đến chuyện các quan lãnh lương hàng năm từ vài trăm triệu đến vài tỉ đồng, những con số ấy nói lên sự lãng phí kinh hoàng trong những năm vừa qua.
Dường như nhận thấy sự phẫn nộ của tuyệt đại đa số người dân nên ngành hành pháp và tư pháp VN dịp cuối năm vừa qua đã đưa ra khá nhiều bản án tử hình cho các quan tham, điển hình là vụ Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc bị tử tuyên án tử hình vào ngày 16 tháng 12- 2013 vừa qua.
Và để trấn áp tội phạm, những tên côn đồ cướp của giết người cũng bị tòa xử tử hình. Như vụ án chấn động dư luận vào năm 2012 “chặt tay cướp xe SH của chị Thúy” trên cầu Phú Mỹ đã khép lại với án tử hình dành cho Hồ Duy Trúc (SN 1993) - cầm đầu băng cướp.
Rồi chẳng biết có bao nhiêu quan tham bị ra pháp trường, bao nhiêu tên côn đồ mất nhân tính bị loại ra ngoài xã hội. Và những vụ án đó liệu có làm đến nơi đến chốn không và có đủ sức làm cho tình hình tham nhũng và tội ác bớt đi không. Điều đó còn phải chờ thời gian năm 2014 trả lời. Bởi còn nhiều “thủ tục”, còn nhiều con đường cho bọn gian ác có hy vọng giảm tội. Có dư luận cho rằng nếu Dương Chí Dũng có 5 tỉ bồi thường ngân sách nhà nước sẽ thoát tội tử hình. Chúng ta hãy chờ xem lần này pháp luật có được thực hiện nghiêm minh không. Cái cảnh dân ăn cắp vài con gà bị tù mút mùa còn quan to ăn hàng tỉ chỉ bị án treo vẫn tiếp diễn. Cảnh bị xử ép và quan tòa nhận hối lộ cũng thường xuyên xảy ra.
Đừng diễn lại những “vở tuồng cổ” nữa
Nhiều vụ án nghiêm trọng song tòa án vẫn vận dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ để làm cơ sở để cho án treo. Chẳng hạn, nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự... hoặc như câu ngạn ngữ từ ngàn xưa của ông cha ta để lại “đồng bạc đâm toạc tờ giấy” vẫn còn hiệu quả như lá bùa thần chú chạy tội.
Cái kiểu “giơ cao đánh khẽ” đầy bất công đó khiến người dân vô cùng ngao ngán. Niềm tin vào pháp luật đổ vỡ, tất nhiên dẫn đến nhân tâm ly tán, dân coi thường luật pháp. Vụ án mới đây bà Nguyễn Thị Xuân Đào ở Bình Đinh trùm quần lên đầu ông chánh án, cần phải suy nghĩ rộng ra rằng chẳng phải chỉ là trùm lên đầu một cá nhân mà là lên cả hệ thống pháp luật đấy. Không hiểu các vị thi hành luật có nhìn ra vấn đề này không. Nếu nhìn ra thì hy vọng năm nay các vị không còn diễn lại cái “vở tuồng cổ” kia nữa.
Trong bài này tôi không bàn đến những vụ án tham nhũng, chỉ bàn gọn đến những vụ lãng phí “khủng” mà người dân không thể biết, không có quyền kiểm tra và pháp luật hầu như cũng bó tay, đó là những vụ lãng phí diễn ra hàng ngày giữa thanh thiên bạch nhật và giữa những nơi gọi là trụ sở quốc tế ở nước ngoài. Những vụ này tiêu tốn của ngân sách quốc gia hay nói cho đúng là “ăn” vào mồ hôi nước mắt của người dân lương thiện è cổ ra đóng thuế. Hãy nhìn từ cấp thấp nhất đến cấp cao.
Quan làng, quan xã quá nhiều.
Mới đây, thông tin về tình trạng “lạm phát” cán bộ ở một số đơn vị chính quyền tại một tỉnh ở Đông Bắc được báo chí đưa rầm rộ đã khiến nhiều người không khỏi sửng sốt.
Chỉ nguyên một UBND phường Hồng Hải (TP.Hạ Long) có tới 475 cán bộ, còn UBND thị trấn Mạo Khê (huyện Đông Triều) có tới 639 "công bộc" hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước... Như vậy hàng năm, ngân sách phải chi gần 5,5 tỷ đồng để nuôi đội ngũ nhân sự trên của Mạo Khê.
Dư luận vẫn còn bàng hoàng về một xã có 500 trăm cán bộ ở tỉnh Thanh Hóa khiến Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phải có công văn khẩn báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Theo quy định của Trung ương số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách trong toàn tỉnh Thanh Hóa như sau: Cán bộ cấp xã là 6.648 người, công chức cấp xã là 6.552 người, người hoạt động không chuyên trách là 29.520 người, trong đó ở cấp xã là: 11.394 người, ở thôn là 18.126 người. Tổng số 42.720 người.
Tìm hiểu chi tiết các “ban bệ” ở cấp xã và nhân viên ăn lương nhà nước
Trái ngược với con số báo cáo (thường là rất đẹp và hợp lệ), một người dân có địa chỉ Trancaonnvn@yahoo.com đã liệt kê cụ thể những yếu tố hợp thành con số lớn gấp đôi được đưa ra trước đó:
“Sao theo báo cáo lại chỉ có 254 người? Còn theo tôi được biết thì Quảng Vinh có 494 vị hưởng lương và phụ cấp. Số cán bộ làm việc thường xuyên ở xã là 45 người, trong đó có 23 cán bộ chuyên trách và 22 cán bộ bán chuyên trách. Khối đoàn thể gồm có các tổ chức: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Nông dân, Hội Chữ thập Đỏ, Ban Liên lạc Thanh niên xung phong, Dân số, Hội Khuyến học. Theo ngành dọc, trên xã bao nhiêu chức danh thì ở dưới thôn có bấy nhiêu người, đoàn thể nào cũng có. Quảng Vinh có 15 thôn, tối thiểu mỗi đoàn thể và các ban có 2 người. 10 đoàn thể và các ban nêu trên, tính ra được 20 người hoạt động ở mỗi thôn.
Ngoài ra, ở mỗi thôn còn có những chức danh sau: Bí thư chi bộ (1), chi ủy viên (1), Trưởng thôn (1), Phó thôn (1), Công an viên (1). Tổng cộng có 5 người. Mỗi thôn còn có 1 tổ an ninh, ngoài công an viên đã liệt kê còn có thêm 2 người nữa. Mỗi tổ 3 người. 15 thôn, 15 tổ như nhau. Tất tần tật ở mỗi thôn có 27 người. 27 x 15 = 405 người. Đấy là ở thôn. Còn ở xã: ngoài 23 cán bộ chuyên trách, 22 cán bộ bán chuyên trách, xã Quảng Vinh còn có các bộ phận sau: Hội Khuyến học, Hội Chữ thập Đỏ, Ban liên lạc TNXP, Hội Người cao tuổi, Dân số. 5 ban, hội này không có trong Nghị định 92 của Chính phủ nên xã hợp đồng ngoài. Mỗi ban, hội 2 người, 5 x 2 = 10 người.
Xã Quảng Vinh có 3 bảo vệ hợp đồng ở UBND xã, tượng đài, trạm bơm, 1 cán bộ đài truyền thanh, 5 người ở trạm xá, 5 người ở trường mầm non. Tổng cộng có 14 người. Nếu cộng thêm 22 dân quân tự vệ, 45 người hoạt động thường xuyên (chuyên trách và bán chuyên trách ở xã) sẽ được 89 người. 405 + 89 = 494 người”.
Không chỉ có ở Thanh Hóa
Ban Nguyễn Mạnh Hùng chonphudu1990@gmail.com “bật mí” về một “chiêu trò” biến hóa các con số để “làm đẹp báo cáo”: “Không chỉ riêng Quảng Vinh có đến 500 cán bộ, mà còn nhiều xã khác của Thanh Hóa cũng như vậy. Toàn là cán bộ không chuyên trách của “anh em trong nhà”, nên khi có sự chỉ đạo từ trung ương là họ đồng loạt... thôi việc, ai biết đó là đâu nữa. Nếu ai có dịp về Thanh Hóa thì chắc sẽ thấy thực sự bộ máy chính quyền ở nhiều địa phương nơi đây không những đông mà còn có thái độ phải nói là thường rất hách dịch với dân....”
Và còn một vấn đề khác là chuyện người dân phải đóng đủ các loại “phí” vào các thứ quỹ như quỹ bảo vệ thủy nông, quỹ ủng hộ theo các cuộc vận động từ trên xuống, quỹ bảo vệ trẻ em, quỹ khuyến học thôn, quỹ người già, quỹ đất tăng thầu (nếu có) + thủy lợi nhỏ… câu chuyện khá dài dòng, ngoài đề tài, tôi không thể kể hết ở đây.
Quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi
Có một câu chuyện thuộc về lịch sử mà các quan cần học. Đó là, Phật Hoàng Trần Nhân Tông, sau khi nhường ngôi cho vua con Trần Anh Tông, ít lâu sau, từ Yên Tử trở về, liếc qua cuốn sổ ghi chép việc vua con phong quan, người đã cầm cuốn sổ đó vất ra giữa sân. Và thét lên, tiếng thét còn nhói đau cho đến tận bây giờ, dù 700 năm đã trôi qua: "Đất nước bé bằng bàn tay, quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi"(!).
Câu chuyện tiền nhân, đến nay dường như vẫn nguyên giá trị.
Nếu lực lượng cán bộ địa phương hùng hậu tương xứng với chất lượng phục vụ người dân và trình độ phát triển của địa phương thì còn có thể lý giải. Nhưng đông thì thấy, mà chất lượng vẫn chẳng thấy đâu. Thậm chí, phục vụ đâu không rõ, các quan địa phương có lẽ “nổi tiếng” nhiều hơn về năng lực “hành” dân. Sự việc dân phòng Phường 29 Q. Bình Thạnh đè đầu bóp cổ dân là một minh chứng rõ ràng nhất. Nhưng sau sự việc động trời đó, quan phường né trách nhiệm, cho 2 anh dân phòng nghỉ việc, thế là phủi tay, coi như không có chuyện gì xảy ra!
Còn khi có các vụ việc xảy ra tại địa phương, dư luận, báo chí hỏi cán bộ thì thường được đáp rằng chưa thấy báo cáo hay chưa biết. Thế nhưng, trong thực tế, người dân vẫn “truyền tai” nhau rằng, ví dụ chỉ nghe tiếng xe chở vật liệu đến đâu, một lúc sau đã thấy cán bộ phường có mặt “làm luật”. Một quán ăn mới mở giữa khu dân cư, dù có sai luật, các quan cũng hè nhau đến kiểm tra, nhưng cứ “chung chi” xong lại huề cả làng, dân kêu mặc dân, quán cứ mở, quan cứ ung dung qua lại làm ngơ.
Chi nhiều tiền để nuôi một bộ máy làm việc kém hiệu quả rõ ràng là một lãng phí quá lớn chẳng kém gì tham nhũng mà còn tiếp tay cho tham nhũng.
Cấp trên khổ vì đón khách, sướng vì đi “công cán” nước ngoài
Đó là những chuyện thuộc về làng xã. Lên đến cấp trên, sự lãng phí còn hơn thế nữa. Trong phiên họp trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương diễn ra trong 2 ngày 23 và 24-12 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh cho biết tỉnh này năm nay đã phải tiếp tới 70 đoàn công tác lớn nhỏ. Trong đó, có nhiều đoàn thanh tra, kiểm toán trùng lặp nhau.
Nào chỉ có đón tiếp, tỉnh An Giang còn phải lo tiền ăn, ở bổ sung, tiền vé máy bay cho không ít đoàn. Có đoàn tới công tác, làm việc hơn 1 tháng, thậm chí ròng rã 3 tháng trời. “Chi phí ăn ở, đi lại quá tốn kém, lãng phí” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chỉ biết than với Thủ tướng mà không tiết lộ con số này là bao nhiêu.
Đấy mới chỉ là con số của một tỉnh An Giang, hầu hết các tỉnh thành đều có nỗi lo này. Hết phái đoàn này về thăm, đến đoàn kia tới kiểm tra, trung bình mỗi đoàn có 5-6 ông, ông nào cũng chức tước đầy mình, nơi ăn chốn ở phải đàng hoàng “nghiêm chỉnh”, nhân viên lo phục vụ mờ người, rồi còn xe hơi con xe hơi to, trang trí hội trường và những “dịch vụ” linh tinh khác nữa. Tỉnh làm gì có nhiều ngân sách để cung phụng vào những khoản ấy. Và dù có cũng là tiền thuế của dân mà ra thôi. Còn không có thì tỉnh phải tự xoay xở dẫn đến chỗ buộc phải kiếm tiền bằng nhiều cách khác nhau, kể cả tham nhũng để “hợp thức hóa” những khoản chi vô tội vạ này. Và tham nhũng cũng lợi dụng kẽ hở náy để “hợp thức hóa” số tiền kiếm được. Dây cà ra dây muống, chỉ có dân chết.
Hàng ngàn đoàn đi công tác nước ngoài
Đó là tại cấp tỉnh, còn cấp trên nữa thì sao? Tại phiên họp nêu trên, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng nêu ra việc có quá nhiều đoàn đi công tác nước ngoài. Theo báo cáo, năm 2012 có tới 3.780 đoàn của các bộ, ngành đi nước ngoài, tức trung bình mỗi ngày có khoảng 6 đoàn xuất ngoại. Sang năm 2013, tuy có giảm song vẫn còn khoảng 2.300 đoàn ra nước ngoài với đủ mục đích khác nhau, từ thăm viếng cho tới học tập, “tham quan”...
Song, đó mới là con số thống kê từ các cơ quan đại diện Việt Nam của nước ngoài gửi về. Theo thống kê từ các bộ, ngành, địa phương thì con số này còn lớn hơn nhiều với 5.800 đoàn trong năm 2012 và 4.926 đoàn năm 2013. Theo Phó Thủ tướng phụ trách đối ngoại, nhiều nước bạn đã phản hồi rằng có nhiều vấn đề vừa trả lời đoàn Việt Nam này nhưng thời gian ngắn sau đó lại có đoàn khác sang hỏi câu tương tự.
Chưa có thống kê chi phí công tác trong và ngoài nước 1 năm tốn kém bao nhiêu song chắc chắn đó là con số không nhỏ. Nói cách khác, hằng năm, ngân sách vốn eo hẹp của quốc gia lại phải “cõng” thêm một khoản chi phí quá tốn kém, lãng phí.
Nghe báo cáo từ Bộ trưởng Minh, Ông Thủ tướng VN phải thốt lên: "Tôi thấy đi nước ngoài nhiều quá, nghe báo cáo thấy có đoàn Việt Nam đến người ta sợ. Rồi tham quan, giao lưu, tiếp khách,… chi phí vẫn quá lớn.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng kể lại: “Một sứ quán ở nước ngoài nói với tôi, trung bình mỗi năm đón tiếp 200-220 đoàn công tác từ Việt Nam sang, có đoàn tới 60 người. Những chuyến đi như vậy có cần đoàn đông đến thế không, chi phí tốn kém nhưng đã hiệu quả chưa”.
Đi nước ngoài để shopping, mua hàng giá rẻ
Bổ sung thêm thông tin quanh con số đáng giật mình nói trên, độc giả Trần Hồng Hải (honghai@....) viết:
“Tôi đã từng trong vai trò hoa tiêu cho một số đoàn nhà nước sang Châu Âu công tác. Sang tới nơi, lịch trình làm việc bị cắt giảm tối đa. Dành thời gian cho việc đi shopping, chủ yếu để tìm mua hàng hiệusale off và mua quà cáp, thuốc bổ, sữa, mỹ phẩm. Gần như không ai quan tâm đến công việc”.
Bởi vậy mới có chuyện, thành phần trong các đoàn công tác không phải khi nào cũng là các chuyên gia, cán bộ có năng lực cần được cử đi ra nước ngoài để mở mang tầm mắt, học tập kinh nghiệm để đem về áp dụng ở nhà. Không ít sếp nhà nước coi chuyện cử nhân viên ra nước ngoài học tập như một “đặc ân”.
Như độc giả Phan Văn Hòa (hoaphan@...) mô tả, thì ở cơ quan của bạn, hai phần ba thành phần trong các đoàn đi công cán trời Tây là “con cháu các cụ” hoặc những đối tượng sắp về hưu, coi như một “dạng” chính sách ưu đãi. “Nên trước khi đi không thấy ai trau dồi hay chuẩn bị gì về ngoại ngữ, chuyên môn, mà chỉ thấy lo đi đổi tiền, lo lên danh sách hàng hóa cần phải mang về”.
Đi công tác nước ngoái tốn kém bao nhiêu
Ban Nguyễn Huy Quang (quanghuy@....) phản hồi: “Đi nước ngoài nhiều nhưng không thấy học được cái hay của người ta để về áp dụng cho đất nước phát triển, thực ra các quan chức đi chơi và du lịch nhưng dưới vỏ bọc đi công tác và học tập kinh nghiệm. Vì tôi cũng làm trong nhà nước nên tôi biết”.
Ai cũng có thể biết chi phí của mỗi chuyến công tác không hề nhỏ.
Một bạn đọc ở địa chỉ dien@...đã mô tả chi tiết: theo “Quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức Nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách Nhà nước bảo đảm kinh phí” thì có tới khoảng 20 mục người đi công tác nước ngoài được thanh toán trong đó có 4 mục chính là vé máy bay. Cụ thể, tiền ở khách sạn (từ 60$ đến 85$ một ngày) , tiền tiêu vặt (từ 55$ đến 80$ một ngày) chưa kể tiền đi lại, tiền điện thoại…
Độc giả này nhẩm tính, nếu đi công tác châu Âu khoảng 1 tuần thì chi phí cho một người trong một tuần đã gần 2000$/người (khoảng trên 40 triêu đồng). Phái đoàn có 10 ông thì dân phải chi 400 triệu 1 tuần, nếu cù cưa kéo dài vài tuần là đi đứt hơn 1 tỉ đồng. Trung bình 1 ngày có 8 đoàn đi công tác nước ngoài, năm 2013 có 4.926 đoàn thì con số ấy một năm sẽ là bao nhiêu?
Nước bạn ghe thấy có đoàn VN tới thăm là người ta sợ rồi
Chưa có thống kê chi phí công tác trong và ngoài nước 1 năm tốn kém bao nhiêu song chắc chắn đó là con số không nhỏ. Nói cách khác, hằng năm, ngân sách vốn eo hẹp của quốc gia lại phải “cõng” thêm một khoản chi phí quá lớn. Đơn cử các địa phương, doanh nghiệp…, hằng năm phải đón tiếp biết bao đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… song hiệu quả thì cứ nhìn vào việc phát hiện tham nhũng, tiêu cực từ các cuộc thanh tra, kiểm tra này là thấy rõ. Bao vụ tham nhũng, tiêu cực chấn động như ở Vinashin, Vinalines, ngân hàng… khi vỡ lở mới thấy không có đoàn thanh tra, kiểm tra nào phát hiện. Vậy các ông thanh tra đến các nơi đó làm gì? Chỉ để ra oai rồi kiếm chỗ du hí thôi sao?
Thế nên, khi đã thành nỗi sợ của địa phương và cả nước ngoài - như lời ông Thủ tướng VN đã nói: “Có nước bạn nghe đoàn Việt Nam đến là người ta sợ rồi”!
Quan nước nghèo không chịu đi bay giá rẻ
Còn nhớ, năm ngoái, ông Đinh La Thăng - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu cán bộ dưới quyền đi xe buýt và cấm chơi golf, mới đây ông lại yêu cầu quan chức dưới quyền chỉ đi máy bay giá rẻ. Kết quả cuối cùng, chánh văn phòng Bộ Giao thông Vận tải mới đây thông báo, hai tháng sau lời kêu gọi đi máy bay giá rẻ của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Bộ này đã tiết kiệm cho ngân sách hơn 500 triệu đồng.
Tiếc thay, một sáng kiến như vậy lại “vấp phải sự im lặng” của các cơ quan đồng cấp. Người ta chưa thấy lãnh đạo của 22 bộ và cơ quan ngang bộ còn lại hưởng ứng!
Nếu chỉ tính số tiền tiết kiệm khoảng 6 tỉ đồng/năm X 22 bộ và cơ quan ngang bộ cộng với 8 cơ quan thuộc Chính phủ thì mỗi năm tiết kiệm cho ngân sách khoảng 180 tỉ đồng. Nếu kể tất cả số cơ quan thuộc Nhà nước, lãnh đạo 63 tỉnh thành và các ban ngành khác, số tiền tiết kiệm sẽ còn lớn hơn rất nhiều.
Trong khi đó chuyến đi của Thủ tướng đất nước giàu có Singapore cùng 11 quan chức sang Việt Nam dự hội nghị thượng đỉnh APEC chỉ tốn hơn 1.000 USD (chưa tới 110 USD mỗi người). Tiền vé máy bay do Bộ ngoại giao nước này đã săn vé giá rẻ trước đó vài tháng.
Tổng thống Pháp Francois Hollande đi xe lửa dự Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels hoặc nghỉ hè mà không phải là chuyên cơ được phục vụ tận răng. Ngay từ khi nhậm chức, ông đã yêu cầu các bộ trưởng đi công tác bằng xe lửa, đi vé máy bay hạng thường.
Các quan nhà nghèo VN nghĩ gì, học được gì về thái độ này?
Chẳng biết sang đến năm 2014 có “chấn chỉnh” được không hay là cứ cái thói quen ấy, cứ cái tục lệ ấy như cỗ xe trên đường lao dốc không phanh. Mong rằng sang năm mới, đất nước sẽ không còn xấu hổ vì những quan chức đi “tham quan” nước ngoài.
Văn Quang – 03-1-2014