Tuesday, 11 February 2014

Message from Thich Quang Do to the FIDH-VCHR Conference


Message from Thich Quang Do to the FIDH-VCHR Conference on "Banned Civil Society Voices" at the United Nations in Geneva on Tuesday 4 February 2014.

“Thưa quý liệt vị,
“Thật là hân hạnh cho tôi phát biểu hôm nay tại LHQ. Tôi tên là Thích Quảng Độ, Tăng sĩ Phật giáo ở Việt Nam. Tôi lấy làm tiếc không có mặt cùng quý vị – tôi hiện bị quản thúc tại Thanh Minh Thiền viện ở Saigon. Thông điệp này được thu băng bí mật, và nhờ sự dũng cảm của nhiều người mới đến tay quý vị trong cuôc Hội luận hôm nay.
“Ngày mai, Việt Nam sẽ được xem xét lần thứ hai trước Hội đồng Nhân quyền LHQ. Quý vị sẽ nghe báo cáo của chính quyền Việt Nam. Tuy nhiên quý vị sẽ không nghe được tiếng nói của các nạn nhân. Nên hôm nay tôi muốn nói lên cho những tiếng nói bị khóa miệng tại Việt Nam chỉ vì họ bất đồng chính kiến hay tôn giáo.
“Tôi là một trường hợp đặc thù. Tôi đã trải qua ba thập niên dưới nhiều hình thức cấm cố – 10 năm lưu đày, 7 năm trong tù ngục rồi sau đó bị quản thúc không lý do.”
“Tôi bị tội gì đây ? Chỉ vì kêu gọi Việt Nam tôn trọng các quyền mà người dân phải được tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự hội họp, tự do tôn giáo và tín ngưỡng”.
“Khi tôi bị quản chế ngay sau khi ra tù, tôi tự nói “Mình đang rời nhà tù nhỏ để bước vào nhà tù lớn”. Bây giờ đây tôi sống như tên tù ngay trong chùa viện của mình. Ngòai cổng chùa, công an theo dõi ngày đêm, điện thoại của tôi bị ghi âm và tôi không có quyền đi lại. Nhiều người đến thăm tôi bị sách nhiễu hay ngăn chận. Tôi không được quyền thuyết pháp. Tháng giêng vừa qua, người phụ tá tôi là Hòa thượng Thích Chơn Tâm bị tấn công và công an ra lệnh phải rời Saigon. Nhà cầm quyền Việt Nam cô lập tôi toàn diện, cắt đứt mọi liên lạc tôi với thế giới bên ngoài, và quyết liệt khóa miệng tôi.
“Dưới bất cứ hoàn cảnh nào, mất tự do là không thể chấp nhận. Bị quản chế không lý do, bị cô lập mà chẳng biết ngày nào được tự do, là hình thức tra tấn khủng khiếp nhất cho tâm thần và thể xác. Tôi sống như vậy từ 10 năm qua.
“Nhưng tôi không cô đơn. Tại Việt Nam ngày nay, hàng trăm nhà bất đồng chính kiến và các nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền là đối tượng cho sự tra tấn vì bị quản thúc không thông qua tòa án xét xử. Việt Nam vừa ký kết Công ước LHQ Chống Tra tấn. chúng tôi hy vọng đây là bước tiến mới. Nhưng trọng thực tế chẳng có gì đổi thay.
“Vì sao Việt Nam khổ công bịt miệng chúng tôi ? Ấy là bởi vì chế độ Cộng sản không khoan nhượng với bất cứ phê phán nào đối với Đảng độc tôn. Kể từ cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Phổ quát lần thứ nhất trước đây, Việt Nam hứa hẹn thực thi nhân quyền. Nhưng trái lại, Việt Nam tung chiến dịch leo thang đàn áp như chưa từng các nhà bất đống chính kiến, và những ai phê phán chính quyền. Các bloggers trẻ, nhà báo, những người đấu tranh bảo vệ quyền công nhân, quyền phụ nữ và thiếu nhi đã không ngừng bị sách nhiễu hay bị giam cầm chưa từng thấy xưa nay.
“Cuộc đàn áp cũng nhắm vào các cộng đồng tôn giáo. Bất cứ ở đâu trên thế giới này, tự do tôn giáo đều quan trọng – được ghi rõ tại điều 18 trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, cũng như trong Hiến Pháp Việt Nam. Là quyền không thể chối bỏ, ngay cả trong thời chiến. Trong hoàn cảnh không hiện hữu những đảng phái chính trị đối lập, các công đoàn tự do hay các tổ chức phi chính phủ độc lập, các tôn giáo là những tiếng nói trọng yếu cho xã hội dân sự, nói lên nỗi bất bình của nhân dân và áp lực cho sự cải cách.
“Là người lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, hiện không được nhà cầm quyền thừa nhận. Tôi không chỉ kêu gọi riêng cho tự do tôn giáo, mà còn cho quyền dân chủ đa nguyên, quyền ra báo độc lập, quyền được tự do biểu tình, quyền được biểu tỏ ý kiến của mình mà không phải sợ hãi. Tôi đã từng kêu gọi hủy bỏ án tử hình, bình đẳng xã hội, và chấm dứt cơ chế “hộ khẩu” hiện được sử dụng để phân biệt đối xử và kiểm soát dân. Tôi sẽ còn tiếp tục áp lực cho quyền con người và tự do, dân chủ cho Việt Nam, dù phải trả bất cứ giá nào.
“Ngày mai là cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Phổ quát. Tôi thúc đẩy quý liệt vị hãy làm áp lực cho những cải tiến cụ thể, như phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và các tôn giáo khác không được thừa nhận, trả tự do cho tất cả các tù nhân tôn giáo, tù nhân chính trị, và hủy bỏ vĩnh viễn hành xử tùy tiện quản chế người không thông qua sự xét xử của tòa án”.
Tăng Thống Thích Quảng Độ
Thanh Minh Thiền Viện ở Saigon
Ngày 1 tháng 2 năm 2014