Tuesday, 4 February 2014

Huyền Thoại Về Tượng Thương Tiếc !!? - Trần Công Nhung

Mô đt l chôn vùi thân bách chiến
Máu anh hùng nhum thm lá c Nam
(Truy Điu/TVBQGVN/ĐL.)
___________________________

NGHĨA TRANG QUÂN ĐỘI BIÊN HOÀ
Huyền Thoại Về Tượng Thương Tiếc !!?
Trần Công Nhung

Chuyện hiển linh xưa nay không hiếm, nhưng những huyền thoại về Tượng Thương Tiếc, sống động như chuyện đời thường, chuyện hàng ngày trước mắt, khiến cho ai nghe cũng cảm động nghiêng mình kính cẩn và hết lòng thán phục.

Huyền thoại về Tượng Thương Tiếc được lan toả khắp nơi và khá nhiều chuyện tình tiết khó hiểu:
- Các xe chở rau từ Đà Lạt về khuya thường gặp một người lính ra chặn xe xin mua rau, khi tới bến kiểm lại tiền chỉ thấy toàn là tiền vàng mã.

- Một chuyện khác xảy ra ở Biên Hoà, vào một buổi sáng, có một quân nhân đặt mua bánh mì khá nhiều, khi giao hàng cho người quân nhân ra về, người chủ cất tiền vô tủ, đến lúc cần tiền lấy hàng, mở tủ ra chỉ thấy toàn tiền vàng mã, trong khi đó mỗi mộ ở nghĩa trang đều được cúng một khúc bánh mì…

- Có một cụ già ở chân núi Châu Thới, đêm nọ trời đã khuya, cụ nghe tiếng gọi ở ngoài xin nước uống. Khi đem nước và đèn ra cho người xin nước, thoạt đầu cụ tưởng như những lần quân đội hành quân vào xin nước. Nhưng khi người lính uống xong, ngẩng mặt lên cám ơn ra đi thì cụ chợt sửng sốt, tự nghĩ “sao lại có người lính giống Tượng Thương Tiếc đến như thế?”. Sáng hôm sau cụ già ra nghĩa trang để kiểm lại, cụ nhận thấy mặt mũi vóc dáng anh lính xin nước tối qua y hệt pho tượng Thương Tiếc, vết sình non hãy còn dính đầy đôi giầy trận, cụ cho rằng đêm qua bức tượng đã hiện thành người. Cụ về thuật lại với bà con ở Suối Lồ Ô, một người đi xem rồi về đồn mười, đồn trăm… lan khắp cả Thủ Đức, Tân Vạn, Biên Hoà, đổ nhau đi coi tượng đài Thương Tiếc làm xe cộ kẹt cứng cả một quãng đường trước cổng nghĩa trang.

- Một chuyện khác, những đêm trăng, những đêm mưa gió trở trời hiu hắt, dân chúng xung quanh vùng nghĩa trang có người nhất quyết chính mắt họ trông thấy người lính giống hệt Tượng Thương Tiếc đi lại trên xa lộ!

Chuyện huyền bí lan truyền rất nhiều trong dân chúng và trong Quân Đội. Một số sĩ quan yêu cầu Chuẩn Úy Thường Vụ Chung Sự Nghĩa Trang cho biết những gì thật sự mắt thấy tai nghe, Chuẩn Úy Thường Vụ Kể:

“Nhân một hôm đi Chợ Tam Hiệp sắm đồ giỗ ông già, khi mua xong, tôi cho tài xế đem về nhà trước. Tôi ghé thăm các bạn ở Tam Hiệp và mời họ đến nhà ăn giỗ ngày hôm sau. Khi về, trời sẩm tối, đến cổng nghĩa trang, tôi nghỉ chân dưới bức tượng. Không biết cao hứng thế nào, trước khi lội bộ về nhà, tôi nhìn lên tượng, và nói với giọng điệu cố hữu của một Thượng Sĩ đại đội:

- Ê mày, mai giỗ ông già tao, mày có rảnh ghé nhà tao 2 giờ chiều nhậu chơi.

Nói xong tôi bước về nghĩa trang vì tôi ở phía sau khu nhà phục dịch chung sự. Tám giờ sáng hôm sau, việc cúng giỗ bắt đầu và tiệc nhậu kéo dài đến một giờ chiều. Tiễn khách ra về xong, tôi đi ngủ, phần vừa say, phần vì đêm qua thức khuya. Trong giấc ngủ chập chờn, tôi nghe tiếng gõ cửa ầm ầm. Nhà cửa rung rinh, tôi giật mình la to:

- Ai phá nhà tao đó?

Tiếng gõ cửa vẫn không dứt, tôi bực bội đứng dậy mở cửa, tôi sửng sốt, thấy Tượng Thương Tiếc đứng chình ình trước cửa và nói:

- Chuẩn Úy Thường Vụ Bê bối quá, kêu hai giờ chiều đến nhậu, nhưng ông nằm say sưa ngủ tôi nhậu với ai?…

Tôi hoảng, đóng sập cửa lại, không dám ngó ra ngoài. Tôi nghe tiếng cười khằng khặc và bước đi rung rinh nhà, tiếng chân xa dần rồi im bặt”.

Thiếu Tá Chỉ Huy Trưởng Đại Đội Chung Sự Nghĩa Trang Biên Hoà kể trường hợp ông gặp Tượng Thương Tiếc ngồi sau xe Jeep của ông:

“Khi chạy xe vào Nghĩa Trang, tôi hay dừng lại, đón những binh sĩ đi bộ từ cổng vào, cho họ đỡ mỏi chân. Một buổi trưa, ăn cơm xong, trở lại làm việc, lúc tới cổng nghĩa trang, tôi dừng xe đón một Hạ Sĩ xin quá giang. Lúc anh ta ngồi vào phía sau, tôi bắt đầu rồ ga, sang tay số tiếp tục chạy vào trong. Rồ ga hoài mà xe không tiến thêm một tí nào… Tôi quay ra, định nhờ anh lính xuống đẩy giùm… thì thấy bức Tượng Thương Tiếc đang ngồi phía sau. Tôi chưa kịp phản ứng gì thì có tiếng nói cất lên:

- Xe jeep Thiếu Tá sao chở nổi tôi…

Tiếp đó là một tràng cười khằng khặc, đồng thời bức tượng cũng biến mất”.

Vị Thiếu Tá còn kể tiếp:

“Nghĩa trang ở trên đồi vào tháng mưa cỏ mọc um tùm nên phải thuê người vô cắt cỏ. Trong lúc một cô đang cắt cỏ, có một anh binh sĩ đến tán tỉnh, vì quen với lối trêu chọc của lính nên cô chẳng thèm quay lại xem hình dáng người tán tỉnh mình là ai. Cô nghe tiếng người lính hỏi:

- Cô có biết tôi là ai không?

Cô gái vẫn cắm cúi làm việc và trả lời:

- Ông là ai, kệ ông chứ mắc mớ gì tôi…

Bỗng cô gái nghe một tràng cười ngạo nghễ từ phía sau và những bước chân thật nặng nề rung chuyển cả đất. Bấy giờ cô mới quay lại, thấy bức tượng đài kỷ niệm đang đứng trước mặt. Cô la hoảng, chạy vào khu làm việc, kể lại sự tình vừa xảy ra cho tôi nghe, đồng thời cô cũng xin nghỉ việc ngay ngày hôm đó…”

- Một chuyện khác: “Vào giữa một đêm trăng mờ năm 1968, một chiếc xe đò chở đầy hành khách từ miền Trung về, khi tới xa lộ còn cách nghĩa trang quân đội 500 thước, viên tài xế bị ngủ gật nên thắng gấp, khiến bánh xe trợt một đoạn dài, rồi lật nghiêng. Trong lúc mọi người đang khóc than, đang tìm cách đập vỡ cửa kiếng chui ra, thì chợt có tiếng nói vang lên:

- Xin đồng bào bình tĩnh... xin đồng bào bình tĩnh... ai đâu ở đó... đã có lính nhảy dù đến cứu bồ.

Tiếng nói vừa dứt thì xe được đẩy lại dựng đứng như cũ, anh tài xế cùng lơ xe và khách vừa mở cửa ra ngoài, vừa hết lời khen sức mạnh ghê gớm của đại ân nhân. Thế nhưng mọi người chỉ thấy ân nhân dáng người cao lớn đứng sừng sững bên kia đường, rồi ông ta bước từng bước rất dài về phía trước. Tới trước cửa nghĩa trang quân đội thì biến mất. Anh tài xế bỗng la thất thanh, chỉ vào Tượng Thương Tiếc:

- Bà con ơi... ổng đó... ổng đó... Trời ơi... trời ơi... ổng hiển linh cứu bà con mình.

Thế là mọi người vội leo ngay vào trong xe, rồi ai nấy đều chắp tay lạy... đều đọc kinh râm ran... cả kinh Phật lẫn kinh Chúa”.

- Chuyện Tượng Thương Tiếc cứu người bị cướp: “Vào lúc 10 giờ tối tháng 3 năm 1969, có hai cặp tình nhân đi trên hai chiếc Honda ra xa lộ hóng gió, gần tới nghĩa trang thì bị ba chiếc khác chở 6 thanh niên tóc dài ép té bên đường. Liền sau đó 3 tên ngồi phía sau nhảy xuống dùng dao uy hiếp khổ chủ để cướp xe và lấy tiền. Trong lúc bọn cướp cạn đang trói các nạn nhân, thì bỗng có tiếng hét lớn trên đầu dốc:

- Chớ làm càn... chớ làm càn.

Rồi liền đó xuất hiện ở giữa đường xa lộ một bóng đen... Bóng đen khệnh khạng đi tới, một tên cướp hoảng hốt gào lên:

- Ối giời ơi... ma ma, chạy... chạy...

Thế nhưng không làm sao chúng chạy được, cứ thế đứng sững như trời trồng, bóng đen hai tay xách bổng hai chiếc Honda bỏ bên vệ đường, vừa lúc đó có bốn chiếc xe chạy đến, một xe Cảnh Sát đi tuần, một xe Jeep của bốn quân nhân nhảy dù, trên có một Trung Tá, còn hai xe kia là du lịch. Thấy chuyện lạ, các xe ngừng hết lại. Dưới bóng tối mờ mờ mọi người thấy trên đỉnh dốc có một bóng đen đứng hiên ngang lừng lững. Khi rõ chuyện, Cảnh Sát đến chỗ bọn cướp, đứa nào đứa nấy cứ như bị điểm huyệt. Một người lớn tiếng hỏi:

- Còn ai đứng ở trên kia đó...

Một tràng cười vang lên, rồi một giọng như sấm động...

- Cố gắng, Nhảy Dù... cố gắng.

Như hiểu ra chuyện, vị Trung Tá Nhảy Dù trấn an mọi người:

- Không sao đâu, pho tượng Thương Tiếc đi tuần thôi.

Sau đó ông vẫy tay la to:

- Về nghỉ đi em, khuya rồi... Nhảy Dù...

Bóng đen bỗng đứng nghiêm giơ tay chào:

- Cố gắng... Tuân lệnh Trung Tá”.

Tôi chợt nhớ một đoạn trong bài học thuộc lòng thời xa xưa:

Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông
Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước.
Họ là kẻ tự nghìn muôn thuở trước
Đã phá rừng, xẻ núi, lấp đồng sâu
Và làm cho những đất cát hoang vu
Biến thành một dãy sơn hà gấm vóc!

Chuyện hiển linh xưa nay không hiếm, nhưng những huyền thoại về Tượng Thương Tiếc, sống động như chuyện đời thường, chuyện hàng ngày trước mắt, khiến cho ai nghe cũng cảm động nghiêng mình kính cẩn và hết lòng thán phục. Sống nằm gai nếm mật bảo vệ quê hương, chết hồn thiêng còn hiện về giúp người hoạn nạn… Dù có bị làm nhục phỉ báng cũng không quên vai trò của người lính chiến.

Trần Công Nhung